Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: MỘT THỜI ĐI TU

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 5 months ago #63042

.
TU CHUI
Mai Nguyên Vũ

Ngày 6/1/1975 mất Phước Long.
Ngày 10/3/ 1975 Buôn Ma Thuột thất thủ.
Sau cuộc di tản khỏi quân khu 2, các tỉnh miền Trung lần lượt bị đổi chủ.
Đoàn quân đội nón cối đi dép râu đã kéo về Cam Ranh, Ninh Thuận ở phía Đông và La Ngà ở phía Bắc.

Nhìn thấy cơn bão chiến tranh đang rùng rùng kéo tới, cha Giám Đốc quyết định giải tán chủng viện. (ĐC Nguyễn Văn Lãng đang đi họp tại Sài Gòn).Vài tuần sau chiến sự bùng nổ tại Long Khánh. Mình từ Gia Kiệm đứng nhìn máy bay liên tục chúi đầu thả bom và bắn phá Long Khánh mà rùng cả mình.Nếu cha Giám Đốc không quyết định sáng suốt và kịp thời, làm sao bảo đảm tính mạng và lo ăn cho mấy trăm chủng sinh trong cảnh bom đạn ngụt trời kéo dài như thế.

Ngày 11/8/1974 Đức Cha Đa-minh Nguyễn Văn Lãng lên thay Đức Cha Giu-se Lê Văn Ấn mới qua đời (17/6/1974). Mình thấy rõ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trong việc thay ngôi đổi chủ này. ĐC Lê Văn Ấn đường đường, bệ vệ, không ai thấy người cười bao giờ. Giám mục chánh tòa Xuân Lộc, kiêm Tổng Tuyên Uý QLVNCH. Với chức vụ “kiêm” đó, nếu còn sống tới ngày 30-4-1975, người sẽ đi về đâu? Giáo phận sẽ ra sao?

0-Luocsu-6.JPG
ĐC Nguyễn Văn Lãng thì ngược lại, như một ông lão nhà quê mới từ miền Tây lên, suốt ngày mặc bộ đồ ngủ màu đen, sáng sáng đội nón lá, cầm chổi quét sân, quét vườn, đốt rác. Có người ở xa đến gặp ông lão làm vườn :
_ Bác cho hỏi thăm: ĐC có nhà không ạ?
_ Có đấy, mời ông vào ghế ngồi đợi, tôi đi mời ĐC.
Ông lão làm vườn vào khoác áo dòng đi ra.
_ Lạy Chúa tôi, xin ĐC tha lỗi, con tưởng ĐC là...
Thời đó, người chuyên môn đi ban bí tích Thêm sức bằng xe ôm.Tài xế là thầy Ngô Công Sứ. 14 năm làm giám mục Xuân Lộc (1974-1988), người lãnh trọn mọi khốn khó đổ xuống trên đầu giáo phận. Sau cơm tối, người đi dạo. Hôm nào đi dạo một mình, bước chân nặng chịch, cái đầu nghênh nghênh, mí mắt đã sụp lại sụp hơn, mọi người biết giáo phận lại gặp tai họa gì rồi. Tai họa hồi đó nhiều vô kể, xẩy ra bất cứ lúc nào, bất kể nơi đâu.Toàn bộ các trường Công giáo bị xung công. Các cơ sở từ thiện đồng số phận. Nhiều linh mục bị bắt...
Sau ngày 30/4 ít tháng, mình được Đức Cha gọi về Toà GM cùng với anh em chủng sinh khác. Sau này, anh em được phân chia thành ba nhóm tu chui như sau:



RayGiaYen001.jpg



cacthayGiaYen0011.jpg


1- Nhóm một gồm một số anh lớp Toma, lớp Mẹ Vô Nhiễm và các thày gốc Xuân Lộc đang học tại ĐCV Sài Gòn. Ban đầu nhóm này tu tại rẫy Bảo Toàn (10 hecta cà phê của địa phận),do cha Phong phụ trách. Sau "bị động",anh em di chuyển về ĐCV Gia Yên, do cha Phạm Đình Nhu làm giám đốc.Tới năm 1978, cha GĐ bị bắt đi "tù vì đạo" 10 năm. ĐCV bị giải tán.

12790906_1671481976437447_4275158646388476908_n.jpg


2-Nhóm thứ hai gồm anh em lớp Piox và một số anh em khác học tại Tu hội Tông Đồ Nhỏ, (Bạch Lâm, Gia Kiệm) do cha Linh Hướng Nguyễn Minh Nhật, anh Hai Châu, anh Ba Tiến phụ trách.

3- Nhóm tu chui thứ ba học tại TCV Phao-lô gồm có các anh lớp Toma mới đi giúp về (Ngô Công Sứ, Hùng 36, Hùng Lase, Cư ria, Xinh tùm…), 10 tên lớp Toma Thiện và một số anh em từ nơi khác đến. Riêng anh Đỗ Trọng Quang được cử đi học Piox Đà lạt.
Lớp này có 50 anh em, chia làm 6 tổ, do Cha Nguyễn Văn Trâm làm giám đốc, Cha Trần Thái Hiệp làm phó. Sân bóng ngày xưa nay thành ruộng lúa. Công viên hồ Đức Mẹ thành vườn rau. Các tổ phải tự túc về kinh tế, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. ĐC chỉ trợ cấp mỗi tháng thêm một ít tiền. Vì vậy anh em phải bảo nhau làm việc cật lực. Tổ mình nhận chăn thuê hai con bò cho ĐC, mỗi tháng lãnh thêm 10$. Có lần bò đi lạc, cả tổ phải bủa đi tìm khắp thị trấn. Hú hồn!



13620724_1124364010943808_111013994696708027_n.jpg



Làm lúa, làm rau mà không bón phân thì đừng hòng thu hoạch. Vì vậy các hầm phân heo, phân người trong khu Tòa Giám mục - chủng viện thực sự là mỏ vàng. Phải thăm dò và khai thác thật nhanh trước khi tổ khác sơi mất. Giáo dân quanh vùng biết các thầy rất khoái món này, nên một số nhà có hầm phân không sài, tới “thành khẩn khai báo” và tự nguyện dâng hiến :
_“Boọng koong kấn bếu guý thài”.
Vậy là sáng hôm sau cả tổ “hồ hởi phấn khởi” vác cuốc, xẻng, xô, thùng, dây, móc lục tục đi khai thác “mỏ vàng”. Hôm nào gặp thùng phân lâu năm là mừng lắm, nhưng phải cẩn thận tránh mảnh chai, kẽm gai rỉ nằm đầy dưới đó. Ổ vi trùng uốn ván đấy! Hôm nào vô phúc đào phải hầm mới toanh hay đang hoai thì ôi thôi hít cho đã, về tắm mấy ngày, toi mấy cục xà bông xanh cây đờn cũng chưa hết mùi thum thủm ảm khắp cả và ngọc thể.

Ngoài công việc nhà, tụi mình còn phải lên Bảo Toàn làm 10 héc-ta cà phê của giáo phận. Sáng sớm, bác tài Ngô Công Sứ lái xe Ben chở anh em đi Bảo Toàn. Xe đang bon bon trên quốc lộ, một chiếc xe đạp từ trong phóng ra. Bác tài bẻ lái khẩn cấp. Một bà ngồi trên cabin văng xuống đường. Cu Tròn và mấy anh em khác rơi xuống như sung rụng. Cư nằm bất tỉnh dưới gầm xe…
Hết việc là đi làm thuê. Ai thuê gì làm nấy: cấy lúa, gặt lúa, cuốc ruộng, làm cỏ, hái cà phê, vần đá từ ruộng lên xếp quanh bờ...Thời đó người ta phát động phong trào phá rừng, làm rẫy, lập khu kinh tế mới. Tụi mình cũng phải theo đoàn thanh niên huyện Xuân Lộc vào phá rừng hai tuần gần chân núi Gia-ray, thưởng thức ve, vắt, rắn, rết, bò cạp, muỗi rừng và sơi thịt nguyên một con trăn dài 4 mét.

CSuiRt.jpg


Một hôm cả chủng viện đi làm xa, mẹ mình lặn lội đến thăm. Anh nuôi bảo:
_ Anh ấy đi nhổ mì rồi.
_ Hả? Nổ mìn à? Nạy Chúa tôi, sao bắt con tôi nàm cái việc nguy hiểm như vậy?
Tai bà cụ hễnh hãng, nghe “nhổ mì” ra “nổ mìn”,lo con chết nên tru lên khóc. (Hồi đó nhiều người phải đi phá mìn để giải tỏa đất làm rẫy, cầm chiếc gậy nhọn chọc chọc trúng mìn nổ banh xác).

rysuirt.JPG


Làm việc cực nhọc, ăn uống thiếu chất nên hay nhạt miệng, nhưng có gì đâu mà ăn vặt, người ta tìm thú vui khác bù vào : hút thuốc. Cả nước hút thuốc như một loại “mốt thời giải phóng”. Ông bà cán bộ ở rừng ra, vai quấn khăn rằn, miệng phì phèo điếu thuốc rê suốt ngày đêm. Chú bộ đội từ Bắc vào, tay đeo đồng hồ Orient, vai khoác chiếc đài lí lô, miệng phun khói điếu thuốc quốc doanh, trông rất “hoành tráng”. Cánh thanh niên làm rẫy lúc nào cũng kè kè ống điếu cày. Vợ nhịn được cả tháng không sao, thuốc lào ngày nào không hút thì như người tương tư, đi ra đi vô, vớ vớ vẩn vẩn chẳng làm được cái việc gì. Trong số 50 thầy có tới 45 thầy nghiền cái món sướng như tiên ấy. Chỉ còn 5 thầy bông bống là không màng tới mà thôi. Cha giám đốc và cha phó kéo thuốc lào ác chiến chẳng thua gì quí thầy. Chiều hôm đó anh em cuốc ruộng cấy tại Suốt Rết cho cha sở nhà thờ chánh tòa Nguyễn Chu Trinh. Tới giờ giải lao, mọi người chuyền tay nhau chiếc điếu cày thân yêu. Chiếc điếu rít lên từng tràng “roóc roóc” nghe đã cái lỗ tai. Từng khuôn mặt khờ khờ dại dại chập chờn trong làn khói mờ mờ ảo ảo. Thầy Đỗ Văn Cư châm điếu thuốc mới, kính cẩn mời thầy Trần Phi Hùng :
_ Mời anh giáo làm tí cho thơm mồm bổ phổi, diệt vi trùng lao.
_ Thôi thôi tớ không dám đâu.
_ Yếu thế. Ai cũng làm được sao thầy không dám ?
Mấy em gái ca đoàn khích vào :
_ Không lẽ thầy Hùng yếu vậy ta.

