Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần II

HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần II 12 years 2 months ago #2410


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
HỒI KÝ ĐGH GIOAN PHAOLÔ II - Phần II
HỒNG ÂN VÀ HUYỀN NHIỆM
11hp0022.jpg


QUYẾT ĐỊNH VÀO CHỦNG VIỆN

Mùa thu năm 1942, tôi quyết định dứt khoát vào chủng viện Cracow được điều hành một cách lén lút. Cha Bề Trên Jan Piwowarczyk nhận tôi gia nhập. Công việc này phải được giữ thật bí mật, ngay cả đối với các người thân nhất. Tôi bắt đầu theo học Phân khoa Thần học thuộc đại học Jagellon, cũng được điều hành bí mật, trong lúc tôi vẫn tiếp tục làm việc như một công nhân tại Solvay.

Trong thời kỳ bị chiếm đóng, Đức Tổng Giám mục thiết lập chủng viện bí mật ngay tại chỗ ngài ở. Bất cứ lúc nào, với công việc này, các bề trên và chủng sinh có thể bị chính quyền Đức Quốc Xã đàn áp nghiêm khắc. Tôi bắt đầu cư ngụ ngay trong chủng viện bất thường này với vị Giáo chủ đáng kính vào tháng 9 năm 1944 và tôi có thể ở đó với các đồng môn cho tới ngày 18 tháng giêng năm 1945, ngày - đúng hơn là đêm - giải phóng. Thật ra ngay đêm hôm đó Hồng Quân tiến vào vùng ngoại ô Cracow. Đoàn quân Đức quốc rút lui đã phá nổ chiếc cầu Dedniki. Tôi còn nhớ một tiếng nổ kinh thiên động địa: tiếng nổ mãnh liệt đã làm bể tan tất cả các cửa sổ của tòa Giám mục. Lúc đó chúng tôi đang ở trong nhà nguyện tham dự nghi lễ với Đức Tổng Giám mục. Ngày hôm sau chúng tôi ra tay gấp rút sửa chữa các hư hại.

Nhưng bây giờ tôi cần trở lại những tháng dài trước lúc giải phóng này. Như tôi đã nói, tôi sống với những người trẻ khác trong Toà Đức Tổng Giám mục. Ngay từ lúc đầu ngài đã giới thiệu chúng tôi với một vị linh mục trẻ làm linh hướng. Đó là cha Stanislaw Smolenski, một linh mục sống nội tâm sâu sắc đã tốt nghiệp tiến sĩ tại Roma: ngày nay ngài là Giám mục Phụ tá hưu trí của Cracow. Cha Smolenski nhận lãnh công tác chuẩn bị chu đáo cho chúng tôi lãnh chức linh mục. Trước đây cha Kazimierz Klosak, bề trên duy nhất của chúng tôi đã là trưởng tràng. Ngài đã theo học tại Louvain và là giáo sư triết học; chúng tôi kính trọng và rất thán phục ngài sống khắc kỷ và từ tâm. Ngài trực tiếp nhận trách nhiệm với Đức Tổng Giám mục để điều hành chủng viện chui trực thuộc ngài. Sau mùa nghỉ hè năm 1945, Cha Karol Kozlowski, trước đây đến từ Wadowice và đã là cha linh hướng chủng viện trước chiến tranh, đã được mời thay thế cha Jan Piwowarczyk làm giám đốc chủng viện, nơi đây ngài phục vụ hầu như suốt cuộc đời.

Những năm được đào tạo tại chủng viện qua đi như thế đó. Hai năm đầu tiên miệt mài học triết học. Tôi đã tốt nghiệp trong bí mật, trong khi làm việc như một công nhân. Hai năm sau, 1944 và 1945 tôi gia tăng nỗ lực và thời giờ tại Đại học Jagellon, dầu cho chương trình học còn rất khiếm khuyết trong năm đó theo sau chiến tranh. Tuy nhiên, niên khoá 1945-1946 lại là một năm học bình thường. Tại Phân khoa Thần học, tôi thật may mắn gặp được một số các giáo sư thời danh, như cha Wladyslaw Wicher, giáo sư thần học luân lý và cha Ignacy Rozycki, giáo sư thần học tín lý, người đã hướng dẫn tôi đi vào khoa phương pháp khoa học trong thần học. Ngày nay nhớ lại, tôi vô cùng biết ơn tất cả các vị bề trên, các cha linh hướng và các giáo sư đã góp phần vào công cuộc đào tạo tôi tại chủng viện. Xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho những cố công và hy sinh của các ngài!

