Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 1 month ago #62198


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 28 Tháng 02:
THÁNH RÔMANÔ và THÁNH LUPIXINÔ (St. Romanus & St. Lupicinus of Condat)

StRomanus_0228.jpg


Hai vị thánh người Pháp này là anh em ruột sống vào thế kỷ thứ 5. Khi còn trẻ, thánh Rômanô được mọi người mến mộ vì ngài rất tốt lành. Ngài có lòng ham ước nên thánh rất mãnh liệt. Từ khi nhận thức được trên thế giới này người ta quá dễ dàng quên lãng và coi thường Thiên Chúa, thánh Rômanô quyết định sống cuộc đời ẩn sĩ. Trước tiên, Rômanô bàn hỏi với một đan sĩ thánh thiện, rồi ngài tiến hành điều ngài đã quyết định. Rômanô đem theo một cuốn sách. Đó là cuốn Đời sống của các Giáo phụ nơi hoang mạc của tác giả Cassiô. Rômanô cũng mang theo hạt giống để gieo trồng và một ít dụng cụ. Với những thứ dự trữ này, Rômanô vào miền rừng có những dãy núi thuộc giải Jura giữa Thụy Sĩ và Pháp. Rômanô tìm thấy một cây linh sam to lớn và thế là ngài định cư ở dưới gốc cây này. Rômanô dùng thời giờ cầu nguyện và đọc sách. Ngài cũng gieo trồng và chăm nom khu vườn của ngài, một quang cảnh thiên nhiên yên tĩnh đầy thú vị!

Chẳng bao lâu sau đó, người em trai Lupixinô đến xin nhập cuộc với ngài. Rômanô và Lupixinô khác tính nhau. Rômanô thì nghiêm nghị với bản thân mình. Tuy vậy, ngài rất tử tế, hiền lành và đầy tình thông cảm hiểu biết người khác. Lupixinô thì khó khăn nghiêm khắc với chính mình và thường đối xử như vậy cả với tha nhân. Tuy nhiên, Lupixinô có ý tốt. Hai anh em hiểu nhau và sống với nhau rất hòa hợp.

Rồi có nhiều thanh niên đến xin gia nhập với các ngài. Họ cũng muốn trở nên những đan sĩ. Vì thế các ngài xây cất hai đan viện. Rômanô và Lupixinô, mỗi người là đan viện phụ của một đan viện. Các đan sĩ sống cuộc đời khó khăn và giản dị. Họ cầu nguyện nhiều và hy sinh làm việc cách vui vẻ. Họ ăn năn sám hối để củng cố ơn gọi của mình. Họ vất vả làm việc đồng áng để tăng thêm thực phẩm và luôn luôn giữ luật thinh lặng. Họ quyết định sống như thế vì mối quan tâm chính yếu của họ là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Lối sống này giúp họ dễ hướng về cùng đích siêu nhiên.

Thánh Rômanô về trời năm 460. Người em trai của ngài, thánh Lupixinô, qua đời năm 480.

Thánh Rômanô và thánh Lupixinô, cả hai đều là những vị thánh dù các ngài có những cá tính khác nhau. Chúng ta hãy học nơi hai vị thánh điểm này là tất cả chúng ta đều có những ân sủng và những tài năng mà chúng ta có thể dùng để đem người khác đến gần Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa kiếm tìm là tấm lòng sẵn sàng hy sinh của chúng ta.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Đinh Cường [ Tôma ]

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 1 month ago #62195


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 27 tháng 02:
THÁNH GABRIEL CỦA ĐỨC MẸ SẦU BI (St. Gabriel of Our Lady of Sorrows)

StGabrielOfSorrows_0227.jpg


Vị thánh đáng yêu này sinh ở Assisiô, nước Ý vào năm 1838. Lúc rửa tội, thánh nhân đã nhận tên thánh Phanxicô để tỏ lòng tôn kính thánh cả Phanxicô Assisiô. Thân mẫu Phanxicô qua đời lúc ngài mới lên 4. Vì vậy, thân phụ của Phanxicô đã thuê một cô giáo dạy trẻ về nuôi dưỡng ngài và những người con khác.

