Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Nhận định và góp ý Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo

Nhận định và góp ý Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 8 years 10 months ago #59363



Về trời Cha đã dặn rằng.

"Ta đi sẽ gửi Thánh Thần ủi an"

Ngài là thượng trí bảo ban.

Các con đừng sợ quân gian thế trần.


Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Last Edit: 8 years 10 months ago by Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.

Nhận định và góp ý Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 8 years 10 months ago #59342

Tử lâu Giáo hội lặng im

Trong hang toại đạo, con tim rối bời

Giờ đây mạnh bạo mở lời

Thánh thần linh hứng, mở thời chứng nhân
Last Edit: 8 years 10 months ago by Trần Văn Tân.
The administrator has disabled public write access.

Nhận định và góp ý Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 8 years 10 months ago #59341

Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định và góp ý Dự thảo 4 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo
Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
72/12 Trần Quốc Toản. P.8. Q.3. Tp.HCM

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý
DỰ THẢO 4 LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Kính gửi: - Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam,
- Ông Phạm Dũng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ,

Đáp lại yêu cầu xin góp ý cho bản Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo 4), chúng tôi, Ban Thường vụ, nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, xin có một số nhận định và đề nghị sau:

I. NHẬN ĐỊNH CHUNG

Bản Dự thảo 4 chưa làm rõ mục đích của luật, vì luật được tạo ra nhằm đảm bảo quyền con người, tạo sự bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đem lại bình an cho xã hội cùng cộng đồng dân tộc.

Điều kiện tiên quyết đem lại bình an cho cộng đồng dân tộc là việc người dân chu toàn bổn phận làm người, - tu thân, tề gia, trị quốc, - phải mang tính thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời là thuận ý trời. Địa lợi là lợi cho truyền thống văn hoá đạo đức dân tộc. Nhân hòa là hoà với lòng nhân, lòng đạo của người dân.

Trong bản Dự thảo 4 có những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà cầm quyền (như Điều 9, cùng những Điều nói về việc đăng ký…), mà quên đi quyền lợi của người dân, chưa làm rõ tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo.

Điều thiếu sót quan trọng nhất của Dự thảo 4 là không công nhận sự “tồn tại” hợp pháp của một tổ chức tôn giáo trước pháp luật Việt Nam, qua việc không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân” chiếu theo Điều 84-85 của Bộ Luật Dân sự 2005.

Nhìn chung, bản Dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.

II. MỘT SỐ CHI TIẾT

Dự thảo 4 có rất nhiều Điều, khoản và những chi tiết bất cập, không nói lên được thiện chí của Nhà nước trong việc tôn trọng sự tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một số Điều, khoản và chi tiết đáng quan tâm nhất:

1. Điều 2 khoản 4 chưa giải thích rõ cụm từ “quy định của pháp luật” là như thế nào.

2. Điều 6 khoản 5b quy định quá chung chung và mơ hồ, vì có thể có những mâu thuẫn về đạo đức, luân lý giữa quan điểm của tôn giáo và chính sách của Nhà nước, như vấn đề phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính... Vì thế, không thể chấp nhận một sự cấm đoán ở điểm này.

3. Điều 15 của Dự thảo 4 liệt kê các hoạt động của tổ chức tôn giáo sau khi được cấp đăng ký hợp pháp. Trong các hoạt động này, thiếu hẳn những quyền để duy trì sự “tồn tại” của tổ chức tôn giáo. Trong khoản 1 chỉ công nhận việc “sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình thuộc cơ sở tôn giáo”, nhưng lại không nói đến quyền sở hữu và sử dụng cơ sở.

4. Điều 18 Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Điều 24 Hiến pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) đều quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Vì vậy những người đang bị giam, giữ được đáp ứng nhu cầu tôn giáo theo quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiến pháp.

5. Điều 9 và Điều 44 Dự thảo 4 là không khả thi, đòi hỏi này vô lý vì mâu thuẫn với Điều 2 khoản 2.

6. Điều 32: Hội nghị và đại hội của các tôn giáo không cần sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì đây là việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo.

7. Điều 38: Điều này là một bước thụt lùi so với Điều 23 của “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”, Điều 19 của Nghị định 22 và Điều 23 của Nghị định 92.

8. Điều 49: Đòi hỏi quá nặng nề và phiền toái. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài là vấn đề thuần túy tôn giáo, không cần phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước không nên xen quá sâu vào công việc nội bộ các tôn giáo.

