Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 2 weeks ago #62480


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 10 Tháng 4:
THÁNH MAGDALENE THÀNH CONOSSA (1774-1835)

StMagdalenOfCanossa_0410.jpg


Thánh Magdalen Thành Canossa là Vị sáng lập Dòng Nữ tử Bác ái, cũng được gọi là Dòng Bác Ái Canossian. Chị được sinh ra trong một gia đình giàu có. Năm lên 15 tuổi, Chị ước muốn trở thành một nữ tu sau khi được cứu sống từ căn bệnh hiểm nghèo.

Chị gia nhập Dòng Carmelite trong một thời gian ngắn, nhưng thấy không thích hợp cho ơn gọi của Chị. Chị thao thức giúp người đau bênh, người nghèo, và những em gái bị bỏ rơi.

Năm 1802, Chị mở một nơi nương tựa và lớp học tại nhà của chị. Năm 1808, Chị được phép xử dụng những tòa nhà không dùng đến của Đan viện Augustin và sắp xếp thành một trường học. Trường học đó tiến triển tốt đẹp. Chị lại mở thêm một ngôi trường thứ hai ở Venice.

Năm 1812, Chị đưa ra một bản luật cho Dòng mới của Chị. Nhiều nhà khác được mở ra trong các thành phố ở Ý.

Chị qua đời ở Verona ngày 10 tháng 4 năm 1835 và được phong thánh năm 1988 do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 2 weeks ago #62470


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 09 Tháng 4:
THÁNH WALTRUĐI (ST. WALDETRUDIS)

StWaldertrudis_0409.jpg


Thánh nữ Waltruđi sinh ở nước Bỉ vào thế kỷ thứ bảy. Thân phụ, thân mẫu và người em gái của Waltruđi, tất cả đều đã được phong thánh! Waltruđi là một cô gái xinh đẹp. Thánh nữ cũng tìm được cách để khai trí người khác ngay cả khi ngài được vui vẻ hạnh phúc. Nhiều chàng thanh niên đã muốn kết hôn với Waltruđi. Vào thời ấy, cha mẹ thường chọn chồng cho các con gái của họ. Song thân của Waltruđi đã chọn cho Waltruđi bá tước Mađelga làm chồng. Họ chẳng thể chọn người nào tốt hơn được nữa vì bá tước sau này cũng trở nên một vị thánh! Ngài chính là thánh Vinhsơn Mađelga. Hai vợ chồng sinh được bốn người con. Thật không thể tin được! Tất cả đều được Giáo hội Công giáo tôn phong hiển thánh!

Thánh nữ Waltruđi thật sung sướng hạnh phúc vì được Thiên Chúa ban cho một gia đình đặc biệt như vậy. Nhưng trong suốt cuộc đời, Waltruđi cũng đã phải chịu rất nhiều đau khổ. Các bà ghen tị đã loan truyền những truyện kinh tởm xấu xa về thánh nữ. Các bà chẳng có lòng thật thà và quảng đại như Waltruđi. Họ không muốn thiên hạ nghĩ rằng Waltruđi tốt lành hơn họ. Vì vậy, họ nói là Waltruđi cầu nguyện và làm những việc bác ái là chỉ cốt để che giấu đi những tội lỗi thầm kín của ngài. Dĩ nhiên, đó là những lời dối trá! Nhưng thánh nữ đã không tự biện minh cho mình. Waltruđi nghĩ về cách thức Đức Chúa Giêsu đã chịu đau khổ trên Thánh Giá và, như Chúa, Waltruđi cũng đã tha thứ cho các kẻ thù của ngài.

Sau khi sinh hạ người con cuối cùng được một thời gian, thánh Vinhsơn Mađelga thổ lộ là ngài rất muốn trở nên một tu sĩ. Thật ra, Vinhsơn mong ước được sống phần đời còn lại của ngài trong chốn viện tu. Người vợ hiểu biết tâm ý của chồng và đã chấp thuận cho chồng đi tu. Thánh Vinhsơn Mađelga đoan chắc là gia đình ngài đã được lo liệu đầy đủ rồi. Hai người thương nhớ nhau nhiều lắm! Nhưng Waltruđi không giữ chồng ở lại. Ngài dâng sự hy sinh cho Thiên Chúa.

