Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần III

HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần III 12 years 2 months ago #2409


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần III
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM
PopeJohnPaulIIInPrayer.jpg


NHỮNG ẢNH HƯỞNG ƠN GỌI

Tôi đã nói nhiều về kinh nghiệm tại chủng viện vì chắc chắn đó là ảnh hưởng lớn lao nhất trong tiến trình đào luyện tôi thành linh mục. Nhưng nhìn bức tranh một cách toàn vẹn hơn, tôi thấy rõ ràng một số hoàn cảnh và cá nhân khác đã tác động nơi tôi một ảnh hưởng tích cực và chắc chắn Thiên Chúa đã dùng những người này để tiếng Ngài được vang động.

GIA ĐÌNH

Việc chuẩn bị tôi cho thiên chức linh mục tại chủng viện, theo một ý nghĩa nào đó, đã đến sau việc gia đình chuẩn bị cho tôi, nhờ đời sống và gương sáng của song thân tôi. Trước tiên, tôi phải biết ơn cha tôi góa vợ lúc ngài còn trẻ. Tôi chưa được Rước Lễ Lần Đầu thì đã mất mẹ: khi ấy tôi mới lên chín tuổi. Do đó tôi chưa ý thức được rõ ràng những gì mẹ tôi đã đóng góp cho công việc rèn luyện đời sống đạo của tôi, nhưng chắc chắn phải lớn lao. Sau khi mẹ tôi chết, rồi tiếp theo đó người anh cả cũng chết theo, và như vậy tôi sống đơn côi với cha tôi, một người có lòng đạo đức thâm sâu. Hàng ngày tôi có thể quan sát thấy lối sống khắc kỷ của ngài. Trước đây ngài theo binh nghiệp, và sau khi mẹ tôi qua đời, cuộc sống của ngài trở thành lời cầu nguyện liên lỉ. Thỉnh thoảng thức giấc nửa đêm, tôi nhìn thấy ngài vẫn quỳ gối, như tôi thường thấy ngài quỳ trong nhà thờ. Chúng tôi không bao giờ nói về ơn gọi linh mục, nhưng gương sáng của ngài chính là chủng viện đầu tiên, một loại chủng viện tại gia.

XƯỞNG MÁY SOLVAY

Sau những năm đầu ấy, hầm đá và xưởng lọc nước trong xưởng hóa chất tại Borek Falecky trở thành chủng viện của tôi; đó không chỉ là một 'trường thử' như tại Wadowice. Với tôi, tại thời điểm này, nhà máy đã thực sự là một chủng viện, dẫu là một chủng viện bí mật. Tôi bắt đầu làm việc tại hầm đá vào tháng chín năm 1940; một năm sau tôi qua xưởng lọc nước. Đó là những năm dẫn đưa quyết định cuối cùng của tôi đến chỗ chín mùi. Mùa thu 1942, tôi bắt đầu theo học tại chủng viện chui như một sinh viên văn khoa cũ, trong lúc vẫn là một công nhân tại Solvay. Khi ấy tôi chưa nhận ra được tầm quan trọng của những kinh nghiệm này. Chỉ sau này, khi là linh mục theo học tại Roma, các đồng môn tại Đại học Bỉ đã giúp tôi ý thức về vấn đề của các linh mục thợ thuyền và Phong trào Thanh Lao Công (JOC), lúc đó tôi mới nhận ra tầm quan trọng của những tiếp xúc với thế giới lao động mà Giáo hội và các linh mục Phương Tây phải đương đầu. Giao tiếp này đã ghi khắc sâu kinh nghiệm vào cuộc đời tôi.

Thực sự, kinh nghiệm của tôi không phải là kinh nghiệm của một "linh mục thợ thuyền" nhưng của "chủng sinh thợ thuyền". Bằng đôi tay lao động, tôi đã hiểu rất rõ ý nghĩa của lao động thể xác. Hàng ngày tôi sinh sống với những người lam lũ nặng nhọc. Tôi đã đến để hiểu được những hoàn cảnh sống của họ, gia đình họ, những quan tâm của họ, những giá trị nhân linh nơi họ và cả tư cách của họ nữa. Đích thân tôi đã cảm nghiệm được những tấm lòng hào hiệp của họ. Họ biết tôi là một sinh viên và họ đều biết rằng khi hoàn cảnh cho phép, tôi sẽ trở lại công việc học hành. Không bao giờ tôi gặp thù nghịch nơi họ về mục đích này. Tôi không làm họ bực bội khi mang theo sách đi lao động. Họ thường nói, "Chúng tôi canh chừng cho đó: cứ tiếp tục đọc sách đi!" Chuyện này đặc biệt xẩy ra vào những ca ban đêm. Họ thường nói: "Cậu đi kiếm chỗ nghỉ đi, chúng tôi coi chừng cho!"