Phanxicô rất đẹp trai và dễ thương. Thông thường tại các đám tiệc liên hoan, Phanxicô là người được hâm mộ nhất. Phanxicô yêu thích trò vui đùa giễu cợt nhưng ngài cũng có tâm tưởng khác nữa. Đang khi vui vẻ, thỉnh thoảng Phanxicô cảm thấy chán nản. Ngài không thể hiểu được lý do tại sao. Ngài linh cảm thấy trong lòng mình có một sự khao khát Thiên Chúa rất mãnh liệt và những vấn đề quan yếu của cuộc sống.

Hai lần Phanxicô bị bệnh gần chết. Mỗi lần Phanxicô hứa với Đức Mẹ rằng nếu Đức Mẹ chữa cho khỏi thì sẽ đi tu. Cả hai lần, Phanxicô đều được ơn lành bệnh nhưng lại không giữ lời hứa!

Một ngày kia, Phanxicô nhìn thấy người ta đang kiệu bức ảnh Đức Mẹ sầu bi trong một đám rước. Hình như Đức Mẹ đang chăm chú nhìn ngài. Cùng lúc đó, Phanxicô nghe thấy một tiếng nói trong lòng: “Phanxicô, thế gian không ủng hộ con nữa đâu!”

Và điều đó đã xảy ra! Phanxicô vào dòng Thương Khó. Lúc ấy, ngài được 18 tuổi. Phanxicô chọn danh hiệu là Gabriel của Đức Mẹ Sầu Bi.

Thánh Gabriel có lòng yêu mến đặc biệt đối với bí tích Thánh Thể và Mẹ Maria, Mẹ sầu bi. Thánh nhân thích dùng thời giờ tưởng nghĩ về cuộc Thương Khó của Đức Chúa Giêsu và việc Chúa đã chịu đau khổ nhiều vì ngài. Gabriel cũng học cách thực hành đặc biệt hai nhân đức: khiêm nhường và vâng lời. Đặc điểm riêng của Gabriel là hồn nhiên và vui tươi. Trông Gabriel luôn luôn hạnh phúc và ngài lan tỏa niềm hạnh phúc ấy ra cho những người xung quanh.

Thánh Gabriel Mẹ sầu bi về trời ngày 27 tháng Hai năm 1862, chỉ sống được bốn năm trong dòng Thương Khó. Đến năm 1920, Gabriel được đức thánh cha Bênêđictô XV tôn phong lên bậc hiển thánh.

Chúng ta không nên chỉ nghĩ về việc tận hưởng cuộc sống. Chúng ta hãy cầu xin thánh Gabriel Của Đức Mẹ Sầu Bi giúp chúng ta tìm ra niềm vui và ý nghĩa đích thực của đời sống chúng ta.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 2 months ago #62193


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 26 Tháng 02:
THÁNH PÔPHIRIÔ (ST. PORPHYRY OF GAZA)

StPorphyryOfGaza_0226.jpg


Thánh Pôphiriô sinh vào thế kỷ thứ năm trong một gia đình quý tộc giàu có. Khi lên 25 tuổi, Pôphiriô rời khỏi gia đình. Pôphiriô đến Ai Cập để vào tu trong một đan viện. Sau 5 năm, Pôphiriô hành trình tới Giêrusalem. Pôphiriô muốn viếng thăm những nơi mà Đức Chúa Giêsu đã ở khi Người sống trên dương thế.

Pôphiriô được ấn tượng sâu sắc của thánh địa. Lòng yêu mến Chúa Giêsu làm cho ngài ý thức cách sâu xa những nỗi khổ đau của những người dân quê nghèo khó trong thành Thessalônica mà Pôphiriô chưa bao giờ cảm nghiệm được cái nghèo là làm sao! Giờ đây, Pôphiriô vẫn làm chủ tất cả gia sản song thân để lại cho mình. Tuy vậy, chẳng bao lâu, Pôphiriô xin người bạn Marcô đến Thessalônica bán hết mọi thứ cho ngài. Ba tháng sau, Marcô cầm tiền trở về. Thế rồi Pôphiriô đã bố thí tiền bạc cho những người thực sự cần dùng nó.

