Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 6 years 11 months ago #62582


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 30 Tháng 4:
THÁNH GIÁO HOÀNG PIÔ V (17.01.1504 — 01.05.1572)

PopeStPiusV_0430.jpg


Vị giáo hoàng thánh thiện này được sinh tại nước Ý vào năm 1504. Ngài được đặt tên là Antôn Ghisliêri. Ngài muốn làm linh mục nhưng dường như niềm mơ ước ấy không bao giờ biến thành hiện thực. Song thân của Antôn rất nghèo. Họ chẳng có đủ tiền cho Antôn ăn học. Rồi vào một ngày kia, có hai tu sĩ dòng Đa Minh đến thăm gia đình Antôn và gặp thấy Antôn. Họ quý mến Antôn đến nỗi đã nhận chu cấp cho ngài ăn học. Và vì vậy, năm lên mười bốn tuổi, Antôn gia nhập dòng thánh Đa Minh. Lúc ấy, Antôn lấy tên là “Micael.” Sau cùng, thầy Micael làm linh mục, rồi giám mục và hồng y.

Hồng y Micael đã can đảm chống lại các người phản đối những giáo huấn của Giáo hội. Ngài sống đời hãm mình đền tội. Ngài được chọn lên ngôi giáo hoàng lúc sáu mươi mốt tuổi; và đã lấy hiệu là Piô V. Xưa kia, thánh nhân đã từng là một cậu bé chăn chiên nghèo khó; và giờ đây, tuy là thủ lãnh của toàn thể Giáo hội Công giáo, nhưng thánh Piô V vẫn ở khiêm tốn như ngày xưa. Ngài vẫn mặc bộ áo dòng trắng Đa Minh, vẫn bộ áo cũ kỹ mà ngài đã mang ngày trước. Và chẳng ai có thể thuyết phục được thánh nhân thay đổi hết!

Với cương vị là giáo hoàng, thánh Piô V phải đương đầu với nhiều khó khăn. Ngài kín múc nghị lực nơi Ảnh Chúa Chịu Nạn. Hằng ngày, thánh Piô V suy gẫm về những nỗi thống khổ và cuộc tử nạn của Đức Chúa Giêsu. Vào lúc này, những người Thổ đang cố chinh phục toàn thể thế giới Công giáo. Họ có một hạm đội lớn gồm các sĩ quan và binh lính đang đóng quân ở Địa Trung Hải. Một đội quân Công giáo đã chiến đấu với họ tại nơi gọi là Lêpant, gần Hy Lạp. Từ lúc đội quân lên đường ra trận, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện bằng kinh Mân Côi. Ngài khuyến khích mọi tín hữu cùng đọc kinh với ngài. Cảm tạ Đức Mẹ đã thương giúp, các Kitô hữu đã khải thắng. Để tỏ lòng biết ơn Đức Mẹ, thánh Piô V đã thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta mừng lễ này hằng năm vào ngày mùng 7 tháng Mười.

Đức Thánh Cha Piô V qua đời vào ngày mùng 1 tháng Năm năm 1572 tại Rôma. Ngày lễ của thánh nhân được mừng kính hôm nay vì mùng 1 tháng Năm là ngày lễ kính thánh Giuse lao động. Năm 1712, Đức Thánh Cha Clêmentê XI đã tôn giáo hoàng Piô V lên bậc hiển thánh.

Bằng đời sống của mình, Đức Thánh Cha Piô V nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa chọn gọi chúng ta vì những lý do riêng tư của Người. Điều chúng ta phải làm là hãy giữ mối liên lạc thân tình giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta thực hiện việc này qua kinh nguyện hằng ngày, qua việc lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Chúng ta thực hiện việc này bằng cách xem và theo dõi những phương tiện thông tin lành mạnh. Chúng ta cũng thực hiện việc này bằng cách đi đây đó và chọn chơi với những bạn bè đứng đắn lịch thiệp.




“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 6 years 11 months ago #62573


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 29 Tháng 4:
THÁNH CATARINA SIÊNA (ST. CATHERINE OF SIENA: March 25, 1347 – April 29, 1380)

StCatherineOfSiena_0429.jpg


Vị thánh danh tiếng này, được sinh vào năm 1347, là nữ thánh bổn mạng của nước Ý, quê hương ngài. Catarina Siêna là cô gái út trong gia đình có hai mươi lăm người con. Song thân của Catarina mong muốn ngài có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tuy nhiên, Catarina Siêna chỉ ao ước đi tu. Để chứng tỏ ý định của mình, thánh nữ đã cắt đi bộ tóc dài xinh đẹp. Catarina Siêna không muốn sắc đẹp của mình hấp dẫn ai! Song thân Catarina rất tức giận và thường xuyên la mắng ngài. Họ cũng trao cho Catarina những công việc nặng nhọc nhất. Nhưng Catarina Siêna quyết tâm không từ bỏ ý muốn. Sau cùng, song thân Catarina đành phải nhượng bộ và thôi ngăn cản ngài.