Tôi kết thân với các thợ thuyền. Đôi khi họ mời tôi về thăm nhà họ. Sau này khi đã làm linh mục và giám mục, tôi rửa tội cho con cháu họ, làm đám cưới cho các con cháu họ và chủ tế những đám tang của họ nữa. Tôi cũng đã có thể quan sát được lòng đạo đức thâm sâu đầy trầm lặng của họ và sự hiểu biết sâu rộng của họ về cuộc sống. Những giao tiếp này vẫn tiếp tục rất thân tình với tôi, cả sau khi cuộc chiếm đóng của Đức Quốc Xã đã chấm dứt, cho đến ngày tôi được chọn làm Giám Mục Roma. Một vài người trong họ vẫn liên lạc thư từ với tôi.

GIÁO XỨ DEBNIKI: DÒNG SALÊSIÊNG

Tôi phải lùi trở lại thời gian trước khi vào chủng viện. Tôi không thể không nhắc tới một địa danh đặc biệt và một nhân vật tại đó, người mà tôi đã học hỏi rất nhiều trong thời kỳ đó. Địa danh ấy chính là giáo xứ của tôi được dâng hiến cho Thánh Stanislaus Kostka, tại Debniki, trong Tổng Giáo phận Cracow. Các cha dòng Salêsiêng coi sóc giáo xứ này và vào một ngày đen tối, các ngài bị Đức Quốc Xã lùa vào trại tập trung. Chỉ còn lại cha xứ già cả và vị giám tỉnh. Tất cả những linh mục khác đều bị giam giữ tại Dachau. Tôi vẫn tin rằng sự hiện diện của các linh mục Dòng Salêsiêng đóng một vai trò quan trọng trong công việc đào tạo ơn gọi cho tôi.

Trong giáo xứ có một nhân vật nổi bật: tôi muốn nói tới Jan Tyranowski. Nghề nghiệp của ông là thư ký, nhưng ông đã chọn làm việc cho tiệm may của cha ông. Ông nói làm việc như người thợ may dễ giúp ông phát triển đời sống nội tâm. Ông đặc biệt có đời sống nội tâm thâm trầm. Các cha Dòng Salêsiêng thật can đảm khởi động công việc giữa giới trẻ vào giai đoạn khó khăn này, khi giao cho ông trọng trách thiết lập một mạng lưới giao tiếp với giới trẻ qua phương thức "Chuỗi Mân Côi Sống" (Living Rosary). Lúc điều hành công việc này, Jan Tyranowski không tổ chức đơn độc một mình; ông cũng quan tâm tới việc phải đào tạo tâm linh cho những người trẻ ông tiếp xúc. Nhờ đó tôi đã học được những phương pháp căn bản tự đào tạo mình mà sau này được xác quyết và khai triển trong chương trình đào tạo chủng sinh. Việc đào luyện cuộc sống tâm linh của Tyranowski dựa trên các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá và Mẹ Têrêsa Avila. Tyranowski đã giúp tôi đọc các tác phẩm này, một việc làm được coi như khác thường với lứa tuổi của tôi.

CÁC CHA DÒNG CAMÊLÔ

Đây là điểm giúp tôi quan tâm tới linh đạo Dòng Kín (Carmelite). Tại Cracow, trên đường phố Rakowicka có tu viện của các cha Dòng Camêlô cải cách. Tôi đã đến đây nhiều lần và trải qua một tuần tĩnh tâm với các ngài, dưới sự hướng dẫn của cha Leonard thuộc Dòng Đức Mẹ Sầu Bi.
Có một thời gian tôi cũng có ý nghĩ gia nhập Dòng Camêlô. Những phân vân của tôi đã được Đức Hồng y Tổng Giám mục Sapieha giúp giải quyết, khi ngài nói một câu thật ngắn gọn: "Trước tiên con phải hoàn tất những gì con đã khởi sự." Và đó là tất cả những gì đã tiếp diễn.

