Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Đền Tội

Re: Đền Tội 12 years 2 months ago #1924


  • Posts:764 Thank you received: 1378
  • Trọn đời con một lời hát khen ca ngợi Hồng Ân Thiên Chúa
  • Hùng 31's Avatar
  • Hùng 31
  • Administrator
  • OFFLINE
Khiếp qúa !

Các Bố Đời nghe rõ chưa ? Ai bảo không chịu tu cho trọn kiếp bây giờ phải đền tội ngay ở đời này !
The administrator has disabled public write access.

Đền Tội 12 years 2 months ago #1923


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE
Chuyện vui kể rằng: Hôm đó Thiên đàng vào lúc 5 giờ chiều, thánh Phêrô chuẩn bị đóng cửa, bỗng từ xa có tiếng la thất thanh:

- Chờ con với, chờ con với...

Thánh Phêrô giật mình quay lại. Không phải một linh hồn réo gọi, mà là hai linh hồn đang vội vã lướt tới, mồ hôi nhễ nhại, thấy vậy thánh Phêrô mới hỏi:

- Hai anh đi đâu mà chạy như Tào Tháo rượt vậy?

Cả hai vừa thở, vừa trả lời:

- Dạ xin cho chúng con được vào Thiên Đàng.

Thánh Phêrô nhìn hai linh hồn lên giọng:

- Hai anh làm như Thiên đàng là chỗ không người, muốn vào là vào phải không?

Rồi thánh Phêrô quay lại nhìn chằm chập như dò xét, chỉ tay thẳng vào linh hồn đứng trước, tướng tá đẹp trai, hồng hào, khoẻ mạnh và hỏi:

- Anh ở dưới đó làm gì?

- Dạ, con là Linh mục.

Nghe vậy thánh Phêrô nói:

- Đứng qua một bên. Còn tên kia: Có gia đình vợ con gì chưa? Bao lâu rồi?

- Dạ con có vợ được 40 năm và có 4 đứa con.

- Làm nghề gì?

- Dạ con là Dân Biểu.

Vừa nghe nói tới Dân Biểu, thánh Phêrô đùng đùng nổi giận:

- Anh là đại diện cho dân mà không chịu làm việc cho dân, chỉ lo quơ tiền cho đầy túi, giống như cái con mẹ Pauline Hanson gì đó, còn lập ra đảng One Nation kỳ thị chủng tộc, tuyên bố bậy bạ, thật không xứng đáng vào thiên đàng chút nào.

Linh hồn đứng sau vội vàng đính chính:

- Dạ con không phải là dân biểu nghị sĩ, con làm nghề đạp xích lô, dân biểu con chở đi đâu, con chở đi đó, nên ở dưới trần thế, người ta gọi chúng con là Dân Biểu.

Thánh Phêrô nhìn kỹ lại linh hồn dân biểu, linh hồn này mặt mày xanh lè, người ốm như cây sậy, ngồi, đứng hình như không vững. Thánh Phêrô dang hai tay ôm lấy linh hồn khốn khổ và nói:

- Hôm nay ta sẽ cho con ở cùng ta.

Sau đó Ngài quay qua linh hồn Linh mục mà phán:

- Còn nhà ngươi phải xuống luyện tội 20 năm.

Linh hồn LM này nghe vậy lấy làm tức tối nên khiếu nại:

- Tại sao Ngài bất công quá vậy? Con ở dưới đó làm biết bao nhiêu chuyện sáng danh Chúa, mang biết bao linh hồn trở lại...

Thánh Phêrô ngắt lời:

- Thôi đừng kể nữa ta biết hết rồi, nhưng anh có biết không... Anh dân biểu này đã ĐỀN TỘI 40 NĂM rồi, còn anh chưa có đền tội.

Nói xong ngài dắt anh dân biểu vào thiên đàng và đóng cửa lại mặc cho linh hồn Linh mục la lối om xòm.

Câu chuyện kể trên đây nói lên rằng những người đàn ông có gia đình là những người đang ĐỀN TỘI, nhưng mỗi người đền tội một cách khác nhau.