9. Điều 50 qui định khá mơ hồ: “tổ chức tôn giáo quốc tế” là gì? Thế nào là “tham gia tổ chức tôn giáo quốc tế”? Qui định mơ hồ sẽ gây khó khăn cho các hoạt động tôn giáo.

10. Điều 51 khoản 1: “…tổ chức tôn giáo… được tổ chức quyên góp, nhận tài sản hiến tặng, cho trên cơ sở tự nguyện…”. Điều này vẫn không nói đến hay hạn chế các hoạt động của tổ chức tôn giáo như: quản lý và sử dụng tài sản hay tài khoản ngân hàng, mua bán hay chuyển nhượng cơ sở tôn giáo theo nhu cầu thực tế…

11. Điều 52: Các tổ chức tôn giáo phải được tự do hoạt động trong các lãnh vực từ thiện, nhân đạo và không có hạn chế nào.

12. Điều 54: Phải hiểu như thế nào là “tài sản hợp pháp” khi các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân?

13. Điều 66: Quy định về việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, nhưng chỉ nói đến việc khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo luật tố tụng hành chính. Việc tổ chức tôn giáo có quyền khiếu kiện tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình không được đề cập: chẳng hạn khi bị lấn chiếm đất đai, cơ sở tôn giáo.

14. Chương X và chương XI không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoàn toàn mang tính chất áp đặt quyền lực của Nhà nước lên các tổ chức tôn giáo, tạo kẽ hở cho cơ quan hành pháp lạm dụng quyền lực. Vì vậy, hai chương này tự mâu thuẫn với Điều 2 trong Dự thảo 4 cũng như với Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2013.

III. KIẾN NGHỊ

Bản Dự thảo 4 đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế (Điều 18) và Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013 (Điều 24). Chúng tôi nhận thấy Dự thảo 4 này là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Bản Dự thảo này tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị:

– Không đồng ý Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

– Soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.

– Bản Dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và được pháp luật bảo vệ.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 05 năm 2015

TM. Ban Thường vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Tổng thư ký
(đã ký)
+ Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J.


Tòa Giám mục Xuân Lộc
210 Hùng Vương, Xuân Bình
Long Khánh, Đồng Nai.

GÓP Ý

CHO DỰ THẢO 4 - LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Kính gửi : Ban Tôn giáo Chính phủ

Theo đề nghị của Ban Tôn giáo Chính Phủ qua văn thư số 40/TGCP-PCTT, chúng tôi xin có một số nhận định và góp ý cho bản dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo như sau:

I. NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý:

1. Về tên gọi: “Luật tín ngưỡng, tôn giáo” có thể gây hiểu lầm, vì tôn giáo nào cũng đã có luật. Xin đề nghị gọi là “Luật về tín ngưỡng, tôn giáo”.

2. Thời hạn góp ý: đây là một văn bản luật quan trọng, có liên hệ thiết thực tới đời sống của một số rất lớn, nếu không nói là đại đa số người dân, cần có một thời gian đủ dài để tìm hiểu, suy nghĩ, để các tập thể trao đổi, đón nhận ý kiến của các cá nhân. Lấy lý do “để bảo đảm chất lượng và tiến độ” mà thời hạn đưa ra quá ngắn (ký ngày 10 tháng 4, chưa kể gửi đi, mà phải gửi về trước ngày 05 tháng 5) thì chắc chắn không thể “bảo đảm chất lượng” được.

3. Vì thời gian quá gấp, chúng tôi xin gửi ý kiến đóng góp trước qua “CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” trong mục “LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT – Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo”. Xin gửi văn bản qua thư chuyển phát nhanh vào sáng mai, ngày 05.05.2015.