CHA KAZIMIERZ FIGLEWICZ

Trong những năm đó, cha linh hướng và giải tội của tôi là linh mục Kazimierz Figlewicz. Lần đầu tiên tôi gặp ngài lúc ấy tôi theo học năm đầu tại trung học ở Wadowice. Cha Figlewicz là cha phó của giáo xứ Wadowice, dậy giáo lý cho chúng tôi. Nhờ ngài, tôi gần gũi với giáo xứ hơn và trở thành chú giúp lễ và những tay tổ chức nhóm giúp lễ. Khi ngài dời Wadowice về phục vụ tại Vương Cung Thánh Đường Cracow, nằm tại vùng cổ Lâu đài Hoàng gia Wawel, tôi vẫn tiếp tục liên lạc với ngài. Tôi còn nhớ vào năm thứ năm trung học, ngài đã mời tôi tới Cracow tham dự Tuần Tam Nhật Thánh (Sacred Triduum), bắt đầu với "Kinh Những Bóng Tối" vào buổi chiều Thứ Tư Tuần Thánh. Kinh nghiệm này đã gây những ấn tượng thâm sâu nơi tôi.

Sau khi tốt nghiệp, ba tôi và tôi dời về Cracow. Khi ấy tôi gần gũi với linh mục Figlewixz hơn; ngài là linh mục phó xứ Vương Cung Thánh Đường. Tôi thường tới xưng tội và thăm ngài trong thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng.

Không bao giờ tôi quên ngày mồng một tháng chín năm 1939. Đó là ngày Thứ Sáu Đầu Tháng. Tôi tới Wawel xưng tội. Vương Cung Thánh Đường hoàn toàn trống vắng. Có lẽ đó là lần cuối cùng tôi có thể bước vào nhà thờ một cách tự do. Sau này nhà thờ bị đóng cửa và Lâu Đài Hoàng Gia tại Wawel trở thành Tổng hành dinh của vị tướng chỉ huy trong chính phủ Đức Quốc Xã, tướng Hans Frank. Cha Figlewicz là linh mục duy nhất được cử hành Thánh lễ hai lần một tuần trong Vương Cung Thánh Đường đóng cửa và dưới sự canh chừng của cảnh sát Đức. Vào những thời buổi khó khăn ấy, thật rõ ràng tất cả đều mang một ý nghĩa với ngài - Vương Cung Thánh Đường, lăng tẩm, bàn thờ Thánh Stanislaus, một Giám mục Tử Đạo. Cho tới khi qua đời, cha Figlewicz vẫn là người canh giữ trung thành linh địa đặc biệt ấy của Giáo hội và Quốc gia; ngài đã truyền đạt nơi tôi lòng mộ mến đặc biệt đối với Vương Cung Thánh Đường tại Wawel, nơi mà một ngày nào đó đã trở thành Vương Cung Thánh Đường Tòa Giám mục của tôi.

Vào ngày mồng một năm 1946, tôi được thụ phong linh mục. Ngày hôm sau, lễ mở tay, tôi cử hành tại hầm mộ Thánh Leonard trong Vương Cung Thánh Đường. Cha Figlewicz đứng bên cạnh và hướng dẫn tôi. Vị linh mục khả kính này giờ đây đã an giấc ngàn thu cách đây vài năm. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể trả công cho ngài về tất cả những công trạng ngài đã trợ giúp tôi.

DÒNG LỊCH SỬ THÁNH MẪU

Thật tự nhiên, khi đề cập đến nguồn gốc ơn gọi linh mục của tôi, tôi không thể bỏ qua dòng lịch sử Thánh Mẫu. Tôi đã học được những truyền thống tôn sùng Mẹ Thiên Chúa nơi gia đình và nơi họ đạo của tôi tại Wadowice. Tôi còn nhớ, trong nhà thờ họ đạo, một bên nguyện đường được dành tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vào các buổi sáng, học sinh trung học đến viếng Đức Mẹ trước giờ học. Buổi chiều, sau giờ học, nhiều học sinh tới đó cầu nguyện với Mẹ Đồng Trinh.

