Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Thư gửi THIÊN THẦN

Re: Thư gửi THIÊN THẦN 10 years 10 months ago #47464

Bài viết này nói lên lối sống giản dị, khiêm nhường, và những bài giảng thực tế, bình dân nhưng rất sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxico. Noi gương Ngài, chung quanh chúng ta có không ít những Linh Mục và anh chị em đã và đang sống như những thiên thần tốt đẹp. Đại diện những tâm hồn còn mang nặng nỗi sân si,VHK viết bài hát ngắn này để gửi tặng những vị “thiên thần” trong anh em chúng ta, dựa theo những ý tưởng trong bài viết này.

{play}media/kunena/attachments/88/ThuGuiThienThan.mp3{/play}
THƯ GỬI THIÊN THẦN

Trong nhân gian tôi thấy nhiều thiên thần
Không ham bạc tiền, chẳng màng lợi danh
Không xa hoa, dối trá, hay dèm pha

Đi bên tôi có rất nhiều thiên thần
Luôn hy sinh giúp đỡ người lầm than
Không kiêu sa, “thánh sống”, bên người trần

Hỡi, thiên thần “bé nhỏ” của tôi ơi
Tôi đang sống đời mộng du, sa mạc mù
Cho tôi thấy tình yêu là hy sinh
Cho tôi thấy đức tin như chuyện tình.

VHK
Attachments:
Last Edit: 10 years 10 months ago by Vũ Hồng Khanh.
The administrator has disabled public write access.

Re: Thư gửi THIÊN THẦN 10 years 10 months ago #47463

:respect
The administrator has disabled public write access.

Re: Thư gửi THIÊN THẦN 10 years 10 months ago #47462

:thankyou
The administrator has disabled public write access.

Thư gửi THIÊN THẦN 10 years 10 months ago #47461


  • Posts:173 Thank you received: 403
  • Hùng 33's Avatar
  • Hùng 33
  • Gold Boarder
  • OFFLINE
Bạn Thiên Thần thân mến,

Trong một lớp giáo lý cho các em chuẩn bị rước lễ lần đầu, giáo lý viên hỏi: “Có em nào trông thấy Thiên Thần chưa ?” Một em giơ tay: “Dạ, em thấy rồi !” GLV nhìn em: “Thiên thần là loài thiêng liêng Chúa dựng nên, làm sao em thấy được ? Em thấy trong giấc mơ, trong phim ảnh hay trong sách truyện ?” “Dạ không, em thấy Thiên Thần bằng xương bằng thịt.” “Ồ, hay quá ! Em được diễm phúc thấy Thiên Thần trong dịp nào vậy ?” “Dạ bữa hôm trước cô giáo mắc bận cho về học sớm. Khi mở cửa vào phòng khách, em thấy ba em đang ôm cô thư ký trong lòng và nói : Ôi thiên thần bé nhỏ của anh!

Thiên thần ơi! Tội nghiệp cho bạn quá.

Trong câu chuyện trên, người ta đã làm mờ mất hình ảnh dễ thương của bạn rồi. Satan thường bị gán cho những gì xấu xí nhất, ghê tởm nhất, còn những gì xinh đẹp, dễ thương người ta dành riêng cho thiên thần. Khi thấy một đứa trẻ thật dễ thương người ta nói “Nó đẹp như một thiên thần”. Khi thấy một người đạo đức tốt lành, người ta nói “chị ấy thánh thiện như một thiên thần”. Thực ra tên các thiên thần không phải là tên gọi do bản tính nhưng do chức vụ. Thư Do Thái 1, 14 cho biết các bạn là những “thần khí chuyên lo phục vụ, được sai đi giúp ích những người sẽ thừa hưởng phần rỗi”. Các bạn lập thành một thế giới huyền nhiệm ở ngoài lãnh vực tri giác thông thường của chúng tôi. Thế nhưng Đức Giêsu tiếp xúc thân mật với các bạn (Mt 4,11; Lc 22,43). Các bạn vừa chăm sóc gìn giữ loài người, vừa chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa Cha (Mt 18,10); đời sống của các bạn không lệ thuộc xác thịt (Mt 22,30). Để nâng đỡ Giáo Hội, các bạn sát cánh với tổng lãnh Micae tiếp tục cuộc chiến với Satan được khai diễn ngay từ nguyên thuỷ (Kh 12,1-9).

Như vậy có mối giây liên kết mật thiết giữa trần thế với hạ giới. Bạn đâu có xa lạ với chúng tôi. Mỗi người chúng tôi còn có một thiên thần bản mệnh luôn ở bên gìn giữ che chở chúng tôi khỏi mọi sự dữ nữa mà. Chúng tôi vẫn còn là người phàm “đầu đội trời, chân đạp đất”. Ấy vậy mà đôi khi chúng tôi lại quá “đội trời”. Chúng tôi sống như “người ở cõi trên”, “như các thiên thần”, chẳng quan tâm gì đến con người, đến cuộc sống nhân sinh, lúc nào cũng mơ mơ màng màng, sách vở chữ nghĩa đầy đầu, chẳng để ý gì đến cách sống nhân bản, cách sống làm người cho đúng nghĩa của một con người. Hoặc đôi khi chúng tôi lại quá “đạp đất”, để mình dính bén vào mọi thứ trên trần gian này, xác thịt ra nặng nề, chẳng còn hướng đến trời cao là quê hương đích thực của mình nữa, “đam mê quên cả đường đi lối về”!
Đức Thánh Cha Phanxicô qua lời giảng dạy và cách sống của ngài đã chỉ cho chúng tôi thấy làm thế nào lấy lại thế quân bình để là một con người nhân bản có lòng thương xót trong một “giáo hội lữ hành-ra khỏi chính mình”.