Hai năm sau, thánh nữ Waltruđi cũng quyết định đi tu. Ngài đã sống một cuộc đời rất hy sinh và quảng đại với những người nghèo khổ. Người ta đến xin Waltruđi những lời khuyên bảo về đàng thiêng liêng; và vài người cho biết là họ đã được mãn nguyện. Thánh nữ Waltruđi mất năm 688. Sau khi thánh nữ qua đời, nhiều người đến cầu nguyện nơi ngôi mộ của ngài tuyên bố là đã được khỏi bệnh cách lạ thường.

Vị thánh này giúp chúng ta nhận biết rằng cuộc đời của chúng ta có nhiều điều tốt đẹp. Chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân ấy. Nhưng đôi khi cũng có những chuyện hơi buồn. Chúng ta hãy cầu nguyện để có can đảm hành động như Đức Chúa Giêsu trong những tình cảnh ấy.




“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 2 weeks ago #62467


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 08 Tháng 4:
THÁNH GIULIÊ BILLIA (ST. JULIE BILLIART)

StJulieBilliart_0408.jpg


Thánh nữ Maria Rôsa Giuliê Bilia sinh tại nước Bỉ vào năm 1751. Người cậu của Giuliê là giáo viên trường làng đã dạy thánh nữ Giuliê tập đọc và tập viết. Giuliê đặc biệt ham thích môn giáo lý. Thực ra mới vừa bảy tuổi, Giuliê đã cắt nghĩa đức tin cho các trẻ em khác. Vì gia cảnh nghèo túng nên Giuliê phải vất vả làm việc để phụ giúp gia đình. Có khi Giuliê đã cùng cha mẹ thu hoạch các vụ mùa, nhưng Giuliê luôn luôn tìm giờ để cầu nguyện, thăm viếng những người đau ốm và dạy giáo lý.

Giuliê đã ngã bệnh rất nặng và hoàn toàn bị liệt đang khi còn rất trẻ. Dù cho không được khích lệ, thánh Giuliê cũng dâng những kinh nguyện của mình để cầu cho nhiều người tìm gặp được hạnh phúc vĩnh cửu trong Thiên Chúa. Thánh nữ đã kết hợp với Thiên Chúa hơn bao giờ hết và tiếp tục giảng dạy giáo lý ngay trên giường bệnh. Giuliê là một người sống rất tu đức. Người ta đến xin Giuliê khuyên bảo vì thánh nữ chỉ cho họ biết cách sống kết hợp mật thiết với Đức Chúa Giêsu và yêu mến đức tin Công giáo hơn. Giuliê khuyến khích mọi người năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Lòng yêu mến Thiên Chúa của Giuliê đã gợi hứng cho nhiều thiếu nữ khác. Họ sẵn lòng dùng thời giờ và tiền bạc của họ vào những công việc tốt. Cùng với Giuliê, người lãnh đạo của họ, họ đã thành lập hội dòng Nữ Tử Đức Bà Namu.

Lần kia, có một linh mục đến giảng tuần đại phúc trong thị trấn nơi Giuliê cư ngụ. Vị linh mục xin Giuliê hợp ý với ngài làm một tuần cửu nhật mà không cho Giuliê biết rõ lý do. Sau năm ngày, đến ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngài nói: “Thưa Mẹ, nếu Mẹ có đức tin, hãy tiến lên một bước để tỏ lòng tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu!” Mẹ Giuliê, người bị bại liệt suốt hai mươi hai năm trời, đã đứng dậy và liền được chữa lành!

Thánh nữ Giuliê đã dùng phần đời còn lại của mình huấn luyện chị em thành các nữ tu. Thánh nữ đã trông coi hội dòng của ngài. Giuliê phải chịu nhiều đau khổ bởi những người không hiểu biết sứ mệnh của ngài; nhưng Giuliê luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Những lời mà thánh nữ Giuliê ưa thích là: “Thiên Chúa tốt lành thật nhân hậu biết bao!” Đức Chúa Giêsu đã quả quyết với Giuliê rằng một ngày kia hội dòng của thánh nữ sẽ rất bành trướng và phát triển. Và điều đó đã trở thành hiện thực. Dù cho thánh nữ Giuliê mất ngày mùng 8 tháng Tư năm 1816, thì ngày nay đã có nhiều nữ tu của thánh nữ vẫn đang hoạt động trên khắp thế giới. Mẹ Giuliê được đức thánh cha Phaolô VI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1969.