11053058_1628979550646735_1888437786257111805_n.jpg
Thầy nóng máu cầm điếu kéo một tràng, phả khói nghi ngút. Mấy em gái vỗ tay rôm rả. Thầy hứng quá làm tiếp điếu nữa. Khói vừa đùn ra khỏi miệng cũng là lúc thầy nằm vật xuống bờ ruộng như một gã động kinh. Mắt khờ ra rồi trợn ngược lên. Miệng sùi bọt mép. Tay chân mềm nhũn. Mọi người phát hoảng, vội khiêng thầy vào lều cạo gió. Từ lúc đó, thầy ói mửa ra tới mật xanh mật vàng. Thầy nằm liệt giường đúng ba ngày ba đêm...Khi tỉnh dậy thầy kể:
_ Lúc đó tớ biết hết, còn nghe thấy đứa nào bảo “khiêng ném nó xuống ao”. Tớ sợ lắm, muốn la lên rằng đừng ném xuống ao, tớ chết mất, nhưng không nói được, không cử động được. Thuốc làm tê liệt thần kinh vận động. Ghê thật! Tởn tới già!Hiện nay thầy đang kinh doanh vàng bạc đá quí bên Hoa kỳ, không biết có còn nhớ điếu thuốc lào lịch sử năm xưa? Mời thầy thu xếp công việc, về VN thưởng thức lại chút hương vị quê hương.


img047.JPG

Việc đi chợ, nấu cơm, các tổ phải tự lo. Tổ mình chia mỗi tên làm anh nuôi ba ngày. Anh nuôi sáng sáng xách giỏ đi chợ, bổ củi, nấu cơm, rửa chén và dọn dẹp như một cô gái nội trợ thực thụ. Ai cũng cố gắng nấu đồ ăn cho ngon để anh em ăn “được cơm”, lấy sức mà lao động . Riêng Đỗ Văn Cư suốt ba ngày chỉ có độc một món : cá khô chiên. Làm gì có cá bơn như bây giờ! Toàn cá heo chiên kỹ cho dòn rồi đổ nhiều đường vào đánh át muối mặn. Có hôm hết dầu chiên, hắn vào… cầu tiêu mót dầu trong những thùng luyn đã hết từ thời tiểu chủng viện chất đầy trong nhà vệ sinh. Hôm nào hứng, hắn cho anh em ăn canh chua cá khô. Tới lúc ăn, hắn bê tô canh đến bên bờ hồ vặt rau xà-lách ăn liền, không rửa. Rau này mới tưới nước hầm phân chiều hôm qua. Eo ơi! Thế mà các thày cứ khỏe re như bò kéo xe.

Tổ mình gồm 10 tên cùng lớp từ tiểu chủng viện lên. Tất cả chưa thi tốt nghiệp phổ thông. Mình là tổ trưởng, ĐC giao cho mình dắt anh em xuống Bà-rịa thi. Tụi mình được ĐC gửi gấm cho ăn ở trong nhà dòng Saint Paul. Sau hai ngày thi, chuẩn bị sáng hôm sau về, thì đùng một cái, nửa đêm có lệnh giới nghiêm. Các xơ quính quáng cả lên, vì một đống thanh niên trong nhà mà không có giấy tạm trú gì cả. Gần sáng, người ta quát loa khắp hang cùng ngõ hẻm ra lệnh : đổi tiền. Tụi mình phải nằm lại mấy ngày vì không có xe cũng chẳng có tiền mà về. Gạo vác theo ăn hết rồi, mình liền kéo anh em đến ty Xã hội xếp hàng rồng rắn xin trợ cấp. Bà ty thương tình cấp cho mấy ký gạo hẩm.

Cha Trần Thái Hiệp chia một năm ra làm hai mùa: mùa mưa ăn làm, mùa nắng ăn học. Vì học chui, tu chui nên có những buổi học, tụi mình phải mặc đồ làm rẫy. Nếu có báo động là nhẩy ra vơ cuốc làm liền. Thỉnh thoảng nửa đêm bọn mình được nhiều vị “khách lạ” đến thăm, lục soát nhà và kiểm tra hộ khẩu :
_ Trần Thái Hiệp!(cha phó)
_ Có mặt.
_ Anh đứng sang bên này.
_ Nguyễn Văn Trâm!(cha giám đốc)
_ Có mặt.
_ Anh đứng sang bên này.
_ Nguyễn Văn Lãng!(Đức Cha)
_ Có mặt.
_ Anh đứng sang bên này.



img023.JPG


......
Hôm nay trở về thăm chủng viện. Nhà cửa nguy nga. Phong cảnh tuyệt đẹp. Nhưng người xưa cảnh cũ đâu rồi? Mình lần theo ký ức đi thăm dẫy nhà chính, năm khu nhà phụ xếp theo hình bán nguyệt ôm lấy hồ nước và tượng Đức Mẹ. Nơi đây chôn dấu biết bao kỷ niệm của 10 năm đèn sách và lao động cơ cực, nơi chứng kiến những năm tháng trai trẻ đẹp nhất đời người, nơi mình nắn nót những nốt nhạc đầu tiên. Đâu rồi các Đức Cha, các cha giáo đã ngẩng cao đầu chống chọi với bao trận bão đời để bảo vệ Giáo Hội và con cái, cho ngôi nhà giáo phận còn bền vững tới hôm nay? Đâu rồi bạn bè ngày xưa, có người làm cha quản hạt (Lm Ngô Công Sứ),có người làm cha giáo đại chủng viện (Lm Đinh Văn Huấn), có người làm cha xứ (Lm Vũ Đức Hiệp, Lm Vương Vĩnh Phúc),có người làm Lm giáo sư các trường đại học danh tiếng bên Rô-ma (Kim Văn Nam), có anh làm giám đốc công ty giầu sang phú quí (Trần Phi Hùng, Nguyễn Văn Hiệp, Mai Xuân Trung), cũng có anh làm ruộng chân lấm tay bùn, vài bạn vĩnh viễn ra đi. Mình nhớ các bạn da diết. Ứơc ao có ngày anh em tề tựu đông đủ, về thăm mái trường xưa, sống lại một ngày tuổi xanh êm đềm, tươi đẹp. Chuyện không tưởng! Buồn! Ôi cuộc đời! Phù vân!

[/color
][/b]
Attachments:
Last Edit: 6 years 5 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 5 months ago #63040


Nhìn tấm ảnh chụp những anh em phục vụ phòng thánh trên, ai cũng thấy đó là những khuôn mặt với những nét tốt lành thiên thần. Nếu có những sai lỗi, chắc do ma dẫn lối quỉ đưa đường - do một phút hứng chí nghịch ngợm - một thứ "péché mignon". Theo thứ tự lớp, tôi có thể nhận ra Đỗ tiến Dũng (Tô ma) phó Ninh (Mẹ Vô Nhiễm) Hiệp tàu (Tô ma Thiện) cha Trần Chính Thành (Pio X, RIP). Đó là những khuôn mặt rất quen thuộc và thân thiện trên gian cung thánh.

Cách đây gần 30 năm, khi mới tới Mỹ năm đầu, tôi theo học lớp G.E.D vài tháng rồi lấy bằng G E D. Lớp GED là lớp học để được cấp bằng tương đương tốt nghiệp trung học Mỹ. Thời đó sướng lắm vì dân tỵ nạn vào Mỹ không quá nhiều và ô hợp như sau này. Đi học nhưng chúng tôi được trả tiền. Học được bao nhiêu không biết nhưng cứ đợi đến afternoon ngày thứ sáu mỗi tuần là được tấm check 95 dollars. Sướng cái đời tỵ nạn! Không phải đi làm, chỉ đi học mà mỗi thấng được khoảng 400 với người mới qua Mỹ là sướng lắm rồi. Sau khi được cấp G.E.D. tôi "liều mình" nhập vào giáo phận Des Moines làm chủng sinh và được gửi về học thần học tại The Catholic University of America tại Washington D.C. Nói là liều vì có mấy người bạn gọi phone nói chuyện với tôi và dùng từ ngữ "liều lĩnh" đó để trách tôi, và cũng khuyên rằng tại sao không ở ngoài đời nghe ngóng học hỏi kinh nghiệm suy xét cho kỹ càng một thời gian, nhất là để vững Anh Văn trong giao tiếp trước khi vô tu lại. Âu cũng là do Chúa xếp đặt...

Niên khóa đầu tiên học ở Mỹ, do trung gian người anh em thổ địa Duy An (Tuyết Hầy) vùng Washington D.C. - Virginia, tôi có dịp gặp Hùng 36 là người anh em của tiểu chủng viện, người thứ hai tại đất Mỹ sau Duy An. Hùng 36 đang lúc đó cai quản tiệm bán hàng thuộc loại đắt khách tại khu thương xá Eden, VA. Hùng dẫn tôi đến nhà anh Đỗ Tiến Dũng. Hai anh chị Đỗ T Dũng rất niềm nở đón tiếp tôi. Cùng với Hùng 36, anh chị Dũng và tôi đến nhà Minh mới (gốc Don Bosco passer qua chùng viện). Chúng tôi có một bữa ăn và họp mặt vui vẻ ở nhà Minh mới. Tối đến, Dũng đưa về nhà Dũng và ở lại đêm đó. Hôm sau chính anh Dũng lái xe đưa tôi trở lại chủng viện nằm trong Washington D.C. Nhìn tấm hình tôi nhớ lại những kỷ niệm cũ trong năm đầu tiên ở Mỹ, khi gặp lại những anh em gốc TCV Xuân lộc.

