Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: MỘT THỜI ĐI TU

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 5 months ago #63103

.
GIÚP XỨ CHÍNH TÒA
Mai Nguyen Vũ
15241987411_66bdd72c21_b.jpg

Năm 1979, tôi vâng lời cha Giám Đốc Nguyễn Văn Trâm ra giúp thiếu nhi nhà thờ Chính Tòa, thời cha Nguyễn Chu Trinh và cha Đặng Văn Tú.Sáng chúa nhật, thằng bé đạp xe ra tập hát cho thiếu nhi, phụ trách hát lễ, sau lễ dạy giáo lý và sinh hoạt. Tập hát, hát lễ thì OK rồi, còn sinh hoạt, nhảy nhót không hợp với tôi lắm. Biết vậy nghe lời cha GĐ ở lại tập hát cho CĐ thiếu nhi Thánh Mẫu khỏe hơn. Sau này, thày Hiểu kể rằng: cha GĐ hỏi ý kiến thiếu nhi Thánh Mẫu, các em đều thích thày Lợi…
Hơn một năm giúp ngoài nhà thờ Chính Tòa cũng có vài kỷ niệm. Trung Thu năm đó, mình mua chục ký bắp vàng, nhờ một người nổ bắp làm quà cho thiếu nhi. Thời đó các lò nổ bắp mọc lên khắp nơi. Xóm nào cũng có vài lò. Lấy bạt che góc sân, đầu hè, đặt một bếp than, mua bình ga, cưa khúc trên làm nắp, chế gioong và chốt cho kín hơi. Bỏ bắp vào rồi quay liên tục trên than hồng. Khi bắp chín thì mở chốt. Không khí trong bình bị thay đổi áp suất đột ngột phát nổ như lựu đạn. Bắp bắn ra thành hàng trăm bông hoa trắng thơm ngon. Người ta phun nước đường vào cho thêm phần hấp dẫn. Ngày ấy đói nhăn răng, chẳng có gì làm quà. Bắp nổ nổi lên thành món quà bình dân, rẻ tiền, thơm ngon, ai cũng khoái…
Sáng chúa nhật, mình chằng hai bao bắp nổ vào xe đạp, đạp ra nhà thờ Chính Tòa. Dọc đường Hùng Vương, ai cũng nhìn mình cười toe toét. Tôi cũng nở nụ cười chào lại dù chẳng quen nhau bao giờ. Lạ quá! Hôm nay mình ăn mặc làm sao, hay trên mặt có nhọ nhồi ? Ai cũng cười mình là sao? Kiểm tra lại cái phẹc-ma-tuya, xoa tay lên mặt xem có dính tí nhọ nhồi nào không. Yên tâm, từ đầu đến chân đều chỉn chu ngon lành…Gần tới nhà thờ, thiếu nhi đang đi lễ cũng nhìn mình cười như thấy một hiện tượng lạ. Một em chỉ tay ra phía sau xe: “Thày nhìn kìa”. Tôi ngoái lại. Chúa ơi ! Một vệt dài trắng xóa phía sau xe. Hai bao bắp nổ bị lủng đít vì cà vào bánh xe , xổ bắp ra dài hàng cây số từ TGM tới nhà thờ Chính Tòa. Ôi 10 ký bắp nổ, tiền túi của tôi rải đường cúng cô hồn hết rồi.
13339440_1100179756695567_7515848175672483356_n.jpg

Sáng chúa nhật nào Tloi cũng thấy một nàng xinh đáo để, diện áo dài thướt tha từ đường Nguyễn Công Trứ ra đi lễ thiếu nhi. Nhìn sao hiền mà tươi mát quá, muốn làm quen lắm nhưng chẳng dám đến gần vì…nhát gái. Thằng bé về kể chuyện với anh em trong Chủng viện. Cu Tròn liền rút trong bóp ra tấm hình:
- Phải em này không?
- Ừ đúng rồi.
Hắn ta lại đầu giường, lôi ra một tờ ru-ki vẽ em đứng dưới dàn nho, có hình tháp chuông nhà thờ phía sau.
Vậy là “ván đã đóng thuyền”, mó vào vãi tội.
Qua năm 1980, đôi bạn trẻ Văn Cư và Lương Duyên dắt tay nhau lên bàn thờ, thề sống mái bên nhau trọn đời. “Sôi sế sì sôi, anh thin nàm người đến thau”(Nhái tiếng Dốc Mơ: “Thôi thế thì thôi, anh xin làm người đến sau”).


600x325_5504.jpg


Thuở ấy, Tloi quen một em khác, xinh xắn, giỏi giang, mới học xong lớp 12. Dù chưa một lần nắm tay hay thề non hẹn biển nhưng đã có ý định chung sống với em. Tôi ra nhà mấy lần, rủ em đi học đại học. Em cho mượn hồ sơ xin dự thi. Tôi âm thầm viết đơn, khám sức khỏe và nộp đơn thi vào Nhạc Viện Sài Gòn, khoa Thanh Nhạc. Mình thả hồn vào cõi mộng mơ: anh học Nhạc Viện, em học Sư Phạm. Chiều chiều dìu nhau đi dạo dưới bóng cổ thụ thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông. Ra trường mình cưới nhau…
Buổi đầu thi hát. Tôi hát bài “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Bài này tương đối nhẹ nhàng, tình cảm, đỡ “máu lửa” hơn luồng nhạc Đỏ mới soán ngôi, đang nổ tung tóe trên các chùm loa phường với những bài Tiến Về Sài Gòn, Đất Nước Trọn Niềm Vui, Cô Gái Vót Chông, Giải Phóng Miền Nam, Bão Nổi Lên Rồi… NS Quốc Trụ ngồi chấm với một giàn giám khảo. Ông trả tôi thẻ dự thi có ghi chữ R màu đỏ trên góc. R có lẽ là “rớt” hay “rồi”. Lúc đó mình nghĩ là rớt, nhưng sau nhớ lại: Quốc Trụ là dân Bắc kỳ không dùng chữ “rớt”, phải dùng chữ “trượt” mới xứng với cọng rau muống thò ra. Ông hẹn tuần sau thi môn Văn. Một chàng trai bám theo tôi cứ khen “đẹp trai”. Tên này chắc bống.Tôi đi một vòng Nhạc Viện, nơi đâu cũng thấy học trò đang luyện thanh, giọng opera ông ổng vang vọng cả khu nhà. Tiếng piano trổi lên bám sát theo từng giọng ca.Tôi tự đánh rớt mình vì giọng hát thánh ca sền sệt không đủ trình độ hát nhạc Cách Mạng. Hơn nữa thời ấy người ta xét lý lịch dữ lắm. Gốc Bắc 54, đạo Công giáo coi như tiêu (Dĩ nhiên phải giấu biệt cái gốc tu đi)…Thế là bỏ luôn không thi nữa. Sau đó tôi xin về Gia Kiệm, không liên lạc với em nữa dù hôm gặp nhau lần cuối em dặn nhớ đến thăm. Vài năm sau nghe tin em dứt áo đi tu…