Thánh nữ Catarina Siêna sống rất đơn thành với Đức Chúa Giêsu. Có lần thánh nữ hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con chịu những cám dỗ hãi hùng như thế?” Và Đức Chúa Giêsu trả lời: “Con của Cha, Cha ở trong trái tim con đó! Cha giúp con chiến thắng nhờ ân sủng của Cha!” Vào một buổi tối nọ, khi nhiều người dân thành Siêna đổ tràn ra các ngả đường để đón mừng lễ kỷ niệm, Đức Chúa Giêsu đã hiện ra với Catarina lúc thánh nữ đang cầu nguyện một mình trong phòng. Cũng có Đức Maria ở với Đức Chúa Giêsu. Mẹ nắm lấy tay Catarina Siêna và đưa lên cho Con của Mẹ. Đức Chúa Giêsu xỏ một chiếc nhẫn vào ngón tay thánh nữ và ngài trở nên “hiền thê” của Đức Chúa Giêsu.

Vào thời đại của thánh nữ Catarina Siêna, Giáo hội gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Những cuộc đấu tranh xung đột diễn ra trên khắp nước Ý. Catarina Siêna viết nhiều thư gởi cho các vua chúa và các bà hoàng. Thậm chí thánh nữ đã đến xin được các nhà cầm quyền hãy dàn xếp hòa bình với đức thánh cha và hủy bỏ chiến tranh. Catarina Siêna xin đức thánh cha rời bỏ thành Avignhông bên nước Pháp để trở về Rôma cai quản Giáo hội. Thánh nữ nói với đức thánh cha rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa. Đức thánh cha đã nghe theo Catarina Siêna và thực hiện điều thánh nữ nói.

Chẳng bao giờ Catarina Siêna quên lãng hình ảnh Đức Chúa Giêsu đang hiện diện trong trái tim mình. Qua Catarina, Đức Chúa Giêsu giúp đỡ những người đau yếu mà thánh nữ đang chăm sóc. Qua Catarina, Đức Chúa Giêsu yên ủi những tù nhân mà thánh nữ viếng thăm trong các lao tù.

Vị thánh nữ vĩ đại này mất tại Rôma vào năm 1380, khi chỉ mới được ba mươi ba tuổi. Năm 1461, đức thánh cha Piô II tôn Catarina Siêna lên bậc hiển thánh. Đến năm 1970, đức thánh cha Phaolô VI tôn phong thánh nữ Catarina Siêna làm Tiến sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina Siêna nhận được tước hiệu đặc biệt này vì thánh nữ đã phục vụ Giáo hội của Đức Chúa Giêsu cách anh dũng trong cuộc đời ngắn ngủi của ngài.

Chúng ta hãy dâng hiến trọn vẹn con tim của mình cho Thiên Chúa. Rồi, như thánh nữ Catarina Siêna, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: yêu mến Thiên Chúa thật thú vị biết bao!



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 6 years 11 months ago #62568


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 28 Tháng 4:
THÁNH PHÊRÔ CHANEL (1803 – 28.4.1841)

StPeterChanel_0428.jpg


Thánh Phêrô Chanel sinh gần vùng Belley, nước Pháp vào năm 1803. Từ khi lên bảy, Phêrô Chanel đã phải đi chăn chiên giúp thân phụ ngài. Tuy nghèo khó nhưng Phêrô rất thông minh và rất yêu mến đạo giáo. Ngày kia, cha xứ tốt lành đến gặp Phêrô. Cha suy nghĩ nhiều về Phêrô rồi cha hỏi song thân của Phêrô xem liệu cha có thể nhận giáo dục đứa trẻ không. Phêrô đã chăm chỉ học hành tại trường tiểu học và sau đó tại chủng viện của vị linh mục này. Khi thụ phong linh mục, cha Phêrô Chanel được sai đến một giáo xứ chỉ có rất ít người Công giáo còn giữ đạo. Cha Chanel cầu nguyện. Cha có tấm lòng hiền lành và quảng đại đối với hết mọi người. Tuy chỉ mới ba năm, nhưng đã có sự cải tiến rất đáng kể. Nhiều người lại tận tình yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội.