Khi về thăm lại Vietnam lần đầu trong năm 2005, tôi ghé giáo xứ Thanh Sơn, nơi cha Dụng bạn lớp Pio X làm chính xứ. Cha Dụng chở tôi bằng Honda đi thăm giáo xứ kinh tế mới nằm sâu trong vùng núi Sóc lu giữa Ninh phát và Thanh Sơn để thăm cha Trần chính Thành là một trong các nhân vật trong tấm hình. Đó là lần cuối tôi gặp cha Thành. Sau này nghe tin ngài mất đang lúc còn khá trẻ. RIP.

Hiệp tàu thì tôi gặp lần cuối tại lễ truyền chức của cha Sứ và Tuệ tại nhà thờ chính tòa XL. Lúc đó Hiệp tàu đang là thày giúp xứ và cũng là người chơi organ trong lễ. Thời trong chủng viện nhiều anh em không có cơ hội học nhạc khí. Sau này khi có cơ hội, nhiều người phát tướng, chăm học tập và chơi cũng rất khá. Sau này Hiệp tàu qua Úc năm nào và dịp nào tôi không hay. Năm ngoái khi qua Úc lần đầu tôi chỉ có dịp gặp mặt, đi chơi, dẫn về nhà, và đi an uống với vợ chồng út Sáng. Sáng rất hào hiệp và nhiệt tình mua tặng vé bay cho tôi bay từ Melbourne lên Sydney. Chuyến đi thật sáng sớm và về chiều muộn cùng ngày. Chúng tôi spend time với vợ chồng Châu Mai (Don Bosco) Mấy anh em còn cao hứng kéo đến nhà một người bạn của Châu ở vùng thủ đô Caberra và ngồi uống wine, rồi ca hát với nhau suốt buổi chiều. Tiếc rằng tôi không có cơ hội liên lạc được với Hiệp tầu và mấy anh em gốc Xuân lộc khác tại Úc.
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 5 months ago #63034

.
THIÊN THẦN VÀ MA QUỈ
Mai Nguyên Vũ
4ongtuCV.JPG
[/color][/size]

Phòng thánh mới nhận 20.000 bánh lễ. Mỗi lần lấy bánh vào bình, anh em nào cũng rón mấy miếng bỏ tọt vào mồm cho đỡ thèm. Mùi bánh mới hôm nay thơm ngon lạ. PN bàn với SC và HT: “Tối nay dọn lễ xong anh em mình đánh chén đi, sơi 10.000 thôi”…
9g30 tối hôm đó, cha Linh Hướng đến giường PN nhờ bóp chân. Quaí ! Trời nóng thế này mà sao chú nó đắp chăn kỹ vậy! Ngài kéo chăn. Lạy Chúa, nó đi đâu mất rồi. Trong chăn toàn là quần áo. Nó xếp tài thật. Nhìn cứ y như người nằm ngủ…Ngài sang phòng ngủ lớp Toma Thiện, tới giường HT. Màn kịch tái diễn như cũ. Quân này âm mưu gì rồi. Cụ đi một vòng hành lang hình bán nguyệt phía sau chủng viện. Tới nhà nguyện, nghe có tiếng người hát “Đêm nay ai đưa em về…”. Cụ nhẹ nhàng đi về phía sau nhà nguyện, bắt quả tang ba tên đang ngồi nhắm rượu lễ với bánh lễ. Ngài trừng mắt phán: “Sáng mai ăn sáng xong lên trình diện cha”…
Cả ba phạm nhân thành khẩn khai báo rồi lần lượt quì xuống xưng tội.
- Cả ba đứa dọn đồ đi về. Cha lấy quyền tòa trong loại chúng con ra khỏi chủng viện.
- Xin cha tha tội cho chúng con. Chúng con xin nhận hình phạt. Xin đừng loại chúng con.(Lời PN)
- …Thôi được rồi. Bắt đầu từ tối nay cả ba đứa dắt nhau đi ngắm đàng Thánh Gía đúng một tuần”.
Ngoài hai món “cây nhà lá vườn” là bánh lễ và rượu lễ, anh em phòng thánh còn nhiều món nhậu khác. Vì hay đi lại với nhà bếp để giặt áo lễ và lấy than đốt hương, nên anh em hay được nhà bếp “cải thiện” bữa ăn, hôm thì đĩa thịt gà, bữa khác tô chào vịt thơm phức…
Hôm nào thèm chất tanh thì vác cần ra hồ câu cá đem về phòng thánh nướng ăn chơi. Nhưng sẵn nhất là củ mì. Cả một vườn mì bao la ngay trước mặt không sơi thì phí của giời. Chiều chúa nhật nào chẳng phải đốt than chầu Mình Thánh. Anh em bảo nhau đốt già than lên. Chầu xong ra vườn mì nhấc lên gốc nào bự nhất, bẻ củ vùi vào lò than. Ăn tối xong là mì chín tới. LCD có lần thoát chết. Hắn đang hì hục cho mì vào lò thì cụ Đốc tới. Hắn bê nguyên si cả lò giấu vào tủ áo lễ. Than hôm đó nhiều quá, ăn tối xong mì cháy đen, may mà không cháy tủ áo, nhưng khổ nỗi mùi mì cháy ảm vào áo lễ. Sáng hôm sau cha nào cũng khịt khịt cái mũi vì áo lễ có mùi là lạ. Cả bọn bàn nhau tìm cách tẩy ngay mùi mì cháy đi. HT khéo mồm liền cầu viện nhà bếp. Các mẹ cho mượn lọ nước hoa. LCD cầm lọ nước hoa vảy vảy thế nào rơi vỡ hết ra tủ áo lễ. Sáng hôm sau các cha lại thắc mắc sao áo lễ dạo này lắm mùi lạ quá…
Cha Linh Hướng phụ trách phòng thánh. Người chọn mỗi lớp một tên ngoan nhất, đạo đức nhất giao cho công việc thánh thiện nhất. Nào ngờ…Thiên thần với quỉ sứ cách nhau có một gang tay…
Last Edit: 6 years 5 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63025

.
NHỚ BẠN

Mai Nguyên Vũ
vungtauHungvaNam.jpg

Năm 1968, mình từ bỏ gia đình, vào chủng viện dâng mình cho Chúa. Từ hồi lọt lòng mẹ cho tới lúc đó, mình chưa hề xa gia đình một ngày. Vì vậy, năm đệ thất (lớp 6) là thời gian đau khổ nhất . Là một đứa trẻ đa sầu đa cảm, ngày ấy mình nhớ nhà vô cùng. Từ nhỏ tới bây giờ, có lẽ chưa có tình cảm nào mãnh liệt như thế. Nỗi nhớ nhà xâm chiếm toàn bộ tâm trí. Nó day dứt, dày vò hết ngày này sang ngày nọ, như trai gái tương tư nhau, như kẻ bị người yêu ruồng bỏ. Có nhiều đêm nằm khóc một mình. Nhớ cha mẹ, ông bà, anh chị em. Nhớ ngôi nhà thân quen. Nhớ hai thằng bạn chí thân. Nhớ đồng ruộng, xóm làng…
May thay, mình phát hiện trong lớp có một tên giống y hệt thằng em út mình. Nó giống từ khuôn mặt, cặp mắt, màu da, cho đến tính tình. Như kẻ sắp chết đuối vớ được khúc gỗ, mình lân la làm quen và chơi thân với anh ta.
Thế là cứ mỗi buổi tối, hai đứa đi chơi với nhau. Giờ ra chơi mình tìm đến với hắn, cứ như đang ở bên đứa em út. Chính hắn làm cho nỗi nhớ nhà của mình nguôi ngoai đi. Hắn là Phan-xi-cô ĐINH THÁI HIẾU, hiền, khá đẹp trai, đeo kính trắng, quê Bình Gỉa nhưng nói giọng Bắc.
Rủi thay, tình bạn đó kéo dài không lâu. Cuối năm lớp đệ lục (lớp 7), Hiếu xách vali rời xa mái ấm chủng viện, để lại trong mình muôn vàn nhớ thương… Thế rồi trái đất vẫn tròn. Năm 1992 lớp mình tổ chức họp lớp. Mình hy vọng gặp lại Hiếu. Mấy năm sau họp tại Bãi Dâu, Vũng Tàu. Hiếu có đi hai lần. Hắn đem theo thằng con trai giống bố y lột. Sau 20 năm xa cách, hai đứa gặp nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Hiếu hứa sẽ ghé nhà thăm mình, vì Hiếu có việc thỉnh thoảng xuống Hố Nai. (Có lẽ để chữa bệnh).Nhưng lời hứa đó chẳng bao giờ thành hiện thực, vì Hiếu bị ung thư máu và ra đi không bao giờ trở lại.
Hiếu ơi, mình đang cầu nguyện cho bạn đây. Hãy nghỉ yên trong vòng tay yêu thương vô bờ của Chúa. Nhớ bạn thật nhiều. Hiếu như một vì sao chổi lâu lâu lại xẹt ngang qua đời mình. Lần này đi bao giờ mới trở lại, Hiếu ơi?

