Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: LÁ THƯ HẢI NGOẠI - Mai Nguyên Vũ

LÁ THƯ HẢI NGOẠI - Mai Nguyên Vũ 12 years 3 months ago #763


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE



LÁ THƯ HẢI NGOẠI

Mai Nguyên Vũ
200px-35_Vietnamese_boat_people_2.JPEG

Prince Rupert ngày 12 tháng 4 năm 1988

Chị Thanh thân yêu,

Em viết thư này từ một nơi cách xa Việt Nam trên chục ngàn cây số : đất nước Canada giá lạnh. Em xa quê hương mới được bảy tháng mà sao thấy lâu như bảy năm. Ôi những tháng ngày đau khổ! Em kể chị nghe chuyến hành trình vượt biển và cuộc sống hiện tại của em.

Một giờ sáng hôm đó, mọi người đang ngủ chen chúc trong căn “nhà chứa”, thì bị gọi dậy. Tất cả nối đuôi nhau, lầm lũi đi về phía biển. Hai mươi phút sau, 97 người đã bị nhét cứng trong chiếc thuyền dài 6 mét. Thuyền nhổ neo, lao vút vào biển đen. Em bắt đầu cảm thấy nao nao cõi lòng. Hình ảnh má chợt hiện ra, choán ngợp cả tâm trí em. Sáng hôm trước má đưa em ra xe. Má dặn dò đủ điều. Khi xe lăn bánh, má đưa tay lên nhưng không vẫy mà quệt ngang mắt. Em cố ngoái lại để thu nhận lần cuối cùng hình ảnh thân thương của má. Nhưng không được. Bóng dáng má nhoè nhoẹt trong mắt em. Em biết má không muốn em đi. Tại ba. Ba thuyết phục em nhiều lần. Dù em không bằng lòng, ba vẫn âm thầm sắp xếp. Khi mọi chuyện đã xong xuôi thì em không thể cưỡng lại được.

Suốt ngày đêm hôm đó, thuyền chạy êm xuôi. Khoảng tám giờ sáng hôm sau, bọn hải tặc xuất hiện. Mấy chục tên cướp lăm lăm súng ống, lưỡi lê. Chúng tràn sang lột sạch vàng bạc của mọi người, rồi giong hết đàn bà con gái sang thuyền chúng. Những bé gái mới chín, mười tuổi cũng chịu chung số phận với mẹ chúng. Một ông già cầm tay con gái lôi lại, một anh chồng che chở cho vợ liền bị bắn vỡ sọ và quăng ngay xác xuống biển. Mặt biển xanh loang đỏ máu. Bên thuyền hải tặc, những thân hình đen trũi hùng hục trên đống thân thể trắng bệch. Mọi người bậm môi quay mặt.

