Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: KÝ ỨC

40 NĂM NHÌN LẠI... 7 years 10 months ago #61459

40 NĂM NHÌN LẠI

Quý Bạn rất thân kính,

Trong những ngày cuối Tháng 3 đầu Tháng 4 – 1975 – khi chiến sự leo thang khắp nơi từ Miền Trung đến Miền Nam - Trong bầu khí ngột ngạt căng thẳng cũng như trong tình huống nghiêm trọng – tôi nhớ mãi ánh mắt buồn và khuôn mặt lo lắng của Cha Giám Đốc khi quy tụ tất cả các con cái của Ngài là anh em chúng mình vào Phòng Hội lớn để thông báo và tuyên bố giải tán Chủng viện vào một buổi chiều nào đó tôi không còn nhớ rõ.

Lúc đó, tỉnh lỵ Xuân Lộc vẫn còn an ninh và có lẽ vì còn ngây ngô vô tư – chưa thấy máu chưa đổ lệ - nên tôi hoàn toàn không bàng hoàng hay lo lắng gì nhiều khi nghe tin về những cuộc giao tranh khốc liệt hay những cảnh di tản thê lương đẫm máu của cả quân đội lẫn dân chúng từ Miền Trung chạy vào Miền Nam hay Cao Nguyên đổ về Thành phố. Thậm chí kể cả khi biết được Quận Định Quán là cửa ngõ chiến lược trên Quốc Lộ 20 từ Cao Nguyên về Thành phố cũng đã không còn … nhưng tôi vẫn nghĩ chiến tranh vẫn còn xa và nếu Chủng viện có giải tán – cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn & tạm thời.

Nhưng trên đời ai học được chữ ngờ và đời tôi đã thực sự nếm được mùi chữ ngờ từ đó.

Vâng - ai đã ngờ kể từ ngày đó cũng là ngày đoàn con ưu tú của Địa phận là các Tiểu Chủng Sinh – là anh em chúng mình bị giải thể và để rồi từ đó như chim tan đàn – chúng ta tan tác mỗi người mỗi phương . Từ tổ ấm tại địa danh Xuân Lộc năm xưa ấy – cho đến 3 miền Bắc Trung Nam và nhiều nơi trên thế giới hôm nay – tất cả đều đã ghi đậm dấu chân của những người con đã một lần mang tên TCV Thánh Phaolo trên mình : kẻ ở lại quê hương – người vượt biên viễn xứ - người lìa bỏ cõi thế - kẻ thành nhân thành danh – người lên hàng thánh chức – kẻ sống bậc giáo dân – người bươi chải từng ngày v.v…

Thấm thoát đã 40 năm dài trôi qua. Hôm nay nhìn lại quá khứ rồi nhìn lại mình – tôi tự hỏi : Ta là ai – Ta đã có gì – được gì – mất gì - còn lại gì và Ta đã hay sẽ làm được gì cho bản thân – gia đình – tha nhân - Giáo Hội và Xã hội nơi Ta đang sống và hội nhập ?

Tôi cũng tự hỏi thêm : phải chăng những thành quả mà rất nhiều anh em chúng ta hôm nay đạt được trên trường đời ở mọi nơi là những bông trái nảy sinh từ những hạt mầm đã được gieo cấy cho chúng ta ngày xưa với bao tâm huyết của những bậc ân sư – của Quý Cha Quý Thày đã dày công dạy dỗ, rèn luyện và giáo dục chúng ta nên người ?

Những vấn nạn này luôn phảng phất ẩn hiện trong tâm trí tôi từ lâu – đôi khi chỉ như những áng mây giăng lúc hợp lúc tan – Nhưng kể từ khi được tin một số Bạn trong Gia đình Phaolô có sáng kiến thực hiện và phát hành Kỷ Yếu 40 Năm TCVP 1975 - 2015 – những vấn nạn trên đã thực sự hằn sâu, gợi lên và làm tôi sống lại nhiều hơn với những ký ức không phai, những kỷ niệm khó quên - không chỉ trong những năm 1968 khi mới vào CV ở Phước Lâm đến 1975 ở Xuân Lộc mà còn 40 năm phiêu bạt nổi trôi từ đó đến nay – trong đó với 33 năm viên xứ.

Hôm nay và hơn bao giờ hết, tôi cảm nghiệm thấm thía được những hồng ân cao quý mà mình đã có và được hưởng vào những tháng năm xa xưa đó trong Chủng viện với tình Chúa tình người. Hôm nay và hơn lúc nào khác, tôi trân quý được tình thày trò của những vị ân sư khả kính và hơn nhiều điều hiếm quý khác nữa là tôi có và còn có được tình bạn, tình liên đới với mọi anh em Cựu Chủng Sinh như trong một gia đình mà chúng ta có hôm nay.

Phải chăng đó chính là câu trả lời cho mọi vấn nạn của tôi nói trên ?

Vâng, đúng vậy – Vì ta là ai : Chúng ta đã biết. Ta đã có gì, được gì và mất gì : mỗi chúng ta đều biết cho chính mình … Nhưng còn lại gì : chắc không ai trong chúng ta có thể phủ nhận đó là tình liên đới hiếm quý của anh em chúng ta đang có hôm nay – những người đã một thời đeo đuổi cùng một lý tưởng – cùng sống chung một mái nhà – cùng được hưởng một nền giáo dục chân chính trong cùng một niềm tin, một khuôn mẫu và cùng theo một tiếng chuông cho mọi sinh hoạt mỗi ngày với nhau….

Tôi xác tín và trân quý những hồng ân linh thiêng và cao quý này. Tôi cần một tầm lòng trọn vẹn để dâng lời cảm tạ lên Chúa. Tôi cần một đời để nói lên được lời tri ân và ghi ơn với các bậc Ân Sư của tôi. Tôi trân quý mọi lúc tình bạn xa gần mà chúng ta đã và đang có từ tổ ấm Phaolô thuở nào. Tôi tin và xác tín rằng những kho tàng thiêng liêng này sẽ còn và sẽ còn mãi – sẽ khác với mọi kho tàng vật chất & tiền tài.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện lịch sử có thật - xin được gửi đến Quý Bạn để kết thúc cho bài chia sẻ “ 40 Năm Nhìn Lại “ này của tôi như sau :

Năm 1923 sau Đệ I Thế Chiến – bảy nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhau trong một khách sạn tại miền viễn Tây. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu châm ngôn của con người là : Có tiền mua tiên cũng được.

Thế nhưng chỉ 25 năm sau – những gì đã xảy đến cho cả 7 nhà kinh doanh giàu có này ?

1) Charles Schwab – Giám đốc công ty sắt lớn nhất Hoa Kỳ đã chết vì bị phá sản. Trong năm cuối cùng của cuộc đời, ông sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.
2) Samuel Insull – Giám đốc công ty chuyên sản suất các vật dụng cần thiết trong nhà. Phải bỏ nước ra đi và không một đồng xu dính túi.
3) Howard Hopson – Giám đốc một công ty sản xuất khí đốt rất lớn đã trở thành điên loạn.
4) Arthur Cutten – chuyên xuất nhập cảng lúa mì – cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi.
5) Richard Whitney – Giám đốc một phòng hối đoái lớn tại New York – vừa bình phục sau một thời gian chữa bệnh tại nhà thương điên.
6) Albert Fall – một nhân vật cao cấp trong chính phủ - vừa ra tù vì dính líu đến một vụ tham nhũng nghiêm trọng.
7) Người cuối cùng trong danh sách 7 nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ nói trên cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.

Sau 40 năm kể từ buổi gặp gỡ lịch sử nói trên – cả 7 nhà kinh doanh lỗi lạc trên đã không còn và cũng không còn mấy người nhắc đến tên họ nữa.

Phần chúng ta – 40 năm đã qua … nhưng tình nghĩa anh em một nhà của TCV Phaolô vẫn còn và vẫn nở hoa mỗi ngày một tươi sắc hơn.

Xin Chúa chúc lành cho mỗi anh em chúng con mọi nơi – Xin trả ơn bội hậu cho tất cả các Ân Sư khả kính của chúng con còn sống hay đã qua đời - và chúng con tin rằng : từ nơi Chúa mọi sự đều tồn tại & đẹp tươi. Amen.

Nguyễn Hiệp Tàu
Tôma Thiện
Perth, Tây Úc – Mùa Hè 2015







As for me, living is Christ and death is a gift
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 31

KÝ ỨC 7 years 10 months ago #61447

Cũng nhờ bài Ký Ức này mà anh Quyền 3T (Vianney) nhận ra thằng em cùng nội trú dòng Thánh Thể như anh ấy. Khi em vào nột trú dòng TT năm 1972 thì anh Quyên 3T nhập học TCV !2 anh em học chung 2 trường, chỉ nhận ra nhau sau 40 năm, thật kỳ diệu !
The administrator has disabled public write access.

KÝ ỨC 7 years 10 months ago #61442

.
NGÔI TRƯỜNG TCV THÁNH PHAO LÔ THÂN YÊU !

(Viết cho kỷ yếu 50 năm TCV Thánh Phao lô Xuân Lộc 1966-2016).

Đã hơn 40 năm trôi qua mà hình ảnh còn in đậm trong trí nhớ của tôi là ngôi nhà chính và nhà nguyện phía sau của TCV Thánh Phao lô Xuân Lộc. Ngày ấy và hôm nay Hai ngôi nhà ấy vẫn hiện ra, trộn vào nhau vừa xa xôi vừa gần gũi đến kỳ lạ !

