Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần V

HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần V 12 years 2 months ago #2407


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần V
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM

jean_paul_II_40.jpg


RÔMA

Tháng mười một qua đi thật mau lẹ: giờ đã đến thời điểm lên đường đi Rôma. Khi ngày dự định đã đến, tôi lên tầu lửa, lòng bồi hồi khôn tả. Đi theo tôi có anh Stanislaw Starowieyski, một đồng môn trẻ trung hơn tôi cũng đã được gửi đi học toàn khoa thần học tại Rôma. Lần đầu tiên tôi dời biên giới quê hương. Từ cửa sổ của con tầu đang chuyển động, tôi nhìn thấy những thành phố trước đây chỉ được biết trong các sách địa lý. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Prague, Nuremberg, Strasbourg và Paris, nơi đây chúng tôi dừng chân thăm chủng viện Ba Lan tọa lạc trên đường phố Irlandais. Chúng tôi ở đó chỉ trong một thời gian thật ngắn ngủi vì thời gian cấp bách và chúng tôi đạt chân tới Roma trong những ngày cuối cùng của tháng mười một. Nơi đây chúng tôi thật vui khi được các linh mục Pallottine tiếp đón nồng hậu. Tôi còn nhớ ngày Chúa Nhật đầu tiên sau khi tới Rôma, lúc ấy tôi đi với Stanislaw Starowieyski tới Đền Thánh Phêrô và tham dự lễ nghi trọng thể Đức Giáo hoàng tôn kính một vị mới được phong Chân Phước. Từ xa, tôi nhìn thấy Đức Giáo hoàng Piô XII được khiêng trên chiếc kiệu gọi là sedia gestatoria. Sự tham dự của Đức Giáo hoàng trong nghi lễ phong thánh vào thời kỳ ấy được giới hạn vào việc ngài chỉ đọc kinh cầu nguyện dâng lên vị tân Chân Phước, trong lúc nghi lễ đã được một trong các Hồng y cử hành vào buổi sáng. Truyền thống này đã thay đổi, bắt đầu với Linh mục Maximilian Maria Kolbe, khi vào tháng 10 năm 1971 Đức Phaolô VI đã đích thân cử hành lễ phong chân phước cho vị Thánh Tử đạo Ba Lan của trại tập trung Auschwitz trong Thánh Lễ đồng tế trọng thể với Đức Hồng y Wyszynski và các Giám mục Ba Lan. Tôi cũng thật hân hoan cùng đồng tế trong buổi lễ ấy.

“HỌC HỎI RÔMA”

Không bao giờ tôi quên được những cảm nghĩ trong những ngày đầu tiên tới Rôma, khi vào năm 1946 tôi bắt đầu biết được Kinh Thành Muôn Thuở này. Tôi đã ghi danh học theo chương trình tiến sĩ hai năm tại Đại học Angelicum. Viện trưởng của Phân khoa Thần học là cha Mario Luigi Ciappi, O.P., sau này là nhà thần học riêng của Giáo hoàng và là Hồng y.

Cha Karol Kozlowski, giám đốc Chủng việc Cracow đã đôi lần bảo tôi rằng những ai may mắn được theo học tại kinh đô Thiên Chúa Giáo, hơn là chỉ chuyên chủ học hành (thật ra, bằng tiến sĩ thần học có thể lấy được ở các nơi khác!), điều quan trọng là phải ”học hỏi chính Rôma.” Tôi cố công theo ý kiến của ngài. Tôi đã đến Rôma với mong muốn mãnh liệt đi nhìn xem Kinh Thành Muôn Thuở, bắt đầu với các hang toại đạo. Cùng với các bạn hữu theo học Đại học Bỉ nơi tôi ở, tôi có thể thám hiểm kinh thành này một cách có hệ thống dưới sự hướng dẫn của những người thành thạo về các đền đài và lịch sử. Trong mùa nghỉ Giáng Sinh và Phục Sinh chúng tôi có thể đi thăm viếng các thành phố Ý khác. Tôi nhớ mùa nghỉ hè đầu tiên khi tôi sử dụng cuốn sách do tác giả Lorgensen người Đan Mạch đã viết như một hướng dẫn viên, chúng tôi ra đi khám phá những địa danh có liên hệ với đời sống Thánh Phanxicô.