Cũng thế, trên một đỉnh đồi ở Wadowice, Dòng Khổ Tu Camêlô đã được thành lập từ thời Thánh Raphael Kalinowski. Người dân từ Wadowice leo lên đây đông đảo và nhờ vậy việc tôn sùng đeo Dây Đức Bà Núi Camêlô trở thành phổ thông. Tôi cũng nhận được Dây Đức Bà và tôi nghĩ lúc đó mới lên mười và tôi còn đeo tới ngày nay. Các tín hữu cũng còn đến đây xưng tội. Và như vậy, cả tại giáo xứ và tại thánh đường của dòng khổ tu Camêlô, lòng sùng kính Mẹ Maria của tôi đã được hình thành ngay từ những năm thơ ấu, rồi niên thiếu và qua những năm trung học.

Khi lớn lên ở Cracow, tại Debniki, tôi gia nhập nhóm "Chuỗi kinh Mân Côi Sống" trong giáo xứ của các cha dòng Salêsiêng. Nơi đó lòng tôn kính thật đặc biệt với Mẹ Maria, Đấng Phù Trợ các Kitô hữu. Tại Debniki, vào thời điểm ơn gọi linh mục của tôi triển nở dưới ảnh hưởng của Jan Tyranowski, tôi nhớ có một thay đổi trong kiến thức về lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa. Tôi đã xác tín rằng Mẹ Maria dẫn dắt chúng ta tới Chúa Kitô, nhưng vào thời điểm này, tôi cũng bắt đầu nhận ra Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta tới Mẹ Ngài. Ở một điểm nào đó, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về lòng tôn sùng Mẹ Maria khi tin rằng, nếu lòng tôn sùng đó mãnh liệt quá, chắc hẳn sẽ phương hại đến việc ưu tiên tôn thờ Chúa Kitô. Lúc đó, tôi đã dựa rất nhiều vào cuốn sách của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort mang tựa đề "Luận án về sùng kính Đức Trinh Nữ." Nơi đây tôi đã tìm được các câu trả lời. Phải, Mẹ Maria dẫn đưa chúng ta gần gũi với Chúa Kitô hơn; Mẹ dìu dắt chúng ta tới Chúa, miễn là chúng ta sống huyền nhiệm của ngài trong Chúa Kitô. Luận án này của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort có phần gây ra bối rối, qua lối hành văn hoa mỹ và kỳ dị, nhưng người ta không thể chối cãi được những chân lý thần học chính yếu trong đó. Tác giả là một nhà thần học lừng danh. Những tư tưởng Thánh Mẫu học của ngài đã đâm rễ sâu từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và chân lý Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Rồi tôi mới hiểu lý do tại sao Giáo hội đọc kinh Truyền Tin (Angelus) ba lần một ngày. Tôi nhận ra những lời kinh đó thật quan trọng: "Thánh Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần... Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời: tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền... Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người và ở cùng chúng tôi..." Thật là những lời thần lực! Những lời ấy diễn tả thực tế thâm sâu của một biến cố trọng đại nhất đi vào lịch sử nhân loại.

Đó là gốc nguồn của khẩu hiệu Totus Tuus. Câu nói này phát xuất từ Thánh Louis Marie Grignion de Monfort. Đó là lời nguyện tắt của câu nghi thức tín thác đầy đủ hơn nơi Mẹ Thiên Chúa được diễn tả như sau: "Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor Tuum, Maria." (Con đây là Tất cả của Mẹ và mọi sự của con là Của Mẹ. Con nhận lãnh Mẹ trong tất cả mọi sự của con. Xin Mẹ hãy cho con mượn trái tim Mẹ, lạy Mẹ Maria).

Và như thế, nhờ Thánh Louis, tôi bắt đầu khám phá ra những kho tàng bao la trong việc sùng kính Mẹ Maria theo những nhãn quan mới. Thí dụ, khi còn trẻ thơ, tôi thường nghe hát "Giờ kinh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội" trong nhà thờ giáo xứ, nhưng chỉ sau này tôi mới nhận ra được nội dung thần học và Thánh Kinh phong phú. Cũng thế, các bài hát dân ca như những bản Thánh ca Giáng Sinh Ba Lan và Kinh Cầu Chịu Nạn trong Mùa Chay làm nổi bật những lời tâm hồn than vãn với Mẹ Sầu Bi.