Vào đầu niên khóa thứ năm, Đức Tổng Giám mục đã quyết định tôi đi Roma hoàn tất học trình của tôi. Và nhờ vậy, tôi đã được thụ phong linh mục sớm hơn các đồng bạn vào ngày mồng một tháng mười một, năm 1946. Dĩ nhiên, vào năm đó, nhóm của tôi chưa được đông lắm: chúng tôi có tất cả bẩy người. Ngày nay chỉ còn lại ba người còn sống. Nhóm ít người như thế có nhiều điểm thuận lợi: chúng tôi có cơ hội quen biết nhau tường tận và kết bạn với nhau thân tình. Đàng khác, nhờ vậy chúng tôi cũng sống thật ân nghĩa với các bề trên và giáo sư, cả trong giai đoạn học hành lén lút cũng như trong thời gian ngắn ngủi theo học chính thức tại Đại học.

NHỮNG NGÀY NGHỈ HÈ CỦA MỘT CHỦNG SINH

Ngay từ giai đoạn đầu gia nhập chủng viện, tôi bắt đầu nghỉ hè theo một cách thức mới. Đức Tổng Giám mục gửi tôi tới giáo xứ Raciborowice, tại vùng ngoại ô Cracow. Tôi phải tri ân sâu xa linh mục chánh xứ Jozef Jamroz và các linh mục phó xứ này đã trở thành những người bạn vững bền với một chủng sinh chui còn non trẻ. Đặc biệt tôi nhớ đến linh mục Franciszek Szymonek, sau này, trong thời kỳ kinh hoàng của Staline, tôi đã bị buộc tội và xử án với mục đích đe dọa các chức sắc của Giáo hội tại Cracow: ngài đã bị kết án tử hình. Nhưng thật may mắn, chỉ sau một thời gian ngắn, ngài được hoãn thi hành bản án tử hình. Tôi cũng nhớ đến Linh mục Adam Biela, người đã học trước tôi một vài năm trung học tại Wadowice. Nhờ những linh mục trẻ trung này, tôi quen với nếp sống Kitô hữu của toàn giáo xứ.

hẳng bao lâu sau đó, người ta thiết kế một quận hạt rộng lớn được gọi là Nowa Huta trong vùng chung quanh làng Bienczyce, là một phần lãnh địa của giáo xứ Raciborowice. Tôi đã nghỉ hè nhiều ngày tại đây vào năm 1944 cũng như năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc. Tôi thường đi thăm viếng nhà thờ cổ kính tại Raciborowice, có từ thời của Jan Dlugosz. Tôi đã suy niệm nhiều giờ tại đây khi đi bách bộ trong nghĩa trang. Tôi đã mang theo tới đây nhiều sách vở cần thiết cho công việc học hành: những pho sách của Thánh Tôma với phần dẫn giải. Có thể nói được tôi đã học thần học từ ”trung tâm” của một truyền thống thần học uyên bác. Lúc đó tôi cũng bắt đầu viết luận án về Thánh Gioan Thánh Giá, và sau này tôi còn tiếp tục dưới sự hướng dẫn của cha Ignacy Rozycki, giảng viên tại Đại học Cracow, khi Đại học này được mở cửa lại. Về sau tôi đã hoàn thành luận án này tại Đại học Angelicum, dưới sự khải đạo của cha Garrigou Lagrange.

HỒNG Y ADAM STEFAN SAPIEHA

Một ảnh hưởng mãnh liệt đã tác động trong suốt giai đoạn tôi được đào tạo làm linh mục chính là hình ảnh thời danh của Đức Tổng Giám mục Giáo chủ, đó là Đức Hồng Y tương lai Adam Stefan Sapieha, tôi hằng ghi nhớ với tất cả thương mến và biết ơn. Ảnh hưởng của ngài nơi chúng tôi được gia tăng nhiều nhất trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi chủng viện được mở cửa lại. Chúng tôi sống tại nơi cư ngụ của ngài và được gặp mặt ngài hàng ngày. Đức Giáo chủ Tổng Giám mục Cracow đã được phong chức hồng y liền ngay sau khi chiến tranh kết kiễu, lúc đó ngài đã già cả rồi. Mọi người đều hân hoan chào mừng việc tấn phong này như một sự đền đáp xứng đáng cho những công trạng của một đại nhân suốt trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng, đã thành công nêu cao danh dự tổ quốc, biểu dương rõ rệt phẩm giá của mình trên hết tất cả. Tôi còn nhớ vào ngày của tháng Ba ấy, trong Mùa Chay, khi Đức Tổng Giám mục trở về từ Roma với chiếc nón hồng y.

Các sinh viên đã nhấc bổng chiếc xe của ngài và khiêng đi xa một quãng bằng đi tới Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Mông Triệu tại Công trường Chợ. Đó là cách thức các sinh viên bộc lộ lòng ái quốc và mộ đạo được thôi thúc nơi dân chúng, trước việc ngài được vinh thăng hồng y.

Tác giả: ĐGH Gioan Phaolô II (Tủ Sách Dũng lạc)
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012