Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: VÀI TÂM SỰ KHI ĐỌC KỶ YẾU LỚP PIO X

VÀI TÂM SỰ KHI ĐỌC KỶ YẾU LỚP PIO X 9 years 1 month ago #58976

... :respect
Pi ô X thắt chặt nhận cuốn Kỷ Yếu "qwá dzui" luôn !


HnhnkyuPIOX.png


HnhnkyuPIOX2.png
"LỜI CHÚA là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi" (Tv 118, 105)
The administrator has disabled public write access.

VÀI TÂM SỰ KHI ĐỌC KỶ YẾU LỚP PIO X 9 years 1 month ago #58975

Bài viết sau đây của Vũ Hồng Khanh, lớp Pio X, từ Virginia, USA





Tôi đã được đọc qua những bài trong cuốn Kỷ Yếu Pio X. Nội dung và hình ảnh khá phong phú. Cám ơn và hoan hô các Cha và ban đại diện lớp (Lê Công Đức và Đào Đình Hoa), và tất cả các anh chị em đã khuyến khích, hỗ trợ, và đóng góp cho việc hoàn thành cuốn kỷ yếu. Tôi đã đọc hết các bài viết của mọi người, kể hết ra thì sợ thiếu sót và dài dòng, nên chỉ nói đến một vài cảm nghĩ như sau.

Qua cuốn kỷ yếu này tôi đã được biết thêm và nhớ lại những khuôn mặt thân quen, những kỷ niệm thật êm đềm cuả thời đó mà trí óc tôi đã quên bẵng đi từ lâu. Châu Kool nhắc tôi nhớ đến tiệm tạp hoá bên ngoài cửa chủng viện Phước Lâm, nơi tôi có thói quen thích mua qùa ăn vặt. Thấy trong hình mái tóc của Vũ Năng Khoát cũng còn khá dài, có cần thăm người thợ hớt tóc khéo tay ngày xưa này hay không?

Tôi đã biết được rằng các Cha coi xứ đa số đã có một “giang sơn”, với nhiều giáo dân. Các Cha giáo thì đang dìu dắt và huấn luyện cho rất đông mầm non của giáo hội. Cha Phạm Văn Lý nếu so với ngoài đời thì có lẽ sẽ là một giám đốc của một công ty lớn – qua những công trình xây dựng một vài nhà thờ. Cha Trần Phú Sơn, Phan Kế Sự, Nguyễn Hữu Tiên, Trần Văn Ngà đã trải qua cơn bệnh tim hiểm nghèo, nhận ra và qúy trọng cái “Hạnh Phúc Trong Tầm Tay” như Cha Sơn đã viết. Nhưng đối với các bố đời nhà mình, nếu chưa bị rụng mất cái phần Phạm Quang Độ đã diễn tả thì có lẽ chưa … xong.

Tôi đã biết được rằng trong anh em mình có những người xấu số, đã ra đi khi còn tương đối trẻ, sự nghiệp cắt ngang, vợ con bỏ lại. Biết được rằng trong anh em mình có những người thành công, nhưng cũng có một số gặp gian nan vất vả trong cuộc sống - vật chất lẫn tinh thần. Vui mừng xen kẽ những ngậm ngùi và thông cảm. Âu đó là số phận thượng đế đã an bài cho từng người.

Kỷ Yếu Pio X có thể coi là nơi lưu trữ một phần của "lịch sử", chẳng hạn như tập hồi ký của cha Tân thật có giá trị và hồi hộp, đặc biệt đối với những anh em đã trải qua những ngày tháng sống ở Tu Hội Tông Đồ Nhỏ. Ngoài ra

trong cuốn kỷ yếu còn ghi lại gia phả ba đời của gia đình Đỗ Ngọc Vinh thật rõ ràng, khỏi sợ bị thất lạc.

“Lá thư tình” của cha Nguyễn Đức Thông quả là một quyết định cứng rắn, không phải ai cũng làm được dễ dàng, nhất là trong hoàn cảnh và tuổi trẻ thời bấy giờ.

Tôi đã từng nghĩ trước đây Nguyễn Văn Vũ sẽ có khả năng làm Linh Mục “giả” qua những bài viết về tôn giáo của chàng, nhưng bây giờ mới biết Lê Công Đức đã làm một Linh Mục “giả” trong mơ. Keep on dreaming, my friend! Mai mốt Đào Đình Hoa đi đoàn tụ gia đình với các cháu tại Úc, anh em trong nước sẽ thiếu mất một người bạn để thể gặp mặt thường xuyên.

Từ những chuyện vui tới những chuyện buồn.

