Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: MỘT THỜI ĐI TU

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62936

.

CỔ VẬT TCV XUÂN LỘC
Mai Nguyên Vũ

Qua mấy năm hình thành Diễn Đàn TCVPHAOLO, đề tài ăn khách nhất của chúng ta là gì? Chẳng phải là chuyện đạo đức, văn thơ, ca nhạc hay chuyện vui cười. Điều làm anh em thích thú nhất là những cái cổ lỗ sĩ.
videoplayback.jpg

1- ẢNH CŨ

Lâu lâu lại có người post lên một vài tấm hình trắng đen cũ rích, lem luốc, rách rưới, chụp cách nay gần nửa thế kỷ, ghi lại ngôi nhà chủng viện và những khuôn mặt non choẹt của mình và anh em. Anh em lại bu vào nhận mặt chỉ tên từng người. Ai cũng thích xem những tấm hình ấy vì nó gói gọn một khoảng không gian và thời gian đẹp nhất đời người đã vụt mất, ví như những mẩu sinh vật cổ đại lưu giữ trong miếng hổ phách được các nhà khoa học quí hơn vàng bạc châu báu.

Hai lớp đàn anh khoái chí “up” cho nhau xem hình mấy chú bé ngố ơi là ngố, chụp thuở còn học TCV Phú Nhuận hay Vũng Tàu. Bốn lớp lớn có nhiều kỷ niệm ở Phước Lâm nên rất quí hình chụp từng lớp với ĐC Lê Văn Ấn, dịp lần đầu ngài về thăm chủng viện. Thời ấy máy ảnh đắt lắm nên chẳng mấy khi được chụp hình. Vì vậy những bức hình thời kỳ đó rất hiếm. Ở đời cái gì càng hiếm càng quí.
Năm 1970, chủng viện dời về Xuân Lộc. Năm nào các cha cũng chụp hình lưu niệm cho từng lớp. Một số cha và chủng sinh có máy ảnh riêng, nên bây giờ anh em mới được xem nhiều bức mô tả quang cảnh chủng viện và sinh hoạt của chủng sinh. Một số anh em còn lưu giữ hình cũ đã rộng rãi chia sẻ cho anh em xem. Có lẽ còn nhiều người nữa nhưng chưa có điều kiện nên chưa thể post lên được. Thời gian gấp rút, ai cũng đang chạy đua với tuổi già. Đừng để đến khi anh em mắt lòa rồi mới “up” lên thì phí của giời.
Một lần nữa, út ít lại bị thiệt thòi. Trong khi các anh lớp nào cũng có hình, riêng lớp Út chưa kịp chụp tấm nào đã phải xách quần chạy loạn.

Tin vui cho quân ta: mới đây, cha Giám Luật Nguyễn Văn Giản đã bàn giao toàn bộ hình ảnh thời TCVXL cho anh em. Số cổ vật quí đó đang nằm trong tay anh Bùi Thế Thông (Nay anh bàn giao cho Anh hai Chánh tràng). Anh em đang ngóng dài cổ chờ Anh scan và post lên cho anh em được nhờ. Mong Anh như mong mẹ về chợ.


2- NHỮNG GIAI ĐIỆU KHÔNG THỂ NÀO QUÊN

a- THÁNH CA: Đã từng một thời tu học tại TCV XL, không ai có thể quên những bản thánh ca sau đây:

* Như Một Ngọn Nến, Người Của Chúa. Đây là 2 bản thánh ca do chính cha GĐ sáng tác và đích thân người tập cho chủng sinh. Vài ba tuần một lần, giai điệu 2 bài này lại vang lên trong giờ cám ơn rước lễ. Lời bài hát thật tâm tình, lột tả ước nguyện cháy bỏng muốn dấn thân làm LM cho Chúa.
Ngoài ra, cha GĐ còn tập cho anh em mấy bài, tuy không “ấn tượng”như hai bài trên, nhưng cũng để lại nhiều lưu luyến: “Chiều hôm nay hồn con vui trong nguồn vui thánh. Chúa ơi, Chúa ơi êm đềm biết bao…”.Hát lúc kết thúc tuần cấm phòng năm. Bài thứ hai hát mừng Sinh nhật Mẹ Maria: “Mẹ ơi lễ sinh nhật Mẹ. Đoàn con vui sướng dâng lên Mẹ…”. Hai bài này hầu chắc là của LMNS Phạm Đình Nhu vì không hề thấy phổ biến ở đâu ngoài TCVXL.
* Cha giáo nhạc Phạm Liên Hùng cũng để lại trong ký ức học trò một số bản thánh ca như : Bước vào, Dâng lên trước thiên tòa, Sung sướng biết bao, Khi chiều lắng buông…

* Đâu Có Tình Yêu Thương của cha Vinh Hạnh: bài hát nhắc nhớ những buổi tối thứ năm “Họp bạn Chúa Hài Đồng”. Anh em quây quần bên tượng Chúa Hài Đồng, cùng giúp nhau sống tốt hơn.
* “ Lạy Mẹ yêu dấu, nay chúng con ra đi…” – nhạc Pháp, lời Việt: cha Linh Hướng và cha GĐ. Trước lúc lên đường đi nghỉ, tất cả chủng sinh xách đồ vô nhà nguyện dâng mình cho Đức Mẹ, xin Mẹ thương che chở chúng con như đàn chiên nhỏ lạc giữa bầy sói. Giai điệu “nghiêm trọng”, có thể so sánh phần nào với bài My Heart Will Go On trong phim Titanic. Anh Phương lớp Vô Nhiễm là người hát solo hay nhất, làm không ít kẻ rơi nước mắt, nhất là những anh em sắp vĩnh biệt mái trường chủng viện thân yêu, ra đi không hẹn ngày về.

* Bài ca bất hủ: Mẹ Ơi Con Yêu Mẹ, bài hát cuối cùng trong ngày, hát lúc dâng mình trước khi đi ngủ. Lời và nhạc thật đơn sơ nhưng đầy tình cảm khiến các chú vừa nhớ đến Mẹ Maria vừa nhớ về người mẹ thân yêu ở quê nhà. Hôm nay, bài này thành bản nhạc truyền thống của anh em CCSXL. Mỗi lần gặp nhau, anh em không thể chia tay nhau được nếu chưa hát “Mẹ ơi Con Yêu Mẹ”.
Anh Hai Ngô Công Sứ mới kể: “Người lên xe hoa trễ nhất lớp Toma là anh Bình Chầy. Sau lễ cưới, anh chị đến dâng mình cho ĐM, anh em lớp cất hát “Mẹ ơi con yêu Mẹ” khiến chú rể không thể cầm được nước mắt”. Giọt nước mắt lóng lánh vừa phản chiếu niềm vui đang được hưởng bên người yêu dấu vừa gợi nhớ những năm tháng tươi hồng trong chủng viện. Con trai nhà Phao-lô hóa ra “mít ướt” hơn con gái.

* Ngoài ra còn hàng ngàn bản thánh ca trong các tập Khúc Nhạc Vàng, Chúc Tụng Chúa 1,2, Alleluia Chúc Tụng Chúa, Ca Tụng Chúa,Tuyển tập Bài Ca Mới…

* “Chúa ơi, con hướng lòng lên với Chúa. Nguyện xin giúp con sống vừa ý Chúa trong giờ này”.Đoạn nhạc này không phải là thánh ca nhưng đầy tâm tình đạo đức. Nó như lời nguyện tắt, bổ sung cho linh đạo “Sống thánh giây phút hiện tại”của cha GĐ. Trong giờ học riêng tại hội trường, thỉnh thoảng chánh tràng lại cất lên để anh em thánh hóa công việc đang làm. Những lúc mọi người chia trí, nhốn nháo, ồn ào, bài hát cất lên như lời kêu gọi lập lại trật tự. Rất đơn sơ nhưng vô cùng hiệu quả. Cả hội trường lại im phăng phắc.

b- NHẠC ĐỜI:
cha Lâm Văn Thế phụ trách tập hát nhạc đời cho chủng sinh. Ngài chọn những bài mới nhất và hay nhất. Đứng đầu là nhạc Du Ca – phong trào âm nhạc đang thịnh hành thời ấy. Hôm nay, mỗi lần gặp nhau, có ai cất lên anh em vẫn hát được: Nối vòng tay lớn, Trả lại tôi là tuổi trẻ, Về với mẹ cha, Ông trăng xuống chơi, Em nghe gì không hỡi em, Từ Nam Quan Cà Mau…Ngoài ra, những bài sau đây cũng để lại không ít ấn tượng trong lòng anh em: Xuân Về của Bình Trang, do ca đoàn Hồn Nước hát, Hương Quê – Hải Linh, ca đoàn Hồn Nước, Hè về - Hùng Lân…
Loại nhạc đời anh em dễ hát và nhớ lâu nhất là nhạc sinh hoạt. Hôm nay, những dịp họp mặt, chúc mừng lễ này lễ nọ, chánh Quang vẫn thường phất nhịp cho anh em hát lại: C H À O M Ừ NG, Gần Nhau, Hôm Nay Ngày Vui Thú Tưng Bừng, Tang tang tang tình tang tính,Gặp nhau đây rồi chia tay…

b- NHẠC CLASSIC:
những giai điệu Cổ Điển tuyệt đẹp ấy vang lên từ gác đàn nhà nguyện trước thánh lễ và lúc rước lễ chúa nhật, lễ trọng hay giờ chầu Thánh Thể, qua 10 ngón tay điêu luyện của các nhạc công: Bình Chầy, Vương Vĩnh Phúc, Tâns. Những bản nhạc không lời thuộc diện “hàn lâm” ấy tưởng rằng “chui tai này ra tai kia”, nhưng không, bằng chứng là những files mp3 cha Tâns biểu diễn mấy bài đó được anh em ta chiếu cố tận tình. Nhiều người muốn nghe để được sống lại không khí sốt sắng của giờ lễ giờ chầu thời chủng viện. Có người còn cố tập chơi lại những bản nhạc đó, dù mắt đã mờ, tai hễnh hãng, ngón tay sù sì chai cứng hết rồi.



