Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Tầm ảnh hưởng sâu rộng của chuyến đi Mỹ - Đức Giáo Hoàng PhanXicô

Tầm ảnh hưởng sâu rộng của chuyến đi Mỹ - Đức Giáo Hoàng PhanXicô 8 years 6 months ago #60602

DGH.jpg


Đức Giáo Hoàng Francis thành công trong chuyến đi Hoa Kỳ qua lòng từ tâm. (Hình: Getty Images)

Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, hai yếu nhân đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong cùng một tuần. Chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Francis, lãnh đạo tinh thần của một tỷ hai trăm triệu tín đồ Công Giáo trên thế giới, đã che mờ hình bóng của Tập Cận Bình chủ tịch Trung Quốc.
Đức Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử sinh ra ở Châu Mỹ, lần đầu tiên đến Mỹ, được Tổng Thống Obama và phó Tổng Thống Biden tiếp rước trọng thể sau khi thành công ở Cuba.

Tập Cận Bình đến Hoa Thịnh Đốn sau khi ghé Seattle nói chuyện buôn bán. Hai khuôn mặt thiện ác khác nhau rõ ràng. Một Đức Giáo Hoàng Francis tươi cười thánh thiện, theo bước chân Đức Giáo Hoàng Paul VI qua thăm Mỹ lần chót 50 năm trước vào tháng 10 năm 1965, đã thay đổi “nỗi sợ về Đức Giáo Hoàng” của các tín đồ Tin lành ở Hoa Kỳ, khác với bộ mặt khó khăn nhăn như cái bị của Tập Cận Bình (lần đầu tiên qua Mỹ với tư cách chủ tịch khác với những năm du học ở Iowa). Một Tập Cận Bình mang bị gậy như bang chủ cái bang Hồng Thất Công trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, đến gặp Tổng Thống Obama sau khi kinh tế và thị trường chứng khoán xuống dốc không còn đứng thế thượng phong của một lãnh tụ cường quốc đang lên.

Một Đức Giáo Hoàng Francis đang thay đổi với cuộc cách mạng trong Giáo Hội Công Giáo La Mã khác với Tập Cận Bình thanh trừng nội bộ để củng cố quyền lực cá nhân và đảng Cộng Sản. Một Đức Giáo Hoàng Francis nhắc đến khuôn vàng thước ngọc của Thiên Chúa Giáo (Golden rule): “Bạn đừng làm những điều gì cho người khác những điều bạn không muốn người khác làm cho bạn.” giống như câu của Khổng Tử “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân,” khuôn vàng thước ngọc của Khổng Giáo, chỉ khác là Đức Giáo Hoàng Francis đang thực hiện những điều Ngài giảng còn Tập Cận Bình qua xã hội hài hòa giả tạo đang làm những điều dân Trung Hoa và các nước láng giềng không muốn.

Giới trẻ đã ngưỡng mộ và đón tiếp Đức Giáo Hoàng Francis như “siêu sao” nhạc Rock hay minh tinh Hollywood khác với tinh thần bảo thủ của nước Mỹ ba trăm năm nay có thiên kiến chống Công Giáo La Mã.

Nước Mỹ được xem là xứ tự do, nhất là tự do tôn giáo được ghi nhận trong hiến pháp của những người di dân, nhưng tổ tiên của người Mỹ, những di dân định cư đầu tiên là những người Tin Lành Thanh Giáo (Puritan) hay giảng đạo (Televangelical) là những dòng tôn giáo chính trị chống công giáo sau thời Martin Luther hay sau chiến tranh tôn giáo 100 năm ở Âu Châu.

Những tín đồ Puritan ở Anh vào thế kỷ thứ 17 và những người Pilgrims trên chuyến tàu Mayflower đi tìm tự do sau những đàn áp tôn giáo đã mang nọc độc kỳ thị tôn giáo qua Mỹ. Họ gọi Đức Giáo Hoàng là kẻ “chống Chúa” hay những danh từ nhạo báng nặng nề khác. Cùng thờ Chúa nhưng Tin Lành và Công Giáo đã xem nhau như kẻ thù trong mấy trăm năm. Giáo dân Tin Lành kỳ thị Công Giáo nặng hơn là kỳ thị Do Thái Giáo hay đạo Quakers.

