Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: CÁC THÁNH TRONG THÁNG 10

CÁC THÁNH TRONG THÁNG 10 12 years 2 months ago #2328


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
CÁC THÁNH TRONG THÁNG 10
angeli10.jpg


Bà Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Mặt Thánh (1874-1897)- Lễ nhớ: 1 tháng 10.
Sinh hạ trong một gia đình đạo đức sâu xa, lúc lên 4 tuổi, mồ côi mẹ, được các chị săn sóc thay thế. Gia đình bỏ Alencon đến Lisieux lưu ngụ. Têrêsa lên 9 tuổi thì chị Pauline, “bà mẹ nhỏ” đi vào nhà kín, rồi đến chị cả Marie. Lúc lên 14 tuổi Têrêsa báo tin cho thân phụ ý định muốn vào nhà kín lúc 15 tuổi (1888). Và chị đã vào thật sau khi đã vượt qua mọi cản trở vì tuổi quá nhỏ. Sức khỏe yếu kém không chịu được lâu cuộc sống Camêlô, nên chín năm sau, lúc 24 tuổi, đã từ giã cõi đời vì bệnh lao, dâng mọi đau khổ thông hiệp với cuộc tử nạn Chúa Kitô để cứu các linh hồn.
Chín năm trong đời sống tận hiến xem ra không có gì đáng chú ý cả, trước khi chết, một chị nói: “Chị này chết rồi biết lấy gì để thông tự cho các chị em khác trong gia đình Camêlô.” Nhưng rồi người ta khám phá ra một cuộc sống nội tâm sâu sa, một cuộc sống tầm thường nhưng khác thường, trong cuốn “Câu chuyện một linh hồn” do vì vâng lời chị đã viết ra. Chị để lại một con đường nên thánh vừa tầm mức mọi người: Con đường thơ ấu, dựa trên các nguyên tắc: Nhìn nhận sự yếu đuối của mình, hoàn toàn phó thác cho tình yêu của Chúa như một đứa chỏ trong cánh tay của mẹ nó.
Các thử thách thiêng liêng mà Têrêsa trải qua trong cuộc đời trầm lặng (đêm tối đức tin, tâm tri trống rỗng, cám dỗ đức tin) làm cho chị rất gần những người vô tín ngưỡng, những người nghi nghờ. Lúc chị qua đời năm 1897, chị không được ai biết đến; nhưng 28 năm sau, khi được tôn phong hiển thánh năm 1925, danh tiếng của chị loan tỏa cùng trái đất: Lisieux trở nên một trung tâm hành hương bình dân lôi kéo rất nhiều người. Têrêsa được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo mặc dầu chỉ đi truyền giáo bằng sự cầu nguyện, quan thầy nước Pháp cùng với thánh nữ Jeanne d’Arc. Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1998.
Lễ nhớ: 1 tháng 10.

