Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Một vùng kỷ niệm - Trăm niềm nhớ thương

Một vùng kỷ niệm - Trăm niềm nhớ thương 5 years 8 months ago #63387

Cảm phục chú út Đaminh Phan Khắc Lý đã viết bài này khi đang ngồi trên máy bay tiến về ĐH CCS Phaolo Xuân Lộc lần III năm 2018 tại Santa Ana, California. Phan Khắc Lý vì bận công việc nên tới ĐH buổi sáng thứ Bảy. Cũng như lần ĐH trước 2015, vợ chồng Lý+Huyền đem tới tặng ĐH một số cặp kiếng mát để làm phần thưởng cho các giải raffle tickets.
Phan Khắc Lý nhường cho MBT Huyện đọc bài viết trên trong tiết mục văn nghệ đóng góp của lớp út Đaminh. Bầu khí sinh hoạt trong đêm văn nghệ tối thứ Bảy trở nển vui nhộn thêm nhờ các lần rút thăm vé raffles xen lẫn các tiết mục văn nghệ do các lớp đóng góp.
Tiếc rằng thì giờ dành cho đêm văn nghệ bị rút ngắn 1 tiếng đồng hồ nên còn một số tiết mục chưa được trình diễn thì chúng ta phải trả lại hội trường. Thôi thì chúng ta để dành những tiết mục này cho lần ĐH 2 năm tới vậy.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Dương Văn Hoằng (Don Bosco)

Một vùng kỷ niệm - Trăm niềm nhớ thương 5 years 9 months ago #63376


  • Posts:51 Thank you received: 53
  • Ban Biên Tập
  • BBT's Avatar
  • BBT
  • Administrator
  • OFFLINE
Ban Biên Tập : :

Đại Hội Santa Ana năm nay đã xong, anh chị em người đang trên đường về nhà, người đã nhào vào công việc sinh kế. Các tay bút, thợ nhòm còn đang loay hoay sắp xếp các bản tường trình.

Chút tâm tình cuả em Út Phan Khắc Lý đã chia sẻ trong Đại Hội xin gửi ra đây để cả nhà cùng thông công. Út Lý là đại diện duy nhất cho lớp Đa Minh dịp này nhưng tấm lòng chung thật sâu đậm tràn đầy.


:email2

"Năm nay nghe ban tổ chức nói mỗi lớp đóng góp hai tiết mục văn nghệ. Em chẳng biết ca hát hay kể chuyện gì, nên viết một bài tâm tình gửi đến quý anh em rồi đọc trong ngày đại hội.

Thực sự em đang ngồi đợi chuyến bay về lại Dallas. Nhớ đến anh, nên gửi tới anh một chút chia sẻ của em trong ngày đại hội năm nay. Đây là nguyên văn bài đọc của em vào buổi tối thứ bẩy":


Chào quý anh chị,



Thật vui và xúc động khi gặp lại tất cả mọi người đông đủ hiện diện nơi đây.

Ba năm trôi qua, nhìn lại mà thấy thời gian qua đi nhẹ như chiếc lá rơi. Cảm giác cứ như là có người tình xa, mà mỗi ba năm mới được gặp lại nhau một lần.

Lần này em lại đơn phương phó hội cho lớp Đa minh của mình. Em xin mạo muội gửi đến quý anh chị một chút tâm tư của mình.



Vào cuối tháng 4 năm 2016. Khi thảm họa môi trường tại các tỉnh Miền Trung xảy ra, bài thơ "Đất Nước Mình Lạ Quá Phải Không Anh?" của cô giáo Trần Thị Lam đă làm xúc động bao người VN có tâm huyết với đất nước.

Mượn tựa đề của cô giáo Lam, em xin chia sẻ với các anh một bài tâm tình của em với nhan đề “TCV mình lạ quá phải không anh?"

Bắt chước cô giáo Lam đưa ra những câu hỏi cảm thán và tự trả lời cho chính mình.