Nhưng Rôma luôn luôn là trung tâm ban cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm. Tôi thường lên đường mỗi ngày từ Đại học Bỉ số 26 đường Quirinale để dự các lớp giảng dậy tại Đại học Angelicum. Tôi luôn luôn dừng lại thánh đường Sant'Andrea al Quirinale của Dòng Tên, nơi hài cốt Thánh Stanislaus Kostka được cất giữ. Thánh Stanislaus đã sống trong nhà tập bên cạnh và chết ở đó. Tôi nhớ trong số những du khách tới viếng mộ ngài, có nhiều chủng sinh người Đức được nhận diện dễ dàng nhờ các chiếc áo dòng đặc biệt mầu đỏ. Tại trung tâm Kitô giáo các tín hữu, và trong ánh sáng của các Thánh, dân chúng của các dân tộc thuộc các quốc gia khác nhau cùng đến nơi đây, như báo hiệu, ngoài cuộc chiến bi thảm đã để lại những dấu vết thương tổn trong chúng ta, một thế giới chẳng còn chia lìa nữa.

NHỮNG VIỄN ẢNH MỤC VỤ

Công việc đào tạo chức linh mục, thần học và mục vụ của tôi, một phần tôi đã kinh nghiệm được tại Rôma ngay từ lúc khởi đầu. Hai năm theo học được hoàn tất vào năm 1948 với cấp bằng tiến sĩ, đó là thời gian tôi dành hết công sức ”học cho biết Rôma”. Đại học Bỉ đã giúp tôi vun trồng chức linh mục vững mạnh từng ngày ngay giữa cuộc sống của thủ đô Công giáo. Nơi đây còn tạo cơ hội cho tôi đi vào những giao tiếp với một số những phương thức sáng tạo trong công tác tông đồ lúc đó đang phát triển trong Giáo Hội. Ở đây tôi đặc biệt nhớ tới cuộc gặp gỡ Cha Jozef Cardijn, sáng lập viên của Phong Trào Thanh Lao Công và sau này được vinh thăng Hồng y.

Ngài thỉnh thoảng tới đây gặp gỡ các linh mục học viên và nói với chúng tôi về kinh nghiệm nhân linh của công việc lao động. Ở một mức độ nào đó, tôi đã được chuẩn bị cho kinh nghiệm này nhờ thời gian lao động trong hầm đá và trong nhà máy lọc nước Solvay. Nhưng tại Rôma tôi càng có thể lãnh hội đầy đủ hơn phương thức làm thế nào để chức vụ linh mục phải nối kết nhiều hơn với công tác mục vụ và công việc tông đồ giáo dân. Một sự nối kết chặt chẽ, hay tốt hơn, một sự tương giao hỗn hợp phải được tồn tại giữa công việc phục vụ của linh mục và tông đồ giáo dân. Khi tôi suy nghĩ về những vấn đề mục vụ này, tôi mới thẩm định rõ ràng hơn bao giờ hết ý nghĩa và giá trị của chính chức vụ linh mục.

CHÂN TRỜI ÂU CHÂU

Kinh nghiệm của tôi tại Đại học Bỉ sau này được trải rộng không phải chỉ nhờ những tiếp xúc trực tiếp với chính nước Bỉ, nhưng còn với Pháp quốc và Hoà Lan. Được sự đồng ý của Đức Hồng Y Sapieha, cha Stanislaw Starowieyski và tôi có thể đến thăm các quốc gia này vào mùa hè năm 1947. Tại đây tôi có dịp thẩm định Âu Châu rộng lớn. Tại Paris, tôi ở trong Chủng viện Ba Lan và tôi có cơ hội tiếp xúc với phong trào linh mục thợ thuyền và các vấn đề đặt ra do các cha Henri Godin và Yvan Danel ghi lại trong cuốn sách ”Nước Pháp, xứ sở thừa sai?” và công việc mục vụ đang được tiến hành trong các vùng ngoại ô Paris, đặc biệt trong giáo xứ do cha Michonneau đang đem lại sống động. Những kinh nghiệm này đã gây nhiều chú tâm quan trọng nơi tôi trong những năm thứ nhất và thứ nhì của chức vụ linh mục.

Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, nhất là cha mẹ của cố linh mục Alfred Delmé, Stanislaw Starowieyski và tôi được đi nghỉ mười ngày tại Hòa Lan. Tôi cảm kích trước sức sống hăng hái của Giáo hội và mục vụ tông đồ tại xứ sở này, nơi có những tổ chức hoạt động hăng say và các cộng đồng giáo hội sống động.

Nhờ những góc cạnh khác biệt và bổ xung cho nhau, tôi càng quý mến miền Tây Âu: Âu châu của thời đại sau chiến tranh, một Âu châu với những vương cung thánh đường nguy nga tráng lệ xây theo kiểu Gothic và dầu vậy một Âu Châu cũng đang bị cao trào tục hóa bành trướng đe dọa. Tôi hiểu được thách thức này đang đặt ra cho Giáo hội và nhu cầu phải đương đầu ngăn chặn hiểm họa sắp xẩy đến nhờ những phương thức mới mẻ trong sinh hoạt mục vụ mở ra cho giáo dân tham dự rộng rãi hơn.

NƠI NHỮNG NGƯỜI DI DÂN

Nhưng tôi đã trải qua gần hết mùa hè tại Bỉ quốc. Vào tháng chín, tôi đã đảm nhận công tác coi sóc cộng đồng Công giáo Ba Lan tiếp xúc với các phu mỏ trong vùng chung quanh Charleroi. Đây quả là một kinh nghiệm thành công thật quý giá. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm mỏ than và tôi đã có thể đích thân chứng kiến công việc nặng nhọc của các phu mỏ. Tôi đã đến thăm các gia đình di dân Ba Lan, chuyện trò với họ và gặp gỡ giới trẻ cùng các trẻ em. Tôi luôn luôn đối đãi tử tế và nồng hậu như khi tôi làm việc tại xưởng Solvay.

CHÂN DUNG CHA THÁNH GIOAN VIANNEY

Trên đường từ Bỉ về Rôma, tôi có thể dừng chân một thời gian tại giáo xứ Ars. Lúc đó vào cuối tháng mười năm 1947, Lễ Chúa Kitô Vua. Thật cảm động vô vàn khi tôi viếng thăm ngôi nhà thờ nhỏ cổ kính nơi Thánh Gioan Vianney đã giải tội, dậy giáo lý và thuyết giảng. Đó là một kỷ niệm không bao giờ nhạt nhòa trong tôi. Ngay từ những năm trong chủng viện tôi đã cảm kích trước khuôn mặt Cha Sở xứ Ars, nhất là sau khi đọc cuốn tiểu sử về thánh nhân do Đức Ông Trochu biên soạn. Thánh Gioan Maria Vianney làm chúng ta ngạc nhiên vì nơi ngài chúng ta nhìn thấy thần lực ơn thánh hoạt động qua những phương tiện nghèo nàn của con người. Chính việc cha thánh Vianney phục vụ một cách phi thường trong tòa cáo giải đã đặc biệt đánh động tôi. Vị linh mục khiêm tốn ấy đã giải tội hơn mười giờ mỗi ngày, ăn rất ít và ngủ chỉ một vài giờ, đã có thể giữa thời buổi khó khăn của lịch sử, khơi động một loại cách mạng tâm linh tại Pháp quốc và không phải chỉ tại nước Pháp mà thôi. Hàng ngàn người đã đi ngang qua xứ Ars và đã đến quỳ xưng tội. Để chống lại trào lưu tấn kích Giáo hội và hàng giáo sĩ trong thế kỷ thứ mười chín, chứng tá của ngài đã thực sự là một biến cố cách mạng.