a_dieu-hien.jpg

Năm 2016 cha xứ Ngô Công Sứ nhờ mình viết một bản nhạc về nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc vì Hội Đồng GM Việt Nam yêu cầu mỗi nhà thờ Chính Tòa làm một video nói về nhà thờ của mình. Tôi viết bài Thánh Đường Thân Yêu, nhờ CS Diệu Hiền hát vì cô nàng là dân Xuân Lộc. Cha Sứ mở cho giáo dân nghe. Ai cũng thích. Sáng sáng, bài hát vang vọng cả nhà thờ.
Ngày 19-09-2017, trong tiệc mừng 30 năm LM cha Ngô Công Sứ, các em thiếu nhi múa bài Thánh Đường Thân Yêu, món quà mừng cha xứ và giáo xứ. Kỷ niệm 38 năm trước chợt hiện về.
www.nhaccuatui.com/bai-hat/thanh-duong-than-yeu-dieu-hien.VXTWpM7mfZYH.html
Last Edit: 6 years 5 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 5 months ago #63093

.
VƯỢT BIÊN
Mai Nguyên Vũ

687px-35_Vietnamese_boat_people_2.JPEG


Sau giờ cơm tối, ĐC bảo tôi:
- Vào phòng riêng tôi gặp.
Mỗi sáng, chúng tôi dâng lễ với ĐC trong nhà nguyện riêng. Hàng ngày ba bữa ăn cơm cùng bàn với ĐC. Ngài bình dân và thân thiện như cha con. Sao hôm nay nét mặt Ông Cụ nghiêm quá. Chắc có chuyện chẳng lành.Tôi run run bước vào phòng. Vừa từ phòng ngủ đi ra, ĐC chỉ thẳng vào mặt tôi:
- Thày có ý định vượt biên phải không?
- Thưa ĐC không ạ.
- Vậy thày liên lạc với cha X và sơ Y làm gì?
Tôi còn biết thày rủ cả thày Q đi vượt biên, đưa hình cho sơ Y.
- Xin ĐC tha tội. Con xin nhận hình phạt.
- Sáng mai thày dọn đồ đi về.
Tôi cúi chào đi ra. Thày Q đi vào. Cũng một màn như vậy.
Sau bữa ăn sáng hôm sau, ĐC gọi tôi lại:
- Đêm qua tôi xem lại hồ sơ của thày từ nhỏ đến giờ. Tất cả đều tốt. Thày ở lại…nhưng về giúp xứ nhà.
Còn thày Q ra đi luôn.
Tết năm ngoái anh em thày T và N về quê ăn tết rồi vượt biên luôn khiến ĐC là chủ hộ phải một phen khốn đốn với công an, nên ngài cấm vượt biên…

Cuối năm 1979, tôi làm “cụ sáu dôi” tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc. Sắp tới tuần cấm phòng năm của các cha trong giáo phận, tôi phụ trách dọn dẹp mấy phòng trên lầu TGM. Từ trên lầu bước xuống, tôi gặp một cha già đầu râu tóc bạc đang ngồi một mình tại phòng khách Đức Cha. Ngài vời tôi tới:
- Thày có biết thày nào là thày Lợi không ?
- Dạ con đây.
- Thày có muốn vượt biên không?
- Hm…
- Thày có biết sơ Y không?
- Dạ con biết. Chị ấy là hàng xóm nhà con.
- Vậy nếu muốn vượt biên thì tới xứ X, Bà Rịa. Tôi với sơ Y đang ở đó.
Qua tuần cấm phòng, tôi xin Đức Cha đi công chuyện. Tôi đón xe đi thẳng xuống Bà Rịa, vào giáo xứ X. Buổi tối, tôi ngồi ăn cơm với cha và ma sơ. Hai người chỉ nói chuyện về đề tài duy nhất: lập dòng.Sơ lặp đi lặp lại điệp khúc cha xứ rất khoái:
- Cha con mình sẽ sang Mỹ.Con và thày đây sẽ giúp cha lập dòng.
Cơm nước xong, có một thanh niên tới. Sơ nháy với tôi:
- Anh này là tài công. Anh ta giỏi máy móc lắm.
Hai người đưa nhau sang phòng khác nói chuyện riêng.
Sáng hôm sau, sơ Y dặn:
- Ở đây đi chính thức, rất an toàn. Mọi người tập trung trong nhà xứ. Tới giờ ra bãi biển, cách nhà thờ có 100m. Tàu đậu sẵn ngoài đó.
Em về chụp một tấm hình, hôm nào chị đi qua TGM sẽ ghé lấy. Lên tàu, công an xem đúng người trong hình mới cho đi.
- Em có ông bạn cùng phòng, chị cho đi chung cho có bè có bạn.
- Được. Càng vui. Bảo ông ấy gửi hình luôn.
Vài tuần sau, anh chàng “tài công” chở sơ Y bằng xe Gobel ghé lấy hình.Tôi giao hai tấm hình. Hai người chở nhau đi về hướng Dầu Giây…

Sau hơn một năm ra giúp thiếu nhi nhà thờ Chính Tòa, tôi xin về giúp xứ nhà tại Gia Kiệm. Tại đây, tôi gặp một người giàu có mới bị lừa vụ vượt biên. Sơ Y là người cùng xứ. Lại có cha xứ và hai thày tu trong TGM, một thày cùng quê, ai mà chẳng tin. Thế là chồng vàng, lên tàu. Tàu vừa nổ máy thì một loạt đạn vang lên. Mọi người nhảy xuống biển tìm đường thoát thân. Vàng bạc mất hết, biết kêu cùng ai ? Ông ta vào TGM tố cáo với ĐC toàn bộ sự việc. ĐC gọi cha X và sơ Y. Cả hai bỏ trốn về Sài Gòn. Hai ông thày không mất chỉ vàng nào, nhưng mất uy tín. Người ta lợi dụng danh nghĩa các thày để lừa bịp người khác. Nhiều gia đình ở Gia Kiệm và Hố Nai dính bẫy. Đạo diễn của quả lừa này là anh chàng “tài công”. Hắn cặp với ma sơ để tổ chức vượt biên lấy vàng. Ma sơ nắm được cái thóp của cha, lúc nào cũng mơ lập dòng lập dòng, nên sơ hứa đưa cha sang Mỹ và giúp cha lập dòng.