1. TCV mình VUI quá phải không anh?



Có rất nhiều niềm vui về đời sống tiểu chủng viện nhưng em xin kể hai điều thôi.



Nhớ lại thời kỳ đầu mới xây dựng TCV, các anh lớp lớn ai cũng có những ngày thơ ấu thần tiên ở TCV Phước Lâm. Những kỷ niệm thật hồn nhiên được ghi lại trong những trang hồi ký về đời sống TCV.

Từ cuộc sống sinh hoạt vệ sinh thiếu nước, đến những cơn đói khát thiếu thốn ở đó.

Các anh phải cải thiện bữa ãn thêm bằng những củ khoai, hay con cà cuống bắt được. Nhưng nhớ lại những điều này không ai cho là khổ cả, mà còn thấy rằng đó là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời.



Ngày xưa trong TCV ai cũng được cha Linh hướng hay bạn bè đặt thêm cho một biệt danh (Nick name) thật ngộ. Lớp nào cũng có những biệt danh thật buồn cười và mỗi “nick name” đều có một giai thoại thật đặc biệt

Để kể về các giai thoại này, xin quý anh cứ hỏi cha Tân (nhà sử học của TCV), với trí nhớ siêu phàm ngài sẽ kể chi tiết về lịch sử “Nick name” của từng người một.



2. TCV mình LẠ quá phải không anh?



Biến cố 1975 tưởng chừng đã làm chúng ta chia lìa vĩnh viễn. Vậy mà bao nhiêu năm sau, chúng ta vẫn còn tìm đến được với nhau. Ở quốc nội, mỗi năm đều có ngày họp mặt truyền thống. Còn ở hải ngoại này, thật kỳ diệu là dù đã hơn bốn mươi năm, từ bốn phương trời xa xăm chúng ta vẫn còn tìm đến nhau. Khi gặp lại nhau, từ trong sâu thẳm, chúng ta cảm thấy có một sợi dây vô hình gắn bó với nhau.

Đó là tình huynh đệ thân ái đằm thắm của gia đình TCV Phao Lô.

Các anh lớp lớn chưa từng gặp mặt các em lớp nhỏ, vì khi các lớp nhỏ bắt đầu chào đời, thì các anh đã trưởng thành rời xa mái trường.

Vậy mà tất cả chúng ta đều có một mối tình thân cảm mến sâu xa.

Chúng ta vẫn chia sẻ với nhau những vui buồn hiếu hỉ qua diễn đàn TCV hay trong email group.

Dù chỉ “một lần gặp gỡ” hay trao đổi qua email, mà trong lòng đã cảm thấy “như quen từ thuở nào.”



3. TCV mình đáng PHỤC quá phải không anh?



Nhớ lại ngày xưa để bước chân vào TCV, tất cả chúng ta đều trải qua một kỳ thi tuyển gắt gao. So với TCV hay dòng tu của các địa phận Công giáo VN vào lúc đó, TCV PL XL là nơi chọn lọc và đào tạo khắt khe nhất.

Dù TCV chỉ có tồn tại vỏn vẹn 8 năm trời, nhưng trong hàng ngũ chúng ta đã có những tông đồ giáo sĩ xuất sắc, các mục tử đạo đức và đầy năng lực của mỗi lớp, các nhạc sĩ Công giáo được yêu mến, và còn lại là biết bao người tông đồ giáo dân nhiệt thành.



Dù hầu hết chúng ta không được tuyển chọn làm Tư tế của Chúa, nhưng chúng ta tự hào khi xuất thân từ TCV Phao Lô.

Mỗi người chúng ta đã được hấp thụ một nền giáo dục đầy đạo đức và hướng thụ một nền văn hóa tốt nhất thời bấy giờ. Dù ở trong mái trường TCV dài hay ngắn, Sau này, chúng ta ra đời chắc chắn cũng là những người tín hữu Công giáo VN tốt và những người gia trưởng gương mẫu.