Một Giáo Hội Lữ Hành-Ra Khỏi Chính Mình

Những người làm lớn thường được ưu tiên có chỗ ăn chỗ ở riêng, cái gì cũng được ưu đãi, cho nên dễ xa rời quần chúng, dễ đi đến chỗ “sống trên mây trên gió”. Từ trước tới giờ tôi mới thấy Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên không muốn về trong dinh thự của ngài, mà vẫn ở lại nhà trọ Thánh Matta. Ngài cảm thấy dễ chịu khi sống tại đây. Mỗi ngày lúc 7 giờ sáng ngài thích dâng lễ chung với mọi người, đặc biệt là với những nhân viên văn phòng, những người phục dịch ở Vatican, kẻ làm vườn, người làm bếp, dọn nhà quét sân. Sau thánh lễ, dù được chuẩn bị một bàn ăn riêng, nhưng ngài vẫn thích ngồi ăn chung với mọi người, chọn chỗ nào có đông người để vừa ăn vừa nói chuyện với họ. Tôi thấy tội nghiệp cho các bậc bề trên, khi ăn tiệc chẳng ai dám ngồi chung bàn, ai cũng né tránh ngồi chỗ khác để nói chuyện và ăn uống cho thoải mái. Ngồi với các vị ấy phải lo giữ kẽ, mất hết tự nhiên, chẳng dám ăn dám nói. Ngồi bên vệ đường ăn tô hủ tíu gõ, uống ly cà phê bên quán cóc bình dân còn thú vị hơn là ngồi cà phê máy lạnh, ăn nhà hàng sang trọng với đầy đủ lễ nghi quan cách nặng hình thức.

Là thiên thần, không biết bạn nghĩ sao, chứ kẻ lãng tử như tôi lại thích la cà với hạng “phàm phu tục tử” hơn là ngồi với các “thiên thần”. Chính Đức Giêsu cũng thích như thế và bị kết án là “đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Ngồi ăn uống gần gũi với tầng lớp bình dân mới hiểu họ, nghe chuyện đời thường của họ mới cảm thông với họ. Nếu cứ ở “cõi trên” kín cổng cao tường, một bước lên xe hơi, làm sao thấu hiểu được những cơ cực của những con người ở “cõi dưới” này.

Tôi thấy rõ Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy tính đơn sơ hồn nhiên giản dị và nói thẳng nói thật làm nét đặc trưng cho triều đại giáo hoàng của mình. Khi nói chuyện với khoảng 200,000 người vào thứ bảy 18-05-2013 Đức Thánh Cha nhắc nhở kẻ đang “đạp đất” đừng sống khép kín, bưng tai bịt mắt, giả vờ như không có chuyện gì, vì “nếu bước ra ngoài, chúng ta sẽ thấy cảnh nghèo đói.” Ngài lo lắng về một giáo hội thường khép kín thay vì có cái nhìn hướng ngoại: “Chúng ta không thể ung dung trong khi sự việc diễn ra như thế này. Chúng ta không thể trở thành các Kitô hữu cứng nhắc, quá lịch thiệp, điềm tĩnh nói về thần học qua bữa trà. Chúng ta phải trở thành các Kitô hữu can đảm và đi tìm những người cần được giúp đỡ nhất… Nếu đầu tư vào ngân hàng giảm, thì đó là thảm kịch và người ta nói ‘chúng ta sẽ làm gì đây?’ nhưng nếu người ta chết vì đói, không có gì để ăn hay sức khoẻ yếu, thì chẳng có chuyện gì. Đây là vấn đề của chúng ta hiện nay. Một Giáo Hội nghèo và vì người nghèo phải chống lại tâm tính này.”

Thiên thần à, nếu có mặt hôm ấy chắc bạn sẽ cùng với đám đông cười ồ lên khi ĐTC nhìn nhận: “Có lúc tôi ngủ gật khi cầu nguyện. Sau một ngày làm việc mệt mỏi khiến bạn buồn ngủ, nhưng Chúa hiểu.”

Bạn sẽ la lên: “Trời ! Đức Giáo Hoàng mà cũng ngủ gật à ?” Ơ kìa ! Đức Giáo Hoàng cũng là người chứ có phải thiên thần hay gỗ đá đâu. Đói thì ăn. Khát thì uống. Mệt thì ngủ. Đi làm cả ngày mệt rã rời, chiều đi lễ nghe giảng mà không ngủ gật mới lạ! Khi nghe các bà xưng cái tội “ngủ gà ngủ gật, khi ít khi nhiều, khi nào cũng có khi nghe cha giảng”, tôi nói các bà an tâm vì đầu mối sự tội là do tôi giảng “dài, dai, dở, dỏm”. Chúa Giêsu nói những chuyện cao siêu một cách rất bình thường nên ai cũng hiểu, còn tôi nói những chuyện bình thường ấy một cách quá cao siêu nên chẳng ai hiểu, vì thế họ ngủ là phải !