Trong bao nhiêu năm dân Công Giáo bị loại ra vòng chính trị Hoa Kỳ. Đầu thế kỷ thế 20, KKK mạ lị chính trị gia Công Giáo như Thượng Nghị Sĩ Hugo Black, ngay cả văn hào Mark Twain cũng đả kích Công Giáo trong văn chương của ông. Kỳ thị đối với Công Giáo giảm đi sau khi Hoa Kỳ có một Tổng Thống Công Giáo đầu tiên John F. Kennedy nhưng khi ứng cử viên Tổng Thống Kennedy ra tranh cử ông cũng đã tránh né, tuyên bố: “Tôi là ứng cử viên đảng Dân Chủ chứ không phải ứng cử viên Công Giáo, tôi chỉ là ứng cử viên đảng Dân Chủ có đạo Công Giáo.”

Đến đầu thế kỷ thứ 21, chính giới Hoa Kỳ đã có nhiều chính trị gia Công Giáo như phó Tổng Thống Dân chủ Joe Biden và các ứng cử viên đảng Cộng Hòa Jeb Bush, Rich Santoriun và Bobby Jindal.
Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner đã tích cực vận động trong hai mươi năm để mời được một Đức Giáo Hoàng qua thăm Hoa Kỳ cũng là người Công Giáo. Thành phố chống Công Giáo, nhất là Philadelphia, một trong ba thành phố Đức Giáo Hoàng Francis đến thăm, năm 1884 đã bị những người tự nhận là thổ dân Mỹ nổi loạn đốt cháy nhà thờ lùng giết giáo dân Công Giáo.

Trong hai năm làm Đức Giáo Hoàng từ sau khi được hội đồng Vatican bầu ngày 13 tháng 3, 2013, Hồng Y Argentina Jorge Mario Bergoglio tân Đức Giáo Hoàng đã cố gắng thay đổi Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng dòng Jesuit đầu tiên, cả đời hành đạo ở Châu Mỹ La Tinh ít khi đến La Mã, nổi tiếng có lòng nhân, yêu người nghèo, phục vụ người nghèo.

Đức Giáo Hoàng đã thực hành những gì ngài giảng, sống thanh liêm khác với các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm, không ăn xài xa hoa, đi xe Fiat không kính chống đạn. Trong khuôn viên hành dinh Vatican rộng 190 mẫu xây từ thời Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng Francis sống và làm việc trong chung cư ba phòng của nhà khách rộng 2,100 thước vuông chứ không ở trong Cung Điện (Apostolic Palace).
Cách nhìn của Đức Giáo Hoàng Francis vì vậy cũng khác cái nhìn của các Đức Giáo Hoàng nhìn nhân loại từ trên ngai nhìn xuống. Tinh thần cách mạng của Đức Giáo Hoàng Francis: Lúc nào cũng nghĩ đến quần chúng nghèo khổ với nguyên tắc không nằm trong Thượng Đế mà nằm trong cái ngã (self awareness) tự phán xét mình, để giáo dân suy nghĩ tự phán đoán, tinh thần của Descartes “Je pense donc je suis” (Tôi suy tưởng nghĩa là tôi hiện hữu).

Đạo đức đến từ bên trong vì vậy Đức Giáo Hoàng Francis đã nói một câu nổi tiếng khi được hỏi quan điểm về đồng tính luyến ái “Tôi lấy tư cách gì để phán xét người khác.”

Quan điểm triết học của Đức Giáo Hoàng Francis đã gây ra nhiều hoang mang trong Giáo Hội. Giáo Hoàng là người thực tế hay Đức Giáo Hoàng muốn thay đổi học thuyết giáo điều của Giáo Hội?
Phe bảo thủ, qua những tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về đàn bà, về đồng tính luyến ái, ly dị, và chó vẫn được lên thiên đàng, thấy Đức Giáo Hoàng không thay đổi gì ngược với giáo lý của Giáo Hội còn những người Công Giáo cấp tiến ghi nhận Đức Giáo Hoàng Francis từ vòng ngoài đến La Mã có tinh thần cải tổ giáo hội nhất là về vấn đề tham nhũng tài chính và những hành xử của Giáo Hội trong quá khứ thiếu lòng bác ái Công Giáo.

Đức Giáo Hoàng Francis đã nổi tiếng là nhà “tiên tri bác ái” khác với Giáo Hoàng tiền nhiệm Benedict XVI, một Đức Giáo Hoàng có gương mặt khắc khổ không được thiện cảm của giáo dân và dân chúng.