NGÔI NHÀ LỚN TCV :

Với tôi, ngôi nhà chính Tiểu chủng viện ngày ấy nó lớn lắm vì quả thật từ tấm bé, tôi chưa bao giờ được bước vào một ngôi nhà lớn như thế; rồi lại còn tự nhiên được sống như là nhà của mình, trường của mình và tôi đã có cảm tình thật nhiều với nó. Nó làm tôi suy nghĩ miên man về một ngôi Nhà chung, nhà của Giáo phận, của bao người trong vùng trời mênh mông này; là tập trung của bao khối óc, con tim và nguyện ước! Ngôi nhà ấy đã được lập ra như một công trình vĩ đại đem lại lợi ích cho bao người, cho xã hội, cho quê hương Đất nước, cho Giáo hội địa phương cũng như vươn tới khắp nơi…

Tôi liên tưởng đến con số 514 anh em đã như tôi ở đó dù nhiều hay ít ngày, nhiều năm hay ít tháng … Với hai từ đơn giản “ơn gọi” và “đi tu” thì ngôi nhà này như có sức mạnh, một nguồn lực cực mạnh thu hút chúng tôi. Vâng chúng tôi đã theo tiếng Chúa và “ơn gọi” làm tông đồ cho Chúa, theo một sứ mạng cao cả đem Tin Mừng khắp thế gian theo Lệnh truyền của Chúa Giêsu! Tôi nhận ra ngôi nhà này đúng là chủng viện : đào tạo rồi sai đi, và vẫn là làm tông đồ cho Chúa ở vị trí, chức vụ Ngài ban : hàng LM thừa tác hay hàng tông đồ giáo dân. Ơn ban đến đâu, đáp trả đến đó vẫn cứ như nén bạc , nén vàng Chúa trao!

Đến nay, thống kê tạm thời cho thấy đã có 2 vị giám mục và trên 46 linh mục xuất thân từ TCV Thánh Phao lô Xuân Lộc thân yêu này. Hai vị giám mục như hai ngọn hải đăng soi sáng cho cả một vùng trời để tàu thuyền đi lại bình an. (Đức Cha Tôma Aq. Vũ Đình Hiệu, lớp đầu tiên của TCV , hiện là GM Chánh tòa GP Bùi Chu VN ; và Đức cha Đa minh Nguyễn Văn Long, lớp út (thứ 8) của TCV, hiện là GM phụ tá Tổng Giáo phận Melbourne Australia), con số các linh mục dù ở Việt Nam hay hải ngoại đang làm công tác mục vụ, đương chức, đương thời tại các cộng đoàn, các tu viện lớn nhỏ khắp nơi. Có anh em đang là Bề trên hoặc nắm những chức vụ chính trong cơ cấu của giáo phận, Nhà dòng . (như Phó Giám Tỉnh : Cha Đa minh Nguyễn Đức Thông, DCCT, chưởng ấn TGM Gp Bà Rịa : cha Gioan B. Nguyễn Văn Bộ; chánh án Tòa án Hôn phối GP Xuân Lộc : Cha Gioan B. Nguyễn Đăng Tuệ, Phó Giám đốc Chủng viện Thánh Giuse XL : Cha Giuse Đoàn Viết Thảo …) Xin anh em xem tiếp danh sách quý cha gốc TCV Thánh Phao lô XL … với các cha giáo, linh hướng ĐCV, các quản hạt và chánh xứ, cả các đâng đang là phó tế đời đời .. hết thảy đều đang hăng say làm nhiệm vụ Rao Giảng Tin Mừng y như thời giáo hội sơ khai sách Tông đồ Công vụ thuật lại. Hai chữ xưa và nay liên kết nhiệm mầu thay!

Tôi lại nghĩ đến con số đông anh em như tôi với ơn gọi Rao giảng Tin Mừng ở hàng ngũ giáo dân đã có thời gian tu học ở ngôi trường TCV Phao lô XL này. Nay thì họ tản mạn khắp nơi hay nói rộng ra là khắp thế giới. Nhưng liên kết và gần nhau hơn là tại hai giáo phận Xuân Lộc và Bà Rịa vì chung một gốc.Hình ảnh thân thương là họ cần mẫn trong mọi công tác với ý thức rất nặng tình. Tình ở đây là Tình Mến sau khi đã “ăn cơm nhà Đức Chúa Trời”!

Họ hiểu sự cộng tác tích cực là hoa trái của Phúc Âm, là đáp trả Hồng ân Chúa ban trong đời họ. Bao nhiêu là người là chủ tịch, chánh trương, trùm xứ, trùm họ, ủy viên hay ít là cộng tác viên cho các cha xứ, hội đoàn .v.v. Và như luật bất thành văn, không một đòi hỏi gì cho bản thân (qui chế BHG), họ biết Chúa lo cho họ nhiều hơn là họ lo công việc nhà Chúa! Tạ ơn Chúa, rất ít khi tôi nghe về chiều quay ngược lại (chuyện thôi nhà thờ) của số anh em này! Bên ngoài xã hội, anh em số đông cũng kể là có mực sống khá và xét chung biết lựa chọn cho thế hệ con cháu hướng đi tương lai vững chắc. Có khá nhiều anh em thành công trong công ăn việc làm và vị trí xã hội (như Anh Vũ Xuân Ninh (PGĐ Cty Việt Thương), Anh Trần Quốc Việt (Luật sư/ Thạc sỹ), Phạm Thế Chung (Phó Tổng GĐ Cty Sharp VN), Anh Phạm Văn Chấn (GĐ Cty ..),Anh Trần Đình Hiếu (GĐ Cty sữa Lothamilk), BS Trinh Tròn, BS Tống Tiến Thành, BS Đông Y Thầy Bạch Vân Đặng Viết Khanh… Xin xem danh sách quý CCS TCV PL.

Tôi nhắm mắt lại, hình dung ngôi Nhà TCV Phao lô XL in trên nền trời với những ánh sáng như vì sao lớn nhỏ của anh em cựu tu lấp lánh, lung linh trên nền trời. Ngày xưa cứ đến lễ Giáng sinh, các lớp làm đèn có chân bằng khoanh cây chuối, cắm xương tre vây lại bằng giấy bóng kiếng, đốt nến và chưng trên các lan can mặt trước TCV, nhìn ở xa sao lung linh và sáng láng, đẹp muôn mầu! Vẫn ngôi nhà ấy, nền trời ấy long lanh thật đẹp gợi cho tôi hình ảnh ngôi nhà chan hòa ánh sáng và như đong đầy ơn thánh mà anh em đã lãnh nhận, nay chuyển đến mọi người, đến cả thế giới. Bức tránh quá đẹp và sống động của chúng mình!


ThapChuong.JPG


NGÔI NHÀ NGUYỆN TCV :

Với tôi, hình ảnh Ngôi nhà nguyện TCV Phao lô XL vừa đẹp, vừa đơn sơ. Toàn bộ khung cảnh nhà nguyện nói lên điều đó : Những nét thanh tao từ hai cây Thánh giá song song cách điệu ở mặt tiền này, được viền lại bằng hình ảnh một cái chuông úp nhìn rất gần gũi! Chân nó lại như có quyển sách được mở ra! Rồi cái đường viền bên ngoài của mặt tiền xem ra như một dây Các Phép (stola) đang choàng xuống ở cổ của một vị mục tử đang cử hành nghi thức thánh! Nhà thờ hướng về phía hướng Đông, cửa chính mở đón nhận phần lớn ánh sáng cho bên trong rất tuyệt. Hướng ra phía trước là Tượng Đức Mẹ ở Hồ bán nguyệt cùng nhìn về hướng Đông và ngôi nhà chính. Phía trước cánh trái nhà nguyện là tháp chuông tuy nhỏ nhưng cân đối, thanh thanh, duyên dáng, hữu tình!, Càng nhìn lại càng nhớ và cả say mê những nét hài hòa dù nó đơn sơ nhưng linh thánh! Bây giờ nó không còn nữa, nhưng phải thú thực xa rồi thì nhớ lắm bởi đi đến đâu thấy nhà thờ thì tôi lại nhớ về Ngôi nhà nguyện ấy! Ký ức tôi lại hiện về những giờ nguyện ngắm, giờ kinh, thánh lễ, giờ chầu, chặng đàng, giảng cấm phòng hay viếng thánh thể trước giờ cơm chiều …

Ngôi nhà nguyện đơn sơ nhưng đẹp thật sự trong tôi, bởi có những lúc tôi tự hỏi rằng tâm hồn tôi cũng phải là ngôi nhà nguyện đơn sơ ấm cúng như ngôi nhà nguyện TCV xưa chưa?! Ở đó, tôi đã cầu nguyện với Bề trên và anh em, đã lớn lên trong tâm hồn nhờ những suy niệm, nghe giảng và nhận lãnh bao ơn thánh cho bản thân, cho mọi người và cộng đoàn.

Ngôi nhà nguyện với những buổi hát kinh tối dường như vẫn ngân nga trong cõi lòng tôi khi đêm về : “ Ngài sẽ che chở bạn, dưới bóng cánh của Ngài, bạn không còn sợ hãi cảnh kinh dị ban đêm! (Tv 90)… từng câu và từng câu :.. Bạn sống trong sự chở che của Đấng Tôi Cao, bạn cư ngụ dưới bống Đấng Toàn Năng - Hãy thưa cùng Chúa, Chúa là chiến lũy nơi tôi nương náu, Lay Chúa tôi , tôi tin cậy ở Người… v.v.

Hay đến Mùa vọng Giáng Sinh thì có cung giọng nhà thầy cùng hát Novena (Tuần Cửu Nhật) tuyệt vời : Đây là âm thanh, cao vút vọng ngân, vang khắp gần xa trong đêm mù sương. Tất cả mộng mơ hay xa nơi này vì Giêsu đến giữa muôn tâng mây ; và hát chung điệp khúc 2 lần : Vua muôn dân sắp đến gian trần, ta mau tới tôn vinh Ngài ..

