Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: NGÀY XƯA CÒN BÉ: Cha Già Kiều và “Cậu Bé Nghịch Ngầm”

NGÀY XƯA CÒN BÉ: Cha Già Kiều và “Cậu Bé Nghịch Ngầm” 12 years 1 week ago #39774


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE


Cha Già Kiều và “Cậu Bé Nghịch Ngầm”
Vào một buổi chiều cuối tháng 4 năm 1971, anh Hồ Chí Sỹ (người Làng Một) tìm gặp tôi trước giờ "chơi buộc" ở Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc [lúc chúng tôi ở Tiểu Chủng Viện, mỗi ngày có một giờ bắt buộc phải ra sân chơi sau một ngày ngồi trong lớp học, nên chúng tôi gọi là giờ "chơi buộc"] :

- Ăn cơm tối xong em gọi hết anh em Bình Giả vô nhà nguyện đọc kinh cho Cha Già Kiều. Cha mất hồi sáng rồi! Ngày mai anh về Bình Giả để dự lễ an táng của Cha Già.

- Dạ... Anh xin phép Cha Giám Đốc cho em về với được không? Em muốn về nhìn Cha Già lần cuối.

- Chủng viện chỉ cho các chú về dự lễ an táng của Cha Bố hoặc Cha Xứ thôi.

- Thì Cha Già cũng như "ông nội" em vậy. Cha Trọng vẫn gọi Cha Già là "Cha Cố" đó thôi. Em là con Cha Trọng thì cũng như "cháu nội" của Ngài vậy.

- Em lên xin Cha Giám Đốc rồi về.

- Anh xin cho em với. Em mới về đây chưa được một năm, sợ lắm. Dầu sao anh tu được 5 năm rồi, xin cũng dễ hơn.

Anh Sĩ chẳng nói chẳng rằng, bỏ đi chơi với các anh lớp lớn. Tôi đứng mếu máo muốn khóc, phần thì thương nhớ Cha Già, phần thì tủi thân vì không được về tham dự lễ an táng của Ngài...

Tối hôm đó tôi đã thu hết can đảm lên xin cha giám đốc Phạm Đình Nhu, nhưng ngài không cho phép vì trong Chủng Viện còn hơn 10 chủng sinh khác là người Bình Giả, chắc cũng sẽ đòi về theo! "Các con đi lễ đọc kinh cầu nguyện cho ngài. Gần hết năm học rồi, các con phải lo học thi chứ". Đến chán!!!

Tôi thẫn thờ trở về phòng ngủ, nằm tưởng nhớ về Cha Già như một đứa bé nghĩ về "ông Nội" với những kỷ niệm từ thuở còn thơ...
***
Những viên kẹo của Cha Già:

Tôi gặp Cha Già Kiều lần đầu tiên vào dịp Tuần Thánh năm 1968 tại sân nhà thờ Làng Ba. Hôm đó tôi đi chăn bò về sớm, dội sơ sơ mấy gáo nước lạnh rồi chạy lên sân nhà thờ tìm chúng bạn để chơi banh hay cướp cờ... Không biết mắt mũi để đâu, suýt tý nữa tôi đụng vào xe đạp của "một cha già" vừa từ nhà xứ Vinh Trung chạy ra. Gia đình tôi mới dọn về Bình Giả được vài năm nay... Tôi chưa bao giờ gặp mặt ngài, nhưng biết ngay là Cha Già Kiều, vì ở Bình Giả chỉ có một ông cha đi xe đạp là Cha Già Kiều. Ngài thắng xe ken két rồi nhìn tôi, vừa cười vừa hỏi:

- Con tên chi? Chưa đến giờ lễ mà răng con chạy như ma đuổi rứa?

- Chào cha. Con là cu An. Cha là cha Kiều chi? Con chạy lên sân nhà thờ chơi mà.

- Thế cũng tốt, nhưng coi chừng ngã. Cha cho mấy cục kẹo nì.

- Dạ.

Tôi ngửa cả hai tay để nhận kẹo, nhưng thấy có 2, 3 viên nên cũng hơi buồn. Thấy cha già có vẻ hiền và vui, tôi xin thêm:

- Cha còn kẹo nữa không? Ít ri hồi nữa quân nớ đòi mần răng con chia cho đủ?

- Tốt, tốt... Biết nghĩ đến người khác.

