Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: CÁC THÁNH TRONG THÁNG 8

CÁC THÁNH TRONG THÁNG 8 12 years 2 months ago #2330


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
CÁC THÁNH TRONG THÁNG 8
Assumption14.jpg


Thánh Anphongsô đệ Ligôriô (1696-1787)- Lễ kính: 1 tháng 8.
Anphonsô sinh tại Marianella gần Naples (Ý) ngày 27-12-1696. Thân phụ trông coi đạo chiến thuyền Capitanna của Hoàng gia. Anphongsô vào đại học Hoàng gia lúc lên 12, nhận thanh kiếm hiệp sĩ lúc lên 14, đổ hai tiến sĩ luật đạo và đời lúc lên 16, làm luật sư và chánh án lúc lên 20 tuổi.

Tại pháp đình Naples tháng 6 năm 1723, có xử một vụ kiện lớn giữa hai nhà quí tộc thuộc dòng họ Orsini. Một vụ kiện hứa hẹn nhiều sôi nổi và tiền bạc vì hơn 600 ngàn đồng vàng là giá cả tranh chấp. Khi tòa khai mạc phiên sử, dân chúng đều chú ý đến vị luật sư trẻ tuổi, 27, nhưng tài cao chưa bao giờ thua một vụ kiện. Ai cũng tin rằng ông sẽ đem lại phần thắng cho thân chủ. Nhưng ai ngờ có một bàn tay trong lèo lái vụ kiện, làm áp lực để tòa kết án thân chủ của vị luật sư tên tuổi. Anphongsô bước ra khỏi tòa án vừa đi vừa nói: Hỡi thế gian, ta đã biết ngươi! Đây là một khúc quanh của cuộc đời. Anphongsô đi vào quì trước bàn thờ Đức Mẹ ở cạnh đền thân phụ, rút thanh gươm nhà quí tộc đặt trước bàn thờ Đức Mẹ. Từ đây, người sẽ là hiệp sĩ của Đức Mẹ và linh mục của giới nghèo.
Anphongsô được thụ phong linh mục ngày 21-12-1726. Vị tân linh mục dấn thân vào việc tông đồ cho người nghèo. Người rất xúc động khi hay biết có 12 ngàn linh mục sống trong thủ đô hoa lệ để phục vụ cho người giàu thì cách thủ đô Naples mấy chục cây số không có linh mục nào “bẻ bánh lời Chúa” cho những người nghèo khổ tất bật.
Tháng 11 năm 1732, Anphonsô với 5 anh em đồng chí hướng rời Naples đi về làng Scala lập Dòng Chúa Cứu Thế “tiếp tục công việc Chúa Kitô là rao giảng tin mừng cho người nghèo khó.”
Dòng Chúa Cứu Thế gồm những tu sĩ sống theo một tinh thần do Anphongsô để lại là suy niệm, sống và rao giảng lời Chúa bằng những phương thức bình dân với một diệu cảm lớn lao là yêu mến, bắt chước và tận hiến cho Chúa Cứu Thế. Đặc điểm là các tuần Đại phúc, các cuộc cấm phòng và các việc tông đồ khác với nội dung siêu nhiên, lời văn giản dị và nhắm phần thực hành.
Anphongsô sống vào thế kỷ của thuyết duy lý và tự nhiên thần đạo mà Voltaire và nhóm Bách khoa chủ trương. Để chống lại, Anphonsô dùng ngòi bút để phản công. Người đã viết tất cả 111 cuốn sách. Đặc biệt hơn là bộ Thần học luân lý.
Dòng Chúa Cứu Thế được chính thức công nhận do Đức Bênêđitô XIV năm 1740. Song song với ngành nam, có ngành nữ do sáng kiến của chị Marie Celeste Crostarosa và sự trợ lực của Anphongsô.
Năm 1762, Tòa Giám mục Dainte-Agathe des Goths trống ngôi. Có 62 vị ứng cử viên vào chức vụ. Đức Clêmentê XII chọn Anphonsô ngoài danh sách làm Giám mục. Người từ chối hết sức nhưng cuối cùng phải chấp nhận “ý Đức Thánh Cha là ý Chúa”. Người cải tổ giáo phận. Lúc về già 80 tuổi, Ngài xin từ Chức trở về Dòng “dọn mình chết.” Người phải trải qua một cơn thử thách lớn nữa. Do một sự hiểu lầm và vô tình, người và các cha ngoài nước Tòa thánh bị khai trừ ra khỏi Dòng. Ngài tuân phục và tiên báo sau ngày Người qua đời, nhà Dòng sẽ hợp nhất lại và sẽ nên thịnh đạt.
Anphongsô qua đời ngày 1 tháng 8 năm 1787 thọ 91 tuổi. Anphongsô được tôn phong hiển thánh năm 1830 và Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.
Lễ kính: 1 tháng 8.