Nhớ và rất nhớ giọng cha Giám đốc Gioan Phạm Đình Nhu , giọng Đức cha Linh hướng Phao lô Maria Nguyễn Minh Nhật … nhẩm theo mà tự nhiên ngậm ngùi muốn khóc ! Bây giờ anh em chúng mình tuổi đã 60 hơn kém …

Bạn và tôi, Cựu Chủng sinh TCV Thánh Phao lô Xuân lộc cùng cầu nguyện cho nhau luôn an mạnh và hoạt động tích cực nơi nhiệm sở mình. Và có nhớ về căn nhà chung hay nhà nguyện xưa của thời tiểu chủng viện, nơi ta đã đến, đã ở, đã ra đi là củng cố ngôi nhà nguyện thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người! Xin Chúa ban phúc lành cho các bạn đã ra đi và an nghỉ trong Chúa!

Thân thương!

Jos. Đào Đình Hoa (Lớp Piô X )


Logo.jpg


Như một đoản khúc : NHỚ VỀ TCV THÁNH PHAO LÔ XUÂN LỘC

Hình ảnh Con Thuyền trên cao ở mặt tiền TCV Thánh Phaolô XL gợi lại cho tôi MỘT CHUYẾN ĐI và NHỮNG BẾN BỜ! ở đó anh em Cựu Chủng Sinh Xuân Lộc nhận lãnh và chia sẻ hạnh phúc, yêu thương.

Thuyền trưởng của Con Thuyền chính là Cha Giám đốc Gioan Phạm Đình Nhu.

Người thợ máy chính lại là Cha Linh hướng Phaolô-Maria Nguyễn Minh Nhật.

Các phụ tá cho Thuyền trưởng và Thợ máy không ai khác ngoài các cha giáo và thầy dậy học...

Từ năm khởi đầu 1966 của GP Xuân Lộc, trong cuộc hành trình, mỗi năm Chiếc Thuyền đón nhận một lớp thiếu niên để huấn luyện thành những thuyền viên tài giỏi sau này.Thế là cuộc hành trình thuận buồm xuôi gió đã lên đường, mang theo 8 khoang thuyền đầy ắp những chàng trai nhiệt thành: mỗi khoang mang một tên riêng của một lớp cùng lứa tuổi : Tô Ma, Mẹ Vô Nhiễm, Tôma Thiện, PIÔ X, Don Bosco, Vianney, Đa-minh Savio và Đa Minh.

Thuyền nhắm thẳng phía trước, rẽ sóng và hướng về những bến đợi. Tất cả đã đồng lòng vào vị trí để hoàn thành từng bước những chặng đường cần vượt qua. Ngày ngày, các thuyền viên đã chẳng từ nan luyện tập những kỹ năng chèo chống với mọi con sóng, khúc gập ghềnh và một tinh thần kiên cường vì đại cuộc, Quả như câu nói : đồng hội - đồng thuyền như một, để Người Thuyền trưởng và Thợ máy truyền thụ tinh thần và những kinh nghiệm sống cho thế hệ trẻ có một tương lai sáng ngời, hạnh phúc cùng với niềm vui của những bến đợi. Đó là những cộng đồng anh em không xa vời nhưng thiết thực nơi các giáo xứ, các xóm đạo, hay các cộng đồng...

Con thuyền Tiểu Chủng viện Thánh Phaolô với 8 khoang thuyền đông đủ đã theo nhau đi suốt những năm 1966 đến 1975, xuyên qua những chặng đường bình an, thư thái ; rồi đến chặng gian nan, vất vả thật nhiều… nhưng rồi cơn sóng thần bất ngờ của năm Bảy Lăm như đánh vỡ tan tành Con Thuyền đang là niềm hy vọng của biết bao người!

Bàn tay TC quyền năng hằng che chở, vẫn còn đó Vị Thuyền trưởng, Người Thợ Máy và các phụ tá đầy dũng khí và kiên cường, để dù thuyền kia chỉ còn lại như những mảng bè mong manh, các bến đợi cuối cùng đã đón nhận được tin vui vì họ đã gặp được điều họ mong chờ. Những con người đến để phục vụ TC và đồng loại.

Trong số 514 anh em Cựu chủng sinh lớn nhỏ của 8 lớp , có 2 anh em được tấn phong Giám Mục, 46 anh em thụ phong linh mục và có 3 phó tế đời đời đã về đến bến đợi của các cộng đoàn giáo phận, giáo xứ, chủng viện, dòng tu, giáo điểm xa gần.

Có những anh em Chúa đã gọi về tới Bến Thiên Đàng mà ai cũng hằng cầu nguyện và mong ước...

Có số đông anh em với khúc rẽ riêng về vùng trời êm ả hơn nơi quê hương xóm làng, lại có những anh em trôi dạt đến những miền đất lạ, xa xôi nơi quê người. Mỗi người một cảnh ngộ, nhưng cái cốt cách thuyền viên năm xưa đã là một cung cách rất riêng, rất tích cực với lối sống chan hòa, yêu thương và chân thật mà chẳng mấy ai không nhận ra : Cựu Chủng sinh Tiểu Chủng viện Thánh Phaolô, Xuân lộc!

Ngày ấy – khởi đi từ năm 1966, có tiếng kêu mời, có bàn tay vẫy gọi... và chúng mình lên thuyền bước vào đời tu. Hạnh phúc thay!

Hôm nay - năm 2016, vẫn nghe đâu đó tiếng gọi, tiếng nói râm ran... và chúng ta kết thân trong Đặc san kỷ yếu Kim Khánh TCV Thánh Phao lô Xuân Lộc như tiếng lòng của mỗi người!

Thật thân thương!

Hoathomvt (Lớp Piô X)


As for me, living is Christ and death is a gift
Last Edit: 7 years 10 months ago by BBT.
The administrator has disabled public write access.

MẬU THÂN 7 years 10 months ago #61441

Phước Lâm xóm đạo miền quê,
Ba trăm sĩ tử cùng về dự thi.
Đố ai nhớ được thi gì?
Bảy mươi trúng tuyển cùng đi vào tù.

Giám Đốc Cha PHẠM ĐÌNH NHU.
Linh Hướng Cha NHẬT hiền như mẹ hiền.
Giám luật: thày GIẢN, cha HÀM.
Thày hay nhéo nách, cha hiền như khoai.


Nhớ nhà khóc lóc tơi bời,
Đêm thì ướt gối, ngày ngồi mộng mơ.
Đến nay mới biết làm thơ,
Nhớ về dĩ vãng cùng chờ "Sáu Mươi".

Hai giờ thứ Sáu Thầy THỜI.
Việt Văn Thầy QUẾ điệu đời trẻ trung.
Thầy TRƯƠNG tập hát vang lừng.
Thày TIẾN đi chợ lo từng bữa cơm.


Bà GA nấu nướng thật ngon.
Cơm lành canh ngọt no lòng chủng sinh.
Sữa heo ăn sáng linh đình.
Dưa dòi ăn tối, chủng sinh ngán gì.

Có chàng HIỆP LÁU (LM) sướng ghê,
Thay anh, tuyển thẳng chẳng hề phải thi.
Chàng ta lanh lẹ ai bì,
Cơm xong láu táu xí nghề ping pông.


Nàng tên VIẾT CHIẾN rậm lông,
Hoa khôi đẹp gái nhất trường Phao-lô.

TRUNG MAI học giỏi tài cao,
Cặp đôi nàng Chiến xì xào "scandal".
Nàng kia dòng dõi họ Phan
ĐỨC LINH thân thiết vô vàn nữ tu.


Chàng lùn tên ĐỖ VĂN CU
Ăn tục nói phét lu bù sáng đêm.
Đồng hương với hắn là tên
BÀ GIÀ VĂN HUẤN Moral (LM)dài dài.

THÁNH LOI dựa cột cả ngày.
Mồm câm như hến, ruồi bay mặc ruồi.
HOÀNG VĂN đau ốm tơi bời.
Học hành được nghỉ, cháo thời được ăn.


Chánh tràng, trưởng lớp ĐỖ QUANG
Giỏi giang tài trí nhưng đen xì xì.
3 5 0 tắm hề chi,
Người luôn nhơn nhớt ai bì AN OIL(Cụ Sáu).

Pháo binh cụ BỐN long trời.
Nhà rung, đất lở, người người thất kinh.

NAM PHÈO sướng nhất chủng sinh
Được năm bà chị thương tình dắt đi.
Bánh quà chật cứng va-li
Em ăn cho béo, quyết lì giữ gôn.

Đồng hương với nại Cu Dom,
HAI VU noắt choắt như con khỉ đèo.
Rốc Mơ nại có KHANG HEO.
Người đâu mà béo như hèo như tâu.


Giai tơ kia đến từ đâu?
Dạ em tên ĐẢN cùng nò Rốc Mơ.
Anh kia Hàng Xả, HIỆP TÀU
“Tiền hô” nên mỏ cứ U suốt ngày.

VĨNH PHÚC (LM) viết thư thế này:
“Kính thưa thày với vợ thày của con”.
Nhớ bu, PHẠM THÁI khóc ròng,
Leo rào về lại Xè-gòong mất tiêu.


Hai chân ống điếu gầy teo,
BÌNH NGÔ SE ĐIẾU lèo khèo bước vô.
BÌNH MẬP, võ sĩ Sumo.
HỌC MẬP, MINH NGỐ (rip) cùng lò Phố Lai.

AN ĐINH, THÁI HIẾU (rip), BỘ HẦY (LM)
Cùng quê Bình Gỉa với thày già Khang.
LIỆU CÒM (LM, rip), TƯ BÚA cùng làng
Phước Tỉnh làm mắm thối oang cả vùng.


Biên Hòa có đứa tên TRUNG,
Người chi dzừa bé dzừa lùng lạ heng.
VŨ THƯ người xứ Thánh Tâm.
MÃ VIỆN Ngũ Phúc đá banh thật tài.

Vũng Tàu có đứa tên ĐÀI.
Bà rịa MINH BẨU, gần người tên SƠN.
HUY SỪNG quê ở Bạch Lâm.
Phúc Nhạc còn nhớ một chàng khỉ THÂN.


QUANG VINH nhà ở Thanh Sơn.
HAI HÀO Ninh Phát go home thật buồn.
Bảo Định có lão NGỌC TRÂN.
Long Khánh ANH DŨNG,HÙNG (rip),CƯỜNG(rip)anhem.