Nói rồi ngài dốc cả túi áo, lấy ra túi kẹo nhỏ, một hộp thuốc gì đó và cỗ tràng hạt. Ngài đưa hết kẹo cho tôi rồi nói:

- Cha chỉ còn bấy nhiêu. Khi khác cha cho thêm. Giờ cha phải về...

Nói rồi ngài đạp xe ra đường cái, hướng về Làng Một. Mấy đứa bạn không biết từ đâu ùa tới, đòi chia phần... Tôi đưa hết kẹo cho mấy đứa bạn, mắt vẫn nhìn theo bóng Cha Già đang gò lưng đạp xe, mà thấy lòng bồi hồi mơ ước giá mình có được một ông nội hay ông ngoại như Cha Già thì sướng quá. Tôi không có ông nội hay ông ngoại vì cả hai đều mất trước khi tôi chào đời!

Mấy tháng sau, tôi được lãnh phần thưởng học giỏi cuối năm lớp Bốn nên được cha Trọng cho vào ban Giúp Lễ. Phải nói là ban "sai bảo" của các chú giúp lễ thì đúng hơn, vì cả mấy tháng trời, tôi đâu có được giúp lễ, chỉ chạy lăng xăng làm những việc lặt vặt trong phòng mặc áo. Tuy nhiên, được quỳ phía trên cung thánh cũng hãnh diện lắm. Thêm vào đó, vì cứ phải chạy vô chạy ra phía sau phòng mặc áo, tôi khám phá ra rất nhiều tổ chim sẻ (lúc đó chúng tôi gọi là chim rặt rặt). Một buổi chiều, cha Trọng đi dạy trên trường Trung Học Tấn Đức chưa về, mấy anh lớn xúi tôi trèo lên bên trên cung thánh tìm bắt chim con. Tôi đang mê mải leo trèo tìm xem tổ nào có con, tổ nào có trứng... nên không nghe được tiếng xe "bật bật" của cha đã về. (Hồi đó Cha Trọng có chiếc xe Vespa, nhưng hình như bị bể ống bô nên lúc nổ máy, nó kêu ầm ĩ chứ không êm như tiếng xe Honda hay Suzuki..., và bọn nhỏ chúng tôi gọi là xe "bật bật"). Một lúc sau không nghe tiếng nói chuyện, tôi ngó xuống, chẳng thấy chú giúp lễ nào nữa, chỉ có Cha Già đang bái gối, làm dấu... Không hiểu tại sao, tôi không sợ Cha Già mà chỉ sợ ngài mách lại với cha Trọng thì chết đòn, nên ôm cột nhà thờ tuột xuống ào ào. Ngài sợ tôi ngã nên vội vàng lên tiếng:

- Từ từ không ngã chết. Con làm chi mà trèo lên đó?

- Cha đừng mách lại cha Trọng nha. Con lên bắt chim. Mấy chú giúp lễ mô hết rồi cha?

- Cha đâu có thấy ai trong nhà thờ. Cha Trọng chở cha xuống chơi, cha ghé vô viếng Chúa, thấy con trèo mà phát khiếp. Con bắt chim làm chi rứa?

- Dạ... Nuôi rồi nướng ăn, ngon lắm cha.

- Đừng trèo nữa, ngã thì khổ. Con tên chi?

- Mọi bữa con gặp cha ngoài đường, cha cho con kẹo đó. Con là cu An. Bây giờ con được giúp lễ rồi.

- Giỏi rứa à? Ra ngoài ni nói chuyện...

Ngài vừa nói vừa đi ra cửa. Tôi lẽo đẽo theo sau. Vừa ra khỏi cửa nhà thờ, tôi hỏi nhỏ Cha Già:

- Cha có kẹo nữa không? Lần trước mấy đứa tê dành hết...

Tôi nín bặt vì vừa lúc đó cha Trọng xuất hiện, nhìn tôi có vẻ hơi khó chịu, nhưng nhờ có Cha Già bên cạnh nên ngài cũng không đả động gì đến tôi:

- Mời Cha Cố vô dùng nước cho mát rồi con chở cha đi.

Không biết vô tình hay hữu ý, Cha Già cầm tay tôi nói:

- Cha Trọng kiếm được chú đệ tử ni nhanh nhẩu quá.

- Nó nghịch như giặc ấy Cha Cố ơi. Cha mẹ nó gởi con để tập tành cho quen, rồi sang năm cho thi vô chủng viện, nhưng ngơi ra là chạy đi chơi mất tiêu.

- Còn nhỏ phải nghịch rứa mới học giỏi.