BÀI HÁT ẤN TƯỢNG NHẤT
Mai Nguyên Vũ
11059567_152883661721759_6813989272800068138_n.jpg

7 năm tu học tại Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc, chúng tôi hát rất nhiều bài hát, nào là thánh ca, du ca, cho đến nhạc sinh hoạt, (đặc biệt không có tình ca), nhưng không bài nào gây ấn tượng sâu xa bằng bài Lạy Mẹ Yêu Dấu, nhạc Pháp, lời cha Giám Đốc và cha Linh Hướng.
Mỗi năm chủng viện có ba kỳ nghỉ: lễ Các Thánh, nghỉ Tết và kỳ hè. Trước kỳ nghỉ cả tháng, cha Gíam Đốc và cha Linh Hướng thay nhau chuẩn bị tinh thần cho chúng tôi ra đi. “Chúng con ra đi như lũ chiên non đi vào hang sói, sẽ gặp biết bao cạm bẫy hiểm nguy rình rập. Phải hiền như bồ câu và khôn ngoan như con rắn, kẻo sa chước cám dỗ”. Thực tình, một số chủng sinh ra đi đã gặp sói và ma quỉ. Nhiều anh ra đi không bao giờ trở lại. Nhưng sao sói với ma quỉ hiền và dễ thương quá, không dữ dằn và đáng sợ như các đấng răn đe.
Trước lúc rời chủng viện, tất cả tập trung tại nhà nguyện để tham dự một nghi thức rất đặc biệt và cảm động: dâng mình cho Đức Mẹ. Sau khi cha Linh Hướng ban huấn từ và cầu nguyện xin Mẹ bao bọc che chở chủng sinh trong suốt kỳ nghỉ, mọi người hát :
“Lạy Mẹ yêu dấu,
Nay chúng con ra đi,
Sao thấy trong tâm hồn
Ngàn nỗi vấn vương.
Phải chăng ra đi
Ai sẽ không trở lại.
Xin Mẹ nhân lành
Gìn giữ chúng con”…
Ai cũng tự hỏi không biết mình có nằm trong số những tên “ra đi sẽ không trở lại”. Không trở lại vì bị “ma quỉ” dụ dỗ hay lát nữa đây có tiếng loa của cha Giám Đốc gọi lên phòng :”Con không có ơn kêu gọi. Hãy dọn đồ ra về. Đây là hồ sơ học sinh của con”.Thế là hết những tháng ngày đẹp tươi dưới mái trường chủng viện thân yêu với lũ bạn thân như anh em một nhà…
Liếc nhìn chung quanh, tôi thấy có người sụt sùi. Có anh đôi mắt đỏ hoe. Có lẽ đây là lần dâng mình cuối cùng vì họ sẽ vĩnh viễn rời xa mái trường thân yêu. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc, xin cùng các bạn sống lại giây phút cảm động ấy.
Bây giờ không còn là rời xa mái trường chủng viện, nhưng là chuyến đi xa về cõi vĩnh hằng.
Attachments:
Last Edit: 6 years 6 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #63008

.
GIỌNG NÓI THÂN QUEN
Mai Nguyên Vũ
thumb_PhamDinhNhu.jpg

Giọng nói quen thuộc nhất với chủng sinh TCVXL là giọng cha GĐ.5g sáng, sau bản nhạc “Chào Bình Minh”, Ngài cao giọng gọi đàn con thức dậy dâng mình cho Chúa: “Tạ ơn Chúa đã gìn giữ chúng con đêm nay. Tạ ơn Chúa đã gìn giữ chúng con sạch tội. Giêsu Maria Giuse, chúng con mến yêu ba Đấng. Xin ba Đấng gìn giữ chúng con”.
Tới giờ nguyện ngắm, cha GĐ (hoặc cha LH) giúp các chú suy niệm 30 phút. Đó là món “điểm tâm” đầu ngày. Ngài có những đề tài rất lạ như suy niệm về đôi giày, chiếc ghế…Tới giờ lễ các cha thay nhau dâng lễ, nhưng thường là cha GĐ. Ngài cũng giúp CS cám ơn rước lễ 15 phút. Khi cao hứng, Ngài cùng CS cất cao giọng hát Như Một Ngọn Nến, Người Của Chúa.
Ngày ba bữa cơm, cha GĐ luôn luôn cất kinh đầu và cuối giờ cơm.
Lớp Toma Thiện được Cha GĐ đích thân dạy tiếng Latinh. Biết rằng món này khó nhá nên Ngài soạn cour lấy tên “La Ngữ Dễ Học”.Cha dạy học rất vui và dễ hiểu. Dĩ nhiên, trò nào không thuộc mẫu chia Rosa, Rosae thì hãi lắm. Ngài không đánhăng3 bắt quì hay bạt tai, chỉ béo nhẹ thôi…Cha khuyên học trò: “Các con rán học vì tiếng Latinh là mẹ đẻ ra các thứ tiếng khác. Hơn nữa, học để luyện ý chí”.Có lần Ngài sung sướng khoe với học trò: “Tòa Thánh rất hài lòng vì TCVXL vẫn dạy tiếng Latinh cho CS”.

Buổi chiều, sau giờ chơi,Cha GĐ (Hoặc Cha LH) lại cho CS sơi món soup bằng những bài Huấn Đức.Suốt 5 năm trời nghe giọng nói trầm ấm thân quen đó, tôi còn nhớ những kiểu nói đặc trưng: “Những các cái người…Các con (luôn luôn là các con) hãy nhớ sống thánh giây phút hiện tại… Giờ đá bóng, các con không được đánh bóng bằng đầu. Cái đầu để học…”.Cảm động thay, có lần Ngài nói: “Các con đi vệ sinh nhớ đừng ném giấy cứng xuống. Nó mà kẹt thì khổ lắm. Có lần Cha phải thò tay xuống moi lên đấy”.
Buổi tối, giọng nói thân quen lại cùng đàn con dâng mình cho Chúa và cùng hát vang bài ca Mẹ Ơi Con Yêu Mẹ.
Giờ đây đàn con của Cha phân tán tứ phương, người làm GM, LM, kẻ làm bố đời nhưng giọng nói của Cha với bao bài học quí giá vẫn dõi theo cuộc đời chúng con. Chúng con luôn nhớ và biết ơn Cha. Chúng con kính chúc Cha mạnh khỏe và trường thọ để mỗi năm đôi lần chúng con được đến thăm Cha và nghe lại giọng nói thân yêu đó.


Untitledpicture_2017-09-21.jpg
[/b]
THĂM CHA GĐ

Tloi ngồi gần Lương Quang Khôi biệt hiệu là Cổ Tẩu. Anh này đang tập hát cho ca đoàn nên rất chú ý tới âm nhạc. Anh ta hỏi Tloi:
_ Không biết bài Như Một Ngọn Nến của ai vậy ta?
_ Của bố Nhu nhà mình chứ còn ai vào đấy.
_ Thật à? Mình tập hát cho ca đoàn bao nhiêu năm nay, hát nhiều bài về linh mục, nhưng chưa có bài nào qua mặt được bài này.
Tloi yêu cầu anh lên phát biểu và hát.Thế là anh ta lên cướp mi-cà-rô ông ổng ca ngợi bài đó hết mình. Tloi ngó thấy mũi cha GĐ phập phồng phập phồng. Anh ta cất giọng oanh vàng. Mọi người hát theo say sưa. Có anh vừa nhai miếng thịt vịt nhồm nhoàm vừa hát ngon lành. Anh Quang nhà ta còn gí cả mi-cà-rô vào miệng tác giả. Cha GĐ say sưa hát với mọi người.
Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều tập trung vào những bài hát của cha GĐ. Buổi văn nghệ bỏ túi tự phát thành buổi liveshow trình diễn toàn bộ tác phẩm của nhạc sĩ lão thành Phạm Đình Nhu.
Từ những bài thánh ca để đời như: Cầu xin Thánh Gia, Như Một Ngọn Nến, Người của Chúa, đến những bài chỉ phổ biến trong chủng viện như: “Lạy Mẹ yêu dấu, nay chúng con ra đi…”, “Chiều hôm nay hồn con vui trong nguồn vui thánh”, “Chúa ơi con hướng lòng lên với Chúa”…Có lẽ trong lúc tuổi đời xế bóng, không còn gì làm cho ngài vui bằng giây phút này: con cái khắp nơi tụ về hát vang những bản nhạc Ngài đã dày công thai nghén. Giai điệu và lời ca gợi nhớ về một thời vàng son …
Ngoài ra, anh em còn thay nhau cất hát và hát cho nhau nghe những bản thánh ca của cha Vinh Hạnh, người nhạc sĩ tài hoa mệnh yểu đang gửi nắm xương tàn cách đây 50 bước chân. (Vâng cha Vinh Hạnh đang yên nghỉ tại nghĩa trang nhà hưu Phát Diệm).
Buổi văn nghệ đang hồi nóng hổi thì Anh hai Ngô Công Sứ xuất hiện. Anh đến chào thăm cha GĐ như người con cả tới viếng thăm cha già. Anh còn góp vui với mọi người bằng những câu chuyện thật dí dỏm.Anh Hai cũng ghi nhận công lao của Phó tràng Chung Cốt.
Chàng là người lập kế hoạch, vận động,tổ chức, điều phối mọi sinh hoạt trong gia đình CCSXL.

Hôm nay, lớp Don Bosco có quân số kỷ lục Guiness. 14 chàng trai từ khắp nơi quây quần quanh cha già khả kính. Bạch Xuân Thu và Linh từ miền Phương Lâm xa xôi. Đặc biệt có vợ chồng anh Sơn bay về từ xứ sở cao bồi Texas cũng có mặt với anh em.
Mấy hôm trước Tloi điện cho anh Quang bao nhiêu lần nhưng không ai bắt máy. Biết rằng chàng nhớ nàng nên xuống Saigon thăm nàng và các cháu. Tưởng rằng vắng anh Quang, không ngờ vợ chồng anh đã có mặt bên cha GĐ thật sớm. Anh là tay hoạt náo viên có tài của chủng sinh Xuân Lộc.
Dù mệt mỏi nhưng cha GĐ vẫn vui vẻ ngồi với đoàn con suốt 2g liền. Cuối bữa ăn, anh em ra đài Đức Mẹ chụp hình lưu niệm với Ngài. Anh Hai cũng dâng lên Cha Cố món quà nho nhỏ do anh em đóng góp để Cha chi phí cho bữa cơm và lo thuốc thang. Cuối cùng, Cha khều BS Trinh Tròn vào phòng. Sau mới biết Ngài tư vấn với Trinh về bệnh án. Bệnh viện nghi Ngài lao phổi. Nhưng BS nhà ta quả quyết rằng phổi Ngài còn tốt, không có dấu hiệu nào của vi trùng Koch. Đây là niềm vui cuối cùng của ngày hôm nay, vì nếu với tuổi đời cao như thế, cộng thêm bệnh tiểu đường, tai biến mà phải uống thuốc điều trị bệnh lao suốt 8 tháng, e rằng không sức nào chịu nổi.
Chúng con, những đứa học trò đã chịu nhiều ơn của Cha, xin hứa sẽ cầu nguyện thật nhiều cho Cha. Xin Chúa cho Cha sớm bình phục để Cha đi tiếp quãng đời còn lại trong bình an hạnh phúc.