Việc gặp gỡ khuôn mặt thánh thiện này đã xác quyết với tôi trong niềm xác tín rằng linh mục nào hoàn thành một phần chính yếu của nhiệm vụ mình nơi tòa giải tội - chính là tự nguyện ”nhốt mình trong tòa cáo giải.” Nhiều lần, khi tôi giải tội trong giáo xứ đầu tiên của tôi tại Niegowic và rồi tại Cracow, ý nghĩ tôi tự dưng quay trở lại với kinh nghiệm đáng nhớ này. Tôi luôn luôn cố công duy trì mối dây liên kết này với tòa giải tội, cả trong những năm tôi giảng dậy tại Cracow và khi tôi giải tội phần lớm tại Vương Cung Thánh Đường Đức Trinh Nữ Mria Thăng Thiên, và bây giờ tại Rôma, dầu chỉ làm tượng trưng, khi hàng năm vào ngày Thứ sáu Tuần Thánh tôi ngồi giải tội trong Đền Thánh Phêrô.

LÒNG BIẾT ƠN CHÂN TÌNH


Tôi không thể kết thúc những suy tư này với không một diễn tả lòng biết ơn nồng thắm đến tất cả mọi thành phần trong Đại học Bỉ tại Rôma, các vị bề trên, và các đồng môn thời đó mà nhiều người đã quá cố. Tôi đặc biệt biết ơn cha Viện trưởng Maximilien de Furstenberg, sau này trở thành Hồng y. Làm sao tôi có thể quên được trong thời gian nghị hội năm 1978 Hồng y Furstenberg đến bên tôi một lúc nào đó và bộc phát những lời đầy ý nghĩa: Dominus adest et vocat te? (Gio 11,28) (Thầy có mặt và gọi em đấy?) Lời đó tựa như ngài đã hoàn thành một nhiệm vụ tinh tế và bí nhiệm của một Viện trưởng Đại học Bỉ, trong tiến trình đào luyện tôi làm linh mục.

TRỞ VỀ BA LAN

Vào đầu tháng bẩy năm 1948 tôi đã trình luận án tiến sĩ tại Đại học Angelicum và liền sau đó tôi trở về Ba Lan. Như đã nói trước đây, tôi phải cố công trong hai năm ở tại Kinh Thành Muôn Thuở để ”học hỏi Rôma”: Rôma của các hang toại đạo, Rôma của các Thánh Tử đạo, Rôma của Thánh Phêrô và Phaolô, Rôma của các người tuyên xưng niềm tin. Tôi thường nhớ lại những năm tháng ấy với đầy xúc động. Khi tôi dời Rôma, không những tôi mang theo kho kiến thức thần học rộng mở hơn, nhưng cũng được một thiên chức linh mục kiên cường hơn và một viễn ảnh, một quan niệm thâm sâu hơn về Giáo hội. Thời kỳ học vấn miệt mài này gần bên mộ phần các Thánh Tông đồ đã cống hiến cho tôi nhiều lắm, từ mọi quan điểm.

Dĩ nhiên tôi có thể thêm nhiều chi tiết khác về những kinh nghiệm quyết đáp này. Nhưng tôi có thể tổng kết như sau, tại Rôma, những năm đầu trong cuộc đời linh mục đã mang kích thước của cả Âu châu lẫn thế giới. Tôi từ Rôma trở về Cracow mang theo ý niệm tính cách phổ quát của sứ mệnh linh mục, được trình bầy chính thức trong Công đồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến chế về Giáo hội, Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân). Không phải chỉ có các giám mục, nhưng từng linh mục phải đích thân quan tâm tới toàn thể Giáo hội cũng phải cảm thấy mình có trách nhiệm đối với toàn thể Giáo hội trong một phương cách nào đó.

Tác giả: ĐGH Gioan Phaolô II (Tủ Sách Dũng Lạc)
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012