Đức Giáo Hoàng Benedict đã làm một cuộc cách mạng trong Giáo Hội Công Giáo La Mã khi từ chức năm 2013 sau khi té ngã đập đầu ở Mexico. Cuộc cách mạng này đưa đến cuộc bầu cử đưa một Hồng Y Châu Mỹ La Tinh có tiếng chống Ý lên làm Giáo Hoàng.

Hồng Y Bergoglio đã được 14 Hồng Y Hoa Kỳ và các Hồng Y Châu Mỹ La Tinh ủng hộ để cải tổ Giáo Hội thành Giáo Hội “cho người nghèo và của người nghèo.”

Tổng Giám Mục Bertone, Bộ Trưởng Ngoại Giao Vatican thời Benedict XVI, đã nói Đức Giáo Hoàng Benedict làm cách mạng trong khi còn tại chức nhưng vì kém ngoại giao nên cuộc cải tổ của Đức Giáo Hoàng Benedict không được biết.

Lần đầu tiên trong lịch sử một cựu Đức Giáo Hoàng vẫn ở trong Tu Viện Mater Ecclesia trong Vatican. Hai Đức Giáo Hoàng vẫn thân thiện với nhau và Đức Giáo Hoàng Benedict giúp Đức Giáo Hoàng Francis bước vào vòng trong Vatican và ủng hộ ba quan điểm của Đức Giáo Hoàng Francis: Di dân, sang bằng giàu nghèo và bảo vệ môi sinh.

Những tiết lộ của TGM Bertone với báo chí quả là những điều mới lạ chưa được biết: Đức Giáo Hoàng Benedict là người đã làm nhiều điều hơn các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm trong vụ trừng phạt các linh mục về tội tình dục, treo chén 384 linh mục trong hai năm 2011-2012, bắt đầu cải tổ tài chính và hội đồng tối cao Vatican. Điều ngạc nhiên nhất là Đức Giáo Hoàng Benedict là người đứng trung gian để thiếp lập bang giao giữa Hoa Kỳ và Cuba trước Đức Giáo Hoàng Francis.

Những người chỉ trích giáo điều Công Giáo cứng ngắc giống giáo điều Cộng Sản không thay đổi đã nhắc đến trường hợp nhà thiên văn học Galileo vào thế kỷ thứ 17 khi ông bị tội quản thúc tại gia (năm 1633) vì ủng hộ thuyết Corpenicus chứng minh quả đất quay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời quay quanh quả đất. Galileo đã nói “nếu những bằng chứng khoa học ngược với giáo lý thì phải xét lại giáo lý.” Nhưng với Công đDồng Vatican lần thứ hai kéo dài từ năm 1962 đến 1965 thì Công Giáo có cải tổ, quan trọng nhất là không cho rằng: “Chỉ có con đường Công Giáo mới dẫn đến sự cứu rỗi cho con người.” Những tư tưởng thay đổi đã xảy đến sau Công đDồng Vatican hai, Đức Giáo Hoàng Paul II và Benedict XVI đã sửa soạn cho cuộc cách mạng của Đức Giáo Hoàng Francis. Năm 1992, Đức Giáo Hoàng Paul II (Phao Lồ đệ nhị) đã chính thức xin lỗi nhà thiên văn học Galileo, xin lỗi những người Do Thái, những nạn nhân kể cả người Hồi trong những trận Thập Tự Chiến (Crusades), những trận chiến tranh tôn giáo giữa Công Giáo và Tin Lành, những nạn nhân của chiến tranh nô lệ buôn bán người da đen ở Phi Châu.

Trận Thập Tự Chiến lần thứ nhất năm 1095 do chính Đức Giáo Hoàng Urban II cầm quân đến chiếm Jerusalem giết không phân biệt dân Hồi, Do Thái hay cả Thiên Chúa Giáo.

Tàn nhẫn không kém những trận Thập Tự chiến là chiến tranh chiếm Mexico của quân Tây Ban Nha. Mexico thành thuộc địa của Tây Ban Nha sau khi Hernan Cortes hủy hoại nền văn minh Aztec, xây nhà thờ Công Giáo trên đền thờ dân Aztec.

Sử gia đã viết “Công Giáo La Mã đã chặt đầu nền văn minh Mễ” Năm 2011, Giáo Hoàng John Paul II đã chính thức xin lỗi các nạn nhân trong vụ “xì căng đan” tình dục của các linh mục. Giáo Hoàng Francis trong chuyến thăm Mỹ đã “không chấp nhận tình dục của các linh mục” và theo bước chân của Giáo Hoàng Paul II, ngài đã xin lỗi thổ dân Mỹ Châu ở vùng Mexico.