Last Edit: 6 years 6 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #62995

.
Chân thành cám ơn cha Tân đã đọc, khích lệ và bổ túc cho bài viết chính xác hơn.
Nhân tiện cũng xin thân thưa với anh em: thời gian mình học tại Chủng viện cách nay 49 tới 43 năm (1968-1975). Hôm nay hồi tưởng và viết lại theo trí nhớ nên có nhiều sai sót.
Anh em nào phát hiện thấy xin chỉ giáo. Xin cám ơn.
Tloi
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Trần Văn Tân

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #62994


Một bài viết thật công phu dồi dào dữ kiện, kèm bao xúc cảm và tâm tình. Bài viết thuộc thể loại hồi ký và có tính tài liệu lịch sử. Sau này ai muốn tra cứu sinh hoạt hoặc diễn biến của đời sống tiểu chủng viện Xuân lộc không thể bỏ qua loại bài viết này. Với những ai thay vì dùng lời để diễn tả lại cho con cháu quãng thời gian vàng son trong trắng tốt đẹp tiểu chủng viện cũng nên chỉ cho chúng đọc loại bài viết này. Cám ơn và hoan hô tinh thần của anh nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ (VŨ ĐỨC LỢI) khi cất công và tâm huyết viết những dòng hồi ký lịch sử này.

Có vài chi tiết xin đính chính cho hoàn hảo:

1. Ngôi sao khổng lồ treo trên đỉnh dãy nhà 3 lầu ngay giữa mặt tiền chủng viện vào dịp lễ Giáng sinh là sao năm cánh chứ không phải bốn cánh. Khung ngôi sao 5 cánh (không đều cánh, cánh to cánh nhỏ, cánh dài cánh ngắn hơn) này được thiết kế dùng dài hạn hết năm này qua năm khác nên được đóng công phu chắc chắn. Nguyên liệu bằng gỗ dầu, khung gỗ được bào láng sạch sẽ.

2. Theo thông lệ lớp 10 phụ trách trang trí và treo ngôi sao, chứ không phải lớp 11. Niên khóa 1970-1971 lớp Toma phụ trách, niên khóa 71-72, lớp Mẹ Vô Nhiễm, niên khóa 72-73 lớp Tô ma Thiện, niên khóa 73-74 lớp Pio X phụ trách. Niên khóa 74-75 lớp Don Bosco là lớp cuối cùng phụ trách kéo ngôi sao lên. Khi nói niên khóa 72-73 có nghĩa là năm học chủng viện bắt đầu từ đầu tháng August năm 72 và kéo dài đến cuối tháng April của năm 73. Lớp Tô ma Thiện phụ trách ông sao này là mùa Giáng sinh 1972 trong niên khóa 72- 73.

Lớp nào phụ trách ông sao đó coi như được một đặc ân và niềm vui. Được leo lên mái nhà chủng viện chỗ cao nhất một lân. Được thả hồn tán gẫu, nghêu ngao mơ mộng ở nơi cao khác thường và trong lứa tuổi thú vị nhất của tuổi đang lớn....

Sau này nghe nói khi nhóm anh em chủng sinh tiếp tục tu sau 75 ở bên Xuân lộc đã cho khung ông sao làm củi nấu ăn cho xong quá khứ đáng nhớ một thời. Đang lúc nghèo đói, cuộc sống cơm gạo là thực tế và trên hết chẳng ai để ý đến kỷ niệm....
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #62987

.
NIỀM VUI GIÁNG SINH
Mai Nguyên Vũ



Christmas-Tree-Decoration-Idea-and-Cristmas-Tree-Presentation-Idea-its-Great.JPG


www.nhaccuatui.com/playlist/nhung-ca-khuc-giang-sinh-bat-hu-va.hbXCzrRI4j7t.html

Chẳng hiểu sao hồi bé thấy thời gian đi qua chậm quá. Từ đầu mùa Vọng tới lễ Giáng Sinh có 4 tuần lễ mà thấy nó dài như hàng thế kỷ. Bắt đầu tuần lễ thứ 3 nhà thờ mới trang hoàng đèn đóm và làm hang đá. Đèn chỉ độc một kiểu: ngôi sao năm cánh phất giấy xanh đỏ, không bắt đèn bên trong nhưng học trò tiểu học trường nhà xứ vẫn thấy nó đẹp lung linh làm sao! Hang đá cũng vậy, hết năm này qua năm nọ chỉ có một kiểu duy nhất do một người duy nhất thiết kế và thi công. Ông già lấy những cây tre lớn, chẻ ra làm sườn hang đá. Ông lấy giấy xi măng quét màu đen, khum lại thành từng “cục đá” to nhỏ khác nhau rồi gắn lên sườn tre. Hang đá to lù lù chiếm hết một góc trên gian cung thánh. Model này các cụ đem từ ngoài Bắc vào, chắc từ thời các cố Tây sang ta truyền đạo. Bộ tượng thật là “hoành tráng”, to như em bé. Thằng bé Loi thích nhất là hình Thiên Thần bằng giấy. Ông (hay bà) nào ông nấy mặt mày mũm mĩm, tóc xoăn tít, không có thân mình hay tay chân, chỉ có đôi cánh cũn cỡn như chim cánh cụt. Các vị đậu cheo leo trên vách đá.
Thằng bé liền về nhà làm hang đá theo kiểu ông già. Nhưng hang đá của nó nhỏ hơn nhiều, chỉ to độ bằng cái thúng. Thế mà phải mất mấy ngày mới xong. Đi học về, nó quẳng cặp lên giường, lao vào làm thật say sưa. Hang đá tạm xong. Nó xin mẹ tiền để mua bộ tượng Sinh Nhật. Mỗi vị chỉ nhỉnh hơn ngón tay một tẹo,đường nét không sắc sảo lắm nhưng như vậy là mãn nguyện lắm rồi.
Về phần ánh sáng, nó nhờ ông anh xin cho mấy cục pin nhà binh. Làm gì có pin cối như bây giờ. Gọi là pile vì gồm nhiều miếng bằng bột than xếp lớp lên nhau, có thể bẻ ra thành mấy cục. Lấy dây kẽm làm dây điện. Bóng đèn 1,5 hay 2 -3 volt tháo từ đèn xe đạp. Thằng bé có kiểu thử pin rất đơn giản và hiệu quả: thè lưỡi ra nếm đầu dây điện. Nếu thấy tê tê là OK.
Vào chủng viện, mỗi độ GS về không còn niềm vui làm hang đá như hồi ở nhà. Thời khóa biểu liền khít nhau từng giây từng phút, giờ đâu mà làm hang đá. Cũng chẳng có vật liệu mà làm. Nhưng có những niềm vui khác bù vào.

nativity_set.jpg

Ai đã từng ăn cơm nhà Đức Chúa Giời trong TCV Phaolô đều thuộc nằm lòng những khẩu hiệu làm kim chỉ nam cho đời tu trì. Mùa nào thức nấy. Mùa Giáng Sinh thì có NIỀM VUI GIÁNG SINH. Mùa Chay, Phục Sinh thì có CÂY NẾN PHỤC SINH. Quanh năm tứ thời bát tiết ai lại không nhớ câu tâm niệm SỐNG THÁNH GIÂY PHÚT HIỆN TẠI. Chú nào chú nấy viết vào miếng giấy, kẹp vào sách vở cho dễ nhớ. Chú khác chu đáo hơn trình bày thật bắt mắt vào miếng giấy bìa, dựng ngay trước mặt cho khỏi quên.
Ý nghĩa của Niềm Vui GS là làm thật nhiều việc lành phúc đức để làm quà dâng Chúa Hài Đồng. Cụ thể là làm những việc đạo đức thật sốt sắng, chu toàn việc bổn phận cho chu đáo, gia tăng hy sinh và bác ái. Đấy là những món quà nho nhỏ dâng lên Chúa. Đấy cũng là niềm vui trong đêm Chúa giáng trần.
Ngoài cái “chiến dịch” đạo đức dễ thương ấy, trong mùa Vọng và Giáng Sinh,chủng sinh còn có nhiều niềm vui khác.
Miền Đông Nam Bộ quanh năm nóng bức, tới mùa Gíang Sinh hơi lạnh tràn về. Đôi khi thức dậy thấy sương phủ trắng xóa. Vài người khoác áo lạnh. Sáng hôm sau lạnh hơn, nhìn ra trường Nông Lâm Súc không còn thấy màu nâu quen thuộc. Các cô cậu học trò khoác lên mình áo len áo ấm đủ màu.
Nhạc Giáng Sinh bắt đầu ngự trị trong các quán cà phê, trong mọi xóm ngõ. Nhà nào có dàn Akai thì mở hết công suất cho xóm giềng nghe ké.
Trong chủng viện, các chú không được nghe loại nhạc “ba rọi” nửa nạc nửa mỡ, nửa đạo nửa đời ấy. Những bài như Bài Thánh Ca Buồn, Hai Mùa Noel,Dư Âm Mùa GS.. .Chúng nó chỉ lợi dụng hơi hám của Chúa để yêu nhau sướt mướt, yêu nhau say đắm, yêu nhau quằn quại. Vì vậy chủng sinh mà nghe loại nhạc này thì “chết tươi ăn năn tội chẳng kịp”.
Các đấng các bậc trong Hội Thánh chỉ cho các chú nghe thánh ca thuần túy, hay nhạc GS ngoại quốc. Bước vào Mùa Vọng không thể nào không hát bài Trời Cao của Duy Tân. Nhưng tôi thích nhất là bài “Ngày Ấy núi cao sẽ nhỏ xuống những êm dịu cùng thơm lành…” Phần đầu âm giai rê thứ, tiết điệu chậm rãi, tự do, thênh thang. Phần sau chuyển sang Fa trưởng, tiết điệu tươi vui rộn ràng, diễn tả niềm vui ngày Chúa đến…Chiều về, mọi người vào nhà nguyện hát kinh tối với giai điệu Bình Ca khó quên: “Vua muôn dân sắp đến gian trần, ta mau đến tôn vinh Người…”
Hết mùa Vọng, sang mùa Giáng Sinh, tiếng đàn Harmonium réo rắt với bài thánh ca Latinh bất hủ Adeste Fideles. Về thánh ca, không thể bỏ qua những bài tiêu biểu như Đêm Đông, Mùa Đông Năm Âý, Kìa Trông, Đêm Thánh Vô Cùng, Cao Cung Lên… Đêm GS cả chủng viện đi rước kiệu Chúa Hài Đồng.Chủng sinh áo trắng trong quần tây, chân giầy tây xếp thành hai hàng đi rước kiệu,miệng hát thánh ca du dương. Cảnh tượng chẳng khác gì trên cõi Thiên Đàng. Ngày ấy nếu ai quay được cảnh đó, bây giờ bán DVD bao nhiêu tiền tôi cũng mua...
Gần tới lễ, mỗi lớp cũng có công tác. Lớp nhỏ lo dọn dẹp nhà cửa, quét dọn đường đi, sân vườn. Lớp choai choai làm đèn sao. Lớp 10 làm ngôi sao lớn treo trước mặt tiền chủng viện.
Lớp 11 làm kiệu Chúa Hài Đồng.Lớp 12 lo học thi Tú tài nên đuợc miễn.
Ngôi sao chủng viện đạt kỷ lục vùng Long Khánh. Sao 5 cánh.Bề ngang khoảng 5m. Chiều dài chừng 8m. Khung bằng gỗ. Bên ngoài phất giấy xanh đỏ. Ở giữa bắt một bóng đèn bự. Nhiều bóng quả nhót chạy dọc ngôi sao. Công việc dưới đất hoàn tất, anh em lo rước ông lên trời. Đây là việc khó khăn và nguy hiểm. Cả lớp phải phân công và thi công thật nghiêm chỉnh, đồng bộ. Mấy chục anh to khỏe leo lên mái nhà, thả 6 sợi dây to xuống. Toán dưới đất cột dây vào đầu 3 cánh trên. Trưởng lớp phát lệnh là bắt đầu kéo lên. Phải kéo cho đều và cân theo lệnh trưởng lớp. Khi ông nằm đúng vị trí thì lo cột cho chặt. Ông mà ngự xuống thì vãi tội. Chắc tới 1,5 tạ chứ bé gì!
GS năm 1972 tôi được leo lên nóc nhà chủng viện để thi hành công tác khó khăn ấy. Công việc xong xuôi, tôi thả tầm mắt quan sát cảnh vật quanh chủng viện.