- An đi kêu mấy đứa về đánh bột đúc bánh lễ đi. Tối nay cha đi ăn cơm khách với Cha Cố.

Tôi cúi đầu "dạ" rồi nói nhỏ với Cha Già vì sợ cha Trọng nghe được:

- Cha để dành kẹo cho con nha. Con phải đi bây giờ.

Tôi chạy nhanh về phía sau nhà xứ, nhưng vẫn còn nghe giọng Cha Già cười nói với cha Trọng: "Thằng bé nghịch ngầm nhưng mà thật thà... Uốn được thì nên..."

Tên xấu cũng được, chỉ cần TÂM đẹp...

Gần Tết Nguyên Đán năm 1969, cha Trọng "gởi" chúng tôi lên xứ Vinh Hà để các thầy và các chú chủng sinh lớp lớn giúp điền đơn và học thêm Toán, Việt Văn... chuẩn bị đi thi vào Chủng Viện Xuân Lộc vào mùa hè năm đó. Lúc bấy giờ tôi đã có cái tên chính thức trong hồ sơ học sinh lớp Năm là Nguyễn Văn Tuyết, mặc dầu người dưới Làng Ba vẫn gọi tôi là cu An.

Khi tập trung gần 20 đứa con trai khoảng 11-12 tuổi vào một chỗ, không nói chắc quý vị cũng biết là chúng tôi không ngồi "ngoan ngoãn" chú tâm học hành, nhưng tìm đủ mọi hình thức để nghịch phá cho thỏa thích. Năm đó ở xứ Vinh Hà có 3 anh chủng sinh lớp đầu tiên của Chủng Viện Xuân Lộc về nghỉ tết, nhưng hôm đầu chỉ có anh Hồ Tuyên có mặt để kiểm soát lại đơn từ của chúng tôi. Anh Tuyên bày ra cái trò chơi "bắn tên" để chúng tôi làm quen với nhau. Tôi đã phải dở khóc dở cười vì cái tên của mình. Đứa kêu là An, đứa gọi là Tuyết. Lúc xem hồ sơ của tôi, anh Tuyên nghĩ tôi viết sai nên kêu đứng lên hỏi lại cho ăn chắc:

- Em có viết sai không? Sao lại tên Tuyết như con gái ri hầy?

Tôi chưa biết trả lời ra sao thì cả đám đã nhao nhao lên trêu chọc. Có đứa nói: "Đen như củ súng rứa mà lại kêu là Tuyết"; Có đứa hét toáng lên: "Bây khám coi hắn có phải con trai không tề". Trong đám trẻ con ngồi cùng bàn với tôi, có Hương con ông Thanh, nhà ở gần bên nhà thờ Làng Một quay sang chọc:

- Mi xin mấy bà sơ mà đi dòng Đa-Minh, chớ con gái nỏ làm cha được mô.

Tôi nổi điên lên, quay sang đấm một cái thật mạnh vào mặt hắn. Hình như hắn bị chảy máu mũi. Cả bọn im phăng phắc. Anh Tuyên bắt tôi lên quỳ. Tôi vừa khóc vừa làu bàu:

- Đưa giấy lại cho em. Không quỳ, không đi chủng viện nữa.

Anh Tuyên trừng mắt nhìn tôi, nhưng cũng không trả lại hồ sơ. Tôi lầm lũi bước ra ngoài hành lang nhà xứ đứng khóc. Tôi không dám bỏ về, vì sợ cha mẹ đánh đòn! Tôi vừa khóc, vừa cố nhớ xem những thằng nào lúc nãy chọc tôi là "con gái" để mai mốt trả thù...

- Sao con đứng đây khóc? An con Cha Trọng đây mà.

Tôi ngẩng lên, thấy Cha Già đã đứng bên cạnh từ lúc nào, tay cầm một hộp bánh lớn lắm, chắc ai mới biếu ngài. Tôi quệt vội tay áo cho hết nước mắt, rồi mếu máo:

- Con không phải cu An nữa. Bây giờ là Tuyết nên quân nớ chọc con là con gái, không làm cha được.

- Ai lại nói bậy rứa? Chúa gọi thì đi, tên chi cũng được.

- Nhưng mà tên con xấu quá, anh Tuyên cũng chê.

- Không có tên xấu, con đừng khóc. Giữ tâm hồn cho đẹp, chớ tên thì ăn thua chi... Vô đây. Cha định đưa hộp bánh cho mấy chú ăn rồi học cho giỏi. Con đi vô với cha.