Những kinh nghiệm thiêng liêng này đã là nền tảng hình thành cho hành trình cầu nguyện và chiêm niệm dần dần dẫn đưa tôi tới thiên chức linh mục và sau này vẫn tiếp tục dẫn hướng tôi trong mọi biến cố cuộc đời. Suốt từ hồi thơ ấu và cho tới khi làm linh mục và giám mục, hành trình cầu nguyện và chiêm niệm này vẫn dẫn dắt tôi thường xuyên lên đường hành hương Thánh Mẫu về Kalwaria Zebrzydowska. Kalwaria là một linh địa kính Đức Mẹ chính yếu của Tổng Giáo phận Cracow. Tôi thường đến đó, đi dọc theo lối mòn trong thanh vắng và trong lời kinh, tôi trình bầy với Chúa nhiều vấn đề đa dạng trong Giáo hội, nhất là vào những thời kỳ đầy khó khăn trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản. Khi nhìn lại, tôi thấy tất cả mọi chuyện được nối kết với nhau: ngày nay cũng như quá khứ, chúng ta nhận ra mình cũng bị lôi vào một huyền nhiệm thật thâm sâu.

ANH THÁNH ALBERT

Đôi khi tôi tự hỏi không biết Anh Thánh Albert đã đóng góp gì vào ơn gọi của tôi. Adam Chmielowski, chính là tên anh. Anh không phải là linh mục. Nhưng mọi người dân Balan đều biết anh là ai. Trong thời kỳ say mê theo đuổi diễn kịch và nghệ thuật, khuôn mặt của con người can đảm này đã gợi hứng cho tôi rất nhiều. Anh đã tham dự vào cuộc "Nổi Dậy Tháng Giêng" năm 1864 và cụt mất một chân trong cuộc chiến đấu này. Anh Albert là một họa sĩ đã theo học tại Munich. Những tác phẩm nghệ thuật anh để lại đã chứng tỏ tài nghệ xuất chúng của anh. Tuy nhiên, vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, anh đã bỏ lại dang dở những đeo đuổi nghệ thuật, chỉ vì anh nhận ra Chúa đã gọi anh cho những trách vụ quan trọng hơn nhiều. Một lần kia, anh ý thức được những hoàn cảnh bi đát của các người nghèo khổ tại Cracow. Họ thường tụ họp nhau lại tại nhà ngủ công cộng được coi như một "tụ điểm xách động" trên đường phố Krakowska, và Adam Chmielowski quyết định trở thành một thành viên trong bọn họ, không phải như một người phát chẩn từ bên ngoài đến phân phát quà, nhưng như một người hoàn toàn hiến thân phục vụ những kẻ xấu số.

Gương hy sinh đầy nhiệt hứng này đã lôi kéo được nhiều người nhập cuộc. Nhiều người thuộc cả hai phái nam nữ đến tụ tập chung quanh Anh Albert. Hai dòng tu hiến thân phục vụ những người nghèo khổ nhất được khai sinh. Tất cả xẩy ra hồi đầu kỷ nguyên của chúng ta, đúng vào thời điểm trước Đệ Nhất Thế Chiến.

Anh Thánh Albert không còn sống để được nhìn thấy ngày nay BaLan đã dành lại độc lập. Anh chết vào Lễ Giáng Sinh 1916. Tuy thế, những việc làm của anh còn tiếp tục sau khi anh quá cố và vẫn trở thành một diễn tả của truyền thống Balan đi theo lý tưởng nền tảng của Tin Mừng, theo vết chân Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Gioan Thánh Giá.