Các nhà phân tích tâm lý, sau khi nghiên cứu về đời sống lứa đôi, đã đi đến kết luận đàn bà sau khi có chồng nói nhiều hơn lúc chưa lấy chồng 100 lần. Ngược lại đàn ông lại nói ít đi 100 lần sau khi có vợ. Theo tôi thì không phải nói ít đi mà không còn chỗ để nói, các bà đã dành chiếm hết tất cả, kể cả cái khoảng không gian trong nhà để tung hoành. Các ông chỉ còn có một chỗ để nói đó là quán rượu. Chỉ có quán rượu là nơi giãi bầy tâm sự, các ông gặp nhau để tố khổ các bà. Rượu vào thì lời ra, lợi dụng cơ hội hay mượn hơi men để lên án các đấng phu nhân. Những lúc ấy các ông thi nhau xả súp bắp, các dồn nén có dịp tung ra. (Đề nghị các bác sĩ nghiên cứu đề tài này, biết đâu đây là phương pháp điều trị hữu hiệu cho các ông bị căng thẳng stress). Nhưng sau đó thì huề cả làng ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Các ông gặp nhau dùng hơi men để lên tinh thần, đễ lấy lai uy phong, dù cho chỉ vài phút phù du cũng đủ làm nguôi đi cơn thịnh nộ bị đè nén bấy lâu, nói cho rõ những lúc ấy là rượu nói, là men đưa đường chỉ lối chứ các ông không lỡ lòng nào mà tố vợ yêu quý của mình. Ngược lại khi các bà gặp nhau thì sao, trước nhất một cái chợ được hình thành, tất cả các chuyện cà kê dê ngỗng được đem ra bày bán, còn hơn hàng cá hàng thịt, hàng cá hàng thịt thì chỉ có một món hàng , có trả giá, có kỳ kèo, còn đây thì không chỉ có một thứ mà là đủ thứ... hầm bà lằng, khoe của quí, khoe toè loe, tét lét, khoe đi sanh, đi đẻ, chuyện ta, chuyện người, thời gian lúc đó như ngừng trôi ....Các ông thì rượu nói, nên câu chuyện dù sao đi nữa hết rượu là hết chuyện, còn các bà khi nói chuyện với nhau là nói trong lúc tỉnh táo, không có rượu cho nên câu chuyện đôi khi dẫn đến căng thẳng, và nguy hiểm.

Các nhà tâm lý còn cho biết nếu có hai bà ngồi nói chuyện với nhau, thì sẽ có một người đàn ông bị tố, nhưng nếu 3 bà ngồi nói chuyện, thì sẽ có một người đàn ông bị đưa lên đoạn đầu đài.

Tôi không có ý định tố khổ các bà, nhưng muốn đưa ra một nhận xét đứng đắn sau 20 năm tình lận đận và còn tiếp tục lận đận nữa. Khi xem những cuốn phim ca nhạc Paris By Night , nhà văn Nguyền Ngọc Ngạn và cô Ng. C. Kỳ Duyên luôn đưa đề tài tố khổ nhau để lôi cuốn khán giả. Lắm lúc anh Ngạn bị cô Duyên sút giò lái mặt cứ nghệt ra trông thật thảm thương, thảm thương cho cái thân phận đàn ông chúng mình. Những lúc ngồi nhậu với nhau, chúng tôi ai cũng muốn vùng lên, khí thế lúc đó hừng hực, mặt mũi ai cũng căng thẳng, thậm chí có anh giơ tay múa chân, đứng lên như muốn làm nên lịch sử. Những lúc đó tôi thấy mọi người sao hiên ngang thế, anh hùng quá, ai cũng như muốn hô phong hoán vũ. Các bà mà thấy các đấng ông chồng đang xung thiên lộn địa chắc hẳn phải chạy vào phòng đóng cửa khóa kỹ càng. Nhưng địch rất là xảo quyệt, những lúc mà mọi người đang đấu tranh quyết liệt, thì địch rút lui êm thắm, thậm chí còn tìm cách dụ phe ta nữa chứ, địch đưa ra thêm một đĩa đồ xào, hay đĩa cánh gà chiên bơ, đôi khi địch không tiếc tiền dùng tới những món ăn cao cấp như tôm hùm, cua rang muối... để dụ ta. Thế là hạ hỏa ngay, có hung hăng cách mấy cũng xìu cái rụp, có hùng hổ như Trương Phi cũng hạ đao xin hàng, thế là xong ngay, địch chờ cho phong trào đi xuống, bèn nấp trong phòng bắn lẻ từng con một và từng con một... Nếu ai có hỏi đến phong trào đành trả lời phong trào rượu ấy mà.