ĐỨC PHỔNG Kẻ Sặt chóet ghèn.
ĐỨC CỐNG dắt bóng làm bàn number one.
ĐỨC TIẾN, Đức Phổng đồng hương.
ĐẠO CHU Hà Nội cùng phường Phố Lai.


Sài-gòn có đứa tên Khôi,
Tức KHÔI CỔ TẨU tướng người võ quan.
KHANG CON cùng với MINH LÂN
Ở đâu quanh quẩn Sài Thành Việt Nam.

NGÔ QUANG ĐỊNH tức Moral (LM)
Tóc hoe hoe đỏ như chàng con lai.
Lớp ta có đứa tên VUI,
Có tên HẠNH HÓI, có người da đen:


KIM ĐĨNH HYNOS đen tuyền.
Hàng Xả còn VŨ THANH BÌNH (rip) nhà em.
QUANG MINH văn bất hư truyền.
Người chi bé choắt, KIM TÂN đây mà.

THUẬN BIU óc lớn lồi ra,
Cộng trừ tính toán hắn là quán quân.
Sợ ma nhất lớp: LÈ NHÈ (THÀNH):
“Loi ơi dắt tớ đi tè mau lên”.


CƯỜNG BÒ có mái tóc quăn
THÀNH PHƯỚC (rip) ôm sách khâu đêm khâu ngày.
Tên BẰNG cao lớn như Tây,
Ở trong nhà Chúa ít ngày, “guốc-bay”.
As for me, living is Christ and death is a gift
Last Edit: 7 years 10 months ago by BBT.
The administrator has disabled public write access.

KÝ ỨC ÙA VỀ 7 years 10 months ago #61440

.
KÝ ỨC ÙA VỀ

ĐÀO ĐÌNH HOA

Nhà mình đông anh chị em lắm ! ông bà nội mình thì chắc có ý định lựa một đứa để ở riêng với ông bà với hy vọng mai kia cho nó đi tu - nên từ bé tí, lúc mới độ 4 tuổi là mình đã về ở với ông bà. Mình nghe nhiều chuyện tốt lành ông nội kể về đời sống thánh thiện, đạo đức và huy hoàng của các Cha, các thầy. Lòng mình cũng rộn ràng và nhiều lúc nghĩ mông lung về một cuộc sống thần thiêng lắm, khác lạ lắm ! Được khoảng 3 năm thì cả gia đình mình chạy loạn và cả nhà nội mình cũng bỏ quê về ở một nơi khác hẳn cảnh đồng rừng quê cũ! Thế là mình lại về sống với gia đình và quên hết những câu chuyện về "mai mốt cháu đi tu" của ông bà nội ngày nào!

Bẵng đi một thời gian, mình đã học xong bậc tiểu học thì năm ấy -1969 - vào dịp hè mình lại được ông bố lo liệu vào cha xứ xin làm hồ sơ đi thi vào chủng viện và cứ chắc chắn thế nào mình cũng đi tu được! Vâng thì con đi tu ! mặc dầu mình đã thi đậu vào trường công lập của thị xã lúc bấy giờ. Đằng nào cũng phải đi học, càng vào được trường chính quy, sau này càng giỏi - nghĩ vậy mình chẳng thắc mắc, nghĩ ngợi sau này có tu được hay không? Cả xứ mình lúc đó có tới 4 ông bố nữa đều lo cho con đi tu cùng như bố mình, thế là mình có cả 1 bọn cùng đi tu !

Ngày mình đi thi ở xứ có 5 đứa : Hảo, Hoa, Hòa, Liên, Liêm và cộng thêm 3 tên lạ hoắc do thầy Phương già, con của Cha xứ đưa về nhập bọn cùng đi thi : đó là Tân (cha Tân Ca dao đó), Luân và Hoàng (Hoàngmusic) - không biết nhớ như vậy sau 40 năm rồi có chính xác không Cha Tân nhi?! - Sau kỳ thi chỉ có Hoa Hoàng Tân là trúng tuyển, con lại bọn ở xứ mình rớt cả ! Đem kết quả về trình, Cha xứ phán cho một câu : bọn ăn hại này, may mà còn có được một đứa - xấu hổ chưa !

Ngày 01/8/1969, trơ trọi 1 mình về chủng viện Thánh Phao lô Phước Lâm, đường không xa, nhưng lòng xa quá, bởi chẳng có một anh bạn nào thân quen để mà cùng đi, cùng chuyện trò, chia sẻ.... mà như đùng một cái hôm qua còn chạy chơi đủ chỗ , hôm nay chỉ ở trong 4 bức tường rào CV, không được về ! Mình cảm thấy cái gì như mất mát, tui tủi một mình!


Ngày 1/8/1969 đã đến với mình như thế đó ! May mà ngày mùng 2 tháng 8 đến thật sớm... mở mắt ra, mình quên cái "mất" hôm qua mà nhận ra ngay hôm nay mình đã có thật đông bạn bè - 71 tên lớp Piô X , tất cả là thân thương!

1969 – Phước Lâm/

Ngày ấy … Bảy mươi mốt thằng con trai không quen nhau , không tính toán và hẹn hò trước, cùng một lúc nhập lại một nơi để theo cùng một tiếng gọi còn chưa rõ ràng : đi tu làm ông cha. Đứa thì đạo mạo, cụ ghê nơi, chưa tu mà ngó một cái thấy tướng đã ra một ông chân tu cực kỳ! Đứa thì mặt mũi ngô ngố, mắt thì mở to, tròn xoe như viên bi màu đen trắng, cứ như ở nhà quê lâu lắm mới được ra phố chợ một lần! Còn vài tên đen sạn, chân tay lều khều, mọi ngày chắc hẳn lúc nào cũng múa kiếm hay chạy lon ton mọi ngõ ngách, đến hôm nay bị bó tay,cầm chân nên chẳng biết để vào đâu ! hay có kẻ chưa quen ai, cứ thụt thò chờ xem mọi người làm gì để mà làm theo, và còn số đông hơn trông rõ ngoan, hiền khô à, lại có đứa như vừa mới khóc vì nhớ nhà hay tiếc vu vơ… mình cũng đã là một trong những tên như thế ! chao ôi đi tu mà sao lạ thế nhỉ !

Một năm ở Phước Lâm với 3 tam cá nguyệt đối với mình sao dài thế ! nếp sống các chú TCV dần hình thành, bắt đầu biết sắp xếp ngày sống theo thời khóa biểu, có quy củ hẳn hoi. Quy luật các TCV Giáo phận Sai Gòn được đọc nhiều lần để nó ghi vào nhận thức của từng chú bé đang hướng vọng về một tương lai trong sáng. Các giờ đạo đức, huấn đức,giờ học liên tục mỗi ngày 2 buổi, rồi học riêng .v.v.., cứ như xoay tròn, nhào nặn, gọt dũa để chúng mình mau thành những chú tiểu chủng sinh đích thực. May mà còn những giờ buổi chiều chơi buộc ra ngoài đá bóng hay đi tắm biển và những buổi sinh hoạt ở đồi cát, ở Khe Sanh, chùa Mõ … đã đem lại những thích thú cho tuổi thiếu niên của chúng mình !
Lúc ở Phước Lâm số danh bộ của mình là 177, mình có 1 kỷ niệm không thể nào quên được! Số là chỗ mình ngủ lại là cái góc sau Phòng y tế. Có đến 4 đứa ở trong cái góc này là Hoa Già, HùngSưcọ, Hùng Xichlô và Huỳnh Tào ; Ngay sau cửa sổ lại là cái bể nước chạy dài. Khổ nỗi nước bơm vào lại là nước ao ở ngoài tường rào TCV, và cái vòi để bơm nước vào lại chĩa ngay vào 4 cái giường của bọn mình. Không có ai cầm vòi thì được bình an, nếu có một tên lãng nhách nào cầm lên là lãnh đủ : giường chiếu, màn mùng , vali cứ ướt hết lượt! tối đến đi ngủ chẳng biết làm sao cho khô, đành nằm liều ! Tệ hại vậy mà cũng chẳng dám kêu ai nữa, vì có bắt được tay tên nào đâu mà trình, mà tố !

Bề trên lúc ấy sao cao trọng quá, không thể tự nhiên và dễ gần được. Các ngài là những bậc đáng kính, giỏi giang và thánh thiện như người của TC! Cái nhìn lúc ấy không thể ngược lại hay khác đi! Vâng, Cha Giám đốc Hàm mà nhìn là có thể hết hồn rồi; Cha Linh hướng San mà gọi vào bàn việc linh hồn là cứ ” vâng dạ, xin thưa, bẩm, trình Cha… con sẽ sửa lại, sẽ cố gắng hơn!”, Thầy Hoàng Râu, Thầy Tất … thật đa năng, giỏi toàn diện, dạy gần như bách khoa và còn quay cuồng với các chú suốt cả ngày ! Anh em đã quen dần nhau và mến nhau! Có những đứa hay nghịch ngầm chưa chịu ngoan, có những đứa cố mà học kẻo cuối năm bị đuổi về !


Hôm nay …. Phước lâm ơi! Có thể thời gian đã xóa nhòa nhiều kỷ niệm, và không gian ngôi Nhà TCV đầu tiên hôm nay không còn nữa, nhưng anh em Piô X mãi vần chôn chặt vào lòng niềm cảm xúc của năm đầu tiên đi tu, năm đầu tiên về Chủng viện !

Hoathomvt.
As for me, living is Christ and death is a gift
Last Edit: 7 years 10 months ago by BBT.
The administrator has disabled public write access.