Càng làm lớn người ta càng không muốn cho ai biết đến thiếu sót khiếm khuyết của mình. Họ muốn người dưới chiêm ngưỡng họ như một thiên thần không tì vết. Có mấy ai can đảm khiêm tốn nhìn nhận yếu đuối, khuyết điểm của mình trước người dưới quyền mình hay trước đám đông đang ngưỡng mộ mình. Người có chức tước địa vị cứ muốn thiên hạ trân trọng mình như một vị “thánh sống” trong khi họ lại chẳng chịu “sống thánh”! Họ quên rằng trước khi làm thánh thì phải làm người, phải sống đúng phẩm cách như một con người đã. Chưa biết đối xử với nhau như người với người thì sao mà làm thánh được, phải không Thiên Thần ?

Tôi nhớ Đức Giêsu có nhắc: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời, không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy” (Mt 18,10). Ấy vậy mà các tông đồ vẫn xua đuổi không cho trẻ nhỏ đến gần Chúa Giêsu. Với một chút hài hước, trong bài giảng ngày 25-05-2013, ĐTC đưa ra một thực tế đáng buồn trong cách thức làm mục vụ ngày nay:
“Các tông đồ làm như thế không phải vì ác ý, mà chỉ vì thiện ý muốn Đức Giêsu đừng bị quấy rầy. Các ngài chỉ muốn Đức Giêsu ‘ban một phép lành chung rồi mọi người ra ngoài !’ Nhưng Đức Giêsu nói : “Hãy để các trẻ em đến với Ta. Đừng ngăn cản chúng, bởi vì Nước Trời dành cho những ai trở nên giống như các trẻ nhỏ này”. Từ kinh nghiệm mục vụ của mình, ĐTC nhận thấy nhiều Kitô hữu hôm nay cũng đang hành xử như các tông đồ xưa. Ngài đưa ra một số dẫn chứng :
- Một đôi bạn trẻ đến văn phòng giáo xứ để xin chịu bí tích hôn phối. Thay vì được nghe những lời “khuyến khích và nâng đỡ”, họ lại được nghe nói về “gía bổng lễ hôn phối” hay “các loại giấy tờ hợp lệ phải có”.
- Một bà mẹ độc thân tìm đến giáo xứ để xin rửa tội cho đứa con. Bà được trả lời: “Không được, bà phải tổ chức cưới xin đàng hoàng thì mới có thể xin rửa tội cho con bà”.
- Hãy nhìn cô gái trẻ đã can đảm gìn giữ cái bào thai kia… để cuối cùng cô ta nhận được gì? Một cánh cửa đóng im lìm… Đó không phải là cách làm mục vụ tốt. Cách làm đó xa lạ với Chúa, vì không mở ra những cánh cửa.

Vị cha chung hóm hỉnh nhận xét: “Đức Giêsu đã thiết lập nên bảy bí tích, nhưng với thái độ đóng cửa, người Kitô hữu đã thiết lập nên bí tích thứ tám: bí tích ‘thuế quan mục vụ’ ! Thật đáng buồn, vì chính những người có khả năng mở cửa để con người đến tạ ơn Thiên Chúa thì họ lại làm điều ngược lại. Biết bao lần, người Kitô hữu tự biến mình thành ‘kiểm soát viên Đức Tin’, thay vì là người tạo điều kiện thuận lợi cho Đức Tin triển nở nơi con người. Đó là cơn cám dỗ chiếm hữu Thiên Chúa đã có nơi các tông đồ từ thời Đức Giêsu… Chúng ta hãy nghĩ đến dân thánh của Chúa, một dân đơn sơ muốn đến gần Chúa…Hãy cầu xin Chúa để cho tất cả những ai đến với Giáo hội thì tìm thấy những cánh cửa mở ra để họ gặp được tình yêu của Thiên Chúa”.

Từ những thao thức mong ước một giáo hội mở ra với những người nghèo khổ tội lỗi lầm lỡ thay vì khép cửa lạnh lùng im lìm, trong một thánh lễ cử hành ngày 24-04-2013 tại nhà nguyện của nhà trọ Thánh Matta ở Vatican, ĐTC đã ví von “Giáo hội như một câu chuyện tình”, nơi gặp gỡ của những con người biết yêu thương nhau chứ không phải là một xí nghiệp, một tổ hợp hay một tổ chức với cơ cấu cứng ngắc, quan liêu, chỉ có số lượng mà không có chất lượng: “Giáo hội là một cái gì đó khác hơn chứ không phải một xí nghiệp…Giáo hội không lớn lên nhờ sức mạnh của con người…Khi chúng ta chạy theo số lượng, chúng ta ít nhiều trở nên quan liêu. Giáo hội mất đi bản thể của mình và biến thành một tổ chức phi chính phủ. Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ mà là một câu chuyện tình… Các bàn giấy cũng cần thiết, nhưng đến một mức độ nào thôi, như là sự hỗ trợ cho câu chuyện tình kia. Nếu cơ chế chiếm vị trí ưu tiên, tình yêu sẽ giảm sút và Giáo hội trở nên nghèo nàn…đó không phải là con đường của Giáo hội”.

