Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: HOÁN CẢI

HOÁN CẢI 12 years 1 month ago #2930


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
HOÁN CẢI

MCsamhoi.jpg


Bữa nọ, có một người đàn ông đứng tuổi đến hỏi ý kiến vị ẩn sĩ. Ông ta người khỏe mạnh, sung sức, gương mặt nhân hậu, chưa từng bị buồn phiền hay lo âu ghi đậm nét nhăn nheo. Ông leo núi một cách khó nhọc, như người chỉ từng quen nới những con đường dễ đi. Cuối cùng khi đến trước hang đá, ông tỏ vẻ lúng túng khi nhận thấy mình ở chỗ đó. Thật vậy, hôm đó ông đã lần bước trên con đường mà ông chưa từng đi.

Vị ẩn sĩ vẫy tay chào ông, và trong giây lát ngài kín đáo đưa mắt nhìn khách. Nhưng gương mặt kia như không gợi lên cho ngài cái gì đặc biệt, và ngài lại nhìn vào khoảng không. Khách càng lúng túng hơn, không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào.

Có phải ngài là người mà ai cũng có thể hỏi ý kiến về mọi việc đấy không? Khách hỏi với một vẻ linh hoạt, vì chẳng lẽ ông đã qua một chặng đường dài đến đây để rồi lại không nói gì. Ở dưới làng, người ta bảo rằng chỉ cần đặt câu hỏi là ngài trả lời ngay. Ban đầu tôi định hỏi linh mục, nhưng rốt cuộc, tôi lại lên đây.

Khách tưởng rằng vị ẩn sĩ sẽ cảm thấy thích thú khi thấy người ta đến với mình thay vì đi đến nhà thờ giáo xứ; nhưng xem ra không có như vậy.

- Cứ hỏi, vị ẩn sĩ nói gọn lỏn. May ra tôi đáp được chăng.

Thật là một điều kỳ lạ, khách bắt đầu nói. Ông nói nhanh, mắt nhìn xuống đất, như mất tự nhiên trên một vùng đất xa lạ. Tôi không còn tưởng nghĩ đến những thứ đó từ tuổi thanh xuân. Tôi phải lo cho nông trại và các dự định của tôi; tôi bận lắm, và không có thì giờ nhàn rỗi để lo các vấn đề thuộc loại đó. Thỉnh thoảng tôi cũng có dự lễ, tôi đi xưng tội vào dịp Sinh Nhật, Phục Sinh, nhưng đấy chỉ là một tiết mục riêng biệt. Vả lại, nói đúng ra là việc của đàn bà. Nhà tôi khá chu đáo về việc này. Nhưng tôi không nghĩ là tôi tệ hơn những người khác. Suốt đời tôi cố gắng sống lương thiện, hay ít ra tôi mong được như vậy. Tôi không làm hại ai, theo như tôi biết. Tắt một lời, tôi cũng như ai thôi.

Vị ẩn sĩ không tỏ vẻ nghi ngờ gì cả, nhưng ngài không trả lời. Cho nên khách không cảm thấy được khuyến khích để nói lên những gì chất chứa trong lòng. Ông hiểu là mình vẫn phải tiếp tục nói dù không có ai giúp, nếu muốn câu chuyện đạt mục đích. Ông tiếp:

- Nhưng hôm qua, có em tôi từ ngoại quốc trở về. Từ hai chục năm nay, chúng tôi chưa từng gặp lại nhau. Thuở bé và thời còn trẻ, chúng tôi không bao giờ rời nhau. Chúng tôi thường chơi chung và làm việc chung với nhau. Tuổi chúng tôi xấp xỉ nhau, chỉ hơn kém nhau một năm thôi. Chúng tôi cùng chung một ước vọng và dường như ý kiến cũng hợp nhau. Ngài hiểu chứ? Tuổi xuân mà. Chúng tôi từng mơ ước liều mạng sống để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại. Chúng tôi khẩn nài Đức Mẹ ban sức cho chúng tôi làm việc đó. Mẹ tôi dạy chúng tôi như thế. Phải, bà không giống các bà mẹ khác; bà đặt nặng những gì đã dạy chúng tôi.