Bây giờ tôi mới biết Tuyết Hầy và Bùi Thế Thông là hai tên già nhất trong lớp. Nếu hai người này đi tu đúng tuối thì anh em lớp Pio X phải kêu họ bằng anh, xưng em. Nhưng may mà hai danh tài này lại lọt xuống lớp Pio X.

Tôi có thể tưởng tượng ra khuôn mặt của Hùng Sư Cọ với một “núi” valise hành lý mang từ Việt Nam, đang giải thích với những người Mỹ tò mò rằng “tụi tao đi kinh tế mới”. Đến một cái xứ nghèo nàn và “thiếu thốn” như đất Mỹ tụi bay đấy! Đúng là chở củi về rừng (kinh tế mới.) Giả như lúc đó anh chàng có đầu óc thương mại đăng bảng bán “garage sale” ngay trại phi trường thì có lẽ sẽ được các báo chí, đài truyền hình đến phỏng vấn. Có lẽ hốt được một số tiền … đủ để trả tiền phạt. Nhưng sẽ được nổi tiếng không chừng.

Chân thành cảm ơn những đóng góp của các chị. Những bài viết của các chị cho chúng tôi thấy cái nhìn từ một nửa đời kia rất quan trọng của chúng tôi. Chị Tuyết Phạm chào đón các cháu với một bàn tay mở rộng, yêu thương và dìu dắt của một cô giáo. Cô Lành với những kỷ niệm vui trong những ngày họp lớp.

Bài “Nhớ Người Bạn Cũ Đã Xa …” của chị Khuơng Huệ nói lên đúng tinh thần “thắt chặt” của một vài anh em trong lớp Pio X, và của cả gia đình, con cái chúng ta nữa. Như một vài cháu đã viết trong bài “Vẫn Là Pio X” và “Gửi Bác”. Bài viết của chị Khương Huệ thật sâu sắc, thẳng thắn, và chân tình, tận tình với bạn bè. Lần đầu tiên được đọc những tâm sự của KH tôi thấy rất cảm động và thích thú qua lối viết văn giản dị và trôi chảy của chị. Bùi Thế Thông chắc là đã phổng mũi thêm lên về tài năng đa dạng của Khương Huệ.

Xuân Dung với dáng dấp giản dị và hiền lành (như ma seour) về bề ngoài nhưng trong văn thơ lúc nào cũng dí dỏm, tình cảm, bạo dạn và cởi mở. Tuyết Hầy thì lúc nào chả phổng mũi to lên bên cạnh Xuân Dung nên khỏi phải nói. Lần gặp mặt mới đây nghe TH kể lại bệnh đau lưng và quyết định lên bàn mổ mới thấy sự đau đớn, nguy hiểm, những lo sợ TH và XD đã trải qua. Đúng như tâm tình trong bài “Thánh Giá Đời Con” Thế Thông đã viết tặng cho người bạn của mình.

Một vài ý tưởng trong bài “Những Ông Anh Chồng” của Xuân Dung đã cho tôi cảm hứng viết một bài hát mới mang tên “Tìm Một Bờ Vai” để tặng cho Xuân Dung và người anh khả kính đó. Tiện đây cũng xin giới thiệu trang “Nhac&Thơ VHK” trên Facebook tới những anh chị em chưa biết tới tại điạ chỉ sau:

www.facebook.com/nhactho.vhk

Trang này mở rộng cho mọi người, không cần phải ghi danh để vào xem. Ngoài “Tìm Một Bờ Vai”ra, trên đó cũng có một số bài “nhạc đời về đạo” tôi đã viết trong mùa chay vừa rồi như “Ngài Đã Sống Lại”, “Hãy Trở Về”.

Thôi bài viết đã khá dài, sợ mất thời giờ của anh em, tôi xin ngừng lại ở đây. Cám ơn những kỷ niệm, những tình cảm anh chị em đã dành cho nhau - trong cuốn kỷ yếu, trên diễn đàn, Facebook, hoặc qua email. Hy vọng sự liên kết/mối liên lạc, những tình cảm mọi người trong gia đình Pio X đã dành cho nhau trong thới gian qua sẽ còn kéo dài thêm nữa. 45 năm qua chất chứa bao kỷ niệm và chân tình. Những năm còn lại sẽ ra sao?

Xin sửa lại email của tôi là, This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Trong cuốn kỷ yếu ghi thiếu chữ đầu của tên đệm.

VHK
The administrator has disabled public write access.

