Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: CHẤP NHẬN & ĐỔI MỚI

CHẤP NHẬN & ĐỔI MỚI 11 years 3 weeks ago #46490

Chúng ta phải thay đổi cái nhìn vào bất cứ sự việc gì xảy ra trong đời sống. Dù nhỏ hay lớn, nếu có thể làm cho tốt hơn, chúng ta phải sẵn sàng. Điều quan trọng ở đây không phải là sự thành công, vì điều đó còn tùy thuộc vào người khác, nhưng điều ích lợi cho chính bản thân là chúng ta dám thay đổi chính mình.

Có một đôi vợ chồng, tuy hai người lấy nhau đã lâu, nhưng dường như họ không có hạnh phúc, bất cứ chuyện gì cũng có thể là nguyên do để hai người cãi nhau. Nhân dịp các con tặng cho một số tiền, hai người đi du lịch sang Giêrusalem. Vì tuổi già sức yếu nên chuyến đi cũng không gì hứng thú lắm, và không may người vợ từ trần sau một cơn đau tim.

Khi lo lắng thủ tục mai táng, người chồng được nhân viên nhà quàn cho biết là nếu chôn cất ở Do Thái thì chỉ tốn $2,000, nhưng nếu đem về Hoa Kỳ thì phải mất $20,000 đôla tiền chuyên chở.

Ông chồng suy nghĩ đôi chút và nói ông muốn đưa xác vợ về Hoa Kỳ. Nhân viên nhà quàn hỏi tại sao ông lại chịu mất nhiều tiền để đưa xác vợ về Hoa Kỳ? Ông trả lời, “Tôi nghe nói ở Do Thái này có người chết ba ngày rồi sống lại, và tôi không muốn có cơ hội đó.”

Đây là một câu chuyện vui, nhưng nó cho thấy một sự thật trong cuộc đời là nếu không có tình yêu, cuộc đời thì cay đắng và ê chề. Dù xã hội ngày nay tân tiến bao nhiêu, sáng chế ra biết bao điều tốt đẹp giúp loài người thêm sung sướng, hạnh phúc nhưng tất cả những điều đó vẫn không thể thay thế cho tình yêu.

Nói về tình yêu thì không bao giờ cùng vì tình yêu có quá nhiều khía cạnh, đặc biệt trong bài phúc âm hôm nay chúng ta lại thấy một góc cạnh khác của tình yêu qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu Phục Sinh và ông Phêrô.

Trước hết, chúng ta cần để ý rằng trong suốt thời gian khoảng ba năm đi rao giảng, chưa bao giờ Đức Giêsu hỏi các môn đệ hay những người bệnh tật rằng, “Con có yêu mến ta không?”. Nhưng hôm nay, trong khung cảnh Phục Sinh – sau khi chịu khổ hình thập giá, chịu chết và sống lại – Chúa Giêsu lại đặt vấn đề tình cảm của các môn đệ đối với Người, mà đại diện là ông Phêrô.

Tại sao Chúa Giêsu không hỏi ông Phêrô là “Con có tin Thầy không? Con có tin Thầy là Đấng Mêsia không? Con có tin Thầy là Thiên Chúa không?”, trước khi giao cho ông trách nhiệm chăn dắt đàn chiên của Chúa, mà Người lại hỏi ông Phêrô đến ba lần, “Con có yêu mến Thầy không?”

Chúa Giêsu biết rằng người ta không thể thực sự tin nhau nếu họ không yêu mến nhau. Đôi nam nữ không thể tin tưởng nhau đến độ chung sống với nhau trọn đời nếu họ không yêu nhau. Và khi thấy được những kết quả của tình yêu, nói chung là những hy sinh cho người yêu, người ta càng thêm tin nhau. Bởi thế, chỉ sau khi chịu khổ hình thập giá và chịu chết để minh chứng tình yêu của Chúa dành cho loài người, Chúa Giêsu mới đặt vấn đề tình yêu.

Nói tóm lại, Chúa không chỉ nói lời yêu thương, nhưng Chúa đã làm gương về tình yêu cho tất cả những ai muốn theo Chúa. Và chính trong phạm trù này Chúa Giêsu đã hỏi ông Phêrô, “Con có yêu mến Thầy không?”

Theo ĐGH Bênêđíc XVI, chữ “yêu mến” mà Chúa Giêsu dùng khi hỏi lần đầu là “agapáo” tiếng Hy Lạp, nó có nghĩa một tình yêu không giới hạn, trọn vẹn, và vô điều kiện. Nhưng ông Phêrô, khi nhìn thấy đống than hồng nướng bánh và cá, có lẽ đã nhớ lại cách đó trên dưới một tuần, cũng có than hồng để sưởi ấm vào buổi tối khi Đức Giêsu bị bắt, và ông đã từ chối không liên can đến Thầy mình vì quá sợ hãi khi bị người ta gạn hỏi, bởi thế, ông cảm thấy xấu hổ khi đứng trước tình yêu vĩ đại của Thầy mình, và ông thành thật trả lời, “Thưa Thầy, Thầy biết con mến Thầy.” Chữ ông Phêrô dùng là chữ “filéo” tiếng Hy Lạp, nó có nghĩa tình cảm của bạn hữu, tuy tình cảm ấy thắm thiết nhưng không trọn vẹn, không quyết liệt như chữ “agapáo”!

