Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần VIII

HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần VIII 12 years 2 months ago #2404


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần VIII
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM

jean-paul-ii.jpg


AI LÀ LINH MỤC?

Trong chứng từ cá nhân này, tôi cũng cảm thấy cần phải đi xa hơn việc chỉ gợi nhớ lại những biến cố và những cá nhân để hướng tầm nhìn đi vào thâm sâu hơn và tìm ra, đúng như thực tế, huyền nhiệm trong suốt năm mươi năm qua đã cùng đồng hành và bao bọc tôi.

Linh mục có ý nghĩa gì? Theo Thánh Phaolô, trên hết linh mục là người quản lý các huyền nhiệm của Thiên Chúa: "Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều là phải chứng tỏ lòng trung thành." (1Cor 4:1-2). Danh từ "đầy tớ - giúp việc" không thể có một danh từ nào khác thay thế. Danh từ này bám rễ sâu trong Kinh Thánh: Danh từ ấy nhắc ta nhớ lại dụ ngôn người đầy tớ trung thành và người đầy tớ bất trung (xem Lc 12:41-48). Người đầy tớ không phải là một chủ nhân, nhưng là người được ông chủ tín cẩn giao cho tài sản để phải quản lý thế nào cho chính trực và có trách nhiệm. Cũng đúng như thế, linh mục nhận lãnh nơi Chúa Kitô các kho tàng cứu độ để phải đúng lúc phân phát cho những người linh mục được sai phái tới. Đó là những kho tàng đức tin. Như vậy linh mục là người của Lời Thiên Chúa, một người của bí tích, một người của "huyền nhiệm đức tin." Nhờ đức tin, linh mục tiến gần lại các kho tàng vô hình đang cấu tạo nên gia tài Ơn Cứu Độ cho thế giới do Con Thiên Chúa. Không linh mục nào được coi mình như "chủ nhân" của các kho tàng này; những kho tàng ấy dành cho mọi người chúng ta. Như vậy, do Chúa Kitô đã đạt định, linh mục có trách vụ quản trị các kho tàng ấy.

TRAO ĐỔI KỲ DIỆU!

Ơn gọi linh mục là một huyền nhiệm. Đó là mầu nhiệm của một việc "trao đổi kỳ diệu" - admirabile commercium - giữa con người và Thiên Chúa. Con người hiến dâng nhân tính của mình cho Chúa Kitô để Ngài có thể sử dụng họ như lợi khí cứu độ, biến họ thành một Kitô khác. Nếu không nắm vững huyền nhiệm "trao đổi" này, chúng ta sẽ chẳng thể hiểu được làm thế nào một chàng trai trẻ, khi nghe tiếng gọi "Hãy bước theo ta!," lại có thể từ bỏ mọi chuyện để theo Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng nếu họ đi theo lối đường này, họ sẽ tìm thấy nhân cách mình được thực hiện viên mãn.

Trong thế giới chúng ta, còn có gì viên mãn cho nhân loại tính chúng ta hơn là hàng ngày có thể làm hiện diện lại lễ hy tế cứu độ nơi Ngôi thể Chúa Kitô (persona Christi), cũng một lễ hy tế Chúa Kitô đã dâng trên thập giá? Một mặt, trong lễ hy tế này, huyền nhiệm của Ba Ngôi đang hiện diện một cách thâm sâu nhất và mặt khác toàn thể vũ trụ thụ tạo được "nối kết" vào (xem Eph 1:10). Phép Thánh Thể cũng được cử hành để dâng hiến "những lao công và khốn khổ của thế giới trên bàn thờ của toàn trái đất," theo lối diễn tả ý vị của cha Teilhard de Chardin. Đó là lý do tại sao trong phần tạ ơn sau Thánh Lễ, lời thánh ca Cựu Ước của ba người trẻ được đọc lên: Benedicite omnia opera Domini Domino (Hãy chúc tụng mọi công trình của Thiên Chúa lên Thiên Chúa). Vì trong Phép Thánh Thể, mọi vật thụ tạo hữu hình cũng như vô hình và đặc biệt con người, chúc tụng Thiên Chúa như Đấng Tạo Dựng và Người Cha; tất cả đều chúc tụng Ngài với những lời kinh và hành động của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa.