4. TCV mình BUỒN quá phải không anh?



Mái trường TCV được xây dựng từ những năm tháng sơ khai vất vả, với bao tâm huyết, đến khi được hình thành ổn định lại bị bức tử bởi những biến cố lịch sử của dân tộc.

Cha GIám đốc, người lãnh đạo cao nhất đã trải qua bao năm tháng tù đầy, quản chế cấm cố và âm thầm từ trần trong nhà hưu dưỡng.



Các anh lớp lớn phải đi lao động ở Bảo Toàn, Gia Yên, Bạch Lâm... nhưng cuối cùng cũng phải từ giã đời sống tu trì trở về với gia đình của mình. Còn các em lớp nhỏ lưu lạc và phân tán khắp nơi.

Ngôi trường tiểu chủng viện thân yêu của chúng ta đã tan biến theo thời gian



Cách đây ít lâu trong bài viết "Bốn mươi năm - Trưởng cũ tình xưa", em có nói về tâm sự của mình nếu được trở về thăm ngôi trường xưa:

“Chúng ta còn buồn hơn bà Huyện Thanh Quan trong "Thăng Long hoài cổ" nhiều. Qua cuộc "hý trường" này, mọi dấu tích của ngôi trường thân yêu đã xóa nhoà. Không còn một gốc cây ngọn cỏ ngày xưa nào để chúng ta kiếm tìm chút "hồn thu thảo", hay cũng chẳng có hồ Đức Mẹ, để chúng ta được ngồi soi bóng, xem nước hồ có "cau mặt với tang thương" qua những đổi thay của thời cuộc.”



5. TCV mình THƯƠNG quá phải không anh?



Trong gia đình TCV Phao Lô chúng ta thường ví cha Giám đốc như người Cha trong gia đình, còn Đức cha linh hướng như người Mẹ hiền. Nay hai vị phụ mẫu của chúng ta đều qua đời. Chúng ta trở thành những đứa trẻ mồ côi trong mái gia đình TCV, chỉ có mấy anh em còn lại đùm bọc lẫn nhau.



Đã hơn một lần, em từng ví ngôi trường TCV xưa của chúng ta như một giàn thiên lý đã xa, và chúng ta chỉ là những chú bé tội nghiệp, dù biết rằng đã xa hút rồi, nhưng tâm hồn chúng ta lúc nào cũng khắc khoải thương nhớ mãi. Biến động thời cuộc đã vĩnh viễn làm tan vỡ đi tổ ấm yêu thương của đàn chim TCV Phao Lô, tàn phá tài sản tinh thần quý giá của cha Giám đốc qua bao năm dầy công gầy dựng.

Chúng ta ngồi đây là đang cố gắng xây dựng lại ngôi trường xưa trong tâm tưởng, mọi người chúng ta đều có trách nhiệm gìn giữ ngôi nhà ấy.

Để căn nhà đó sống mãi trong lòng mọi người, mỗi người chúng ta hãy là những viên gạch thương yêu, và tình đoàn kết của chúng ta sẽ là những xi măng vôi vữa gắn kết cho ngôi nhà được bền vững.



Mời quý anh chị cùng đồng ca bài "Thắp sáng trong con” của nhạc sĩ Hùng Lân, như là một lời cầu xin Chúa và thánh Phao Lô quan thầy, thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn mỗi người và giữ gìn mái ấm của gia đình TCV PL luôn nồng nàn tình huynh đệ mến thương.

Sent from my iPhone

Phan Khắc Lý
Last Edit: 5 years 9 months ago by BBT.
The administrator has disabled public write access.

Một vùng kỷ niệm - Trăm niềm nhớ thương 5 years 9 months ago #63369

Chỉ còn ít ngày nữa là chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình trở về "vùng trời kỷ niệm" và hành trang là "trăm niềm nhớ thương" dành cho bạn bè và ngôi trường TCV thân yêu.