Vậy là các ông cứ tiếp tục ĐỀN TỘI để được vào nước thiên đàng sớm. Ngày xưa Chúa dựng nên ông Adong, thấy ông buồn rầu nên dựng nên bà Eva để ông có bạn. Chúa muốn bà Eva sẽ là nguồn vui của ông trong suốt cuộc đới, Chúa ban cho ông bà tất cả những gì tốt đẹp nhất, làm chủ tất cả chim muông, thú vật và cây trái, chỉ cấm ăn trái cây cấm. Nhưng bà Eva đã không nghe lời, đã ăn trái cấm, lại còn xúi ông Adong cùng ăn. Từ đó ông bà mất tất cả, và chúng ta là con cháu đã bị tội tổ tông truyền mà tiếp tục vất vả. Đặt giả thử nếu ông Adong không nghe lời bà Eva, và không ăn trái cấm có lẽ đàn ông chúng ta khá hơn. Kinh nghiệm của ông Adong cho chúng ta một bài học: Có nên nghe lời vợ không? Đây là một đề tài thật hấp dẫn chúng ta nên có dịp mổ xẻ, còn trước mắt moị chuyện trong gia đình, khi vợ đề nghị không bao giờ Never say OK ngay, mà phải bình tĩnh rờ cái bóp xem còn bao nhiêu tiền đã...

Nhớ lại trong chuyến Hành Hương năm ngoái, chúng tôi bọn đàn ông họp nhau lại tập ca bài ta không chê vợ người, ta không khen vợ ta... thì anh bạn tôi (có vợ cùng đi) khoái chí, anh ta hát to nhất, hát như gào lên, tất cả các gân cổ căng lên để hát, hát như được dịp trả thù, thật sự anh ta hát bằng tất cả con tim thấm máu, bằng tất cả tâm hồn thổn thức, tức tưởi của một người nghệ sĩ thứ thiệt. Nhìn anh ta hát, tôi thấy anh kiên cường bất khuất, giá mà lập phong trào đòi quyền sống, chúng tôi quyết định sẽ bầu cho anh ta làm chủ tịch. Anh ta vừa hát, vừa nắm tay giơ lên cao với khí thế của những kẻ đi biểu tình, đang giơ tay hô khẩu hiệu đấu tranh. Tôi tự hỏi anh chàng này đụng trúng tần số rồi sao mà hăng thế. Chúng tôi tập hát đến 2 đêm, quyết định sẽ ra trình diễn vào ngày sinh hoạt của phái đoàn sắp tới. Nhưng tới trước buổi sinh hoạt anh chạy lại với cái mặt bí xị xin lỗi anh, tôi không thể lên trình diễn được tối nay vì phải đưa vợ đi shopping. Như môt gáo nước lạnh đổ trên đầu tôi, khí thế anh đâu? Con người anh ngày hôm qua đâu tôi giơ tay rờ đầu anh, cái đầu hơi hâm hấp chứ chưa lên cơn sốt, còn cái đầu của tôi thì nó lạnh ngắt như trúng gió. Anh ta đã trở về với con người thật của anh ta, con người hôm qua là con người giả là con người của phong trào, cũng thế thôi, địch đã nhả đạn rồi và anh ta đã bị bắn tỉa, anh đã trở về với chính phủ Quần Thâm, (không được ở xứ này đâu có quần thâm, xứ fashion, xin đươc gọi là chính phủ Quần lủng. Chúng tôi đã thua mà còn thua đậm nữa là khác. Chúng tôi những ca sĩ chưa lên đã xuống, thế là phong trào đi đời nhà ma. Anh Q. ơi! ôi người bạn đau khổ của tôi, anh đã đại diện chúng tôi để gào lên những phẫn uất, mặc dù là ngắn ngủi, có còn hơn không, chúng tôi cám ơn anh, cầu xin cho anh được ĐỀN TỘI trọn vẹn.

Cứ kiểm lại chuyến hành hương của tôi đi, phái đoàn toàn là các bà, các ông chỉ có 20% đủ chứng tỏ phe ta là phe yếu, hay nói cho văn vẻ là lép vế, trong đám các ông ấy một số bị kềm kẹp không thể nhúc nhích, đúng ra cái gì ít thì quý, thì có giá, nhưng ít đàn ông mà nhiều đàn bà là khổ sở nhất trên đời.