LINH MỤC VÀ PHÉP THÁNH THỂ

"Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn...Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho" (Lc 10:21-22). Những lời vừa rồi của Tin Mừng Thánh Luca dẫn dắt chúng ta đi vào trung tâm của huyền nhiệm Chúa Kitô và giúp chúng ta đến gần huyền nhiệm Thánh Thể. Trong phép Thánh Thể, Chúa Con thuộc về cùng một bản thể với Chúa Cha, là người mà chỉ Chúa Cha biết, hiến dâng chính mình làm lễ hiến tế cho Chúa Cha để cứu vãn nhân loại và mọi vật được tạo dựng. Trong phép Thánh Thể, Chúa Kitô trao lại cho Chúa Cha tất cả những gì Ngài đã ban cho. Như thế dẫn đến một huyền nhiệm thâm sâu của đức công chính về phần loài thụ tạo đối đãi với Đấng Tạo Dựng. Con người cần vinh danh Đấng Tạo Dựng bằng việc dâng hiến lên Ngài tất cả những gì mình đã nhận được, bằng hành vi tạ ơn và chúc tụng. Con người không bao giờ được đánh mất tầm nhìn về món nợ này, mà một mình con người, trong số những thực tại khác trên trái đất, có khả năng ghi nhận và trả món nợ này trong tư thế là một sinh vật được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Ngài. Đồng thời, xét về những hạn chế của một sinh vật được tạo dựng và trong điều kiện tội lỗi, con người không có khả năng thực thi hành động công chính đối với Đấng Tạo Hoá, nếu không phải chính Chúa Kitô, người Con cùng bản thể với Chúa Cha và là con người thực sự, đã sáng kiến ra phép Thánh Thể trước tiên.

Chức vụ linh mục, trong thực tại thâm sâu nhất, chính là thiên chức linh mục của Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô dâng hiến chính mình, xác thịt và dòng máu, làm hiến vật dâng lên Thiên Chúa Cha, và nhờ lễ hy tế này, toàn thể nhân loại và gián tiếp là mọi tạo vật được công chính hóa trước mặt Chúa Cha. Linh mục, trong việc cử hành Thánh Thể hàng ngày, tiến vào trung tâm của huyền nhiệm này. Do đó việc cử hành Thánh Thể phải là cao điểm quan trọng nhất trong một ngày của người linh mục, là trung tâm điểm cuộc sống linh mục.

IN PERSONA CHRISTI

Những lời chúng ta nhắc lại vào cuối Kinh Tiền Tụng - "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến" - đem chúng ta trở lại với những biến cố bi thảm của Ngày Chúa Nhật Lễ Lá. Chúa Giêsu đi tới Giêrusalem để đối diện với lễ hy tế đẫm máu của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng một ngày trước đó, trong bữa Tiệc Ly, Ngài thiết lập bí tích hy tế này. Ngài đọc những lời hiến tế trên bánh mì và rượu nho: "Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con... Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy."

Việc này thuộc loại "ghi nhớ" nào? Chúng ta biết rằng từ ngữ này phải mang một ý nghĩa trọng đại, một ý nghĩa vượt xa sự ghi nhớ chỉ mang tính cách lịch sử. Ở đây chúng ta nói đến việc "ghi nhớ" theo ý nghĩa Thánh Kinh, việc ghi nhớ làm hiện diện trở lại chính biến cố ấy. Đây là việc ghi nhớ-hiện diện. Bí mật của phép lạ này chính là hoạt động của Chúa Thánh Linh mà linh mục kêu mời khi giơ tay trên các lễ vật bánh miến và rượu nho: "Chúng con xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con." Như vậy không phải chỉ nguyên linh mục nhắc lại các biến cố Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, nhưng cũng chính của Chúa Thánh Linh giúp cho biến cố này trở thành hiện thân trên bàn thờ qua thừa tác vụ linh mục. Linh mục thực sự hành động nơi thân thể Chúa Kitô. Những gì Chúa Kitô hoàn thành trên bàn thờ Thánh giá và trước đó Ngài đã thiết lập như một bí tích trong Phòng Tiệc Ly, thì giờ đây linh mục diễn lại nhờ thần lực Chúa Thánh Linh, và những lời linh mục đọc lên có cùng một hiệu năng như những lời Chúa Kitô đã đọc tại Bữa Tiệc Ly.