Mỗi lần đại hội gia đình CCS TCVPL dù ở trong nước hay hải ngoại, luôn làm em chợt nhớ tựa một bài viết thật cảm động của anh Hùng 31 cho lần gặp gỡ đầu tiên ở Atlanta: "Tôi đi tìm tôi". Có lẽ đây là chủ đề và mục đích chính cho mỗi lần hội ngộ của anh em chúng ta. Mỗi lần có dịp gặp lại bạn bè thời đi tu ở TCV, chúng ta như tìm lại thời tuổi trẻ của chính mình. Mỗi người bạn xưa đều mang bóng dáng của một quá khứ êm đẹp và một phần của cuộc đời chúng ta. Ngồi bên nhau ôn lai những kỷ niệm tươi đẹp của những ngày xưa thân ái, là một dịp chúng ta cùng nhau ráp nối lại từng phần hình ảnh của quá khứ. Cuối cùng chúng ta có được một cuốn phim tuy không hoàn hảo nhưng cũng đủ giúp mọi người lần bước trở về dĩ vãng êm đẹp của một thời áo trắng.

Trong đại hội lần trước, LM nhạc sĩ Kim "Top" đã ngẫu hứng sáng tác ca khúc thật ý nghĩa "Tắm lại dòng sông":
"Không ai tắm hai lần trong một dòng sông,
Đời anh có một thời ở nhà Phao Lô
Mấy mươi năm xa rời mái trường
Mỗi một lần hội ngộ tri âm
Tựa một lần tắm lại dòng sông."
Dù rằng thời thơ ấu đã quá xa xưa, nhưng mỗi lần hội ngộ là để chúng ta có dịp thả trôi ký ức về dòng sông dĩ vãng êm đềm đầy kỷ niệm.

Bao bận rộn lo toan của đời sống thường nhật đã làm chúng ta quên đi những ngày tháng êm đẹp thuở học trò. Mỗi một buổi gặp gỡ như những con mưa rào đánh thức những kỷ niệm đẹp đẽ êm ái đã ngủ quên bao lâu nay trong khu vườn ký ức tuổi thơ năm xưa. Thật hạnh phúc! khi một lần nữa chúng ta lại đuợc cùng nhau lang thang vào khu vườn kỷ niệm thơm ngát hương xưa ấy. Sau bao năm xa cách, dù mỗi người một cảnh ngộ khác nhau, anh em lại có dịp mừng rỡ gặp lại nhau và tình cảm của chúng ta vẫn hồn nhiên và thắm thiết như ngày nào.

Có người cho rằng, có hai thứ càng lâu năm càng quý: đó là bạn thân và rượu.
Nhưng bình rượu cũ còn mua được và có thể ngày càng có nhiều hơn, còn bạn thì vô giá và ngày càng vắng dần... Vậy có lẽ bạn thân còn quý hơn rượu chứ!

Nói nhỏ với các bác, đôi khi trong đời tình bạn còn bền bỉ hơn tình yêu nhiều. Tình yêu như một trò chơi cút bắt. Nhiều khi chúng ta rượt đuổi người này, nhưng cuối cùng lại bắt lầm người khác, hoặc đôi khi mệt nhoài mà không giữ được đời nhau. Rốt cuộc trong tình trường chúng ta dễ bị thua thiệt, không cẩn thận canh giữ tình yêu sẽ vỗ cánh bay xa. Còn tình bạn bao năm vẫn còn đó, có chăng với thời gian chỉ càng thêm đậm đà.

Bạn bè và rượu ngon cũng có sự tương đồng. Được gặp gỡ bạn bè thân, cùng nhau hàn huyên cảm giác lâng lâng cứ như được nhấp một ly rượu ngon. Lâu ngày gặp lại bạn cũ, càng trò chuyện nhiều, cứ như càng uống càng thấm, tâm hồn thật hưng phấn làm chúng ta nói cười huyên thuyên như trẻ thơ.