Thánh Phanxicô Assise (1186-1226)- Lễ nhớ: 4 tháng 10.
Sinh hạ tại Assise ở Ombrie (Ý) năm 1186. Cha người là ông Piero Bernardone, một thương gia hàng vải hay đi buôn bán ở Pháp, nên đặt tên cho con là Francois. Bà mẹ rất nhân đức ảnh hưởng nhiều nơi con. Francois lại muốn làm hiệp sĩ thích võ nghệ. Năm 1201, người tham chiến chống thành Perouse và bị bắt làm tù binh một năm. Bị bệnh, người bắt đầu suy nghĩ, dần hồi ơn gọi sáng tỏ, người quyết định dâng mình phục vụ Thiên Chúa và “kết nghĩa với đức khó nghèo mà người gọi là “Bà nghèo khó”. Trong một cuộc tranh chấp với bố, người quyết định từ bỏ hết mọi quyền lợi, của cải, kể cả áo quần bố sắm cho và ra đi trần trụi. Hai năm sau, nghe đọc bài Phúc âm từ bỏ của cải (Mt 10, 9-10), người quyết định từ bỏ tất cả, mặc chiếc áo thô buộc giây da, lòng hân hoan, đi rao giảng lời Chúa. Hai đồ đệ đến xin theo, người lấy 3 đoạn Phúc âm (Mt 10,9-20,21;Lc 9, 23) làm mực thước và khi đã có 11 môn đệ, người dọn một khoản lệ ngắn và đi Lamã, xin đức Giáo Hoàng phê chuẩn. Đức Innocent III ban lời chấp nhận tháng 6 năm 1210, họ trở về Assise, xây chòi ở gần nhà thờ Portiocule và đi rao giảng sự thống hối trong cả nước Ý. Họ noi gương Phanxicô mà họ gọi là “cha và mẹ”, tay làm hàm nhai hoặc đi khất thực. Không có một luật buộc nào, muốn ở thì ở muốn đi thì đi, cộng đoàn được gọi là “Anh em hèn mọn.”
Năm 1212, Phanxicô giúp một thiếu nữ quí phái tên là Clara thiết lập ngành nữ “Các bà nghèo,” sau này là các Bà Clarisses. Không bao giờ Phanxicô muốn lập một dòng tu, kính cổng cao tường, mà chỉ muốn đi theo Chúa như Phúc âm mô tả. Nhưng dầu dầu không, các thầy hèn mọn càng ngày càng đông phải có tổ chức, đọc sách nguyện, ăn ngũ giờ giấc như thầy dòng. Phanxicô phải chia sẽ một phần quyền bính “Các phụ tá” trông coi từng nhóm, những “Bà mẹ,” mỗi năm có đại hội tại Portioncule. Năm 1219, các thầy được chia thành “tỉnh” và đi rao giảng. Phanxicô đi qua đến Phi Châu gặp vị Sultan quân Sarrasins để giảng đạo.
Một tổ chức trở nên cần thiết. Phanxicô được mời về và phải thảo bản qui luật thứ hai để xin đức Honorius III chấp thuận năm 1223. Người trao quyền lại cho thầy Elie, một con người khó hiểu, và đi vào núi sống ẩn dật. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, người được in năm dấu thánh, rất đau đớn và mang cho đến chết. Trong cuộc đi thăm bà thánh Clara trong tu viện, thánh nhân được các chị em cất cho một cái chòi lá trong vườn và ở đó người đã viết bài ca mặt trời, một áng văn danh tiếng của văn chương Ý và viết một bản “chúc thư” về đường hướng của dòng.
Phanxicô qua đời tại Portioncule chiều 3 tháng 10 năm 1226, được tôn phong hiển thánh 2 năm sau do Đức Grêgôriô IX, mộ người do thầy Elie cất nằm ở đại thánh đường Assise bây giờ. Một vị thánh được coi là “người Kitô hữu chơn thật số một của lịch sử,” “vị thánh dễ thương nhất.”
Lễ nhớ: 4 tháng 10.

Thánh Brunô linh mục (1030-1101)- Lễ nhớ: 6 tháng 10.

Thuộc gia đình quí phái. Sinh tại Cologne (Đức), Bruno Hartenfaust sau khi được thụ phong linh mục, làm kinh sĩ và dạy học ở Reims về khoa học, văn chương và thánh kinh. Một trong những học sinh của người, Eude Chantillon sau này sẽ trở nên Giáo Hoàng Urbamô II. Người vào tìm hiểu một thời gian trong tu viện Molesmes, nhưng theo lời thánh Robert đấng sáng lập, Brunô chọn lối sống ẩn sĩ đúng với ý nguyện đi tìm Chúa của mình hơn. Năm 1084, cùng với sáu anh em, do thánh Hugues, giám mục Grenoble chỉ dẫn, người vào sâu trong rạng núi hoang vu Chartreuse, lập một tu viện mà mỗi đan sĩ sống riêng rẽ trong mỗi nhà cá nhân. Họ sống khổ hạnh cần cù, chỉ họp nhau trong “giờ kinh”. Tu viện gọi là Đại Chartreuse là tu viện đầu tiên của dòng.
Bốn năm sau, Đức Urbanô II, cực học sinh của Người, mời Brunô giúp ý kiến để cải tổ nhiều điều trong giáo hội. Nhưng Brunô chỉ nghĩ đến cuộc sống ẩn sĩ. Năm 1092, Người lui về La Torre ở Calabre và qua đời 9 năm sau trong một tu viện chi nhánh.
Thánh Brunô không phải là tác giả bản luật dòng Chartreuse, nhưng các đan sĩ đã tuân theo chí hướng ẩn tu mà Người đã hướng dẫn dòng.
Lễ nhớ: 6 tháng 10.