3- CỔ VẬT QUÍ NHẤT

• TIẾNG CHIM GỌI ĐÀN

Tổ ấm Phaolô Xuân Lộc bị giải tán từ tháng 3 năm 1975. Từ dạo ấy, 600 chú chim tung cánh bay khắp bốn phương trời, suốt 37 năm không hề quay lại họp đàn, thăm tổ ấm xưa.
Cha Nguyễn Thái Đoàn một lần thoát chết đã trăn trối anh em lập một trang web làm chốn đi về cho CCSXL. Chàng Duy An Tuyết Hầy- một cao thủ IT sáng lập ra trang TCVPHAOLO như ngôi nhà chủng viện ảo cho anh em quây quần. Từ đó, CCSXL như đàn chim ngày đêm líu lo gọi nhau họp đàn lại sau gần 40 năm xa cách. Những cái tên quen thuộc thân thương hồi trai trẻ nay hiện về trong tâm tưởng: Đoàn Tây Lai, Hùng Kennedy, Hùng 36, Hùng Lade, Hùng Phan rí, Hùng Cọ,BS Đinh Cường,cha Tâns, Quyền 3T, cha Ngô Công Sứ, Cha Vinh Lùn,Trần Quốc Việt, Phó Ninh, cha Sơn Chuông, Đào Phán, Thắng Sứt, Hòa Điếc,Cư Tròn, Quang Đen, Thánh Loi,Chung Cốt,Thế Thông (Thông Hợi), Đào Đình Hoa, Lê Công Đức, Đỗ Thanh,Trinh Tròn,Cụ Đỉnh,Lang Khanh…
Đại Hội đầu tiên anh em CCSXL thật hoành tráng. Hàng trăm anh em từ khắp nơi tụ về. Những cái bắt tay chí tình. Những cú ôm hôn thắm thiết. Những câu chuyện nổ râm ran bất tận, kể mấy ngày đêm cũng không hết. Nhiều anh em mới gặp nhau lần đầu sau 4-5 chục năm xa cách. Người già nhất ngót nghét 60. Kẻ trẻ nhất đã mấp mé ngũ tuần, nhưng gặp nhau, ai cũng như được sống lại thời chủng sinh, trẻ ra tới 40 tuổi.

• SĂN TÌM CỔ VẬT

Cuộc săn tìm cổ vật nào cũng gặp nhiều gian nan. Sau thời gian dài nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia phải tới thực địa để điều tra, đo đạc, xin phép, mua đất, thuê máy móc và công nhân đào bới, sàng lọc…Dưới biển còn nguy khó bội phần. Có những cuộc khai quật tàu đắm dưới lòng biển tốn kém cả chục triệu usd. Cuộc truy tìm nhau của anh em nhà Phaolô cũng gian nan không kém. Số người đăng nhập Diễn Đàn mới hơn 100. Số người về dự Đại Hội cũng khoảng cỡ đó. Vậy còn mấy trăm người kia đâu? Có người mất tung tích từ lúc cuốn gói rời chủng viện. Có anh vượt biên rồi biến luôn.Có anh vẫn ở đó như con trút cuộn mình trong chiếc vỏ khô cứng. Lớp đất đá sau mấy lần địa chấn chôn vùi cổ vật thế nào thì lớp bụi thời gian cũng che lấp anh em nhà Phaolô như thế. Những người có nhiệt tâm không ngừng điều tra, hỏi thăm, truy lùng bằng mọi phương tiện. Sau nhiều cố gắng, anh em cũng “khai quật” được một số “đồ cổ” quí giá như Vũ Hồng Khanh, Vũ Hải,Hoàng Văn, Mai Xuân Trung, Dũng Chảo Ba, Phan Khắc Lý…
Lớp Út là một ngoại lệ. Sinh sau đẻ muộn, mới 8 tháng đã phải cai sữa mẹ, chạy loạn văng cả dép,quên cả ông thánh quan thầy, nay tìm ra nhau và lôi kéo nhau trở về là chuyện vô cùng khó khăn. Công đầu là chàng lang Khanh. Những lúc đi đây đi đó bốc thuốc cho bệnh nhân, thày lang lân la hỏi thăm tin tức và mở tài môi mép ra thuyết phục anh em qui tụ lại. Chúa thương, các em cũng moi tìm được ông thánh Đaminh quan thày và tụ tập được 21 anh em. Cầu Chúa phù hộ cho công cuộc “tái đàn” của các em thành công mỹ mãn.

CCSXL vui mừng hãnh diện vì có Giám mục tiên khởi - ĐC Toma Vũ Đình Hiệu. Đó đây lại có tin đồn rằng lớp Út Đaminh cũng có Giám mục là ĐC Nguyễn Văn Long, GM phụ tá gp Melbourn. Thế là anh em lao đi điều tra. Kết quả chính xác 100%. Đây là “cổ vật”đáng giá nhất của nhà Phaolô. Nếu cuộc săn lùng nhau ví như một mẻ lưới thì ĐC Long là con cá voi bự nhất mà gia đình Phaolô tóm được.
Như vậy, cổ vật quí giá nhất không phải là mái trường chủng viện đã bị đập bỏ,hay chiếc tháp chuông còn sót lại, cũng không phải là hình ảnh cũ hay bài hát thời chủng sinh mà chính là từng con người bằng xương bằng thịt chúng ta.

4- NHỮNG CỔ VẬT XƯA NHẤT

Mùa xuân năm 2013, anh em nhà Phaolô thực hiện một sự kiện lịch sử:
đi chúc tết quí cha quí thầy. Phó Tràng Chung Cốt là người lên kế hoạch và chỉ huy cả “chiến dịch”. Chàng ta điều phối xe đưa đón, sắm quà và thúc dục anh em. Ngày Tết tưởng rằng khó mà lôi anh em ra khỏi cuộc vui trong gia đình, nhưng không ngờ số người tham gia khá đông.Tất cả các cha các thầy đều vui mừng xúc động vì gần 40 năm nay, khi cuộc đời xế bóng, các ngài được học trò nhớ đến. Tại Hố Nai, sau khi chúc Tết cha Uy, thầy Lục,cha Hoàng Guitar, cha Phạm Liên Hùng, anh em quây quần bên cha giáo Bùi Tiến San, ăn bữa cơm đầu năm thật ấm tình thày trò. (Cứ vài tháng, Ngài lại nhớ học trò và tìm cớ để kêu học trò tới đánh chén với Ngài một bữa, mới đây nhất là lễ thánh bổn mạng Mátthêu…) Buổi chiều, anh em đi Long Thành thăm cha Đỉnh và chúc tết cha cố Trần Văn Hàm.
Hôm khác, anh em dành riêng một ngày để chúc tết cha Giám Đốc tại nhà hưu Phát Diệm. Tại đây có “cầu trực tiếp truyền hình” để anh em bên Hoa Kỳ chúc tết cha GĐ. Mới đây, anh em nhà Phaolô lại tập họp tại nhà hưu để thăm cha GĐ sau khi Ngài bị tai biến.
Vùng Gia Kiệm, anh em cũng đi thăm cha Bình,cha An, cha Bài và dùng cơm với cha Lâm Văn Thế. Mấy tháng sau, anh em lại tụ tập về nhà xứ Thống Nhất để mừng lễ thánh Giacôbê quan thày cha giáo. Ngài ước ao và gần như “ra lệnh”_ như những lần chơi trò chơi lớn_ anh em để cho Ngài đăng cai họp mặt hàng năm.
Nếu CCS là những cổ vật quí giá nhất, thì các cha các thầy là những cổ vật cổ nhất. Một số vị đã an nghỉ trong Chúa. Có đấng đang an dưỡng trong nhà hưu. Số khác đang thập thò cổng nhà hưu và mấy vị đang mấp mé cửa lỗ. Ứơc gì nghĩa cử “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp này được duy trì mãi mãi để không bao giờ chúng ta quên công ơn những người đã dày công dạy dỗ chúng ta nên người.