Trong những buổi triều kiến tháng 3 và tháng 4-2013, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh nếu muốn theo Chúa Giêsu đích thực thì Giáo Hội cần phải “hướng ra ngoại vi” nhiều hơn, và người Kitô hữu phải ra khỏi chính mình, “phải vượt ra ngoài lối sống luôn khép kín trong các khuôn mẫu do mình vẽ ra và đóng lại chân trời do Chúa sáng tạo… Phải hướng ra ngoại vi cuộc sống. Trước tiên là đến với anh chị em mình, rồi đến với những kẻ xa hơn, những người bị bỏ quên, những người cần được cảm thông hơn, cần được an ủi và giúp đỡ nhiều hơn.”

Chia sẻ với lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ trong thánh lễ ngày 03-05-2013, Đức Thánh Cha cho biết để có lòng tin, ta cần phải có lòng can đảm: “Khi Giáo hội mất đi lòng can đảm thì Giáo hội đi vào bầu khí ‘lãnh đạm’. Các Kitô hữu thờ ơ lãnh đạm sẽ làm tổn thương Giáo hội rất nhiều, bởi vì bầu khí nhạt nhẽo này lôi cuốn người ta ẩn vào bên trong, không còn can đảm hướng lòng về Thiên Đàng để cầu nguyện hoặc mất hết can đảm để loan báo Tin Mừng. Thật lạ lùng, người ta thờ ơ lãnh đạm, ngại dấn thân, nhưng lại có can đảm để dây mình vào những lo lắng nhỏ nhặt, vào những ghen ghét đố kỵ, vào việc tiến thân trên những nấc thang danh vọng một cách ích kỷ. Tất cả điều này đều không tốt cho Giáo hội. Tất cả phải can đảm trong lời cầu nguyện, trong Chúa Giêsu, Đấng luôn thách đố những ai bước theo Ngài ! Khi Giáo hội mất hết lòng nhiệt thành tông đồ sẽ trở nên một Giáo hội ngừng trệ. Một Giáo hội gọn gàng, trông đẹp mắt đấy, nhưng không sinh hoa kết quả, vì không có can đảm vươn ra bên ngoài, nơi có rất nhiều người là nạn nhân của ngẫu tượng, của sự tục hóa, của những ý tưởng yếu kém về nhiều thứ… Giáo hội cần xây những chiếc cầu, thay vì xây những bức tường trong xã hội.”

Thiên thần xinh đẹp mà không giúp ích gì cho con người thì cũng chỉ là những con búp bê đặt trong lồng kính chỉ để cho người ta ngắm nghía trầm trồ, nào có ích gì ? Thiên thần ấy phải hiện thân nơi những con người dám vượt qua những bức tường, những rào cản, những pháo đài để dấn thân chịu thương chịu khó phục vụ con người, nhất là những người nghèo khổ tội lỗi. Thiên thần ấy phải là những cây cầu nối liền những bất đồng, bất hoà, phân cách, thành kiến để làm cho lời chào chúc Đêm Giáng Sinh của các thiên thần trở thành hiện thực: “Vinh danh Thiên Chúa trên Trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương”.

Không biết Thiên Thần hiểu thế nào chứ thế gian vẫn hiểu “thăng” là lên, càng thăng chức càng lắm quyền hành (có quyền để hành người khác !) Vì vậy cho nên người ta đua nhau chạy chọt lo lót để “thăng quan tiến chức”; rồi mở tiệc linh đình ăn mừng, tạ ơn vì được “thăng chức”; và hãnh diện vì mình được “lên chức”; dù không có khả năng, dù không còn sức nữa vẫn kiên quyết “nắm chức” đến hơi thở cuối cùng !

Thế nhưng đối với một Kitô hữu, “thăng” không phải là lên, nhưng là xuống tận cùng, đến chỗ tự hạ mình như Chúa Giêsu đã làm, và quyền hành thực sự là ở chỗ phục vụ chứ không phải được phục vụ. Trong Giáo Hội, không có chỗ cho việc tranh dành quyền lực. Đây là trọng tâm bài giảng trong thánh lễ ngày 13-5-13 của Đức Thánh Cha: "Chúa đến để phục vụ thay vì để được phục vụ. Chúa hạ mình cho đến chết, và chết trên thập giá vì chúng ta, để phục vụ chúng ta, để cứu rỗi chúng ta. Và không có cách nào khác để thăng tiến trong Giáo Hội. Đối với người Kitô, thăng tiến, thăng thưởng, có nghĩa là phải tự hạ mình và luôn luôn phục vụ người khác. Nếu không học được quy luật Kitô giáo này, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được sứ điệp thực sự của Chúa Giêsu về quyền bính.”