Khi có điều gì đó làm chúng ta băn khoăn lo lắng như một bài kiểm tra ở trường hoặc những chuyện phiền toái ở nhà, chúng ta hãy năng đọc: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!




“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 2 weeks ago #62466

Thánh Phao lô Lê Bảo Tịnh - Linh mục tử đạo

ThnhLBTinh.PNG


Thánh Phao lô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1792 tại Trinh Hà, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình đạo hạnh. Năm 12 tuổi ngài từ giã gia đình cha mẹ lên đừơng dâng mình cho Chúa trong chủng viện Vĩnh Trị.

Khi lên đại chủng viện, ngài quyết định vào rừng ẩn tu, vì thế ngài vào tu trong rừng Bạch Bát thuộc tỉnh Thanh Hóa, đêm ngày cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Nhưng sau một năm, Đức Giám Mục địa phận nhắn tin yêu cầu ngài trở về chủng viện. Ngài đã vâng lời trở về tiếp tục việc học. Sau đó ngài được bề trên tính nhiệm gửi đi Macao hai lần để lãnh đồ đạc và tiền bạc lo việc truyền giáo trong địa phận. Ngài nhận bài sai đến truyền giáo ở Ai Lao, nhưng ít lâu sau ngài lại trở về dạy tân tòng ở miền quê tỉnh Ha Nam. Và cuối cùng ngài bị bắt giải về Hà Nội năm 1841. Trong cảnh tù tội, dù bị tra tấn lăng nhục nhưng ngài vẫn một lòng trung thành với Chúa.

Sau 7 năm bị giam ở Hà Nội, ngài bị đi đầy Phú Yên và năm sau được phóng thích trở về Vĩnh Trị. Năm 1848 ngài vâng lời Đức Giám Mục địa phận để tiến lên nhận chức linh mục khi đã được 56 tuổi.

Cha Lê Bảo Tịnh được đặt làm giám đốc chủng viện Vĩnh Trị. Trong chức vụ mới, ngài đã đem hết tâm lực để phụng sự Chúa và tha nhân, đặc biệt là đối với những người nghèo khổ, ốm đau.

Ngày 27-2-1857 ngài bị bắt lần thứ hai dưới triều Tự Đức. Sau nhiều lần tra hỏi thấy linh mục Lê Bảo Tịnh cương quyết không bỏ đạo, nhà vua đã ra lệnh xử trảm quyết. Ngày 6 tháng 4 năm 1857, cha Phao lô Lê Bảo Tịnh đã hiên ngang lãnh nhận cái chết của một đấng anh hùng tử đạo tạo pháp trường Bảy Mẫu thuộc tỉnh Nam Định.

Ngày 2 tháng 5 năm 1909 Đức Giáo Hoàng Piô X đã long trọng tôn phong cha phong cha lên bậc chân phước. Và ngày 14 tháng 6 năm 1988 Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã tôn phong cha lên bậc hiển thánh.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho giáo hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng , hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái trên quê hương yêu dấu của chúng con.

Xin Chúa ban cho chúng con can đảm hy sinh làm việc bác ái thông hiệp vào sự thương khó của Chúa, theo gương thánh Phao lô Lê Bảo Tịnh linh mục tử đạo trung thành với Chúa.
Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Bác Phan T. Thái.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 2 weeks ago #62462


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 7 Tháng 4:
THÁNH GIOAN BAOTIXITA LA SALLE

