Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Về Quê

Về Quê 4 years 5 months ago #63679


Mãi gần thất thập, chuyến thăm quê
Lắng đọng, xôn xao, lúc trở về
Chi tiết từng ngày khéo diễn tả
Tặng cho tác giả một lời: "Phê!"
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 31

Về Quê 4 years 5 months ago #63678

Về quê.


veque.jpg


Cứ bảo phải viết cái gì về chuyến đi Bắc vừa rồi, đầu thì bảo vậy nhưng cái trí nó lung tung, không biết viết gì, thôi thì ghi lại vào đây, kẻo tuổi già lú lẫn lại quên ngay đi mất.

Nhưng quên sao được chuyến đi của cả cuộc đời, trở về quê hương mình, thăm và đắm mình trong những câu chuyện mà bố mẹ mình nhắc đi nhắc lại thuở sinh thời, những địa danh, những sự kiện mình nghe kể đã thuộc nằm lòng. Tình hoài hương , nhớ quê nhà của các Cụ đong đầy trong những câu chuyện kể để ngày nay con cháu bồi hồi tưởng nhớ bố mẹ mình đã khăn gói đi bộ từ Thức Hóa tới nhà thờ Chánh tòa, Phú Nhai dự Chầu lượt, buổi tối cắm trại và đọc kinh thâu đêm tại Nhà Chung Bùi Chu…. Nhớ bố mẹ quá.

Vừa xuống tới phi trường Nội Bài, anh chị Minh đã đợi sẵn hướng dẫn anh chị em. Có anh từ ngày theo bố mẹ di cư vào Nam đây là lần đầu tiên trở về đất Bắc. Có những anh chị bịnh hoạn, cả tháng trời lo thuốc men, tẩm bổ để không lỡ chuyến đi. Có chị đã thay hai khớp gối, nhiều chị chân đau đi đứng khó khăn vẫn hăng hái tham gia. Cái gì đã khiến mọi người nhiệt tâm tham gia đến như vậy ? Một dịp để đi cho biết đất Bắc, du lịch ? Cũng đúng, nhưng trên hết là tình huynh đệ, là dịp dài ngày anh chị em sinh hoạt, sống chung với nhau. Bình thường cũng gặp gỡ, cũng chén chú chén anh, nhưng chỉ được nửa ngày là nhiều. Chỉ vì tình huynh đệ mà ĐC. Tô Ma đã gọi hỏi thăm khi đoàn vừa tới Hà Nội, xe vừa tới Nam Định Ngài đã cử một thầy đón sẵn, mang theo nước , dù, sợ anh chị em chưa quyen cái lạnh, có kẹo gừng Ngài gửi ngậm cho ấm. Thầy B. đưa đoàn ăn trưa tại tiệm phở ngon nhất Nam Định, quê hương của món phở. Về thăm nhà thờ Thức Hóa quê mình, nhà bố mẹ ngày đó bỏ đi giờ họ xây nhà văn hóa, cây cầu cheo veo ngày ấy bố ngồi cất vó giờ đã được đổ bê tông. Đứng ở cổng nhà thờ dòm ra trăm mét là nhà mình. Tham quan nhà thờ Thức Hóa, cầu nguyện trước di cốt 23 vị Tử Đạo của Thức Hóa, thăm Cha Sở, hóa ra cũng là người quyen, học trò của Đức Ông JM. Trần Văn Hiến Minh ngày nào. Thăm Vương cung Thánh đường Phú Nhai và quảng trường đang thi công cho ngày Đại hội giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội, nhà thờ và quảng trường mênh mông, vĩ đại, công sức cho ngày Đại hội thật quá lớn lao. Chiều về tới TGM, ĐC đã đợi sẵn, Ngài phân phòng sẵn cho từng cặp, từng người trong đoàn. Buổi chiều, thánh lễ Báo Hiếu do Ngài Chủ sự tại nhà nguyện TGM, bồi hồi nhớ đến ông bà tổ tiên, những người đã sinh ra, lập nghiệp tại vùng đất Bùi Chu, nhớ đến Cha già Dom. Đinh Việt Thức đã dẫn cả làng Thức Hóa vào Nam. Thưa với Chúa rằng, Chúa ơi, hôm nay con được về nơi con sinh ra, tổ tiên con đã sinh sống ở chốn này, trong dịp may mắn đặc biệt này, xin Chúa thương xót những linh hồn ấy. Bữa tối “hoành tráng” ĐC khoản đãi anh chị em, nhiều món ngon vật lạ, một món tưởng đã thất truyền, tuyệt chủng là trứng gà trộn lá mơ chiên, lại gợi nhớ ngày xưa lâu lâu mẹ làm món ấy. Kết thúc một ngày tươi vui và hạnh phúc,vui hơn khi đội tuyển VN thắng UEA 1-0.