MYSTERIUM FIDEI (HUYỀN NHIỆM ĐỨC TIN)

Tại Thánh Lễ, sau khi truyền phép, linh mục nói những lời này, Mysterium fidei, Đây là mầu nhiệm đức tin! Những lời nói ấy dĩ nhiên đề cập tới phép Thánh Thể. Tuy nhiên, một cách thức nào đó, những lời ấy cũng liên hệ tới chức linh mục. Không thể có phép Thánh Thể nếu không có chức linh mục, cũng như không thể có chức linh mục nếu không có phép Thánh Thể. Không phải chỉ có nghiệp vụ linh mục mới liên kết chặt chẽ với phép Thánh Thể, nhưng chức linh mục chung cho mọi tín hữu đã được rửa tội cũng đâm rễ sâu trong huyền nhiệm này. Đáp lại những lời của vị chủ tế, toàn dân thưa: "Khi chúng con ăn bánh này và uống chén này chúng con công bố việc Chúa Giêsu đã chịu chết, cho đến ngày Chúa đến trong vinh quang." Như Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta, những người tín hữu khi chia sẻ vào Lễ Hy Tế Thánh Thể trở thành chứng tá cho Chúa kitô bị Đóng Đinh và Sống Lại và cam kết sống sứ mệnh ba chiều - tư tế, tiên tri và vương quyền - mà họ đã nhận lãnh ngày Rửa Tội.

Linh mục, như người đầy tớ các "huyền nhiệm của Thiên Chúa," phải đi vào phục vụ chức linh mục tổng quát của người tín hữu. Nhờ công bố lời Chúa và cử hành các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể, linh mục hãy làm cho toàn thể Dân Chúa ý thức nhiều hơn về phần mình chia sẻ vào chức linh mục của Chúa Kitô, và đồng thời khuyến khích mọi người hãy sống vẹn toàn chức vụ linh mục ấy. Sau truyền phép, khi linh mục đọc những lời Mysterium Fidei, tất cả mọi người được mời gọi cân nhắc ý nghĩa hiện tồn phong phú của lời công bố này, có liên quan tới huyền nhiệm Chúa Kitô, Thánh Thể và chức linh mục.

Đó không phải là lý do thâm sâu nhất nằm đàng sau ơn gọi linh mục sao? Chắc chắn lý do đó hoàn toàn hiện diện vào lúc truyền chức, nhưng cần được nội tâm hóa và đào sâu thêm cho suốt cuộc đời còn lại của linh mục. Chỉ có cách thức này người linh mục mới có thể khám phá thấy tận thâm cung của kho tàng cao cả Thiên Chúa đã tín thác cho ngài. Năm mươi năm sau khi chịu chức, tôi có thể nói rằng trong những lời Mysterium Fidei, chúng ta sẽ mỗi ngày hiểu thêm ý nghĩa của chức vụ linh mục. Đây là tiêu chuẩn để đánh giá hồng ân linh mục và đây cũng là tiêu chuẩn để đánh giá sự đáp trả lại những gì hồng này đòi hỏi. Hồng ân luôn luôn gia tăng! Và đây là một điều tuyệt diệu. Và tuyệt diệu tới nỗi con người không bao giờ có thể nói mình đã đáp trả trọn vẹn được hồng ân ấy. Luôn luôn tồn tại cả hồng ân lẫn trách vụ! Điều chính yếu là ý thức được như thế để có thể sống thiên chức linh mục của chúng ta thật trọn vẹn.