StJohnBaptistDeLaSalle_0407.jpg


Thánh Gioan Baotixita La Salle sinh tại thành Reims nước Pháp, vào ngày 30 tháng Tư năm 1651. Cha mẹ Gioan xuất thân từ dòng dõi quý tộc. Tuy Gioan là người quý phái lịch lãm nhưng ngài cũng thật là một cậu bé sốt sắng đạo hạnh. Gioan yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội. Lúc Gioan đang theo học làm linh mục thì song thân qua đời. Vì thế, Gioan phải rời bỏ chủng viện để về nhà trông coi các em, nhưng Gioan vẫn tiếp tục nghiên cứu học tập đang khi dạy dỗ và huấn luyện chúng. Các em trai của Gioan đã trở nên những người tốt lành. Khi việc học của chúng hoàn tất, Gioan Baotixita La Salle cũng được thụ phong linh mục.

Lúc ấy, chỉ có các người quý tộc như gia đình của cha Gioan La Salle mới có cơ hội được học hành, còn những người dân thường thì vẫn phải sống cảnh nghèo đói ngu dốt. Họ chẳng có cơ hội nào để đến trường! Thánh Gioan Baotixita La Salle cảm thấy rất buồn cho những trẻ em con nhà nghèo. Thánh nhân quyết định phải làm một điều gì đó trước tình cảnh này. Thế rồi, cha Gioan La Salle bắt đầu mở các trường học dành cho chúng. Để có thêm các giáo viên, cha đã lập một hội dòng mới, là dòng Anh Em Sư Huynh Các Trường Kitô Giáo. Ngoài việc đích thân dạy dỗ bọn trẻ, cha La Salle dùng thời giờ còn lại để huấn luyện và đào tạo các anh em dòng. Ngài viết cho họ một quy luật sống và một cuốn sách trình bày về cách thức huấn luyện rất tuyệt hảo. Cha Gioan La Salle là một trong các nhà giáo dục nổi danh nhất của mọi thời đại. Ngài tin tưởng vào việc huấn luyện bằng chính ngôn ngữ của họ chứ không phải bằng tiếng Latinh như những người khác đã làm. Cha tập họp các học sinh lại thành các lớp. Cha nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thinh lặng khi có giáo viên đang giảng bài.

Một thời gian sau, các anh em dòng mở thêm các trường học. Họ dạy dỗ các trẻ nam của những dân lao động cũng như của những người quý tộc. Nhiều vấn đề khó khăn đang xảy đến với hội dòng mới. Nhưng lời nguyện cầu bền bỉ trung thành và những hy sinh của thánh Gioan La Salle đã khiến Thiên Chúa chúc lành cho công việc. Hội dòng vẫn tiếp tục phát triển và lan rộng.

Sức khỏe của cha La Salle không được tốt lắm. Chứng bệnh hen suyễn và viêm khớp đã làm cho ngài phải đau đớn triền miên. Dầu vậy, Gioan La Salle vẫn không bao giờ cho phép mình chấp nhận một lối sống thoải mái. Cha Gioan La Salle qua đời vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, nhằm ngày mùng 7 tháng Tư năm 1719, thọ sáu mươi tám tuổi. Năm 1900, đức thánh cha Lêô XIII tôn phong cha Gioan Baotixita La Salle lên bậc hiển thánh. Đến năm 1950, đức thánh cha Piô XII đã đặt Gioan La Salle làm thánh quan thầy của các nhà giáo dục.

Thánh Gioan Baotixita La Salle và hội dòng của ngài dạy cho chúng ta biết tầm quan trọng của việc giáo dục. Chúng ta có biết tận dụng những cơ hội để học hành không? Chăm học ở lớp? Làm bài ở nhà?… Khi cảm thấy không thích học, chúng ta hãy thầm thĩ một lời cầu nguyện xin thánh Gioan Baotixita La Salle trợ giúp.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 2 weeks ago #62457


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 06 Tháng 4:
THÁNH CRESCENTIA HOESS (1682-1744)

StCrescentiaHoess_0406.jpg


Crescentia sinh trong một thành phố nhỏ gần Augsburg, là con gái của một người thợ dệt nghèo nàn. Khi còn nhỏ, thời giờ để chơi đùa cô đã dùng để cầu nguyện, giúp đỡ những người nghèo hơn mình, và cô hiểu biết về giáo lý nhiều đến độ được phép Rước Lễ lần đầu vào lúc bảy tuổi, sớm hơn những người cùng tuổi. Mọi người trong phố gọi cô là "thiên thần nhỏ."