Khách nhìn ẩn sĩ, vị này gật đầu đồng ý. Bây giờ ngài chú ý nghe. Được khuyến khích, khách tiếp:

- Chúng tôi cũng thế, chúng tôi đã coi trọng mọi sự, với tất cả khả năng của tuổi thanh niên. Và rồi thời gian trôi qua. Sau khi ông cụ tôi qua đời, tôi phải đảm nhận nông trang và ở lại quê nhà. Kế đó, tôi kết bạn, còn em tôi ra đi chu du khắp thế giới và không đem theo của gì, vì nó muốn thế. Trở thành đan sĩ, hắn đến Rôma và đã được xem thấy bao nhiêu điều. Không bao giờ chúng được tin tức của nhau. Và hôm qua, bất chợt nó trở về.

- Thế thì em anh hẳn có nhiều điều để thuật lại cho anh, ẩn sĩ lên tiếng khi khách vừa dứt lời.

- Đúng vậy, khách trả lời với vẻ trầm ngâm. Thật thì đúng như vậy. Nhưng tôi không hiểu rõ, có cái gì lạ lắm. Nó nói chuyện như hồi hai chục năm trước đây. Nó nói đến những gì chúng tôi đã cùng nhau suy tư và ao ước thời ấy. Giờ đây, nó không còn nói như trẻ con nữa, vì nó đã trưởng thành, còn hơn tôi nữa kìa. Nó cũng khác xưa ở chỗ nó không hài lòng với những ý tưởng, những ước mơ điều thiện, điều đẹp của chúng tôi ngày xưa. Nó còn đi xa hơn thế nữa: nó đã thực hiện những gì chúng tôi mơ ước thực hiện, đã trở thành người mà chúng tôi ước mơ trở thành. Nó không bao giờ có của cải gì mà cũng không muốn gì, tuyệt nhiên không. Nó đi lang thang nơi này chốn nọ để dạy người ta trở nên tốt lành. Nó xin của người giàu để cho người nghèo. Và nó có vẻ chẳng lo nghĩ gì ngoài việc phụng sự Thiên Chúa.

- Như thế mà lạ lắm sao? Ẩn sĩ mỉm cười hỏi. Đấy chẳng phải là điều sở nguyện của anh cách đây hai chục năm đó sao?

- Chính đấy mới là điều kỳ lạ, khách vội la lên cách hồn nhiên không còn lúng túng nữa. Hai mươi năm về trước, chúng tôi giống hệt nhau. Và giờ đây thì một vực thẳm ngăn cách chúng tôi. Em tôi là một nô bộc của Chúa, một thánh nhân. Còn tôi, tôi không còn hiểu nổi nó nữa. Dường như nó dùng một ngôn ngữ từ hai chục năm nay tôi không còn nghe nữa. Tuy nhiên, chính tôi đã dùng ngôn ngữ ấy qua một lần. Tôi đã dùng, ngài nghe rõ chứ. Còn bây giờ… tôi…

Khách im bặt, tìm không ra từ ngữ để diễn tả ý nghĩ của mình. Rồi bằng cái khoát tay, ông ta kết thúc câu nói cho xong chuyện: “ bây giờ tôi nghĩ là tôi như phần đông thiên hạ”.

Ẩn sĩ để thoát một nụ cười mỉm. Rồi, tay chỉ một vừng mây xám trên đầu, ngài nói:

Hôm qua trời cũng khuất mây như thế này. Anh có tưởng đó cũng là những cụm mây hôm qua đấy không?

Khách lắc đầu tỏ vẻ bực bội. Bây giờ thì đâu phải là lúc nói chuyện thời tiết.

Anh biết chứ, mây đâu có giống hệt nhau ngày này qua ngày khác, ẩn sĩ tiếp. Anh thừa biết là mây tự hủy mình phần nào dưới dạng mưa hay sa mù, và lại chuyên chở hơi ẩm khác. Nêú không thế, nó không hiện hữu được. Và anh cũng biết rõ là vạn vật trong thiên nhiên đều như thế: cây rụng lá, lá thối đi thành đất, và cùng lúc cây hút chất nhựa mới từ đất, và chất nuôi mới từ khí trời. Mỗi năm, thân cây lớn thêm một vòng, và mọc thêm nhiều nhánh mới. Cây hai chục tuổi không giống cây một tuổi, nhưng cũng vẫn là cây.

- Tôi biết điều đó, khách chậm rãi trả lời.