Đức Cha Bùi Tuần cũng đồng cảm với những suy tư về Giáo hội ngày nay khi đặt ra một vấn đề lương tâm: “Nếu chỉ vài bước thôi, tôi đã có thể cứu được một người cả xác hồn, thế mà tôi không làm, thì liệu tôi có thể tránh được án phạt nặng nề Chúa nói trong Phúc m không? Nếu chỉ vài bước thôi, một số cá nhân và tổ chức Công giáo có thể giúp Hội Thánh Việt Nam trở thành một Hội Thánh sống nghèo, nhưng họ đã không chịu bước, thì trách nhiệm của họ trước Chúa sẽ ra sao ? Họ không giúp Hội Thánh trở thành một Hội Thánh sống nghèo và lo cho người nghèo, là vì họ sống như một giai cấp giầu sang quyền lực một cách tự hào khiêu khích ngay giữa đám đông dân nghèo lầm than thiếu thốn. Tự hào và khiêu khích với não trạng thắng thế lại được cho là để làm sáng danh đạo Chúa. Đó là một vấn đề có thực rất cần được cảnh giác” (CGDT số 1908).

Một Con Người Nhân Bản-Có Lòng Xót Thương

Bạn Thiên Thần ơi,
Người cha chung của Giáo hội không mơ mộng viễn vông đâu. Rất thực tế. Ngài mê bóng đá lắm, và đưa cả bóng đá vào bài giảng của mình nữa nè. Trong thánh lễ ngày 13 tháng 4, ĐTC Phanxicô nói: “Muốn giải quyết những khó khăn hàng ngày thì phải nhìn thẳng vào thực tại của vấn đề. Luôn sẵn sàng như người thủ môn trong đội bóng đá, phải chận đứng trái bóng bất kỳ từ hướng nào bay đến.”

Người “đạp đất” mà có lúc tưởng như mình đang bay bổng trên mây trên gió, đang đi trên thảm nhung khi mọi sự đều xuôi chèo mát mái. Đời đẹp như mơ. Những chắc chắn có lúc người “đạp đất” sẽ đạp phải chông gai, khó khăn giăng tràn muôn lối đi, chặn hết đường về. Lúc ấy họ thấy chán nản, ngã lòng bỏ cuộc, nhất là hay kêu ca càm ràm, gặp ai cũng than thở trách móc. Là người đã từng trải qua những khó khăn trong cuộc sống, ĐTC trấn an : “Đừng bao giờ sợ hãi hoặc than phiền, bởi vì Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta dù là những lúc rất khó khăn… Đừng sợ hãi những khó khăn. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ : chính Ta đây. Đừng sợ! Với những khó khăn trong đời sống, những vấn đề, và những thử thách mà chúng ta phải đương đầu vẫn luôn có Chúa hiện diện. Chúng ta có thể lầm lẫn, nhưng Chúa mãi ở bên chúng ta và nói: ‘Con đã nhầm lẫn, hãy trở lại bước đi cho đúng đường’… Hãy chấp nhận đời sống thực tại như đang xẩy ra và tìm biện pháp giải quyết ... Và hãy đến với Chúa Giêsu, vì ngài luôn ở bên cạnh chúng ta trong những lúc tối tăm nhất của đời sống.”

Đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thông điệp mạnh mẽ nhất của Chúa chính là “lòng thương xót”. Chia sẻ ở nhà thờ Thánh Gioan de Latran ngày 7 tháng 4, cha nhấn mạnh: “Chúng ta luôn muốn được mọi thứ ngay lập tức…Thiên Chúa thì luôn kiên nhẫn với chúng ta, bởi vì Ngài thương yêu chúng ta. Ngài thấu hiểu, hy vọng, và tin cậy ở chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ rơi, không đoạn tuyệt và luôn tha thứ cho chúng ta… Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta, mặc dù ta xa lánh Chúa! Chúa vẫn luôn ở gần chúng ta, nếu chúng ta trở lại thì Chúa luôn mở rộng cõi lòng để ôm ấp chúng ta.”

Người cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời mình thì chẳng có gì làm họ lo sợ, buồn bã. Họ luôn có được niềm vui của người biết mình đang được yêu thương tha thứ. Dù thấy mình tội lỗi yếu đuối thế nào, có bị người đời cười chê nhạo báng thế nào, họ vẫn cứ hồn nhiên như những Thiên Thần đang quây quần bên Chúa. Họ nghe lời vị Cha Chung nhắn nhủ trong lễ đêm Phục Sinh cũng như trong Lễ Lá 2013: “Chúng ta đừng mệt mỏi, thất vọng, buồn bã, khi cảm thấy tội lỗi đè nặng trên chúng ta và đừng nghĩ là chúng ta không thể vượt qua được. Chúng ta đừng thu mình lại. Đừng thất vọng. Đừng bao giờ bỏ cuộc. Không có một hoàn cảnh nào mà Chúa không thể thay đổi được, cũng như không có một tội lỗi nào mà Chúa không tha thứ nếu chúng ta đến xin với Chúa… Đừng bao giờ là người buồn bã. Người Kitô hữu không bao giờ ở trong trạng thái buồn ! Đừng bao giờ thất vọng ! Niềm vui của chúng ta không phải là niềm vui khi có được nhiều của cải và nhiều thứ, mà chính là niềm vui được gặp gỡ một Người: Chúa Giêsu. Ngài đang ở giữa chúng ta ! Hãy xóa tan đi nỗi sợ phạm phải sai lầm…Hãy tiến lên. Nếu anh em vấp phạm, hãy đứng dậy và đi về phía trước. Những ai không dám bước đi vì sợ vấp ngã, thì sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng hơn!"