Thánh Phêrô Chanel có một ước muốn truyền giáo rất mãnh liệt. Ngài gia nhập một hội dòng gọi là dòng Truyền Giáo Đức Bà. Thánh nhân hy vọng sẽ được sai đi đem Tin mừng cho những người chưa tin nhận Thiên Chúa. Sau vài năm, ước mơ trở thành hiện thực. Phêrô Chanel và một nhóm các vị thừa sai thuộc dòng Truyền Giáo Đức Bà đã được gởi đến những hòn đảo thuộc vùng Nam Thái Bình Dương. Cha Chanel và một thầy dòng được chỉ định tới đảo Futuna. Ở đó, dân chúng rất sẵn lòng lắng nghe cha Chanel giảng dạy. “Vị linh mục này yêu mến chúng tôi,” một trong những người dân đã nói, “và chính ngài đã thực hành trước những điều ngài dạy chúng tôi làm!”

Không may thay, thủ lĩnh của bộ tộc này lại ghen tức với sự thành công của cha Chanel. Ông rất giận dữ căm hờn khi thấy người con trai của ông chịu phép Thanh tẩy. Ông đã sai một đội quân tinh nhuệ của ông đến giết vị thừa sai. “Đây thật là điều tốt cho tôi!” Đó là tất cả những gì cha Phêrô Chanel đã nói trước khi thở hơi cuối cùng. Thánh Phêrô Chanel bị giết ngày 28 tháng Tư năm 1841. Chỉ trong khoảng một thời gian ngắn sau cuộc tử đạo của cha Chanel, hết thảy mọi người trên đảo đã trở thành Kitô hữu. Năm 1954, đức thánh cha Piô XII đã tôn phong Phêrô Chanel lên bậc hiển thánh.

Tính ghen tị xui khiến người ta làm nhiều điều xấu. Nếu gặp thấy tha nhân làm việc tốt, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa. Chúng ta cũng hãy cố gắng bắt chước gương sáng của họ.




“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 9 hours ago #62560


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 27 Tháng 4:
THÁNH ZITA Ở LUCCA (1218-1278)

StZitaOfLucca_0427.jpg


Thánh nữ Zita được mọi người biết đến với chức vị là quan thầy của những người giúp việc nhà cửa. Thánh nữ được sinh ra trong một ngôi làng thuộc miền Montê Sagrati, nước Ý, vào năm 1218. Song thân của Zita rất có lòng đạo đức và đã nuôi dạy Zita theo tinh thần bác ái Kitô giáo. Thói quen của những đôi vợ chồng nghèo là gởi những bé gái của họ đang trong độ tuổi niên thiếu vào những gia đình đáng tín nhiệm để chúng học biết cách thức trở nên những đầy tớ giúp việc. Các cô sẽ sống với các gia đình độ một thời gian và được thuê mướn làm những công việc nội trợ. Khi lên mười hai tuổi, Zita được gởi đến gia đình Phatinelli ở thành phố Lucca. Ông bà Phatinelli là những người quảng đại tốt bụng và có nhiều người làm thuê. Zita rất lấy làm sung sướng vì có thể làm việc và gởi tiền về cho cha mẹ của ngài. Zita cố gắng sống tinh thần trách nhiệm. Zita tạo cho mình thói quen cầu nguyện phù hợp với chương trình riêng của ngài. Hằng ngày, Zita dậy rất sớm để tham dự thánh lễ.

Zita chăm chỉ làm việc. Ngài cảm thấy đó là nhiệm vụ của ngài. Nhưng những người giúp việc khác thì lại bực dọc khó chịu. Họ chỉ cố làm chút việc để khỏi bị trừng phạt. Họ bắt đầu chửi mắng Zita và phản đối ngài mà chẳng chịu để ý gì đến công việc của họ. Zita cảm thấy bị tổn thương nhưng ngài đã cầu nguyện xin ơn nhẫn nại. Zita không bao giờ tố cáo họ. Dù họ có nghĩ thế nào thì Zita vẫn cứ tiếp tục làm phần việc của ngài cách hết sức tử tế.