Viet-MainhaCV.JPEG.jpg

Mặt tiền CV hướng thẳng phía đông.Xa xa là núi Chứa Chan dáng khum khum như mâm sôi, cao thứ nhì miền Đông Nam Bộ. Gần hơn là đài radar, phi trường Long Khánh,khu quân sự. Gần nữa là cư xá Thánh Mẫu. Nhà Tư Ếch ở đây thì phải? Nhà trẻ Belem (dòng Nagiarét) cũng ở đây. Sau 1975 toàn bộ khu nhà dòng bị trưng thu. ĐC Lãng cho các dì ở nhờ tại garage trước cổng CV. Bây giờ các dì đang ở phía sau CV, bên cạnh nhà ông Tư Vân.Ngay trước mặt CV là tiệm chụp hình Phụng, nơi nhiều anh em chủng sinh từng ra làm người mẫu để bây giờ “còn một chút gì để nhớ để thương”. Ngay đối diện cổng TGM là trạm gác của lính. Năm 197? bị kẻ xấu thục cho một quả, trạm gác tanh bành.
Xích về hướng đông nam là trường Nông Lâm Súc. Sân trường có cây phượng già,mỗi dịp hè về lại nở hoa đỏ rực làm xao xuyến bao chàng chủng sinh.Ngay góc phải tường CV là nhà ông lang Dương Văn Dân.
Phía nam CV, qua khỏi sân bóng rổ là xóm nhà dân hay đi lễ TGM, sau này thành giáo xứ Thánh Mẫu, bây giờ là xứ Xuân Khánh, anh Ba Hoàng Mạnh Hiểu làm xếp ở đây.
Phía tây, xa xa là rừng cao su. Giữa rừng cao su là xứ Núi Đỏ, quê hương của một số anh em CCSXL. Lùi về là đường vành đai chạy từ Cua Heo tới ngã ba Tân Phong. Gần nữa là vườn mì CV, dãy nhà người làm bếp CV, nhà ông Tư Vân. Ngay trước mắt là vòng cung nối liền 4 căn nhà: nhà nguyện, nhà vệ sinh, nhà cơm, nhà bếp. Ở giữa là công viên hình bán nguyệt với tượng Đức Mẹ ngự giữa hồ nước.
Phía bắc là TGM với 3 dãy nhà ôm lấy tượng đài thánh Giuse. Khu vườn TGM với 4 bụi tre vàng, vây quanh phần mộ ĐC Lê Văn Ấn, GM tiên khởi gp Xuân Lộc. Xa xa phía bắc là sân vận động, khu trung tâm thị trấn với các cơ quan, trường học, chợ LK, nhà thờ Chính Tòa, nơi Anh Hai Chánh Tràng hiện đang trụ trì…Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi được đứng trên mái nhà CV, nơi tôi tu học ròng rã 10 năm trời.Mái trường thân yêu giờ chỉ còn trong kỷ niệm.



Last Edit: 6 years 6 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 6 months ago #62961

.
NHỚ CHA LINH HƯỚNG
Mai Nguyên Vũ


bnmeNht.jpg
Ngày 1/ 8 / 1968 chúng mình xách vali vào chủng viện Phước lâm. Lần đầu tiên xa nhà, mình nhớ nhà kinh khủng. Cứ đi ngủ là khóc, có đêm khóc ướt cả gối (mới 12 tuổi mà !). Có điều kỳ lạ là không bao giờ mình xin về, vì chủng viện có nhiều điều hấp dẫn mình lắm, nhất là vì một người. Mình sẽ bật mí cho bạn biết đó là ai.
Hai cha ảnh hưởng đến tụi mình nhiều nhất là cha Giám đốc Phạm Đình Nhu và cha Linh hướng Nguyễn Minh Nhật. Cha Giám Đốc như một người cha trong gia đình, tận tuỵ lo lắng quán xuyến mọi việc, từ miếng ăn, giấc ngủ, cho đến việc học hành, giáo dục, nói chung là đối nội lẫn đối ngoại. Vì lo toan nhiều công việc, nên ngài có dáng vẻ nghiêm trang của một người cha trong nhà. Còn cha Linh Hướng thì y hệt một người mẹ. Dáng người dong dỏng, cử chỉ hiền từ, ánh mắt dịu dàng. Đặc biệt nhất là cái miệng_ không được đẹp lắm_ nhưng lúc nào cũng đầy vẻ quyến rũ và luôn đem lại niềm vui cho mọi người bằng nụ cười không tắt và những câu chuyện lý thú bất tận. Chẳng trách sau này làm Giám mục, Ngài chọn khẩu hiệu “ Phục vụ Chúa trong hân hoan.” Thành ngữ “ Mau mồm mau miệng” thật đúng với Ngài. Học trò gặp thầy, chưa kịp chào, Ngài đã mau mắn hỏi thăm lia lịa : “Sao ông Loi, dạo này khoẻ không? Bài thi làm khá chứ? Tết này có về ăn tết với cha cố Hoà không?” Một buổi chiều, mình đang chạy chơi ngoài sân, Ngài ra chặn lại “ Ơ chú này, suốt ngày hôm nay cha tìm chú để mừng bổn mạng, bây giờ mới gặp”. Ngài siết chặt tay mình, chúc mừng nồng nhiệt.(Cả lớp có một mình mình mang tên thánh Phanxicô mà ngài cũng nhớ). Chủng viện có mấy trăm chủng sinh, Ngài nhớ từng đứa, từ tên thánh, tên họ, tên gọi, nhớ cả tên riêng, sở thích, sở đoản, cha bảo trợ, cha xứ …Mình rất thích thú nghe cha Linh Hướng gọi bọn mình bằng những biệt danh ngộ nghĩnh, dễ thương như Cà-ri-nị (cha Nguyễn Duy), Sư công Ngố ( cha Ngô công Sứ ), Cụ Lý ( cha Triết),Vinh Lùn (cha Vinh),Anh Vọi (cha Thảo) , Hòa Điếc, Sơn Chuông (cha Sơn), Bà già (cha Huấn), Hiệp láu (cha Hiệp), Hiệp Tàu, Thánh Loi, Quang Đen, Cư Tròn, Minh Ngố, Bình Se Điếu, Đức Phổng, Học Mập, Linh Mập, Thông Hợi, Thông Cà Tò, Tuyết Hầy, Bộ Hầy (cha Bộ), Chung Cốt,Trinh Tròn…Ấn tượng nhất là những buổi đi dạo sau giờ cơm tối. Mấy chục học trò bu lấy Ngài. Tốp đi sau, hai tốp kè hai bên, còn tốp phía trước đi giật lùi để được nghe và nói chuyện với Ngài hoặc đơn giản chỉ là nhìn thấy Ngài (vì những đứa ở xa đâu có nghe thấy gì). Đứa nắm tay, đứa bá vai, có đứa thò tay vào mò mẫm trong túi áo túi quần Ngài, thân tình như người bạn, như cha con, như ông cháu. Nếu phải dùng một từ để tả tài giáo dục của Ngài, chắc chắn mình chọn chữ “HẢO”. Bây giờ tụi mình là cha trong gia đình, có ai năng gặp gỡ, tâm sự thân mật với con cái như cha Linh Hướng không nhỉ?