Tôi nhớ tới câu chuyện: Một chiếc tàu bị đắm những người sống sót nhờ may mắn trôi dạt vào một hoang đảo, trong số đó chỉ có một người đàn ông, còn lại tới 6 phụ nữ. Anh chàng này vô cùng sung sướng cứ như là hoàng đế, mặc dù vất vả nhưng bên cạnh có 6 người đẹp phục vụ, thật là hạnh phúc. Nhưng tới tuần lễ thứ 2, rồi thứ 3, anh ta thấy rất là khổ sở đôi khi sợ hãi là đàng khác, nên ngày nào anh ta cũng ra bờ biển hy vọng có tàu nào vô tình cặp đảo chăng, anh mong mỏi có thêm một hoặc vài người đàn ông để chia sẻ bớt cái hạnh phúc bất đắc dĩ mà anh đang có. Mãi đến một hôm, sau khi mưa to gió lớn, anh lầm lũi đi trên bãi biển, từ xa trên mặt biển có một người đang ôm miếng ván mặc cho sóng biển trôi dạt. Mừng quá, vị cứu tinh đã đến, như có nguồn năng lực đẩy anh nhẩy xuống biển, anh bơi ào ào tới và cố lôi người đó vào bờ, kéo người đó lên bãi cát, vừa nhìn thấy vị cứu tinh anh hằng mong mỏi, anh bủn rủn chân tay ngã quỵ xuống cát, miệng còn lẩm bẩm: thế này là hết rồi, không có ngày Chúa nhật nữa

Chuyến hành hương của chúng tôi ra đi, đã đem lại cho bọn đàn ông chúng tôi một niềm tin, chúng tôi còn đủ khả năng khuân vác những chiếc vali nặng nề của các bà đã đè lên vai chúng tôi, đã kéo hai tay chúng tôi, chúng tôi tuy ít ỏi nhưng đã làm việc gấp10 lần, có những đêm không ăn, ngày không ngủ nhớ tới các bạn hành hương thương 1, nhớ tới các bạn trong đội khuân vác thương 10, hình ảnh nhưng chiếc vali và chúng tôi xếp hàng chờ đợi xe lửa tại Au châu tới, chúng tôi ở tư thế sẵn sàng, chỉ cần xe lửa dừng bánh là cấp tốc chuyển hàng, nhanh như chớp, trong vòng 15 phút, 150 cái vali đã lên gọn gàng trong xe lửa, chúng tôi đã tự khen mình hay thật (vì các bà không có ai khen hay động viên chúng tôi, cứ làm như đó là bổn phận của chúng tôi), Thật mà nói đi Đàng Thánh Giá leo núi chưa mệt bằng chuyển vali cho các bà. Suy nghĩ lại chúng tôi đã làm việc Đền Tội trong chuyến hành hương vừa qua. Chúng con xin dâng lên Chúa và Mẹ việc Đền tội này.

Riêng tôi đi làm mỗi ngày kể cả ngày thứ Bảy, trưa cơm chợ, tối về vợ chờ cơm. Thật là hạnh phúc biết mấy khi về đến nhà có sẵn cơm canh nóng sốt, những mệt nhọc trong ngày làm việc tan biến mất, nhất là nghe thấy câu vợ dục anh tắm rửa rồi ăn cơm chứ nó ngọt ngào làm sao, không cần ăn cũng no, không cần tắm cũng thấy mát rồi. Nhưng có một bữa, về đến nhà không thấy có cơm nước gì hết, tôi kiểm tra thấy bếp núc lạnh tanh, không có dấu hiệu nấu nướng. Rồi cho nhịn đói rồi, tôi nghe thấy tiếng nhạc đang vang lên trong phòng, vội mở cửa xem chuyện gì mà quên cả nấu ăn. Trời ơi vợ tôi đang nghe nhạc, nàng đang thả hồn theo mây gió, giong hát Khánh Ly đang rên rỉ đừng bỏ em một mình. Tôi nổi nóng: Sao không nấu cơm? vợ tôi ngồi dậy anh không biết hôm nay đổi giờ sao, lùi lại 1 tiếng, có nghĩa mình sẽ ăn cơm trễ một tiếng, Chúa ơi! đổi giờ cũng phải đổi bữa ăn. Tôi đóng cửa cái rầm, lấy chìa khóa xe, vừa chui vào garage vợ tôi cũng vừa chạy tới miệng còn hát nhõng nhẽo đừng bỏ em một mình, cho em đi với, đi ăn phải không? Sau đó nàng chạy vào phòng, chỉ 1 phút thôi, nàng đã kéo quần, sách giầy chạy ra phóng lên xe ngồi cạnh tôi. Tôi chưng hửng, 20 năm mới có một lần, nàng nhanh tới mức như vậy, giá lúc nào nàng cũng nhanh như vậy có lẽ tôi sẽ thọ nhiều hơn. Mỗi lần đi đâu, ít nhất 1 giờ để chuẩn bị, có khi tôi ngồi nghe hết một đĩa nhạc mới thấy nàng kiều bước ra, nàng ra còn làm một màn trình diễn thời trang, đi tới đi lui, vặn bên nọ, vẹo bên kia, sau đó hỏi được không anh dĩ nhiên lần nào tôi cũng phải trả lời là được, chỉ cần nói không được, tôi sẽ phải nghe thêm một đĩa nhạc nữa, do đó ngu gì mà nói không được, mặc dù đôi khi thật sự không được. Nhưng phải nói tôi rất hân hạnh được vợ đưa lên hàng giám khảo để chấm điểm những thời trang mà vợ tôi mua SALE ở chợ về. Cũng may ở xứ Úc này có hai lần đổi giờ thôi, nếu tháng nào cũng đổi giờ chắc có nhiều người bị đau bao tử, trong đó tôi là người đầu tiên. Cũng từ đó bếp nhà tôi dù không đổi giờ cũng thường vắng lửa.