Lên 40 tuổi, Pôphiriô trở thành linh mục và được trao cho công việc giữ gìn các thánh tích của Thánh Giá Chúa Giêsu. Sau đó, Pôphiriô được bổ nhiệm làm giám mục thành Gaza. Ngài nỗ lực hoạt động để lôi kéo người ta tin vào Đức Chúa Giêsu và chấp nhận đức tin. Nhưng những vất vả khó nhọc của Pôphiriô chỉ sinh hiệu quả chậm và vì vậy, đòi Pôphiriô nhiều kiên nhẫn. Đa số các cư dân lúc đó bị vướng vào những mê tín dị đoan và những tập tục của dân ngoại. Cho dù Pôphiriô có thể ngăn chặn được nhiều thói tục này nhưng thánh nhân cũng đã gặp phải những kẻ thù làm cho ngài hết sức đau khổ.

Cũng có những tín hữu Công giáo ngưỡng mộ và yêu mến Pôphiriô cách đặc biệt. Họ cầu nguyện và hy sinh cho ngài. Họ nài xin Thiên Chúa bảo vệ Pôphiriô. Giám mục Pôphiriô đã dùng nhiều năm để củng cố cộng đoàn Kitô hữu. Ngài rao giảng mọi điều Giáo hội ủy thác. Pôphiriô qua đời năm 420.

Tấm gương của vị thánh này thách đố chúng ta đừng liên can đến những điều mê tín dại dột. Những bùa ngải ma thuật và các vấn đề tương tự như thế chẳng có giá trị gì. Thiên Chúa trông nom chăm sóc chúng ta và ban cho chúng ta mọi trợ giúp cần thiết nếu chúng ta thành tâm cầu xin Người.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 2 months ago #62190


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 25 Tháng 02:
CHÂN PHƯỚC SEBASTIAN OF APARICIO
Blessed Sebastian of Aparicio (January 20, 1502 — February 25, 1600)


BlessedSebastianAparicio_0225.jpg


Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.

Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.

Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.

Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."

Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.

Lời Bàn: Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.

Lời Trích: Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh: "Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 7 years 2 months ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 2 months ago #62187


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 24 Tháng 02:
CHÂN PHƯỚC LUCA BELLUDI (1200-1285)

BlessedLukeBelludi_0224.jpg


Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.

Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.

Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo chúa hung dữ.

Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 2 months ago #62178


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 23 Tháng 02:
THÁNH PÔLYCAPÔ (SAINT POLYCARP)

StPolycarp_0223.jpg


Thánh Pôlycapô sinh vào khoảng giữa những năm 70-80. Ngài trở thành kitô hữu khi các môn đệ của Đức Chúa Giêsu mới chỉ là số ít người. Thực ra, thánh Pôlycapô là môn đệ của một trong các tông đồ đầu tiên là thánh Gioan. Pôlycapô giảng dạy cho người ta biết tất cả mọi điều ngài đã học được nơi thánh Gioan. Pôlycapô làm linh mục rồi giám mục thành Smina (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Thánh Pôlycapô là giám mục thành Smina suốt nhiều năm. Các kitô hữu đều nhận thấy Pôlycapô là một mục tử thánh thiện và can đảm.

Những kitô hữu ở thời đại của Pôlycapô phải giáp mặt với sự bách hại và giết chóc dưới triều đại hoàng đế Marêô Aurêliô. Có ai đó đã phản bội trao nộp Pôlycapô cho các nhà cầm quyền. Khi người ta đến bắt Pôlycapô, thánh nhân đã mời họ cùng dùng bữa với ngài trước hết; rồi sau đó, thánh nhân xin họ để ngài cầu nguyện một lát. Quan tòa đã thúc ép giám mục Pôlycapô hãy cứu lấy mình khỏi chết bằng cách nguyền rủa Đức Chúa Giêsu. “Tôi đã phục vụ Chúa Giêsu suốt cả đời tôi,” thánh nhân trả lời, “và Người chưa bao giờ đối xử bất công với tôi điều gì. Làm sao tôi lại có thể nguyền rủa Vua tôi, Đấng đã chết vì tôi?”

Sau đó, binh lính trói tay thánh Pôlycapô lại sau lưng. Rồi họ đặt vị giám mục già trên một đống lửa nóng bừng. Nhưng ngọn lửa không làm hại Pôlycapô. Sau đó, một người trong đám lính lấy ngọn giáo đâm vào trái tim ngài. Và thế là, vào năm 155, Pôlycapô đã tử vì đạo. Mãi mãi Pôlycapô được ở với Thiên Chúa, Đấng mà ngài đã phục vụ cách hết sức can đảm.