Khi một trong các anh chàng giúp việc tìm cách hôn Zita, Zita đã kháng cự và đẩy anh ta ra. Anh đã rời khỏi căn phòng với nhiều vết trầy xước trên mặt. Ông Phatinelli cho gọi riêng Zita và hỏi về chuyện đã xảy ra. Zita đã thuật lại sự việc cách trung thực. Sau đó, Zita được bổ nhiệm làm bà quản gia. Con cái của gia đình Phatinelli được đặt dưới sự trông nom chăm sóc của Zita. Nhất là những người giúp việc khác đã thôi hành hạ Zita. Thậm chí có một vài người đã bắt đầu để ý và bắt chước Zita.

Thánh nữ Zita trải qua cả cuộc đời sống với gia đình Phatinelli. Ngài vẫn lưu lại trong khi các người khác đến rồi lại đi. Zita thích phục vụ họ. Zita yêu mến họ như ngài yêu mến gia đình của ngài. Bằng gương sáng, Zita giúp mọi người nhận biết rằng công việc sẽ thật thú vị khi được làm với tấm lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Zita qua đời cách an bình vào ngày 27 tháng Tư năm 1278, hưởng thọ sáu mươi tuổi.

Thánh nữ Zita là bài học tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. Thánh nữ nhắc nhớ chúng ta rằng công việc chúng ta làm biểu hiện phần nào con người thực của chúng ta. Việc học hành và lao động của chúng ta đòi hỏi nhiều quyết tâm và nỗ lực. Tuy có chút phiền toái nhưng Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho sự cố gắng của chúng ta trên thiên đàng.




“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 1 day ago #62550


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 26 Tháng 4:
THÁNH PHÊRÔ BETANCURT (ST. PETER OF BETANCURT 1626-1667)

StPeterBetancurt_0426.jpg


Thánh Phêrô Betancurt sinh vào đời ngày 19/3/1626 tại Chasna de Vilaflor ở Tenerife thuộc Quần Đảo Canary. Ngài qua đời ngày 25/4/1667 ở Thành Guatemala, Guatemala. Đời sống của Ngài, một cuộc sống được đánh dấu bằng nhân đức anh hùng, là một chứng từ chiếu sáng của lòng trung thành với Phúc Âm. Ngài thuộc giòng dõi của Juan de Betancurt, một trong những người Norman đến chiếm cứ Quần Đảo Canary. Tuy nhiên, gia đình của Ngài rất nghèo và Ngài bắt đầu làm việc như một người chăn nuôi đàn vật nhỏ của gia đình Ngài. Đó là lý do hoàn cảnh thiên nhiên đã tạo cho Ngài có một tâm hồn biết nhìn thấy Thiên Chúa trong tất cả mọi sự chung quanh Ngài.

Khi Thánh nhân nghe thấy những tình trạng sinh sống khổ sở đáng thương của dân chúng West Indies “Da Đỏ Bên Phía Tây” (tức ở phía tây quê hương của Ngài, hay ở Mỹ Châu ngày nay cũng vậy), Ngài cảm thấy mình được kêu gọi để mang sứ điệp Kitô Giáo đến cho miền đất này. Năm 1650, tức năm mới 23 tuổi, Ngài đã lên đường tới Guatemala là nơi một người họ hàng của Ngài đã đến đóng vai trò là thư ký của Vị Tổng Thống Đốc. Ngân quĩ của Ngài cạn kiệt ở Havana nên Ngài phải trang trải cuộc hành trình của Ngài từ đó, bằng cách làm việc trên một chiếc tầu đậu ở Honduras để từ đó đi bộ tới Guatemala Thành.

Thánh nhân bấy giờ nghèo khổ đến nỗi Ngài phải xếp hàng xin bánh ăn trước cửa anh em Dòng Phanxicô, và cũng chính ở đó mà Ngài đã gặp Thày Fernando Espino, một nhà truyền giáo nổi danh, vị trở thành bạn thân của Ngài và trở thành cố vấn suốt đời của Ngài. Thày này đã tìm cho Ngài một việc làm ở một xưởng làm tơ sợi ở địa phương. Năm 1653, Ngài cảm thấy mình muốn vào học viện Dòng Tên địa phương để làm linh mục. Tuy nhiên, quá yếu khả năng, Ngài đã phải rút lui. Nhưng cũng qua dịp này Ngài đã gặp Cha Manuel Lobo, Dòng Tên, Vị đã làm linh mục giải tội cho Ngài.