Ông bạn tôi, một vợ bốn con, một bữa tới kiếm tôi rủ đi uống bia, tôi thầm nghĩ cha nội này hôm nay có chuyện gì đây. Ngồi tại quán, anh bạn không nói năng chi cứ uống bia ừng ực, tới lúc ngà ngà mới khề khà vỗ vai tôi nói: Chúa dựng lên người đàn bà quả là tuyệt mỹ, nhưng Chúa dựng lên tính đàn bà có lẽ là sai lầm. Tôi hỏi anh nghe ai nói vậy, anh trả lời: không nghe ai nói hết, mà bây giờ tôi thấy đây là một sự thật. Sự thật 100%.... Tôi hỏi câu chuyện ra sao, nói tôi nghe để tôi góp ý, anh bạn tôi bắt đầu kể lể:

- Có gì đâu... Tôi gửi về cho thằng em tôi ở VN 200 đô, không nói cho vợ tôi hay, vài tháng sau thằng ông nội em tôi gửi thư qua kể lể, xin vốn thêm để làm ăn. Anh biết đấy! Tiền đâu mà gửi cho. Vô tình vợ tôi đọc được thư, đợi lúc ăn cơm hạch hỏi đủ thứ, nói tôi dấu tiền gửi cho cả dòng họ. Tôi giải thích cách nào cũng không nghe, cứ nghĩ tôi gửi nhiều lần. Tức quá tôi nói tôi muốn gửi cho ai thì mặc tôi, vợ tôi nói như vậy không còn xem nó là vợ nữa thì từ nay đừng hỏi đến nó nữa. Hai tuần rồi nó giận tôi không nói năng gì cứ đóng cửa phòng tối ngày. Tôi hỏi lại: Thế ai nấu cơm cho anh ăn? Anh bạn trả lời nó vẫn nấu, nhưng không ăn cùng. Tôi nói: Thế thì dễ thôi anh về xin lỗi vợ anh là xong ngay, cửa phòng sẽ mở, mọi sự sẽ rộng mở cho anh vào, đàn bà tuy vậy chứ dễ tha thứ lắm anh bạn phản đối: Không, tôi không có lỗi gì hết, không bao giờ tôi xin lỗi vợ tôi. Tôi khuyên anh bạn không phải có lỗi hay không có lỗi, mà là nhịn nhục, thiệt một chút đâu có sao. Trong kinh thánh có nói Con hãy để của lễ ở đó, về làm hòa với anh em rồi trở lại dâng lễ. Anh cứ nghe tôi đi. Vợ ta chính là mẹ của con ta mà, tôi bảo đảm xin lỗi vợ không có thiệt đâu, đôi khi có lời là khác bà ấy sẽ cho double...

Tôi gặp lại anh bạn hai ngày hôm sau, mặt tươi rói, tôi hỏi sao cửa thiên đàng đã mở chưa? Anh trả lời, cám ơn anh, cửa thiên đàng đã mở rồi...

Mỗi khi nhìn lên ảnh Thánh Gia, tôi thấy thánh Giuse bổn mạng của tôi, thật là trìu mến, trong suốt cuộc đời ngài sống trong nhịn nhục yêu thương mẹ Maria và chăm sóc Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, làm gương cho mọi người cha trong gia đình. Còn Mẹ Maria thì sống bác ái, yêu thương mọi người, cùng san sẻ gánh nặng chăm sóc gia đình với thánh Giuse. Chúng con xin thánh Giuse cầu bầu để chúng con can đảm bắt chước ngài là NHỊN NHỤC, và lúc nào cũng sãn sàng lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, còn các bà thì sao? Hay cứ một chút là giạn hờn, ghen bóng ghen gió, lúc nào cũng muốn quậy cho toang cửa, banh nhà...