Những ngày sau đó, thuyền bị cướp thêm ba lần như vậy. Không còn vàng bạc, chúng cướp cả lương thực, nước uống và máy nổ. Nhiều người bị giết. Nhiều người chết đói và chết khát. Thuyền trôi dật dờ chờ chết. Ba ngày sau, mọi người được một chiếc tàu buôn Canada cứu vớt. Lúc đó, trên thuyền chỉ còn 23 người, tất cả trong tình trạng suy kiệt. Tàu đưa chúng em lên đảo Bidon. Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc đến phỏng vấn rồi cho em nhập tịch Canada. Hiện nay em sống bằng “trợ cấp xã hội” và đang theo học lớp tiếng Anh. Cuộc sống no đủ, nhưng tinh thần thì thiếu thốn vô cùng. Em mắc phải một chứng bệnh không thuốc chữa. Chị đoán thử xem bệnh gì nào? Bệnh nhớ nhà. Phải gọi là “bệnh” vì nó như một loại vi trùng ngày đêm gặm nhấm tâm trí em. Hai chữ “nhớ nhà” không thể diễn tả hết. Phải gọi là bệnh “tương tư quê hương”. Người ta tương tư người yêu thế nào thì em tương tư quê hương như vậy. Bệnh của em nặng gấp đôi người khác vì em vừa tương tư quê hương vừa tương tư người yêu. Nhiều đêm không ngủ được, phải nhổm dậy viết thư về nhà cho đỡ nhớ. Nhiều buổi học trôi qua mà không có một chữ nào dính lại trong đầu. Tâm tư em lúc nào cũng đầy ắp hình ảnh người thân và cảnh sống nơi quê nhà. Những ngày cuối tuần, bao giờ em cũng lần ra biển, không phải để tắm mà ngồi hàng giờ trên ghềnh đá, nhìn ra khơi xa, tưởng nhớ quê hương nằm sau khối nước bao la. Em thấy ngôi nhà thân yêu, thấy cây khế sum suê trước cửa. Hoa khế rụng đầy, nhuộm tím cả khoảng sân. Nơi đây, hồi còn nhỏ, em hay chơi bi với chúng bạn. Ngoài cầu ao, má đang rửa rau. Má chuẩn bị nồi canh chua cá lóc tuyệt vời. Ba vừa đi làm về, đang nằm ghế bố đọc báo. Có tiếng trẻ reo hò ngoài ngõ. Thằng Tân nhà ta tay cầm cuộn chỉ, cắm cổ chạy miết. Thằng Quang nhà chú Tư cầm diều đuổi theo, chốc chốc lại tung diều lên. Cánh diều phe phẩy bay bay, lượn lờ trên bầu trời đầy nắng. Xa xa, thấp thoáng sau bụi tre là nhà nhỏ Minh, cô bạn gái xinh nhất lớp, mối tình đầu của em. Chắc chẳng bao giờ hai đứa còn được đi học với nhau trên ngõ vắng ấy nữa. Buổi tan học cuối cùng, Minh tung tăng bước bên em. Nàng líu lo đủ mọi chuyện trong lớp. Em buồn hiu không nói lời nào. Khi tới cổng nhà ta, Minh hỏi:

- Hôm nay anh làm sao thế?

Em trả lời, giọng chùng xuống:

- Ngày mai anh đi xa, không bao giờ trở về nữa.

Minh tròn xoe đôi mắt, phá lên cười ngặt nghẽo rồi hỏi một tràng như trêu ghẹo:

- Hả? Anh nói gì? Đi luôn à? Mà đi đâu vậy?

- Anh vượt biên…Em ở nhà cố gắng học. Vĩnh biệt em yêu.

Minh nhìn em chằm chằm. Đôi hàng mi từ từ cụp xuống. Mặt cúi gầm. Đột nhiên nàng oà lên khóc tức tưởi như đứa trẻ bị bắt nạt.

Minh ơi, anh đã đi xa thật rồi. Hai đứa mình cách nhau nửa vòng trái đất. Em một mình cắp sách đến trường. Còn anh cô đơn nơi vùng trời băng giá. Anh buồn và nhớ em vô cùng. Nhưng chẳng lẽ chúng mình vĩnh viễn xa nhau? Không, không thể được. Anh sẽ về. Chắc chắn anh sẽ về, rồi hai đứa lại đi học như xưa.

Chị Thanh thân yêu, chị có biết ngày đau buồn nhất của em là ngày nào không? Chị không đoán được đâu. Không ai ngờ đó lại là ngày Tết. Em có ba thằng bạn Việt Nam cùng trường. Ngày Tết, không ai bảo ai, cả bốn đứa đều nghỉ học. Sáng sớm chúng em đến nhà nhau chúc tuổi. Nhưng vừa thấy nhau, chưa nói được lời nào, đã ôm nhau khóc nức nở. Nỗi nhớ nhà dâng lên, lồng lộn trong đầu,rưng rức ở mắt rồi thắt chặt lại ở tim. Suốt cả ngày mùng Một, chúng em nhớ nhà không thể tả. Giờ này bên quê nhà, mọi người đang sum họp ăn Tết đông đủ, còn mình lủi thủi nơi đất khách quê người, không cha mẹ, không anh em, không cả người yêu. Quê hương còn đấy. Tất cả còn đấy. Nhưng em đã đánh mất tất cả. Có những lúc ngồi nhớ về quê nhà, cứ tưởng mình đang ở Việt Nam. Giật mình tỉnh lại, thấy mình ngồi bên một cô mặc váy, mắt xanh, tóc đỏ, còn trước mặt là ông mũi lõ đang giảng bài “lí lô”. Lúc đó, em như bị rơi tụt xuống, hụt hẫng, thất vọng, chán chường.