Chàng "tài công" ăn ở với sơ Y được mấy người con. Cuối đời, chị ta bị chồng và con cái bỏ rơi, sống cô độc trong chiếc chòi rách nát ở Sài Gòn.

Đầu tháng 10/2017.Một bà già ốm yếu được đứa cháu chở vào khám bệnh tại bệnh viện Dầu Giây. BS bảo bà phải nhập viện vì bị bệnh nặng lắm. Bà xin về vì không có tiền. Bà ra đón xe, bị choáng, bị xe tải cán nát cả người.
Bà ta tên Y, chính là sơ Y ngày xưa…

Last Edit: 6 years 4 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63081

.
CỤ SÁU DÔI

14671313_1201590446554497_4258290001560321286_n.jpg

Năm 1979, anh em lớp tu chui Xuân Lộc học xong khóa Thần học. Đức Cha chỉ định một số anh em đi giúp xứ, nhưng chỉ là gợi ý thôi, vì thời đó việc xin chuyển hộ khẩu rất khó khăn, nhất là giới nhà tu. Một số anh em xung phong đi kinh tế mới. Tôi được cha GĐ Nguyễn Văn Trâm yêu cầu ở lại tập hát ca đoàn Thiếu Nhi Thánh Mẫu, nhưng tôi từ chối vì đã hứa nhận lời thày Đinh Văn Huấn ra thay thày phụ trách Thiếu Nhi nhà thờ Chánh Tòa. Thày Huấn và thày Hảo xung phong vào giúp vùng kinh tế mới Thọ Vực.
Thày nào “bị ế”, chưa được cha nào chọn thì “chuyển hộ khẩu” sang TGM, ăn cơm bên Tòa Giám Mục với Đức Cha, lao động theo phân công bên TGM. Các thày bị mặc cảm tự ti, tự gọi mình là “cụ sáu dôi”.Từ này thày Hoàng Mạnh Hiểu dùng đầu tiên.

22883324_2016391688607238_882290012_n.jpg
Hôm ấy cụ sáu dôi Nguyễn Văn Vịnh (quản Vịnh) và Nguyễn Văn Hiệp (Hiệp tàu) nhận công tác đánh xe ba-gác đi “giải phóng” một hầm phân heo bên giáo xứ Chánh Tòa.
Suốt từ sáng tới trưa, hai cụ sáu hì hục xúc phân lên xe rồi tên đạp, tên lôi về TGM, tất cả hết 4 chuyến. Hầm phân hôm ấy còn tươi nên rất nặng ký và nặng mùi. 11g trưa hai thày nhễ nhại mồ hôi, kéo xe vừa về tới TGM thì hoa cả mắt vì mệt và đói. Ổ bánh mì ban sáng trôi tuột đi đâu mất rồi.Cả hai nằm vật xuống hè nhà cơm. Sơ Hiệp (nhà bếp) thấy vậy liền động lòng thương, vào tủ lạnh lấy đĩa lòng lợn còn dư từ trưa hôm qua cho các thày sơi. Quản Vịnh đánh hơi thấy mùi lòng heo thì tỉnh cả người. Thày chồm dậy lay gọi Hiệp Tàu . Chỉ một loáng, đĩa lòng heo sạch bách. Nhưng hĩ ôi, vài phút sau hai cái bụng sôi lên sùng sục, đau quằn quại,hai thày tranh nhau chạy vào WC. Trong vòng nửa giờ, hai thày bị "thượng thổ hạ tả" hay nói theo kiểu dân gian là "mồm thổ đít ỉa"liên tục, mất nước mất sức đến nỗi không đi được,phải bò bằng hai tay hai chân.ĐC liền lệnh cho xe chở hai thày đi cấp cứu ngoài bệnh viện…
Vài tháng sau, thày Hiệp Tàu xin đi giúp xứ cha bố ở Định Quán rồi tìm đường “cứu nước”. Hiện nay, thày đang ở xứ Úc-thòi-lòi với mẹ bề trên và ba đệ tử. Còn thày Quản Vịnh sang giúp nhà thờ Chánh Tòa, chịu chức LM Năm 1988 và mất sau đó mấy tháng vì bị ứ nước trong não.
.
LM GIUSE NGUYỄN VĂN VỊNH người xứ Dốc Mơ, con cha già Vận, học TCV SàiGòn. Năm 1975 học Triết và Thần tại địa điểm tu chui thứ nhất, TCV Xuân Lộc. Học xong, thày ra giúp xứ nhà thờ Chính Tòa với thày Vũ Đức Hiệp. Thày chịu chức LM năm 1988 và phát bệnh ứ nước trong não ngay trong thời gian đi làm lễ tạ ơn. Cha được giải phẫu não, đặt ống dẫn nước xuống bàng quang. Những ngày cuối cùng, Tloi đến thăm cha tại nhà xứ Dốc Mơ...Cha qua đời năm 1989, hưởng dương 35 tuổi. Một người tốt lành, tốt bụng, chân thành với mọi người,không làm mất lòng ai bao giờ, nhiệt thành với công việc nhà Chúa...

Last Edit: 6 years 5 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63076

.
LƯỢM LẶT TRÊN XE
Mai Nguyên Vũ

Hôm 28/4/2015, mình được ngồi cùng xe với cha Trần Phú Sơn trên đường đi Vũng Tàu mừng cha Giám Luật Nguyễn Văn Gỉan.
Suốt 80 cây số đường trường, cụ Sơn (chánh xứ Kẻ Sặt) hứng chí kể lại những năm tháng khó quên tại Tu Hội Tông Đồ Nhỏ. Những chuyện biết rồi đã đành, nhiều chuyện chưa ai kể bao giờ. Nay mạn phép cụ kể lại vài chuyện hầu anh em cho vui cửa vui nhà, nhất là biết thêm những gian khổ của đời tu thời đó, nhưng anh em mình vẫn quyết chí theo Chúa, dù gian khổ hy sinh, dù bị đe dọa, cấm cách đủ điều.
Tông Đồ Nhỏ là tu hội do cha Linh Hướng Nguyễn Minh Nhật sáng lập, gồm các linh mục và chủng sinh từ khắp nơi tụ về. Đường hướng của Tu Hội là nên thánh bằng con đường nho nhỏ của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su: cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, làm việc tông đồ, bác ái…Trụ sở Tu Hội đặt tại giáo xứ Bạch Lâm. Cứ đến kỳ hè, cha Linh Hướng tổ chức các đợt học hỏi, huấn luyện, tĩnh tâm…Sau năm 1975, cha Linh Hướng thụ phong Giám Mục, Tu Hội thành địa điểm tu chui thứ ba của địa phận Xuân Lộc. Toàn bộ lớp Piox và một số thày từ nơi khác đến tu học ở đây…