- Con mới đấm thằng Hương chảy máu ra... Anh Tuyên phạt quỳ, con sợ.

- Lại rửa mặt đi... Cha dẫn vô, không sao cả. Nhưng đừng đấm đá người khác nữa.

Cha Già dẫn tôi trở lại "lớp học". Tôi đắc ý lắm vì ngài giao cho tôi cầm hộp bánh để học xong phát cho cả lớp. Ngài "giảng" một hồi, nhưng tôi chỉ nhớ một điều là "không có tên đẹp, tên xấu... nhưng cái TÂM phải đẹp... Không được chọc An, à Tuyết nữa".

Rồi tôi cũng thi đậu vào Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc. Trước ngày nhập học, mẹ tôi nhắc phải lên chào Cha Già và xin ngài cầu nguyện cho. Ăn cơm trưa xong, tôi xin phép cha Trọng và định lấy xe đạp nhà xứ để đi cho nhanh, nhưng không biết ai lấy xe đi rồi... Tôi lang thang ra phía đường cái đứng chơi, định không lên chào Cha Già nữa vì quãng đường 3 cây số cũng không phải gần dưới tầm mắt một đứa bé mới 11 tuổi đầu. Mới ra khỏi cổng nhà thờ, tôi gặp mấy đứa bạn học cùng lớp, bây giờ đã lên lớp Sáu trên trường Tấn Đức. Vui bạn vui bè, tôi nhập bọn với chúng nó, vừa đi vừa đá ống loong lên tới Làng Hai. Đám bạn vô lớp học. Tôi đâm bực cho chính tôi. Khi không lại theo chúng nó lên tới đây, đằng nào cũng được nửa đường rồi, bây giờ đi bộ về Làng Ba một mình dưới trời nắng cũng chán, nên đành lững thững cuốc bộ lên nhà xứ Vinh Hà. Tôi vào nhà xứ hỏi, gặp cố Thận đang tỉa cây cảnh ở sân trước. (Cố Thận là người từ Mường Mán - Phan Thiết, do một người bà con là cô Duyên giới thiệu vào ở giúp cha già những việc lặt vặt trong nhà xứ như trồng tỉa cây cảnh, làm vườn...). Cố Thận ngừng tay, ngẩng lên hỏi:

- Chú cần chi?

- Dạ... Con lên chào Cha Già Cố để đi Chủng Viện.

- Chú ở chơi. Cha đang đọc kinh ngoài nhà thờ.

- Dạ... Để con sang nhà thờ viếng Chúa.

Tôi nói thế vì nghĩ mình cũng nên học theo tính tốt của Cha Già, đã đi qua nhà thờ thì ghé vào viếng Chúa ít phút, và may ra ngài trông thấy để không phải chờ...

Vừa mở cánh cửa hông để vô nhà thờ, tôi đã "run như cầy sấy" vì sợ ma. Bên trong nhà thờ tối om và nghe như có tiếng rầm rì đâu đó. Tôi bái gối vội vàng rồi chạy vụt ra ngoài. Về sau tôi mới nghĩ ra là tại mình đi ngoài nắng khá lâu nên mắt bị quáng!

Nhưng cũng may cho tôi là Cha Già đã trông thấy nên mấy phút sau ngài ra tìm tôi. Tôi thật thà chào Cha Già:

- Thưa cha, tuần sau con đi chủng viện rồi. Mẹ con nói lên chào và xin cha cầu nguyện để mai mốt được làm linh mục như cha.

- Cám ơn con. Cha sẽ cầu nguyện cho, nhưng con phải nhớ một điều là "Chúa gọi thì nhiều, nhưng chọn thì ít". Con phải cầu nguyện để tìm ra Thánh Ý Chúa.

- Dạ.

Thực tình mà nói, lúc đó tôi cũng chẳng hiểu cho lắm ý nghĩa những lời Cha Già...

Ngồi xe Mercedes với Cha Già:

Một vài hôm trước ngày tựu trường, cha Trọng đang ngủ trưa, tôi thơ thẩn một mình bên hông nhà thờ Vinh Trung thì có chiếc xe Mercedes mầu đen chạy vào nhà xứ. Tôi nhìn qua thấy Cha Già đang đỡ một cha khác ra xe, nên chạy vội sang nói:

- Cha Già Cố để con đỡ cho. Ai đây cha?

- Ồ. Cha chính Luận về thăm. Con chào Cha Chính đi.