Người có lòng thương xót là người có cuộc sống nhân bản, biết nhận ra khuyết điểm của mình để xin Chúa xót thương và quyết tâm sửa đổi. Họ được “tái sinh”. Đức Thánh Cha nhắc nhở khi chịu phép rửa, qua Thánh Thần, chúng ta được sinh vào một đời sống mới. Tuy nhiên, đây là một đời sống cần phải được phát triển chứ không phải tự nhiên mà có, vì thế chúng ta phải làm mọi sự trong khả năng để phát triển đời sống mới này.

Một trong những kẻ thù đầu tiên của đời sống mới này là tính “ngồi lê nói mách”. ĐTC khiêm tốn nhìn nhận tính ngồi lê nói mách, nói xấu người khác, chỉ trích người khác là điều xẩy ra hàng ngày cho tất cả mọi người, kể cả Đức Thánh Cha !

ĐTC nhắc nhở hành vi chính đáng của một Kitô hữu có đời sống nhân bản là “không được phán xét một ai” vì chỉ có Chúa Kitô là vị Thẩm Phán độc nhất. Nếu có điều cần nói, xin chỉ nói với những người có liên quan, với những người có thể “sửa sai tình hình” chứ không nên nói với bất cứ ai, gặp ai cũng nói, thành ra kẻ “ngồi lê đôi mách”.

Kẻ thù kế tiếp gây nguy hại cho đời sống mới là chước cám dỗ thích “xen vào việc của người khác” bằng cách “so sánh mình với người khác”. Khi so sánh ta cảm thấy buồn phiền chua cay và nảy sinh lòng ganh tị vì mình thua kém người khác. Tính ganh tị làm cho cộng đồng Kitô giáo bị hư hại và đem lại nhiều đau khổ cho anh chị em mình, đó là điều quỷ dữ mong muốn. Chúng vỗ tay khi thấy những người trong cộng đoàn ganh tỵ nhau, nói xấu nhau, loại trừ nhau, không có lòng thương xót nhau. Chúng xúi người ta làm ba điều :
- Thứ nhất là xuyên tạc. Khi cung cấp tin tức, chúng ta chỉ kể một nửa những gì chúng ta muốn kể và giữ kín nửa kia, vì không tiện, không lợi cho chúng ta. Hoặc chúng ta bóp méo sự thật, chỉ nói những gì có lợi cho ta và hại cho người.
- Thứ hai là dèm pha. Khi một người có gì không tốt thì chúng ta thổi phồng lên làm cho danh giá của người ấy bị tổn thương. Khi dèm pha chúng ta muốn làm cho mình lớn lên và làm cho người khác hèn yếu đi, và chúng ta cảm thấy vui thích.
- Và điều thứ ba là nói xấu, là nói những điều xấu về người khác mà có khi không có thật. Giống như là giết hại người anh em mình.

ĐTC kết luận, tất cả ba điều: xuyên tạc, dèm pha và nói xấu đều là tội lỗi ! Đó là vả vào mặt Chúa Giêsu trên những người mà chúng ta xuyên tạc, dèm pha, nói xấu. Đừng tin rằng có sự cứu rỗi khi chúng ta so sánh với kẻ khác hoặc ngồi lê nói mách. Muốn được cứu rỗi thì phải đi theo Chúa Giêsu trên con đường của Người để không bao giờ xen vào đời sống của kẻ khác, để không trở nên các “Kitô hữu lịch thiệp nhưng nhiều thói xấu”.

Trong cuộc viếng thăm Nhà Hồng Ân của Đức Maria ở sát biên giới giữa Vatican và thành Roma vào chiều 21-5-2013, ĐTC Phanxicô khích lệ các tín hữu phục vụ Chúa Giêsu nơi chính những người nghèo và bệnh nhân: “Yêu mến Thiên Chúa và tha nhân không phải là một cái gì trừu tượng nhưng rất cụ thể. Yêu mến Thiên Chúa có nghĩa là nhìn thấy nơi mỗi người khuôn mặt của Chúa mà chúng ta cần phục vụ một cách cụ thể. Anh chị em chính là khuôn mặt của Chúa Giêsu!”

Thiên Thần thân mến,
Kể thế nào cho hết chiều kích nhân bản trong cách sống của một con người đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới. Một con người quyền uy như thế nhưng chẳng hề muốn tỏ lộ uy quyền, trái lại vẫn ứng xử một cách hết sức tự nhiên, hồn nhiên như …thiên thần và rất…tình người!

