Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Những Tâm Hồn Cao Thượng

Những Tâm Hồn Cao Thượng 10 years 2 months ago #53222

"Cao thượng có nghĩa là dám hy sinh mà không cần đền đáp, dám cho mà không cần nhận, dám quên mình mà nghĩ đến người, dám chịu đau khổ để cho người khác được sung sướng. Người cao thượng sinh ra để xây dựng chứ không tàn phá, để cho chứ không nhận, để làm đẹp cho đời chứ không tàn phá đời, đi phân phát niềm vui cùng nụ cười cho kẻ khác chứ không gieo chết chóc và kinh hoàng. Người cao thượng còn sinh ra để đi xây dựng lại những gì mà kẻ khác đã tàn phá.

{Trích từ truyện 'Bắt phong trần phải phong trần' của nhà văn phi công Trường Sơn Lê Xuân Nhị}

NHỮNG TÂM HỒN CAO THƯỢNG

Linh Mục TRẦN QUÝ THIỆN


Trong truyện ngắn "Bắt phong trần phải phong trần", nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị đã định nghĩa: "Những tâm hồn cao thượng là những tâm hồn của những người dám hy sinh mà không cần đền đáp. Dám cho mà không cần nhận. Dám quên mình mà nghĩ đến người. Dám chịu đau khổ để người khác được sung sướng."

Sau đó nhà văn có tài viết truyện ngắn thật dí dỏm duyên dáng nói trên viết tiếp: "Người có tâm hồn cao thượng sinh ra để xây dựng chứ không tàn phá. Ðể cho chứ không nhận. Ðể làm đẹp cho đời chứ không tàn phá đời. Ði phân phát niềm vui cùng nụ cười. Biết sống cho kẻ khác chứ không gieo chết chóc kinh hoàng. Người cao thượng sinh ra để đi tái thiết những gì mà người khác tàn phá."

Sống trong một xã hội thực dụng mà người người bon chen thi đua nhau để chạy theo tiền bạc, danh vọng, lạc thú, chúng ta không thể không ngưỡng mộ những tư tưởng cao đẹp trên đây.

Trên dòng đời, chúng ta không sống một mình. Với con người, cuộc sống được coi như những tấm thảm mà các mối liên hệ yêu thương là những sợi tơ. Mỗi gắn bó quen biết là những đường chỉ với bao người từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Chúng ta có cần những tâm hồn cao thượng để gia đình được hạnh phúc ấm êm và xã hội bớt đi những ghen ghét hận thù?!..

MỘT CUỘC VẬN ÐỘNG QUỐC TẾ VÌ TÌNH NGƯỜI

Qua báo chí, chúng tôi được biết vào thượng tuần tháng 4, 1997, đài Phát Thanh Á Châu Tự Do (RFA) đã phát về Việt Nam một bản tin khá đặc biệt với nội dung như sau:

Anh Nguyễn Hương, 29 tuổi, sanh năm Mậu Thân (1968) là năm đỉnh cao trong chiến tranh Việt Nam, với sự hiện diện của trên 500,000 binh sĩ Hoa Kỳ, với cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Sinh quán anh là làng Hòa Hiệp, một làng quê nhỏ bé và nghèo khó gần Thành phố Ðà Nẵng, thuộc vùng ven biển miền Trung Việt Nam.

Theo tài liệu Nhật báo Philadelphia Daily News, phát hành ngày 25 tháng 3, 1997 thì hiện nay làng Hòa Hiệp chỉ gồm khoảng 80 gia đình sinh sống nghề chài lưới và làm ruộng. Người cha của anh Nguyễn Hương bị Việt cộng giết khi anh mới lên 3 tuổi. Năm 18 tuổi (1986) anh cùng một người bạn leo lên một chiếc ghe ọp ẹp và sau 7 ngày đêm lênh đênh trên mặt biển, anh đã đến được lãnh thổ Hồng Kông. Sau 3 năm chờ đợi mỏi mòn trong trại tỵ nạn, cuối cùng anh được hân hạnh đến định cư tại Thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Lúc đó anh vẫn mù chữ, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Nhưng chỉ hai năm sau, với ý chí sắt đá, anh đã trở thành một người thợ máy với một công việc ổn định, lương 8.5 mỹ kim một giờ. Với năm 1995, cuộc đời Nguyễn Hương đã mở sang một trang mới khi anh sửa xong chiếc xe Toyota Corolla cho một cô thợ may đồng hương, đó là cô Kim. Hai người yêu nhau và cùng nhau chuẩn bị cho cuộc sống chung mà họ tin rằng sẽ đầm ấm và tràn đầy hạnh phúc.