1008-1.jpg

+ TARZAN : Hai năm đầu, kinh tế khó khăn, anh em phải vào Cây Gáo làm lúa. Sáng thứ hai, anh Hai (cha Châu), anh Ba (cha Tiến) cuốc bộ với anh em vào tới cánh đồng Thánh Tâm (nay thành lòng hồ Trị An). Quãng đường cả chục cây số, leo núi lội ruộng nên không thể sáng đi chiều về. Cha con dựng lều ở đó cả tuần lễ. Sáng sớm anh Hai, anh Ba đồng tế trong lều. Ban ngày cha con nai lưng ra cày cuốc. Chiều tối đi mò cua bắt ốc, kiếm rau rừng “cải thiện” đời sống theo đúng khẩu hiệu "Lao động là vinh quang" (Dân ta bịa thêm:"Lang thang là chết đói, hay nói đi cải tạo").
Trong nhóm có một anh lanh lẹ như Tarzan. Giờ giải lao, anh ta leo lên đồi, biến mất trong rừng cây. Một loáng sau trở về, bộ đồ lính lủng lẳng nào chuối chín, nào ổi, na, đu đủ thơm ngon, đủ sức xoa dịu những chiếc dạ dày rỗng của anh em.
Có lần Tarzan ra đi, anh em ngồi trong bụi dài cổ đợi chờ. Bụng ai cũng đang “làm reo” vì đói. Nghe có tiếng sột soạt, mọi người mừng húm. Nhưng không…5 nòng súng đen ngòm chĩa vào đầu anh em. Thì ra bộ đội tưởng các thày là tàn quân (vì mặc đồ lính). Cuối cùng năn nỉ mãi, họ mới cho một thày về lấy giấy tờ…

pioX_TDN.jpg

+ TRỘM CƠM: Những ngày vào làm ruộng lúa trong Tân Yên, anh em bị cha gìa Chiểu ăn trộm cơm. Ngài đi lục túi dết của từng thày, lấy đi lon ghi-gô cơm độn khoai, độn bắp, thay vào là bọc cơm trắng. Lâu lâu mới được ăn cơm trắng sao nó ngon mà mau hết thế!
Những ngày các thày gặt lúa, dân Gia Kiệm rủ nhau đi gặt giúp. Giờ cơm trưa các thày dọn cơm ra mời họ ăn nhưng không ai ăn cơm các thày. Họ đem loong ghi-gô ra xa, cũng lấy thìa khua như đang ăn cơm, nhưng bên trong chẳng có hột cơm nào. Họ chỉ ăn bữa sáng và bữa tối, nhất quyết không ăn cơm các thày.
+ DĨ HUÊ :Thời đó món phân heo quí như vàng, vì trồng rau mà không có phân thì mất mùa cầm chắc trong tay. Cha Linh Hướng gọi việc đi lấy phân heo là Dĩ Huê, (từ Hán Việt là “lấy hoa”), nghe cho có vẻ quí phái, sang trọng. Hai chiếc thùng phuy gác lên xe ba- gác. Mỗi sáng hai thày đẩy xe đi “dĩ huê”.Hôm nào lụm được phân hoai thì sướng như tiên. Vô phúc vớ phải phân tươi thì ôi thôi thực là thảm họa. Thúi um đã đành, còn bị chửi no mỗi khi vô ý để phân văng ra đường.
Hôm ấy thày Sơn đi “dĩ huê”. Xe cán phải cục đá, phân lỏng tung tóe ra đường, đổ vào lúa phơi ven đường. Thày vội vàng xuống xin lỗi rối rít. Nhưng bà chủ lúa không nói gì, cứ đứng khóc.
- Sao bà không chửi chúng cháu mà lại khóc?
- Con thương các thày quá! Huhu.

pioX_lop6.jpg

Last Edit: 6 years 6 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63072

.
Rất xúc động vì được "độc giả đặc biệt", LM, nhà thơ, tay đàn nổi tiếng của nhà Phao-lô khích lệ, lại còn tặng bài thơ đầy cảm hứng...Bài kế tiếp xin cùng ACE rảo qua "lò tu chui" Tông Đồ Nhỏ đấy cha Tân ơi.Mời cha góp chuyện nhé...MNV chỉ được nghe kể lại thôi. Người trong cuộc hồi tưởng lại mới đáng đồng tiền bát gạo...
Tiện thể xin thân thưa với ACE: loạt bài này là hồi ký nên phải tôn trọng sự thật.
Tất cả những sự kiện đều có thật đã xảy ra nửa thế kỷ trước. Sự kiện như thịt, cá, rau quả.Tác giả như tên đầu bếp, nấu nướng, nêm nếm thế nào cho ngon miệng mà thôi...
Last Edit: 6 years 6 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Trần Văn Tân, Đặng Minh Khanh (Lớp Đaminh)

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63071


Phải nói bài viết của nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ là bức tranh tuyệt đẹp. Nó phác lên đường nét chân tình một cuộc đời, và cũng diễn tả thay cho tâm trạng tình tự của nhiều người. Qua đó, người đọc cũng cảm nhận được những gian khổ thử thách của một giao thời rướm máu của những người chọn cuộc sống tiếp tục theo ơn gọi. Đọc bài viết này tôi nhớ về và rất cảm thương yêu mến các vị bề trên, các bậc thày, và nhất là các bạn đồng lý tưởng đã cùng song hành trong giai đoạn thử thách nghiệt ngã nhất của hoàn cảnh quê hương đất nước. Cũng xin diễn tả sự cảm phục và trân trọng tới những tâm tình rất con người, rát thực và rất ngay chính của tác giả. Cuộc đời chúng ta là đi tìm và sống theo thánh ý. Chỉ khi tìm thấy và đi trên con đường Chúa muốn mới có được niềm hạnh phúc và an bình tâm hồn. Chúc mừng Mai Nguyên Vũ!
Xin gửi tặng mấy vần thơ được gợi hứng và tóm tắt từ câu truyện.