NỖI XÚC ĐỘNG CỦA CÁC CHA GIÁO

1- Tuổi già là tuổi của quá khứ. Tâm trí các ngài luôn hướng về những tháng ngày đã qua, nhất là những năm tháng đẹp nhất đời người, như cha GĐ thì đó là thời gian ngài làm GĐ TCV XL. Các cha các thầy khác cũng vậy. Lúc các ngài dạy chúng ta là lúc còn trai trẻ, mạnh khỏe và sáng suốt nhất. Các ngài đã dâng hiến tất cả những gì tinh túy nhất cho chúng ta. Bây giờ tuổi cao sức yếu, tâm trí lúc nào cũng nhớ tới thời gian tươi đẹp đó. Vì vậy khi học trò tới thăm, các ngài xúc động và quí mến vô cùng.

2- Năm hết tết đến là lúc mọi người tề tựu quây quần bên gia đình, còn các cha lủi thủi một mình trong nhà xứ. Đấng nào ở trong nhà hưu thì còn buồn hơn, buồn hơn cả ngày thường, nên chúng ta đến chúc tết các ngài là "gãi đúng chỗ ngứa" đấy. Đấng nào cũng muốn mời học trò ở lại ăn cơm là vậy.

3- Ngày xưa cha nào thày nào cũng dạy học trò đủ mọi điều tốt đẹp, trong đó có lòng biết ơn. Nay học trò đến chúc tết thầy, chứng tỏ bài học của thầy đã có kết quả.

4- Ngày xưa các ngài gieo hạt, vun tưới, nay cây ra hoa kết quả: 2 giám mục, nhiều LM, cụ Sáu, giáo sư, luật sư, bác sĩ, nghệ sĩ, doanh nhân...và còn hứa hẹn nhiều hoa trái thơm ngon nữa.Tự hào, vinh dự lắm chứ!
Điển hình như thầy giáo LỤC,cả nhà thầy nhốn nháo, tất bật đón rước phái đoàn. Thầy khui rượu, cô rót nước, con gái chạy đi lấy ghế, con trai lăng xăng chụp hình. Lúc chia tay, thầy còn lì xì cho từng trò, riêng cụ Sơn Chuông còn được cô khuyến mãi thêm một phong bì dày cộm(làm cha sướng thật!). Thầy tự hào, sung sướng vì học trò mình có cả LM chống gậy tới thăm. Cô cũng khoái chí tự hào vì chồng mình ngày xưa cũng một thời oanh liệt, đâu có thua kém ai. Còn 2 người con thầy thì khỏi nói. Chúng sẽ đưa hình khoe với bồ với bạn rằng:" Ba tao đây nè, oách chưa!" Tha hồ mà"chém gió".


5- "Trẻ cậy cha, già cậy con". Các cha giáo một số đã về hưu, đa phần mấp mé cổng nhà hưu, có vị đang thập thò cửa lỗ, tuổi cao sức yếu, bất lực mọi đàng, nếu có trò nào đến thăm, biếu vài trăm ăn bánh hay món quà nhỏ,hoặc để các vị nhờ cậy chuyện này việc kia, hay đơn giản là tâm sự, ôn lại kỷ niệm xưa, thật chẳng còn gì sưởi ấm tuổi già hay hơn thế nữa.
Chúng con xin tạ lỗi với các cha các thầy và hứa sẽ năng thăm viếng các ngài nhiều hơn.














Last Edit: 6 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62922

.

NHẤT QUỈ NHÌ MA…

Mai Nguyên Vũ

Tiểu chủng viện Xuân Lộc thỉnh thoảng có những ngày đặc biệt gọi là “Xuất Du”, tiếng Tây là “sortir libre”. Đó là ngày sung sướng, các chú được “thả rông”, tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm. Nhà chú nào gần thì đón xe về thăm cha mẹ. Nhà xa thì rủ nhau picnic, hoặc đi chơi đâu đó.

diem-du-lich-it-nguoi-biet-2-1494662389996.jpg

Sau cơm sáng, cả chủng viện như bầy chim vỡ tổ. Chú nào chú nấy vẻ mặt hớn hở, quần áo tinh tươm, nói cười líu lo, rủ nhau bay đi muôn hướng. Buổi xuất du năm đó, nhóm Gia Kiệm lớp tôi bàn nhau đi Suối Tre. Cả bọn chục tên đón xe Lam Long Khánh- Dầu Giây. Xe thả khách giữa rừng cao su xanh ngát. Chúng tôi đi bộ tha thẩn trong lô cao su. Suối Tre được ví như “Đà Lạt miền Đông Nam Bộ”. Cũng có đồi thông vi vu thơ mộng. Cũng có biệt thự sân vườn sang trọng, hồ nước trong xanh. Khí hậu mát mẻ quanh năm vì nằm giữa hàng trăm héc-ta cao su. Không khí trong lành. Không gian yên tĩnh. Dân cư hiền hậu, chất phát…
nhathosuoitre.jpg

Điểm đến đầu tiên là nhà thờ Suối Tre. Ngôi nhà thờ bằng gỗ từ thời Pháp thuộc, rất thoáng mát và đẹp mắt. Tôi còn nhớ, cha xứ
là cha Bùi Tiến San. Năm 1969,Ngài làm linh hướng tiểu chủng viện Phước Lâm. Sau này có dạy tiểu chủng viện Xuân Lộc vài năm.
Rời nhà thờ Suối tre, 10 tên lãng sĩ tiếp tục đi lang thang. Đi qua một hồ nước, chẳng ai bảo ai, tất cả trút bỏ quần áo xuống tắm một quả. Đây là hồ nước nhỏ, có gắn máy bơm, cung cấp nước cho mấy biệt thự của Tây gần đó.
Gần trưa, bụng ai nấy đều nhộn nhạo. Chúng tôi đi tìm cái gì bỏ bụng, nhưng đi mãi chẳng thấy chợ búa hay hàng quán gì. Cuối cùng, T và C phát hiện ra một ngôi chùa. Chúng lôi anh em vào. H phản đối:
- Mẹ, anh em đang đói, vào chùa làm cái quái gì?
- Ngu ơi là ngu! Đức Phật nỡ lòng nào để chúng sanh chết đói.
Cả bọn đánh liều, theo hai tên “yêu quái” xem chúng vào cửa Thiền làm cái trò trống gì.
6185-1-c68cde3be73d686b070e65bfeda1e915.jpg
Hai bên cửa chùa là hai ông tượng to lớn, đen thui, mặt mũi râu ria bặm trợn, cầm khiên cầm giáo nhìn chằm chặp vào
mặt “phật tử” như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Đức Phật Thích Ca ngồi chễm chệ trên tòa sen, mặt mũi no tròn, dái tai thòng xuống tới cằm, cặp mắt lim dim ngái ngủ. Chung quanh ngài là đủ loại tượng Phật, Quan Âm, Bồ tát, chỉ có Chúa mới biết hết tên. Trước mặt mỗi vị là khói nhang nghi ngút và trái cây đủ loại: cam, bưởi, chuối, nho, táo thơm ngon, hấp dẫn.

Sau một thoáng vãn cảnh chùa, chúng tôi kéo nhau xuống nhà dưới thăm sư trụ trì. Thầy còn trẻ, dáng cao, gầy, mặt đỏ hồng, móng tay để dài như con gái, có vẻ trí thức.
- Nam mô. Học sinh từ đâu đến?
- Dạ bạch thầy, chúng em đang học ở Long Khánh. Hôm nay được nghỉ học, chúng em tới thăm thầy.
- Bần tăng xin đa tạ… Học sinh đã học “Hồn bướm mơ tiên” chưa?
- Dạ bạch thầy, chúng em học rồi ạ. Tiểu thuyết của Khái Hưng, kể chuyện mối tình trong sáng nơi cửa Phật.
- Học sinh có thấy xung đột giữa tôn giáo và tình yêu trong tác phẩm này không?
- Dạ, lúc đầu thì có xung đột, vì sau khi phát hiện chú tiểu Lan là gái giả trai, Ngọc đem
lòng yêu thương. Lan cũng yêu Ngọc tha thiết, nhưng vì đã trót thề nguyền xuất gia tu hành, nên Lan đau đớn cự tuyệt mối tình.
- Nam mô, vậy Ngọc và Lan xa nhau vĩnh viễn hay sao?
- Dạ không…
Câu chuyện đang hồi hào hứng thì có tiếng chim cú hú liên hồi.(Cú kêu giữa trưa mới lạ chứ !) C đột ngột xin cáo từ thầy chùa. Tám tên mau chóng rút khỏi chùa, biến vào rừng cao su rậm rạp. Dưới gốc cao su già, 10 tên yêu quái thi nhau bóc chuối, xẻ cam, lột vỏ bưởi, miệng không ngừng nhí nhô kể lể chiến công, cười bò nghiêng ngả. C vặt một quả nho, bỏ tọt vào mồm vừa nghiêm giọng:
-Nam mô a di đà Phật, xin niệm tình tha tội cho chúng sanh.
- Khặc khặc khặc……

Last Edit: 6 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62915


Lạ lùng! mò mẫm đâu ra?