Thánh Phêrô Giulianô Eymard (1811-1868)- Lễ nhớ: 1 tháng 8.
Sinh hạ ngày 4 tháng 2 tại La Mure gần Grenonble năm 1831 và chịu chức linh mục năm 1835. Người làm việc mục vụ trong 5 năm và sau đó, xin gia nhập dòng Mariste, làm linh hướng tiểu chủng viện Belley và năm 1845 được bầu làm Giám Tỉnh Lyon.
Nhưng Chúa kêu gọi người đi một con đường khác, nhờ Đức Mẹ dẫn đến chúa Giêsu Thánh Thể mà người rất yêu mến và sung kính. Năm 1856, người có ý định khởi đầu một dòng tu linh mục kính Thánh Thể chuyên chầu liên tiếp Mình Thánh. Ý kiến được Đức Tổng Giám Mục Sibour ở Ba-Lê chấp nhận, nhưng được chính thức công nhận vào năm 1895. Trước đó, năm 1858, thánh nhân lập dòng các nữ tử Thánh Thể chuyên chầu Mình Thánh liên lĩ. Thánh nhân cũng thành lập liên đoàn linh mục Thánh Thể (1887), tổ chức Hiệp Hội Thánh Thể. Người cũng viết nhiều sách về Thánh Thể. Người qua đời tại La Mure ngày 1 tháng 8, được Đức Gioan XXIII tôn phong hiển thánh năm 1962.
Lễ nhớ: 1 tháng 8.

Thánh Gioan Maria Vianney (1786-1858)- Lễ nhớ: 4 tháng 8
Thánh Gioan Maria Vianney được cả thế giới biết dưới danh hiệu “Cha sở họ Ars”. Sinh hạ tại Dardilly gần Lyon, năm 1786, trong một gia đình thôn quê rất đạo đức, trong thời cách mạng đã cho các linh mục không chịu tuyên thệ theo cách mạng trú ngụ. Cậu Gioan Marie đã dự nhiều thánh lễ trong rừng hoặc trong các nhà lẫm. Sau khi chịu lễ lần đầu lúc 13 tuổi, Gioan ước ao làm linh mục, nhưng thân phụ bắt phải chờ đến 17 tuổi mới được theo chí nguyện. Nhưng 17 tuổi mà chưa biết đọc. Cha sở Balley dạy qua loa, nhưng về môn Latinh thì Gioan mù tịt. Người thú: Tôi không thể bỏ gì được vào đầu tôi.” Tháng 10 năm 1809, Gioan bị động viên vào quân đoàn của Nã-phá-luân để đi Tây-ban-nha, nhưng người ngã bệnh, quân đoàn đã lên đường rồi, người cùng một số đào binh khác vào núi, lấy tên là Jerôme Vincent không muốn cầm sùng. Người ta coi người là quan thầy các kẻ “chống đối lương tâm” Objecteurs de conscience.”
Năm 1813, các giáo sư đại chủng viện Lyon muốn cho người bỏ học vì yếu kém quá. Nhưng Cha sở Balley cố nài nĩ xin cho Gioan được thi lại. Nhưng lại rớt. Tháng tư 1814, đế quốc Nã-phá-luân sụp đổ, cậu nhà vua, Hồng Y Fesch, tổng Giám Mục Lyon, chạy về Lamã. Cha chính đại phận nhận thấy số linh mục ít ỏi, đã nhận cho Gioan tiếp tục, “vì cậu tuy học dốt nhưng rất có lòng sùng kính Đức Mẹ.” Tháng tám 1815, Gioan được chịu chức linh mục tại Grenoble và làm phó cha sở Ecully hai năm. Người được bổ nhiệm về xứ Ars rất thời danh sau này.
Tháng hai 1818, người cuốc bộ ba mươi cây số âm thầm đến nhận xứ, một xứ đã bao nhiêu năm không còn hành đạo. Người thức khuya dậy sớm, hãm mình đền tội đánh đổ trạng thái lãnh đạm của giáo dân. Người chống lại thói nghiện rượu, hà tiện, chống lại cả ma quỉ mà người gọi là “le Grappin.” Đêm đến quấy phá, đồ đạc xê dịch, chiếc nệm đong đưa, người cố nắm chặc cho khỏi ngã và như vậy trong 35 năm cho đến một năm trước khi chết. Người làm nhiều phép lạ nhất là làm cho nhiều tội nhân trong vùng trở lại, lôi kéo nhiều người từ xa đến toà cáo giải bắt đầu từ một giờ sang mỗi ngày, chỉ dành mười lăm phút để ăn uống và hai, ba giờ đêm để ngủ. Người ta đến bằng thuyền xuôi sông Saône, bằng se đò nối liền Lyon và Ars, từ khắp nước Pháp và Âu Châu. Qua chiếc màn tòa giải tội, người đọc trong tâm hồn người hối nhân về hiện tại quá khứ và tương lai.
Tuy nhiên, người ước ao sống đời chiêm nghiệm, ba lần bỏ xứ trốn đi tu bị giáo dân bắt lại. Vào gần cuối đời, người bị ám ảnh về ý-tưởng phải xa đời để dọn mình chết trong khi bị dân chúng bao vây, xé cả áo nguời làm kỷ niệm. Nhưng bổn phận bắt buộc phải có mặt đêm ngày tại toà cáo giải, ngài đã chết vì thánh vụ lúc lên 63 tuổi ngày 4 tháng 8 năm 1859.
Người được coi là thánh nhân khi còn sống và được đức Piô XI tôn phong hiển thánh năm 1925, được đặt làm quan thầy các Cha xứ nước Pháp.
Lễ nhớ: 4 tháng 8

