Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: TRÁI TIM NHÂN HẬU

TRÁI TIM NHÂN HẬU 12 years 2 months ago #2470


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Truyện ngắn.

TRÁI TIM NHÂN HẬU
bocon2.jpg


Căn nhà ở cuối xóm, xóm ve chai như mọi người thường gọi. Mấy chục hộ dân đều sống nhờ ve chai: mua và lượm ve chai. Duy nhất một hộ không dính tới ve chai, đó là ông giáo Bài và người con tật nguyền của ông.

Ông giáo tới cất nhà ở xóm này khi nó còn là một khoảng đất thấp, cỏ hoang mọc đầy. Ngày ông về đây, đứa con trai mới năm tuổi. Bây giờ anh đã ba mươi hai. Ông giáo dạy cấp một ở một trường ngoại ô. Ngày ngày, ông vẫn đi về trên chiếc xe đạp cũ kỹ, mà theo ông, nó chỉ nhỏ hơn thằng con ông hai tuổi.

Mọi người chưa hề biết vợ ông. Không ai dám hỏi vì ông có vẻ nghiêm nghị, ít nói. Anh Bình , con ông, tuy hai chân không đi được, một tay lại tong teo, nhưng cánh tay còn lại, xem ra không thua kém người lành lặn.

Anh Bình viết chữ rất đẹp và khá thạo công việc nhà. Những lúc ông giáo đi dạy, anh di chuyển từ nhà trước đến nhà sau không bao giờ ngã. Anh nấu cơm và làm một vài việc phù hợp.

Ông giáo đã nghỉ hưu năm rồi, nhưng ông vẫn đi về ngày hai buổi. Nghe đâu, ông đã tìm được công việc khác, hầu kiếm thêm thu nhập.

Cả xóm nhờ ông mà có chữ. Mấy đứa nhỏ đi lượm đồ phế thải, giờ rảnh chạy tới ông. Ông dạy từng tốp vài ba đứa. Vậy là ít ra, tụi nó cũng biết đọc biết viết.

Hoàn cảnh tụi nó mà biết tính toán là tốt rồi. Buổi tối, ông xem ti-vi, làm vài ba công việc lặt vặt rồi ôm cây đàn phím lõm ra chơi mấy bài vọng cổ. Những lúc ấy, gương mặt ông phảng phất đôi nét ưu tư. Buồn. Cam chịu.

Anh Bình thường lặng im nghe đàn. Dường như tiếng đàn đã nhập tâm anh từ bé. Anh lắng nghe, đôi lúc buông tiếng thở dài rồi nhìn cha. Cho tới bây giờ, anh vẫn chưa biết mẹ là ai. Năm chín tuổi, có lần anh hỏi: "Mẹ con ở đâu ba?". Ông giáo buồn bã nhìn anh: "Ở xa lắm, ba cũng không biết nữa. Con đừng hỏi, chừng nào mẹ nhớ con, mẹ sẽ về!".

Thời gian trôi hờ hững. Cuộc sống cha con ông giáo cũng bình lặng như số phận đã sắp đặt vậy rồi. Bình lớn lên và quen với cảnh cha con hẩm hiu. Nhìn lại mình thì tật nguyền như vậy, nhưng nhờ có ba, có tình thương vô bờ của ba, anh không thấy mình bất hạnh.

Ba chăm sóc, dạy dỗ, tưng tiu. Ba làm cha, làm mẹ. Ba còn dạy anh học chữ và tính toán.
***
Một chiều, cả xóm ve chai bỗng xôn xao hẳn lên. Có một doanh nghiệp sẽ mua lại phần đất này và cả xóm phải dọn đi. Ngày xưa, họ nghèo và không có nhà cửa nên cắm dùi ở đỡ. Lúc đầu một vài hộ rồi mười, mười lăm hộ cho tới khi thành một xóm như bây giờ.

Chỉ duy nhất miếng đất nhà ông giáo thì mua lại từ chủ cũ.

Cả xóm như ong vỡ tổ. Mọi người bàn bạc, than phiền, rầu rĩ. Phải làm sao bây giờ? Mọi người kéo nhau tới nhà ông giáo nhờ giải đáp.

Ông giáo trấn an: "Cô bác, em cháu đừng lo lắng quá! Bây giờ, Nhà nước đâu để dân khổ. Chắc phải có giải pháp mà. Đừng quýnh quáng lên như vậy!".

"Nhưng tụi tui hồi đó cất nhà ở đại, giống như chiếm đất của người ta. Bây giờ ai trả tiền cho ông ơi! Trời ơi! Biết ở đâu bây giờ?".

Một đêm ồn ào như nhà có đám. Bình nhìn nét mặt đăm chiêu của ba, cũng buồn lây. Nhà của ông giáo nằm ngoài quy hoạch. Ông không lo, nhưng cô bác láng giềng đều là người nghèo. Họ kiếm ăn từng ngày làm sao không lo sợ.