Đức Giáo Hoàng Francis năm 2013 bắt đầu cải tổ giáo hội .Theo truyền thuyết, Thánh Francis là người nghe được tiếng thú vật, giảng đạo cho chim nay Đức Giáo Hoàng Francis quan niệm điều đầu tiên là phải thay đổi thái độ, phải lắng nghe tiếng người chung quanh nghe tiếng giáo dân chứ không ở trong tháp ngà và sự lắng nghe phải dựa trên lòng từ tâm.

Cải tổ khó nhất là cải tổ tài chính. Từ năm 2010, Đức Giáo Hoàng Benedict đã thành lập cơ quan kiểm soát ngân hàng Vatican (I.O.R). Ngân hàng này có trên 30,000 ngân khoản trong đó có khoảng một ngàn ngân khoản bị nghi ngờ gian lận rửa tiền. Cầm đầu cơ quan là Hồng Y De Pasquale. Theo Vatileaks, Ngân Hàng Vatican có 6 tỷ Mỹ kim, còn gia tài Vatican gồm bất động sản trên thế giới lên đến 2 ngàn tỷ Mỹ kim (con số tương đương với tổng sản lượng quốc gia Ấn Độ hay Nga hay Brazil). Sau Vatileaks, năm 2012 Hồng Y Tedeshi, giám đốc ngân hàng bị Đức Giáo Hoàng Benedict cất chức còn tân Đức Giáo Hoàng Francis chống đối làm ăn kiểu Mafia Ý, bác bỏ quỹ đầu tư Vatican.

Bài diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ của Đức Giáo Hoàng Francis đã làm chủ tịch Hạ Viện John Boehner khóc nức nở. Lòng bác ái của Đức Giáo Hoàng Francis về môi sinh, san bằng cách biệt giàu nghèo và vấn đề di dân tuy làm ông Boehner người Công Giáo xúc động nhưng ba vấn đề này của Đức Giáo Hoàng đưa ra được Tổng Thống Obama ủng hộ đã đi ngược lại đường lối của đảng Cộng Hòa đa số là Tin Lành Baptist. Chưa đầy 24 giờ sau ông Boehner đã từ chức sớm hơn dự tính.

Đức Giáo Hoàng đồng ý với Tổng Thống Obama là môi sinh thay đổi, thời tiết càng ngày càng nóng do từ kỹ nghệ là lỗi của con người. Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi không dùng than, dầu, hơi đốt, mà dùng năng lượng gió và mặt trời. Nạn nhân của kỹ nghệ tân thời là dân nghèo, chuyên chở công cộng phải thay thế xe hơi. “Những người tốt còn có lương tâm phải thay đổi,” con người phải lưu tâm đến môi sinh, phải nghĩ xa, mức giới hạn tăng độ nóng toàn cầu là 4 độ c, trận tiêu diệt làn thứ 6 sắp xảy đến cho loài người.

Những lời của Đức Giáo Hoàng Francis được xây dựng từ những suy nghĩ của các Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm John Paul II, Benedict XVI và của Đạt Lai Lạt Ma (Phật Giáo) Desmond Tutu (Anh Giáo).

Đảng Cộng Hòa không đồng ý với những bằng chứng khoa học về thay đổi môi sinh và bất đồng ý kiến của Đức Giáo Hoàng Francis cho rằng muốn san bằng giàu nghèo phải lấy tiền từ các công ty dầu hỏa như Exxon để chia cho người nghèo và giới trung lưu, điều không thể xảy ra trong lúc giá dầu xuống.

Đức Giáo Hoàng kêu gọi đón tay mở cửa cho di dân được những người gốc Mễ hưởng ứng nhưng những giọt nước mắt của ông Boehner đã làm các ứng cử viên đảng Cộng Hòa (đòi đóng cửa biên giới, xây tường chận làn sóng di dân, đuổi người Mễ nhập cảnh bất hợp pháp về nước) nổi giận.

Nhà “tiên tri bác ái” Francis đã thành công trong chuyến đi Hoa Kỳ qua lòng từ tâm. Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Francis cho anh em Castro ở Cuba “hãy phục vụ người chứ không phục vụ ý thức hệ” khác hẳn thông điệp của chủ tịch Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình “quyền lợi đảng CSTQ trên hết.”


VIỆT NGUYÊN
Người Việt
Last Edit: 8 years 6 months ago by Đinh Cao Thắng.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012