Thánh Gaetan Thienne (1480-1547)- Lễ nhớ: 7 tháng 8

Sinh hạ tại Vienne (Ý), học luật tại Padoue và làm lục sự tại Toà thánh sau khi chịu chức linh mục. Người lo giúp người tù và lập “Hội tình yêu Chúa.” Năm 1523, hợp tác với Đức cha Jean Pierre Caraffa, giám mục Theato, (sau này là Giáo Hoàng Phaolô IV), người lập tu hội giáo sĩ Theatin, kết nạp đời sống tông đồ với một đời sống chung thiên liêng cao độ, nhặt nhiệm, giúp rất nhiều vào việc chấn hưng hàng giáo sĩ. người dâng đoạn đời cuối để giúp đỡ người nghèo; chết trong khi cảm nhận tất cả đau khổ của Chúa trên thánh giá, được đức Clement X tôn phong hiển thánh năm 167.
Lễ nhớ: 7 tháng 8

Thánh Đôminicô (1170-1221)- Lễ nhớ: 8 tháng 8
Đôminicô Guzman sinh hạ tại Burgos (Tây Ban Nha). Sau khi theo học tại Palencia, người trở nên kinh sĩ ở nhà thờ Dòng Osma thuộc Castille. Người đi theo đức giám mục trong một cuộc du hành sang Đan Mạch. Nhưng khi đi qua miền nam nước Pháp, người chứng kiến cảnh hỗn độn do lạc giáo Albigeois gây nên cho Giáo Hội. Người liền trở về Lamã. Đức Giáo Hoàng Innocent III cũng rất lo âu về tình trạng ở đó, nên biệt sai Đôminicô đi giảng cho vùng nam nước Pháp, nơi lạc giáo đang hoành hành. Thánh nhân hiểu rằng nhóm Albigeois thành công, vì dân chúng cho rằng họ sống nhặt nhiệm, trong khi hàng giáo sĩ vừa dốt vừa sống bừa bãi. Với một số bạn hữu, người cố đưa dân chúng trở về với đức tin và tuân phục Giáo Hội, bằng gương sáng một đời sống nghèo khó, trong sạch, vâng lời và cầu nguyện. Đôminicô gầy tại Pouille (Aude) được một tu viện đầu tiên của các “Thầy giảng thuyết-Frères Prêcheurs”-danh sưng người đặt cho các tu sĩ của dòng, sau này gọi là Đaminh. Dòng mới chuyên lo giảng thuyết. Người lấy luật thánh Augustinô làm căn bản, vì có thể dung hòa việt rao giảng với cuộc sống tu trì. Đôminicô và các tu sĩ đi khắp nơi vừa rao giảng, vừa tổ chức các cuộc tranh luận. Thánh nhân cũng gởi các tu sĩ đến các thành phố lớn, có các đại học và các tổ chức văn hóa, thiết lập các tu viện. Năm 1216, Đức Honorius III phê chuẩn Dòng và năm 1220, công nghị đầu tiên đã đặt các khoản lệ của dòng mới. Năm sau, thánh nhân qua đời lúc mới 52 tuổi. Dòng đã lan rộng ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý với 8 tỉnh Dòng. Người được Đức Grêgôriô IX phong hiển thánh năm 1234, sáu năm sau thánh Phanxicô Assise.
Lễ nhớ: 8 tháng 8