HÀNH TRÌNH MỘT ƠN GỌI


Hành trình đó đã một lần ấp ủ

Đếm thời gian, kỷ niềm chẳng nhạt phai

Bao chơi vơi ray rứt suốt đường dài

Vẫn đan dệt, tượng hình, thành đời sống



Hoài dĩ vãng cả khung trời dậy sóng

Như thuyền con, chao đảo giữa dòng đời

Nguyện ước thầm một cuộc sống êm trôi

Nhưng khắc khoải, dằn vặt luôn khuấy dộng



Đường ơn gọi là đất trời biển rộng

Ánh hải đăng quét sâu tận đáy lòng

Dẫn lối đi dù lội ngược ước mong

Của nghĩa thiết, của thân tình ấp ủ



Tìm ý Chúa nguồn bình an ngập phủ

Dù ngược dòng, dù day dứt đắng cay

Bằng thiện tâm, lời cầu khẩn đêm ngày

“Xin phù trợ can trường theo thánh ý!”
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63068

.
Anh 20, em 14 là vừa rồi. Nhưng chỉ đứng xa thôi. Mó vào "xa hỏa ngục" chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. hehe.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Trần Văn Tân, Đặng Minh Khanh (Lớp Đaminh)

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63067

Giời ạ! anh TLOI dám ươm mơ cô bé lớp 8 hả? cỡ nhà thơ Nguyên Sa :

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ...
Tôi phải dỗ như là... tôi đã nhớn
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63064

.
VĂN NGHỆ THỜI ẤY
Mai Nguyên Vũ

lpThnXL.JPG


Nhìn cuốn NHÃ CA, một thời dĩ vãng lại cuồn cuộn trở về.
Nhớ những vần thơ tươi trẻ của nhà thơ TRẦN PHÙNG LINH DUYÊN, nhớ nét nhạc và ý thơ rất lạ của anh CƯ RIA, nhớ nét vẽ tài hoa của CU TRÒN …Xin cùng với những anh em từng một thời bên nhau “tay cuốc tay bút” hay nói như cha giáo Hiệp “ăn làm và ăn học” ôn lại bối cảnh sinh hoạt văn nghệ thời đó.

ÂM NHẠC
Trưởng nhạc là cụ Xinh Tùm. Cụ tập hát cho một ca đoàn gồm 50 thiên thần nam còn gin nguyên, gọi là CĐ CÁC THÀY. Ca đoàn ngự giữa nhà thờ Thánh Mẫu. Chắc nhiều em Thánh Mẫu thời đó mê ngón nhịp của thày ca trưởng và giọng ca ồ ề không giống ai của các thày.
Ngoài công tác hát lễ hằng ngày, các thày còn tham gia văn nghệ ngoài thị trấn. Có lần cụ Xinh dắt anh em lên sân khấu ở sân vận động hát bài “Anh vẫn hành quân”. Phong trào thời đó chuyên hát nhạc kiểu bộ đội, anh nào anh nấy phùng mang trợn má lên mà gào rú cho thật to. Hát kiểu tình cảm nhẹ nhàng bị ghép cho tội ủy mị, nhạc vàng, nhạc sến. Có lần anh em được phép Đức Cha đi xem một buổi trình diễn văn nghệ của đoàn văn công Quảng Ninh. Tất cả rất hoành tráng và chuyên nghiệp, từ sân khấu,ánh sáng, đạo cụ và các tiết mục gồm đủ thể loại nhưng nội dung chẳng có gì ngoài hai chữ “tuyên truyền”.
Hơn một năm sau, tổ số một gồm các cụ Xinh Trùm, Ngô Công Sứ, Cư Ria, Niên Gìa xin đi học đại học Sư Phạm tại Sài gòn. Anh Hùng 33 và anh Hoàng ra dạy học tại trường Hòa Bình.Anh em bầu Tloi lên làm trưởng nhạc thay cụ Huỳnh Ngọc Xinh. Cuốn Nhã Ca là tập nhạc duy nhất thời ấy được ấn hành (quay roneo chui) gồm một số bài thánh ca của nhiều tác giả, đặc biệt có mấy bài của anh Trần Di Cư và Trần Phùng Linh Duyên.
Tập nhạc do anh Hùng 36 chép nhạc bằng giấy stencil và Cu Dom trình bày.Cha GĐ Nguyễn Văn Trâm chỉ cho in vài trăm bản phổ biến trong nội bộ vì thời đó tất cả mọi công việc in ấn đều bị cấm tiệt.

Giaó xứ Thánh Mẫu còn 3 ca đoàn nữa:

-CĐ TRĂNG TRÒN, gồm khoảng 20 nàng tiên xinh đẹp nhất Thánh Mẫu do anh Giáo Hùng quản lý. Anh giáo quanh năm đeo kính màu hồng, ôm đàn guitar hát cho các em nghe. Em nào không “củm động” mới lạ. Nàng Diệp là một trong các em ấy. Anh Giáo mà tu được quả là một phép lạ cả thể.

18342317_1444613902252149_6235608151713886310_n.jpg



- CĐ CHIỀU TÀ do họa sĩ, kiêm trống sĩ, thuốc lào sĩ Đỗ Văn Cư dẫn dắt, gồm 20 bé gái đang nhớn,chuyên hát lễ ban chiều. Chàng Cư hơi lùn, tóc quăn tít, mê nhạc hơn cả Mozart. Chàng tự chế dàn trống gồm toàn đồ ve chai như xô chậu lủng, phim phổi, dây thắng xe đạp, chổi cùn, vung nồi rách. Sau những giờ lao động mệt mỏi, chàng leo lên khua trống ầm ĩ cả chủng viện làm cho mệt mỏi tiêu tan hết. Tiếng trống của hắn vang xa tới đường Hùng Vương, vọng sang Tòa Giám Mục. Hắn đang say sưa với nhịp điệu “xác thịt dung dung tục” thì có một bóng áo đen lù lù đi tới. Một giọng ồ ồ vang lên. Hắn giật mình quay lại, hai tay không ngừng vung lên, chân đạp thùm thụp…Đức Cha. Tiếng trống im bặt. Hắn chuẩn bị ăn bạt tai. Nhưng không, Đức Cha tới ôm hôn hắn một cái thắm nồng tình cha con. Năm ngoái, hồi mới về nhận địa phận, Người tặng Chủng Viện một bộ trống. Người biết giới trẻ yêu âm nhạc như thế nào, nhất là trong thời buổi khó khăn, vất vả và thiếu thốn tư bề.