Nói đến đàn bà cha ông mình quả là dùng chữ thật hay. Lúc chưa có chồng thì gọi là con gái chữ gái ở đây nó có âm ái mà âm này lại phát xuất từ chữ cái cho nên cứ loài vật gì mà cái đều có chữ ái, ví dụ: heo cái gọi là heo nái, gà cái gọi là gà mái, người cái gọi là con gái, hay thật. Ái còn có nghĩa là yêu, nên khi còn con gái ai cũng đáng yêu hết, ăn nói nhỏ nhẹ đáng yêu, đi đứng dịu dàng đáng yêu, hay cười duyên thật đáng yêu, điều đáng yêu nhất là tấm lòng vị tha. Nhưng khi có chồng rồi thì thay đổi 180 độ như bàn tay đang sấp thành ngửa, ăn nói không còn nhỏ nhẹ như trước nữa thậm chí có những bà còn học võ công của Kim Mao Sư Vương hay VOVINAM. Đi đứng thì khỏi nói, nền nhà lát gạch Italy mà gặp giầy cao gót của các bà khua thi chỉ có nước dùng bông gòn nhét chặt lổ tai mới chịu nổi, còn nụ cười duyên thì nhường chỗ cho những cái nghiến răng ..... đặc biệt lòng vị tha đi đâu mất không tìm thấy nữa. Những đức tính ấy phái đàn ông chúng tôi phải gánh chịu hậu quả, vì không biết đổ cho ai nên cứ nhè đức ông chồng mà đổ, thế có tội không, vâng chúng tôi đang ĐỀN TỘI.

Đức ông CHỒNG - chữ chồng ở đây mới thật đúng nghĩa. Tôi thường chở vợ đi chợ vào cuối tuần, mỗi lần trước khi đi tôi phải trang bị cho mình 2 gói mì, một ly càfe sữa lớn họăc hai ổ bánh mì, 4 hột gà ốp la, khi đi còn thủ thêm một chai cam vắt loại 4 lit phòng khi dọc đường gió bụi.

Tới chợ, rút kinh nghiệm không bao giờ theo vào chợ, nhưng hẹn chỗ cho nàng mang đồ ra để tôi chuyển ra xe, mấy ngày đầu còn thấp thoảng nhìn vợ ra, nhưng bây giờ ít nhất one hour photo nàng mới ra, do đó tôi tìm một cái quán nào đó làm thêm ly càfe nữa rồi mới trở lại tìm nhau đôi khi còn sớm chán. Vợ tôi khổ người được xếp vào loại có tầm thước, nàng cao ít nhất mét sáu kể cả đôi giầy 15 phân tây, vậy mà khi nàng đẩy chiếc trolley vẫn không thấy nàng, vì hàng hóa chất lên cao hơn nàng, cứ như chiếc trolley không người lái, chỉ khổ cho cái thân ốm yếu của tôi thôi, chiếc trolley không thể mang ra khỏi cửa hàng, nên mọi hàng hóa cứ nhắm ông chồng mà CHỒNG lên, thành thử tôi nói chồng đúng nghĩa là vậy. Hồi nhỏ tôi đi coi tướng số, ông thày tướng số nói: Lớn lên anh làm nghề lái xe truck, bây giờ tôi thấy ông ta nói đúng, tôi không những lái xe truck mà còn là xe truck luôn.

Có người lại diễn giải chữ vợ một cách thâm thúy, nói rằng chữ vợ nói trật từ chữ đợ mà đợ có nghĩa gần như là thế chấp. Dưới chế độ phong kiến người ta nghe đến danh từ này nhiều như đợ vợ, đợ con để trả nợ, hay là ở đợ cũng vậy, trong giai đoạn trọng nam, khinh nữ việc lấy chồng hay làm vợ người ta đôi khi coi như đi ở đợ không công. Nhưng ngày nay chữ vợ theo tôi không phải từ chữ đợ mà từ chữ NỢ có vợ tức là có nợ, có nợ thì phải trả, phải trả nợ tức là ĐỀN TỘI, nhưng cái nợ này phải trả suốt cuộc đời vẫn không hết được. Xin Cha tha cho con Có những ông chồng kém may mắn lấy phải bà vợ loại Nữ Hoàng, nên cày tới ba jobs vẫn không đủ tiền cho vợ săm đồ, tội nghiệp cho phái đàn ông chúng ta quá. Ở cái xứ Nữ Hoàng này, lady first thấy mà rầu, người ta có những luật để bảo vệ phụ nữ, chống hành hung trong gia đình, chồng mà bạt tai vợ là đi tù, ngược lại vợ mà bạt tai chồng, chỉ có nước lấy đá lạnh xoa xoa cho đỡ đỏ. Vợ giận chồng bỏ nhà ra đi có Rest woman centre hay Women shelter centre để dưỡng sức, chồng mà giận vợ chớ dại mà bỏ nhà ra đi, vì khi ra khỏi nhà chỉ có nước đi Pub hay casino, đi xong rồi đi luôn. Lạy Chúa chúng con phải làm sao bây giờ.