Bà Thánh Têrêsa Avila (1515-1582)- Lễ nhớ: 15 tháng 10.

Têrêsa de Capeda y Alumada, ái nữ của một nhà quí phái Avila, Castille, vào nhà kín lúc lên 20 tuổi. Tại đây, cũng như trong các nhà khác của dòng, luật pháp không được noi giữ nghiêm minh. Trong vòng 20 năm, Têrêsa bằng lòng với lối sống giữa vời ấy. Nhưng, vào năm 1555, Têrêsa quyết định sống ơn gọi Camêlô đầy đủ. Từ năm 1557, Bà được nhiều cảm nghiệm siêu nhiên như được chiêm nghiệm nhân tích của Chúa Kitô. Một hôm, trong một thị kiến Bà nhìn thấy như có một Thiên Thần lấy một chiếc đồng đâm qua trái tim Bà, ám chĩ tình yêu Thiên Chúa đã xâm chiếm tâm hồn. Nhà điêu khắc Le Bermin đã mô tả trong tác phẩm ở Lamã. Nhờ sự giúp đỡ của các vị linh hướng, Bà đi sâu vào cuộc sống chiêm nghiệm. Bà cảm nghiệm phải đưa Dòng Camêlô về lại luật pháp ban đầu. Bà quyết định lập lại Avila một tu viện mới giữ luật nhặt. Bà phải đương đầu với bao nhiêu chống đối mới đi đến kết quả năm 1562. Để biểu lộ sự từ bỏ tất cả, chị em quyết định đi chân trần.
Năm 1567, Bà thuyết phục được một cha Carme còn trẻ, sau này là Thánh Gioan Thánh Giá, đi theo diệu cảm của Bà để cải tổ lại nhành nam của dòng. Các dòng Camêlô nam nữ lan dần trong cả Tây Ban Nha. Têrêsa tiếp tục cuộc cải tổ bằng cách đi đó đây liên lĩ. Dòng được đức Grêgôriô XII công nhận năm 1580. Cuộc cải tổ được toàn dòng chấp nhận, mặc dầu có sự chống đối của nhóm gọi là theo luật bớt nhặt nhiệm.
Khi Têrêsa qua đời, đã có 16 dòng nữ và 14 dòng nam cải tổ. Têrêsa là một con người rất quân bình. Mặc dầu năng động bên ngoài rất nhiều, đời sống nội tâm vẫn rất sâu xa. Trong các sách vở Bà để lại nổi bật một sự phối hợp kinh nguyện và đời sống, các tác phẩm của Bà được coi là những tuyệt tác văn chương Castillan. Những cuốn được biết hơn cả là cuốn “Tự Thuật” con đường trọn lành, nhất là cuốn “Lầu Đài Nội Tâm” diễn tả bảy nơi ở của linh hồn do ơn thánh tác động. Têrêsa Avila là vị phụ nữ đầu tiên được tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh do Đức Phaolô VI năm 1970.
Lễ nhớ: 15 tháng 10.

Thánh Giêrađô Majella (1726-1755)-Lễ nhớ: 16 tháng 10.