Thánh Pôlycapô được mời gọi để bênh vực Đức Chúa Giêsu đến cả mất mạng sống mình. Chúng ta có thể không phải hy sinh mạng sống của mình cho Đức Chúa Giêsu như các thánh tử đạo. Dù biết rằng nếu muốn được như thánh Pôlycapô, chúng ta sẽ phải thực hiện những chọn lựa thích hợp. Khả năng lựa chọn của chúng ta cũng sẽ quyết định loại ngôn ngữ chúng ta sử dụng, cách thức chúng ta cư xử với gia đình, người thân, với hàng xóm, bạn bè. Chúng ta sẽ chọn là loại Kitô hữu nào?


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 2 months ago #62173


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 22 Thánh 02:
LỄ KÍNH NGAI TÒA THÁNH PHÊRÔ

CathedraPetri_0222.jpg


Vào ngày 22 tháng 2 hằng năm tại Roma, trong đền thờ Thánh Phêrô, Ngai Tòa Thánh Phêrô do Berlini xây năm 1656 được thắp nến sáng.

Ngai tòa Thánh Phêrô tại Roma là chiếc ngai khổng lồ, bên trong dựng chiếc ghế gỗ khảm xà cừ của Thánh Phêrô, được bốn Thánh Tiến Sĩ nâng trên tay: Thánh Agustino, Thánh Ambrosio, Thánh Atannasio và Thánh Chrisos- tomo (Gioan Kim Khẩu). Bên trên có một hào quang rực rỡ bằng cẩm thạch giả, chính giữa có hình chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.

Bên phải Ngai Tòa Phêrô là đài kỷ niệm ÐGH Urbano VIII và hai tượng biểu trưng cho nhân đức Bác Ái và Công Bằng. Bên trái là Ðài kỷ niệm ÐGH Phaolô III do G Della Porta tạc: phía trên có tượng của ÐGH, bên dưới là hai tượng biểu trưng cho hai nhân đức Cẩn Trọng và Công Bằng. Hai tượng này giống các tượng trang hoàng mộ gia đình Medici ở Firenze.

Trên đường sang cánh trái của gian ngang, bên phải là đài kỷ niệm ÐGH Alessandro VIII do E di S. Martino tạc năm 1725, bên trái là bức khảm đá mầu Thánh Phêrô chữa người bất toại của F Mancini.

Chữ "Cathedra" có nghĩa là chiếc ghế hay giảng tòa và có nguồn gốc từ chữ "Cathedral", nơi một vị giám mục có giảng toà để Ngài giảng dạy. Một từ khác được dùng cho "Cathedra" là "sedes" từ chữ "See" nghĩa là Tòa nơi một vị giám mục điều hành giáo phận của mình. Như thế từ "Holy See" nghĩa là Tòa Giám Mục Roma, nơi Ðức Giáo Hoàng ngự trị hay được gọi là Tòa Thánh.

Trong suốt dòng lịch sử, Ngai Tòa Thánh Phêrô mang theo hai nghĩa: Ðó là chiếc ghế như một biểu tượng (biểu tượng quyền tối thượng của Thánh Phêrô); trong thời cổ chiếc ghế hay "cathedra" là một biểu tượng quyền giảng dạy và như thế chiếc ghế được coi như một vật thể (Ngai tòa của Charles đệ Bald được đức Giáo Hoàng Gioan VIII xử dụng và các vị Giáo Hoàng kế nhiệm).

Lễ lập Tông Tòa thánh Phêrô được kỷ niệm hằng năm vào ngày 22/2. Vào thời kỳ phụng vụ Roma còn chịu ảnh hưởng của Giáo Hội Gallica, ngày mừng của Phụng Vụ Gallica, là ngày 18/1, nhưng ngày 22/2 vẫn được cử hành với tước hiệu "Lễ lập Tông Tòa Phêrô tại Antiokia". Ðức Giáo Hoàng Phaolô đệ tứ đã truyền vào năm 1558 phải mừng cả hai lễ trọng. Bộ luật Chữ Ðỏ năm 1960 chỉ giữ lại ngày 22/2 là "Ngày lập Tông Tòa Phêrô tại Roma" cho giáo hội toàn cầu.