Bao nhiêu hình ảnh ngọc ngà xa xưa

Trải dài năm tháng nắng mưa

Biết bao kỷ niệm vẫn chưa phai mờ
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62911

.
XUẤT DU
Mai Nguyên Vũ
13615267_1124362820943927_2793293241456178670_n_2017-08-10.jpg

Sau một tuần học hành vất vả, chủng sinh được nghỉ ngơi ngày chúa nhật. Buổi sáng, Chủng viện hay tổ chức đi tắm biển. Chiều nào cũng ra biển nhưng không bắt buộc tắm. Còn sáng chúa nhật bắt buộc phải tắm nên gọi là “tắm buộc”. Mấy chú vui tính hay lấy sợi dây buộc vào người nhau để diễn tả từ “tắm buộc”.Tắm biển buổi sáng thích thú hơn buổi chiều vì đông vui hơn và biển đẹp hơn: trời nắng dịu, biển xanh trong, gió hiu hiu, sóng nhẹ nhàng, không hung bạo như buổi chiều. Tắm biển vài lần, mình phát hiện ra hiện tượng thiên nhiên: biển luôn luôn phản chiếu bầu trời. Trời xanh trong, biển cũng xanh trong. Trời âm u, biển cũng xám xịt. Những ngày gió bão, mây đen kéo về, biển đục ngầu, từng đợt sóng thét gào, lồng lộn, trông rất dễ sợ, nhìn như tận thế đang đến gần.
Trung bình mỗi tháng một lần, anh em được “đổi món”, đi khám phá một vùng đất, thời đó gọi là “xuất du”. Ở Chủng viện, từ chủng sinh sợ nhất là “xuất tu”(bị loại). Từ anh em yêu thích nhất là “xuất du”.Anh em kéo cả bầy đi bộ băng qua làng mạc đến những địa danh như “Khe Sanh”, rừng Sim, rừng Cò ke, rừng Gai…Mọi người cảm thấy thảnh thơi, phấn khích,được chuyện trò,hò hét tự do, vui đùa thỏa thích, được khám phá cảnh đẹp thiên nhiên, thích nhất là được nhấm nháp vài trái cây dại trong rừng.
• Khe Sanh là một vùng toàn đồi cát thấp, nằm sát biển, giữa Phước Lâm và Tân Phước. Các chú leo lên đỉnh đồi, ngồi xổm rồi tụt xuống. Chơi ở đây thật vui nhưng nắng cháy da cháy thịt và rất hao nước.
• Rừng cò ke, rừng Sim. Đây là vạt rừng thưa, đất cát, toàn cây bụi. Trái cò ke bằng đầu chiếc đũa, ăn chua chua. Trái sim chín màu tím, vị ngọt, ăn vào mồm mép ngả màu tím như mực. Vừa đi vừa hái sim và cò ke ăn cho đỡ nghiền. Các thầy có thấy cũng lờ đi, không bắt tội “ăn ngoại bữa” như mọi ngày.

14731370_1204983906215151_6615363713168984923_n_2017-08-10-2.jpg

Hôm khác đi chơi sông. Ngày ấy bên kia quốc lộ là Rừng Gai. Cả cánh rừng toàn gai với góc, hầu hết là cây mây. Qủa mây mọc từng chùm, ăn có vị chát. Vài lần, các thày cho “cắm trại” tại đây.Gọi là cắm trại cho sôm, thực ra là lấy chân đạp, lấy tay bẻ cành cho quang một khoảng rừng rậm rồi căng vài chiếc mền lên che nắng, vài chiếc mền nữa giắt vào cành cây, nhìn hao hao chiếc hang hay như lều tuyết của người Eskimo.Xong xuôi cả đội chui vào lều mà tán dóc với nhau, nghêu ngao vài bài hát,hưởng tí sái “cắm trại” của đám Hướng Đạo Sinh.

Có lần các thầy cho xuống sông chơi. Tại đây có một giống vật lạ. Cá nhưng không ở dưới nước mà leo lên bờ đào lỗ. Vây biến thành chân chạy rất nhanh, khó mà bắt được nó. Đó là con thòi lòi. Một lần tắm sông, Vũ Quang Vinh suýt chết đuối. Hình như tắm sông nước ngọt khó nổi hơn tắm biển. Sông lại hay có bùn, dễ bị lún.
Thuở ấy con sông khá xa quốc lộ, phải đi bộ băng rừng gai xa lắm mới tới. Nay không hiểu sao sông nằm sát đường nhựa, ngay sau dãy nhà mặt lộ. 46 năm, không lẽ cảnh “bể dâu” diễn biến nhanh như vậy: sông dịch chuyển hoặc người ta nắn lại con đường?
Rừng Gai còn có cây mai. Mai rừng mọc rải rác đó đây. Gần tết anh em ra chặt cành mai để kỳ nghỉ tết đem về làm quà biếu cha mẹ. Nay những vùng đất đó nhà dân ở kín rồi.
Năm 1969, có lần hai lớp Toma Thiện và Pio x “xuất du” qua Long Hải. Thày Hoàng và thầy Tất dẫn một bầy học trò đực rựa đi dọc bãi biển lên tới Long Hải rồi leo ngọn núi cao nhất. Một bà bán chè thấy mối bở liền gánh cả nồi chè leo lên núi. Tội nghệp, bà không bán được ly nào vì cả thày lẫn trò chúng nó không có lấy một xu dính túi.

• Sang Xuân Lộc, số chủng sinh lên tới 3-4 trăm, không thể kéo cả bầy đi chơi vì cản trở giao thông. Các chú được phép “sotir libre”, muốn đi đâu thì đi. Anh nào nhà gần thì ghé về thăm nhà. Nhà xa thì từng nhóm rủ nhau đi chơi Suối Tre, vào vườn hay vô nhà người quen.

14708231_1215445651835643_5989549810542062365_n_2017-08-10-2.jpg
Cắm trại - trò chơi lớn: Chủng sinh được trang bị khá nhiều kỹ năng Hướng Đạo: morse, semaphore, dấu đường, thắt nút, kỹ thuật dựng trại, chơi trò chơi lớn. Trang phục không khác gì Hướng Đạo: sơ-mi trong quần xoọc, xăng đan, mũ nỉ…
Ngày cắm trại, anh em lên đường ra địa điểm: Suối Tre hoặc tu viện Nagiarét ở khu Thánh Mẫu, rẫy cà phê Bảo Toàn. Vài lần dựng trại ngay sân bóng trước Chủng Viện…Sau đó là trò chơi lớn do “đại tướng” Lâm Văn Thế chỉ huy. Các đội phải trải qua nhiều thử thách cam go như thi bơi qua hồ (hồ tưởng tượng bằng sân cỏ ở Suối Tre), đi cầu khỉ, tìm mật thư, trả lời những câu hóc búa... Nhiều lần phải chạy te tua trên quốc lộ hay len lỏi trong xóm ngõ. Bị hành hạ và đày đọa, rất mệt nhưng vui vô cùng.
Đến trưa, các đội về lều. Anh em đói ngấu. Đội trưởng đi lãnh cơm về cho anh em sơi. Còn nhớ năm đó Tloi làm đội trưởng, đội viên gồm có Cư Tròn, Trung Mai…Cơm đem về bị chúng chê ít, bắt đội trưởng đi xin thêm cơm. Đội trưởng phân bua rằng khẩu phần người ta tính toán như vậy là đủ rồi…Hai tên yêu quái cứ kèo nhèo. Đội trưởng liền quát : “Làm thịt tao ra mà ăn”. Cả đội im re. Cuối cùng ăn xong còn dư cơm. Đúng là “no bụng đói con mắt”. Nhưng đội trưởng cũng mắc sai lầm, “cả giận mất khôn”, ăn nói bạt mạng, làm hắn ta ân hận mãi…




Last Edit: 6 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62902


Nội dung chuyện kể thân quen

Dường như phản ảnh một phen đời mình

Cám ơn tác giả thình lình

Khơi bao kỷ niệm chân tình xa xưa
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62901

.
ABRAHAM VIỆT NAM
Mai Nguyên Vũ
14590130_1204969669549908_2317114865332584478_o.jpg
Ngoài bãi biển, hơn 100 chú bé đang nô đùa sau một ngày học hành vất vả. Một số đang đùa giỡn với sóng biển. Số khác đi dạo hóng mát dọc bãi cát. Số còn lại chia thành hai phe tranh nhau quả bóng dưới quyền điều khiển của trọng tài Nguyễn Văn Gỉan. Hôm nay lớp đệ lục giao đấu với lớp đệ thất. Tuần trước, các anh đệ lục bị dẫn trước 1/0. Phải đá hết mình để gỡ lại danh dự. Sau nhiều lần tấn công, không làm sao chọc thủng được phòng tuyến của địch. Cuối cùng, dịp may đã đến. Lớp đệ lục được hưởng quả phạt đền vì Tuy ngáng chân Hùng đang dẫn bóng trong vùng cấm địa. Sau tiếng còi của trọng tài, Hùng Lade tung cú đá sấm sét xuyên thủng lưới lớp đệ thất. Tiếng vỗ tay rầm rập. Tiếng hò hét vang dội một góc trời.