Sinh hạ tại Muro Lucano, trong vương quốc Naples (Ý), mồ côi cha từ lúc nhỏ, nối nghề cha làm thợ may, rất có lòng đạo đức, muốn làm tu sĩ, nhưng vì sức khỏe không được nơi nào nhận. Giêrađô trong một tuần đại phúc do các cha dòng Chúa Cứu Thế thuyết giảng, được nhận “cách bất đặt dĩ” vào dòng như một tu huynh không làm linh mục. Nhưng con người được giới thiệu là “kẻ vô dụng” ấy đã trở nên một vinh dự cho dòng. Đời người là một chuỗi dài phép lạ, xuất thần, nói tiên tri, bắt bí ma quĩ, làm cho nhiều người trở lại… Ở hai chỗ một lúc…Nhưng nhất là người có lòng yêu mến Chúa cao độ và một đức khiêm nhường sâu thẳm. Bị một cô gái cáo gian, bị chính thánh Anphongsô, sáng lập dòng, ra án phạt không được chịu lễ, Giêrađô một mực giữ im lặng. Khi cô thiếu nữ bị lương tâm dày vò, thú tội cáo gian, minh oan cho người, Giêrađô được Anphongsô vặn hỏi: “Sao con không nói?”, đã trả lời: Vì trong luật dòng dạy không được chữa lỗi!
Giêrađô qua đời lúc lên 29 tuổi, được tôn phong hiển thánh năm 1904, quan thầy trẻ em mới sinh.
Lễ nhớ: 16 tháng 10.

Thánh nữ Hedwige (1174-1243)- Lễ nhớ: 16 tháng 10.

Ái nữ một bá tước Bavois (Đức). Kết bạn với công tước Silèsie là Henri đệ nhất năm 1186 và sinh hạ được 6 đứa con. Từ năm 1209, hai vợ chồng cùng quyết định giữ đức khiết tịnh suốt đời. Bà vẫn làm hết nhiệm vụ người mẹ và một công chúa, đồng thời tận tụy giúp đỡ người và các tù nhân. Sau khi chồng qua đời, thánh nhân vào tu trong dòng nữ Xitô ở Trebnitz (Ba Lan) do con bà là Gertrude làm tu viện trưởng, sống khiêm nhường và nhặt nhiệm, tuy không làm lời khấn. Người được xứ Silésie rất sùng kính và chọn làm quan thầy. Người được phong hiển thánh năm 1267.
Lễ nhớ: 16 tháng 10.

