Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21)

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 8 months ago #48681

.
Cha Tân mô tả cách phát âm từ GIAI của dân Dốc Mơ rất hay. Nhưng có viết cách nào cũng không làm cho người đọc cảm nhận được.Có cách dễ nhất và chính xác nhất là dùng điện thoại thu âm. Hôm nào về, rước cha quá bộ lên chợ Dốc Mơ mà thu âm giọng nói đặc trưng ấy.Bây giờ không bà già nào gọi cụ bằng GIAI nữa, nhưng còn nhiều từ khác cũng phát âm kiểu ấy. Thí dụ giai thoại sau đây:

Trước năm 1975, dân Dốc Mơ có nhiều ruộng rẫy, ngày mùa cần thuê nhiều người làm.Sáng sớm, dân các nơi hay tụ tập tại chợ Dốc Mơ để xem có ai thuê mình làm - giống như "cái chợ lao động". Ông điền chủ ra tìm người, thấy một cô mạnh khỏe liền hỏi:"Cô có "buồi" chửa? Hử? Chửa có hử? Đi theo con giai tôi nó kiếm "buồi" cho mà nàm nhá". Thực ra họ có ý nói chữ "buổi" tức là buổi làm, nhưng vì phát âm theo kiểu Bùi Chu nên ra nông nỗi như vậy.
Last Edit: 10 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 8 months ago #48680

.
Rân Phúc Nhạc Hàng Xả đây. Sở rỉ rân Phúc Nhạc ít cho phân các thày TĐN vì họ cũng phải rùng thứ đó để bón cây, nhất là bón rau. Phúc Nhạc có cụm từ "rân hai thùng" ám chỉ các bà các cô chuyên đi gánh phân và nước tiểu để bón cho rau...Rân Phúc Nhạc kể rằng: thỉnh thoảng có mấy thằng thanh niên ở đâu đến xin C nợn. Chúng hốt lên ba-gác chở đi. Vì là phân tươi nên rong rớt ra đường thối tha lắm, thiên hạ chưởi quá. Hóa ra là các thày TĐN.Chẳng biết có thày Tâns không? Hồi ấy cái đó quí lắm.Trồng rau trồng màu mà không có nó thì mất mùa như chơi.
Last Edit: 10 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 8 months ago #48679


Phần 3

NHỮNG THÁNG ĐẦU TIÊN

Tôi quan niệm đã viết hồi ký cũng giống như viết sử. Yếu tố cần thiết cho công việc này là sự chính xác khách quan của các sự kiện. Để trung thành với nguyên tắc đó, người viết hồi ký đôi lúc đụng phải ít vấn đề gai góc. Nếu viết trung thực, có nhiều trường hợp "khó xử" do khác biệt quan niệm hoặc góc nhìn, hoặc đụng phải những tình tiết ngượng nghịu liên quan đến cá nhân này cá nhân khác. Vì đây chỉ là một hồi ký, ghi hình lại kỷ niệm, ôn lại dĩ vãng, nên xin độc giả, và nhất là những anh em đã sống trong chính hoàn cảnh thông cảm một đôi dị biệt trong suy tư và nhận định. Đây không phải là hồi ký in thành sách thương mại. Đây không phải hồi ký để đánh bóng cá nhân hay phê bình bất cứ ai. Tôi cố gắng bao nhiêu có thể để trình bày sự kiện trung thực khách quan và trong vài trường hợp phải uyển chuyển ngắn gọn vì đức bác ái tế nhị.

Như tôi đã kể, ngày chính thức đám đông anh em lớp Pio X và mấy anh lớp khác tụ về TĐN (tu hội Tông Đồ Nhỏ) là ngày 26 tháng 5 năm 1975. Tôi tạm dùng ngày này để tính mốc thời gian. Ngoài lớp Pio X cha linh hướng Nhật lúc đó gọi một số thân tín của ngài như mấy người con của ngài. Tôi không liệt kê vào danh sách residents của TĐN những anh em chỉ đến ít ngày hoặc một vài tuần để tìm hiểu rồi ra đi và không có hộ khẩu thường trú tại đó, thí dụ:

- Nguyễn Quang Dinh (cũng là người lớp Pio X) chỉ lên thăm cha bố là cha linh hướng Nhật và xem hoàn cảnh mấy ngày rồi ra đi.
- Nguyễn Minh Hứa (lớp Vianney) cũng con cha linh hướng Nhật, ở vài tuần rồi rút lui.
- Nguyễn Văn Hùng (Pio X, Sao Mai) đến ở được mấy ngày rồi ra về.