- Dạ, chào Cha Chính. Để con đỡ cha đi khỏi ngã.

- Chú mi tên chi? Cha Trọng có nhà không?

- Dạ con mới đổi tên Tuyết để đi chủng viện. Cha ở mô về rứa? Cái xe ni đẹp quá, con tưởng Đức Cha về.

Cha Chính Luận chỉ cười cười, nhưng Cha Già vui vẻ trả lời:

- Cha Chính đại diện cho tất cả người Địa Phận Vinh di cư đó con. Con học cho giỏi đi rồi mai mốt Cha Chính giúp cho đi du học.

Tôi quay sang hỏi Cha Chính Luận:

- Cha oai rứa à? Cha nhớ viết tên con để lớn được đi du học nha?

Ngài chẳng trả lời. Tôi dìu Cha Chính vô nhà xứ, đã thấy Cha Trọng bước ra cửa, sai tôi đi lấy nước. Các cha bàn công việc mở trường Đệ Nhị Cấp chi đó một lát rồi chuẩn bị lên Làng Hai họp với Cha Già Đông. Cha Trọng bảo tôi thay quần áo sạch sẽ rồi ngài chở đi theo để giúp dìu Cha Chính vì ngài bị phong thấp, đau chân đi không vững. Tôi chỉ mê được ngồi xe Huê Kỳ một lần, nhưng không biết làm sao để xin. May quá, tôi thấy Cha Già đứng lên đi ra trước nên tới gần nói nhỏ:

- Cha Già Cố cho con ngồi xe ni với, con chỉ toàn đi xe bò với xe đạp thôi.

- Ừ, để cha đi với cha Trọng cũng được.

- Cha Già Cố đi xe ni luôn chớ một mình con sợ Cha Chính lắm. Ngài nghiêm rứa...

Chưa kịp nghe Cha Già trả lời, tôi đã phải chạy vào vì cha Trọng vừa lên tiếng gọi. Tôi dìu Cha Chính Luận ra xe. Cha Trọng đã đẩy chiếc xe Vespa ra ngoài, chuẩn bị sẵn sàng. Tôi không dám mở miệng xin, nhưng Cha Già đã nói hộ:

- Cha Chính để chú An ngồi chung xe cho tiện. Con đi với cha Trọng cũng được.

Tôi hãi quá, vội vàng lên tiếng:

- Con ngồi với Cha Già Cố thôi. Con sợ Cha Chính lắm.

Cha Trọng hơi khó chịu, quát nhẹ:

- Cái thằng ni... vô phép vô tắc, không có tôn ti trật tự chi cả!

May quá, Cha Chính Luận cũng không nghiêm nghị và khó khăn như tôi tưởng. Ngài lên tiếng giảng hòa:

- Xe rộng mà, cả Cha Trọng lên đây luôn đi.

Cha Già chỉ đứng cười. Vô xe tôi cũng không dám ngồi sát bên Cha Chính Luận ở băng sau, chỉ muốn ngồi gần Cha Già vì tôi vẫn còn sờ sợ Cha Chính. Nhờ có Cha Già nên tôi mới được ngồi lên chiếc xe Mercedes lần đầu tiên khi mới hơn 11 tuổi đầu. Tôi hãnh diện về việc đó lắm, mấy ngày sau vẫn khoe với các chú giúp lễ vì mình được ngồi xe Huê Kỳ của Cha Chính Luận.

Uống thuốc của Cha Già:

Gần cuối năm học lớp Sáu ở Tiểu Chủng Viện Phước Lâm, tôi bị bệnh thương hàn, phải đi nằm nhà thương ngoài Tỉnh Phước Tuy gần 2 tuần, rồi sau đó cứ phải đi bác sĩ và lấy thuốc uống, mãi tới mùa hè vẫn không dứt hẳn. Sau khi về nghỉ hè tại Bình Giả, tôi lên xin thuốc Cha Già, mặc dầu vẫn còn dùng thuốc theo toa bác sĩ.