Bỗng, một tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ phía biển. Lửa bùng lên. Bụi và khói bốc lên ngùn ngụt. Thầy Gỉan hô to: “Tất cả ở yên tại chỗ. Xinh với Phán đi theo thầy”. Ba thày trò chạy về phía tiếng nổ. Một xác người nhỏ bé, đen đủi nằm cách chiếc hố chừng hơn chục mét. Máu me cùng thịt văng vãi trên cát. Thày đến gần nhưng không nhận diện được xác chết. Hai trò ở lại canh chừng từ xa. Còn thầy chạy về sân bóng, tức tốc ra lệnh tập họp điểm danh theo đội hình. Tất cả các đội bá cáo đầy đủ. Riêng đội 3 lớp đệ lục thiếu một. Thày dẫn cả đội đến gần xác chết. Cả 9 anh em đều nhận ra người bạn xấu số. Thày cử một số trò ở lại canh xác. Còn thày dẫn quân về bá cáo với cha GĐ và cha LH.Cha GĐ sai người lên tỉnh gọi điện khấp báo về Tòa GM…

VungTAUCuvaNam.jpg

Tối hôm ấy thày Gỉan cầm đầu toán người đi lượm xác, trong đó có anh Huỳnh Ngọc Xinh. M79 là đạn chống biển người, cùng lúc có thể giết chết nhiều mạng người. Vũ Đức Nam một mình lãnh nguyên một quả. Theo lời cha Gỉan, anh Nam và một số chú thích sưu tầm đạn để lấy thuốc đốt chơi còn vỏ đạn đựng bút, cắm hoa,đựng tăm. Thày răn đe hoài nhưng không nghe.Thanh niên thời đó còn có mốt đeo vòng lựu đạn. Nhiều kẻ chết banh xác vì thú vui nguy hiểm ấy…Bãi biển Phước Lâm hồi đó vắng vẻ, được chọn làm bãi tập bắn của lính Biệt Kích My Force (đóng tại Long Hải). Qủa đạn to bằng cổ tay, khi bắn ra khỏi nòng phải quay đủ số vòng mới phát nổ. Nhiều quả bắn đi chui vào bãi cát, chưa quay đủ vòng nên cứ nằm đấy đợi kẻ xấu số. Chỉ cần cầm đi vài vòng là… amen.

Toán người lượm xác cầm đèn bão mò mẫm nhặt từng miếng thịt văng vãi khắp nơi. Bỗng một chiếc trực thăng ở đâu bay tới đậu trên đầu mọi người, cách mặt đất 50m, pha đèn sáng trưng khiến công việc thu dọn mau chóng hơn. Khoảng 10g đêm, xác gói trong áo mưa về tới chủng viện, quàn tại nhà chơi. Đêm hôm đó các chú kê sát giường vào nhau, nằm ôm nhau mà ngủ vì…sợ ma. Nhiều chú thức trắng đêm.Chú nào đi tiểu thì đánh thức cả lớp dậy, kéo một bầy đi cho đỡ sợ… Vài ngày sau ra bãi biển, các chú phát hiện một khúc ruột treo toòng teng trên cây cọ.


Trong suốt 9 năm hoạt động của Tiểu Chủng Viện Xuân Lộc,đây là tai nạn đau thương nhất, xảy ra trong lớp Toma, con chim đầu đàn của địa phận Xuân Lộc non trẻ. 47 năm đã trôi qua, tôi lân la hỏi thăm những nhân chứng còn sống: anh Tống Duy Hòa không còn nhớ gì hết. Anh Huỳnh Ngọc Xinh cho biết vài chi tiết đáng giá. Anh Đạt (lớp MVN) kể rằng anh suýt chết vì chiều hôm đó thấy Nam lượm được quả đạn hay hay, anh xin nhưng Nam không cho.
Tôi đang muốn gặp cha Gỉan thì Ngài xuất hiện trong dịp lễ Ngân Khánh cha Thiện. Tôi túm lấy Ngài và nắm được nhiều điều giá trị… Ngày hôm sau Ngài lục soát vali của Nam, thu được một đống M79. Ngài ra lệnh cho các chú giao nộp tất cả đạn dược. Kết quả: thu được mấy rổ đạn.
Cha mẹ giao con cho nhà trường nội trú, nhà trường có trách nhiệm nuôi dạy và bảo vệ học trò. Nếu để xảy ra tai nạn, nhà trường phải bồi thường cách nào, nếu không thì kiện cáo lôi thôi đấy.Trong tai nạn đau thương này tôi dùng phép suy luận phát hiện ra hai nhân vật có lòng đạo đức và đức tin tuyệt vời chẳng kém Tổ Phụ Abraham, đó là Ông Bà cố Giuse VŨ ĐỨC THIÊM. Ông bà chẳng trách móc hay kiện cáo các cha, còn dâng tiếp thằng con thứ hai cho Chúa. Suy luận của tôi thật trùng khớp với thực tế: thứ hai vừa qua tôi được gặp gỡ nhân chứng của biến cố đau thương: cha Vũ Đức Hiệp, em của Vũ Đức Nam trên chuyến xe đi viếng xác anh Lương Quang Khôi và thăm anh Đặng Viết Chiến. Tôi tranh thủ “phỏng vấn” liền. Nhắc tới ông anh mệnh yểu, giọng ngài chùng xuống:
ngcs_2017-08-07.JPG

“Ba mẹ mình vừa xuống xe, các cha các thày chạy ra đón và nói lời xin lỗi, chia buồn với ông bà. Ba mình lấy khăn lau nước mắt rồi nói:
- Khi vợ chồng con giao cháu cho các cha là chúng con noi gương Abraham dâng hiến con cho Chúa. Nay Chúa cất cháu về, của lễ chúng con dâng đã được Chúa đón nhận…

Lúc gia đình đến thì nắp quan tài đóng rồi. Mẹ mình cứ đòi mở ra. Anh chị em mình sợ lắm, lánh xa. Ba mẹ mình đến bên quan tài nhìn con lần cuối, đau đớn khôn tả…
“Lúc hạ huyệt anh Nam tại nghĩa địa Phước Lâm, cha Giám Đốc Mai Văn Điệu ghé tai mình:
- Con có muốn đi tu không?
- Dạ muốn.
- Nếu đi tu mà chết như anh Nam con có dám không?
- Dạ dám.
Mới 11 tuổi có biết gì đâu, cứ ừ đại. ”
Ông bà cố VŨ ĐỨC THIÊM trở thành ABRAHAM VIỆT NAM, dâng hiến hai người con cho Thiên Chúa. Cậu thứ hai nay thành LM Giuse Vũ Đức Hiệp, đang hăng say truyền giáo tại gx Tân Triều. Mới một năm, giáo dân tăng từ 700 lên 1600.
lor]
78phtmc_2017-08-07.jpg
Last Edit: 6 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62896

.
CHA BỐ
Mai Nguyên Vũ

thanhloijpg_2017-08-05.jpg
Mùa hè 1969, TCV Phước Lâm tổ chức phát thưởng, kết thúc năm học 1968-1969, có mời một số cha quanh vùng tới dự.

Mình được giải nhất môn Việt văn (thầy Quế dạy). Lúc lên lãnh thưởng, mình thấy các cha cứ nhìn nhìn chỉ chỉ. Tới lúc ăn cơm, cha Linh Hướng xuống ghé vào tai mình:

_ Con có muốn nhận cha già đầu bạc kia làm cha bảo trợ không?

Thằng nhỏ chẳng biết cha bảo trợ là cái giống gì, cứ cười trừ khì khì. Cơm nước xong, cha Giám đốc dắt cha già đến gặp mình, giới thiệu. Cha già xoa đầu mình rồi bảo:

_ Hôm nào nghỉ hè thì về xứ cha nhá. Cha đang coi xứ Tân Phước, cách đây ba cây số.Cứ leo lên xe Lam bảo nó chở tới nhà thờ Tân Phước.
Nghĩ lại thấy cũng tủi thân. Thằng bé nhà quê nhớ nhà, suốt ngày cấm khẩu, cái mặt bí xị nên chẳng ai ưa, không cha thày nào nhận làm con.Cha GĐ và cha LH phải mai mối cho nhận cha già. Con 12 tuổi, bố 65 là già quá, đã vậy lại khó chịu lắm.Nhưng thôi, dù sao cũng có bố có con như người ta…

Nghỉ hè, thằng nhỏ vâng lời, xách vali, đón xe Lam đến xứ Tân Phước.

Đây là làng quê vùng biển. Cha già coi xứ này có một năm. Mình ở đó hai tháng hè nhưng vẫn nhớ vài kỷ niệm.