NHỮNG CHÚ DẾ MÈN NĂM XƯA 7 years 10 months ago #61439

.
NHỮNG CHÚ DẾ MÈN NĂM XƯA

Lời Phi Lộ: Cổ nhân có câu “Xuân thu nhị kỳ”, một năm chỉ có hai mùa Xuân và mùa Thu - kể là quá ít ỏi. Nhưng so sánh với ấn bản Kỷ Yếu, thì vị tất đã ăn thua chi, tính ra gần nửa Thế kỷ dài đăng đăng đê đê anh chị em chúng ta mới có ấn bản lần hai. Vì thế mà tác giả đã lòng dặn lòng rằng lần này mà không viết bài cậy đăng thì sẽ tiếc nuối đến ngàn thu áo tím. Sau bao nhiêu ngày gò lưng cái cò lặn lội từ bàn cơm đến bàn học để ngồi mổ lóc cóc, tác giả và tác phẩm dế mèn lại có dịp chường mặt góp tiếng gáy với đời.

Nhiều lúc tự hỏi không biết có phải là mình mang tuổi con dế mèn hay không ? Một con giáp không có trong Thập Nhị Chi nhưng ẩn mạng trong hang và đen như cục than hầm thế kia mà có gì phải ‘thầy bàn’ con cà con kê đến thế nhỉ ? Anh chị em nào đã đọc qua hay xem lại Kỷ Yếu của TCV năm 1970 còn nhớ đến bài viết ‘Chú Dế Mèn Vô Địch’ của tác giả tí hon tập tành làm nhà văn. Còn anh chị em nào chưa đọc qua thì bấm bụng cười khì cho rằng tác giả nhập đề cái kiểu lung khởi như thế này để ‘ăn trang’ của Kỷ Yếu. Lung (lay) khởi hay trực khởi… nhưng gì thì gì một khi bút đã sa, cò đã mổ cũng ráng có câu chuyện làm quà để mọi người đọc mua vui trong chốc lát. Sau 45 năm con dế mèn năm xưa sẽ có nhiều chuyện cà kê dê ngỗng và cà… là mèng hơn để kể. Ban Biên Tập Kỷ Yếu kỳ này tuy không phải thức trắng đêm để quay ‘ronéo’ nhưng nếu phải trợn mắt và bóp bụng tăng số trang lên nhiều hơn để thỏa mãn bạn đọc thì cũng xin cho tác giả hai chữ lượng thứ.

Nhắc nhớ lại một quãng đời đã qua, một thời thơ ấu mà ai trong anh chị em cũng đã từng trải qua, không ai mà không có những kỷ niệm đẹp của cái tuổi hồn nhiên ấy. Như một món hàng quý bị đánh mất và tìm lại được, những dấu yêu tình thân xưa cũ chứa đầy ắp trong những hộc tủ của ký ức được khơi ra. Nhìn một tấm hình cũ của 45 năm về trước mà còn nao cả dạ huống hồ gì những tình cảm thiêng liêng đã từng gắn bó một thời, dễ dầu gì mà phai nhạt. Không nhắc thì thôi chứ một khi nhắc lại làm lòng thấy bùi ngùi dâng lên niềm xúc cảm khó tả. Cái thời còn làm con nít sao mà sướng thế nhỉ ? Chỉ biết có ăn chơi và cắp sách đến trường nhưng ở vào cái tuổi ‘ăn chưa no lo chưa tới’ ấy sự ham chơi nhiều hơn sự ham học. Những trò chơi của tuổi thơ đơn giản như bắn bi, đánh khăng, đánh đáo, tạt lon, tạt hình… còn phái nữ thì chơi nhảy cò cò, nhảy dây, chuyền đũa, chơi ô quan,… chỉ có hòn bi, sợi dây mà sao hấp dẫn bọn con nít đến thế ? Tuổi thơ của tôi còn có cái thú nuôi những sinh vật nhỏ như gà tre, cá lia thia, dế, chim sáo, chích chòe để làm cảnh hay trong các trò chơi thi đấu như chọi cá, chọi dế với bọn con nít cùng xóm. Năm được 7 tuổi, tôi được gia đình gửi vào ở nội trú trong Ký Túc Xá. Tôi được làm quen với cuộc sống xa gia đình từ khi còn nhỏ. Ở vào cái tuổi còn con nít đó tôi đã phải tập sống tự lập và sống theo kỷ luật. Mọi việc như ăn, học, ngủ, nghỉ và chơi phải theo giờ giấc cố định. Cuộc sống ở nội trú tuy có cô đơn thiếu thốn nhưng tập cho tôi can đảm và biết chịu đựng. Hồi ấy ở vào cái tuổi hồn nhiên nên tôi cũng vô tư lắm, chứ như bây giờ ngồi nghĩ lại thì thấy khó mà chịu được. Trẻ con đáng lẽ phải được tung tăng nô đùa, được chăm sóc trong mái ấm gia đình mà bị giam mình trong những bức tường kỷ luật của Ký Túc Xá thì phải nói là một cực hình. Trong niên học mẹ tôi đến thăm độ hai hay ba lần. Mỗi lần đến thăm tôi đều được mẹ dẫn ra phố để mua sắm vài món hàng và ăn uống. Một lần kia sau khi ăn xong tô phở tôi đứng chôn chân bên lề đường nơi có ông bán dế dạo. Ông này dựng chiếc xe đạp chở những cái lồng chứa rất nhiều dế ngay bên hông chợ Thủ Đức để bán cho lũ con nít. Thằng bé nhìn những con dế than đen trùi trũi và những con dế lửa có màu vàng cam óng ả trong những cái lồng đan bằng lưới mắt cáo nhỏ mà mê man quên cả thời gian. Nhìn những con dế trong lồng đang rung hai cái cánh mỏng để phát ra những tiếng gáy réc, réc, … rất vui tai. Chúng quyến rũ và làm tôi mê man không chịu bước đi. Đến giờ về lại nội trú mà thằng bé vẫn dán mắt vào những cái lồng dế ấy. Chiều con nên mẹ tôi đã phải mua cho ‘cu cậu’ một con dế than thật đẹp và gáy vang nhất trong cái lồng dế đó. Giá mà lúc ấy mẹ tôi cho mua tất cả những con dế trong những cái lồng đó thì cu cậu cũng dám mang hết về nội trú thật.

Nhưng những thú vui của một thời con nít đều bỏ lại phía sau khi tôi trúng tuyển và nhập học niên khóa 1970 tại Tiểu Chủng Viện Thánh Phaolo Xuân Lộc.

Tuy luật của TCV không cấm nhưng hình như các chú tiểu chủng sinh lớp Don Bosco chúng tôi mới nhập học đều rét Thầy Giám Luật Phạm Quang Tự lắm. Không chú chủng sinh nào trong lớp tôi dám ‘dở quẻ’, bày ra những trò chơi chọi dế, tạt lon và tạt hình như lúc còn ở ngoài đời. Những từ ‘phạm kỷ luật’ và ‘bị cho về’ là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các chú bé con chúng tôi thời bấy giờ. Trong khi các đàn anh như lớp Tô-Ma Thiện còn ‘to gan lớn mật’ chơi dế và chọi dế trong Chủng viện thì các em lớp Don Bosco chúng tôi học ra vẻ người lớn, ngoan hơn và bỏ hẳn các trò chơi dân giã rất quen thuộc của tuổi thơ. Chúng tôi bắt đầu làm quen với các môn chơi thể thao mới trong giờ sinh hoạt buổi chiều như đá banh, chơi bóng rổ và bóng chuyền. Xem ra tinh thần thể thao đã lấn át hẳn tiếng gáy của những con dế mèn năm xưa làm tôi cũng nguôi ngoai và vui với các môn chơi mới. Sau khi thầy giáo Uy nghỉ dậy cha giáo Phạm Liên Hùng được cử dậy làm giáo sư môn Việt Văn cho lớp Don Bosco. Chúng tôi được học biết và làm quen với những áng văn xuôi tuyệt tác của các nhà văn thời tiền chiến như Tô Hoài, Song An Hoàng Ngọc Phách, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng và những nhà văn lớn khác trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tôi thích môn văn chương nên cảm thấy như đang bước vào một thế giới văn học mới đầy kỳ thú. Tôi không còn phải trả bài cô giáo những bài học thuộc lòng đơn điệu. Tôi cũng không phải vò đầu trong những giờ tập làm văn để tả con chó nhà em như thế nào như khi ở bậc tiểu học. Tôi lại càng say mê hơn khi được cha giáo Phạm Liên Hùng cho cả lớp đọc truyện ‘Dế Mèn Phiêu Lưu Ký’ của nhà văn Tô Hoài. Tôi thích lời văn trong sáng, bình dị và có nét mộc mạc chân quê của những làng quê ngoài Bắc. Cuối niên học đó khi được cha giáo Phạm Liên Hùng khuyến khích cả lớp viết văn hay làm thơ để đăng Kỷ Yếu thì ý tưởng con dế mèn lại nổi lên. Mẫu chuyện kỳ thú của chú dế mèn phiêu lưu ký gây cho tôi nhiều phấn khích và giầu trí tưởng tượng. Tôi nghĩ rằng nếu không được chơi dế thật thì mình sẽ viết câu chuyện về dế, một cách chơi tao nhã và không vi phạm luật trong môi trường chủng viện. Đó là lý do tại sao tôi hăng say viết chuyện ‘Chú Dế Mèn Vô Địch’ có lẽ để thỏa chí riêng hơn là để được cha giáo tuyển chọn bài cho đăng trong Kỷ Yếu. Câu chuyện về dế mèn tưởng như đã dừng lại vào giữa thập niên 70 sau cái ngày ‘tan đàn sẩy nghé’. Câu chuyện đêm nằm ‘nghe tiếng côn trùng nỉ non’ để rồi’ tội nghiệp thằng bé mãi nhớ thương chú dế mèn’ tưởng chừng đã trôi đi vào quên lãng, bỗng dưng lại hiện về với nguyên vẹn hình hài con dế trong đáy cốc ly cà-phê một buổi sáng nọ. Không phải có chú dế nào cả gan nhảy vào ly cà phê nóng buổi sáng của tôi đâu. Số là tôi có thói quen ngồi uống cà-phê sáng và đọc nhanh tin tức trong Diễn đàn Tiểu Chủng Viện Thánh Phao-Lô Xuân Lộc. Tôi để ý thấy những trang Kỷ Yếu cũ được người bạn cùng lớp Mai Hữu Thể chụp qua ‘scan’ và cho đăng lại trong Diễn đàn trong đó có bài về chú dế mèn năm xưa.