- CĐ THIẾU NHI do thày Phạm Bất Đồng phụ trách, chuyên hát lễ thiếu nhi.CĐ của thày cuối cùng chỉ còn một thày một trò dắt nhau đi xây tổ ấm tại xứ lạnh teo Cà-ná-đà…


14330176_1179054808808061_6716948253120327083_n.jpg

Cu Tròn có ngón guitar accord rất nhuyễn. Hắn ta tậu chiếc guitar xịn của anh Giáo. Tưởng rằng quẳng hố rác từ lâu, ai dè mới đây ghé nhà hắn, cây đàn lịch sử 40 năm vẫn còn mới lắm,âm thanh vẫn ngọt ngào như thuở nào. Chính cây đàn này đưa đường dẫn lối cho đôi bạn trẻ đến với nhau. Thuở í Cu đánh bạn với anh Thụy (rip), một tay guitar classic, tu ra từ lò Đông-các-cô. Tại đây, chuyện gì phải đến đã đến. Một tiếng sét long trời lở đất đánh trúng đầu hai đứa.Một giọng ca ngọt như đường Thốt Nốt đã chinh phục lái tim ông thầy nghệ sĩ của chúng ta.
Phạm Chính Trung (lớp Mẹ Vô Nhiễm) là một tay guitar cừ khôi của làng Phaolồ. Anh được gọi về ở với anh em XL vài tuần. (Sau này anh chuyển qua chủng viện Gia Yên). Tối tối, Chính Trung, Văn Cu và Cư Ria hay tổ chức hòa tấu nhạc Tiền Chiến và tình ca trước năm 1975. Mai Xuân Trung có một cây guitar accord 12 dây của Mỹ tiếng ấm vô cùng, cũng hay xách qua hòa tấu với anh em. Tloi nằm nghe nhộn nhạo cả người. Hắn quyết định sắm một chiếc guitar cũng của anh Gíao Hùng với giá 40$ và nhất quyết học đàn. Cây đàn này đã cùng chủ nhân của nó viết nên hàng ngàn ca khúc. Nay cháu đã về hưu, đang ngự trên gác xép, chờ Sotheby s đến đấu giá…
Cu Tròn còn có biệt tài vẽ vời. Chẳng học thầy bà nào sất nhưng nét vẽ của Cu ngang ngửa với họa sĩ Vi Vi thời í. Nếu hắn ta được học đến nơi đến chốn, VN lại có một cây cọ chẳng thua gì Bị-cát-sồ.Thiên tài của Cu được anh Giáo trọng dụng. Mỗi hình vẽ trên giấy stencil, mỗi tấm thiệp đám cưới được lãnh 5$. Hắn lại cầm tiền ra nộp bà Rét (Dòng Na- gia- rét ở ga-ra cổng chủng viện) để kiếm thuốc lá hút.Vì vậy, cả chủng viện, từ cha GĐ đến cha giáo Hiệp chỉ dám kéo thuốc lào quê hương, còn cặp bài trùng Văn Cu - Trung Mai lúc nào cũng phì phèo Con Mèo, tệ lắm cũng phải là Samit.
Văn Cu - Trung Mai lúc nào cũng kè kè bên nhau vì cả hai có nhiều điểm chung: mê thuốc lào, thuốc lá, mê đàn, mê tiếu lâm. Nơi nào có mặt hai tên í thì tiếng cười nổi lên rộn rã...Một hôm tổ trưởng phân công anh em làm cỏ lúa (ngay trước sân Chủng viện). Mỗi tên làm 10 hàng lúa. Anh em chui vào vườn lúa rậm rạp, nóng và ngứa lắm, nhưng cố làm cho sạch cỏ.Bà già Huấn, Hiệp Tàu, Hiệp Láu, Hiểu đen, Tloi mới làm sang hàng thứ 3 đã thấy hai tên Trung, Cư vào nhà hút thuốc lào vặt. Chúng chỉ chui qua hàng lúa cho có lệ. Cỏ vẫn còn i si...

img010.JPG


Thuở ấy có hai mầm non âm nhạc mới nhú là Vũ Đức Hiệp và Vũ Đức Lợi.Hai chàng này là anh em ruột khác cha khác mẹ.
Vũ Đức Hiệp - tức Hiệp Láu, trình làng hai tác phẩm Xuân Hòa Bình Tự Do và …Còn Tloi – tức Mai Nguyên Vũ, bị Mai Xuân Trung dịch Nôm ra là Khỉ Toàn Lông – cho ra đời bài Hòa Bình Ca và Xuân Đang Về. Hai cháu bé đầu lòng được anh Giáo in roneo và anh Hùng Lade (lúc ấy đang dạy học tại trường Hòa Bình) đem ra kiểm duyệt tại phòng Văn Hóa Thông Tin, đồng chí Năm Ngạn ký và đóng dấu…Sáng hôm ấy Tloi xách giỏ về quê ăn tết. Vừa thò đầu ra khỏi cổng TGM, Tloi đụng ngay một em mới quen tên S, cái tên thật đẹp nghe như sương khói Đà lạt. Từ ngày mới nhớn chưa từng thấy nàng nào đẹp như thế…
Hôm ấy Tloi tới phiên gác cổng TGM.Hắn ngồi dưới ban công tiền sảnh, miệng phì phèo điếu thuốc, tay ôm đàn gại vài giai điệu quen quen. Đức Thầy Đa minh sột soạt trong bộ đồ bà ba đen tuyền đang đi dạo một mình quanh chân thánh Giuse. Từ ngoài cổng, hai nàng nữ sinh thơ thẩn vào hái hoa bắt bướm.
- Hai em đi đâu thế? Bộ trốn học hay sao vào đây?
- Dạ hôm nay cô giáo đi họp, bọn em được nghỉ hai tiết,thấy thầy chơi đàn tụi em vào nghe ké.
- Hai đứa thích bài nào?
- Nhìn Những Mùa Thu Đi này, Mưa Hồng này, Tình Khúc Chiều Mưa…
Thế là Tloi phải vận dụng hết tài năng mà diễn một show hết mình cho hai khán giả dễ thương…

thuthao2411138-c9a97.jpg

Vừa bước chân ra khỏi cổng, Tloi đã nhận ra S hiền dịu, duyên dáng đang cắp cặp đến trường. Tloi đi vội đuổi cho kịp và hù cô nàng một cú. S giật mình quay lại:
- Thầy làm em đứng tim luôn.
- Bắt đền nè.
Tloi liền rút trong giỏ ra bản nhạc xuân mới in sốt sột và đề tặng S. Nàng học lớp 8 tại trường Bán Công. Hai đứa gặp nhau lần thứ hai cũng là lần cuối vì gần 40 năm nay chưa hề gặp lại.Tiếc rằng Chủng viện không dạy môn “tán gái”, nếu có thì…
Last Edit: 6 years 6 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63052