Thày Fernando đã mời Ngài gia nhập Dòng Phanxicô như một thày trợ sĩ, nhưng Ngài cảm thấy Thiên Chúa muốn Ngài ở thế gian; và vào năm 1655, Ngài đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô. Từ đó trở đi, Ngài dốc tất cả thời giờ của mình vào việc xoa dịu những khổ đau của thành phần bất hạnh giữa những vất vả khôn xiết và khó khăn khôn tả. Ngài đã trở thành vị tông đồ cho những người nô lệ Mỹ-Phi Châu, những người Indios phải lao động một cách phi nhân, những người di dân và trẻ em bị bỏ rơi, bằng một lòng quảng đại bao la và với một lòng khiêm nhượng hoàn toàn phó mình theo ý Chúa. Ngài đã trở nên mọi sự cho mọi người bởi lòng bác ái của Chúa Kitô. Năm 1658, Ngài đã thí cho một cái chòi ở, một cái chòi đã được Ngài biến thành một bệnh viện cho người nghèo, thành phần xuất viện từ nhà thương của thành phố song vẫn cần được chăm sóc.

Nhà thương nhỏ bé của Ngài ấy được gọi là “Đức Bà Bêlem”. Ngài cũng thành lập một nơi trú ẩn cho thành phần vô gia cư, một trường học cho người nghèo và trẻ em bị bỏ rơi, cũng như một nguyện đường. Ngài đã nhận được sự giúp đỡ cho những cơ sở này từ cả hai phía thẩm quyền dân sự và tôn giáo. Ngài đã đi ăn xin để trả tiền cử hành Thánh Lễ cho những vị linh mục nghèo và trả cho những Lễ được cử hành sớm cho người nghèo khỏi bị mất lễ. Ngài có những nhà thờ nho nhỏ được xây cất lên ở những khu vực người nghèo, nơi Ngài dạy bảo hướng dẫn cho các trẻ em, Mỗi năm, vào ngày 15/8, Ngài tụ họp trẻ em lại để hát Bảy Niềm Vui của Kinh Mân Côi Phanxicô tôn kính Thánh Mẫu, một thói lệ vẫn còn tiếp tục ở Guatemala cho tới ngày nay.

Có nhiều người nam nữ đã tham gia cộng tác với Ngài, thành phần trở nên Các Sư Huynh Bêlem và Các Sư Tỉ Bêlem, và đã viết một cuốn Qui Luật bao gồm việc chủ động làm việc tông đồ với người nghèo, bệnh nhân và thành phần kém may mắn, bằng một đời sống sâu xa cầu nguyện, chay tịnh và đền tội. Thế là Hội Dòng Bêlem được thiết lập. Ngài chết vào ngày 25/4/1667, lúc mới có 41 tuổi. Cả cuộc đời của mình, Ngài chuyên chú suy niệm về Con Trẻ Bêlem. Ngài lúc nào cũng thấy dung nhan của “Con Trẻ Giêsu” nơi người nghèo, và sốt sắng phục vụ họ. Ngài được gọi là “Thánh Phanxicô của Những Người Châu Mỹ”.

Phêrô được phong chân phước năm 1980. Ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 30/7/2002 tại thành phố Guatemala. Ngài được phong thánh vì “gương mẫu nổi bật” về lòng yêu thương Kitô giáo, Đức Gioan-Phaolô II nói rằng thánh Pedro đã “thực hiện lòng nhân từ một cách anh dũng với những người nhỏ bé nhất và nghèo khổ nhât”. Trước khoảng 500.000 người Guatemala tham dự lễ phong thánh, Đức Gioan-Phaolô II nói về những căn bệnh xã hội ngày nay đang hoành hành đất nước và cần có sự thay đổi.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 2 days ago #62542


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 25 Tháng 4:
THÁNH KÝ MARCÔ (? – c. April 25, 68)

StMark_0425.jpg


Thánh ký Marcô sống cùng thời với Đức Chúa Giêsu. Mặc dù không ở trong số mười hai tông đồ nhưng thánh Marcô có quan hệ bà con với thánh Barnaba tông đồ. Marcô nổi tiếng vì ngài đã viết một trong bốn sách Tin mừng. Đó là lý do Marcô được gọi là thánh ký, hay còn gọi là tác giả sách Tin mừng. Phúc âm của thánh Marcô tuy ngắn gọn nhưng cung cấp nhiều chi tiết nhỏ mà chúng ta không thấy có trong các sách Phúc âm khác.