Tôi cũng chẳng biết ngài cho thuốc gì, nhưng tôi tin tưởng lắm vì đã nghe người lớn kể lại là thuốc của ngài bệnh chi cũng chữa khỏi. Tôi đã phạm phải một lỗi lầm lớn vì không dám nói thật với cha Trọng cũng như cha mẹ... Tôi chỉ biết là không được uống thuốc lộn xộn thứ này lẫn thứ kia, nhưng thay vì nói thật là tôi muốn uống thuốc của Cha Già, chứ không theo toa bác sĩ, tôi chỉ im lặng và dấu diếm mọi người. Do đó, cứ khoảng 2-3 tuần, tôi lại phải theo mẹ đi khám bác sĩ và mua thuốc theo toa... nhưng tôi dấu hết số thuốc đó trong tủ quần áo ở nhà xứ Vinh Trung chứ không uống. Tôi không dám vất đi vì sợ "phí của Trời".

Cuối mùa hè, tôi đã khỏe hẳn. Lúc bấy giờ cha Trọng mới nhận thêm một người con, và tôi cũng chuẩn bị trở lại chủng viện nên phải dọn dẹp phòng ốc và tủ bàn cho sạch sẽ. Chính vì việc dọn dẹp này mà cha Trọng và cha mẹ tôi khám phá ra bí mật "dấu thuốc" của tôi trong suốt mùa hè năm đó. Tôi bị mọi người quở phạt nặng nề, nhất là mẹ tôi, vì bà xót tiền mua thuốc. Tôi đành đạp xe lên khóc với Cha Già để kêu oan. Ngài chỉ nhỏ nhẹ:

- Cũng tại con không nói thật. Việc gì con phải dấu diếm? Thôi để cha nói với cha Trọng và mẹ con rồi mình biếu số thuốc đó cho trạm xá, ai cần thì cho... Nhưng đó là bài học con phải nhớ. Cha biết con không cố ý, nhưng làm sai thì phải nhận lỗi.

- Dạ.

Rồi tôi trở về Chủng Viện Xuân Lộc học lớp Bảy. Năm học đầu tiên ở Xuân Lộc chưa chấm dứt, Cha Già đã được Chúa gọi về... Và tôi không xin được phép để trở về Bình Giả nhìn Cha Già lần cuối! Đến kỳ nghỉ hè, ngay tối hôm đầu tiên trở về Bình Giả, tôi đã đạp xe lên viếng mộ Cha Già. Tôi lặng lẽ ngồi bên ghế đá "tâm tình" với Cha Già như một đứa cháu thỏ thẻ chuyện trò cùng "ông nội". Tôi khoe với ngài năm học lớp Bảy "con được đứng hạng nhì trong lớp, sang năm con sẽ cố gắng hơn để đứng nhất... Nhưng Cha Già Cố không còn nữa, con biết cậy nhờ ai xin với Cha Chính Luận cho đi du học!" Tôi cứ ngồi như thế hơn tiếng đồng hồ bên mộ Cha Già, không muốn ra về... Tới lúc bà con Làng Một đi đọc kinh tối xong ra đứng đầy chung quanh mộ chuẩn bị đọc kinh cho Ngài, tôi mới vội vàng đứng lên đẩy xe đạp ra về. Vừa đi tôi vừa thầm thì: "Cha Già Cố ơi, con biết cha đang ở trên trời nên đâu cần phải đọc kinh cho Cha. Con chỉ xin Cha phù hộ cho con thôi..."
***
Đã bao nhiêu năm qua rồi kể từ hôm tôi chạy "đâm sầm" vào xe đạp của Cha Già vào Mùa Chay năm 1968. Tôi đã không đi tu làm linh mục, nhưng tôi tin tưởng rằng mình đã tìm ra "Thánh Ý Chúa" như lời Cha Già đã nói năm xưa. Từ một "cậu bé nghịch ngầm" ở Làng Ba, tôi đã trở thành một người trung niên. Tôi không được đi du học đúng như ước mơ ngày bé, nhưng tôi cũng đã được học hành ở nước ngoài. Trước ngày tôi rời Bình Giả ra đi vào năm 1983, tôi cũng đã đến từ biệt Cha Già, hay nói đúng hơn là đến xin Cha Già phù hộ và gìn giữ trên bước đường ly lương. Lần đầu tiên tôi trở lại Bình Giả vào mùa xuân 1998, tôi đã đến "chào cha" và nghĩ về kỷ niệm lần đầu gặp gỡ từ 30 năm về trước...

Giờ này ngồi viết lại những dòng này, tôi biết mình vẫn mãi mãi là "cậu bé nghịch ngầm" dưới mắt của Cha Già. Tóc tôi bây giờ đã nửa trắng nửa đen, nhưng tôi vẫn mãi mãi là "đứa cháu bé nhỏ" của Ngài...

Nguyễn Duy-An
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012