Anh Albert có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử tu đức của BaLan. Với tôi, anh đóng một vai trò quan trọng đặc biệt, vì tôi tìm thấy nơi anh một nâng đỡ và gương mẫu linh thiêng thực sự, khi bỏ lại đàng sau thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch nghệ để quyết định một lựa chọn rốt ráo đeo đuổi ơn gọi làm linh mục. Một trong những niềm vui trọng đại của tôi khi làm Giáo hoàng chính là cất nhắc con người nghèo khổ này của Cracow, ăn mặc bộ đồ xám, lên tới danh dự được tôn vinh trên bàn thờ, trước tiên với việc phong chân phước tại Blonie Krakowskie trong lần đầu tôi về thăm viếng Balan vào năm 1983 và tiếp tới là phong thánh tại Roma vào tháng mười một năm 1989 đáng ghi nhớ. Nhiều nhà văn đã bất tử hoá khuôn mặt của Anh Albert trong văn học Ba Lan. Xứng đáng được ghi nhớ giữa những tác phẩm nghệ thuật khác nhau, cũng như trong tiểu thuyết và kịch nghệ, chúng ta phải kể tới linh mục Konstanty Michalski đã viết một cuốn biên khảo dâng tặng anh. Còn tôi, là một linh mục trẻ, khi tôi còn là phó xứ nhà thờ Saint Florian tại Cracow, tôi đã soạn một vở bi kịch vinh danh anh với nhan đề Người Em Của Chúa Chúng Ta (Le Frère de notre Dieu). Đó là cách thức tôi đền đáp công ơn anh.

KINH NGHIỆM CHIẾN TRANH

Như tôi vẫn thường nói, ơn gọi linh mục đã chín mùi dứt khoát vào thời điểm Đệ Nhị Thế Chiến, trong thời Đức Quốc chiếm đóng. Phải chăng đây chỉ là chuyện tình cờ hay là một nối kết thâm sâu hơn giữa những gì đang phát triển trong tôi với những biến động lịch sử bên ngoài? Thực khó trả lời cho một câu hỏi như thế. Chắc chắn, trong kế hoạch của Thiên Chúa, chẳng có gì xẩy ra ngẫu nhiên cả. Tất cả những gì tôi muốn nói chính là thảm kịch chiến tranh đã đem tới diễn trình chín mùi cho một chọn lựa ơn gọi một cách độc đáo.. Điều đó đã giúp tôi hiểu theo một cách thức mới về giá trị và tầm quan trọng của ơn gọi. Đối diện với những tội ác hoành hành và những thảm khốc của chiến tranh, tôi cũng hiểu được ý nghĩa và sứ mạng của thiên chức linh mục trong thế giới.

Chiến tranh bùng nổ đã đẩy tôi xa khỏi đại học và công việc bút nghiên và theo học Đại học. Vào thời điểm này, tôi cũng mất người cha thân yêu là một thành phần thân thuộc trực tiếp cuối cùng trong gia đình tôi. Một cách khách quan, tất cả những chuyện đó đã đem tôi thoát dần khỏi những kế hoạch đầu đời của tôi, giống như đã bị đánh bật rễ khỏi mảnh đất đã vun trồng nhân loại tính của tôi cho đến lúc đó.

Tiến trình này không chỉ tiêu cực như thế, nhưng cùng lúc một điểm sáng bắt đầu chiếu rọi rõ rệt hơn bao giờ hết trong ký ức tôi: Thiên Chúa muốn tôi trở thành linh mục của Ngài. Một ngày kia tôi nhìn thấy điều này thật rõ rệt tựa như một khai ngộ nội giới đem đến cho tôi niềm hân hoan và chắc chắn về một ơn gọi mới. Chính tâm thức này đã làm ngập tràn hồn tôi niềm an bình thâm sâu cao cả.

Tất cả những chuyện này xẩy ra đối kháng lại đấu trường của những biến cố kinh hoàng đang xẩy ra chung quanh tôi tại Cracow, Ba Lan, Âu Châu và trên thế giới. Tôi chỉ trực tiếp cảm nghiệm được một phần nhỏ những gì mà những người đồng hương của tôi đã phải trải qua từ năm 1939 về sau. Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn học cùng lớp tại Wadowice, những người bạn thân thiết, và một số trong họ là người Do Thái. Một số đã đăng ký vào quân đội từ năm 1938. Tôi tin rằng người đầu tiên bỏ mình trong cuộc chiến chính là người trẻ nhất trong lớp tôi. Sau này tôi biết được một cách đại quan về số phận của những người khác đã ngã gục trên những chiến tuyến khác, hoặc chết trong các trại tập trung, hoặc chiến đấu tại Tobruk và Montecassino, hoặc bị đem đi đầy ải tại các lãnh thổ của Liên Bang Sô Viết: Nga Sô và Kazakhstan. Lúc đầu tôi biết được những chuyện này một phần, nhưng sau đó đầy đủ hơn trong buổi họp mặt các bạn học cũ tổ chức năm 1948 tại Wadiwice, nhân dịp kỷ niệm năm thứ mười ngày tốt nghiệp của chúng tôi.