Khi lớn lên, cô khao khát được gia nhập dòng Phanxicô. Nhưng tu viện thì nghèo và, Crescentia không có của hồi môn, nên các bề trên đã từ chối không nhận. Sau đó, trường hợp của cô được ông thị trưởng thành phố là một người Tin Lành can thiệp, vì nhà dòng có nặng ơn nghĩa với ông. Cả nhà dòng cảm thấy như bị ép buộc phải chấp nhận cô, bởi đó đời sống trong tu viện của cô thật khốn khổ. Cô bị coi là một gánh nặng và không được làm gì khác hơn là các công việc của người đầy tớ. Ngay cả tính tình vui vẻ của cô cũng bị cho là bợ đỡ hoặc đạo đức giả.

Bốn năm sau, tình trạng của Sơ Crescentia khá hơn khi bà bề trên mới nhận ra các nhân đức của sơ. Và Sơ Crescentia được bổ nhiệm là giám đốc đệ tử. Sơ được mọi người yêu mến và quý trọng đến nỗi, sau khi mẹ bề trên từ trần, Sơ Crescentia được mọi người tín nhiệm trong chức vụ ấy.

Dưới sự dẫn dắt của Sơ Crescentia, tình trạng kinh tế nhà dòng khấm khá hơn, và tinh thần đạo đức của Sơ Crescentia ngày càng lan rộng. Không bao lâu, Sơ Crescentia được các hoàng thân công chúa cũng như giám mục và hồng y đến xin ý kiến. Tuy nhiên, là một người con đích thực của Thánh Phanxicô, Sơ Crescentia vẫn hết mực khiêm tốn.

Tinh thần Sơ Crescentia thì vững mạnh nhưng thể xác của ngài thường đau yếu luôn. Sơ thường xuyên bị đau đầu và đau răng. Sau đó sơ không thể đi lại được, chân tay từ từ tê liệt, co quắp lại. Mặc dù đau đớn, sơ vẫn tràn đầy bình an và niềm vui khi sơ từ trần vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1744.

Sơ được phong chân phước năm 1900 và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô tôn phong hiển thánh năm 2001.

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 33, Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco)

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 3 weeks ago #62450


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 05 Tháng 4:
THÁNH VINHSƠN PHÊRIÊ (ST. VINCENT FERRER)

StVincentFerrer_0405.jpg


Thánh Vinhsơn Phêriê là một anh tài xuất chúng của Kitô giáo. Ngài được sinh tại thành Valenxia, nước Tây Ban Nha vào năm 1350. Vinhsơn Phêriê có lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân rất lấy làm sung sướng khi nghe ai đó nói về Đức Mẹ. Khi lên mười bảy tuổi, Vinhsơn Phêriê vào tu dòng thánh Đa Minh. Vinhsơn Phêriê rất thông minh sáng trí và hết sức tấn tới trong việc học hành. Vinhsơn Phêriê cũng rất bảnh trai nhưng ngài không lấy làm hãnh diện hoặc khoe khoang về điều ấy bao giờ.

Thoạt đầu, cha Vinhsơn Phêriê giảng dạy ở các trường đại học. Rồi cha trở thành một nhà thuyết giáo danh tiếng. Các tu sĩ dòng Đa Minh được gọi là các tu sĩ dòng Anh Em Thuyết Giáo. Suốt hai mươi năm trời, cha Vinhsơn Phêriê giảng dạy trên khắp hai nước Tây Ban Nha và Pháp. Người ta vẫn có thể nghe được giọng nói của cha từ đàng xa dù thời đó chưa có micrô. Nhiều người vừa nghe cha Vinhsơn Phêriê thuyết giảng đã được ơn cải tà quy chính. Ngay đến Phaolô Bugô, một luật sĩ Dothái giáo danh tiếng, cũng trở nên một tín hữu Công giáo. Sau này, Bugô làm linh mục và giám mục thành Catagiêna, nước Tây Ban Nha.