CHÚA KITÔ, LINH MỤC VÀ VẬT HIẾN TẾ

Chân lý về chức linh mục của Chúa Kitô luôn luôn đánh động tôi một cách thật phi thường qua lời Kinh Cầu hùng hồn thường được đọc trong chủng viện tại Cracow, nhất là vào buổi chiều tối trước ngày thụ phong linh mục. Tôi muốn nói tới Kinh Cầu Chúa Giêsu Kitô, Linh mục và Hiến vật. Lời kinh này đã nhắc nhớ những suy tư thâm sâu biết bao. Trong lễ Hy tế trên Thánh Giá, được tái diễn lại trong mỗi Thánh lễ, Chúa Kitô dâng hiến chính mình để cứu độ nhân loại.

Những lời kêu xin của Kinh Cầu gợi nhớ lại nhiều khía cạnh của Huyền nhiệm này. Những lời kêu xin được tôi nhớ lại với tất cả biểu tượng phong phú nơi các hình ảnh Thánh Kinh được nối kết mật thiết lại với nhau. Tôi còn lặp lại những lời kinh ấy bằng tiếng La Tinh, ngôn ngữ mà tôi đã đọc lúc còn trong chủng viện và rất thông thường những năm sau này nữa:

Jesu, Sacerdos et Victima,
Jesu, Saerdos in aeternum secundum ordinem Melchisedech,
Jesu, Pontifex ex hominibus assumpte,
Jesu, pro hominibus constitute,
Jesu, Pontifex futurorum bonorum,
Jesu, Pontifex fidelis et misericors,
Jesu, Pontifex qui dilexisti nos et lavisti nos a peccatis in sangune tuo,
Jesu, Pontifex qui tradidisti temetipsum Deo oblationem et hostiam,
Jesu, Hostia sancta et immaculata,
Jesu, Hostia in qua habemus fiduciam et accessum ad Deum,
Jesu, Hostia vivens in saecula saeculorum.
(Lời Kinh Cầu đầy đủ nằm trong phần phụ chú ở cuối sách và có phần Kinh Cầu bằng tiếng Việt).

Những lời diễn tả này thật chứa đựng nhiều tư tưởng thần học thâm sâu vô cùng. Đó là những lời kêu xin đâm rễ sâu trong Thánh Kinh, nhất là trong Thư gửi tín hữu Do Thái. Chúng ta chỉ cần đọc lại đoạn này: "Chúa Kitô...như thầy thượng phẩm đem phúc lộc đến... Người đã một lần thay cho tất cả bước vào cung thánh, không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, như vậy Người lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vì nếu máu các con dê, con bò... đem rẩy lên mình những kẻ nhiễm uế, còn thánh hóa được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống" (Heb 9:11-14). Chúa Kitô là linh mục vì Ngài là Đấng Cứu Thế của thế giới. Chức linh mục của mọi tư tế là một phần của huyền nhiệm Cứu Thế. Chân lý về Ơn Cứu Chuộc và Đấng Cứu Thế đã trở thành chủ yếu đối với tôi; chân lý ấy đã tồn tại trong tôi trong những năm này, đã thấm nhập vào mọi kinh nghiệm mục vụ của tôi, và vẫn tiếp tục ban cho tôi những kho tàng mới.

Trong năm mươi năm đời sống linh mục này, tôi đã đi tới nhận định rằng việc Cứu Chuộc, cái giá đã phải trả cho tội lỗi, đưa đến một khám phá tân trang, một loại "tạo dựng mới" của toàn thể trật tự tạo dựng: việc khám phá trở lại con người như một nhân vị, con người được Thiên Chúa tạo dựng như người nam người nữ; việc khám phá trở lại chân lý thâm sâu nhất về tất cả những công trình của con người, nền văn hóa và văn minh nhân loại, về tất cả những thành đạt và khả năng sáng tạo của con người. Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, thôi thúc tâm linh đầu tiên đến với tôi, chính là quy hướng về Chúa Kitô là Đấng Cứu Chúa. Đây là nguồn gốc của tông huấn Redemptor Hominis. Khi suy tư về tất cả những biến cố này, tôi càng nhìn ra rõ ràng việc nối kết chặt chẽ giữa sứ điệp của Tông huấn này và tất cả những gì được tìm thấy trong tâm khảm con người, nhờ việc chia sẻ vào chức vụ linh mục của Chúa Kitô.

Tác giả: ĐGH Gioan Phaolô II
(Tủ Sách Dũng Lạc)
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012