.
CHIẾC ÁO DÒNG CỦA TÔI
Mai Nguyên Vũ

[
img009.jpg




Năm 1975, tôi được Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng gọi chịu chức Mặc Áo. 19 tuổi lên làm thầy, mặc áo dòng đi nghênh ngang. Các em phục lé mắt. Thích lắm, nhưng áo dòng đâu mà mặc?
Cả nước đang ăn bo bo, chẳng mấy khi thấy hạt cơm trong bát. Quần áo hàng ngày chưa có mà mặc, lấy đâu ra 5m vải để may áo dòng? Tôi mới về nhà xin mẹ được miếng vải thung Thương Nghiệp bé tẹo để may quần đùi.Chiếc hòm của mẹ trống trơn rồi, chẳng còn gì mà xin với xỏ. Thời đó nhà nước bán vải theo tiêu chuẩn tem phiếu bao cấp. Mỗi người một năm được vài mét vải xấu. Chủ yếu để cấp cho cán bộ. Dân quèn hưởng sái tí vải thừa làm màu vậy thôi. Nhưng cũng chỉ được một năm là ngưng luôn. Vì vậy, nhiều người phải mặc quần cạp gấu. Có kẻ cạp lưng quần. Tệ nữa thì cạp cả gấu lẫn lưng quần. Giới nhà tu chúng tôi chẳng có tiêu chuẩn nào hết. Ai nấy tự lo lấy thân. Không thì làm A- dong, E- và.
Càng gần tới ngày, tôi càng bồn chồn như lửa đốt. Anh em có áo cả rồi, còn tôi…Cư Tròn đi Dốc Mơ về, đem khoe chiếc áo mới cáo.Người hơi ngắn, mặc áo vào thấy vuông vuông nhưng cũng ra dáng thầy tu. Mai Xuân Trung thì khỏi chê, đẹp trai chai mặt, mặc áo dòng mà mắt láo liên, đi lại như người mẫu, chả trách các em mê chết. Cụ Xinh Trùm, Ngô Công Sứ, Cư Ria, Hùng 36, Hùng Lase, cụ Niên, cụ Đoàn Tây Lai đi giúp xứ từ hai năm trước, đều có áo cả rồi. Cụ Ba Khang lôi từ hòm ra chiếc áo nhàu nát. Cụ gấp lại, gối dưới gối cho thẳng nếp, đợi đến ngày trọng đại. Thầy Hiệp Tàu kiếm đâu được mấy mét vải, may áo mới rồi, thỉnh thoảng lại mở tủ ngắm chiếc áo mới toanh, cười một mình.Thầy Hoàng Mạnh Hiểu đang kéo thuốc lào xòng xọc, phà khói um tùm, thấy anh em biểu diễn “thời trang áo dòng” cũng nổi hứng mặc áo đi lại xúng xính, ngó mông ngó ngực.
_ Được không Cụ Đội (Mai Nguyên Vũ)?
_ Vừa khít khịt. Ở đâu ra vậy?
_ Bố Phú xí cho đấy.
_ Áo Cụ Đội đâu mặc vào cho anh em nghía tí coi!
_ !!!???!!!
Bà già Huấn và Hiệp Láu làm thành cặp giúp lễ rất xứng đôi. Cao lòng thòng, ốm tong teo, mặc áo dòng cứ như bơi trong bồn nước đen. Thầy Hiệp Láu để nguyên áo dòng, láu táu chạy sang phòng Cư Tròn, tranh thủ hát bài “Xuân Hòa Bình Tự Do” mới ra lò. Cư Tròn cởi trần trùng trục đang đập trống thùm thụp ở góc nhà: “Sắc dục dung dung tục- Xác thịt- ôi ô nhục…” Bộ trống của thầy nếu còn đến nay cũng thành đồ cổ giá trị lắm. Tất cả toàn đồ phế thải: xô lủng, nồi vỡ, chổi hư, vung nồi rách. Hay nhất là chiếc chổi cùn, thầy tháo bớt dây kẽm, cho xổ ra ít cây ở cán, đập dùi vào cứ nghe chanh chách chanh chách chẳng khác nào tiếng trống caisse claire. Sau một ngày làm rẫy cực nhọc, thầy leo lên trống khua inh ỏi vang vọng cả chủng viện, làm anh em cũng vui lây.Thấy trống đàn ầm ĩ, tôi nôn nao cả người, liền chạy sang ôm đàn hát trình làng bài “Xuân Đang Về”, bài hát mới viết, mực vừa ráo hoảnh.
10g đêm tôi leo lên giường, trằn trọc mãi không chợp được mắt. Chủng viện có 50 thầy, 49 thầy có áo dòng, còn mỗi mình mình. Không lẽ đến trình Đức Cha: “Thưa cha con không có áo mặc”.
Sáng hôm sau, tôi xin cha Giám Đốc Nguyễn Văn Trâm đi may áo dòng. Tôi đón xe than từ Long Khánh đi Hố Nai, rồi bắt xe Lam đi Biên Hòa.
_ Con về chơi hay có việc gì thế?
_ (gãi tai)Bố ơi, kỳ này Đức Cha cho con mặc áo dòng. Bố có cái… áo cũ nào không? (gãi tai)
_ Ừ ừ…Để coi.
Cha bố lạch bạch đi vào buồng, lục lọi hết tủ sắt này đến cái rương kia. Nửa tiếng sau, bố lôi ra một bọc ni-lông gói kỹ. Tôi sung sướng đem vào buồng mặc thử. Vải soa Thái- lan mỏng dính như tờ pơ-luya, chắc may từ hồi quốc vương Bảo Đại còn ở truồng. Tôi giũ áo ra xem: hàng trăm lỗ thủng như bầu trời đêm lấp lánh muôn vàn vì sao. Đó là chứng tích những lần bố châm lửa rít thuốc lào vặt trước và sau giờ chầu, giờ lễ. Tôi trịnh trọng mặc vào…Tạch…rẹc…tạch tạch…rẹc rẹc…Hồi hộp quá, mới thở mạnh một tí, chiếc áo đã téc ra từ hai nách, toạc xuống tới ngực. Vải mủn hết rồi. Tôi cẩn thận cởi ra, nhưng khi hai tay vừa tụt khỏi áo cũng là lúc chiếc áo biến thành một búi giẻ rách. Ôi chiếc áo dòng của tôi!