Lúc còn trẻ, Marcô cùng với hai vị đại thánh Phaolô và Barnaba đi rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu nơi những miền đất lạ. Dù thế, trước khi cuộc hành trình kết thúc, Marcô dường như đã không hài lòng với thánh Phaolô. Marcô đột nhiên trở về Giêrusalem. Sau này Phaolô và Marcô đã giải quyết với nhau những mối bất hòa của họ. Thật sự là Phaolô, khi bị giam tù ở Rôma, đã viết thư xin Marcô đến an ủi và giúp đỡ ngài.

Thánh Marcô cũng là người môn đệ rất yêu dấu của thánh Phêrô, vị giáo hoàng tiên khởi. Thánh Phêrô gọi thánh Marcô là “con.” Một số người cho rằng thánh Phêrô có ý nói là ngài đã rửa tội cho Marcô. Marcô được truyền chức giám mục và được sai đến Alêxanđria, nước Ai Cập. Ở đó, Marcô đã làm cho nhiều người trở lại đạo Công giáo. Ngài đã hoạt động tích cực nhằm rao giảng cho người ta nhận biết tình yêu của Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Họ cũng cho rằng trước khi qua đời, thánh Marcô đã chịu rất nhiều đau khổ.

Di hài của thánh ký Marcô được mang tới Vêni, nước Ý. Thánh nhân là vị thánh quan thầy của thành phố danh tiếng này. Giáo dân thường tuôn đến vương cung thánh đường xinh đẹp kính thánh Marcô để tôn kính và cầu nguyện với ngài.

Khi bất đồng ý kiến với một ai đó, chúng ta có thể tưởng nhớ đến thánh ký Marcô. Chúng ta cũng hãy nghĩ về ngài khi chúng ta không thể sống hòa hợp được với hết mọi người dù chúng ta rất muốn. Những lúc khó khăn như thế, chúng ta hãy nài xin thánh ký Marcô chỉ cho chúng ta bí quyết của ngài để dàn xếp những mối bất hòa.




“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 3 days ago #62535


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 24 Tháng 4:
THÁNH PHIĐELIS SIMARIGEN (ST. FIDELIS OF SIGMARINGEN)

StFidelisOfSigmaringen_0424.jpg


Tên của vị thánh này là Mác Rây. Ngài được sinh tại Đức vào năm 1578. Mác theo học tại trường đại học danh tiếng của thành phố Phrêbơ để trở thành luật sư. Ngay lúc còn là một sinh viên, Mác đã thích thăm viếng những người đau ốm và nghèo khổ. Ngài dùng thời giờ để cầu nguyện mỗi ngày. Người anh trai của Mác thì chọn làm một linh mục dòng Phanxicô Capuxinô. Còn Mác, sau khi tốt nghiệp đại học, đã trở thành một luật sư danh tiếng.

Mác hay đảm trách các vụ biện hộ cho những người nghèo không có tiền để trả. Vì rất giàu lòng quảng đại nên Mác thường bị những quan tòa bất lương ghét bỏ. Sau đó, Mác quyết định noi theo lối bước người anh của ngài và Mác đã trở thành linh mục. Mác nhận áo dòng và lấy tên là Phiđelis, nghĩa là “trung thành.”

Cha Phiđelis rất hân hoan vui mừng khi được chỉ định tới Thụy Sĩ để rao giảng Tin mừng. Lúc ấy, ở Thụy Sĩ có rất nhiều kẻ thù của đạo Công giáo. Cha Phiđelis muốn thuyết phục những người này trở về với Giáo hội. Lời giảng dạy của cha Phiđelis đã mang lại những thành quả phi thường. Nhiều người được ơn trở lại; còn các kẻ thù của Giáo hội thì rất tức giận trước thành công của ngài.

Thánh Phiđelis Simarigen thừa nhận rằng cuộc sống của ngài thật nguy hiểm nhưng thánh nhân vẫn cứ tiếp tục rao giảng. Một ngày kia, đang lúc giảng tới phần giữa của bài giảng, người ta đã bắn một phát súng vào Phiđelis nhưng viên đạn đã bay trượt đi. Cha Phiđelis biết rằng mình phải lập tức rời bỏ thị trấn; và ngài đã lên đường. Nhưng đang khi đi dọc theo lộ trình đến thị trấn bên cạnh thì một nhóm người hung ác giận dữ đã xông ra cản đường cha Phiđelis. Họ ra lệnh cho cha phải bỏ đạo Công giáo. Nhưng thánh Phiđelis Simarigen thẳng thắn trả lời họ rằng: “Tôi sẽ không chối bỏ đạo Công giáo!” Họ liền bất ngờ xông vào đánh cha Phiđelis Simarigen bằng những chiếc dùi cui và những dụng cụ thô bạo của họ.