Một buổi sáng thức dậy, em lên cơn hoảng loạn tức cười lắm. Em chạy lùng quăng khắp khu nhà trọ với bộ đồ ngủ nhàu nát, cái đầu bù xù và bộ mặt chưa rửa, rồi hớt hải lao ra đường, đi lung tung. Người qua đường trố mắt nhìn em như nhìn một kẻ mất trí. Một lúc nào đó em thất thểu lần về, lật tung chồng thư từ quê nhà, đọc ngấu nghiến rồi nằm vật ra, nước mắt nước mũi dàn dụa. May mà một lúc sau em định thần lại được, nếu không chắc bây giờ đang nằm dưỡng trí viện mất rồi. Sau nghĩ lại, em mới biết: tại ban đêm em mơ thấy má chết đuối trên biển.

Chị Thanh ơi, hôm kia đài nói Việt Nam đang bị đói. Đúng không hả chị? Những nơi nào đói? Nhà ta có đủ ăn không? Tối qua ăn cơm một mình, tay cầm chiếc đùi gà mà không tài nào nuốt nổi. Có một cái gì đó cứ ứ lên tới họng. Em bị mặc cảm tội lỗi dằn vặt ghê gớm. Giữa lúc dân mình đói khổ, thì có những thằng như em, chạy trốn để tìm no ấm riêng mình. Nhớ lại có năm mất mùa, nhà mình ăn độn bắp và khoai suốt mấy tháng. Có khi cả nửa năm không thấy miếng thịt. Còn ở đây người ta dư thừa và phí phạm quá chừng. Tại sao có sự chênh lệch vậy hả chị? Việt Nam mình hoà bình lâu rồi mà sao cứ nghèo đói mãi? Phải có một cuộc cải tổ chính trị và kinh tế thì nước mình mới vươn lên được. Dân chúng phương Tây rất tán thành chương trình đổi mới của Việt Nam. Phải chi ông Nguyễn văn Linh lên cầm quyền từ năm 1975 thì dân mình đỡ khổ. Em tin rằng, với chủ trương mở cửa như hiện nay, các nước sẽ đầu tư vào, giúp Việt Nam phát triển. Lúc đó, nước nhà cần nhiều nhân tài, nhất là những người được đào tạo ở nước ngoài. Đó là nguồn hy vọng giúp em sống và học tập. Ôi ngày trở về đẹp biết bao!

Đêm đã khuya. Em đi ngủ để mai dậy sớm đi học. Chúc chị an vui, mạnh khoẻ. Chị nhớ hồi âm ngay, kể em nghe về việc học của chị ở Sài gòn, về gia đình mình, cả những đổi mới của quê hương.

Tái bút
Hôm nào về quê thăm nhà, chị ra gốc khế, xúc một nắm đất gửi sang cho em. Ở đây vật chất đầy đủ, chỉ thiếu đất quê hương thôi. Em sẽ đặt nắm đất lên bàn thờ Tổ Quốc ở đầu giường em. Chị gửi luôn cho em băng nhạc có bài “Quê hương” của Đỗ Trung Quân. Sao em thích bài đó quá đi thôi.
Em của chị

Mai Nguyen Vu
20/ 8/ 1988
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012