Một buổi sáng mùa hè năm 1996, Hương bất ngờ ngất xỉu khi đang đi dạo phố với người yêu. Anh được chở vào bệnh viện Ðại Học Thomas Jefferson cấp cứu. Tại đây các bác sĩ đã xác định bệnh tình của anh: Ðó là bệnh hoại huyết hay ung thư máu, là một căn bệnh quái ác mà cho tới nay y học vẫn chưa có thuốc chữa hoàn chỉnh. Tuy nhiên các bác sĩ đã làm tất cả những gì có thể được để cứu anh. Nếu không thoát khỏi bàn tay của tử thần thì ít ra cũng xa rời được lưỡi hái của hắn phần nào hay phần ấy.

Trước hết các bác sĩ chữa căn bệnh bằng hóa trị rồi đến xạ trị và phải mất vài tháng sau, người ta mới thấy rằng các phương pháp ấy đều thất bại! Nay thì mạng sống của Nguyễn Hương chỉ còn kéo dài được thêm 4 tháng nữa là cùng!! Bốn tháng nữa là chấm dứt một đời sống chất chồng những khổ đau với những cố gắng không ngừng nhưng lại đầy ắp tình thương và bao mộng ước cho tương lai...

Theo các bác sĩ, thật ra vẫn còn hy vọng một phương pháp cuối cùng! Nếu thành công thì ít nhất cũng có được từ 20 % đến 40 % cơ may giúp anh Nguyễn Hương sống thêm được từ 2 đến 5 năm nữa! Và đến lúc đó, với bước đi bằng đội hia bảy dậm của Y Học, biết đâu sẽ lại có những phương cách khác: Phương pháp trị liệu ấy là cấy tủy xương sống.

Nhưng muốn thế thì phải có loại tủy xương sống mà cơ thể của bệnh nhân có thể chấp nhận được. Tại Hoa Kỳ, trong Viện Tủy Xương Quốc Gia có 2,600,000 mẫu tủy, nhưng chỉ có 5 % của người gốc Á Châu là hy vọng có thể dùng được. Với số lượng chọn lọc như thế thì người ta ước tính phải mất ba tháng mới khẳng định là có hay không có mẫu tủy khả dụng. Và biết đâu lúc đó mọi sự có thể đã trở thành quá muộn màng!!..

Theo các bác sĩ, cách giản dị nhất là lấy tủy xương sống của cha mẹ hay anh chị em ruột của chính bệnh nhân. Trên nguyên tắc, theo y học có 25 % cơ may tủy xương của anh chị em ruột giống hệt nhau và 50 % chỉ giống một nửa. - Người ta được biết: anh Nguyễn Hương chỉ còn một bà mẹ già, một người anh ruột tên là Nguyễn Bốn và một người em ruột là Nguyễn Cư. Cả ba người hiện đang sống tại làng Hòa Hiệp thuở nào và cũng vẫn lam lũ vật lộn với mảnh đất cày lên sỏi đá như xưa!?..

"Nhưng có hy vọng Chính phủ Hà Nội cho phép những người này xuất cảnh không? Có hy vọng hệ thống bàn giấy rườm ra nhiêu khê của Hoa Kỳ cấp chiếu khán kịp thời không?! Và làm sao có được ba ngàn mỹ kim cho mỗi vé máy bay khứ hồi?! " Ðó là những vấn đề quay cuồng trong đầu óc bác sĩ Brand Cofferbell, kể từ một buổi chiều đầu tháng Tư, 1997 khi anh Hương ôm lấy ông và nghẹn ngào mà nói trong nước mắt: "Bác sĩ ơi! Chết ở tuổi này thì còn trẻ quá!". - Phương án khả thi nhất là thử nghiệm máu của cả ba người ngay tại chỗ ở Việt Nam, sau đó vận động để đưa người có loại máu phù hợp nhất sang thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Và với những tấm lòng vàng của những tâm hồn cao thượng quảng đại, cỗ máy vận động bắt đầu chuyển động... Trước hết, Ian Texa, một cán sự xã hội, gọi điện thoại đi khắp nơi tường trình sự việc. Sau đó, một tổ chức bất vụ lợi quốc tế vận động hỗ trợ tủy xương tại tiểu bang North Carolina gửi thiết bị xét nghiệm máu sang Việt Nam qua trung gian một nhà báo đang làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Người anh họ của Nguyễn Hương là Phi Bằng cũng kêu gọi được sự giúp đỡ của luật sư John Sullivan, để vận động với Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Sau vài tuần lễ thư từ, điện thoại, điện thư đi về như bươm bướm, hai anh em Nguyễn Bốn và Nguyễn Cư đã được đến Hà Nội để thử máu.