Mặt trời còn chưa mọc, Bùi Chu ngập trong sương. Minh dẫn mình và Bình 4 thăm vườn Rosa, một kiệt tác đáng khâm phục, cỗ tràng hạt khổng lồ mà mỗi hạt nặng tới 25kg, kinh Kính Mừng bằng nhiều thứ tiếng khắc trên từng tấm bia đá, cây kèn trumpet khổng lồ dài 6m, chu mồm thổi nó lên kêu ồ ồ…, đi thăm nhà thờ Chính Tòa, không to bằng nhà thờ Phú Nhai,nhưng đượm nét cổ kính và uy nghi, mọi người lo chụp những tấm hình kỷ niệm để mai này nhà thờ sẽ được làm lại. Đã có một lúc báo chí và truyền thông do những anh dở hơi, ấm ớ ầm ĩ lên về chuyện hạ giải nhà thờ, có người đã bảo các anh ấy viết bài còn thua các em thiếu nhi Bùi Chu viết. Vật liệu xây dựng thời đó bằng vôi và các vật liệu địa phương, qua thời gian đã hư hỏng mà xi măng bây giờ trét vào không dính…. ĐC và mọi người chụp chung với nhau những tấm hình kỷ niệm để giữ mãi những hình ảnh này. Một láng trại khổng lồ đang chạm trổ những hoa văn trên gỗ cho nhà thờ mới, các bác thợ tinh xảo, giáo dân của BC phụ trách phần việc này, những cây cột gỗ lim to lớn được mua về từ ngoại quốc đang được xử lý… nghe đâu còn thiếu 6 cây nữa. Một công trình kiến trúc to lớn đang được chuẩn bị công phu và chi tiết. Bên cạnh gian cung thánh là mộ phần của các GM đã coi sóc địa phận BC, có mộ gió của ĐC PM. Phạm Ngọc Chi, bà chị giáo dân dẫn giải, ĐC Chi truyền chức cho ĐC. Phạm Năng Tĩnh và sai Ngài trở về BC chăm sóc Giáo phận, cảm phục thay đức vâng lời và lòng can đảm của Ngài. Các nhà thờ tôi đã viếng đều có bàn thờ và gian cung thánh đẹp tuyệt vời, các họa tiết được chạm khắc tỉ mỉ và sơn son thếp vàng lộng lẫy, bàn thờ ở trong Nam không thấy giống như vậy. Đích thân ĐC Tô-Ma hướng dẫn anh chị em đi thăm nhà thờ Chính tòa và phòng hài cốt các Thánh Tử đạo, cầu nguyện với các Ngài và ĐC ban phép lành cho chuyến đi. Bữa sáng cùng với ĐC và các Cha, các Thầy trong TGM thật cảm động khi mọi người dành cho đoàn những tình cảm chân tình. Lại tình cờ gặp được người em LM linh tông, mình là người hạnh phúc nhất. Ra xe đi Phát diệm, lưu luyến mãi tình huynh đệ, giữ mãi hình ảnh Ngài lên đứng ở cửa xe, tiễn biệt anh em, xuống rồi lại lên.