Marguerite – Marie Alacoque (1647-1690)- Lễ nhớ: 19 tháng 10.
Sinh hạ tại Verosvres (Saône-et-Loire-Pháp), năm 1671, vào dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial. Hai năm sau, 1673, chị được Chúa tỏ trái tim lần đầu tiên trong tuần tĩnh tâm dọn tuyên khấn. Chúa phán: “Đây là vết thương cạnh sườn của cha, con hãy làm nơi ở thật sự của con, bây giờ và mãi mãi.” Có bốn cuộc hiển linh lớn tất cả trong đó Chúa tỏ trái tim. Lần thứ nhất sau Giáng Sinh 1673 trong ngày lễ thánh Gioan. Chúa phán: “Đây là Trái tim thương yêu loài người quá bội, con cách riêng, đến nỗi không cầm được lửa mến, phải dùng con để ban phát ra.” Thánh nữ cho biết, trong lần thứ hai: “Chúa dạy phải tôn sùng Thánh Tâm Chúa dưới hình thức quả tim bằng thịt.” Lần mạc khải thứ ba xảy ra một ngày thứ sáu đầu tháng. Chúa dạy phải rước lễ mỗi ngày thứ sáu đầu tháng cách riêng. Các cuộc hiện ra đem lại cho Margarita nhiều đau đớn thể xác mà Bà lãnh nhận.
Mùa thu 1674, Chúa hứa gửi đến cho Bà một người tôi tớ, để giúp đỡ hộ trợ Bà, “một tôi tớ trung thành, một bạn hửu tốt lành của Ta.” Đó là cha Claude de la Calombière, vừa vĩnh thệ ở dòng Tên Lyon , 1675, được gửi đến làm bề trên dòng tại Paray-le-Monial. Khi vừa gặp Margarita, cha nói với mẹ Bề Trên: “Đây là một tâm hồn ưu tuyển.” Người khuyến khích chị nữ tu theo đặc sủng.
Cuộc hiển linh lớn lao hơn cả diễn ra trong tuần bát nhật lễ Mình Thánh Chúa 1676. Trước Mình Thánh Chúa đặt trên bàn thờ, Chị nghe những lời đáng sợ này: “Đây là Trái tim thương yêu loài người quá bội, đến không tiếc gì, đến hao mòn, để tỏ tình yêu mến.” Rồi Chúa xin chị lấy ngày thứ sáu sau tuần bát nhật lễ Mình Thánh Chúa làm một lễ riêng kính Thánh Tâm Chúa. Trong ngày ấy, mọi tín hữu phải rước lễ và làm việc đền tạ đặc biệt. Trước khi đổi đi Luân Đôn, Cha de la Colombière dạy Margarita Maria ghi lại thành bút tích mọi cuộc hiển linh.
Trong tu viện, ngày 20 tháng 11 năm 1677, một cuộc chống đối lớn chị Margarita nổi lên. Chúa Giêsu dạy chị hãy hiến mình làm hy lễ đền tội cho tu viện về đức bác ái. Khi chị quì vâng lời Chúa, cả tu viện cho rằng chị mất trí. Đêm hôm sau, chị cảm thấy như tất cả đau khổ, chống đối, khinh miệt đổ dồn vào chị, nhưng chị không ca than, vui lòng lãnh nhận tất cả. Năm 1678 đến, mẹ Saumaise đổi đi, mẹ Greyfié đến thay thế, trẻ trung, như có sứ mạng bảo vệ sự khiêm tốn của chị. Mẹ cầu nguyện và trong một thời gian hạn định, Mẹ xin Chúa cất mọi bệnh tật của chị Margarita, như một dấu chỉ việc hiển linh là sự thật. Năm 1684, Margarita được đặt làm giáo tập, một thế hệ trẻ đang lên, Bà truyền cho lòng yêu mến Thánh Tâm. Tháng 6 năm 1686, các nữ tu Paray-le-Monial đặt một bàn thờ nhỏ Thánh Tâm, có lửa cháy, có vòng gai nhọn bao quanh và năm 1688, một nguyện đường nhỏ dâng kính Thánh Tâm được dựng trong vườn tu viện.
Sứ mạng hoàn tất, Margarita nằm xuống và qua đời trong một lòng yêu mến cao độ, ngày 17 tháng 10 năm 1690. Ngoài đường phố trẻ con kêu lên: Bà thánh đã chết. Việc tôn sùng Thánh Tâm lan rộng trên thế giới, được các giáo hoàng Clement XIII, Piô IX khuyến khích, Đức Lêô XIII lập lễ Thánh Tâm (1899) và khuyến khích việc rước lễ các ngày thứ sáu đầu tháng. Thánh đường Paray-le-Monial nơi có mộ thánh nữ là một trung tâm hành hương lớn. Thánh nữ được phong Chơn Phước năm 1864 và Hiển Thánh năm 1920.
Lễ nhớ: 19 tháng 10.

Thánh Ignace Antioche – Giám Múc Tử Đạo +107 - Lễ nhớ: 17 tháng 10

Sinh hạ tại Syrie, tỉnh đế quốc Lamã. Theo một tương truyền, người kế vị thánh Phêrô, giám mục Antioche, thành phố thứ 3 của đế quốc sau Lamã và Alexandria. Thánh nhân bị bỏ cho thú dữ trong hý trường và chết tử đạo dưới thời Trajan (98-117). Trên đường bị dẫn về Lamã thọ hình, người để lại 7 lá thư lời lẽ thống thiết cho các giáo đoàn Ephèse, Troas, Lamã, gửi đi từ Smyrne. Lần đầu tiên, trong lịch sử, Ignace dùng danh từ Công giáo, trong câu đáng ghi nhớ: “Nơi nào có Chúa Giêsu, ở đó có Giáo Hội Công Giáo.” Trong thư gửi giáo đoàn Lamã, Người nói đến giáo Hội của Phêrô và Phaolô lưu giữ lề luật Chúa Kitô. Người xin giáo dân để cho người được “trở nên mồi cho thú dữ…trở nên lúa miến của Thiên Chúa…nghiền nát dưới hàm răng thú dữ để trở nên bánh trinh trong của Đức Kitô.”
Ignace bị hai con sư tử nghiền nát…giáo dân rất sùng kính Ngài.
Lễ nhớ: 17 tháng 10

Thánh Luca – Thánh Sử (thế kỷ I)- Lễ nhớ: 18 tháng 10.