Lê Công Đức ở được vài tháng đầu nên được tính vào sổ, vì có ghi danh hộ khẩu ra ngoài ấp. Cha Đỗ Nam Trấn vì hoàn cảnh riêng nên tựu về TĐN muộn hơn nhóm cả tháng sau. Ngoài ra, có anh Chánh (gốc dòng Đa Minh, con cha Phú, Long Thành) và C. Xuân (lớp Savio, Phương lâm, con cha Phú) có đến ở ké ít tháng, rồi lại đi, rồi lại đến... cũng không kể vào danh sách vì không có hộ khẩu chính thức.

Sĩ số đông nhất của TĐN vào cuối tháng 6 năm 1975 là khoảng 30 người:

1 Cha linh hướng Nhật,
2 cha Trần Q. Châu,
3 Thày Nguyễn Việt Tiến
4 Lâm Đình Lịch (Mẹ Vô Nhiễm),
5 Trần Văn Minh (Tô ma Thiện),
6 Nguyễn Văn Túc (Cái sắn, tu muộn, không gốc từ TCV Xuân lộc)
7 C. Trần Ngọc Châu (tu muộn, Kim Thượng, không gốc từ TCV Xuân lộc)
8 Nguyễn Đức Hạnh (tu muộn, Kim Thượng, không gốc từ TCV Xuân lộc)
9 Trần Văn Hoàng (RIP, lớp Don Bosco, nhà ở Dốc mơ)
10 C. Nguyễn Đức Quỳnh (chánh xứ Phước Lâm bây giờ, lớp Savio)

Riêng lớp Pio X gồm:

11 C. Nguyễn Văn Bộ (giámđốc Bãi dâu, giáo phận Bà Rịa)
12 C. Nguyễn Trí Dụng (giáo sư ĐCV Xuân lộc)
13 Lê Công Đức (An lộc, Xuân lộc),
14 Nguyễn Văn Đức (Philadelphia),
15 Vũ Ngọc Hiệp (Hiệp rượu, Orange Co. CA),
16 C. Đặng Minh Huấn, (không rõ xứ)
17 Đào Đình Hoa (Nam Đồng Vũng Tầu)
18 C. Nguyễn Văn Lý (quản hạt Baria),
19 Vũ Văn Mỹ (RIP nhạc sĩ Miên Ly),
20 C. Đoàn Như Nghĩa (chính xứ Phước Bình),
21 C. Trần Phú Sơn (quản hạt Honai, Sặt),
22 C. Phan Kế Sự, (không rõ xứ)
23 C. Trần Văn Tân (Iowa),
24 Bùi Thế Thông (Nhạc sĩ, Gia Yên)
25 Phạm Bắc Tiến (San Jose, CA)
26 C. Nguyễn Đăng Tuệ (giáo sư ĐCV Xuân lộc),
27 C. Đỗ Nam Trấn (vùng Phương Lâm),
28 Nguyễn Văn Tuyết (hầy, Virginia),
29 Nguyễn Văn Vũ (Japan)


Những tháng ngày đầu tiên sau 30-4-75 là những tháng vất vả và kinh khủng nhất. Kỷ niệm nhiều vô kể! Ngồi kể cả tuần không hết. Tôi chỉ tiêu biều kể một số truyện. Có lần vào ngày Chủ nhật được phép đi đây đó mua sắm đồ trong vùng mới đến, tôi đạp xe đạp từ Bạch lâm lên chợ Dốc mơ. Những chàng Pio X năm đó đúng 18 tuổi, trừ vài người trẻ hơn và vài người lớn hơn 1 tuổi... Đang lông rông ở chợ Dốc Mơ, mấy bà cụ đon đả chào khách, cầm tầu lá chuối phe phẩy đuổi mấy con ruồi bay lơ lửng trên thúng trái cây, và mấy nải chuối chín bên cạnh. Chắc bà lấy làm lạ thấy thằng trai trẻ xách làn (giỏ) đi chợ nên tươi cười hỏi, "Giai đi đâu đấy giai? Vợ con đâu rôi vậy? Giai muốn mua gì đấy giai...? Chữ giai ở cuối câu kéo rất dài rồi hạ thấp tông với âm điệu rất là nhão và ngộ nghĩnh. Là dân từ vùng khác đến, tôi thấy âm điệu và ngôn ngữ thật lạ. Sẵn máu âm nhạc, tôi cứ nhẩm và phân vân sao để ký âm lại giọng nói kiểu này. Chắc phải dùng nhiều notes luyến láy sao để diễn tả chính xác... Về sau, càng sống trong vùng, tôi quen và biết đó là đặc sản giọng miền quê của một số xứ đạo gốc Bùi chu, nên không lấy làm lạ nữa. Nhưng lúc đầu nghe, quả thật rất lạ tai...