Trong các buổi tiếp kiến, gặp gỡ sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha không bệ vệ quan cách lên xe đặc chủng quay về dinh nhưng đứng lại chào các Giám Mục và một số quan khách, rồi chào các tín hữu đứng hai bên thềm đền thờ thánh Phêrô, bắt tay từng người một, nói chuyện và lắng nghe họ. Vui vẻ cảm ơn một em bé tặng ngài tấm hình em vẽ trên một mảnh giấy, chúc lành cho các bà mẹ, đặt tay chúc lành cho thai nhi và các trẻ em, làm phép một triều thiên mạ vàng cho một linh mục để dâng kính Đức Mẹ, chúc lành các tràng chuỗi và ảnh khách hành hương đem theo. Khi đi vào nội thành Vaticăng, Đức Thánh Cha chẳng ngại vấn đề an ninh bản thân, yêu cầu tài xế dừng xe lại bước xuống chào và ban phép lành cho các bệnh nhân ngồi trên xe lăn, hôn các trẻ em tàn tật và bắt tay thân nhân của họ đứng đàng sau.

Lễ Chúa Ba Ngôi, Chúa Nhật 26 tháng 05, Đức Thánh Cha viếng thăm và dâng thánh lễ đầu tiên tại giáo xứ thánh Elisabeth và Dacaria thuộc giáo phận Rôma. Thánh lễ bắt đầu vào lúc 9h30 nhưng ngài đến giáo xứ trước 45 phút để gặp gỡ chào hỏi các gia đình và trẻ em được rước lễ lần đầu cũng như các bệnh nhân phải ngồi xe lăn. Trong thánh lễ, Đức Thánh Cha đã tự mình trao Mình Thánh Chúa cho các trẻ em được rước lễ lần đầu và các bậc phụ huynh. Sau buổi lễ, ĐTC đi thăm các đường phố gần giáo xứ và ban phép lành cho dân chúng. Thiên thần có thấy những vị chủ tịch hội nghị, chủ sự thánh lễ đến trước giờ lễ 45 phút để chào hỏi gặp gỡ giáo dân, nhất là trẻ em và bệnh nhân không? hay là họ thường bắt người dân dài cổ đợi chờ. Rồi sau thánh lễ các vị đó có ở lại đi “thăm dân cho biết sự tình” và ban phép lành cho dân chúng, hay là lên xe hơi ra về sau khi yến tiệc linh đình với quà cáp rủng rỉnh.

Sau khi hoàn thành mục tiêu bảo vệ thành công ngôi vô địch giải bóng đá Seria A Italia, chiều thứ ba 21-05-2013, đại diện câu lạc bộ Juventus được Đức Thánh Cha tiếp riêng tại Vatican. Cuộc gặp gỡ này đã để lại trong họ những ấn tượng tuyệt vời. Danh thủ Totti thổ lộ “Ngài đã truyền cho tôi sự an toàn và nhân bản. Đức Thánh Cha đã làm cho mọi người dễ chịu”. Huấn luyện viên Aurelio Andreazzoli cảm động: “Tôi đánh giáo cao tính nhân văn của Đức Thánh Cha và sẽ mãi mãi giữ lại lời ngài trong trái tim”. Tổng Giám Đốc Zanzi nhận thấy “cuộc gặp gỡ hôm nay đã làm nổi bật những thứ quan trọng nhất của cuộc sống : bình an, niềm tin tưởng, sự hài hòa. Đức Thánh Cha Phanxicô có khả năng phi thường truyền tải những giá trị này qua lời nói của mình”. Tiền đạo câu lạc bộ Lazio viết: “Đây là một niềm vinh hạnh khi được cảm nghiệm tình cảm tuyệt vời ấm áp tình người và đầy khiêm tốn của con người này”.

Tính nhân bản còn thể hiện trong những mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau như câu chuyện về Đức Thánh Cha và ông thợ già đóng giầy 81 tuổi. Trong suốt 40 năm qua, từ khi còn ở Buenos Aires, Argentina ông đã chuyên sửa lại những đôi giầy cũ cho Đức Thánh Cha. Bây giờ khi ở Vatican, cha vẫn trực tiếp gọi điện thoại dặn ông cung cấp cho mình những đôi giầy mầu đen đơn giản như trước đây. Thiên thần ơi, trên thiên đàng có lúc nào bạn cảm thấy cô đơn không ? Bạn có được tình bạn bền chặt như ĐTC với ông đánh giầy không ? Dưới cõi đời này rất cần những tình bạn thực sự giữa người với người không phân biệt giầu nghèo sang hèn địa vị cao thấp. Một tình bạn chân tình như vậy sẽ giúp tôi vượt qua những lúc khó khăn, cô đơn và những khi gặp thất bại trên đường đời.