Chiếc xe du lịch dừng lại ở khoảng trống đầu xóm. Một người đàn bà ăn mặc sang trọng bước xuống. Trong mấy căn nhà tồi tàn có vài người dè dặt bước ra. Người đàn bà đưa mắt quan sát rồi gật đầu ra vẻ vừa ý. Ở mấy nhà khác, người ta thắc thỏm lo âu.
xom3.jpg

Chị bước về cuối xóm quan sát. Anh lái xe cầm trên tay chiếc dù, đi theo. Tới cuối xóm, chị chú ý căn nhà nằm khiêm nhường bên trong hàng rào dâm bụt. Nó không giống mấy cái nhà bát nháo ngoài kia.

Theo bản sơ đồ đã được thông qua, chị biết đây là căn nhà nằm ngoài quy hoạch. Ông giáo thấy có người lạ, cũng bước ra. Người đàn bà lịch sự: "Thưa ông anh, cho tôi hỏi thăm!". Ông giáo kéo cánh cửa rào.
Chị nhìn ông thảng thốt: "Trời… Trời ơi! Có phải.. có phải anh Bài không?". Ánh mắt ông giáo chợt tối đen. Ông vịn tay vào cửa rào. Im lặng. Rồi ông cố hết sức nhìn người đối diện "Nga… Trời ơi! Mẹ thằng Bình!".

Người đàn bà mặt xanh tái, sửng sốt nhìn ông. Đôi mắt buồn chất chứa ưu tư của ông giáo Bài chợt ngân ngấn lệ. Bình lăn xe ra cổng, ngạc nhiên nhìn ba và người khách lạ. Thêm một nỗi ngạc nhiên và mừng rỡ, chị trân trối nhìn Bình.

Trời ơi! Đúng là nó rồi. Đứa con tật nguyền của mình đây mà! Chị lắp bắp: "Có phải con không anh? Có phải thằng Bình không?".

Ông giáo chỉ gật đầu. Miệng ông không cất nổi một tiếng. Nỗi đắng cay chất chứa bao năm, giờ như một đập nước mong manh bị sức mạnh của dòng chảy phá vỡ.

Bình vẫn chưa hết sửng sốt. Người đàn bà nầy là mẹ mình sao?

Ông giáo quay sang Bình. Phải cố gắng lắm ông mới lắp bắp được mấy lời: "Mẹ… con… đó Bình!". Chị bước tới Bình, nắm lấy bàn tay lành lặn của anh. Chị ngồi xuống, bật khóc.
***
Lấy chồng được hơn hai năm, Nga gặp lại người tình cũ. Phải anh về sớm một chút thì đâu có éo le vầy. Nga là đứa con gái đẹp nhứt xóm. Thầy giáo Bài mới đổi về lại được cả ấp mến thương.

Nga được đi học tới lớp đệ ngũ rồi nghỉ học phụ buôn bán với chú thím ngoài chợ huyện. Người yêu của Nga là sĩ quan chế độ cũ. Yêu nhau được một năm thì giải phóng. Người yêu mất tăm mất dạng.

Hoàn cảnh xã hội đổi thay. Nga về quê phụ ba má chuyện đồng áng. Phong trào bình dân học vụ bắt đầu, Nga trở thành giáo viên nghiệp dư. Thầy giáo Bài hiền lành và được lòng cả ấp, đem lòng yêu thương Nga. Cả xóm vun vào. Ba má Nga vui mừng vô kể.

Anh chàng đẹp trai, tánh tình điềm đạm. Nga tuy có cảm tình nhưng không thể nói là yêu. Trong lòng Nga, mối tình đầu với người sĩ quan kia mới để thương để nhớ cho cô.

Nhưng đã hơn một năm rồi, không tin tức. Ba má Nga chì chiết: "Nó là sĩ quan, đi cải tạo biết đời kiếp nào về. Mà biết nó còn nghỉ tới mầy không? Hoàn cảnh thay đổi rồi, thôi thì yên phận cho xong đi con! Thằng Bài hiền lành như vậy, lấy nó sanh con, làm bà giáo với người ta!".

Nước chảy đá mòn. Không còn hy vọng gì người cũ, Nga nhận lời lấy Bài.

Một đám cưới đơn sơ được tổ chức. Bài hết lòng yêu thương vợ. Nga cũng gắng gượng yêu thương chồng. Nga mang thai, Bài vui như trên đời nầy không còn niềm vui nào hơn. Đi dạy về, Bài ghé chợ mua mấy món vợ thích. Rồi nấu ăn, giặt giũ, không để vợ động móng tay.

Tận đáy lòng, Nga chỉ coi Bài như một người anh, một người bạn. Cô sống với kỷ niệm của mối tình đầu. Định mệnh lại trớ trêu một lần nữa.