HẦU CƠM

Hồi đó, mình chưa được ăn cơm với các cha. Nhiệm vụ của mình là dọn cơm lên và thu chén bát xuống rồi ăn cơm với cô bếp. Cô bếp tên Uyển, hình như bị chồng bỏ nên hơi tưng tưng. Thỉnh thoảng cô lên cơn lên nhảy múa lúc các cha ăn cơm. Các đấng chỉ cười chứ không chấp.Lúc các đấng ăn cơm, mình và một chú giúp lễ (Sắc lớp Don Bosco) phải đứng sau lưng quạt hầu, mỗi đứa hầu một cha. Có đấng nào sai việc gì thì bỏ quạt lên bàn, ba chân bốn cẳng chạy đi lấy tiêu, ớt, hành, tỏi. Cứ mỗi lần bỏ cái quạt xuống, thằng nhỏ lại bị chửi te tua. 10 lần đủ chục. Người cứ quát ầm ầm. Thằng nhỏ sợ hết hồn mà chẳng biết bị chửi vì tội gì. Lớn lên, ngẫm lại, nó mới nghiệm ra nguyên nhân là cái quạt. Cái quạt của cha già là quạt lông ngỗng cong cong khá đẹp, lúc để xuống bàn phải để ngửa lên, để úp xuống sợ gẫy cái đầu lông của cha già. Nếu được giải thích , chỉ một lần là nhớ. Đây cứ chửi rầm rầm, có hiểu cái gì đâu mà làm theo. Vì vậy khi muốn trẻ làm gì hay không được làm gì thì trước tiên phải giải thích lý do, vì sao nên làm hay không nên làm việc đó.

MỘT THÁNG KHÔNG TẮM

Cả nhà xứ chỉ có một cái cầu tiêu và một nhà tắm bé như hai lỗ mũi, tối, hôi và nóng lắm. Thằng nhỏ nhát như con thỏ không dám tắm, sợ vô phép, sợ ma, cứ tắm khô, tắm gió suốt hai tháng hè. Ngày kia ngứa quá không chịu nổi, nó sang nhà bạn Bốn (học cùng lớp) năn nỉ xin tắm nhờ. Ôí trời, da và ghét ở đâu cứ tróc ra từng mảng, như tắc kè lột da. Tắm xong thấy người nhẹ đi cả kí lô.

QUÂN VÔ ĐẠO

Trưa hôm đó, cả nhà xứ đang nghỉ trưa thì nghe cha xứ quát tháo rầm rầm. Mọi người túa ra đàng trước theo cái quạt giấy tay cha xứ chìa ra từ cửa sổ: hai anh chị khuyển hiên ngang dắt nhau lên tiền sảnh nhà xứ, long trọng thi hành nhiệm vụ truyền giống. Cả xóm nhà thờ lục tục kéo ra xem như xem xiếc. Mấy ông trùm lăng xăng giải quyết sự cố. Ông cầm đuôi, ông cầm chân kéo. Chúng nó vẫn cứ yêu nhau khắng khít. Cuối cùng “hội nghị hàng xứ” lệnh cho ông quản chạy về lấy cái đòn gánh, tính thọc vào giữa, hai ông khiêng thốc lên… Nhưng một chàng thanh niên nghĩ ra giải pháp đơn giản mà hiệu quả hơn. Chàng bốc nắm muối thả vào chỗ nhạy cảm của cặp khuyển.Cặp tình nhân Romeo- Juliet đành phải đau khổ rời xa nhau, vừa tháo chạy vừa quay lại chửi ăng ẳng.
Một buổi chiều, cả xứ đang chầu Mình Thánh. Thằng cẩu nhà ai chui vào nhà thờ, leo lên tới gian cung thánh, ngơ ngáo nhìn mọi người. Cả nhà thờ nhốn nháo. Mình đang ở trong phòng áo liền vọt ra, nhanh trí ne nó vào phòng áo, đóng cửa lại. Chầu xong, mình vừa dọn đồ chầu, vừa phải dọn “đồ lưu niệm” của nó tại góc phòng áo. Loài cẩu ở đây toàn là quân vô đạo.

BẪY CHIM

Một hôm, cha già dạy mình cách bẫy chim. Thằng bé cặm cụi làm cả buổi sáng: lấy dao díp thật sắc, cắt tăm tre ra làm đôi, vót nhọn hai đầu, buộc chỉ vào từng chiếc que nhọn đó. Sáng hôm sau, thằng bé đem một giùm móc câu ra bãi biển, cột từng sợi vào que cắm sát mé nước, lấy tép găm vào từng móc câu rồi ngồi rình xa xa. Chim biển sà xuống ăn tép sẽ bị mắc họng. Thằng bé cứ ung dung tóm từng con về chiên dòn. Cha con tha hồ đánh chén. Trò này chắc cha già học được hồi còn bé ở vùng biển Ninh Cường, Bùi Chu, miền Bắc…Nhưng đợi cả buổi sáng chẳng thấy con ma nào ăn mồi, chỉ thấy cá chuối vàng nằm cuộn tròn rải rác khắp bãi biển. Dân ở đây sống thiên nhiên, ít nhà có cầu tiêu. Cứ chạng vạng sáng hay nhá nhem tối, từng bóng đen âm thầm đi ra bãi, ngồi hóng gió một lúc lại âm thầm đi về, không quên để lại món quà cúng Hà Bá. Đấy là cái thú ỉa đồng. “Nhất tắm sông, nhì ỉa đồng” mà lị. Đêm, con nước lên lau lia sạch sẽ. Nhưng sáng ra tắm sớm, coi chừng hớp phải cá vàng.

ANH EM TCV PHAOLO


14642123_1204983896215152_387889995296670027_n.jpg




GX Tân Phước có ba anh em tcv Xuân Lộc:

* Anh Bốn, lớp Toma Thiện, nhà gần nhà xứ, hiện sống tại rừng gai gần bờ sông, gần chiếc đình có đầu trâu.

* Anh Sắc, (lớp Don Bosco), hiện định cư tại nước ngoài.

* Anh Thuần (lớp Don Bosco) chính là Quốc Sĩ, chàng ca sĩ nổi tiếng bên Huê kỳ. Vậy anh em nào bên đó có gặp Quốc Sĩ thì nhớ nắm áo hỏi: “Cậu có phải là Thuần, quê Tân Phước, trước có học tcv Phaolo? Liệu về mà trình diện anh hai Sứ”.
• Sau này mới biết Tân Phước còn có anh Thành lớp Mẹ Vô Nhiễm.
• Tân Phước 2 thuộc quyền cha cố Sự, có chú bé lùn tịt, mỗi lần thấy chủng sinh đi xuất du qua rừng sim hay đồi Khe Sanh, chàng ta nhìn theo hết sức kính phục và thèm thuồng, ngày đêm mơ được vào học chủng viện. Mùa hè 1970, chàng ta ghi tên dự thi và đậu vào chủng viện XL. Chú bé đó là Mai Hữu Thể, nay đã lớn, cao ngót mét tư, hiện sống tại Canada.

Cuối năm 1969, cha bố đổi đi xứ khác. Từ đó đến nay, mình chưa có dịp nào về thăm lại xứ đạo năm xưa. Dù ở có hai tháng, nhưng vẫn nhớ những buổi trưa ngồi đợi cơm. Tiếng gà gáy trưa thân thuộc, tiếng mẹ ru con yên ả, tiếng nhạc quê hương rộn ràng bên hàng xóm, tất cả hòa âm thành khúc dân ca rền rĩ khó quên. Mình nhớ cả mấy cây me cổ thụ ở sân nhà xứ. Gió biển về, lá me bay. Nhưng nhớ nhất là hương hoa sứ. Ngay cửa sổ phòng mình có cây sứ thật to. Hoa sứ phả hương thơm vào khắp nhà, ảm vào quần áo, đồ dùng. Gần nửa thế kỷ trôi qua, mùi hương hoa sứ làng quê vùng biển vẫn còn phảng phất trong tâm trí.


Last Edit: 6 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62891

Các cụ để ý hình 2:cu Huấn bà già đứng thứ hai từ bên trái,miệng phúng phính, tay cầm "dế đỏ".
Last Edit: 6 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62890

.
VIỆC NHO NHỎ, HIỆU QUẢ TO
Mai Nguyên Vũ
12548975_1653445054929713_8694176763632709234_n.jpg

Tiểu chủng viện Phước Lâm. Ngày 1 tháng 8 năm 1969. Chủng sinh tựu trường. Sau ba tháng hè vui vẻ với gia đình, hôm nay các chú trở về chủng viện với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui vì gặp lại bạn bè. Buồn vì sắp “vô chuồng” với bao luật lệ khắt khe, chẳng khác gì đi tù. Đáng chú ý nhất là luật “cấm ăn ngoại bữa”. Ý nghĩa của luật này là không được ăn gì ngoài bữa cơm. Nói nôm na là cấm ăn vặt.

Mình còn nhớ hương vị thơm ngon, ngọt dịu của chiếc kẹo hai vỏ (vỏ bên trong mỏng, trong suốt, ăn được), bán tại nhà ông Chín cụt ở đầu ngõ vào nhà thờ Phước Lâm. Chú nào chú nấy tranh thủ mua một gói, ăn cho đã, còn dư bao nhiêu giấu trong va- li ăn dần. Còn ai đạo đức, tuân thủ qui luật chủng viện thì đem vào nhà cơm, mỗi bữa bóc ăn một cái, nhớ chia cho anh em, kẻo mang tiếng ăn độc.