Thánh Lorensô tử đạo (+258)- Lễ nhớ 10 tháng 8
Dưới thời bắt bớ do hoàng đế Valerien, Lôrensô là phó tế Lamã bị hành hình và bị giết chết. Câu chuyện huyền thoại về cuộc tử nạn của người cho biết người giữ sổ sách và tài sản Giáo Hội nên bị hoả thiêu trên một chiếc lò. trước khi thọ hình, người bị nhà vua buộc phải giao lại tài sản, Thánh Nhân phân phát cho người nghèo và cho biết đó là gia sản của Giáo hội: những người nghèo đói. Câu nói trên lò nướng: “đồ khốn nạn. Bên phía này đã chín hãy lật lại và ăn” là một huyền thoại không căn cứ lịch sử.
Thánh nhân được tôn kính từ đầu và lễ mừng trọng thể. Vua Philiphê II Tây Ban Nha, để cám ơn thánh Lorensô, nhân cuộc chiến thắng SaintQuentin (1557) trong ngày lễ, đã xây một tu viện kính thánh nhân theo hình … một chiếc lò. Thánh nhân được coi là quan thầy các người làm bếp và các người thủ thư viện.
Lễ nhớ 10 tháng 8

Thánh nữ Clara Assise (1193-1253)- Lễ nhớ: 12 tháng 8.

Sinh hạ tại Ombrie, trong một gia đình quí phái ở Assise năm 1193. Một bài giảng của thánh Phanxicô và những lới khuyên bảo của Người, đã làm cho Clara quyết định từ bỏ thế gian, ngày 18 tháng 3 năm 1212, trong ngày lễ lá. Chiều hôm ấy, Clara bỏ nhà cha mẹ, cùng một người bạn, âm thầm đến nhà nguyện Portioncule, làm lời khấn khó nghèo và trong sạch. Thánh Phanxicô lấy kéo cắt bộ tóc óng ánh và Clara khấn giữ đức vâng lời. Thật là một cảnh đặc biệt Phan Sinh, một thiếu nữ 18 tuổi bỏ tất cả đi theo vết chân một người nghèo, dưới ánh đuốc của các “Thầy hèn mọn”, với một bộ tóc dâng lên bàn thờ như một của lễ hy sinh. Clara được dẫn đến một dòng nữ Biển Đức gần đó, tu viện thánh Phaolô. Em gái của Clara là Agnès đi theo chị rồi nhiều thiếu nữ khác cũng xin gia nhập dòng. Thánh Phanxicô cho họ một nhà riêng tại Saint Damien, nơi đây chính mẹ của Clara, bà Ortolana và cô em út cũng xin vào. Thánh Phanxicô ban một mớ luật ngắn và truyền lệnh giữ chay nhạt. Clara giữ nghiêm nhặt hơn. Năm 1215, thánh nhân đặt Clara làm tu viện trưởng và truyền lấy luật Biển Đức làm căn bản, nhà dòng các “Bà hèn mọn” hay Clarisses lan rộng nhiều nơi. Khi gần lìa đời, Phanxicô đến thăm Clara, được Clara dựng một chiếc chòi bằng cành lá ở khu vườn nhà dòng để người trú ngụ. Tại đây, Phanxicô đã sáng tác bản “Bài Ca Mặt Trời” bất hủ. Người trở về Portioncule dọn mình chết và truyền cho các thầy dòng đưa xác về Assise, nhưng phải đem qua tu viện trước. Thánh nhân qua đời. Clara và các nữ tu kính cẩn rước xác và lấy vải ga phủ các vết thương ở tay và chân của “dấu thánh.” Clara xin Đức Innocent IV đặc ân giữ khó nghèo toàn vẹn. Bản đặc ân được tìm thấy trong mộ của nữ thánh năm 1893. Bà đã làm nhiều phép lạ, cầm bình thánh trong tay (năm 1240) đuổi quân Sarrasin đến cướp nhà dòng. Bà cũng đã cứu thành Assise năm sau, cũng như đã truyền cho một con mèo “phải đưa chiếc khăn đến đàng hoàng, không được kéo lê dưới nền đất.”
Thánh Clara qua đời ngày 11 tháng 8 năm 1253, được Đức Alexandre IV dâng lễ kính càc thánh trinh nữ hôm sau, để kính nhớ. Và hai năm sau, 1255, người tôn phong hiển thánh cho thánh Clara.
Thánh Clara được đặt làm quan thầy truyền hình thế giới, do Đức Piô XII năm 1958.
Lễ nhớ: 12 tháng 8.

Thánh Hippolyte (tử đạo (+235)- Lễ nhớ: 13 tháng 8.

Là một vị linh mục Lamã rất thong thái về Thánh kinh và thần học. Nhưng lại chống đối nhiều Giáo Hoàng đến độ gây nên một cuộc ly khai và sử sự như một vị Giáo Hoàng ngụy.
Nhưng dưới thời bắt bớ của vua Maximin, năm 235, người bị bắt và lưu đày qua đảo Sardaigne cùng một lúc với đức Pontien. Người từ bỏ sự việc khuyên các bạn hữu tùng phục đức Pontien, cả hai vị chết trong trại cải tạo và được đưa xác về Lamã chôn cất ở đường Tiburtine như tử đạo. Đời hoạt động ngang trái nhưng đời tư rất nhặt nhiệm. Hippolyte để lại nhiều sách quí về chú giải, giáo luật và phụng vụ.
Lễ nhớ: 13 tháng 8.