TGM Phát Diệm nằm trong quần thể Nhà thờ Đá, ĐTGM Giuse Nguyễn Năng ân cần đón tiếp anh chị em, Ngài cho một Thầy hướng dẫn mọi người đi thăm quần thể Nhà thờ Phát Diệm, những công trình mà năm lớp Đệ Thất tại TCV Thánh Phao Lô Phái Diệm anh em đã thường được nghe Cha Linh Hướng, Cha GĐ và các Cha hay kể, đặc biệt về Cụ Sáu Trần Lục, nay được thấy tận mắt và nghe ông Thầy giải thích cặn kẽ. Đứng trước mộ Cha Trần Lục để tưởng nhớ một kiến trúc sư đại tài, tại thời điểm toàn phương tiện thủ công, Ngài đã tạo nên những kiệt tác mà người đời sau phải vò đầu bứt tóc tự hỏi làm sao mà Ngài làm được.

Về lại Hà Nội, anh chị em có một buổi chiều tự do khám phá Hà Thành.

Sáng nay mọi người lên đường tới Sapa, háo hức vì phần lớn chưa anh chị em nào đến đó, đường xa, anh em hiểu nhau hơn và biết nhau nhiều hơn. Ai bảo Anh Hòa “điếc”, anh ấy nghe lỏm được khối chuyện riêng tư, thầm kín của nhiều người. Chuyện tình qua hai tô phở của anh Tấn, anh Hòa cũng “nghe” được. Sapa có món xông hơi với lá thuốc của người dân tộc thiểu số, anh Hải có ý muốn tìm hiểu. .. Chuyến xe vang rộn tiếng cười. Nhà thờ Sapa có lễ chiều thứ Bảy lúc 19g, hướng dẫn viên đưa mọi người tới khu du lịch Núi Hàm Rồng, nghe nói phía bên kia núi nom nó giống mồm con rồng. Đường lên núi bằng những bậc đá gập ghềnh, lên được nửa đường thở ra lỗ tai, ai ngon lành lắm lên được nửa đường rồi xuống, lúc xuống còn khó hơn lúc lên, các bậc đá chẳng bậc nào giống bậc nào, cái thì to, cái thì bé, cái lồi lên, cái lõm xuống, lộn xộn té trẹo giò như chơi. Xuống núi, tới nhà thờ khoảng 100m, ngồi trước sân nhà thờ đợi tới giờ dự lễ, trẻ em người thiểu số quần áo mong manh đi bán móc chìa khóa, đã được dặn là thương cũng không được mua, mua của một em thì chỉ một phút sau cả chục em bâu lại, rách việc. Ai bảo họ không văn minh, thông tin liên lạc của họ còn tốt hơn của mình. Lễ các Thánh Tử Đạo VN, tập hát trước lễ với Dì phước, ca lên bài hát “Đây bài ca ngàn trùng…” với các em thiếu nhi người dân tộc, họ hát thật hay và sốt sắng, kinh Vinh Danh họ hát rất nhanh, ca sĩ Tấn và nhạc sĩ Hòa rượt theo nín thở. Cách đọc kinh của họ cũng khác với các xứ đạo trong Nam, giọng cao hơn và nhiều cung bậc luyến láy, một sự trùng hợp lạ lùng, ngày qua mọi người viếng các thánh Tử Đạo, cầu nguyện cho tổ tiên, chiều nay lại được tham dự thánh lễ kính các Ngài. Lễ xong đi bộ ra nhà hàng ăn tối, lạnh ơi là lạnh. Một ngày Sapa có đủ bốn mùa nên đi đâu cũng phải mang theo đồ ấm. Hôm sau đi thăm Cổng Trời Ô Quy Hồ, cao độ chừng 2000m trên mặt nước biển, cảnh quan hùng vĩ, gió lộng ù ù lạnh thấu xương với dân miền Nam, cũng leo núi nhưng chỗ này bậc đá dễ đi hơn và gần hơn, kinh nghiệm leo núi Hàm Rồng bữa qua, nhiều anh chị không đi, vào nhà hàng uống cà phê. Tới đỉnh, có mỗi cái tháp tam giác bằng tôn in mấy dòng chữ nói đây là đỉnh, cứ thành tâm ước muốn điều gì thì cũng được, lúc trên xe mình có nói với các anh chị ý định cải sang đạo Hồi, ôm quả bom nhào vô chỗ nào đấy cho nổ tung lên là được làm thánh tử đạo, cưới một hơi 70 tiên nữ, tối ngày ăn chơi múa hát, sức khỏe vô biên thích ơi là thích, ham hố quá nên quên mất bà vợ cùng ngồi chung xe, lên đây thấy người ta viết như vậy, lại có ý xấu đó, bà ấy kéo ngay vào vườn đào trên đó, cũng có mấy cô tiên ôm cái giỏ đào, bả bảo rằng, tiên của ông đấy. Tiên bằng xi măng các anh ạ. Trên đường về, ghé thăm Thác Bạc, thác đâu chẳng thấy, họ bảo mùa này mùa khô. Lòng vòng đi coi người thiểu số bán đồ lưu niệm ven đường, họ bán lan rừng, rẻ nhưng mang về Saigon chắc không hợp thổ nhưỡng. Món họ bán nhiều nhất là dao, đủ mọi loại dao, dao rựa, dao găm, mã tấu ….. đủ kiểu, có những con rất đẹp đựng trong những bao da, những cây kiếm thật dài và tốt, dòm mà chẳng dám mua. Có chị thấy họ bán một thùng mật ong, trong đó có để mấy tàng ong và một số xác ong chết, chị kia tưởng thật ghé mua, mình thấy bà dân tộc lấy cái muỗng dài múc mật tưới lên tàng ong, toàn nước đường, muốn nói cho chị ấy biết, nhưng không dám, chung quanh có nhiều dao quá. Đường đèo Ô quy hồ ngoằn ngèo chừng 50km, một trong 4 con đèo hiểm trở của vùng Tây Bắc, tới chân đèo dừng chân thở phào. Từ đây về tới phi trường Nội Bài còn 5 tiếng nữa.