Tôi đã được che chở rất nhiều khỏi tấn thảm kịch rộng lớn và hãi hùng của Đệ Nhị Thế Chiến.

Tôi có thể bị bắt giữ bất cứ ngày nào tại nhà, nơi hầm đá, trong công xưởng và bị đưa đến trại tập trung. Đôi khi tôi tự hỏi: vô số người trẻ cùng trang lứa đã thiệt mạng, tại sao không phải tôi? Ngày nay tôi hiểu rằng đó không chỉ là số may. Giữa những chồng chất của tội ác chiến tranh như thế, những gì xẩy ra trong cuộc sống cá nhân của tôi đều hướng đến lợi ích cho ơn gọi của tôi. Tôi không thể quên những tấm lòng từ nhân biểu lộ nơi những người Chúa đã đặt định trong bước đường đời của tôi vào giai đoạn cực kỳ khó khăn đó, kể cả những phần tử trong gia đình tôi, đồng môn của tôi cũng như những bạn hữu của tôi.

CÁC LINH MỤC BALAN HY SINH

Điều này nói lên một khía cạnh khác thật đặc biệt và chất chứa đầy ý nghĩa. Những năm Đức Quốc Xã chiếm đóng Tây Âu và Liên Xô chiếm đóng Đông Âu đã đưa tới hậu quả là một con số khổng lồ các linh mục Ba Lan bị đẩy vào các trại tập trung. Tại nguyên một trại Dachau đã có khoảng ba ngàn linh mục bị giam giữ. Còn có nhiều trại khác như Auschwitz, nơi Cha Thánh Maximilian Maria Kolbe, một linh mục dòng Phanxicô tại Niepokalanow đã hiến thân cho Chúa Kitô. Ngài đã trở thành vị linh mục đầu tiên được phong thánh sau chiến tranh. Trong số các tù nhân tại trại Dachau có Đức Giám Mục Michal Kozal thuộc Giáo phận Wloclawek, năm 1987 tôi đã hân hoan phong chân phước cho ngài tại Warsaw. Sau chiến tranh, một số linh mục bị giam giữ trong các trại tập trung, đã được phong chức Giám mục. Hai Đức Tổng Giám mục Kazimierz Majdanski và Kozlowiecki và Đức Giám Mục Ignacy Jez ngày nay vẫn còn sống. Ba vị Giám mục cuối cùng đã chứng kiến những gì đã xẩy ra tại trại diệt chủng Dachau. Các ngài hiểu biết rất rõ những kinh nghiệm ấy đem lại bao ý nghĩa cho cuộc sống nhiều linh mục. Để hoàn chỉnh bức tranh ấy, tôi cũng phải nhắc tới các linh mục Đức Quốc trong thời điểm đó cũng cùng chia sẻ số phận trong các trại tập trung. Tôi đã được vinh dự tôn phong chân phước cho một số linh mục: trước tiên là cha Rupert Mayer tại Munich và rồi mới đây trong chuyến tông du tới Đức quốc, là Đức Ông Bernhard Lichtenberg, cha sở của Vương Cung Thánh Đường Bá Linh và sau cùng là Cha Karl Leisner trong giáo phận Munster. Cha Leisner được phong chức linh mục trong trại tập trung năm 1944 và chỉ có thể cử hành Thánh Lễ một lần sau khi được phong chức.

Thực ra tôi phải nhắc nhở đặc biệt đến các linh mục tử đạo trong khi bị giam giữ trong các trại tại Bây Bá Lợi Á và trong các trại khác thuộc lãnh thổ của Liên Bang Sô Viết. Trong số rất đông đảo những người bị giam cầm tại đó, tôi muốn nhắc đến Cha Tadeusz Fedorowicz, một khuôn mặt nổi danh tại Ba Lan, vị linh mục mà tôi đã mang nợ khá nhiều về những hướng dẫn tâm linh.