Đám chúng tôi đa phần suốt đời là học sinh chưa hề bao giờ làm nghề nông. Về vùng "Rốc mơ - Gia kiệm" phải hoàn toàn lép vế để nghe lời mấy anh em, đúng ra là mấy vị từng sống miền ruộng rẫy phán bảo. Tu hội vốn liếng có ít tiền, tôi đoán là của cha linh hướng Nhật, chứ tụi tôi có cái gì đâu để gọi là góp vốn... Số tiền ban đầu đó đủ mua một miếng ruộng nước và một chiếc xe ba gác rất cứng cáp và tốt. Chuyện miếng ruộng nước tôi sẽ kể sau, bây giờ tạm nói về chiếc xe ba gác trước.

Chúng tôi dùng xe đó trong suốt nhiều năm sống để chuyên chở thập cẩm hàng hóa. Những tháng đầu sau 75, xe chủ yếu để chuyên chở trấu và mùn cưa do lòng tốt của các chủ máy chà gạo, chủ máy cưa vì lòng thương các chú các thày nên ưu tiên để dành cho chúng tôi lấy về nấu bếp. Rồi xe dùng để để chở rau trồng được, đem lên Kim Thượng bán, vì có mấy cô già độc thân, quen gọi các Veronica hăng hái bán giúp.

Lúc mới tụ về TĐN, ngoài việc đi làm ruộng nước ở cánh đồng Thánh Tâm phía bên trong Dốc mơ, Đức Huy và rãy mì ông trùm Đạo ở Thanh Sơn, công việc chính tại mảnh đất tu hội TĐN là trồng rau. Nguyên một gian chuồng heo từ thời cha Chuyển, thành viên TĐN, làm quản lý, được quây cót biến thành kho trữ phân chuồng trộn với tro, trấu. Giữa vườn rau chúng tôi đào một cái hồ lớn, và rải rác mấy cái giếng để lấy nước tưới rau. Cha Lý, cha Dụng, nhạc sĩ Miên Ly (Mỹ RIP) là những chuyên viên đào hồ và đào giếng.

Chiếc xe được dùng nhiều hơn là để chở phân chuồng. Nói trắng ra là đa số chở phân heo. Chúng tôi có năm ba giáo dân nhiệt tình như những chỉ điểm nằm vùng, bắn tiếng xin phân heo giúp. Ngày nào có ai nhắn cho phân là tụi tôi lo đi lấy liền kẻo người ta đổi ý hoặc cho người khác mất. Tới phiên đi chở phân mà được chở phân bò là may phúc rồi, vì nhàn hơn và đỡ nguy cơ bị ung thư mũi! Chở phân heo mới đúng nghĩa là đền tội! Giáo dân tốt lành vùng Gia kiệm thương các chú các thày nên cứ có phân lợn là ưu tiên để dành phân cho chúng tôi. Chúng tôi có một thùng phuy tốt, được cắt ra làm hai nửa. Thế là 2 chú: một lái xe ba gác, một ngồi trên xe bên 2 nửa thùng phuy kêu long cong trên đường với chiếc xẻng để xúc. Chúng tôi rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm những khu vực Gia Yên, Kim Thượng. Họa hiếm mới có phân ở Phát hải, Phúc Nhạc, Bạch lâm. Thế mới biết giáo dân Gia Yên và Kim thượng thương chúng tôi nhiều hơn nên cứ có phân là để dành cho các chú các thày....

Lúc trước đây, tôi vẫn nghe các ông bà, các cụ khuyên con cháu phải chịu khó học hành, hoặc chửi con cháu nếu lười học hành thế này: "Tao bảo cho mà biết, bây giờ mà không chịu ăn chịu học, mai này lớn lên chỉ có nước đi bốc C..." Tụi tôi học cho đã, trong thời chủng viện, nào giáo lý, nào solfège, nào tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Latinh, nào toán, lý hóa, văn chương, kỹ thuật bóng đá, cách lừa và nhồi bóng rổ, nào đánh đàn....rốt cục lúc này, theo lời của một đoạn sách ngắm mùa chay: ".. một cúi đầu xuống như muông chim...", cũng đi hốt C như ai....Nghĩ lại kinh khủng quá! Nhưng khi làm công việc đó, tôi suy nghĩ đến mầu nhiệm Mân côi mùa Thương, ngắm thứ ba, thì thấy rất tuyệt và ý nghĩa....