VÀI TÂM SỰ KHI ĐỌC KỶ YẾU LỚP PIO X 9 years 1 month ago #58948


Lẽ ra tôi đang viết bài này trong phần nội bộ nhưng cũng có những cái hay hay muốn chia sẻ nơi chung. Quí thành viên của diễn đàn có account nên sign on vào để đọc những sinh hoạt riêng tư, trong đó có toàn bộ cuốn kỷ yếu của lớp Pio X. Ban đại diện CCS Xuân lộc cũng đang phát động khâu chuẩn bị làm cuốn kỷ yếu chủng viện, tôi tưởng nghĩ đây là kinh nghiệm quí hóa cho việc thực hiện ước mơ của quí anh em.

Qua những chia sẻ của cuốn kỷ yếu Pio X và các trao đổi tâm sự, đầu óc tôi tràn về những ký ức thật xa xưa của thời niên thiếu:

Như đã nói trong phần tâm sự về cuốn kỷ yếu, tôi chưa bao giờ đọc được lá thư có danh sách các thí sinh trúng tuyển nhập học chủng viện vào lớp đệ thất (lớp 6)niên khóa 1970-1971. Năm đó khi thi xong, các thí sinh đều hoang mang không biết ai đậu ai rớt. Riêng trong nhóm mình đi thi, thày Phương, nhân vật mà Đào đình Hoa nhắc tên đến, đã giúp coi thi chủng viện và đã nhắc nhẹ cho tôi biết là tôi đậu rồi. Cũng như Đào Đ Hoa, mình biết mình đậu, chỉ dám vui trong lòng không dám tỏ ra, vì còn tế nhị với người cùng xứ cùng đi trong nhóm bị rớt.

Thời năm đó, chủng viện không chủ trương cho thí sinh biết ai đậu ai rớt ngay, mà chỉ gửi thư về cho cha xứ. Các năm về sau, chủng viện thông báo liền ngay sau khóa thi. Tuy có làm một số thí sinh rớt buồn nhưng chủng viện nghĩ không cần giữ bí mật và cũng chẳng giữ được vì bằng cách này hay cách khác tin tức ai đậu ai rớt cũng lộ ngay sau khi thi.

Phải công bằng mà nói, ngày xa xưa đó, tôi là đứa bé rất ngoan khi đến nơi công cộng như trường học, nhà thờ, hội đoàn. Tôi không dám làm gì trái luật lệ hoặc nghịch ngợm phá phách. Cả một đời đi học chưa biết cúp học một ngày nào, huống hồ dám cả gan bóc lá thư gửi cho cha xứ để coi trước.

Nếu bố tôi còn sống, ông sẽ rất sung sướng và hãnh diện vì tôi làm LM. Ngay khi cho tôi đi thi vào chủng viện, chưa biết con mình thi đậu hay rớt, ông đã khoe với mấy người quen. Tình cờ việc tôi đi thi chủng viện đến tai gia đình ông quan bác, một bậc vị vọng lớn tuổi ở trong khu xóm chỗ tôi ở. Trong khu xóm chỉ gọi vậy không gọi tên. Sau tôi mới hiểu vì nhà ông có người em làm LM, nên khu xóm kính trọng gọi ông là quan bác. Riết rồi tên thật của ông là gì tôi cũng không biết. Gia đình đó có người con tên là ông Thái. Gia đình đó có họ hàng với gia đình Cao Thành Hoàng, và thày Phương.

Vì bố tôi khoe với ông quan bác về việc cho tôi nộp đơn thi vào chủng viện, nên ông giới thiệu thày Hoàng là người của gia đình cũng sẽ đi giúp thi chủng viện. Thế là trong xóm tôi có tôi và tên Luân được thày Phương nhận làm đệ tử để chuẩn bị đi thi. Ba đứa tụi tôi: Hoàng, Luân, và tôi được đưa đến giáo xứ Kẻ Sặt 2 ở tạm vài ngày để ôn thi trước khi đi ra Phước Lâm. Cả đời tôi chưa bao giờ xa nhà, chưa bao giờ ở một nơi lạ, nhưng tôi không hề sợ và rất hứng thú cho việc chuẩn bị thi vào chủng viện.

Vì là người nhà của Cao Thành Hoàng nên thày Phương lúc giúp ôn thi, kèm cặp riêng cho Hoàng dữ dội lắm. Tôi với Luân chỉ ăn ké theo. Sau khi ở Kẻ Sặt 2 vài ngày, nhóm thày Phương, Luân và tôi, kéo ra ngoài giáo xứ Nam đồng. Sau tôi hiểu vì thày Phương là con cha già Định nên thày mới đưa tụi tôi về đó để nhập với nhóm Nam Đồng trong đó có Đào Đình Hoa. Câu chuyện đã gần 50 năm nên tôi chỉ nhớ trong nhóm của Hoa có 5 người, có một thằng tên Liêm nói giọng Nam. Thời đó Hoa rất friendly và chiều đãi mấy đứa khách tụi tôi. Hoa còn mua bánh kẹo cho tôi ăn. Mấy thằng kia nói lơ lớ giọng Nam hoặc giọng địa phương nào đó nhưng Hoa thì thuần giọng Bắc.