‘Thoáng hiện dế về trong đáy cốc.
Gáy giọng vang lừng như hôm qua.’


Thế là tình tang… ‘chiều nay sương khói lên khơi’ có chàng dế mèn thả neo lên bờ đeo ba-lô đi bụi đời. Hai chân tưởng chừng đã mỏi muốn dừng bước giang hồ thế mà chiều nay nhìn làn khói lam chiều đang ngập ngừng trôi, nhìn làn mây bàng bạc cuối chân trời làm cho tôi lại động lòng phiêu lưu muốn đi cho thỏa chí tang bồng – phiêu du đến những miền đất xa lạ chưa một lần đặt chân đến. Dĩ nhiên đó chỉ là trong tâm tưởng và trên giấy bút thôi họ hàng nhà dế ạ.

Như trong truyện kể về ‘Dế Mèn Phiêu Lưu Ký’ của nhà văn Tô Hoài, dế mẹ đã dọn ổ, xây dựng hang và không quên tha ít cỏ non về để trước cửa miệng hang khi cho con ra ở riêng. Mẹ tôi cũng lo lắng và săn sóc cho tôi như nhân vật ‘dế mẹ’ trong truyện. Lần tôi đi ở nội trú, chính mẹ tôi một tay dẫn tay tôi đi, còn tay kia bà cầm cái vali nhỏ chứa vài bộ quần áo của tôi. Đến cổng nội trú mẹ tôi trao tôi lại cho một bà sơ ra tiếp nhận. Mẹ tôi quay ra về hai mắt đỏ hoe chứ tôi thì không. Đến khi tôi được 12 tuổi, thi đậu vào lớp Đệ Thất ở Tiểu Chủng Viện, mẹ tôi cũng dẫn tôi đi nhập học. Mẹ tôi mua một cái vali khác lớn hơn. Nó chứa đựng nhiều áo quần và đủ mọi thứ lễ bộ lỉnh kỉnh theo như danh mục Ban Giám Hiệu đã đưa ra trong thông báo.

Ngày tựu trường tôi hồi hộp lắm. Chiếc xe đò Liên Hiệp từ Sài-Gòn ghé ngang qua Thủ Đức rước hai mẹ con tôi, rồi ì ạch leo qua dốc ‘Mẹ Bồng Con’, cuối cùng cũng chở được mẹ con tôi đến chợ Long Khánh. Hai mẹ con tôi đón chuyến xe lam từ chợ đến Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc. Mẹ tôi đưa tôi vào đến sân đứng tập trung với các bạn cùng lớp, rồi cũng như lần trước mẹ gạt nước mắt ra về. Như một anh Mán rừng về thành phố, tôi ngỡ ngàng như con chim mới ra ràng ngửa cổ nhìn lên 3 tầng lầu cao vót mà cảm thấy mình nhỏ bé và lạc lõng, suýt chút nữa làm rớt cái nón nỉ xanh rộng vành của Hướng đạo. Bây giờ nghĩ lại mà thương mẹ tôi quá. Cha tôi bận rộn với công việc nhà binh nên phần chăm sóc gia đình do mẹ tôi chủ động. Những năm đầu mẹ tôi vẫn đón chiếc xe đò Liên Hiệp đi về từ Thủ Đức lên tận Long Khánh để thăm tôi và xem tôi thích ứng với môi trường ơn gọi ra sao. Mẹ tôi mất đã lâu. Tôi không còn có dịp cầm lấy bàn tay yếu đuối đầy gân xanh của mẹ để kể cho mẹ nghe về những hoài bảo của tôi, những điều ích lợi tôi đang làm cho gia đình và cho xã hội nhân quần.

Lúc bấy giờ tôi ở vào cái tuổi mà nhạc sĩ Phạm Duy gọi là tuổi thần tiên, tuổi mộng mơ và tuổi ngọc. Nhưng thay vì để con tim thổn thức những bài tình ca này, tôi phải đóng băng những loại tình cảm ‘xa xỉ’ và ủy mị’ này sang một bên để làm quen với chương trình tu học mới và tu sao cho đắc đạo. Trong giờ học có nhiều thầy giáo, cha giáo đến dậy mỗi tiết học khác nhau. Giờ ăn, giờ chơi thể thao, giờ thể dục, giờ ngủ, giờ học, giờ ca hát, giờ kinh nguyện và Thánh Lễ, giờ đọc kinh sáng tối mỗi ngày tất cả đều mới lạ với tôi. Nhờ những năm sống trong môi trường kỷ luật tập thể khi còn ở nội trú, nên chả mấy chốc tôi đã ‘nhập thất’ không mấy khó khan và cùng với anh em theo đuổi ơn gọi. Cũng như trong truyện ‘Dế Mèn Phiêu Lưu Ký’, tôi sống những ngày tháng hồn nhiên hạnh phúc trong bàn tay thương yêu và bảo bọc của Đấng Quan Phòng, các cha các thầy và tình huynh đệ trong nhà Chúa.

Chắc hẳn anh chị em đều quen thuộc với bài hát nổi tiếng của ca sĩ Doris Day vào thập niên 60s và 70s do ca sĩ Thanh Lan hát lại ở Việt Nam vào những năm nhạc trẻ đang thịnh, đó là bài “Que sera sera” - có ai biết ra sao ngày sau. Thật đúng vậy. Sau cái ngày biết buồn vì bị ‘đứt phim’ hơn là xem phải cuốn phim buồn; cái ngày chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa; cái ngày mặt trời chân lý chiếu trong hang của người cổ sử thời kỳ đồ đá (neanderthal); cái ngày ông bà thân sinh tôi chép miệng: ‘Đời chúng mày rồi sẽ khổ!’. Ấy thế mà vèo một cái như giấc mộng Nam Kha những chú chủng sinh thế hệ năm xưa dù ai công hầu, ai khanh tướng giờ cũng đã qua hơn nửa đời người. Tôi nghiệm ra rằng câu tiên đoán của ông bà cụ tôi về nỗi khổ hay sướng vẫn còn giá trị ở mặt nào đó tùy theo hoàn cảnh mà nhận định. Những chú chủng sinh dưới mái trường năm xưa giờ đây có những người đã thành đạt và thành nhân. Anh em chúng tôi có người đã là Giám Mục, Linh mục, hay những tông đồ giáo dân nhưng mọi người đều cố sống sao cho xứng đáng với đấng bậc của họ như Chúa đã kêu mời và tuyển chọn. Cũng có những anh em đã đi qua cuộc sống hư mất này và về hưởng vinh phúc nơi chốn vĩnh cửu. Tôi còn nhớ hai câu thơ học thuộc lòng khi còn ở bậc Tiểu học nghe sao mà thấm ý lạ lùng:

“Thời giờ vùn vụt tên bay.
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai”.


Có người cho thời gian là một liều thuốc nhiệm màu xoa dịu những khổ đau nhưng cũng có người cho thời gian là một dòng chảy nghiệt ngã, một đi không trở lại (River Of No Return). Nếu trong phút giây nào đó, chúng ta cho cuộc đời hiện hữu này chỉ là một ‘ngày vui qua mau’ và những ngày buồn kéo tới như một bài hát nào đó thì cuộc đời này thật là một nỗi đoạn trường và ai oán thay. Một cuộc sống không có lý tưởng có khác gì bấp bênh như chiếc bách giữa dòng mặc cho sóng xô gió đẩy. Tôi nhớ lại những lần cấm phòng hằng năm trong Chủng viện với chủ đề ‘Định hướng đi cho đời mình’ hay lời khuyên hữu ích của cha Linh hướng Nguyễn Minh Nhật ‘cầm cày đừng ngoái cổ lại đằng sau’. Những bài giảng phòng, những lời khuyên của các ngài vẫn còn tác động mãnh liệt đến cuộc sống của tôi hôm nay. Đếm lại những chuỗi số tuổi ở thập niên 70 của anh em chúng tôi, sau 45 năm qua tuy là ở cấp số cộng từ từ… nhưng những anh lớn lớp Tô-Ma đầu đàn bây giờ đã ngoài sáu bó. Trẻ nhất là những chú út lớp Đa-Minh nhập học niên khóa cuối 1975, bây giờ cũng đã bước vào cái tuổi ‘Ngũ thập nhi tri thiên mệnh’. Anh em chúng tôi tuy không hẹn mà đang cùng nhau bước xuống phía bên kia triền dốc của cuộc đời.

Ký ức dưới mái trường Tiểu Chủng viện luôn là những hình ảnh đẹp nhất, đơn sơ và thánh thiện nhất của anh em chúng ta về một thuở yêu Giê-Su, học biết về ‘Gương Giê-Su’ và mong muốn trở nên giống Giê-Su - một Giê-Su hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Tất cả những gì anh em chúng tôi học biết và trải nghiệm về Giê-Su vẫn còn đó. Sống giữa lòng đời, trong một thế giới văn minh và hỗn độn như ngày nay bài hát năm xưa trong nhà nguyện Chủng viện như một điều xác tín - ‘Dù tôi nói những ngôn ngữ loài người và Thiên Sứ,… Dù tôi có ơn nói tiên tri thông biết mọi khoa học, nếu tôi không có Đức Bác Ái tôi chỉ như đồng kêu hay não bạt ầm vang.’

Cho nên mới hay nợ tiền thì dễ trả chứ nợ ‘Đức Ái’ thì không biết bao giờ mới trả cho xong.

“Cuộc đời vay trả trả vay.
Thương yêu hai chữ trả hoài không vơi”.