Chỉ tiếc là thời ấy chẳng ai có máy hình mà ghi lài vài "bô" những hình ảnh sống động nảy lửa đó. Thấy Cư tròn post hình các anh bên Xuân lộc, tôi lấy làm ghen tương với các anh em bên đó, may mắn có anh giáo Hùng 36 sớm biết ăn chơi và kinh doanh máy hình nên anh em còn được vài poses để nhớ đời.

(Xin mở ngoặc: đang khi đọc các vị thấy có chi tiết nào cần bổ xung, xin cứ tự nhiên dùm. Trí nhớ một người không bằng nhiều người, theo kiểu "Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư")
Last Edit: 10 years 8 months ago by Trần Văn Tân.
The administrator has disabled public write access.

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 8 months ago #48640


Xin đội ơn các bác Hùng 31, Phi M Hùng, TLoi, Van CU, và Trinh Tròn đã góp lời bàn quí hóa còn hơn của Mao Tôn Cương. Riêng chú Trinh còn đóng góp một số chi tiết phong phú về những tháng ngày ấy... Buddy Vũ Hồng Khanh cũng nổi máu nghệ sĩ sáng tác viết hẳn lên ca khúc. Thực tế bài viết của nhà cháu chỉ là khung sườn để các bác các chú thêm da đắp thịt vào. Mỗi người đều có một tâm tư và ký ức không nhạt nhòa được về những năm đầu chuyển tiếp cuộc sống và biến cố đổi đời đó.

Thời xa xưa, nhà cháu lớn lên và có trí khôn ngay sau thời công đồng Vatican II, nhưng bản dịch thánh lễ mới mãi đến năm 70 mới bắt đầu ứng dụng ở Việt nam với sự ra đời của cuốn Sách Lễ Giáo Dân. Khi đó nhà cháu học kinh giúp lễ bằng tiếng La tinh, phần "đối đáp dưới phản bàn thờ" khi đầu lễ là:

Introibo ad altare Dei - Ad Deum qui laetificat juventutem meam (Tôi sẽ tiến đến bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa là Đấng làm hoan lạc tuổi xuân tôi...)

Nhân vì trong bài viết có vài mẩu chi tiết bên lề nho nhỏ có thật, thế mà được các bác đặc biệt quan tâm đến, chứng tỏ trái tim các bác vẫn còn xuân lắm! Vì các bác còn biết rung động và hứng thú...Chắc Chúa luôn là nguồn hoan lạc tuổi xuân các bác...

Riêng Bác Thạnh mến, đâu ai đòi hỏi bác làm thơ. Cũng xin cám ơn lời động viên quí hóa của bác. Mỗi người có một năng khiếu và sở trường. Bác nói chuyện hay và có tư tưởng hay, bác cứ viết lời bình hoặc kể chuyện gì cũng được. Nhà cháu chỉ mong có thế, chứ bác ghé thăm là quí lắm rồi. Bác đừng âm thầm đi vào, kiểu "chiều buồn len lén tâm tư" rồi lại len lén xách dù bước đi, thì thật là một mất mát lớn cho nhà hiếu chúng tôi!

Về khoản viết bài, chất liệu và nội dung đã có sẵn hết, có thời giờ là tuôn ra thôi. Cũng chỉ sợ là các bác đọc một hồi thấy nhiều dòng nhiều trang quá nên ớn lạnh và bị stressed. Bởi vậy cháu viết theo kiểu feuilleton để các bác nhâm nhi cho đỡ ớn đó mà.
Last Edit: 10 years 8 months ago by Trần Văn Tân.
The administrator has disabled public write access.

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 8 months ago #48639

Cụ TânS
Xin cụ Tân cứ tiếp tục với hồi ký đang tới hồi gây cấn, mọi người đang chờ đợi, cụ pause hơi bị lâu đấy. Xin cụ tha cho vụ làm thơ, không phải ai cũng thở là ra thơ như cụ được đâu

Có câu hỏi bên lề:
Mihi Vivere, Christus est
năm 1967-1968, cha Điệu dậy "Đời sống tôi là, Chúa Ki tô ". Năm sau, cha Nhu đổi lại là "Đời sống tôi là, Chúa Kitô hóa". hình như với lý do: các con chỉ có thể giống như Chúa Kitô, chứ không thể là Chúa Kitô đươc.
Bây giờ, lại có bản dịch mới: "với tôi, sống là Đức Ki tô"
Theo các vị đã xong lý đoán/thần học, cái nào đúng và tại sao?
The administrator has disabled public write access.