Và rồi Chúa Giêsu hỏi lại lần thứ hai, cũng với chữ “agapáo” – một tình yêu quyết liệt, trọn vẹn, không giới hạn – nhưng ông Phêrô vẫn xấu hổ nhìn nhận tình yêu bất toàn của mình, ông vẫn dùng chữ “filéo”, “Thầy biết con mến Thầy”!

Điều ngạc nhiên ở đây là sau đó, lần thứ ba, Chúa Giêsu không dùng chữ “agapáo” nữa mà Người đã dùng chữ của ông Phêrô, “filéo”, để hỏi ông, “Con có mến Thầy không?” Tuy buồn vì Chúa Giêsu đã hỏi đến ba lần nhưng lòng ông Phêrô lại bừng lên hy vọng khi thấy Chúa Giêsu sẵn sàng hạ thấp mức độ tình yêu của Người để chấp nhận tình yêu bất toàn của ông.

Qua cuộc đối thoại này, chúng ta thấy Chúa Giêsu thông cảm với tình yêu bất toàn của loài người để hạ mình xuống và sẵn sàng chấp nhận tình yêu đó – dù móp méo, sứt mẻ – để đem cho loài người chúng ta niềm hy vọng cứu độ. Cũng như Chúa đã chấp nhận khổ hình thập giá, chịu chết, và sống lại thì Chúa cũng chấp nhận sự tan nát, sự xấu xa, sự bất toàn của mỗi người chúng ta để đưa đến một đời sống mới, tốt đẹp hơn.

Bài học của Chúa Giêsu trong đoạn phúc âm hôm nay là dậy chúng ta hãy trân quý tình cảm của người khác dành cho chúng ta, dù tình cảm ấy mong manh, hay sơ sài. Chúng ta cũng đừng mong đợi nơi người khác những khả năng mà họ không thể có, nhưng hãy thông cảm, chấp nhận sự hạn hẹp của con người, bởi vì chính chúng ta cũng có những khuyết điểm và không thể có được loại tình yêu tuyệt hảo hay những khả năng mà người khác mong muốn.

Nhận xét này có thể áp dụng vào đời sống thực tế. Có những vợ chồng thường xuyên lục đục chỉ vì họ mong đợi ở nơi nhau những điều mà chính họ cũng không thể có. Hoặc có những cha mẹ ép buộc con cái phải học cho giỏi, phải lấy được bằng cấp cao, trong khi chính họ lại không muốn mở mang kiến thức. Sinh hoạt trong giáo xứ, cộng đoàn hay đoàn thể cũng cần phải có sự thông cảm lẫn nhau, phải chấp nhận khả năng hạn hẹp của những người muốn tiếp tay xây dựng.

Khi chúng ta thay đổi cái nhìn về người khác, đó là tinh thần Phục Sinh. Chúa Giêsu đã thay đổi tình trạng tuyệt vọng của sự chết thành sự sống mới tràn trề hy vọng. Từ một thân xác đầy thương tích ghê sợ, nằm chết bất động, Chúa Giêsu đã đổi mới thành một thân thể kỳ diệu, sống động. Chúa đã mở ra một cánh cửa mới cho một hoàn cảnh tưởng rằng không có lối thoát.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng phải thay đổi cái nhìn vào bất cứ sự việc gì xảy ra trong đời sống. Dù nhỏ hay lớn, nếu có thể làm cho tốt hơn, chúng ta phải sẵn sàng. Điều quan trọng ở đây không phải là sự thành công, vì điều đó còn tùy thuộc vào người khác, nhưng điều ích lợi cho chính bản thân là chúng ta dám thay đổi chính mình.

Khó khăn nhất là trong các tương giao với người khác, chúng ta phải bỏ đi những thành kiến, những cái nhìn xưa cũ về người khác, nhất là những người kề cận với chúng ta, và rồi chúng ta sẽ nhận ra một sức sống khác thường phát sinh từ sự đổi mới đó, không những ở người khác mà còn trong chính chúng ta. Đó là sự sống phục sinh, một sức mạnh phát sinh từ sự thay đổi.

Xin Thiên Chúa giúp chúng ta đổi mới hàng ngày để đem lại sức sống cho chính chúng ta và những người chung quanh.

Pt Giuse Trần Văn Nhật
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa, Phi Mạnh Hùng (Lớp Tôma)
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012