Về tới nhà, nghỉ ngơi rồi điện thoại hỏi thăm những anh chị chân yếu tay mềm, tất cả đều khỏe và hài lòng với chuyến đi. Qua chuyến đi này, tình huynh đệ mà ĐC Tô-Ma nhắc tới mấy lần trong bài giảng lễ Báo Hiếu lại càng được thắt chặt, anh em hiểu và cùng nhau vun đắp để ngày thêm bền chặt. Có được chuyến đi hạnh phúc này, xin đội ơn ĐC Tô-ma, Ngài chăm sóc và lo liệu cho mọi người đến từng chi tiết, thăm hỏi bằng điện thoại, cử người dẫn đoàn, chính Ngài làm danh sách phòng cho từng người , đưa mọi người tham quan và dẫn giải …… sự ân cần, chu đáo của Ngài làm ấm lòng anh chị em và hãnh diện vì được làm huynh đệ của Ngài. Sẽ không có chuyến đi này nếu không có nhà tài trợ, nhiều người muốn về quê lắm mà không sao thực hiện được. Cám ơn lòng hảo tâm và tinh thần huynh đệ của nhà tài trợ. Lại cám ơn những người tổ chức, anh Hòa, anh Hải …., cám ơn bác Phó Tân đã cho mọi người những hình ảnh đẹp của chuyến đi. Trên hết, xin cám ơn sự nhiệt tình tham gia của mọi người.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Trần Văn Tân, Hùng 31, Fó Ninh, Đặng Minh Khanh (Lớp Đaminh)
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012