*******
11259859_894506467262898_3315683607929781402_n.jpg



Tối hôm đó trở về chủng viện, tôi than thở với anh giáo Hùng rằng không xoay đâu ra được chiếc áo. Anh lôi từ valise ra chiếc áo dòng cũ. Anh may áo mới rồi, vải xịn lắm, ly thẳng tắp. Thày Hùng mà, lúc nào đầu cũng láng coóng, mắt kính màu hồng, dùng toàn hàng xịn. Thày lại có tài làm thơ, tập hát cho các em Thánh Mẫu, hào hoa phong nhã số một. Chả trách nhiều em mê như điếu đổ. Toàn những em chân dài, tài sắc vẹn toàn, hoa khôi của đất Xuân Lộc.
Tôi hồi hộp mặc thử áo. Vừa vặn như cậu nằm với mợ.
_ Anh giáo để lại cho em chứ?
_ Ừ, thích thì chiều.
_ Nhiu dzậy ăn?
_ Anh em lấy giá bèo thôi…
Tôi cám ơn anh rối rít. Anh đúng là cứu tinh của tôi. Tôi kể lại chuyện cha bố cho chiếc áo tả tơi, anh em cười vỡ bụng. Cụ Ba Khang vừa chùi bọt mép vừa hỏi, giọng ồ ồ:
_ Rồi sao, có trả lại áo cho bố không?
_ Không, em không nói gì cả, chỉ cám ơn bố rồi đi. Cũng may, bố chẳng hỏi áo mặc có vừa không. Nói thật mất lòng, nói dối không đành.
Thế là chiếc áo của anh giáo Hùng theo tôi suốt 10 năm tu trì (1975-1985). Tôi thích chiếc áo vì nó mỏng, nhẹ, mát, giặt mau khô. Thích nhất là không phải ủi. Đi đâu cứ vo viên bỏ vào túi dết. Mở ra, giũ giũ vài cái, mặc vào là phẳng, chẳng cần là ủi bao giờ.
Năm 1980, sau cú vượt biên đổ bể, tôi trở về gia đình làm thầy giáo làng, sáng cho rước lễ, ban ngày dạy học, làm rẫy, tối tập hát ca đoàn. Thời gian này tôi viết nhạc thật nhiều. Nhạc hứng ở đâu cứ ra ào ạt. Đây là thời vàng son trong cuộc đời sáng tác của tôi. Cứ một hoặc hai ngày là một tác phẩm mới ra đời. Những bài có chút tiếng tăm đều viết trong giai đoạn này: Khúc Cảm Tạ, Tình Ngài, Dòng Đời, Lệnh Truyền Giao, Tiến Hoa... Thời gian viết nhạc giáo lý cho Uỷ Ban Giáo Lý Giáo phận, có ngày đạt kỷ lục: 8 bài một ngày. Viết xong một bộ (60-70 bài), người khờ ra, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như tâm thần, phải nghỉ ngơi mấy tuần mới hoàn hồn…Làm nghệ sĩ phải mộng mơ, tự do bay bổng. Bay bổng trong chiếc áo dòng thật không hợp chút nào, với vô vàn điều cấm kỵ, cứ như con chim được tự do bay bổng trong lồng. Trong khi đó, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy mây mù giăng mắc, không thấy một tia bình minh le lói nào… Thế là tôi quyết định cởi áo dòng.
Áo dòng mặc vào đã khó, cởi ra còn khó hơn nhiều. Một ông thầy giúp xứ xa nhà, có xuất tu về quê cũng nhẹ nhàng thôi, chẳng ai biết đấy vào đâu. Giúp xứ nhà, xuất ra là cả một thử thách cam go. Không có can đảm, không có ý chí nghị lực thì không quyết định nổi.Tôi phải chiến đấu với bản thân và gia đình mấy năm trời mới dám dứt khoát. Dằn vặt, khổ sở vì chữ hiếu là điều khó khăn nhất. Suốt 17 năm nay, thầy mẹ đặt hết hy vọng vào con, dành cho con những phần tốt nhất, hơn hẳn anh chị em khác. Nhà làm nông, nuôi 9 đứa con ăn học, chẳng khá giả gì, thế mà năm 1969, mẹ mua cho tôi chiếc valise Hồng Kông khá đắt tiền. Đến nay, con học xong “Lý Đoán”, về giúp xứ nhà, thầy mẹ được mọi người gọi là “ông bà cố”, nở mày nở mặt với láng giềng. Đùng một cái, con cởi áo xuất tu, thầy mẹ còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ.
Sau khi tôi “tu xong” được ít bữa, thầy tôi không đi lễ xứ nhà nữa. Hỏi ra mới biết: có lần thầy đi lễ về, ông kia chào “chào ông cố ạ”. Thầy xấu hổ quá, bỏ sang đi lễ bên Gia Yên mấy năm. Còn mẹ tôi thì khỏi nói. Bà cầu nguyện, khuyên răn và vận động cho tôi “ăn năn giở lại với Chúa”.Tôi quen với em nào cũng bị chê ỏng chê eo và phá đám đủ kiểu. Thỉnh thoảng mẹ lại vào nhà Dòng xin các dì cầu nguyện và dụ dỗ cho cháu “ăn năn giở lại”.
Một buổi chiều, mẹ cầm áo dòng của tôi ra, tay lăm lăm con dao sắc lẻm.
_ Mẹ làm gì vậy?
_ Không mặc nữa thì cắt ra lấy vải may áo mặc.
_ Mẹ đừng cắt, cứ để đấy cho con.
Chắc hẳn, đây là phép thử của mẹ, xem tôi còn chút tiếc nuối nào không.
Những ai đã từng “ăn cơm nhà Đức Chúa Giời” đều biết điều này: “Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít”. Trung bình 1/10. Tôi hiểu rằng tới đây Chúa muốn tôi theo con đường khác, phục vụ Giáo Hội bằng cách khác. Nếu cứ cố đi tiếp con đường tu trì, tôi sẽ khổ suốt đời, sẽ “phá bĩnh”, làm ô danh Giáo Hội, phần rỗi của tôi cũng không bảo đảm. Vì vậy, dù rất yêu mến Giáo Hội và thương cha thương mẹ, tôi phải đành lòng ra đi. Khi đã quyết định dứt khoát, tôi được ơn bình an lạ lùng.
Hiện nay, tôi vẫn giữ chiếc áo dòng như một cổ vật vô giá. Mỗi lần ngắm lại chiếc áo lịch sử, tôi có thể tự hào: suốt 17 năm tu trì và 10 năm mặc áo dòng, tôi không để lại tai tiếng nào cho Giáo Hội. Chiếc áo dòng của tôi vẫn còn trong trắng.

Last Edit: 6 years 6 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012