Cuộc đời này có thể thật dài và cũng có thể thật vắn vỏi như bốn chữ thường nghe trong tiểu thuyết trinh thám - ‘định mệnh đã an bài’. Nếu chỉ nhìn vào thực tại mà không biết thánh hóa từng phút giây thì anh em chúng ta đã đánh mất cơ hội làm giầu rất lớn với Thiên Chúa. Chắc hẳn anh em ai cũng còn nhớ câu hát nhắc nhở trong giờ học, giờ viết nhật ký - ‘Chúa ơi, con hướng lòng lên tới Chúa. Nguyện xin giúp con sống vừa ý Chúa trong giờ này’, được cha Giám đốc Gioan cất lên như những lời nguyện nhỏ trong ngày dâng Chúa. Đây là một trong những bài học đầu đời rất căn bản về sự đầu tư vào nước Trời được cha Giám đốc Gioan hướng dẫn. Nếu anh em nào đã tận dụng những giây phút ngắn ngủi trong ngày để thánh hóa chính mình trong 45 năm qua, các anh em này đã có một sản nghiệp kếch xù. Một loại tài sản sinh ra lợi nhuận không theo giá trị của đời này mà là giá trị siêu nhiên, không hư mất, tụt giá hay mối mọt nào có thể ăn được.

Ngày nay nhờ điện thư hay qua Diễn đàn anh em chúng ta có thể liên lạc, chia sẻ và cảm thông với nhau qua những mẩu tin vui buồn lẫn lộn. Cùng vui với nhau khi nghe tin một lớp nào đó tìm ra người anh em cùng tu năm xưa nay tìm lại được tình thân cũ, trở về gặp nhau trong niềm vui hội ngộ của bạn bè thân thiết. Chia sẻ sự mát mát buồn đau khi nghe tin cha giáo, thầy giáo hay những người anh em thân quen cùng lớp, cùng trường gặp tai nạn hay được Chúa gọi về. Chúng ta trân quý những cảm tình dành cho nhau qua lời nói việc làm, qua những mối hảo cảm dành cho nhau và cách thiêng liêng hơn nữa đó là cầu nguyện cho nhau được sống vững đức tin và theo chân Thầy Chí Thánh đến hơi thở cuối đời.

Những con dế mèn nhà Phao-Lô Xuân Lộc tóc năm xưa nay râu đã bắt đầu bạc, lưng đã hơi còng, mắt đã lão hóa. Cái già nó đang xồng xộc kéo đến như chiếc xe lửa tốc hành bỏ qua nhiều trạm nhỏ và đang đi về một trạm cuối cùng của mỗi một phận người. Ước mong sao mỗi anh em chúng ta đều tìm được những giờ phút nghỉ ngơi, lòng thư thái, nằm duỗi chân nhìn qua khung cửa sổ (thay vì khung cỏ ấu của chú dế mèn) của những dẫy lầu năm xưa của tòa nhà Tiểu Chủng Viện; để được thấy những mảnh trời xanh biếc, thấy những cánh rừng cao su xanh rờn trải rộng, thấy đời mình như chim phượng hoàng được Chúa thương yêu tháp cho đôi cánh để bay xa và bay cao hơn.

Giòng mực xanh cũ vẫn còn mê say chảy trên mặt những trang giấy, tôi ghi chép lại những cảm tình sôi nổi có, lắng đọng có qua những suy nghĩ vụn vặt không có mở đầu và không có đoạn kết. Ở Việt Nam đang là mùa gì nhỉ ? Mây có xanh, hoa cúc có vàng, lối mòn vào con ngõ vắng có lá rơi ? Riêng trời ở đây đang vào Xuân, mây vẫn xanh, hoa cúc vẫn vàng, lá vàng vài chiếc rơi nhẹ trên những con đường đại lộ bóng mát từ những tàng cây xanh cổ thụ. Đất trời đang giao mùa. Mùa của hồng ân và mùa của Ngôi Hai Thiên Chúa xuống cứu độ, một niềm vui chung và ngập tràn hạnh phúc cho nhân loại.

Thưa các anh chị em yêu quý, tôi xin được mạn phép tạm chấm dứt ở đây. Tôi sẽ bàn với dế cơm là bạn đời của tôi về chuyến đi sắp tới. Ước mong sao trong những chuyến phiêu du kỳ thú trong tương lai, dù chưa hoạch định ngày tháng rõ ràng nhưng chắc chắn chúng ta sẽ có duyên để gặp lại nhau tại một điểm hẹn mà không hẹn trước.

Xin Thiên Chúa là Đấng hay Thương Xót thương ban và chúc lành cho những ước mơ tầm thường và nhỏ bé của anh em chúng ta, những chú dế mèn từng gáy bản hợp ca ‘Gloria In Excelsis Deo’ năm xưa dưới mái trường Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc.

Mai Viết Châu – Lớp Don Bosco 1970.

As for me, living is Christ and death is a gift
Last Edit: 7 years 10 months ago by BBT.
The administrator has disabled public write access.

KÝ ỨC 7 years 10 months ago #61438

Vì một số bài viết của anh em gửi đăng trong kỷ yếu, nhưng nội dung dài và có những phần "nhạy cảm" nên không thể đưa tất cả vào bài đăng. Chúng tôi mạn phép để đưa vào diễn đàn để khỏi phụ công lao anh em đã dành nhiều tâm huyết để nối kết tình anh em cũng như muốn chia sẻ những tâm tư sau cuộc sống bon chen giữa đời.

BÀI 1 :

KÝ ỨC

Matthew Vũ đức Sáng - Lớp Đa-Minh 1974

Cách đây khoảng hơn 10 năm, một lần rảnh rỗi, tôi chợt nảy ra ý định tìm kiếm TCV phaolô Xuân Lộc trên Internet. Dùng cả hai công cụ tìm kiếm lớn là Yahoo và Google, tướt mồ hôi trán cả buổi, chẳng mang lại kết qủa nào ! Tôi đi đến kết luận là TCV Phaolô XL thật sự không còn ai nhớ đến…

Sau ngày TCV Phaolô giải tán, tôi trở lại Bà Rịa và học chung với một số bạn cùng lớp Đa-Minh như cha Nguyễn văn Hân (GX Chu Hải, đi Pháp năm 1978), Lê văn Đạo (GX Thủ Lựu, đến Mỹ 1982), Nguyễn Hữu Hướng và Nguyễn văn Cát (Bình Giả).

Sau khi vượt biên tháng 6/1980 và định cư tại Melbourne, Úc châu tháng 10/1980, tôi tình cờ gặp lại cha Nguyễn văn Long vào khoảng cuối năm 1992, hai bên nói chuyện rồi nhận ra nhau là bạn củng lớp ĐaMinh ! Nếu tôi siêng đi lễ Việt, thì có lẽ đã gặp cha Long sớm hơn, vì cha phụ trách nhà thờ thánh Giuse trong vùng Springvale, vùng đông dân Việt nhất nhì TP Melbourne. Sau này khi ông bà cụ tôi qua Úc du lịch 3 tháng, tuần nào tôi cũng chở ông bà đi lễ Việt, và cuối lễ cha Long đều dành 2, 3 phút chuyện trò với ông bà cụ, khuyên ông bà ở lại Úc với con cháu. Ngày lễ tấn phong GM của cha, tôi bận đi công tác xa, nên chỉ có vợ và con trai lớn tham dự. Tôi về kịp bắt tay chúc mừng tân GM trong lễ Tạ Ơn. Tôi cũng gặp cha Nguyễn văn Cao trong dịp nào đó không nhớ, rồi nhận ra nhau là bạn cùng lớp ĐaMinh và may mắn được tham dự lễ truyền chức LM của cha.

Tôi học chung với mấy bạn Đa-Minh hết cấp 3 ở Bà Rịa. Vượt biên tháng 6/1980 sau khi vừa thi xong tốt nghiệp cấp 3, nên cũng không biết Hướng và Cát làm gì sau khi học xong cấp 3. Đạo đi năm 1982 đến Indonesia, rồi vào Mỹ cùng năm vì có anh đi năm 1975 bảo lãnh. Tôi gặp lại Đạo ở nam California giữa năm 1993 khi tôi qua Mỹ làm chung 1 đề án với công ty Rockwell International.

Cha Hân vượt biên khi chưa học xong lớp 11. Ngày mới qua Úc, tôi còn giữ liên lạc với cha Hân và nhận được tấm hình Đức cha Phaolô đệ nhị đang để tay lên má trái thầy Hân (mặc áo chùng thâm) dịp thầy Hân đến Vatican. Tôi mất địa chỉ của cha khi dọn vào ký túc xá Đại Học năm 1984. Thời gian trôi qua thật nhanh, khi phải lo học ra trường, kiếm cách sinh nhai và lập gia thất … Cho mãi đến đầu năm 2012 (tức 18 năm sau) tình cờ đọc bản tin của cộng đoàn CG Paris, thấy tên LM tuyên úy Nguyễn văn Hân, tôi lập tức viết email qua trung tâm công giáo Paris, hỏi Sơ liên lạc tên Hảo, có phải cha Hân này người gốc GX Chu Hải Bà Rịa không? Trong vòng 1 ngày sơ Hảo đã email trả lời, nói đúng là cha Hân đó, đang ở Grenoble. Sau đó nhận được email của cha Hân. Sợi giây liên lạc bị cắt đứt trong gần 20 năm đã được nối lại !

