Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: Tôi Đi Ăn Phở.

Tôi Đi Ăn Phở. 9 years 4 months ago #56890


  • Posts:764 Thank you received: 1378
  • Trọn đời con một lời hát khen ca ngợi Hồng Ân Thiên Chúa
  • Hùng 31's Avatar
  • Hùng 31
  • Administrator
  • OFFLINE
Tô Phở bây giờ theo người tị nạn làm rạng danh dân Việt khắp thế giới.

Thành Phố New Orleans có chị Tuyết người Tân Mai chủ một tiệm phở đắt khách. Quán phở này nuôi sống 3 gia đình.
Tô Phở của Mai Châu mang nhiều hương vị quê hương và tình tự dân tộc (Mẹ con). Khâm phuc trí nhớ của chú bé 5 tuổi và giọng văn mạch lạc truyền cảm.


:thankyou
The administrator has disabled public write access.

Tôi Đi Ăn Phở. 9 years 4 months ago #56885

Nhà cháu qua Sydney ,cha Giám Học CV Lâm Bích cũ bi giờ là Cha Tuyên Úy bên Sydney chở đi ăn phở An.
Vừa tới tiệm phở,nhà cháu thưa với cha:
-Thôi má ơi,con ăn hôm qua rồi.Chưa có phở nào vừa dở vừa mắc như phở này.
(Tại CV Lâm Bích,anh em gọi cha Giám Đốc Nguyễn Thế Thọai nay là Đức Ông là Bố,gọi cha Giám Học Nguyễn Quang Thạnh là má và gọi Đức Cha Phan xi cô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là Nội)
The administrator has disabled public write access.

Tôi Đi Ăn Phở. 9 years 4 months ago #56883

PhoBo.jpg



Những ngày còn bé thơ ngây.
Mẹ dẫn ăn phở lòng đầy thương yêu.