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 8 months ago #48607

Gởi Vũ Hồng Khanh:



Hồng Khanh như sợi đàn căng

Hiu hiu gió thoảng, vang vang điệu buồn

Danh tài đâu sẵn luôn luôn

Một hình ảnh nhỏ, nhạc tuôn thác dòng


Thank you, buddy! You're so talented and artistically inclined
Last Edit: 10 years 8 months ago by Trần Văn Tân.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện)

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 9 months ago #48604

Có lẽ không có mấy cô (trong đó có các chị nhà ta nữa đấy nhé) mà không mê những ông thầy tu đạo mạo, bảnh trai, thông minh và chững chạc (nhưng có lẽ hơi nhát gái) - và rêng với cụ Tân, một thanh niên tài ba, với những ngón tay lả lướt trên phím dàn dương cầm, cách nói chuyện đôi lúc nhỏ nhẹ và ân cần. Không mê sao được!

Chúng ta hãy đi ngược dòng thời gian, trở về năm 1975 khi đất nuớc còn đảo điên và những năm giữa thập niên 1970 ở Việt Nam khi dòng nhạc slowrock rất thịnh hành, với những lời ca mộc mạc và giản dị, để nghe tâm sự của người con gái đã từng yêu thầm “anh” Tân hồi đó.

{play}media/kunena/attachments/88/YeuTham.mp3{/play}
YÊU THẦM

Tiễn anh lên đường tim đau nhói
Em mang suy tư thức trắng đêm
Yêu người đã nhiều đêm ôm gối
Cho em ước ao bờ môi mềm

Nước mắt bây giờ thay câu nói
Tâm tư hoang mang, trái tim đau
Mai đây xa rồi anh yêu hỡi
Có lẽ duyên em phận bèo trôi.

Anh ơi, khi mới yêu lần đầu
Tình yêu đẹp như mầu hồng
Mà sao em thấy lòng hoang mang
Yêu anh em chỉ biết yêu thôi
Nào ngờ cứ mãi xa xôi Mà sao anh cứ muốn đi tu :-)
Anh ơi, em khóc cho phận đời

Mỗi khi thu về anh có biết
Em nhặt lá khô ép vào thơ
Ước mơ xa vời nhưng tha thiết
Có anh bên đời em chỉ mơ.

VHK
Attachments:
Last Edit: 10 years 9 months ago by Vũ Hồng Khanh.
The administrator has disabled public write access.

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 9 months ago #48598

.
"LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG" là bài học đầu tiên thời XHCN. Đầu đường nào, xó chợ nào cũng nhan nhản khẩu hiệu đó. Nhiều người còn sáng tác thêm và rỉ tai nhau các vế tiếp theo:

LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG
LANG THANG LÀ CHẾT ĐÓI
HAY NÓI ĐI CẢI TẠO

Bà cố cha Tân là người nhìn xa trông rộng. Bà sắm sửa cho con hành lý thật cần thiết và hợp thời. Cô bạn gái hàng xóm nghe mong manh anh Tân chuẩn bị lên đường đi tu, liền sang lục lọi xem hành lý có những gì. Áo dòng? Giày Tây? Sách vở? Đường, sữa? Không, chỉ có bộ quần áo lính rộng thùng thình và đen đủi, đôi giày lính to lù lù và xù xì, lại còn lưỡi cuốc sắc mẻm, nặng nề. Nàng sa sầm nét mặt. Nước mắt rươm rướm. Ôi cuộc đời tu trì khổ như vậy sao anh Tân? Nỡ lòng nào anh rời xa cha mẹ, anh em, bạn bè, làng xóm, xứ đạo và em nữa để dấn thân vào con đường gồ ghề, chông gai, gian khổ và đầy bất trắc như vậy! Hu hu!
Last Edit: 10 years 9 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 9 months ago #48597