Trên nóc nhà bếp, bên cạnh phòng ngủ và nhà tắm, người ta hay phơi cơm cháy để dành nấu cám heo. Ban đêm, vài đứa liều mạng leo lên ăn trộm, kẹp cơm cháy với ruốc sả của tên Nguyễn Thành Nam. Có lần mình được chúng bố thí cho một miếng to bằng đầu ngón tay. Mùi thơm, dòn của cơm cháy. Mùi ruốc sả cay cay là lạ. Ôi ngon làm sao! Nguyễn Thành Nam là con trai duy nhất trong nhà. Hắn lại có tới năm bà chị. Lần nào vô chủng viện, cậu ấm cũng được cả năm bà chị rước đi,dù xanh dù đỏ che trước che sau, đem theo đủ loại của ngon vật lạ. Một phần hắn để nơi phòng ăn. Một phần giấu trong va-li khoá kỹ. Đêm về, moi ra ăn dần như loài chuột ăn đêm. Đứa nào trông thấy, hắn liền bẹo cho một tẹo như thầm bảo: “Im cái mồm đi !”.

Chủng viện Phước Lâm nằm cách biển một cây số. Chiều chiều, các chú đi bộ ra biển tắm hoặc đá banh. Con đường mòn băng qua rẫy trồng khoai lang. Giờ này bụng đã lỏng, có cái gì bỏ bụng thì còn gì bằng. Các chú phát hiện một món ngon ngay dưới chân mình: dế đỏ (củ khoai lang màu đỏ). Thế là phong trào “bắt dế đỏ” lan ra cả chủng viện. Nhiều chú luyện tay nghề thật thành thạo. Động tác bắt dế thuần thục và lanh lẹ. Trong vòng tích tắc, “con dế” đã nằm gọn trong túi quần hay chui tọt vào mồm. Giám luật có ngàn mắt ngàn tay như Đức Phật chưa chắc đã bắt được.



Mới đây, trong dịp CCSXL vào chúc tết cha giáo Nguyễn Việt Tiến, ngài kể: “Hồi ấy các chú cũng quỉ quái lắm. Tên đi đầu ngó thấy “con dế đỏ” nhú đầu ra. Nó biết thày Tiến đang đi sau nên chỉ đá vào đầu con dế một cú. Con dế thò hẳn đầu ra ngó thiên hạ.Thằng đi sau bồi cho cú nữa. Con dế trồi nửa người ra. Tới thằng thứ ba thì con dế lộ nguyên cả người, chỉ còn cái chân nằm lại. Thằng cuối cùng ngó trước ngó sau,lượm dế bỏ túi. Xuống biển tắm, chúng chia nhau đồng đều, mỗi đứa cắn một miếng. Tớ biết hết nhưng lờ đi”.Bây giờ khoai Đà lạt nướng thơm ngon, bóc vỏ đưa hầu tận miệng chưa buồn ăn. Còn hồi đó đói, thèm ăn đủ thứ, nên ăn khoai sống vẫn thấy ngon ngọt hơn sơn hào hải vị.

15871214_124657068034911_222426950_n.jpg

Biển có những ngày “giở giời”, xuất hiện những sinh vật đặc trưng như rong biển, sứa, cầu gai, ốc, hến…Thích nhất là loài hến. Có hôm hến to nằm đầy dưới lớp cát. Chỉ việc lấy tay cào nhẹ là bắt được cơ man nào là hến. Có lần cha Giám Đốc tổ chức cả chủng viện đem rổ, xô, thùng ra biển bắt hến về cho nhà bếp nấu canh. Hôm khác lại xuất hiện toàn hến bé bằng ngón tay út. Một số chú bắt về bỏ ống lon, đốt nến luộc, ăn lén tại nhà giặt. Con hến tươi ngon ngọt, ăn quên chết.

Đọc tới đây, chắc có người_ nhất là các bạn trẻ, bĩu môi chê trách: luật lệ gì kỳ cục. Con nít con nôi mới 12 tuổi đầu, đang tuổi ăn tuổi lớn mà bắt nhịn thèm khổ sở như vậy! Thế mới là nhà tu. Sống “buông tuồng” như người đời sao gọi là tu !

Riêng mình, hôm nay nhìn lại, thấy luật “cấm ăn ngoại bữa” thật tuyệt vời:

* Chống béo phì, làm đẹp quí bà: đây là căn bệnh thời đại. Người ta ăn nhiều quá, lại ít vận động nên cứ phát phì ra. “Qúi bà vĩ đại” bên trời Âu tốn hàng chục tỉ đô-la để giảm cân. Nhưng cách giảm cân hiệu quả và chẳng tốn tiền là không ăn vặt. Nhiều bà to béo than rằng: “Em chỉ ăn mỗi bữa có miệng chén cơm, mà sao số ký em cứ lên vùn vụt, ngót 90 ký rồi”. Thưa rằng em ăn ít cơm, nhưng mà chè cháo, bánh quà em sơi xả láng từ sáng tinh mơ tới lúc chiều tà. Vậy liệu pháp tốt nhất là không ăn vặt. Hãy thử vài tháng sẽ tìm lại được vóc dáng thon thả thời con gái nheo nhẻo.

* Tránh được nhiều bệnh tật như sâu răng, rối loạn tiêu hoá, đau dạ dầy, cao huyết áp, tiểu đường…

* Ích lợi lớn nhất là luyện ý chí. Nho giáo có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Nghĩa là: trước hết phải tự rèn luyện bản thân rồi mới tính chuyện điều khiển gia đình, cai trị đất nước, cuối cùng là dẹp yên thiên hạ. Nếu không cầm mình được trước một miếng ăn, thì đừng hòng giữ mình trước cám dỗ của đàn bà. Nhịn một miếng ăn là việc nhỏ nhưng đem lại hiệu quả lớn lao.

Mình hút thuốc lào từ năm 1975. 23 năm sau quyết định bỏ thuốc. Tới nay đã được 21 năm. Có thể do những năm tháng tuân thủ kỷ luật nhà tu nên mình bỏ thuốc dễ dàng như vậy chăng.

Mùa Chay, Gíao hội mời gọi chúng ta ăn chay, hy sinh, hãm mình để lập công, đền tội và hiệp thông với những đau khổ của Chúa, riêng mình còn thấy ăn chay, hy sinh, hãm mình đem lại nhiều lợi ích ngay ở đời này.

Cả ba người đẹp trong nhà mình đều là lá ngọc cành vàng, ăn uống nhỏ nhẹ, tới bữa chỉ gắp qua loa rồi buông bát, hay than phiền rằng ăn của gì cũng chán. Nhưng cứ tới thứ tư lễ tro hay thứ sáu tuần thánh, y kỳ mẹ nó đi làm về sớm, cái mặt nhăn nhăn vì đói. Tới bữa ăn, cả ba người đẹp đều ít nói, chăm chú ăn uống ngon lành, không ai kêu chán ăn như mọi ngày. Dĩ nhiên, nồi cơm hôm ấy bị vét sạch sẽ. Thì ra ngày chay, các mẹ không ăn vặt nên đói ngấu. Ngành y lại thêm một liệu pháp điều trị chán ăn là không ăn vặt.



[
/size]
Last Edit: 6 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.

MỘT THỜI ĐI TU 6 years 8 months ago #62887

ĂN CƠM NHÀ ĐỨC CHÚA GIỜI
Mai NguyênVũ
IMG_0872_2017-07-31.jpg
CƠM SÁNG


6 giờ sáng, các cha các thầy từ trên lầu đi xuống. Các chú từ phòng học đi ra. Tất cả im lặng cùng đổ vào một địa điểm: nhà cơm. Không nơi nào thể hiện đúng từ “gia đình chủng viện” cho bằng tại nhà cơm. Từ cha Giám Đốc đến chú lớp 6, tất cả ăn cùng một nồi cơm trong cùng một mái nhà. Bữa sáng, quanh năm chỉ ăn cơm với một món như muối mè, dưa chua…Món thường niên là muối mè. Nó theo đuổi chủng sinh XL từ Phước Lâm về tới Long Khánh. Lâu lâu ăn một lần thấy ngon, nhưng “trường kỳ kháng chiến” thì ngán lắm. Nhiều bữa ngồi nhai cứ ngỡ đang nhai mùn cưa…Bữa sáng còn một món nhớ đời là dưa chua.Sáng sớm ăn cơm với dưa chua chấm nước mắm thật là khó nhá. Tại Phước Lâm, đôi khi cũng có vài hạt sạn trong bàn cơm như dưa giòi, nước mắm giòi. Chẳng sao cả, cứ việc sơi. Có khi vì vậy mà các chú khỏe hơn, học giỏi hơn chăng.
Có một món lên hàng “number one” là sữa heo. Bị dứt sữa sớm nên tên nào cũng khoái sữa.Ôi chao! Sáng nào có món sữa heo coi như đại lễ. Tất cả các nồi cơm đều bị cạo sạch sẽ. Các chú í ới xin cơm. Mồm mép chú nào cũng ngoe ngoét sữa, chóp chép, liếm láp cho bằng sạch…
Cũng tại chủng viện Phước Lâm, năm đệ Thất (lớp 6), mình nhớ mãi mấy bữa cơm sáng. Nồi cơm chỉ vừa 4 chén lưng lửng. Hai tên đầu lấy cơm vừa đủ. Tên thứ 3 vét sạch luôn. Tới lượt mình chẳng còn hột nào. Thằng bé ngồi khóc, nước mắt nước mũi dàn dụa. Chung quanh anh em ăn uống ngon lành, chỉ có mình nhịn đói nên tủi thân vô cùng. Cảnh đó thỉnh thoảng lại tái diễn . Hồi ấy còn nhỏ, nhát lắm, chẳng dám trình với các đấng để xin thêm cơm. Ông bà có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là vậy. Mấy tháng đầu , các chú còn sống “hoang dã”, chưa biết nghĩ tới anh em. Nếu mình nhớ không lầm thì anh bạn đó “go out” khá sớm.