Cha Fedorowicz, một linh mục trẻ thuộc Tổng Giáo phận Lwow đã tự nguyện đến xin Đức Tổng Giám mục cho phép ngài đi theo nhóm người Ba Lan bị đầy đi miền Đông. Đức Tổng Giám mục Twardowski đã ưng thuận và cha Fedorowicz đã có thể thực hiện theo sứ vụ linh mục sống giữa các đồng hương bị phân tán trên khắp các lãnh thổ của Liên Bang Sô Viết, và đặc biệt tại Kazakhstan. Ngài đã mô tả những biến cố bi thảm này trong một cuốn sách thật tuyệt diệu.

Dĩ nhiên, những gì tôi nói về các trại tập trung chỉ phản ảnh một phần, thật bi thảm, của cuốn "sách khải huyền" của thế kỷ chúng ta. Tôi đã khơi lên để muốn nhấn mạnh rằng chức vụ linh mục của tôi, ngay lúc khởi đầu, đã mang dấu vết những hy sinh lớn lao của vô vàn các người cùng thế hệ với tôi. Chúa Quan phòng đã miễn trừ cho tôi những kinh nghiệm khổ ải nhất: và như vậy tôi cảm thấy mình mang ơn nghĩa thật nhiều, cả với những người tôi quen biết cũng như với bao người tôi không quen biết. Tất cả, không phân biệt quốc tịch hay ngôn ngữ, bằng những hy sinh trên bàn thờ diệu kỳ của lịch sử, đã giúp ơn gọi làm linh mục của tôi trở thành hiện thực. Một cách nào đó, tất cả những con người ấy đã dẫn hướng tôi đi theo lối đường này. Bằng những hy sinh của mình, các ngài đã chỉ cho tôi chân lý thâm sâu nhất và chính yếu nhất về thiên chức linh mục của Chúa Kitô.

CẢM NGHIỆM LÒNG THIỆN HẢO GIỮA NHỮNG KHẮC NGHIỆT CỦA CHIẾN TRANH


Tôi vẫn thường nói rằng giữa những năm tháng chiến tranh khó khăn, tôi đã cảm nghiệm được bao tấm lòng thiện hảo của nhiều người. Đặc biệt tôi nhớ đến một gia đình, thực ra nhiều gia đình, tôi quen biết trong thời ngoại bang chiếm đóng. Tôi đã làm việc chung với Juliusz Kydrynski, trước tiên trong hầm đá, rồi trong xưởng Solvay. Chúng tôi thuộc nhóm sinh viên-nhân công, gồm có cả Wojciech Zukrowski, người em Antoni của Wojciech và Wieslaw Kaczmarczyk. Juliusz Kydrynski và tôi biết nhau trước chiến tranh, đã học chung với nhau năm thứ nhất văn chương và ngôn ngữ Ba Lan. Trong thời gian chiến tranh, tình bạn giữa chúng tôi khắng khít. Tôi biết má anh goá bụa, rồi chị anh và em trai anh. Gia đình Kydrynsky rất ân cần và thương mến tôi và quan tâm lo lắng cho tôi rất nhiều khi cha tôi qua đời vào ngày 18 tháng hai năm 1941. Tôi nhớ ngày ấy thật rõ: khi đi làm về, tôi thấy cha tôi đã chết rồi. Tình bạn giữa tôi với gia đình Kydrynskis đã là niềm an ủi lớn lao cho tôi vào thời điểm đó. Rồi tình bạn giữa chúng tôi gia tăng để tôi kết thân với các gia đình khác nữa, nhất là gia đình Szkocki sống trên đường phố Ksiecia Jozefa. Tôi bắt đầu học tiếng Pháp nhờ ơn bà Jadwiga Lewaj đang sống trong gia đình ấy. Con gái đầu của gia đình Szkockis, cô Zofia Pozniak có chồng đang bị giam giữ trong trại, đã mời chúng tôi tới tham dự những buổi hòa nhạc tổ chức trong nhà họ. Nhờ vậy, thời kỳ đen tối của chiến tranh và quê hương bị chiếm đóng đã được âm nhạc và thơ văn làm sáng rực lên. Tất cả những chuyện này diễn ra thời gian trước khi tôi bước vào chủng viện.

Tác giả: ĐGH Gioan Phaolô II (Tủ Sách Dũng Lạc)
Attachments:
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 12 years 2 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012