4. Vì không có đủ thời gian để có những góp ý một cách chi tiết, cụ thể, chúng tôi xin có một vài góp ý tổng quát như sau:

- Các tổ chức tôn giáo cần phải được nhìn nhận tư cách pháp nhân. Đây là một thiếu sót lớn của bản dự thảo sẽ dẫn đến nhiều bất cập khác. Cần qui định rõ ràng về điều này để bảo đảm các tổ chức tôn giáo cũng bình đẳng trước pháp luật như các tổ chức khác, đặc biệt trong những lãnh vực liên quan đến đất đai, tài sản của các tổ chức tôn giáo mà luật Dân sự 2005 qui định;
- Trong bản dự thảo, điều thấy được không phải là “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” nhưng có thể thấy rõ sự can thiệp của Nhà nước vào những vấn đề mang tính nội bộ sinh hoạt tôn giáo với cơ chế XIN – CHO xuyên suốt bản dự thảo;
- Bản dự thảo có xét đến sự bình đẳng giữa các tổ chức tôn giáo nhưng các tổ chức tôn giáo lại không được tham gia vào các hoạt động xã hội bình đẳng với các tổ chức, cơ quan khác;
Có những điều, khoản rõ ràng có tính phân biệt, kỳ thị người có tôn giáo, trong khi đây là những điều luật áp dụng chung cho mọi công dân (ví dụ các số 5, 6 và 7 của điều 6; hơn nữa, điều 6 này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần);
- Có những từ ngữ có thể dẫn đến những lạm quyền, nhũng nhiễu, giải thích luật tùy tiện. Hệ luận của điều này là tình trạng thiếu sự đồng bộ trong chính quyền, sẽ gây nên sự bất mãn với chính quyền, bất ổn cho xã hội. Ví dụ: đây là văn bản luật, nhưng lại thường xuyên xuất hiện cụm từ rất mơ hồ “theo quy định của pháp luật”. Văn bản luật cần sử dụng từ ngữ minh bạch, rõ ràng;

II. KIẾN NGHỊ:

Chúng tôi xin bày tỏ sự nhất trí với bản “Nhận định và Góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam” đồng thời có những kiến nghị sau:

1. Chúng tôi đề nghị: để thêm một thời gian ít là ba tháng nữa để các cá nhân, tổ chức tôn giáo có thể đóng góp ý kiến một cách chất lượng được;

2. Các ý kiến đóng góp cần được đón nhận với thiện chí một cách nghiêm túc;
Long Khánh, ngày 04 tháng 05 năm 2015

Tòa Giám mục Xuân Lộc


Giáo phận Kontum: Ý kiến về Dự Thảo 4 “Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo”
Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin chuyển đến quí gia đình Giáo phận ý kiến tự phát của một số người khi nhận được văn bản: Số 40/TGCP-PCTT, V/v góp ý dự thảo 4 “Luật tín ngưỡng, tôn giáo” của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, Hà-nội ngày 10 tháng 4 năm 2015.

Tòa Giám mục đã chuyển gởi văn bản số 30/TGCP-PCTT cho quí linh mục tu sĩ trong Giáo phận và sẽ bàn chuyên sâu về văn bản dự thảo 4 trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, các người có tôn giáo nói chung, người công giáo Việt nam nói riêng cần biết văn bản dự thảo 4 có tựa đề:

“LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”

và cho ý kiến về dự thảo này.

I – Trước nhất, chúng tôi xin gởi đến quí gia đình Giáo phận văn bản dự thảo 4 bằng PDF, để tránh việc xáo trộn về các điều và khoản của văn bản khi chuyển lên trang mạng.

II – Thứ đến, chúng tôi gom lại ý kiến tự phát, nhưng rất chân tình của một số vị là linh mục, tu sĩ và giáo dân khi mới tiếp xúc văn bản “LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”, trong khi chờ đợi phần trao đổi và đúc kết chính thức của TGM.

I – A/ Ban Tôn Giáo Chính Phủ số 40/TGCP-PCTT (Xem hình)

B/ Dự Thảo 4 Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo

LUẬT TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO

II – Có nhiều Ý KIẾN như sau:

1 – Ban Tôn Giáo Chính Phủ gởi đến các cơ sở tôn giáo quá ít thời gian (chỉ trong vòng 13 ngày để trả lời) để tỏ cho thế giới thấy văn bản này được góp ý rộng rãi và tự do. Tuy nhiên, việc góp ý này vô ích thôi, vì như hỏi ý kiến về Hiến Pháp vừa rồi, các nhà trí thức, luật gia, HĐGM. VN ….cũng đã góp ý rất thẳng thắn, chân thành, mà có được gì đâu. Mọi quyết định đã được Đảng quyết rồi, bàn cũng vô ích thôi!,

2 – Tựa đề bản dự thảo 4 “LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”. Các người soạn thảo luật liên quan đến Tín Ngưỡng Tôn giáo có biết, có tâm gì về Tín Ngưỡng Tôn giáo đâu mà Lập “LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”. Chỉ những người có tín ngưỡng, tôn giáo mới có quyền Lập Luật liên quan đến Tín Ngưỡng Tôn Giáo của mình. Như bên Giáo Hội Công Giáo có GIÁO LUẬT, bên Phật Giáo có ĐẠO PHÁP… Sao Nhà Nước lại nhảy vào lập luật cho đạo giáo của người có đạo được?.