Nhưng tiếc thay tất cả những sự sắp xếp công phu tốn kém ấy cuối cùng đã trở thành vô ích, khi người ta khám phá vào lúc cuối, các ống nghiệm để thử máu lại không xử dụng được vì thiếu một hóa chất cơ bản, mà để có nó thì phải mất nhiều tuần lễ nữa!! Bấy giờ các bác sĩ đành phải có một quyết định tối hậu được ăn cả ngã về không là đưa cả hai anh em Nguyễn Bốn và Nguyễn Cư sang Thành phố Philadelphia và thực hiện xét nghiệm ngay tại đó.

Người ta không ngờ: Chính Phủ Hà Nội đã làm việc nhanh chóng bất ngờ khác thường. Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ cũng cấp ngay chiếu khán khẩn cấp. Trong khi đó luật sư John Sullivan vận động với hãng Hàng Không Singapore Airlines để xin giảm giá vé khứ hồi cho cả hai anh em Nguyễn Bốn và Nguyễn Cư. Kết quả thật ngoài sức tưởng tượng: Phó Chủ Tịch Singapore Airlines, có người mẹ chết vì ung thư vú và một người em họ chết vì ung thư máu khi mới 12 tuổi, cho hay rằng: Có một nhà hảo tâm giấu tên đã tặng số tiền 8,000 mỹ kim cho hai anh em và coi đó là một nghĩa cử nhân đạo.

Thế là vào ngày 16 tháng 3 năm 1997, với 20 mỹ kim trong túi, hai người chài lưới đơn sơ chất phác nhưng dạn dầy sương gió của làng quê Hòa Hiệp, miền Trung đất Việt khô cằn, chưa từng bao giờ bước khỏi lũy tre làng, chưa từng bao giờ đi khám bác sĩ, chưa bao giờ nấu nướng bằng bếp gas và cũng chưa bao giờ đi máy bay, đã tới Hà Nội để bắt đầu một cuộc hành trình dài trên 10,000 dặm tới một nơi có nền Y khoa tiến bộ nhất thế giới, với những máy điện toán chẩn bệnh và những người mặc áo choàng trắng nói một thứ tiếng mà họ không hiểu ất giáp gì cả!!..

Hai mươi bốn giờ đồng hồ sau, được Nguyễn Hương với cái đầu trọc vì đã rụng hết tóc, đón tại phi trường Philadelphia, hai anh em Nguyễn Bốn và Nguyễn Cư bước vào một thang máy lên lầu 4 của tòa nhà bệnh viện Ðại học Thomas Jefferson để thực hiện trắc nghiệm máu. Kết quả thật kỳ diệu: cả hai anh em đều phù hợp để cho tủy xương. Và cuộc giải phẫu đã được các bác sĩ quyết định thực hiện vào ngày 9 tháng 4, 1997.

Mười ngày sau, 19 tháng 4, 1997, nữ y tá Rene, người phụ trách săn sóc anh và thân nhân tại bệnh viện cho biết ca giải phẫu cấy tủy xương cho anh Nguyễn Hương đã thành công mỹ mãn. Giai đoạn trầm trọng nguy hiểm đã qua. Thành quả cứu mạng cho anh Nguyễn Hương là kết quả của một cuộc Vận Ðộng Quốc Tế Vì Tình Người.

Cho tới nay không ai còn muốn nhớ lại nỗi lo âu đè nặng trên tâm hồn nhiều người là nếu cả hai anh em Nguyễn Bốn và Nguyễn Cư đều không thích hợp để lấy tủy xương thì sao!! Nhưng định mệnh đã mỉm cười. Nụ cười ấy không phải chỉ dành cho Nguyễn Hương mà còn dành cho tất cả những Tâm Hồn Cao Thượng, Những Tấm Lòng Vàng và những Trái Tim Nồng Ấm Tình Người.

THẾ GIỚI HÔM NAY CẦN RẤT NHIỀU TÂM HỒN CAO THƯỢNG

Bản tin phát thanh trên đây có lẽ đã mang lại cho chúng ta một niềm vui, vì nhờ những tấm lòng vàng mà một mạng sống của một người đồng bào trong chúng ta đã được cứu thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Chúng tôi tin rằng, qua đài phát thanh Á Châu Tự Do, bản tin đặc biệt và ý nghĩa này sẽ có tác động tâm lý sâu sắc với các thính giả tại Việt Nam.