Vị linh mục mình đầy thương tích cố gắng chỗi dậy, quỳ gối và nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con! Lạy Thánh Nữ Maria là Mẹ con, xin hãy giúp con!” Bọn họ lại đánh thánh nhân cho tới khi biết chắc là ngài đã chết.

Cha Phiđelis Simarigen đã tử vì đạo năm 1622, lúc được bốn mươi bốn tuổi. Năm 1746, đức thánh cha Bênêđictô XIV đã tôn phong cha Phiđelis Simarigen lên bậc hiển thánh.

Thật là một vinh dự lớn lao khi có thể giúp đỡ người ta trở về với Đức Chúa Giêsu và với Giáo hội của Người. Chúng ta hãy cố gắng trở nên những môn đệ đích thực, được thể hiện qua lời cầu nguyện, gương sáng và những lời nói tốt.





“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 4 days ago #62534


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 23 Tháng 4:
THÁNH GEORGE

StGeorge_0423.jpg


Những bức ảnh về thánh George thường hay mô tả ngài đang giết chết một con mãng xà để cứu lấy một cô nương xinh đẹp. Con mãng xà ám chỉ tội lỗi xấu xa. Cô nương xinh đẹp tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George đang giết chết con mãng xà bởi vì ngài đã chiến thắng trong trận chiến đấu chống lại sự dữ.

Chúng ta không được biết nhiều chi tiết về cuộc đời của thánh George ngoài sự kiện ngài là vị thánh tử đạo. George là một binh sĩ trong đội quân của Điôclêsiô, một quân vương ngoại giáo. Điôclêsiô là kẻ thù rất ác độc của các Kitô hữu. Thật sự, ông đã giết chết mọi Kitô hữu ông gặp thấy.

Người ta cho rằng thánh George là một trong những binh sĩ được Điôclêsiô yêu mến. Khi trở thành Kitô hữu, George đã tiến đến trước mặt vua và la rầy vua vì lối sống quá độc ác của ông. Rồi George rời bỏ chức vụ trong quân đội Rôma. Thánh George đã phải trả một giá rất cao cho lòng dũng cảm của mình. George bị tra tấn cách dã man và sau đó bị xử trảm.

Tấm gương gan dạ và vui vẻ trong việc tuyên xưng đức tin của thánh George đã làm cho mọi người cảm thấy được vững lòng can đảm khi nghe biết việc này. Người ta đã sáng tác nhiều nhạc phẩm và thơ ca dành cho vị thánh tử đạo này. Đặc biệt các binh sĩ đã luôn luôn sùng kính ngài. Năm 1222, George được tôn nhận làm thánh quan thầy của nước Anh.

Thánh George bị xử tử ở Lyda, Palestina vào khoảng năm 303.

Hết thảy chúng ta đều có một vài “con mãng xà” mà chúng ta cần phải đánh bại. Có thể là tính ích kỷ hay nóng giận. Có thể là sự lười biếng hoặc tham lam, hoặc một thói xấu nào đó. Chúng ta hãy nài xin thánh George giúp chúng ta chiến đấu chống lại những “con mãng xà” này. Thánh nhân sẽ trợ giúp nếu chúng ta cầu xin ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 7 years 4 days ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 5 days ago #62533


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 22 Tháng 4:
THÁNH ADALBERT Ở PRAGUE, Giám Mục (956-997)

StAdalbertOfPrague_0422.jpg


Thánh Adalbert là vị thánh được tôn kính nhiều ở Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Đức quốc.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Bohemia, được học với thánh Adalbert Magdeburg. Lúc 27 tuổi, ngài được chọn làm giám mục gióa phận Prague.

Những người phản đối việc cải cách giáo sĩ (clerical reform) đã bắt ngài đi đày 8 năm sau đó.

Rồi giáo dân Prague yêu cầu ngài trở lại với cương vị giám mục. Tuy nhiên, không lâu sau ngài lại bị đi đày sau khi dứt phép thông công (excommunicate) những người vi phạm quyền nơi tôn nghiêm khi họ lôi một phụ nữ bị kết tội ngoại tình ra khỏi nhà thờ và giết phụ nữ này.

Sau một thời gian ngắn làm mục vụ ở Hungary, ngài đi rao giảng Tin Mừng cho những người sống ở gần Biển Baltic. Ngài và hai người bạn chịu tử đạo vì các tư tế ngoại giáo (pagan priests) trong vùng đó.