Thánh Luca là tác giả Phúc Âm thứ ba và sách Công Vụ Các Tông Đồ. Người là một trong giáo dân tiên khởi có học thức. Nhưng người rất khiêm tốn, chúng ta chỉ biết về người qua những ám chỉ hoặc qua Phaolô. “Damas và Luca đang đồng lao với tôi…” “Luca đáng mến, thầy thuốc của tôi; chỉ có Luca ở với tôi.”
Người là người Hy Lạp, sinh ở Antioche ở Syria, sống vào thập niên 40 và là một người trở lại đầu tiên. Là một thầy thuốc có lẽ xuất thân từ trường Tarse và quen biết Phaolô từ lâu. Người theo Phaolô trong các cuộc du thuyết ở Tiểu Á và Âu Châu vào những năm 49-50. Tới Philiphê, Luca ở lại đó như hướng dẫn viên, nhất là người muốn có thì giờ để viết sử liệu. Năm 57, Người đi theo Phaolô luôn và có mặt bên cạnh Ngài, tại Lamã, sau cuộc đắm tàu ở Malte. Tại Roma, địa phận của Phêrô, có Marcô là phát ngôn viên đang viết Phúc Âm hai. Luca cũng muốn có một bản cho dân ngoại, viết bằng tiếng Hy Lạp “văn vẻ” hơn của Marcô. Người viết Phúc Âm và Công Vụ tại Roma vào năm 60-70. Người tránh được cuộc bắt bớ của Neron đã giết Phêrô và Phaolô (66) và về Hy Lạp sống cuối đời “Không vợ không con, chết lúc 84 tuổi ở Beotie, đầy Chúa Thánh Thần” (theo một tác giả thế kỷ II)
Luca đã viết về đời thơ ấu của Chúa, về Đức Mẹ mà chắc chắn Ngài quen biết. Người ta còn nói Ngài đã vẽ chân dung Đức Mẹ. Thánh nhân là quan thầy các thầy thuốc và họa sĩ.
Lễ nhớ: 18 tháng 10.
Có 9 vị Thánh hoặc Chơn Phước khác mang tên Luca.

Thánh Isaac Jogues và các bạn tử đạo (1607-1646)- Lễ nhớ: 19 tháng 10.

Isaac Jogues sinh tại Orleans (Pháp) và vào dòng Tên năm 1624. Sau khi chịu chức linh mục năm 1636, người được gửi đi giảng đạo tại Canada. Người giảng đạo cho thổ dân Hurons. Bị sắc tộc Iroquois, vốn có mối thù truyền kiếp với sắc tộc Hurons, bắt năm 1612 và tra tấn khủng khiếp rồi cầm tù một năm. Người trốn thoát được và trở về Pháp. Năm 1645, người lại trở sang Canada với một thầy trợ sĩ tên là Jean Delalande. Hai vị thừa sai lại cố giảng đạo cho người Iroquois. Nhưng năm sau, bị bắt và giết chết.
Với René Joupil, Jean de Brébenf, Gabriel Lalemand, Autoine Daniel, Charles Garnier và Noel Chabanel, các Ngài là các vị tử đạo đầu tiên của Canada.
Công cuộc truyền giáo của các Ngài mở đường cho sắc tộc Iroquois trở lại và thiết lập Giáo Hội công giáo Canada nói tiếng Pháp.
Các Đấng là quan thầy thứ hai của Canada.
Lễ nhớ: 19 tháng 10.

