Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ

DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ 12 years 2 months ago #2533


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ
09225404_thapgia_2012-03-12.jpg


Em thân mến,

Trong thánh lễ an táng một linh mục, có rất đông anh em đến đồng tế. Ai cũng bùi ngùi thương tiếc, vì người vừa nằm xuống tuổi chưa đến 60, đang phụ trách một xứ đạo tương đối lớn, và ra đi khá nhanh sau khi căn bệnh ung thư được phát hiện chưa đầy 4 tháng.

Người bạn quá cố của anh trong hơn 20 năm linh mục nhận được nhiều “bài sai”, hết xứ này đến xứ khác. Có nơi anh ấy được sai đến là một xứ đạo nghèo, nhà thờ cũ kỹ hư nát. Cặm cụi dốc hết tâm sức xây dựng con người và kiến thiết ngôi nhà thờ. Đến khi ngôi thánh đường vừa hoàn tất, anh lại nhận “bài sai” đến một họ đạo khác. Và “bài sai” cuối cùng là rời cõi đời này đến cõi vĩnh hằng, sau khi đã trải qua những giây phút hết sức đau đớn trên giường bệnh.

Đến những nơi mình không mong muốn, làm những việc mình không ưa thích, đón nhận những hiểu lầm, chê bai, chỉ trích, ghét bỏ, cô đơn, ốm đau, bệnh tật và cuối cùng là cái chết. Đó là những“bài sai”, là những thập giá trong cuộc đời người linh mục mà anh muốn chia sẻ với em trong lá thư này nhân ngày Lễ Kính Mẹ Sầu Bi và Lễ Suy Tôn Thánh Giá.

Trước kia khi gặp một người mẹ xin cầu nguyện lòng thương xót Chúa cho đứa con duy nhất đang bị ung thư, anh dễ dàng an ủi chị ấy rằng: “Thiên Chúa yêu thương chị lắm cho nên Ngài mới gởi Thánh Gía để thử thách chị đấy!”

Hoặc có lần đến thăm một người bạn đang bị thất nghiệp, nợ nần chồng chất, vợ bệnh, con đau. Anh thường vỗ vai anh ta an ủi: “Anh hãy tạ ơn Chúa đi, vì Chúa thương anh cho nên Chúa mới gửi đến cho anh những thử thách như vậy!”

Hay gặp bất cứ người giáo dân nào đang sống trong đau khổ, thất vọng, buồn nản... Anh dễ mở miệng nói: “Tất cả những thử thách và đau khổ mà bạn đang phải chịu là dấu chỉ bạn đang được Chúa yêu thương đấy!

Thế nhưng lần cuối cùng đến thăm người bạn khi còn nằm trên giường bệnh, anh ấy tâm sự : “Anh em linh mục chúng mình giảng dạy về thập giá và khuyên nhủ giáo dân chịu đựng những đau khổ thì dễ lắm. Nhưng có trải qua những đau khổ, có nằm trên giường bệnh, có cận kề cái chết như mình bây giờ mới thấy nói thì dễ nhưng làm không dễ chút nào!”

Đúng là “Thức đêm mới biết đêm dài” và “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Thập giá, đau khổ là một mầu nhiệm để sống chứ không phải là bài toán có thể tìm thấy lời giải đáp trên bàn giấy. Có lẽ hơn bao giờ hết, lúc thấy mình nằm bất lực run sợ trên giường bệnh, người mục tử mới dễ thông cảm và thương cảm những con chiên ốm đau bệnh tật thân xác tâm hồn, những con chiên lạc đàn, những con chiên nghèo nàn túng quẫn. Chính lúc ở tận cùng sự đau đớn này, trái tim người mục tử như muốn vỡ vụn ra vì thương xót những con chiên bướng bỉnh luôn tìm cách chống đối loại trừ mình. Trái tim đó như muốn mở hết ra để đón nhận và tha thứ cho những kẻ làm khốn mình như Thầy Giêsu trên cây Thánh Giá đã xin với Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Lòng tôn sùng thập giá được biểu lộ qua dấu thánh giá mà tín hữu vạch trên mình đang khi kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi. Chính vì vậy anh thấy có nhiều người Công Giáo đeo Thánh Giá trên người để tỏ lòng mộ mến hay để tỏ ra “căn cước” của mình. Tuy nhiên, có những người đeo Thánh Giá như một món đồ trang sức. Thậm chí có người nói với anh, ngày nay Chúa vẫn còn chịu “treo thập giá” khi phải “đánh đu” trên đôi bông tai hay trên bộ ngực trễ tràng của các ca sĩ hay diễn viên trên sân khấu! Có nhiều Kitô hữu quan niệm thập giá gắn liền với hy sinh đau khổ, không còn gì khác. Tuy nhiên, ngoài vấn đề đau khổ ra, còn có những khía cạnh khác nữa chứ, vì chính nhờ thập giá mà ta biết được quyền năng và lòng
thương xót lạ lùng của Thiên Chúa.