Nhà tôi khá nghèo và hơi nhà quê nên khó được dịp ăn những món ăn ngon và đặc biệt. Lần đầu tiên khi sống với nhóm ôn thi ở Nam đồng, tôi được ăn mấy món ngon nhớ đời. Thời đó rất quan quyền đẳng cấp. Cha chính xứ Nam Đồng Nguyễn Hoà ĐỊnh và cha phó Khuất Năng Tích và thày Phương ăn trước với nhau. Sau khi các ngài ăn xong nhóm tôi được ăn sau và ké một ít đồ ăn cho các cha còn thừa lại.
Có cái bây giờ rất tầm thường đơn giản nhưng với tôi một chú bé quê lúc đó thật là tuyệt vời. Tôi muốn nói đến món khoai tây chiên. Khi sống ở gia đình, mẹ tôi cũng mua khoai tây về làm đồ ăn nhưng tôi chỉ biết món duy nhất của khoai tây là hầm nấu canh với cà rốt. Chưa bao giờ tôi biết món khoai tây chiên. Với tôi lần đầu tiên được ăn ở giáo xứ Nam đồng năm 1969 là ngon vô cùng.

Sau khi thi đậu tụi tôi lại kéo về Nam đồng vài ngày rôi được thày phương cho nhóm ba đứa tôi: Hoàng, Luân, tôi, đi thăm người nhà của thầy Phương ở vùng Sao Mai (xứ cha giáo Nguyễn văn Giản bây giờ). Người dân Sao Mai rất tốt với các cha các thày và tụi tôi là các chú. Bữa ăn tối ở Sao mai rất thịnh soạn với đồ biển. Với tôi lại cực kỳ ngon miệng nữa… Tôi đã làm một bụng để cho đã cái quê mùa không biết tôm cua biển trong đời.

Khốn nỗi cái bao tử con nít chưa thích ứng với món lạ. Đêm đó tôi bị chuyển bụng dữ dội và muốn đi tìm chỗ giải bầu tâm sự. Sự thật mà nói thời đó một số dân ở Sao mai sống gần sông biển hình như không làm nhà vệ sinh, hoặc thời đó gọi là nhà cầu. Tôi bị đau bụng và hỏi người nhà chỗ đi vệ sinh thì được người nhà chỉ ra phía bờ biển. Kẹt quá biết sao đây?

Tôi đành ngượng ngùng chạy vội ra phía bờ biển và giải quyết tâm sự ngay bên sông nước hữu tình và gió mát trăng thanh. Tôi không nhớ rõ mình có mang theo giấy thông hành hay không, tôi đoán là không, và dùng ngay phương tiện nước biển trời cho vô kể liền ngay bên cạnh đó để làm việc tẩy uế. Hú hồn! Nhẹ được cái bụng.
……….

Nhìn mấy tấm giấy viết message cho nhau, tôi nhớ kỹ sinh hoạt ở chủng viện Xuân lộc thời thơ ấu. Thời đó luật giữ im lặng rất được đề cao. “Qui regulae vivit, Deo vivit” (Ai sống theo luật là sống theo Chúa). Câu trích đó là mấy lời đầu khi đọc cuốn Qui luật các tiểu chủng viện giáo tỉnh Saigon trong nhà cơm mỗi lần cấm phòng tháng. Thời đó cha giám đốc Nhu dạy chúng tôi phải thi đua sống thánh, sống kỷ luật. Khi có nhu cầu nói chuyện với nhau điều gì trong giờ học chung hoặc học riêng, chúng tôi thường xé miếng giấy viết thông tin cho nhau, hoặc viết thông tin trên quyển giấy nháp rồi chìa cho nhau đọc. Nhìn mấy tấm giấy message đó làm tôi sống lại tuổi trẻ.

Trong lớp tôi thuộc loại viết chữ trung bình hoặc chữ xấu. Khi nhìn nét chữ của Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Bộ, làm tôi nhớ về cảm giác thèm được viết chữ đẹp. Trong lớp bấy giờ có mấy tên viết rất đẹp. Với tôi đứng đầu là Phạm Bắc Tiến, Bùi Thế Thông, Phạm Văn Lý, Nguyễn Văn Bộ, Lê Công Đức… Riêng Phạm Văn Lý có lối viết của các tập hát du ca kiểu chữ nghiêng ngược đời về phía trái và nét chữ fantasie của phong trào thời đó.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012