Nga sanh được đứa con trai, nhưng đứa bé lại tật nguyền từ trong bụng mẹ. Nga nhìn con rồi cám cảnh mình. Lấy người không yêu rồi lại sanh đứa con dị tật. Nga khóc cho phận mình.

Bài hiểu và rất cảm thông cho số phận vợ. Anh làm tất cả để Nga không buồn.

Thằng Bình được mười lăm tháng, Nga gặp lại người tình cũ. Anh ta muốn đưa Nga vượt biên. Nga đắn đo, suy tính. Cuối cùng, cô quyết định đi theo anh ta.

Bài đọc lá thư Nga để lại tới thuộc lòng. Anh buồn đau nhưng vẫn không trách Nga. Anh biết Nga không quên người cũ. Anh chỉ thương con, đã tật nguyền lại không có mẹ.

Má Nga uất ức vì chuyện con gái, bà lâm bịnh qua đời. Ông ngoại thằng Bình cũng theo bà năm thằng Bình bốn tuổi.
***
Rời quê vợ, ông giáo về thị xã dạy ở một trường ngoại ô. Cái quá khứ đau buồn được ông chôn chặt. Ông dồn hết tình thương cho đứa con xấu số. Ông dạy dỗ học trò bằng tất cả tâm huyết của một người thầy.
Bà Nga vừa lau nước mắt, vừa hỏi Bình: "Con ngồi xe lăn từ nhỏ tới giờ hả con?". Bình chỉ gật đầu. Anh không biết phải nói gì trong hoàn cảnh này.

Ông giáo chừng đã bình tĩnh lại, bắt đầu bằng câu hỏi người xưa: “Bây giờ mình sống ở đâu? Sao bao năm nay tôi không nghe tin tức gì hết. Ba má mất lâu rồi mình biết không?".

Bà Nga lau nước mắt: "Em biết rồi, nhưng em cũng nghe người ta nói anh cưới vợ khác rồi theo về quê vợ luôn. Em cứ tưởng mọi chuyện đã an bài. Không ngờ gặp mình ở đây. Còn vợ mình đâu?".
Ông giáo lắc đầu: "Tôi vẫn sống một mình!". Bà nghe lòng đau nhói. Bà đưa mắt nhìn ông giáo rồi nhìn con. Không ngờ ông ấy lại nặng tình như vậy.

Nhớ lại lúc theo người tình trong chuyến đi năm ấy, cả nhóm người bị gạt. Họ cho tất cả xuống bến, lên một chiếc tàu không lương thực, nước uống, không cả người lái tàu. Loay hoay đến sáng thì bị bắt. Nga được trả tự do trước. Người tình của cô lãnh án ba năm.

Bơ vơ, trơ trọi, Nga không dám quay về vì không còn mặt mũi đâu mà nhìn chồng con, cha mẹ. Nga tìm một chỗ ở, buôn bán kiếm tiền để nuôi thân và nuôi người tình. Nhưng rồi người ấy cũng qua đời trong một tai nạn lúc đang cải tạo.

Từ đó, Nga về Sài Gòn, làm đủ mọi việc để kiếm sống. Cách đây chín năm, Nga gặp một người đàn ông góa vợ. Biết hoàn cảnh Nga, ông ấy cầu hôn. Nga sống với người chồng lớn hơn mình gần hai mươi tuổi, rất được yêu thương.

Với bản chất thông minh và nhiều vốn sống, Nga đã là cánh tay đắc lực của chồng. Hôm nay ông ấy mệt, Nga tới thị sát miếng đất công ty chồng mua lại của nhà nước, mở một công xưởng ở tỉnh này.
khiem-khuyet.jpg

Ngày hôm sau, bà Nga trở lại với rất nhiều quà cáp. Bà đưa ông giáo một số tiền khá lớn: "Mình nhận số tiền này để lo cho con. Em biết đời này em nợ mình nhiều quá! Em không lo cho con được, mình lo giúp em. Em sẽ trở lại, em sẽ cất nhà lại cho hai cha con".

Ông giáo cười buồn: Tôi không trách mình. Những gì mình lo cho con tôi không hề từ chối. Đó là sự bù đắp của mình cho con. Riêng tôi, tôi có yêu cầu này, mình hãy bồi thường cho những hộ sống trên đất nầy hậu hĩ một chút. Họ đều là người nghèo. Có được chỗ ăn ở, họ mới sống được khá hơn".

Nga xúc động nhìn ông: "Em biết mình rất quan tâm tới họ. Mình yên tâm, em sẽ làm như ý mình".

Bình nhìn mẹ với cái nhìn trìu mến. Anh thừa hưởng tấm lòng bao dung nhân ái của cha. Với mẹ, anh không hề oán trách./.
]

Trầm Nguyên Ý Anh
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 2 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012