Trong một phiên tòa xử ông chồng tội hành hung vợ, ông tòa phán rằng:

- Anh không được quyền tát vợ, làm như vậy anh đã phạm tội, tòa tuyên án anh 3 tháng tù treo, và không được tới gần vợ 3m trong suốt thời gian thọ án.

Ông chồng đau khổ xin được hỏi lại quan tòa:

- Thưa quan tòa nếu bà vợ trong gia đình cứ xài tiền lương của chồng xả láng, tối ngày shopping, tụ họp tứ sắc, lại không lo lắng gì đến con cái, đã vậy khi nói không nghe còn chửi thề thì phải làm sao?

Quan tòa nghe nói, tức khí nổi xung đập bàn:

- Đánh bỏ mẹ nó, cho chừa cái tật hỗn láo.

Mỗi lần gặp bạn bè, nói chuyện người ta thường hỏi thăm nhau: Sao bà xã khỏe không? Để trả lời câu xã giao này, xin cho một giây tưởng niệm cho chính chúng ta trước:

Nếu trả lời khỏe, có nghĩa chúng ta mệt. Nếu trả lời, bình thường, có nghĩa chúng ta đỡ một chút. Nhưng trả lời không được khỏe, chúng ta khổ, đàng nào cũng đắng cay cả.

Số phận đàn ông là vậy, Chúa giao cho gánh nặng không mang cũng không được, thôi thì mang và cứ cho đó là Đền tội.

So sánh giữa đàn ông ở xứ Úc thòi lòi, với đàn ông ở VN ta. Anh bạn tôi đưa ra một câu châm ngôn nếu làm trai xin làm trai nước Việt, nếu làm gái xin làm gái Úc châu, chỉ cần một câu nói này đủ nói lên tình trạng bi quan của những đấng mày râu tại hải ngoại. Tại sao? xin đừng hỏi tại sao, vì không có câu trả lời vì sao. Cho nên Duy Khánh mới sáng tác bản nhạc Biết trả lời sao. Thôi đành câm nín thôi.

Có ông bạn đến Úc định cư, tuổi đời đã qua ngũ tuần, không kiếm được việc làm, bà vợ sang trước, nên phải đi làm nuôi chồng và gia đình, vì trong gia đình chỉ có mình vợ làm ra tiền, nên bà hay lên mặt cáu kỉnh. Mỗi lần vợ nổi tam bành, ông nín thinh lén đi ra ngoài. Một hôm ông đi lang thang thì gặp mấy người quen, hỏi thăm qua loa, rồi hỏi bây giờ anh làm nghề gì? Ông bèn trả lời: Tôi làm thinh. Nghĩa là ai nói gì ông cũng làm thinh, nhất là vợ có chửi, ông cũng làm thinh, nếu mà cãi lại thì nhà cửa sẽ tan tành.

Trong giáo xứ tôi ở bên VN, có gia đình ông bà chín Khuynh, ông Chín thì nhỏ con, ốm tong, ốm teo, còn bà Chín thì ôi thôi, qúa kích thước (over weight) lại nổi dữ dằn, có người xấu mồm phát biểu, bà chín cân chưa trừ bì, có lẽ trên 100kg. Xóm tôi có người cho đó là luật bù trừ của tạo hóa, có người xiên xỏ, nói ông Chín là thằn lằn bám cột đình. Mỗi lần bà Chín gọi xích lô, chở bà đi qua chợ Phú Nhuận hay chợ Trương Minh Giảng, mấy anh xích lô thấy bà đều phải dợn tóc gáy, nghĩ đến hai chiếc cầu Trương Minh Giảng và Cầu Kiệu phải qua, họ chỉ mong bà từ chối gía cuốc xe họ đòi bà trả, thường thường họ đòi bà giá gấp đôi. Một hôm tôi nhìn thấy bà bước lên chiếc xích lô, bác tài sơ y, không ghì chặt cái yên phía sau xe, sức nặng không cân bằng, thế là chiếc xích lô phía trước dập bà Chín xuống đường, còn phía sau thì kéo bật lên trời như cái đòn bẩy, tha luôn cả bác tài xích lô lên theo, cả phố ôm bụng cười khúc khích.