Xin được phép nhắc lại một đoạn tâm tình em đã chia sẻ cách đây 3 năm:
"Trăm con tim - Một Gia đình". Đại hội hải ngoại là một cuộc hội tụ của những trái tim thương yêu, của một sự trở về mái nhà TCV xưa yêu dấu cho tất cả anh em và bè bạn. Dù mái trường xưa của chúng ta không còn, nhưng gặp gỡ nhau để chúng ta được sống lại không khí sinh hoạt ngày trước, và cùng nhau hát lại những bài thánh ca quen thuộc năm nào. Chúng ta tạm quên đi những lo toan, muộn phiền của đời sống này, để thả hồn về dĩ vãng thuở xưa. Ngồi nói chuyện xa xưa, cùng bạn bè thân quen gợi nhớ lại những kỷ niệm đầu đời, bỗng dưng thấy tâm hồn ngọt ngào, lắng dịu. Có những ký ức vụn vặt, đơn sơ mà chỉ người trong cuộc mới cảm được sự thú vị khi gợi nhớ về. Anh Hùng 31 từng viết về những lần gặp gỡ: "chúng tôi hót như sáo. Những chuyện xưa cũng như chuyện nay nổ như bắp rang, vợ con nghe thấy chẳng có gì hay thế mà các bố tán cả ngày lẫn đêm không biết chán".

Quỹ thời gian của chúng ta mỗi ngày một cạn kiệt. Nhớ lại lần họp mặt trước cách đây 3 năm, mà thấy thời gian qua mau như một cơn gió thoảng. Nhìn lại cuộc gặp mặt trước, chúng ta đã thấy thiếu vắng anh Trần Đức Nam và chị Hương của anh Hùng 35. Hai anh chị mới hôm nào còn đàn hát trên sân khấu, mà nay "những người muôn năm cũ" ấy, đã "hồn ở đâu bây giờ"?

Có lẽ tại lần đại hội năm trước trong bài ca nhập lễ vào ngày thứ Bẩy, cha Tân chọn bài: "Đi về nhà Chúa".

"Đi về nhà Chúa, tim con reo hoan lạc Chúa ơi!
Đi về nhà Chúa, ôi bao nhiêu mến thương ngập trời!"

Khi chọn bài hát này, cha Tân chỉ mong quý anh chị em đi trở về mái nhà gia đình TCVPL năm xưa, nhưng có mấy anh chị đi lạc xa quá, gặp Chúa, nên Ngài dẫn đi sớm thôi!

Nhớ lại trong tấm thiệp mời họp mặt cách đây mấy năm, anh Hai Sứ kêu gọi anh em: "...Ráng đến với nhau, vì vài năm nữa chắc gì còn sức mà đến với nhau!" Lời than thở ấy như một dấu lặng buồn. Cách đây khá lâu, có một email ngắn nhưng rất cảm động của anh Đa Minh Nguyễn Bình An, tên ngày xưa là Nguyễn văn An. Anh An viết: "...Ngày nào mình cũng mở email, đọc những lời tha thiết của mọi người mà muốn rơi lệ." Anh đọc danh sách lớp mà ngậm ngùi quá vì thấy "hàng chữ RIP hơi nhiều".

Chúng ta biết trước có một điều phải đến là những ngày họp mặt sau này sẽ "mỗi năm mỗi vắng". "Ngày mai trong đám xuân xanh ấy" của chúng ta sẽ có những người "bỏ cuộc chơi".
Vậy chúng ta hãy vui với những giây phút hiện tại, khi còn may mắn hạnh phúc, được cùng nhau họp mặt và sống lại những năm tháng hồn nhiên của tuổi thơ năm nào.
Hãy đến với nhau như đây là một buổi "họp mặt lần cuối" để cùng nhau tâm sự và sống hết tình bên nhau.

Cầu mong thật nhiều niềm vui và khoảng khắc ý nghĩa sẽ tràn đầy trong những ngày sum họp năm nay.

(Gởi cho quý anh em nghe bài "Những ngày thơ mộng" của Hoàng Thi Thơ. Một tác phẩm dành riêng cho ai mong muốn tìm về những kỷ niệm êm ái, dấu yêu đẹp nhất của một đời người.)

The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012