Hôm nay chúng ta cũng tưởng nhớ đến việc Ðức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.

Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Ðức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna, "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: "... Họ không hiểu rằng theo kinh thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết" (Gioan 20:9). Họ về nhà. Ðầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói, "Bình an cho các con," và họ quá đỗi vui mừng (Gioan 20:21b).

Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần" (TVCÐ 2:4a) và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.

Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Luca 22:32). Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần – trước giới thẩm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Ðức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.

Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết, "... Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai... Các ông ấy không đi đúng với chân lý của phúc âm..." (Galat 2:11b, 14a).

Trong đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô, "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải dang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn" (Gioan 21:18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Ðồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô Hữu khác.

Khi cử hành thánh lễ kính ngai tòa thánh Phêrô, phụng vụ muốn cho chúng ta thấy ngai tòa vững chắc mà Chúa Giêsu đã nói với vị thủ lãnh Hội Thánh tiên khởi: “Phêrô, Con là đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” hay” Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho những anh em khác vững tin” (Lc 22, 32). Chúa Giêsu đã trao trách nhiệm nặng nề cho Phêrô là chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài. Do đó, ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối: Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo hội toàn cầu. Vì thế, thánh lễ kính ngai tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng hết sức quan trọng nhưng lại rất long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong toàn thể Hội Thánh. Trước kia, Giáo hội cử hành hai thánh lễ riêng biệt một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiokia và một để kính tòa thánh Phêrô ở Roma. Tựu trung hai thánh lễ này đều mang cùng một ý nghĩa, nên ngày nay Giáo hội chỉ cử hành một thánh lễ là: “Lập Tông Tòa Thánh Phêrô.”

Ngày lễ kính ngai tòa thánh Phêrô là lời mời gọi toàn thể dân Chúa trên hoàn vũ hãy cầu nguyện thật nhiều, cầu nguyện liên lỉ cho vị Cha chung của Giáo hội trước một trọng trách nặng nề mà Chúa và Giáo hội trao phó cho ngài. Trước muôn vàn thách đố của một thế giới luôn luôn biến chuyển, Đức Giáo Hoàng luôn phải đối đầu với muôn vàn khó khăn của Hội Thánh, của thế giới. Chính vì vậy, ngài cần có đầy đủ ơn Chúa và sự soi sáng, khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để ngài chu toàn trách nhiệm chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Chúa.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã thiết lập Hội Thánh trên nền đá vững bền là lời tuyên xưng đức tin của thánh tông đồ Phêrô. Xin gìn giữ Hội Thánh khỏi nao núng giữa cảnh đời thử thách gian nan.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 2 months ago #62166


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 21 Tháng 02:
THÁNH PHÊRÔ ĐAMIANÔ (St. PETER DAMIAN)

StPeterDamian_0221.jpg


Thánh Phêrô Đamianô sinh năm 1007. Khi còn rất nhỏ, Phêrô Đamianô đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Phêrô được một người anh lớn nhận cho ở trọ. Anh này đã lăng mạ chửi rủa và hay bỏ đói ngài. Một người anh khác cùng tên Đamianô, thấy hoàn cảnh thực tế của cậu em, đã dẫn ngài về nhà riêng của mình. Thế rồi, cuộc đời của Phêrô chuyển sang một bước ngoặt hoàn toàn mới. Phêrô được quan tâm và được đối xử yêu thương. Phêrô rất biết ơn người anh đến nỗi khi trở thành tu sĩ, ngài đã lấy tên là Đamianô theo người anh yêu quý của mình. Đamianô cung cấp cho Phêrô ăn học và khuyến khích việc học của em. Cuối cùng, Phêrô thành tài và đã giảng dạy tại đại học khi mới ở độ tuổi 20! Người ta đều biết Phêrô là một giáo sư ưu tú. Nhưng Thiên Chúa đã hướng dẫn Phêrô bằng những phương cách mà chính thánh nhân cũng không thể nào hiểu được.