Những bài giảng thuyết và gương sáng đời sống thánh thiện của Vinhsơn Phêriê đã gây ấn tượng sâu xa đối với nhiều Kitô hữu đến nỗi họ trở nên nhiệt thành hơn. Các tín hữu Công giáo chưa thường xuyên thực hành đức tin của mình cũng được ơn biến đổi. Họ sống nhiệt tâm hơn với quãng đời còn lại của họ.

Thánh Vinhsơn Phêriê tin cậy vào Thiên Chúa. Thánh nhân cũng hay xin những lời cầu nguyện và sám hối hy sinh của nhiều người cho các bài giảng của ngài được sinh hoa kết quả. Vinhsơn Phêriê biết rõ không phải do những lời nói hoa mỹ hay các tài khéo của mình mà thu phục được lòng người ta. Đó là lý do tại sao Vinhsơn Phêriê đã sốt sắng cầu nguyện trước mỗi bài giảng. Tuy nhiên người ta nói rằng một lần kia, khi biết được có một nhân vật rất uy thế đến nghe thuyết giảng, cha Vinhsơn Phêriê đã chuẩn bị chu đáo hơn thường lệ cho bài giảng của ngài mà đã không dùng thời giờ để cầu nguyện. Vì vậy, bài giảng mà Vinhsơn đã soạn thảo kỹ lưỡng lại không gây ảnh hưởng bao nhiêu. Thiên Chúa cho phép điều này xảy ra nhằm dạy cho Vinhsơn không được tin cậy vào tài sức riêng mình. Lần khác, cũng nhân vật quan trọng trên đến nghe cha Vinhsơn thuyết giảng. Nhưng lần này vị linh mục không hay biết điều ấy. Như thường lệ, Vinhsơn Phêriê cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa. Người quý tộc chăm chú lắng nghe bài giảng và rất xúc động bởi những điều thánh nhân nói. Khi người ta kể cho cha Vinhsơn Phêriê biết điều này, ngài nói: “Trong bài giảng trước, chính Vinhsơn Phêriê là người giảng, còn ở bài giảng sau thì chính Đức Chúa Giêsu là Vị thuyết giảng!”

Vinhsơn Phêriê qua đời năm 1419. Đến năm 1455, ngài được đức thánh cha Nicôla V tôn phong hiển thánh.

Chúng ta đừng bao giờ khoe khoang về những điểm hay tốt của mình hoặc bất cứ thành công nào xảy đến trong đời sống chúng ta. Thiên Chúa vẫn tiếp tục nâng đỡ hết thảy cuộc đời chúng ta nếu chúng ta biết tín thác nơi Người. Chúng ta hãy nài xin thánh Vinhsơn Phêriê giúp chúng ta hiểu được điều này.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 3 weeks ago #62446


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 04 Tháng 4:
THÁNH ISIĐÔRÔ (ISIDORE) SERVILLE (ST. ISIDORE OF SEVILLE)

IMG_1410.JPG


Vị thánh này được sinh vào năm 556. Hai người anh trai của Isiđôrô, Linđơ và Fulgensiô là những giám mục và là những vị thánh. Cô em gái của Isiđôrô là nữ tu Florentina cũng là thánh.

Gia đình của Isiđôrô có lẽ gốc Rôma. Isiđôrô làm giám mục thành Seville, nước Tây Ban Nha. Đây chính là nơi thánh nhân đã tạo một ấn tượng đáng chú ý cho Giáo hội vào thời đại của ngài. Isiđôrô giữ chức giám mục thành Seville suốt ba mươi bảy năm. Trong thời gian ấy, Isiđôrô tiếp tục công việc của vị giám mục tiền nhiệm là thánh Linđơ, người anh trai của Isiđôrô. Cả hai anh em cùng chịu trách nhiệm trong việc hoán cải những người Visigo trở về với Giáo hội Công giáo.