Vào những năm đầu của thập niên 60s thì những hiệu ăn mở không nhiều lắm ở chỗ tôi ở. Nhất là những hiệu bán phở lại càng hiếm thấy. Mỗi lần muốn đi ăn phở phải ra tận chợ Thủ Đức. Sau năm 1963 mẹ tôi mở một cửa hàng buôn tạp hóa nhỏ để thêm cặp vào với số lương khiêm tốn công chức của bố tôi. Tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng phụ mẹ và được việc lắm. Nên mỗi lần ra quận Thủ Đức để cất hàng từ những dẫy phố tàu trong chợ, tôi thường được mẹ cho đi theo. Tôi rất thích những lần ra phố lớn vì lần nào cũng được mẹ cho đi ăn phở. Việc đầu tiên khi hai mẹ con đến chợ Thủ Đức là mẹ dắt tay tôi đi thẳng lại hiệu bán phở nằm sâu trong chợ. Sau khi trả tiền tô phở và căn dặn tôi ăn phở xong phải ngồi chờ mẹ và không được đi đâu. Mẹ tôi sợ tôi còn nhỏ mà đi lạc trong chợ thì thật không biết đâu mà tìm. Trong lúc tôi ngồi chờ ông chủ hiệu làm cho tô phở thì mẹ đã tất tả cắp nón bước đi vào các con ngõ nhỏ chằng chịt trong chợ Thủ Đức. Lúc đó tôi mới chỉ vào độ 5 hay 6 tuổi nhưng bạo phổi lắm. Mặc cho người người chen chúc nhau mua sắm, tôi ngây thơ nhìn những sinh hoạt buôn bán đang xảy ra chung quanh tôi. Chợ Thủ Đức là một cái chợ lớn và buôn bán rất sầm uất chứ không như cái Chợ Nhỏ ở xã Tăng Nhơn Phú tôi ở. Người ta ra vào tấp nập ở hiệu phở vì có lẽ chả có mấy người bán phở vào thời ấy. Tôi được ông chủ hiệu cho vào ngồi ở cái bàn trong góc để ông dễ trông coi tôi. Tôi đoán mẹ tôi có căn dặn ông xem chừng tôi. Vả lại tôi cũng ra hiệu phở của ông nhiều lần nên ông cũng chả lạ gì tôi nữa.
Ông chủ hiệu phở cũng là người Bắc di cư như bố mẹ tôi. Tôi còn nhớ ông nói giọng Bắc ‘đặc nước chè cắm tăm’ như bố mẹ tôi vậy. Tô phở ông bưng ra rất ngạt ngào hương thơm và đúng tiêu chuẩn phở Bắc. Tôi còn hình dung ra tô phở đầu tiên và hương vị hấp dẫn đó. Nước phở có màu vàng nâu nhạt có lẽ do màu của quế phụ và cánh hồi. Trên bàn chỉ có chai nước mắm nhỏ và 2 hũ tương đen và tương đỏ đựng trong cái chén nhỏ có nắp. Tuyệt nhiên không có đĩa giá sống và rau thơm như cách ăn phở ngày nay. Trong tô phở có những lát thịt bò chín xắt mỏng lót trên mặt bánh phở, một ít thịt bò tái được ông dùng sống dao dần cho mềm và đặt lên trên. Tô phở được trang trí qua loa với một ít hành hương và ngò rí và ngò gai xắt nhỏ. Tôi ăn thật chậm vì sợ mau hết và vì tô phở nóng cũng có. Tôi bắt chước thực khách ăn phở nên cho cả tương đen và tương đỏ vào tô phở và trộn đều lên. Tôi gọi tương đỏ vì tương có màu đỏ rất đẹp và chỉ hơi có chút cay nhẹ chứ không phải cay như tương ớt. Tương đỏ được chủ hiệu phở chế biến có màu đỏ bằng gia vị và hợp chất gì tôi không rõ nhưng không cay như tương ớt ăn phở ngày nay. Ăn phở xong tôi hay ra ngồi trước hiệu phở để xem cảnh chợ buôn bán. Mẹ tôi đi lấy hàng dễ cả 3 hay 4 tiếng đồng hồ nên tôi mặc sức mà quanh quẩn gần cái hiệu phở và say mê quan sát những sinh hoạt của bạn hàng trong chợ. Khi lấy hàng xong thì mẹ tôi vào cám ơn ông chủ hiệu phở đã chăm sóc và bắt tôi khoanh tay chào ông trước khi ra về. Những lần mẹ tôi đi lấy hàng như thế là hàng chất đầy phía sau chiếc xe lam. Tôi và mẹ tôi phải ra ngồi phía trước bên cạnh ông tài xế. Ngồi trên xe lam về nhà tôi chỉ mong mẹ bán mau hết hàng để lại được mẹ dẫn đi ăn phở.

Đến năm tôi được 10 tuổi, đó là năm tôi học lớp Năm, lớp cuối của bậc Tiểu học. Tôi được cô giáo cho đọc bài văn mẫu của nhà văn Thanh Tịnh. Đó là bài ‘Tôi đi học’. Cô giáo bắt cả lớp phải học thuộc lòng bài văn đó. Nên bây giờ hơn 45 năm sau tôi vẫn còn nhớ những câu mở đầu bài văn – ‘Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.’ Tôi không rõ nhà văn Thanh Tịnh là đàn ông hay đàn bà nhưng bài văn mẫu rất đẹp về hình dung từ ấy đã ăn sâu vào ký ức tôi cho đến bây giờ. Nhưng phải nói cái cảm giác lần đầu được mẹ dẫn đi ăn phở là một ấn tượng đẹp và tình mẫu tử thiêng liêng của mẹ tôi đã ban tặng cho tôi, để cho đến bây giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí và tim óc tôi. Tôi muốn dụng văn theo cách hành văn câu đầu của bài văn ‘Tôi đi học’ để mở đầu câu chuyện ‘Tôi đi ăn phở’ như sau:

‘Cứ mỗi lần khi các mặt hàng bán gần hết, tôi lại chuẩn bị đi cất đợt hàng mới, ngồi trên xe nhìn từng đợt khói trắng phun ra lan tỏa hai bên đường, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm thích thú của những lần được mẹ dẫn đi ăn phở.’

Cám ơn mẹ và cám ơn nhà văn Thanh Tịnh.
Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012