Thánh Phêrô Đamianô sống trong thời đại mà nhiều người trong Giáo hội quá bị chi phối bởi những mục đích trần tục. Phêrô nhận thấy rằng Giáo hội thánh thiện có ân sủng từ Chúa Giêsu hầu cứu chuộc tất cả mọi người. Ngài mong ước Giáo hội chiếu giãi sự thánh thiện của Chúa Giêsu. Sau 7 năm giảng dạy, Phêrô Đamianô đã quyết định đi tu. Ngài muốn sống phần đời còn lại của ngài trong cầu nguyện và sám hối. Phêrô Đamianô sẽ cầu nguyện và hy sinh để nhiều người trong Giáo hội trở nên thánh thiện. Rồi Phêrô gia nhập đan viện của thánh Rômualđô. Phêrô Đamianô viết quy luật cho các tu sĩ. Ngài cũng viết tiểu sử về thánh Rômualđô, vị sáng lập thánh thiện của họ. Phêrô Đamianô cũng viết nhiều tác phẩm thần học để giúp người giáo dân đào sâu thêm lòng tin của mình. Đan viện phụ của Phêrô Đamianô đã hai lần sai ngài đến các đan viện lân cận. Ngài khuyến khích các đan sĩ thực hành những cải cách canh tân nhằm giúp họ dễ kết hợp thân mật hơn với Thiên Chúa. Các đan sĩ rất biết ơn Phêrô Đamianô vì ngài thật có lòng tốt và đáng kính trọng.

Sau cùng, từ đan viện, Phêrô Đamianô được gọi làm giám mục và hồng y. Suốt quãng đời của mình, Phêrô Đamianô được sai làm những nhiệm vụ quan trọng cho nhiều đức thánh cha. Năm 1072, thánh Phêrô Đamianô qua đời. Đến năm 1828, Phêrô Đamianô được tôn phong làm Tiến sĩ Hội Thánh vì ngài là nhà vô địch trong việc bảo vệ chân lý và kiến tạo hòa bình. Thi sĩ Đantê (1265-1321) đã nhận định sự cao cả của thánh Phêrô Đamianô. Trong vở kịch thơ Diệu Kỳ, thi sĩ đặt thánh Phêrô Đamianô trên “tầng trời thứ bảy.” Đó là nơi mà Thiên Chúa dành cho những người thánh thiện, những người ham thích suy niệm và chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

Nhiều năm thơ ấu của thánh Phêrô Đamianô thật buồn thảm và kém may mắn, nhưng Phêrô Đamianô đã học biết cách tìm kiếm Thiên Chúa bằng sự tin cậy trẻ thơ. Phêrô Đamianô dùng những ân lộc của mình để làm cho Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người được yêu mến và trân trọng hơn. Chúng ta hãy cầu xin thánh Phêrô Đamianô chỉ cho chúng ta biết cách sống quảng đại với Thiên Chúa.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 7 years 2 months ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 2 months ago #62161


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 20 Tháng 02:
CHÂN PHƯỚC JACINTA (1910-1920) và FRANCISCO MARTO (1908-1919)

ChildrensOfFatima_0220.jpg


Trong quãng thời gian từ 13 tháng Năm đến 13 tháng Mười 1917, ba trẻ chăn chiên người Bồ Ðào Nha ở Aljustrel đã được thấy Ðức Bà hiện ra ở Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách thủ đô Lisbon 110 dặm về phía bắc. Vào lúc đó, Âu Châu đang can dự vào một cuộc chiến đẫm máu. Chính Bồ Ðào Nha, sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1910, cũng đang trong sự rối loạn chính trị; sau đó không lâu nhà cầm quyền giải tán các tổ chức tôn giáo.

Trong lần hiện ra đầu tiên, Ðức Maria yêu cầu các trẻ trở lại nơi này vào ngày mười ba mỗi tháng trong sáu tháng kế tiếp. Ngài cũng yêu cầu các trẻ học hành để biết đọc biết viết, và lần chuỗi mai khôi "để thế giới được hòa bình và chấm dứt chiến tranh." Các trẻ cũng được khuyên hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi và xin cho nước Nga được hoán cải, mà lúc bấy giờ Nga Hoàng Nicholas II vừa mới bị lật đổ và sau đó không lâu nước Nga rơi vào sự thống trị của chế độ cộng sản. Vào lần thị kiến sau cùng, 13-10-1917, có đến 90,000 người tụ tập tại Cova da Iria.