3 – Để tỏ ra Nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ít nhất đầu đề phải là : “VĂN BẢN PHÁP LUẬT BỔ TRỢ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”. Nói như vậy ít nhất có vẻ đúng vì Nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tôn trọng quyền lợi của người có tín ngưỡng tôn giáo, còn Nhà nước giúp tạo điều kiện cho người có đạo sống theo tôn chỉ của họ mới phải. Nhược bằng nói thẳng thừng ra: “LUẬT QUẢN LÝ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”

4- Điều 1: khẳng định “Luật này qui định về quyền tự do tín ngưỡng (….) trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Riêng từ ngữ “qui định, bảo hộ” như thực dân Pháp Bảo hộ đất nước Việt nam. Mới nghe mấy từ này đã ngao ngán rồi!

5 – Điều số 2: cũng đề cập “bảo hộ” “theo qui định của pháp luật”… Trên thế giới có bao nhiêu nước văn minh có luật “qui định, bảo hộ tôn giáo” như đất nước Việt nam đâu?. Không cần luật riêng quản lý về Tôn giáo, cứ theo luật chung mà hành xử người có đạo cũng như người không có đạo.

6- Điều 3: khoản 9 : “Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành (…) những cơ sở khác được Nhà nước công nhận”. Tại sao còn gọi là Nhà nước công nhận? Hiến pháp đã công nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo rồi mà? Đây là phạm vi quyền tự do tôn giáo, vì hạn chế quyền tự do tôn giáo, và cũng là quyền con người. Từ ngữ còn mập mờ. Thực tế Giáo phận, những năm qua bị rắc rối ở chỗ này: muốn có linh mục đến sinh hoạt, phải có nơi thờ tự; để có nơi thờ tự, phải được lên giáo xứ, muốn lên giáo xứ cần có linh mục…. Vòng vo!

Khoản 11 : “Tổ chức tôn giáo trực thuộc (…..), quy định của tổ chức tôn giáo để quản lý tổ chức, phục vụ hoạt động tôn giáo, tu hành tập thể, hoạt động xã hội (Bỏ: được Nhà Nước công nhận nhằm…).

7- Điều 4: Khoản 3 (bỏ câu: theo quy định pháp luật và).

8- Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm (cấm luôn các cán bộ nữa: trong các khoản 1,2,3,4). Chưa thấy cán bộ bị coi là thi hành sai trái luật đối với tôn giáo.

9- Điều 7: Các phong tục của người dân tộc thì sao?

10- Điều 8: Khoản 2: (bỏ: hoặc do cơ quan …. hoặc chấp thuận).

Bỏ khoản 3.

11- Điều 9: Bỏ điều 9 này, không thực tế, phiền toái…

12- Điều 10 (Bỏ: khoản 1: không cần thiết).

13- Điều 11 (Nên xem lại)

14- Điều 12: Khoản 2, b): điểm b) này không rõ ràng: “Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt;” Thế nào là hợp pháp? Ai chấp nhận là hợp pháp? Chấp nhận khi nào?.

“Sinh hoạt tôn giáo” ràng buộc với khu vực sinh hoạt tôn giáo như thế nào? Như giáo xứ, giáo họ bên công giáo không? Các danh xưng bên tôn giáo chưa ghi rõ, còn mập mờ….

15 – Điều 13, khoản 4 cũng mập mờ.

16- Điều 14: Không thấy đề cập thời gian giải quyết. Kinh nghiêm những năm qua, vì văn bản luật mập mờ, nên cán bộ quản lý tôn giáo tại địa phương vừa không hiểu cơ cấu tổ chức tôn giáo, vừa không tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động theo nhu cầu quyền lợi căn bản của những người có tôn giáo, kéo dài thời gian giải quyết, chưa nói các cán bộ đó còn tìm nhiều cách làm khó dễ hoạt động tôn giáo tại địa phương đó.