Thi hài thánh Adalbert được chuộc lại và được an táng ở nhà thờ Gniezno (Ba Lan). Giữa thế kỷ 11, hài cốt ngài được chuyển tới nhà thờ thánh Vitus ở Prague.




“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 6 days ago #62530


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 21 Tháng 4:
THÁNH ANSELMÔ (ST. ANSELM 1033 — April 21, 1109)

StAnselm_0421.jpg


Thánh Anselmô được sinh tại miền bắc nước Ý vào năm 1033. Từ ngôi nhà của mình, Anselmô có thể xem thấy những dãy núi Alpơ. Khi lên mười lăm tuổi, Anselmô cố gắng hết sức để xin gia nhập tu viện ở Ý. Nhưng thân phụ của Anselmô ngăn cản việc đó. Thế rồi Anselmô ngã bệnh. Sau khi Anselmô được khỏi bệnh ít lâu thì thân mẫu qua đời. Anselmô vẫn còn rất trẻ, giàu có và thông minh. Chẳng mấy chốc, Anselmô đã quên đi việc muốn phục vụ Thiên Chúa. Anselmô chỉ lo nghĩ đến chuyện vui chơi và hưởng thụ.

Dù vậy, sau một thời gian, Anselmô bắt đầu cảm thấy chán ngán lối sống này. Anselmô mong muốn làm một điều gì đó hữu ích hơn, cao đẹp hơn. Anselmô đến nước Pháp viếng thăm đức đan viện phụ thánh thiện Lanphrăng của đan viện danh tiếng miền Béc. Anselmô trở nên người bạn rất thân của Lanphrăng và đức đan viện phụ đã đem Anselmô đến với Thiên Chúa. Ngài cũng giúp Anselmô cách thức trở nên một đan sĩ dòng Bênêđictô. Anselmô lúc ấy được hai mươi bảy tuổi.

Thánh Anselmô là người nhiệt tâm tốt bụng luôn yêu mến quý trọng các anh em đan sĩ. Cả những đan sĩ trước kia cảm thấy bực tức với Anselmô chẳng bao lâu cũng trở nên bạn hữu thân tín với ngài. Năm 1078, Anselmô được chọn làm đan viện phụ. Khi phải rời Béc để lĩnh chức tổng giám mục miền Cantơbơry bên nước Anh, Anselmô đã nói với các đan sĩ rằng họ vẫn luôn luôn sống mãi trong trái tim của ngài.

Dân Anh yêu mến và quý trọng Anselmô. Tuy thế, vua William II lại bách hại ngài. Thánh Anselmô phải chịu lưu đày biệt xứ vào những năm 1097 và 1103. Thậm chí William II còn ngăn cấm Anselmô không được đến Rôma xin ý kiến của đức thánh cha. Nhưng dẫu sao chăng nữa Anselmô cũng đã đi. Anselmô lưu lại với đức thánh cha cho tới khi nhà vua qua đời. Sau đó, Anselmô trở về giáo phận của ngài ở nước Anh.

Dù phải bận rộn với trăm công nghìn việc, thánh Anselmô vẫn luôn luôn kiếm giờ để viết nhiều sách triết học và thần học quan trọng. Thánh nhân cũng ghi lại nhiều lời huấn thị về Thiên Chúa rất có giá trị mà ngài đã chia sẻ cho các anh em đan sĩ. Họ rất sung sướng về việc này. Anselmô thường nói: “Bạn có muốn biết bí quyết để sống hạnh phúc trong đan viện không? Hãy lãng quên thế gian và hãy sung sướng để quên nó. Đan viện là một thiên đàng thực sự trên trái đất này đối với những ai chỉ sống cho một mình Đức Chúa Giêsu.” Thánh Anselmô qua đời ngày 21 thánh Tư năm 1109. Năm 1720, ngài được đức thánh cha Clêmentê XI tôn phong làm thầy dạy lỗi lạc của Giáo hội hay còn gọi là Tiến sĩ Hội Thánh.

Chẳng có gì là sai lầm hoặc không hợp với đạo đức khi hoan hưởng những niềm vui thanh cao và thiện hảo. Dù vậy, điều chúng ta phải ghi nhớ là tất cả mọi thứ vui thú trên thế gian này sẽ không làm cho chúng ta được hạnh phúc. Chúng ta chỉ được hạnh phúc thực sự khi chúng ta biết dùng thời giờ làm những việc hữu ích cho Thiên Chúa và tha nhân.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012