Chưa đầy hai năm sau, Francisco từ trần vì bệnh cúm ở ngay quê nhà. Em được chôn cất trong nghĩa trang giáo xứ và sau đó được cải táng về vương cung thánh đường Fatima vào năm 1952. Jacinta cũng chết vì bệnh cúm ở Lisbon sau khi dâng hiến sự đau khổ của mình để hoán cải người tội lỗi, để xin bình an cho thế giới và cho Ðức Thánh Cha. Cô được cải táng về vương cung thánh đường Fatima năm 1951. Người bà con với hai em là Lucia dos Santos, đã trở thành một nữ tu dòng Camêlô và hiện còn sống khi Jacinta và Francisco được phong chân phước vào năm 2000. Hàng năm, có đến 20 triệu người đến viếng đền Ðức Mẹ Fatima ở Bồ Ðào Nha.

Lời Bàn: Giáo Hội luôn luôn rất thận trọng khi phải chứng thực các việc hiện ra, nhưng Giáo Hội đã chứng kiến kết quả tốt đẹp của sứ điệp Ðức Bà Fatima khi người ta thay đổi đời sống. Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Maria và lần chuỗi mai khôi--tất cả những điều này đã củng cố Tin Mừng mà Ðức Giêsu rao giảng.

Lời Trích: Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại lời của Jacinta nói với Francisco ngay trước khi em từ trần,"Anh cho em gửi lời chào Chúa và Ðức Mẹ, và nói với các Ngài rằng em sẵn sàng chịu đựng mọi sự mà các Ngài muốn để hoán cải kẻ tội lỗi."

Nguồn: Báo Người Tín Hữu


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 02 7 years 2 months ago #62160


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 19 Tháng 02:
THÁNH CONRAD Ở PIACENZA (1290-1351)

StConrad_0219.jpg


Sinh trong một gia đình giầu có thuộc miền bắc nước Ý, Conrad kết hôn với Euphrosyne, con gái của một người quý phái.

Một ngày kia, trong khi đi săn Conrad ra lệnh đốt một số bụi rậm để lùa thú ra ngoài. Lửa cháy lan ra cánh đồng kế cận và thiêu hủy cả một cánh rừng. Một nông dân vô tội bị cầm tù, bị đánh đập ép phải nhận tội và bị kết án tử hình. Tuy nhiên Conrad đã ra thú tội, cứu mạng người nông dân ấy và ông phải bồi thường thiệt hại.

Sau biến cố ấy không lâu, Conrad và vợ đồng ý ly thân: bà gia nhập tu viện Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và ông đến với một nhóm người sống ẩn dật theo quy luật Dòng Ba Phanxicô. Tuy nhiên, không bao lâu, sự thánh thiện nổi tiếng của ông lan tràn. Vì sự cô quạnh bị khuấy động bởi các khách thăm viếng, Conrad di chuyển đến một nơi hoang vắng ở Sicily và ông sống ẩn dật ở đây trong 36 năm, cầu nguyện cho chính mình cũng như cho thế gian.

Sự cầu nguyện và ăn năn đền tội là cách ông đáp trả với những cám dỗ cản trở ông nên thánh. Ông từ trần khi còn quỳ gối trước tượng thánh giá. Ông được phong thánh năm 1625.

Lời Bàn: Thánh Phanxicô Assisi vừa quý trọng sự chiêm niệm vừa yêu quý đời sống rao giảng; giai đoạn cầu nguyện mãnh liệt là để nuôi dưỡng sức mạnh rao giảng. Tuy nhiên, một số môn đệ đầu tiên của ngài cảm thấy được mời gọi đến đời sống chiêm niệm, và ngài chấp nhận điều đó. Mặc dù đời sống Thánh Conrad ở Piacenza không phải là một quy tắc trong Giáo Hội, nhưng ngài và các vị chiêm niệm khác nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của Thiên Chúa và niềm vui của thiên đàng.

Lời Trích: Trong Huấn Thị về Ðời Sống Chiêm Niệm, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI có viết như sau:"Rút lui vào nơi vắng vẻ là để người Kitô kết hợp chính mình một cách mật thiết với sự thống khổ của Ðức Kitô, và trong một phương cách đặc biệt, giúp họ chia sẻ mầu nhiệm vượt qua và hành trình của Ðức Kitô từ trần thế đến quê trời".


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012