Thánh Kolbe (1894-1941)- Lễ kính: 20 tháng 8.
Thuộc dòng Phanxicô tỉnh Balan, người học thần học tại Lamã. Trở về Balan, người thành lập một hiệp hội Thánh Mẫu vả khi sang Nhật Bản, người cũng lập một hiệp hội tương tợ kính Đức Mẹ mà Người rất yêu mến. Khi trở về quê hương, người lập một nhà xuất bản Công giáo không bao lâu đã trở nên một nhà xuất bản lớn nhất. Do đó, người giữ vai trò rất quan trọng trong tư tưởng Công giáo trước thế chiến. Trong thời chiếm đóng Đức quốc xã, do ảnh hưỡng của Ngài, Ngài bị công an Gestapo theo dõi và bắt giam lần đầu tiên. Được trả tự do rồi bị bắt lại lần thứ hai và giam tại trại tập trung Auschwitz. Tại đây, người đã chết cách anh hùng bằng cách thí mạng thay cho một người cha gia đình bị án tử, do quân Đức ra để trả thù vì một tù nhân trốn thoát.
Đức Gioan Phaolô II hằng nói đến cha Kolbe, đồng hương của Ngài, như một gương hy sinh cao độ. “Trong khi Auschwitz được dựng nên để tiêu diệt phẩm giá con người, thì cha Kolbe đã nâng cao siêu nhiên tột độ.”
Người được phong Chơn Phước do Đức Phaolô VI năm 1971 và được tôn phong hiển thánh năm 1982 do đức Gioan Phaolô II đồng hương của người.
Lễ nhớ: 14 tháng 8.

Thánh Bênađô Clairvaux (1090-1153)- Lễ kính: 20 tháng 8.
Sinh hạ tại lầu đài Fontaine-les-Dijon (Côte d’or) trong một gia đình quí phái. Sau khi mẹ mất, Bênađô bắt đầu với một cuộc sống siêu linh hướng về Dòng Citô. Lúc 22 tuổi người dẫn theo 30 người bạn đến xin gia nhập Dòng. Tu viện do Étienne Harding điều khiển, là một chi nhánh cải tổ toàn diện của Dòng Bênêditô với cuộc sống rất nhặt nhiệm. Đó là buổi khởi đầu của Dòng Citô. Sau 3 năm sống khổ hạnh, tuy sức khỏe yếu kém, thánh nhân mới 25 tuổi, được phái đi lập Tu viện Clairvaux trong quận Aube năm 1115. Do sự thúc đẩy của thánh nhân, tu viện bành trướng rất nhanh và có 160 chi nhánh. Người bị chi phối bởi cuộc sống chiêm nghiệm và những dịch vụ giao phó cần thiết, thánh nhân phải hoạt động tích cực cho đến chết: vừa phát triển Dòng vừa lập thêm nhiều chi nhánh, vừa giảng thuyết vừa viết sách, người cũng là cố vấn tin cậy của nhiều giám mục, giáo hoàng và vua chúa, liên lạc bằng thơ từ với nhiều bậc vị vọng đương thời. Người là vị giảng thuyết của cuộc xuất quân Thánh giá thứ hai Bézelay (tuy đã thất bại).
Học thuyết tu đức cũng như tư tưởng rất chánh đạo của người ảnh hưởng trong cả Âu châu. Người giải hoà những cuộc tranh chấp, đã phá bè rối cũng như những chia rẽ trong giáo hội. Người bênh vực sự tự do của Giáo hội chống lại thế quyền, chỉ trích các Giám mục hoặc Bề trên Dòng như Cluny, tham quyền, chỉ trích cả những lạm dụng của Lamã. Ảnh hưởng của Dòng Cistercien của người trải qua nhiều thế kỷ, do các “thầy dòng áo trắng” trong ngành trồng trọt, xây cất, cách riêng trong cuộc sống cầu nguyện tu đức. Bênađô qua đời tại Clairvaux. Chính người là Đấng sang lập Dòng Cistercien vậy.
Lễ kính: 20 tháng 8.