Về tài giảng thuyết của cha Linh Hướng, chỉ có thể đánh giá bằng một chữ “TUYỆT”. Giảng cho nhóm nhỏ như tụi mình, Ngài nói rất nhẹ nhàng như nói chuyện, như tâm tình. Ngài hay kể chuyện bên Tây, chuyện ngoài Bắc, chuyện đời xưa, chuyện đời nay , kể cả chuyện tiếu lâm, tất cả đều xoáy sâu vào đề tài, rõ ràng và đầy thuyết phục. Mỗi năm, cha Giám Đốc mời một cha đến giảng cấm phòng cho bọn mình, nhưng không có vị nào giảng hay như cha Linh Hướng. “Cây nhà lá vườn” thế mà ngon. Sau này làm Giám mục, Ngài phát huy năng khiếu. Phải dùng từ “hùng biện” mới diễn tả hết. Giọng sang sảng, không cần giấy tờ gì cả, cứ thao thao bất tuyệt hàng giờ, nghe không chán tai. Tài năng là do Chúa ban, một phần do luyện tập, nhưng sâu xa hơn cả là do lòng đạo đức. Có đầy trong lòng mới tràn ra ngoài.

cNht.jpg
Sau lễ an táng, mình có hỏi cảm tưởng một số cha, tất cả đều đồng ý: Ngài rất thánh thiện. Những ai đã từng tiếp xúc, dâng lễ với Ngài, hoặc thấy Ngài quỳ chầu Thánh Thể sẽ cảm nhận phần nào tâm hồn đạo đức đó. Chính Đức Cha Đaminh Nguyễn văn Lãng đã từng ví: “ĐỨC CHA PHAOLÔ MARIA là cột thu lôi của giáo phận Xuân Lộc.” Lòng đạo đức của Ngài không phải là chiếc bình quý trưng trong tủ kính, hay như lòng đạo đức của các thầy khổ tu trong dòng kín, nhưng là lòng nhiệt thành sả thân hết mình cho Giáo Hội. Nếu không có lòng đạo đức nhiệt thành đó , Ngài sẽ đi nghỉ hè tại Đà-lạt, Nha trang, hay Canada, sau một năm vất vả trong chủng viện, dại gì lại khăn gói về tu hội Tông Đồ Nhỏ, lo tổ chức hết cuộc hội thảo này đến tuần tĩnh tâm kia, lo cái ăn chỗ ở cho hàng trăm linh mục và chủng sinh. Nếu không có lòng đạo đức nhiệt thành, sau ngày 30/4/1975, Ngài sẽ xin nghỉ hưu hoặc coi một xứ đạo nho nhỏ cho đỡ cực thân, nhưng lại về tu hội Tông Đồ Nhỏ, tiếp tục đào tạo lớp linh mục tương lai trong tình hình khó khăn tư bề. Nếu không có lòng đạo đức nhiệt thành, Ngài sẽ chẳng nhận chức Giám mục giữa giai đoạn khó khăn nhất của Giáo Hội VN.


Một hôm, ĐC Lãng nói với lớp Triết Xuân Lộc chúng tôi: “Các thày cầu nguyện cho tôi vì tôi sắp có một quyết định quan trọng”. Vài tuần sau chúng tôi được lệnh chuẩn bị cho lễ tấn phong GM Phó. Đây là “lễ chui” vì không được phép của chính quyền. Thánh lễ diễn ra trên nhà nguyện TGM. Không quan khách, không thân nhân, không giáo dân. GM chủ phong là ĐC Đaminh Nguyễn Văn Lãng. Chỉ có hai cha (cha Trinh, cha Tú) ngoài nhà thờ Chính Tòa vào tham dự cùng với các cha trong TGM. 50 thày trong TGM hát lễ.
Không có ai chúc mừng, không một bông hoa, không một tấm ảnh chụp, không tiệc mừng. Lễ xong Ngài xuống ăn bữa cơm đạm bạc với một tổ chúng tôi rồi đi xe ôm về Gia Kiệm…
“ĐỨC GM PHAOLÔ MARIA NGUYỄN MINH NHẬT vừa từ trần. Một nhân vật lớn của GH Công Giáo VN không còn nữa.” Báo Công Giáo và Dân Tộc đưa tin như vậy. Còn Đức Hồng y bộ trưởng thánh bộ Truyền Giáo gửi điện phân ưu: “Ngài đã xuất sắc thi hành chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN…” Vì vậy, ta có thể bạo dạn đánh giá tài lãnh đạo của Ngài bằng một chữ “SIÊU.”


14900460_10211065873501942_7079538317474345026_n.jpg

Trông coi một giáo phận đông dân nhất nước, cộng thêm trọng trách Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục VN suốt hai nhiệm kỳ và cố vấn thánh bộ Truyền giáo, đặc biệt là muôn vàn khó khăn (lại khó khăn) của thời thế, tất cả những gánh nặng đó cùng đè lên đôi vai gìa yếu. Năm 1995 Ngài bị gục ngã (tai biến) lần thứ nhất. Sau nhiều ngày chiến đấu với bệnh tật, Ngài gượng dậy tiếp tục vác Thánh Giá Chúa trao. Cùng thời gian đó, cặp chân chạy rảo khắp giáo phận bị chứng giãn tĩnh mạch, đi lại rất đau đớn…Ngày 11-11-2004 Ngài mới được Toà thánh cho phép nghỉ hưu. Tưởng rằng sẽ được nghỉ ngơi, nào ngờ, đêm 24/11/2004, Ngài bị tai biến lần thứ hai và nằm liệt suốt hai năm, hai tháng, 24 ngày.12g30 ngày 17/1/2007, Chúa gọi Ngài về, để lại tiếc thương cho hàng triệu người thuộc hai giáo phận Xuân Lộc và Bà-rịa sau 81 năm cuộc đời, 55 năm linh mục và 32 năm giám mục. Ngài như con tằm suốt một đời nhả tơ, chắt lọc những sợi tơ óng mượt nhất để dệt nên tấm áo lụa xinh đẹp cho giáo phận. Còn Ngài, sau khi nhả hết tơ, âm thầm vùi thân trong lòng đất lạnh…Tất cả ý nguyện của Ngài dành cho giáo phận đều thành hiện thực: phân chia giáo phận, được phép lập đại chủng viện, xin được Giám mục kế vị. Chỉ một ý nguyện cho riêng Ngài là không: về nghỉ ngơi tại Tông Đồ Nhỏ.
Nhớ ơn Ngài , Giáo phận đã tổ chức lễ tang hết sức long trọng. Trong suốt 6 ngày đại tang, toàn thể giáo phận chìm ngập trong màu tím đau thương. Thánh lễ an táng gồm 14 Giám mục, hơn 640 linh mục, hàng ngàn tu sĩ, chủng sinh, và hàng chục ngàn giáo dân từ khắp nơi đổ về. Cảm động nhất là lời vĩnh biệt của Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh trước linh cữu Đức cha cố. Đức cha Đaminh nghẹn ngào rơi lệ thật lâu, khó khăn lắm mới nói được lời cuối cùng với người Cha thân yêu.

Nếu phải dùng một từ để cô đọng cuộc đời ĐC PHAOLÔ MARIA, mình không ngần ngại chọn chữ “ THÁNH”…
Trọng kính Đức Cha, chúng con là học trò từng được Đức Cha dày công uốn nắn, chúng con nguyện sống xứng đáng như lòng Đức Cha mong đợi.Từ trời cao, xin Đức Cha cầu nguyện cho chúng con…



Attachments:
Last Edit: 6 years 6 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 7 months ago #62945

.
ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC TCV XUÂN LỘC
Mai Nguyên Vũ

clip_image001_2017-08-24.jpg

Hồi nhỏ mình học trường tiểu học Minh Đức, ngôi trường nhà xứ, nằm sau nhà thờ Phúc Nhạc. Nguyên tắc giáo dục thời đó là: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Vì vậy, các cha, nhất là các thầy giáo cứ việc đánh học trò thoải mái. Mình còn nhớ, đầu năm học lớp sáu (lớp một bây giờ), thầy bắt mỗi đội phải nộp 10 chiếc roi mây. Tổng cộng cả lớp dâng cho thầy một bó 80 chiếc roi mây, để thầy dùng cả năm. Nếu hết thì lại nộp đợt hai. Bất cứ tội gì, thầy cũng vung roi mây, vụt túi bụi lên đầu, lên mặt, lên lưng học trò. Hôm nào nhân đạo lắm thì nọc xuống đánh vào mông. Có thầy chơi độc, bắt tụt quần đùi, trật mông ra. Sáng sớm trời lạnh cóng, điểm tâm bằng chục con lươn thì no cả ngày. Và tai họa đã đến: một thầy vung roi quật vào đầu trò kia, chẳng may đầu roi phét trúng mắt cháu ruột thầy. Cháu thầy bị chột một mắt. Bố anh ta cũng là thầy giáo, hay đánh học trò như thế. Ác giả ác báo!

Thầy giáo lớp năm (lớp hai bây giờ) có cách phạt độc đáo: bắt học trò đút năm ngón tay vào cạnh ngăn kéo bàn. Thầy xô mạnh ngăn kéo vào. Năm ngón tay đau buốt, sưng tấy lên, không cầm được bút.

Chiều thứ năm, thiếu nhi cả xứ chầu Thánh Thể. Mỗi trò một cuốn sách hát. Tên ngồi cạnh mình đánh rơi sách xuống đất. Thầy giáo lớp một đi tới. Thầy giơ thẳng tay tát mình một cú như trời giáng. Đom đóm bay khắp cả nhà thờ. Lúc ấy mình mới 6 tuổi. Từ đó tới nay, chưa được thưởng thức cú tát nào mạnh như thế.
Ông thầy này còn có cách trị an rất hiệu quả. Thầy bắt trưởng lớp và đội trưởng làm công an khu vực, cầm thước gỗ, chui xuống gầm bàn, tha hồ ghè vào chân vào tay trò nào nghí ngoáy. Bọn này lộng hành ghê lắm. Chúng muốn đánh đứa nào thì đánh. Cả lớp biến thành 80 pho tượng đá.

13709820_1103744249769263_7861413450045097702_n_2017-08-24.jpg

Năm 1968, mình thi đậu vào TCV Xuân Lộc. Cuộc đời lật sang trang mới, môi trường mới, giáo dục mới. Suốt 7 năm TCV, mình không hề bị roi đòn nào, cũng chẳng ai chửi mình một tiếng. Đơn giản vì ở chủng viện, không ai dùng roi, không có giám thị. 700 học sinh, tất cả đang độ tuổi quậy phá, thế mà kỷ luật nghiêm minh, đến nỗi có người xin gửi cả con gái vào học cơ đấy. Đây là phương pháp giáo dục tân tiến, mới lạ, hấp dẫn mình vô cùng. Xin cùng anh em nhìn lại nền giáo dục đó.

1- GIÁO DỤC TỰ GIÁC
Dùng lời hay, lẽ phải thuyết phục, khuyến khích học sinh sống tốt. Không bắt buộc phải làm thế này, không cấm đoán làm cái kia. Không dùng hình phạt, không mắng chửi học trò. Tuyệt đối không dùng roi vọt.