Ý kiến số 16 này: cũng nhận định cách tổng quát: văn bản Dự thảo 4 này không theo ngôn ngữ luật, nhiều chỗ mơ hồ, chồng chéo, không thấy nguyên tắc cơ bản là DỰA TRÊN QUYỀN LỢI DÂN LÀM NỀN TẢNG CỦA LUẬT, NGƯỢC LẠI GÒ BÓ NHƯ CHO THIÊN HẠ THẤY: ĐẤY LÀ MỘT CHÍNH QUYỀN CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN, LÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA. Có cán bộ dựa vào điểm này để hối lộ người dân có đạo hoặc như bậc thang leo lên chức cao hơn trong nguồn máy chính quyền, nhưng thực chất gây chia rẽ, làm mất đoàn kết toàn dân.

17- Ý kiến của một người giáo dân. Ông này trả lời khi đặt vấn đề Ban Tôn giáo Chính Phủ hỏi ý kiến về “luật tín ngưỡng- tôn giáo” đang soạn thảo, lấy ý kiên, ông trả lời: tôi không biết nhiều lý sự để trả lời, tôi chỉ thích đá bóng và lấy trong trận đấu bóng mà nói: trong luật đá banh có LUẬT “LỢI THẾ” để cho trọng tài biết điểu khiển trận đấu: trận đấu hay không phải cứ phạt nhiều, mà phải cầm còi tạo cho sân chơi sôi động, liên tục, và mọi người vui tươi. Trên sân cỏ có hai đội, ở đất nước ta một bên là đội người có đạo, bên kia đội cộng sản vô thần. Người cầm còi là Đảng Cộng Sản. Luật Lợi Thế (nếu có) toàn là đội vô thần được hưởng. Trên sân cỏ trọng tài là ông trời; ở đất nước ta, trọng tài là Đảng, là cán bộ. Cuối cùng đội người có đạo phải chịu thua thôi! Trận đấu chán ngắt!

Một ví dụ ví von, nhưng cũng cần suy nghĩ.

18- Ý kiến của một Yao phu huyện Đak Tô. Chú đi xuống tỉnh không phải mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng, mà để thăm đứa con gái mới sinh.

Ông có dự lễ bình thường tại làng ông không?
Cán bộ không cho các bok (cha) đến làm lễ nữa?
Tại sao vậy, có luật pháp về tôn giáo mà?
Họ nói không được phép! Sao người kinh lại có nhà thờ tổ, nhà thờ họ, không cần xin phép; còn người dân tộc có “nhà thờ họ, nhà thờ plei (làng)” bắt phải xin phép, và đã xin phép nhiều lần, nay đòi phải tháo gở. Sao nhà nước không tôn trọng luật tục của chúng tôi. Quan tâm đến luật tục người kinh. Tôi không biểu, thấy phân biệt kinh thượng quá!
Cảm ơn ông cho biết ý kiến.

Vừa rồi, chúng tôi chỉ ghi nhận sơ khởi một số ý kiến tự phát như trên vì chưa có giờ ngồi lại để bàn hỏi và đúc kết. Chúng tôi cũng mong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bàn thảo cho sâu sắc và đề nghị như lần góp ý cho Hiến Pháp vừa qua, dù biết rằng Nhà nước ta là theo đường lối “ĐẢNG CẦM QUYỀN”. Các phương tiện truyền thông của các giáo phận cũng đưa lên ý kiến của Giáo phận mình để mọi người thấy Nhà nước đang muốn làm gì để quản lý tôn giáo. Tuy nhiên, toàn giáo dân công giáo trong và ngoài đất nước Việt cùng góp ý và cho thấy được ý nghĩa tôn trọng quyền con người trong tôn giáo rất sâu sắc: “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thê”, và CON ĐƯỜNG ĐI THỰC TẾ của những người có niềm tin vẫn là “CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ CỦA CHÚA GIÊ-SU”.

Xin hẹn gặp lại trong phần đúc kết của Giáo phận Kontum về văn bản dự thảo 4 này, dù không đủ thời gian để suy nghĩ. Tòa Giám mục mới nhận văn bản này chưa được nửa tháng. Trong khi đó, Ban Tôn Giáo Chính Phủ theo văn thư số 40/TGCP-PCTT gởi cho “các tổ chức tôn giáo” ấn định thời gian gởi về Ban Tôn Giáo Chính phủ (qua Vụ Pháp Chế – Thanh tra) trước ngày 05/05/2015.

GP KONTUM (26/04/2015)
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012