Thánh Piô X Giáo Hoàng (1835-1914)- Lễ nhớ: 21 tháng 8.
Joseph Melchior Sarto sinh hạ ngày 2 tháng 6 năm 1855. Thân phụ là người giữ nhà thờ làng Riese ở Venitie. Thân mẫu, Bà Marguerite Sanson làm nghề may trong gia đình 10 người con. Mồ côi cha lúc 17 tuổi, gia đình túng bấn, nhưng từ lúc 10 tuổi đã cảm thấy ơn gọi đi tu. Lúc 11 tuổi, ngày hai buổi, đi bộ đến trường cách 9 cây số, nhiều lần đi chân trần, đôi giày đeo trên vai. Vào chủng viện Padoue, thụ phong linh mục ngày 28 tháng 9 năm 1858 lúc lên 23 tuổi, làm phó xứ 9 năm, làm cha xứ 8 năm, rất thương yêu người nghèo. Người coi là một đại họa khi được gọi về Trévèse để làm cha chính địa phận, khiêm giám đốc chủng viện và kinh sĩ nhà thờ Chánh Tòa.
Năm 1884, Đức Lêô XIII phong người làm Giám Mục Mantoue, bị chính quyền phản đối và còn bị phản đối khi được phong Hồng Y thượng phụ Venise năm 1893.
Tại mật nghị 1903, Hồng Y Puzyna ở Cracovie tuyên bố Hoàng đế Áo phản đối nếu Hồng Y Rampolla, ngoại trưởng của Đức Lêo XIII được bầu. Cuộc đầu phiếu đầu tiên, người được 5 phiếu. Đức Hồng Y Gibbons, Mỹ, xin Người phải chấp nhận khi được 50 trong 62 cử tri bầu lên, sau 7 cuộc bỏ phiếu.
Lên ngôi Giáo Hoàng, việc đầu tiên là ra tông thư Commissum Nobis để quyết định trong các cuộc bầu trong mật nghị sau này, không ai được ảnh hưởng dùng chính trị.
Đức Piô X mở đường để việc giao hảo với nước Ý đễ dàng hơn, khuyến khích người Công giáo tham gia chính trị, bỏ phiếu…Người chấp nhận việc phân lập giữa Giáo hội và thế quyền và cho rằng một hàng giáo sĩ nghèo, như ở Pháp, tốt hơn là bị lệ thuộc. Người mạnh mẽ chống lại thuyết “Duy Tân” do sắc lệnh Pascendi, cải cách lịch và sách nguyện. Người canh tân ca nguyện ở nhà thờ, cổ võ bình ca Grégorien, lập viện âm chạc và Thánh kinh, khởi đấu việc sửa đổi bộ Giáo luật sẽ ra dưới thời vị kế vị, đức Bênêditô XV năm 1917.
Sống trong Vatican, Người vẫn mơ về cảnh đồng quê và Venise. Các bà em vẫn săn sóc cho Người lúc làm cha xứ được mời về bên cạnh lo bếp nước giặt giũ, mời nhạc sĩ Lorenzo Perosi nhạc sĩ bạn thân lo về âm nhạc. Người loại bỏ dần nghững nghi lễ rờm rà, mang một đồng hồ bằng Nickel để khỏi phải hỏi giờ theo nghi lễ, và khi chết, người ta tìm thấy trong túi áo một chiếc dao nhỏ và một khúc viết chì gọt dở…như hồi còn đi học, đôi giày đeo lơ lững trên vai.
Năm 1914, kỷ niệm năm 11 triều đại. Âu Châu khởi đầu thế chiến, Người đau buồn đến độ ngã bệnh ngày 8 tháng 8 và qua đời ngày 20, vì “những đau khổ thế giới”. Người được tôn phong hiển thánh ngày 29-5-1954 do Đức Piô XII. Xác thánh được giữ nguyên vẹn và đặt bên trái cửa vào thánh đường Phêrô.
Lễ nhớ: 21 tháng 8.

Thánh Nữ Rose Lima (1586-1617)- Lễ nhớ: 23 tháng 8.
Sinh hạ tại Lima, thủ đô Perou trong một gia đình gốc Tay Ban Nha. Isabelle Oliva được gọi là Rosa vì sắc mặt như một hoa hường. Từ nhỏ, phải làm việc lam lũ, cha mẹ túng bấn. Lên 20 tuổi, bắt chước thánh Catarina Sienna, Rosa vào dòng ba Đaminh, sống ẩn dật trong một phòng nhỏ trong vườn nhà cha mẹ. Bà sống ở đó cho đến chết, hãm mình đền tội, bị thử thách thiêng liêng, nhưng đồng thời cũng được nhiều ơn nhiệm lạ đặc biệt. Bà sống như một gương mẫu chói sáng chống lại lối sống xa hoa thực dân xung quanh, lối sống duy vật dựa trên của cải của một thế giới mới được khai phá.
Thánh nhân được tôn phong hiển thánh năm 1671 do Đức Clément X, vị thánh đầu tiên của Tân Thế Giới, quan thầy của Nam Mỹ.
Lễ nhớ: 23 tháng 8.