.
Sau năm 1975,các lớp lớn vừa học vừa làm - tay cầm bút tay cầm cuốc - tại 3 nơi: Chủng Viện XL, nhà xứ Gia Yên và Tông Đồ Nhỏ.Tất cả đều là tu chui vì không nơi nào có giấy phép. Vì vậy, mình tạm gọi các thày tu tại 3 nơi đó là TU CHUI TẬP TRUNG. Còn những anh tu nay đây mai đó - như Trinh Tròn- gọi là TU CHUI LANG THANG. Ngoài ra, còn những anh âm thầm tu tại nhà để chờ thời gọi là TU CHUI TẠI GIA.
Last Edit: 10 years 9 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)

Re: HỒI KÝ: VỚI TÔI, SỐNG LÀ ĐỨC KI TÔ, CHẾT LÀ MỐI LỢI (Philippians 1:21) 10 years 9 months ago #48596

CÁC BUỔI TĨNH TÂM NĂM TẠI TU HỘI TÔNG ĐỒ NHỎ
Trong khi chờ đợi những ký ức tìm về qua dòng lịch sử của cha Tân, mình xin phép chen vào tí để tưởng lại những ngày tháng đi về nơi mảnh đất yêu thương ấy.

Sau ngày miễn cưỡng tan trường, có lẽ số phận các lớp...nhỏ phải buông trôi theo thời cuộc hết. Ai nấy về xứ đạo và nếu còn chí hướng thì tiếp tục học xong phổ thông. Có những anh em còn tiếp tục vào đại học và hầu hết đổi hướng. Cũng có những anh âm thầm đi "tầm sư học võ" nơi một số cha giáo giáo được sự đồng ý của Đức Giám Mục. Cứ xong xong môn gì thì đưa chứng nhận về trình các đấng để xin đi học tiếp. Hoàn cảnh không được thuận lợi như những anh em có 'nơi ăn chốn ở' trong nhà Chúa! Ngoài việc phải phụ giúp gia đình, những anh em mình biết và cả mình cũng phải dầy công lắm để theo đuổi chương trình Triết và Thần học ở Sài Gòn. Mỗi tuần chỉ ba bốn buổi, nhưng phải đạp xe 'cởi trưồng' (không dè không thắng)đi về khoảng 90km với cái bụng chẳng lấy gì no đủ. Hai năm rồi ba năm mới được 6.7 chứng chỉ từ nhập môn tới hết Triết đông triết tây hay lý luận, vũ trụ luận...Sự căng thẳng tăng thêm khi vào mùa thi ở đại học cũng vào kỳ làm tiểu luận ở các lớp 'đạo học'. Thời gian gần như chật cứng chiếm luôn giờ ngủ và mọi phương tiện thư giãn...

Sau những ngày ấy, một số anh em hay tìm về Tông Đồ Nhỏ để gặp gỡ Cha Linh Hướng hoặc vui đùa với các anh em đang sống ở đó. Có khi mình được giữ lại vài ngày để...thanh thản chuẩn bị cho những ngày gian khó sắp tới.
Sau biến cố Gia Yên, các thầy trở về giáo xứ. Thầy Ngô Quang Định (Tôma Thiện)là người cùng xứ nên được cha xứ chú tâm hơn và giao thêm công việc coi ca đoàn, mình chỉ còn công việc bên các lớp giáo lý, nhưng vì không hợp nhau lắm nên Thầy Định vượt biên và mình thì Đức Cha Nhật gọi đi giúp xứ ở La Ngà thuộc vùng Định Quán.
Mấy năm lặn lội ở một giáo xứ đa số là Việt kiều...Campuchia, xứ có chiều dài 11km và chiều...sâu 13km bao gồm cả Tài Lài, Sông Lạnh, Cây Gáo...

Trong thời gian đó, niềm vui lớn nhất là ngày về tĩnh tâm tại Tông Đồ Nhỏ với các...lão gia cùng thời như Hiến, Năng, Tâm, Vàng, Bình, Ngân,...Gọi là tĩnh tâm, nhưng chắc chỉ có giờ chầu Thánh Thể và bài suy niệm là...có đạo, còn các giờ khác là cuộc đấu láo với muôn vàn câu chuyện khuân từ các nơi về để góp tiếng cười thỏa thuê sau những ngày rừng rú. Ngoài ra mình còn tham quan được cả lớp học piano của thầy Tân và gõ vài khúc trên chiếc Vibraphone là hàng hiếm thời đó!
Những hình ảnh của ngày xưa tháng cũ vẫn còn lảng vảng trong ký ức hôm nay..
As for me, living is Christ and death is a gift
Last Edit: 8 years 8 months ago by Trần Văn Tân.
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012