Ðây là một dịp thuận tiện để người dân trong nước so sánh về giá trị mạng sống con người trong một xã hội tự do dân chủ, giàu tình người, luôn coi mạng sống con người là một vốn quý không thể nào thay thế được, với mạng sống con người trong một chế độ độc tài tàn bạo, mà các quyền căn bản của con người bị chà đạp áp bức, mạng sống con người không hơn gì con ngóe!?

Thêm vào đó, cuộc du lịch miễn phí bất ngờ của hai anh em Nguyễn Bốn và Nguyễn Cư, từ một đất nước nghèo nàn lạc hậu tới một quốc gia tự do giàu có, với một nền y khoa tiến bộ nhất thế giới, đã giành giật với tử thần mạng sống người thân của họ, chắc chắn sẽ đưa đến những cảm phục, những ngưỡng mộ không khác gì một phép lạ. Và khi trở về quê nhà, bản thân họ sẽ trở thành những chiến sĩ tuyên truyền cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.

Nhưng trên hết, chính cuộc sống của anh Nguyễn Hương, sau khi được cấy tủy xương sống nhờ cuộc vận động quốc tế của những tâm hồn quảng đại cao thượng, không phân biệt màu da, sắc tiếng, dân tộc, sẽ mãi mãi là một Biểu Tượng Sống cho Tình Người. Mãi mãi cuộc đời của anh Hương vẫn là một tấm gương lớn về Tình Người để chúng ta bắt chước. Mãi mãi chính cuộc sống của anh sẽ trở thành một nhân chứng cụ thể và ý nghĩa sâu sắc về sự hợp tác quốc tế của những Tâm Hồn Cao Thượng Vì Tình Người. Ðây chính là điểm ý nghĩa nhất, cao đẹp nhất đối với mọi người đang sống trong xã hội hôm nay.

Có người lẩn thẩn hỏi chúng tôi: Trong cuộc Vận Ðống Quốc Tế vì Tình Người nói trên, tại sao không thấy sự đóng góp của Cộng Ðồng Người Việt tại Hoa Kỳ, đặc biệt những Việt tại Thành phố Philadelphia, những người đồng bào ruột thịt của anh Nguyễn Hương, ngoài người anh họ là Phi Bằng!? Trước mạng sống một người đồng hương, tại sao không tổ chức một cuộc lạc quyên, góp gió thành bão, giúp gia đình anh phần nào hay phần đó, ngoài ý nghĩa tình tương thân tương trợ!? Trong Cộng Ðồng Người Việt Hải Ngoại, người ta thấy không thiếu những thương gia giàu có, những nhà kinh doanh tài ba, thừa sức tặng cho hai anh em Bốn và Cư một hoặc hai vé máy bay khứ hồi?! Câu trả lời thật giản dị nhưng xót xa cay đắng: "Vì người ta thiếu tấm lòng với nhau.".

Nghĩ cho cùng, tất cả những sự Kỳ Diệu của Tình Người trên đây đều xuất phát từ tấm lòng mà con người đối xử với nhau. Khi con người đã đối xử với nhau bằng cả một tấm lòng thì khó khăn nào cũng vượt qua! Núi cao cũng trèo! Sông sâu cũng lội! Trái lại khi người ta lấy ghen ghét hận thù để thay tình thương đối xử với nhau, thì lúc đó xã hội sẽ biến thành Sa Mạc của Tình Người. Sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết: Chết của Tình Người. Chết của Niềm Tin. Chết của Hy Sinh Phục Vụ. Chết của lòng Quảng Ðại.

Giữa sa mạc mênh mông của tình người, thế giới hôm nay đang cần rất nhiều những tấm lòng quảng đại, những tâm hồn cao thượng. Muốn thế con người phải hy sinh chết cho bản thân! Phải can đảm ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành động, một nghĩa cử đầy tình người phải là một cái chết dần chết mòn ngay chính nội tâm bản thân ích kỷ của ta.

Khi ta cố gắng chào hỏi một người ta ghét cay ghét đắng, đó là một cử chỉ xuất phát từ một Tâm Hồn Cao Thượng. Khi ta cố gắng quên mình, để tha thứ cho những ai xúc phạm đến ta, đó mới là một Nghĩa Cử Anh Hùng. Khi chúng ta đưa tay để giao hòa với kẻ thù, đó mới thực sự là một Hành Ðộng Bác Ái Cao Cả Ý Nghĩa.

Thưa bạn, thế giới hôm nay và chính xã hội mà chúng ta đang sống cần rất nhiều những Tâm Hồn Cao Thượng như thế.

{Nguồn Người Tín Hữu}
Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012