Thánh Louis Vua Nước Pháp (1214-1270)- Lễ nhớ: 25 tháng 8.
Một vị thánh rất được chú ý vì chí cương quyết thưc hành công bình và hòa bình của một nhà lãnh đạo quốc gia, của một vị thánh. Hai mục tiêu được hấp thụ do một bà mẹ đặc biệt là Blanche de Castille. Sinh ngày 25 tháng 4 năm 1214 và rửa tội tại Poissy. Hàng năm, Người về thăm giếng rửa tội, nơi mình được tái sinh thiêng liêng. Cha là vua Louis VIII, mẹ là Blanche de Castille; lên ngôi lúc 12 tuổi và kết bạn với Marguerite, con của Bá tước Provence, lúc 19 tuổi.
Lúc vừa lãnh vương quyền, Người gặp nhiều khó khăn đối ngoại cũng như đối nội. Đối ngoại thì các nhà quí phái có vua Henri III Anh Quốc ngầm hổ trợ, muốn lật đổ ngai vàng. Đối nội thì người phải đương đầu với sự ghen tương của mẹ dối với vợ. Mẹ bắt phải ở phòng riêng, lầu riêng trên dưới, chỉ được gặp nhau nơi từng cấp, có sự trông chừng các đầy tớ, sợ mẹ bắt gặp.
Sau khi đã đánh bại quân Anh năm 1242, vì hiểu hòa bình, người chấp nhận một hiệp ước bất lợi cho mình. Hai năm sau, Người tổ chức hai cuộc xuất quân thập giá VII và VIII, để cố chiếm lại Mộ Thánh, và trong cuộc thất bại cuối cùng người chết vì dịch hạch lúc lên 56 tuổi ở ngoại ô Tunis.
Đời của Thánh Nhân được Đức Tin hướng dẫn trong đời tu cũng nhu trong đời công. Trong gia đình, Người là một người chồng rất thương yêu và quí trọng vợ, một người cha cần mẫn giáo dục 11 người con. Người đọc sách nguyện mỗi ngày, sống đạm bạc, chay tịnh, hay thăm viếng người nghèo và phong hủi. Người xây trong hoàng cung ngôi thánh đường thánh-Sainte – Chapelle- để đặt mão gai của Chúa.
Đời Người là đời một nhà vua công giáo thế kỷ XIII. Nhà thờ Đức Bà Paris hoàn tất năm 1250, Đại học Sorbonne do kinh sĩ Robert de Sorbon sang lập với sự giúp đỡ của thánh nhân năm 1253, để giúp đỡ sinh viên nghèo. Khi tra xét để phong thánh, có 65 phép lạ được ghi nhận. Người được tôn phong ngày 11 tháng 8 năm 1297 do Đức Boniface VIII.
Lễ nhớ: 25 tháng 8.

Thánh Giuse Calazans (1556-1648)- Lễ nhớ: 25 tháng 8

Sinh hạ ở Peralta de la Sal thuộc tỉnh Aragon (Tây ban Nha) trong một gia đình giàu có; thụ phong linh mục năm 1583. Lúc lên 34 tuổi, là cha chính của Giáo phận Urgel. Lamã vẫn lôi kéo người. Với tư cách khách hành hương, người từ bỏ chức phận đến sống ở Lamã, sống giữa người nghèo. Nhận thức và cảm nghiệm thân phận họ, người đem cả gia tài cha để lại để lập những trường tư thục cho trẻ em nghèo. Để củng cố công việc, người lập Dòng các sư huynh lo cho các trường đạo. Năm 1622, người được đặt làm bề trên tổng quyền các tu sĩ lo việc giáo dục của Dòng thiết lập ở Đức, Bohême và Balan ngoài Lamã.
Lúc về già 86 tuổi, người gặp nhiều khó khăn. Người qua đời năm 1648, thọ 92 tuổi và được đức Lement XIII phong hiển thánh năm 1767. Năm 1948, được đặt làm quan thầy các trường bình dân Công giáo.
Lễ nhớ: 25 tháng 8