NHÀ BẾP CHỦNG VIỆN PHƯỚC LÂM

Hai bà sơ nấu cơm chủng viện tên là Ga và Ro, thuộc dòng Đaminh Phước Tỉnh. Thày Sơn giúp nhà thờ Phước Lâm, kiêm luôn anh nuôi. Hằng ngày thày phải đánh xe ra chợ Sặt mua đồ ăn vì ở đây mới có rau cỏ tươi.Có mấy người phụ việc nhà bếp là anh Chôm, chuyên gia máy Kohler, bơm nước từ cái ao sau nhà chơi. Đây là nguồn nước tắm giặt của cả chủng viện. Nghe đồn trâu bò có mấy lần xuống tắm um ủm đưới đó. Thôi kệ, cứ tắm giặt, rửa mặt, đánh răng, có chết ai đâu.Năm ấy, cha Giám Đốc thuê người giộng giếng nhiều lần nhưng không có nước, đành sài tạm nước ao. Còn nước ăn phải mua từ Long Điền.
Năm 2001, anh em lớp mình về thăm lại chủng viện xưa, cha cố Đoàn và cha Sơn dẫn bọn mình đi xem giếng mới khoan ngay tại sân chủng viện, gần cổng ra vào. Dòng nước ngon ngọt liên tục đùn lên cách mặt đất 0,5m. Vậy mà hồi xưa cứ đào phía nhà bếp nên không có nước.
Nhà bếp còn có một ông lực lưỡng, không biết tên gì, các chú cứ gọi là ông Samson. Sau nhà thờ Phước Lâm có một cây cổ thụ. Người ta cưa đốn đi. Ông này ở trần,tướng người vạm vỡ, bắp thịt cuồn chuộn,vác những khúc cây thật to về bổ ra cho các dì nấu cơm. Từ đó các chú đặt tên cho ông là Samson.

CƠM TRƯA

Đầu giờ cơm, cha Giám Đốc đọc: “Xin Chúa chúc lành- Xin Chúa chúc lành. Lạy chúa, xin chúc lành cho chúng con và những của Chúa ban cho chúng con đây do lòng rộng rãi của Chúa, chúng con sắp được lãnh nhận, nhờ Chúa Kitô Chúa chúng con- Amen.”
Sau đó, mọi người im lặng nghe đọc “Gương Chúa Giêsu”. Hết đoạn sách, mọi người bắt đầu ăn cơm nhưng vẫn phải im lặng để nghe đọc truyện: “Vô gia đình”, “Mùa hè đỏ lửa”… Đầu tháng, nghe chánh tràng đọc “Qui luật các tiểu chủng viện giáo tỉnh Saigon”.Khoảng 15 phút sau, cha Giám Đốc ấn chuông và đọc “Chúng ta hãy chúc tụng Chúa- Tạ ơn Chúa”. Lúc đó mới được nói chuyện.
Bộ đồ ăn chủng viện toàn hàng Mỹ, từ nồi cơm, tô canh, chén, đĩa đến đĩa ăn, muỗm, xiên. Cơm trưa và chiều bao giờ cũng có ba món: thịt, cá hoặc trứng, rau xào và canh. Trong ngày đại lễ, đồ ăn ngon hơn và thêm món chuối tráng miệng.Buổi tối thường có món “canh toàn quốc”. Canh cải nấu với thịt. Cải thì có còn cái thì phải xắn quần lội mò đúng 10 phút mới vớt được một miếng.

Cơm xong, các chú cầm muỗm, đĩa của mình đi rửa. Đĩa ở Phước Lâm trong suốt. Đĩa ở Long Khánh màu trắng đục như sữa.
Thỉnh thoảng lại nghe cái “choảng”: ai đó đánh rơi đĩa vỡ tan tành thành từng mảnh như hạt ngô. Chú nào đánh vỡ phải bỏ tiền túi ra đền.
Sang chủng viện Xuân Lộc, khoảng năm 1970-1971,3g 30 chiều còn có bữa “xép”. Mỗi chú được một chén cháo bột ngô, thêm chút năng lượng cho 1g chơi buộc.

CƠM TỐI

Sau giờ chầu, mọi người đi thẳng vào nhà cơm. Buổi chiều, các chú thích nhất là món trứng luộc. Mỗi chú được nguyên một quả trứng vịt, dằm ra, xịt vô tí nước mắm, trộn đều với cơm, ăn quên chết. Những hôm đó, chai nước mắm nào cũng bị dốc cạn khô, cơm chẳng dư một hột.Cũng có anh như Cư Dom, Trung Mai ăn cơm với nước mắm. Qủa trứng luộc thành món ăn chơi, ăn vã cho đã.
Trước khi kết thúc giờ cơm, chánh tràng đi một vòng xem anh em ăn xong chưa. Anh đứng cúi chào trước bàn các cha. Cha Giám Đốc ấn chuông, mọi người đứng lên đọc kinh tạ ơn.
Những năm đầu, chánh tràng là anh hai Huỳnh Ngọc Xinh, biệt hiệu Xinh chồ. Anh có thân thể rắn chắc, cặp giò nở nang, dáng đi mạnh mẽ, mắt đeo kính đen, nói giọng Nam bộ. Những năm sau anh hai Vũ đình Hiệu lên thay Huỳnh Ngọc Xinh. Anh hai Hiệu dáng người cao lớn, nước da trắng mịn, nụ cười hiền hậu, dễ mến. Anh luôn đứng đầu lớp trong bảng xếp hạng hàng tháng. Sau khi lớp Tôma ra trường, anh Vũ Xuân Ninh lên làm chánh tràng. Cuối cùng, anh Đỗ Trọng Quang bao chót chức này cho đến ngày tan đàn xẻ nghé. Mới đây, anh Quang tếu rằng:
“Tôi vẫn là chánh tràng, vì chưa hề bàn giao cho lớp dưới”.

DẠ YẾN

Có năm gần lễ Giáng Sinh, cả chủng viện đang náo nức chuẩn bị tâm hồn và làm hang đá, làm kiệu Chúa Hài Đồng, cha Giám Đốc khích lệ đàn con bằng lời hứa rất hấp dẫn: “Đêm Giáng Sinh năm nay, các con sẽ được ăn dạ yến”. Tới ngày lễ, sau cuộc rước kiệu Chúa Hài Đồng và thánh lễ đêm thật sốt sắng, các chú hăng hái vô nhà cơm thưởng thức dạ yến. Té ra là cháo gà. Cháo thì có, còn gà, kiếm mỏi mắt mới thấy vài miếng nho nhỏ. Thế thôi, nhà khó, con đông hàng mấy trăm đứa, có cắt tiết vài chục con gà cũng chả bõ bèn gì. Gà chỉ lội vào nồi cháo cho có hơi rồi nhảy ra.
Nói đến chuyện ăn uống, cũng phải bàn về tiền bạc, học phí. Mình còn nhớ năm đầu tiên (1968) đóng 8.000$/năm. Sau lên Xuân Lộc, đóng 10.000$/năm. Số tiền đó khá lớn đối với gia đình mình. Cha mẹ, anh chị em phải đổ biết bao mồ hôi trên ruộng đồng mới gom đủ cho mình ăn học. So với thời giá hiện nay không biết là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không đủ. Địa phận và Tòa Thánh có lẽ phải bù gấp mấy lần như thế. Vì vậy, hàng năm các lớp phải chụp hình để Đức Cha bá cáo lên Tòa Thánh.
Viết tới đây, mình nghe thấy giọng nói thân quen của cha Linh Hướng: “Ông Loi ăn cơm mòn bát mòn đĩa nhà Đức Chúa Giời những 12 năm, không đắc đạo thì thôi, ra đời nhớ sống xứng đáng, đừng có ăn ở buông tuồng mất nết như quân vô đạo mà ăn lý đoán Đức Chúa Giời nghe không ông Loi !”




Last Edit: 6 years 8 months ago by Vũ Đức Lợi (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012