Giáo xứ của tôi thường tổ chức tĩnh tâm mỗi năm hai lần, một lần trước mua Phục sinh và một lần trước mùa Noel. Tôi nhớ muà tĩnh tâm năm đó. Giáo xứ mời một linh mục khách đến giảng phòng, với đề tài tĩnh tâm cho muà Phục Sinh là: Chia sẻ, nhẫn nhục và chịu đựng. Vì giáo xứ rất đông, nên buổi tĩnh tâm phải chia ra từng nhóm, nhóm trẻ riêng, nhóm các ông riêng và các bà ở nhóm khác.

Bài chia sẻ, cha giảng phòng, giảng thao thao bất tuyệt: Gia đình cần phải chia sẻ, nhẫn nhục và chịu đựng. Để có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng chia sẻ nhau để giáo dục con cái nên người, vợ chồng chấp nhận, nhịn nhục và chịu đựng nhau cho gia đình êm ấm. Mỗi gia đình đều có một Thánh giá riêng, cùng nhau chia sẻ vác. Con cái là một Thánh gía, vợ chồng chia sẻ nhau vác. Chồng là Thánh giá vợ con phải vác. Vợ là một Thánh giá chồng phải vác, các con cùng chia sẻ...

Ông Chín nghe cha giảng đến đây, ông không thể ngồi yên được, bèn giơ tay cao, xin có ý kiến: Thưa cha! Cha vừa giảng vợ cũng là cây Thánh giá, đã là cây Thánh giá thì mọi người nên chia sẻ vác. Đối với kinh nghiệm của con, nếu những Thánh giá nào mà đẹp, mà dễ thương, thì người ta giành nhau chia sẻ vác. Còn Thánh giá như nhà con thì nó vừa to, vừa nặng chẳng ai dám chia sẻ. Xin cha kêu gọi mọi người giúp đỡ chia sẻ với con. Thế là cả hội trường bò lăn ra cười. Cha giảng pbòng không biết rõ gia đình ông Chín, nên với giọng tiếu lâm, Ngài nói, như vậy Thánh giá của ông là Thánh giá bùn rồi.

Sau ngày tĩnh tâm, tiếng đồn đến tai bà Chín, từ đó trở đi, ông Chín phải nhiều phen ĐỀN TỘI với bà Chín.

Qua ngày tôi đi tĩnh huấn về, tôi tự nhiên thay đổi, trở nên trầm lặng, ít nói, trong nhà vợ tôi thuộc loại nói nhiều. Thấy tôi ít nói, nàng lại nói nhiều hơn, la lớn hơn, cường độ tăng từ cấp 3 vọt lên cấp 6, đài radio FM tôi không tìm thấy chỗ nào có thể tắt được, đồ đạc trong nhà rung chuyển nhiều hơn, như là động đất thật sự. Cứ mỗi lần vợ tôi nổi cơn thịnh nộ, tôi vào phòng đóng cửa, quỳ xuống trước tượng Chúa mà cầu nguyện:

Lạy Chúa nếu có thể được, xin cất chén đắng này, nhưng theo ý con, đừng theo ý Cha...

Sau nhiều lần như vậy, vợ tôi nghi ngờ, thắc mắc, nên có một bữa, lúc vợ tôi nổi tam bành, thấy tôi chạy vào phòng đóng cửa, nàng liền đi theo, rón rén mở cửa, nàng nghe thấy tôi đang cầu nguyện lạy Chúa, nếu có thể được, xin cất chén đắng này... Nghe tới đó, nàng xông vào bóp cổ tôi rồi lớn tiếng hỏi tôi:

- Anh cầu nguyện xin Chúa cất chén đắng này, nghĩa là có ý cầu cho tôi chết sớm phải không? Đúng rồi anh tàn nhẫn lắm, muốn cho tôi chết sớm để lấy vợ khác mà, thế là nàng òa lên khóc, như bố vừa tắt thở, qua đời. Tôi đính chính anh không có ý đó đâu... Tôi năn nỉ một hồi, vợ tôi quẹt nước mắt hỏi lại tôi:

- Thế Chúa nói thế nào?

Tôi trả lời tự nhiên:

- Chúa nói chén này đắng quá! Chúa cũng thua luôn, thôi con ráng chịu coi như là ĐỀN TỘI.

Nghĩ như vậy cho nên tôi tự nhủ trong lòng mình:

Mỗi lần em nổi tam bành
Vào phòng đóng cửa mình anh nguyện cầu
Nhìn anh, Chúa cũng lắc đầu
Thôi con ráng chịu đời sau phúc lành

T.H. góp nhặt từ internet
“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012