Ngày còn bé, có lần trong trường nội trú ở Tam Hiệp Biên Hoà, được Sơ đỡ đầu đọc cho nghe “thời giờ ngựa chạy tên bay”, nhưng không cảm được, vì khi còn bé có lẽ ai cũng thấy thời gian chậm như rùa, chờ hoài không đến Tết. Nhưng khi lớn, mà nhất là lớn bên đây, thời gian bay vùn vụt như tên lửa. Sáng dậy đi làm, tối về là hết ngày, Cuối tuần chở con đi học thêm âm nhạc, thêm Tennis, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, đi lễ … Lâu lâu còn party sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng, đám cưới, đám ma ... Ào ào xong 1 tuần, 1 tháng, 1 năm …Còn nhớ năm cuối trong ký túc xá ĐH, nhạc sĩ Đức Huy trình làng bài “Khóc 1 dòng sông” với những câu thât thấm “Tôi hay nhớ về quê nhà vào buổi chiều, nhất là những buổi chiều mưa rơi… cũng may bên này thời gian qua vun vút, không như Sài Gòn, nếu không tôi đã khóc 1 dòng sông…”

Thoáng cái đã sống bên đây hơn 34 năm, bao nhiêu nước trôi qua cầu. Một ngày rảnh rỗi đầu tháng 6/2014, có lẽ là ngày đầu Đông lạnh lẽo, không hiểu sao tôi lại muốn tìm TCV Phaolô, bèn đánh TCV Phaolô vào Google. Ô hay chưa! một loạt kết qủa ! Vội vã vào trang diễn đàn đọc, để chắc chắn là TCV Phaolô XL như ý mình kiếm. Đúng rồi, đúng là trường cũ rồi! Email xin làm thành viên liền lập tức. Tiếp tục vào diễn đàn đọc ngấu nghiến, tự nhiên ký ức ngày nào ồ ạt trở lại …

Mấy mươi năm trước, khi tôi lên 10, một buổi trưa hè đi chơi vòng vòng trong xứ về, thấy bố đang tiếp chuyện 2 dì Sơ ở nhà trên, thằng bé chưa kịp trốn đã nghe bố gọi lên chào Sơ. Hai dì Sơ, một già một trẻ ngồi trên bàn đối diện với bố, thằng bé khép nép chào dì, rồi đứng thộn mặt ra đó. Nghe loáng thoáng bố bảo “con lên trường nội trú học với dì” mà sợ đến tê người. Cũng chả biết trường nội trú là gì, ở đâu. Hai dì ở lại dùng cơm trưa với bố mẹ rồi chào ra về. Chiều mát khi mẹ nằm võng nghỉ, thằng bé mon men đến hỏi “đi học nội trú là ở đâu mẹ”, mẹ thủng thẳng trả lời “đi lên học với dì Sơ, ở nhà dòng với các Sơ”. Tin thằng bé út con ông Trùm “đi tu” lan truyền rất nhanh, cô dì chú bác đến hỏi thăm ầm ầm, trong khi nhân vật chính chả biết tẹo gì về “đi tu” cả! Mở ngoặc ở đây 1 chút : khi chưa có tôi, ông bà cụ đã sinh được 1 trai 5 gái, ông bà cụ khấn là nếu có thêm con trai thì sẽ dâng cho Chúa. Đời tôi đã được sắp sẵn khi chưa sinh ra! (Sau này mới biết).

Rồi khi còn khoảng 1 tuần trước ngày tựu trường năm học mới (lớp 5), mẹ sắp xếp quần áo, dép, xăng đan, vào 1 giỏ lớn, theo chị ra đường đón xe lên Biên Hoà. Trước khi đi, bố mẹ dặn phải ngoan ngoãn, nghe lời Sơ dạy bảo. Đây là lần đầu tiên thằng bé đi xa. Trên chiếc xe đò từ giáo xứ Long Hương, đến ngã ba Vũng Tàu, cảnh vật đều xa lạ. Ngồi bên cửa xe nhìn khung cảnh chạy vùn vụt ra sau, thằng bé đã bắt đầu thấy nhớ nhà.

Lên đến ngã ba VT, hai chị em xuống xe đò, đổi qua xe Lam để về cổng Tam Hiệp. Xuống xe Lam, hai chị em xách đồ đạc đi bộ 1 quãng mới tới nhà dòng của các dì (qua 40 năm tôi thật sự quên mất tên nhà dòng. Sau này hỏi bác Lang Khanh mới nhớ là dòng Thánh Thể). Dì sơ già, đã gặp ở nhà lần trước, ra đón và nói chuyện với chị 1 lúc, rồi chị ra về không quên dặn phải ngoan. Thằng bé đứng nhìn chị đi ra cổng mà muốn khóc.

Học sinh nội trú trong dòng các sơ lúc đó trên dưới một tá, từ mẫu giáo đến lớp 5. Tất cả đều học ở trường tiểu học tư thục mà nhà dòng mở. Khi tôi lên lớp 6, nhà dòng lại mở thêm trung học tư thục đệ nhất cấp, nên tôi không phải đi đâu hết.

Rồi cũng không nhớ là vào ngày nào, tháng nào, ông anh đón về Bà Rịa đi thi đợt một vào Chủng Viện. Bảo đi thi thì biết đi thi, chứ cũng chẳng quan tâm thi làm gì. Sau khi hết giờ thi, ông anh với vẻ mặt lo lắng, hỏi làm bài được không? Chắc được! Sau đó được gọi lên Chủng viện Xuân Lộc thì đợt 2. Đợt này phải ở lại cả tuần vừa học vừa thi. Khi được thông báo trúng tuyển, tôi củng không nhớ mình có nhảy cẩng lên không? có vui mừng bắt tay các bạn chung quanh ? Chỉ nhớ ra chợ XL đón xe đò về Tam Hiệp, ghé qua nhà dòng báo cho Sơ đỡ đầu là con đã đậu TCV, rồi đón xe về lại Long Hương một mình. Nhớ ngày xưa đi xe đò thật dễ, chỉ cần nói nơi đi là lơ xe bồng lên, chẳng sợ bị bắt cóc. Bây giờ thì con 17-18 tuổi đi ra đường cha mẹ còn thấy lo lắng!

Ngày nhập học Chủng viện Phaolô, chị dẫn đi nhập học. Vì đã 2 năm xa nhà quen rồi, nên tôi không còn cảm giác bin rịn như xưa. Sau khi nhận giường, để vali quần áo, việc đầu tiên là tìm chào cha bố.
Quên chưa kể, là trong thời gian chờ đợi nhập học TCV, Sơ đỡ đầu đã giới thiệu cho 1 cha bố, tên Nguyễn Trọng Ái, người Sao Mai Bến Đá thì phải, đang dạy học trong TCV. Trước ngày nhập học, Cha có ghé qua nhà coi mặt thằng con trước khi nhận. Cha chạy đến nhà bằng chiếc Honda 67 hay 68 gì đó, rất bụi. Chắc thằng con mặt mũi ok nên thấy cha vui vẻ suốt bữa ăn trưa. Cuối tháng 4/75, cha ghé vào tính đón thằng con ra Vũng Tàu để đi với cha, nhưng thằng con đang đi coi phim với chị trên phố, nên cha nhắn lại khi nó về thì chở nó ra nhà cha để đi. Khổ nỗi ngày hôm sau là tình hình tỉnh Bà Rịa sôi động, nên bố mẹ không dám cho ai chở đi. Vài ngày sau đó là cầu Cỏ May bị giật sập, hết đường đi.

Cuộc sống 8 tháng trong TCV là một trải nghiệm khó quên. Lớp Đa-Minh có sĩ số là 61, toàn cao thủ võ lâm, nên tháng nào tôi cũng mướt mồ hôi trán để ráng theo kịp các bạn, nếu không thì ác mông bị đuổi về sẽ thành sự thật. Cũng vì học là chính, nên sau này khi về Bà rịa, suốt 2 năm lớp 8, lớp 9, học tà tà mà cuối năm cũng được lãnh “học sinh tiên tiến”. Trong TCV, tôi mê đá banh, nhưng vì vừa mập vừa chậm, nên anh phó Tràng Trung, phụ trách môn này cho các em, cho tôi xuống đội B, lúc đó tôi buồn trong người lắm lắm luôn!

Đối với tôi, khoảnh khắc hồi hộp nhất trong tháng là kiếm tên trên bảng xếp hạng, vì nếu không được xếp kha khá, thì thế nào cha bố cũng gọi lên phòng!

Sau giờ ăn chiều, các chú CS được 1 thời gian đi bộ cho xuôi cơm. Tôi nhớ từng đi dạo với anh Hiệp, anh Trung (lớp 12, Tôma Thiện) anh gì không nhớ tên, lớp 9 Gioan Vianney, quê Bà Rịa… nhưng đi dạo nhiều lần nhất phải là anh Hằng lớp 10 (Don Bosco), nhiều đến mức cha Linh hướng gặp riêng anh Hằng để nói chuyện! (nghe anh kể vậy).

Ngày được lệnh tan hàng cũng là 1 ngày khó quên. Tôi nhớ cha GĐ cho các anh lớn dẫn các em ra bến xe LK để về. Tôi đón xe về nhà dòng ở Tam Hiệp, ngủ lại đó 1 đêm, rồi sáng hôm sau mới đón xe về Long Hương. Đối với thằng bé 13 tuổi, tình hình chiến sự không làm tôi phân vân cho lắm. Về Bà rịa được các chị dẫn đi ăn chè, ăn Yaourt, coi phim… và trong 1 lần đi chơi như vậy, tôi để vuột cơ hội đi Mỹ vào cuối tháng 4/75 với cha bố. Đôi khi tôi cũng tự hỏi cuộc đời mình sẽ ra sao nếu đi với cha bố năm ấy ?

Hình như qua tuổi 50, người ra thích hồi tưởng lại thời xa xưa. Tôi cũng đang trong thời gian này, nên các cháu tôi tặng cho danh hiệu : ông “hồi đó”. Tình cờ tìm lại được ngôi trường TCV trên ĐD, dù chỉ có vỏn vẹn 8 tháng ăn học, nhưng sao vẫn thấy thân thương, thân thiết hơn những năm tháng học bên ngoài.

Cầu xin Chúa và mẹ Maria ban ơn lành cho mọi đứa con TCV ngày xưa.

Melbourne đầu Xuân 9/2015



As for me, living is Christ and death is a gift
Last Edit: 7 years 10 months ago by BBT.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012