Thánh Phaolô Thánh Giá (1694-1775)- Lễ nhớ: 20 tháng 10.
Quê quán ở Ovada (Ý) Người sung vào đạo binh Venise để chống lại quân Hồi đang tàn phá các nước Kitô giáo. Nhưng lúc lên 26 tuổi, sau một thị kiến, Người nhận ra ơn gọi riêng, lập một dòng tu tôn sùng sự thương khó của Chúa. Năm 1720, trong một tu xá ở Toscane, Người nhìn thấy Chúa Kitô hiện ra, mình mặc một áo dài đen, có hình một trái tim, và giòng chữ: Sự thương khó Chúa Kitô. Người lập dòng Chúa Chịu Nạn cũng gọi là Các Tu Sĩ dòng Chịu Nạn (Passionistes), với mục đích phổ biến lòng sùng kính sự thương khó Chúa, bằng các cuộc rao giảng, cấm phòng. Luật dòng do người viết dựa trên sự hy sinh hoàn toàn, rất khắc khổ. Dầu vậy, dòng lan rộng nhiều nơi. Thánh nhân cũng lập một ngành nữ cùng một chí hướng.
Người qua đời lúc 80 tuổi, được đức Piô IX tôn phong hiển thánh năm 1867. Một điều lạ. Vị thánh không biết gì về nước Anh. Nhưng Người nói: “Nước Anh luôn ở trước mắt tôi. Nếu trước Anh trở lại thì ích cho Giáo Hội biết chừng nào!” 65 năm sau, thầy Riberi, dòng Cứu Chuộc, sang Anh và làm cho Jean-Henri Newman và nhiều người khác trở lại, gây ảnh hưởng lớn cho Giáo Hội Công Giáo!
Lễ nhớ: 20 tháng 10.

Thánh Gioan Capristran (1386-1456)- Lễ nhớ: 25 tháng 10.
Sinh hạ tại Sicile (Ý). Một luật gia tên tuổi tại triều đình Naples, người bỏ thế gian vào Dòng Phanxicô năm 1415. Từ năm 1430, người trở nên vị cải tổ, lập Dòng Ba của Thánh Phanxicô. Người là một nhà hùng biện của Âu Châu thời ấy và cố vấn Đức Eugène IV, được gửi đi giảng đạo ở Trung Âu, dự phần vào cuộc xuất quân thánh giá do Đức Calixte III chủ xướng. Nhưng bị thất bại tại Belgrade năm 1456. Tuy nhiên, người có công trong việc chấm dứt cuộc đại ly khai Tây Phương và đem Giáo Hội Đông Phương xích lại gần Tây Phương. Người được gọi là “quan thầy Âu Châu hợp nhất”
Lễ nhớ: 25 tháng 10.

Thánh Antoine-Marie Claret (1807-1870)- Lễ kính: 24 tháng 10.
Sinh hạ trong một gia đình nghèo ở Catalogne. Làm linh mục, người hoạt động mục vụ trong miền một thời gian bằng lời giảng và sách vở rồi người sang giảng đạo ở quần đảo Canaries (Mỷ Châu) trong 15 năm. Năm 1849, người trở về quê hương, thiết lập Dòng Thừa Sai gọi là Dòng Khiết tâm Maria hay Clarétains. Cùng năm ấy, Đức Piô IX đặt người làm Tổng Giám mục giáo phận Santiago ở Cuba. Người hoạt động cách riêng để giúp đỡ các người nô lệ, bị các chủ nhân làm khó dễ rất nhiều và bị hăm dọa ám sát. Trở về Tây Ban Nha, người được chọn làm cha linh hướng của nữ hoàng Isabelle. Trong cuộc cách mạng 1868, người theo bà và gia nhân trong cuộc lưu đày sang Pháp và chết ở đó năm 1870 tại tu viện Citô ở Ande. Một gương mẫu cầu nguyện.
Lễ kính: 24 tháng 10.

Điển Ngữ Các Thánh - Lm Hồng Phúc
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012