Giờ chơi buộc chiều hôm đó, mình phụ trách quét nhà nguyện. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, mình leo lên gác đàn ăn vụng một món thèm thuồng bấy lâu nay. Nhẹ nhàng mở chiếc đàn harmonium. Nhẹ nhàng đạp hai chân. Nhẹ nhàng ấn từng phím đàn sang trọng. Đang bay bổng chín tầng mây thì có một người cũng nhẹ nhàng đi tới sau lưng. Hai ngón tay nhẹ nhàng nhéo vào tai mình. Một giọng nói nhẹ nhàng quen thuộc vang lên:

_ Có được phép đánh đàn không?

_ Thưa cha không ạ. Con xin lỗi cha.

_ Ừ thôi, con xuống dưới đá banh đi.

2-GIÁO DỤC NHÂN BẢN
Cha Giám Đốc dạy chúng ta từng lời ăn tiếng nói, phép lịch sự, phép cư xử ở đời. “Thưa cha con xin phép…” Đó là công thức phải theo mỗi khi xin điều gì. Nếu nói sai thì có đứng đến sang mai cũng đừng hòng được phép.
“Thưa cha, cha X dạy con đến trình cha…” Bình mập kể : hôm ấy anh ta tới bẩm cha GĐ chuyện gì theo yêu cầu của cha giáo khác:
-Thưa cha, cha Y nói con đến bảo cha…
- Sai rồi, nói lại.
Hoảng quá, Bình Mập cuống lên bẩm rằng:
- Thưa cha cha Y bảo con đến dạy cha…”
Mình còn nhớ Ngài chỉ dẫn cặn kẽ cách xếp chỗ trên xe hơi: ghế số 3 bên cạnh tài xế. Ghế số 2 ngay sau tài xế. Ghế số 1 cạnh ghế số 2.

Như một người cha, Ngài chỉ dạy đàn con nhỏ cách đi vệ sinh sao cho an toàn, kẻo như chiến đấu cơ F5 lao xuống dội bom rất thường bị phòng không địch bắn lên xối xả. Phương pháp rất đơn giản: lót một lớp giấy mềm xuống hố trước khi nhấn nút dội bom. Phi công nào tuân thủ sẽ bay về căn cứ an toàn.

3-GIÁO DỤC KIỂU GIA ĐÌNH
Sau 37 năm rời xa mái ấm TCV, mình nhìn thấy rất rõ hình ảnh người mẹ trong con người cha Linh Hướng. Còn cha Giám Đốc là người cha. Nhưng chính trong người cha đôi khi phải nghiêm khắc đó, có nhiều nét rất tình cảm, rất gần gũi. Nhiều lần gặp cha GĐ, Ngài vẫn kể: “Giờ chơi buộc hôm đó, cha thấy có chú đứng một mình, mặt méo xệch. Cha hỏi:

_ Con làm sao thế?

_ Thưa cha con đau bụng.

Cha liền dắt nó lên phòng bệnh, xin cho nó mấy viên thuốc. Uống xong, nó nằm một lúc rồi chạy đi chơi.

Giờ đi dạo buổi tối, cha thấy một anh đứng dựa cột một mình, nét mặt ủ rũ. Cha hỏi:

_ Con ốm hay có chuyện gì buồn?

_ Thưa cha, mẹ con mới mất.

Cha ôm nó vào lòng, yên ủi nó suốt buổi tối hôm đó.

Bản tính mình rất nhút nhát. Hồi học tiểu học và những năm đầu TCV, giờ ra chơi, mình thường đứng dựa cột một mình. Có khi cả ngày chẳng nhếch mép lần nào. Một buổi tối, cha GĐ kéo mình đi dạo. Lần đầu tiên đi dạo với cha GĐ, run lắm. Nhưng sao thấy Ngài hiền quá. Ngài hỏi thăm gia đình, việc ăn ở, học hành. Sao Ngài lại quan tâm tới một chú lớp 6 vô danh tiểu tốt như thế.

15 phút gặp Ngài tại buổi họp mặt vừa qua, Ngài nói:

_ Hồi đó cha đặc biệt chú ý đến con, vì con lì xì, ít nói, chẳng chịu chơi với ai. Cha tưởng con bị bệnh hoặc tâm lý bất bình thường. Sau thời gian dài theo dõi, cha thấy con bình thường, chỉ cái tội nhát cáy”.

4-GIÁO DỤC TOÀN DIỆN

a-ĐỨC
Đây là trọng tâm của nền giáo dục TCV XL, vì Giáo hội có thể chấp nhận một linh mục học dốt, nhưng không chấp nhận một linh mục thiếu đạo đức. Vì vậy, từ lúc thức dậy cho tới khi đi ngủ, ngày sống của chủng sinh chan hòa trong kinh nguyện và bầu khí đạo đức. Cha LH, Cha GĐ liên tục thay nhau truyền đạt tư tưởng đạo đức cho chủng sinh. Hiện nay, mình còn giữ trọn vẹn hai cuốn huấn đức của các Ngài.

Không một chủng sinh nào không thuộc nằm lòng những khẩu hiệu như:

“Linh mục là alter Christus”,hoặc lời thánh Phaolo: “Mihi vivere Christus est”(Đời sống tôi là Chúa Ki tô”.Ngày ấy còn nhỏ, chúng ta chưa hiểu thấu đáo tư tưởng đó, giờ đây ở tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, mình thấy đó là câu gói gọn toàn bộ tư tưởng đạo đức và phụng vụ Ki tô giáo: hãy sống như Chúa Ki tô.

b-TRÍ
Sau biến cố 1975, ĐC Nguyễn văn Lãng gọi chúng mình về học triết. Lớp Toma (hai Sứ, Hùng 36, Xinh chồ, Cư ria) học chung với lớp Toma Thiện ( Huấn, Hiệp láu, Hiệp tàu, Hiểu, Cư tròn, Trung, Nam phèo, Đài, Nhàn, thánh Loi), cùng mấy chục thầy từ các CV, dòng tu khác chuyển tới. 10 tên lớp Toma Thiện chưa thi lớp 12. ĐC cho cả lớp ra ngoài học bổ túc với học sinh bên ngoài để cập nhật về chính trị, môn văn và Anh văn. Suốt ba tháng, 10 thầy CV chiếm bảng điểm từ 1- 10. Hs bên ngoài nối đuôi từ hạng 11 trở xuống. Có em gái rất nể thầy Mai Xuân Trung, bám theo thầy riết.

Suốt nhiều năm liền, lớp 12 TCV luôn đậu tốt nghiệp 100% và đậu cao. Ngay cả những năm sau 1975, ra ngoài học, anh em lớp dưới thi tốt nghiệp vẫn đạt 100%.

Thời TCV, cha GĐ mời một số giáo sư từ bên ngoài vào dạy: thầy Quân, thầy Chính, Thầy Ngà…Các thầy đều hài lòng với HS TCV XL, hơn hẳn học sinh ngoài đời.

Mình nêu lên ba thành tích đó để anh em chúng ta có quyền tự hào rằng mình được hưởng một nền giáo dục ưu việt nhất nhì thời đó.

c-THỂ DỤC
Bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông là những môn chúng ta chơi hằng ngày. Vài ba tháng, CV lại tổ chức cắm trại, chơi trò chơi lớn theo mô hình Hướng đạo sinh. Chuyên gia tổ chức những trò chơi đó là cha giáo Lâm Văn Thế. Tất cả anh em đều bị Ngài “hành hạ”, rất mệt nhưng vui vô cùng.

15977644_1570768536273828_4284568238639313476_n.jpg

Sau khi dâng hương và đọc kinh trước mộ các ĐC, anh em rủ nhau về phía sau đại chủng viện Xuân Lộc thăm lại di tích TCV, đứng chụp hình và hát bài “Mẹ ơi con yêu Mẹ…” Ôi chao, mình mới hát được câu đầu, tự dưng nước mắt trào ra không sao hát được. Lịch sử 44 năm hiện về. Mình thấy toàn bộ khung cảnh CV Phước lâm. Buổi tối trước khi đi ngủ, anh em quây quần trước ban công CV, đọc kinh dâng mình, hát “Mẹ ơi con yêu Mẹ” và lãnh phép lành của cha LH. Cha LH đã thành người thiên cổ, nhưng anh em vẫn còn đây. Người từ Saigon, kẻ từ Vũng tàu, một số từ châu Mỹ xa xôi tựu trường về đây, mong sống lại những giờ phút linh thiêng trong CV, muốn hâm nóng lại tình anh em một nhà vì thời gian xa cách đã mai một đi ít nhiều…Ôi mái ấm chủng viện thân yêu của tôi, nơi sản sinh ra biết bao nhân tài cho GH và cho đất nước: 2 GM, hơn 40 linh mục, giáo sư, tiến sĩ, doanh nhân thành đạt, luật sư, bác sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, ca sĩ…và biết bao vị tông đồ giáo dân đang hăng say rao giảng Tin Mừng trên khắp thế giới.


Buổi họp mặt đầu tiên năm nay chúng ta tổ chức rất thành công với 88 anh chị em tham dự. Điều quí nhất là cha GĐ dù tuổi cao sức yếu đã tham gia với học trò từ A-Z: đi xe chung từ Sài gòn, ghé Hố Nai thăm bố anh ba Việt,viếng mộ các ĐC, thăm di tích lịch sử TCV, đồng tế với các LM học trò, ăn đứng với mọi người.Trước bữa ăn, Ngài tuyên bố trao lại phương pháp giáo dục của Ngài cho anh hai ĐC Vũ Đình Hiệu, cũng là trao lại cho mỗi người chúng ta, vì phương pháp giáo dục đó rất thích hợp để giáo dục con cái. Xin Chúa ban thêm sức mạnh để Cha tiếp tục đồng hành với chúng con nhiều năm nữa và cùng chúng con xây dựng lại GIA ĐÌNH TIỂU CHỦNG VIỆN PHAO LÔ đầy tràn yêu thương, hạnh phúc.


[/c[/c
olor]olor]
Last Edit: 6 years 7 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012