- Ở điểm đó, con người giống thiên nhiên, ẩn sĩ tiếp. Và không phải chỉ thể xác chúng ta mới thay đổi và canh tân, mà cả tâm hồn chúng ta nữa. Không có năm nào, thậm chí không có ngày nào, mà chúng ta không lột bỏ một phần hữu thể chúng ta, và cũng không ngày nào mà chúng ta không tự tạo một phần chúng ta từ những cái không phải là chúng ta. Tất cả tùy thuộc ở những gì chúng ta vứt bỏ và những gì chúng ta tiếp nhận.

Chìm đắm trong suy tư, khách hỏi:

- Ngài muốn nói là chúng ta không thể vẫn giữ y nguyên như hồi hai mươi năm về trước?

Ẩn sĩ nói rõ hơn:

- Tôi muốn nói rằng những ý nghĩ và cảm xúc của thời thanh xuân mà anh đã để lọt qua kẽ tay, thì em anh lại gìn giữ cẩn thận như một kho tàng quý báu nhất. Em anh đã loại bỏ khỏi cuộc đời sự lo lắng về chính mình và về những tư lợi cá nhân ở trần thế. Còn anh, trong khi đó, anh đã mở cửa lòng anh cho những thứ ấy, cho nên bây giờ đây chúng trở thành một phần tất yếu của bản thân anh. Như thế thì làm sao hai anh em còn giống nhau được?

Khách nghĩ một lúc mà không tìm ra lý lẽ để cãi lại. Tất cả những điều ấy rất giản dị và rõ ràng nhưng lại có tầm quan trọng đáng sợ!

- Thưa cha, khách chậm rãi nói, nếu tôi không cưới vợ, không có nông trại, không có nhà cửa, và tôi không tìm cách sướng thân mà lại ra đi, nghèo nàn và cô độc, đến những phương trời xa xôi, thì thử hỏi ngày nay tôi có giống em tôi không?

Ẩn sĩ lắc đầu:

- Tôi không biết. Không bao giờ một người có thể khuyên người khác nên hay không nên làm điều gì để khỏi làm lọt qua kẽ tay cái gì họ quý nhất, hay ngược lại, để chiếm đoạt những tài sản mới. Mỗi người chỉ có thể biết cho mình mà thôi.

Khách lại suy nghĩ một lần nữa. Và một câu hỏi khác ngập ngừng ở đầu môi.

- Thưa cha, cha cho rằng tôi đã có thể trở nên như em tôi không?

- Hẳn là như vậy, ẩn sĩ đáp. Ngày nay cũng thế, Nước Trời bị bạo lực tấn công và chỉ những người cường bạo mới chiếm được. Còn anh, đã hao công tổn sức vào việc khác!

Đúng thế, khách lẩm bẩm. Tôi đã lao tác, đã vật lộn và đã nhọc công, nhưng chỉ để đạt một mục tiêu khác!

Sau một phút im lặng, khách tiếp:

- Vậy phải làm gì để vứt bỏ điều mà ta đã có từ trước đến giờ?

- Chả có gì đặc biệt, ẩn sĩ thở ra. Chỉ cần coi thường nó đến độ tư tưởng ta không còn thích thú khi nghĩ đến nó. Phải loại nó ra khỏi con người mình, thì rồi nó sẽ không còn là thành phần bản thân ta nữa.

- Còn nếu mình muốn vất bỏ điều xấu? Việc đó có dễ dàng được không?

- Không luôn được như thế, ẩn sĩ trả lời. Nhưng cách tốt nhất để dứt bỏ nó vẫn là tống khứ nó đi. Người ta tưởng rằng mình sẽ được giải thoát khỏi sự ác khi mình buồn bực vì nó và lo sợ liên miên. Nhưng khi chúng ta biết được những gì quyền lực Thiên Chúa có thể hoàn tất nơi bản tính mỏng giòn yếu đuối của con người, thì đến lượt chúng ta cũng hiểu được một chút cái nghệ thuật của Người là coi sự ác chẳng ra gì. Chúng ta không còn chỉ nghĩ đến nó. Từ đó dần dần chúng ta được giải thoát khỏi sự ác đã thấm nhập vào hữu thể chúng ta từ trước đến giờ. Và một ngày nào đó, Thầy Chí Thánh của chúng ta sẽ cho chúng ta có quyền quên nó đi, và không còn nhìn nó là thực thể của mình nữa.

- Còn về điều lành, điều thiện mà tôi muốn thu tích thì sao?