Ngày nay nếu chúng ta tuyên dương một tội phạm bị xử tử trên thập giá hay bị bắn ngoài pháp trường cát, nhiều người cũng sẽ thấy chói tai và đặt câu hỏi: phải chăng các Kitô hữu là bọn người cuồng tín? Thay vì tránh né nói tới thập giá để khỏi gây hiểu lầm, các mục tử phải mạnh dạn như thánh Phaolô tuyên bố cho con người ngày nay rằng lời giảng về Thập Giá luôn mang tính chất nghịch lý, vì tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên thập giá, một điều vấp phạm cho dân Do Thái và điều dại dột đối với dân Hy Lạp. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì đó là một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn của con người trăm lần” (1Cr 1,18-25). Người mục tử cũng phải nói với giáo dân như Phaolô: “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên thập giá” (1Cr 2,2). Nếu say mê rao giảng về thập giá Đức Kitô như vậy thì làm gì người mục tử còn bị “những chuyện khác” như Danh- Lợi-Thú cuốn hút, còn tranh hơn tranh thua với nhau, còn bị choáng váng khi lãnh “bài sai”? Chính qua thập giá của Đức Kitô, qua những yếu đuối trên giường bệnh, hay sa ngã vì lỗi lầm như người mục tử trong sương mù mà chúng ta nhận thức được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: “Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Cả chúng tôi nữa, trong Đức Kitô, chúng tôi cũng mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng tôi sống nhờ quyền năng Thiên Chúa để xử sự với anh em” (2Cr 13,4).

Em thấy đó, chính nhờ Đức Kitô mà thập giá từ chỗ là biểu tượng của oán thù đã trở nên nơi thi thố tình yêu và sự hòa giải giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau. Nếu chịu khó đọc lại những thư của Phaolô, em sẽ thấy thấy thập giá được trình bày dưới khía cạnh của một việc tuyên xưng. “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8 nhưng chính vì thế mà Đức Giêsu Kitô được siêu tôn là Chúa. “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,19).

Được gọi làm môn đệ của Đức Kitô, cho nên khi linh mục lãnh chức thánh cũng là lúc được lãnh “bài sai” thông dự vào thập giá của Đức Kitô: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,18-19). Khi đó người mục tử phải đóng đinh tiêu diệt nơi thân xác mình tất cả những đam mê tội lỗi (Gl 5,24). Hơn thế nữa, người mục tử còn phải diễn tả sự thông dự vào những đau khổ của Đức Kitô trong cuộc đời của mình qua những khó khăn thử thách bách hại trong công tác mục vụ hay trên đường truyền giáo (2Cr 4,10). Họ phải chấp nhận là “những người bị ngược đãi vì thập giá của Đức Kitô” (Gl 6,12), và “mang trên mình những dấu tích của Đức Kitô (Gl 6,17). Thậm chí, người mục tử ngày nay dù có bị chỉ trích gay gắt, có chịu tư bề xâu xé, cũng phải như Phaolô đi tới chỗ quả quyết với giáo dân rằng: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì
anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”(Cl 1,24).
Người mục tử như lòng Chúa mong ước chỉ mang lấy vào thân những đau thương của đoàn chiên mà chẳng chút hãnh diện vì mình đã làm được công trình này, đã nắm được chức vụ kia:“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.”(Gl 6,14).

Dù nói thế nào đi nữa, anh phải khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của tâm trí mình đứng trước thập giá. Mãi mãi thập giá là một mầu nhiệm, đồng thời cũng là sự phi lý theo kiểu tính toán của con người. Em nhớ rằng Kitô giáo tiên vàn không nhằm đề ra một lý thuyết để giải thích nguyên nhân đau khổ cho bằng trưng ra mẫu gương của một người đã cùng chia sẻ sự đau khổ: người ấy chính là Đức Kitô. Đau khổ có giá trị hay không là tùy thái độ chúng ta có chấp nhận nó cách tự do hay không, nghĩa là có biết đón nhận nó với sức mạnh của Đức Kitô, giống như Ngài và cùng với Ngài hay không.

Em thân mến,

Đừng sợ hãi khi gặp thánh giá và thử thách bởi vì “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cor 10:13)

Lửa thử vàng, gian nan thử đức! Chúng mình hãy kiên nhẫn khi gặp thử thách vì Chúa Giêsu đã phán: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24:13).

Em hãy nhớ, Nước Trời không phải là hàng sale, hạ giá, cho không biếu không, ban phát miễn phí cho chúng mình đâu! Đừng ảo tưởng! Đừng nằm chờ sung rụng! Chúng mình phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, phải vượt qua nhiều thử thách nghiệt ngã lắm mới đến được vinh quang đấy! Chính Chúa Giêsu tuyên bố rằng: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì mới chiếm được” (Mt 11,12).
Người anh em trong Chúa Giêsu
Lm. Giuse Trần Đình Long,Dòng Thánh Thể

nguồn : longthuongxotchua.tinvui.info
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 2 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012