Bà Thánh Monica (332-387)- Lễ nhớ: 27 tháng 8.
Sinh hạ tại Tagaste (South Ahras ở Algeria) trong một gia đình Berbère, kết bạn với ông Patrice, một người hung bạo và ăn chơi, nhưng nhờ sự nhịn nhục và đức tin, bà làm cho trở lại đạo Công giáo. Người con trai trưởng trong ba con của Monica là Augustinô. Một người con đầy tài năng, nhưng cũng làm cho mẹ buồn nhiều vì cuộc sống phóng đảng. Cậu lại bị lạc thuyết Manichê lôi kéo hơn là giáo lý Kitô Giáo. Bà mẹ lại thiếu học thức không làm sao ảnh hưởng đến con được. Nhưng lòng đạo đức của mẹ dần dần thấm nhuần đến con.
Augustinô sang Ý, dạy khoa hung biện tại Milan. Tại đây, người được gặp một vị Giám Mục lỗi lạc là thánh Ambrôsiô và được Ngài chinh phục. Ngày Phục sinh 387, Monica được hạnh phúc lớn lao tham dự lễ rửa tội con trong sự chia sẽ thiêng liêng thắm thiết mà Augustinô đã kể lại trong sách “Tự Thú” của người. Bà nói với con: Ước ao của mẹ là thấy con trở nên Kitô hữu Công Giáo. Mẹ đã được….Chúa đã cho Mẹ được như ý….Vậy còn làm gì nữa ở trần gian?” Bà đã chết ở Ostie lúc lên 56 tuổi. Lời trối của Bà cho các con: “Chúng con chôn Mẹ đâu cũng được. Mẹ chỉ xin cầu nguyện cho mẹ nơi bàn thờ Chúa.” Thánh nữ được chôn cất ở Ostie bà sau được dời về Lamã năm 1430 trong nhà thờ thánh Augustinô.
Lễ nhớ: 27 tháng 8.

Thánh Augustinô - Lễ kính: 28 tháng 8.
Thánh Augustinô khi còn trẻ đã theo lạc giáo Manichê rồi bị thất vọng, người rời Phi châu gia nhập nhóm Tân Platon. Mẹ người, bà thánh Monica đi theo con, khuyến khích, hãm mình, cầu nguyện ròng rã trong 18 năm mới được thấy con trở lại, nhờ lời giảng dạy của thánh Giám mục Ambrôsiô ở Milan. Người xin nhận lãnh ơn rửa tội ngày Phục sinh năm 387 viớ đứa con mà Ngài rất thương mến là Adéodat, qua bàn tay của thánh Giám mục.
Với một số bạn hữu, người thành lập một nhóm đối thoại triết học và lui về Cassiceacum gần Milan, với mẹ là Bà thánh Monica, con là Adéodat. Tại đây, Người đã sáng tác những tài liệu cổ xưa nhất của người còn được lưu giữ.
Sau khi đã nhận lãnh Bí tích rửa tội, Người quyết định với mẹ trở về quê hương. Mẹ người qua đời tại bờ biển Ostie trên đường hồi hương. Tháng 9 năm 388, Augustinô trở về Carthage, lưu lại 3 năm ở Thagaste, với một số bạn hữu công giáo, bán hết của cải, sống nghèo và chiêm nghiệm. Tại đâ, người rát đau đớn khi phải vĩnh biệt Adéodat được Chúa gọi về, người con mà người coi là đồ đệ tâm giao hơn cả.
Do dân chúng nài xin, đức Giám mục Hippone thuyết phục Augustinô lãnh chức linh mục, trao quyền giảng dạy và ít lâu sau, đuưọc tông phong giám mục phụ tá. Năm 396, Augustinô lên kế vị. Thánh nhân vẫn tiếp tục đời sống tu sĩ, nhưng đảm nhận việc cai quản giáo phận một cách hoàn hảo. Trong 35 năm còn lại, Thánh nhân dâng trọn để giảng dạy, dùng thời giờ còn lại để viết những tác phẩm thời danh như cuốn “Lời trần tình”-Confession và cuốn Thành trì Thiên Chúa – Cité de Dieu. Người để lại một gia sản thiêng liêng lớn lao về thần học, khiến Giáo hội tôn phong là một trong bốn Tâấ sĩ lớn lao nhất của Giáo Hội La tinh, vị “Tiến sĩ của ơn thánh.” Thánh nhân cũng không ngớt dùng lời giảng và ngòi bút để chống lại các lạc giáo của thời đại, như Manichê, Đônat và nhất là phái Pêlagia.
Người sống vào thời điểm cuối cùng của đ61 quốc Lamã. Người viết cuốn “Thành trì Thiên Chúa” (413-426) để giải thích rằng Đế quốc sụp đổ do man-di dâm chiếm, chứ không phải vì chối bỏ các thần Lamã.
Thánh nhân qua đời trong lúc quân Vandale đang bao vây thành phố Hippone, giáo phận của Ngài, ngày 28 tháng 8 năm 430, hưởng thọ 76 tuổi. Ngài không để lại chúc thư, vì Ngài không có gì cả. Nhưng gia tài tư tưởng thánh nhân để lại thật lớn lao, sau thánh Phaolô, cho giáo hội hoàn vũ.
Lễ kính: 28 tháng 8.

Điển Ngữ Các Thánh - Lm Hồng Phúc
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012