- Phải đặt nó thật cao, cao đến độ khi anh gặp nó bất luận ở đâu, thì anh cũng phải dành thì giờ để dững lại nơi nó và vui mừng vì nó. Đặt nó thật cao đến độ không có sự hy sinh nào anh cho là quá nặng, trong những giờ phút quyết định của anh, hoặc để mất hoặc chiếm đoạt được nó; cao đến độ với lòng tin, lời cầu nguyện và lòng khao khát mãnh liệt để chiếm hữu nó, anh biến nó thành phép lạ mỗi ngày trong cuộc sống của anh.

Chắc hẳn cha có lý, khách nói. Người ta chỉ có thể gặt cái gì mình đã gieo. Đó là lẽ tất nhiên. Nếu ta đánh mất một vật gì, ta phải tìm lại nó. Nếu ta đi lầm đường, ta phải lộn trở lại. Mọi sự trên đời là thế và tôi thiết nghĩ, đối với việc linh hồn cũng thế thôi. Nhưng đối với tôi, việc này xem ra bất tận. Bây giờ tôi phải quay lại đằng sau, đến điểm tôi đã dừng lại mươi năm về trước, để rồi tiến đến điểm em tôi đang ở bây giờ. Tôi chưa thấy được bao giờ sẽ làm xong việc đó.

Khách nhìn lên, chờ câu trả lời, nhưng vị ẩn sĩ chỉ lặng lẽ nhìn ông với cặp mắt dò xét. Dường như ẩn sĩ đang đặt khách lên bàn cân xem ông ta quyết định nghiêm chỉnh đến mức nào, và ông ý thức được tầm quan trọng của quyết định đó bao nhiêu.

- Còn điều thiện tôi tìm kiếm thì lại xa xôi quá chừng, khách nói tiếp. Tôi chưa có tí gì cả.

- Nếu anh có rồi, thì anh đã chẳng cần phải tìm kiếm.

- Đúng vậy, khách nhượng bộ, nhưng tôi quyết tâm đoạt nó bằng bạo lực. Tôi tự thấy như trong gương, cái tôi hiện nay và cái tôi có thể trở thành. Và tôi không muốn, tôi không thể đứng yên tại chỗ, hay là tiếp tục con đường tôi đang đi. Xin Thiên Chúa trợ giúp tôi, vì tôi không biết phải làm gì và phải bắt đầu từ đâu.

- Anh đã bắt đầu rồi. Ẩn sĩ nói.

- Tôi đã bắt đầu? Khách ngạc nhiên la lên.

- Phải, anh đã khởi sự khi anh leo lên đây sáng nay để đàm thoại với tôi. Rồi lại một lần khởi sự nữa, và lần này quyết liệt hơn: “tôi muốn, tôi sẽ làm, tôi phải làm”. Anh thử nghĩ lại xem, vài hôm trước đây thôi anh có làm được thế hay không? Anh có nghĩ rằng anh đạt được thành quả đó tự sức mình thôi không?

- Hẳn là không, khách thành thật trả lời, nét mặt sáng lên một niềm vui lộ ra bên ngoài. Thế mà tự tôi, tôi đã không hiểu điều đó. Mà nếu như thế, thì dù sao chăng nữa Thiên Chúa đâu có đối nghịch với tôi? Tôi đã bỏ qua những điều quyết tâm và đã thất hứa! Ngài có lý mà chống đối tôi, nhưng không, Ngài đã không làm như thế.

Khách chìm đắm trong ý nghĩ này, lập đi lập lại những lời cuối cùng. Thế rồi chợt ông ta như bừng dậy khỏi đà suy tư và giã từ vị ẩn sĩ.

- Thế được rồi. Nếu Thiên Chúa không chống lại tôi mà lại ở với tôi, thì tôi còn cần gì nữa? Tôi lấy thế làm đủ rồi.

- Đủ rồi, ẩn sĩ trầm tĩnh nói.
* * *
Vị linh mục ở làng sẽ không coi những gì xảy đến hôm đó với ông khách là một cuộc hoán cải. Vì ông này không nói như những người hoán cải khác và đã không đi con đường họ thường đi. Phần lớn những gì họ hiểu vẫn còn huyền bí đối với ông. Nhưng vị ẩn sĩ thì không mấy bận tâm: Ngài biết rằng từ hôm đó trở đi, ông khách sẽ đi theo một con đường mới.


Nguyên tác: Ebba De Pauli, L’ERMITE, Delachaux et Niestlé/Paris, 1966, tr. 20-27.
Chuyển ngữ: Nữ Đan viện Biển Đức
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012