Kể thêm cho Thiên Thần một chi tiết thú vị này nữa về tính nhân bản của ĐTC nữa nè. Dù dưới bầu trời xám xịt và sau đó là mưa tầm tã, khoảng 90,000 khách hành hương vẫn đứng chật hết quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi triều yết chung với Đức Thánh Cha ngày thứ tư 29-05-13. Đáp lại tấm thịnh tình ấy, bất chấp mưa to và gió lộng, Đức Thánh Cha đã dầm mưa trên chiếc xe jeep mui trần để chào đón mọi người. Khi tiến lên lễ đài, ngài phải dừng lại để lau khuôn mặt ướt đẫm nước mưa. Nếu không có tình yêu thương đích thực, tôi có cả ngàn lý do để hoãn buổi gặp gỡ này. Tôi có thể bỏ mặc cả chục ngàn người đội mưa để ẩn mình trong nhà tránh mưa to gió lớn. Nhiều vị tai to mặt lớn đã làm như thế, nhưng ĐTC đã dầm mưa đến với họ, ở giữa đàn chiên để “ngửi được mùi của chiên” và hơn thế nữa, để “ảm mùi của chiên vào mình”, để nên một với chiên!

Thiên Thần ở trên trời có băn khoăn khi thấy khoảng cách càng ngày càng lớn giữa người giầu và người nghèo không? Có bức bối khi thấy “kẻ ăn không hết, người lần không ra” không? Có thấy đau lòng khi những người giầu lãng phí thực phẩm quá sức và tiêu xài hoang phí vô chừng trong khi đó có biết bao người thiếu cơm ăn áo mặc, chết đói chết khát hàng ngày không? Thiên Thần có được mời đến dự những thánh lễ tạ ơn tân chức, tạ ơn khấn dòng hay lễ cưới, lễ khánh thành toà nhà nào đó thật linh đình với cả trăm bàn tiệc và dư lại ê hề cả chục bàn ăn không? Trong buổi tiếp kiến chung lúc 10h30 sáng ngày 5 tháng 6, Ngày Môi Trường Thế Giới, Đức Giáo Hoàng khơi gợi lên vấn nạn đó khi cho thấy sự tương phản hoàn toàn giữa việc tiêu thụ tối đa và sự thiếu thốn nghèo đói. Đức Thánh Cha lên tiếng kêu gọi mọi người “đừng lãng phí thực phẩm” và “đừng chiều theo thứ văn hoá xa hoa lãng phí”!

Thiên Thần ơi,
Ai mà không mong được lên trời giống như thiên thần, nhưng đường về trời lại bắt đầu từ cõi đất này. Tôi không được sống “mộng du”, sống trong ảo tưởng, sống như những người ở “cõi trên” chẳng biết gì đến những vấn đề của con người và cuộc sống trên trần thế. Đồng thời tôi cũng phải biết cách “sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian” vì đây không phải là quê hương đích thực của tôi.

Để sống được như vậy, trong ngày lễ Đức Mẹ Thăm Viếng 31-05-13, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria trong việc lắng nghe Lời Chúa trong những quyết định và trong việc phục vụ tha nhân. Đối diện với cuộc sống, Mẹ Maria rất thực tế, đầy tình người và đúng đắn trong việc lắng nghe, quyết định và hành động.

Mẹ Maria chăm chú quan sát để đọc được ý nghĩa sâu sa của các biến cố trong cuộc sống. Mẹ không sống “vội vã”, nhưng luôn “ghi nhớ những sự kiện và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Mẹ không để các biến cố lôi đi, không tránh né những khó khăn vất vả khi đã quyết định. Và một khi đã rõ thánh ý Chúa, biết những gì phải làm, Mẹ không do dự chần chừ nhưng vội vã ra đi.

Để là một người “đầu đội trời chân đạp đất”, tôi cũng phải tập lắng nghe Chúa nói qua thực tại cuộc sống, biết quan tâm đến sự kiện, con người, và đọc ra những dấu chỉ Chúa gởi đến. Sau khi đọc ra dấu chỉ, tôi phải mạnh dạn quyết định rồi mau mắn bắt tay vào việc. Không trì hoãn hoặc dồn cho người khác quyết định thay mình. Không để mình bị những biến cố “cuốn theo chiều gió”, hoặc cắm đầu chạy theo các xúc cảm nhất thời.

“Đầu đội trời” cho nên tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa và suy phục Ngài mà thôi, không tôn thờ tiền của, chức tước, danh vọng, cũng không quỵ luỵ đầu phục bất cứ một thứ quyền lực trần gian nào. “Đội trời” chứ không đội những “ông trời con” !
“Chân đạp đất” cho nên tôi đạp lên tất cả những tham sân si, dư luận khen chê bình phẩm, đạp lên những gì chống lại nhân phẩm và chà đạp con người. “Đạp đất” chứ không “đạp anh em”!

Tôi rất tâm đắc lời Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở việc lắng nghe, suy tư về điều mình phải làm. Có lẽ chúng ta cũng đề ra những quyết định rõ ràng, nhưng lại không đi tới hành động. Và chúng ta không “mau mắn” đến với người khác để giúp đỡ họ, để tỏ bày sự cảm thông và tình bác ái của chúng ta; để như Mẹ Maria, chúng ta mang cho tha nhân những gì quí giá nhất là Chúa Giêsu và Tin Mừng của Chúa bằng lời nói và nhất là bằng chứng tá cụ thể trong hành động của chúng ta.”

Làm được như vậy là tôi đang sống rất nhân bản như một con người và như người con của Chúa, phải thế không Thiên Thần yêu quý ?

Lm. Giuse Trần Đình Long
Dòng Thánh Thể
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012