Từ thuở thơ ấu, Isiđôrô đã được hấp thụ một nền học vấn rất xuất sắc. Các anh của Isiđôrô đoan chắc điều đó. Isiđôrô được chính anh Linđơ giám sát việc học. Cậu nhỏ Isiđôrô lúc ấy tưởng rằng Linđơ là người hà khắc bủn xỉn nhất trên đời. Vì hết thảy mọi việc anh làm là bắt ép cậu bé học bài. Nhưng rồi một ngày kia, Isiđôrô hiểu rằng anh Linđơ thực là một ân nhân đặc biệt. Anh dạy Isiđôrô rằng chúng ta có thể làm được nhiều việc hữu ích cho Giáo hội của Đức Chúa Giêsu nếu chúng ta cố gắng học hành nghiêm túc. Isiđôrô sống trước Công đồng Trentê, là Công đồng đã khai mở những chủng viện đào tạo các linh mục. Isiđôrô nghĩ rằng mỗi địa phận nên có một chủng viện và một trường Công giáo để tăng cường việc học tập. Cả hai ước mơ đó đều biến thành sự thật khi các đại học Công giáo danh tiếng cũng như các chủng viện sau này được thiết lập.

Thánh Isiđôrô Seville cũng là một nhà tổ chức có tài. Thánh nhân được mời điều khiển hai cuộc hội nghị quan trọng của Giáo hội gọi là các Công đồng. Lần thứ nhất tại Seville, Tây Ban Nha, vào năm 619; và lần nữa ở Tôlêđô, Tây Ban Nha năm 633. Các Công đồng này đã giúp Giáo hội hợp nhất với nhau hơn. Isiđôrô Seville cũng viết nhiều sách vở. Ngài viết về những người nam và những người nữ anh thư trong Kinh Thánh. Isidôrô Seville còn viết cả một cuốn từ điển nữa.

Giám mục Isiđôrô rất dễ tiếp xúc với giáo dân của ngài. Những người nghèo khó thành Seville biết rõ nơi đâu họ sẽ tìm được sự an ủi giúp đỡ. Mỗi ngày đều có một đoàn người đứng xếp thành hàng dài và cả ngày trước cửa nhà của đức giám mục. Isiđôrô cũng chuyên chăm cầu nguyện và sống hy sinh hãm mình. Ngài thực là một giám mục thánh thiện và giàu lòng bác ái. Isiđôrô Seville qua đời năm 636. Đến năm 1722, thánh Isiđôrô Seville được đức thánh cha Innôcentê XIII tôn phong làm Tiến sĩ Hội Thánh.

Thánh Isiđôrô Seville nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa ban cho mỗi người có một tâm trí. Đó là ân huệ mà chúng ta cần sử dụng cùng với sự đào luyện chuyên chăm. Chúng ta hãy nài xin thánh Isiđôrô Seville giúp chúng ta biết dùng tâm trí mình vào những việc hữu ích.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 3 weeks ago #62442


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 03 Tháng 4:
THÁNH BIỂN ĐỨC NGƯỜI PHI CHÂU (1526 - 1589) — ST. BENEDICT THE AFRICAN

StBenedictTheAfrican_0403.jpg


Thánh Biển Ðức giữ một chức vụ quan trọng trong Dòng Phanxicô và khi mãn nhiệm kỳ ngài thật vui vẻ để hòa mình vào một công việc khác.

Cha mẹ ngài là những nô lệ được đem từ Phi Châu sang Messina, Sicily. Ðược tự do vào năm 18 tuổi, Biển Ðức làm công trong một nông trại và không bao lâu ngài đã có đủ tiền để tậu một đôi bò và ngài rất hãnh diện về cặp bò này. Lúc ấy ngài tham gia vào một nhóm ẩn tu sống gần Palermo và sau đó được bầu làm người thủ lãnh. Vì những vị ẩn tu này sống theo Quy Luật của Thánh Phanxicô nên Ðức Giáo Hoàng Piô IV đã ra lệnh họ gia nhập dòng Nhất.

Sau đó Thầy Biển Ðức được giao cho công việc giám đốc đệ tử viện và tiếp đó là bề trên nhà dòng ở Palermo. Ðó là một chức vụ ít khi được giao cho một thầy. Thật vậy, thầy bị ép buộc phải nhận chức bề trên. Và khi mãn nhiệm kỳ, thầy vui vẻ trở về với công việc của một trợ sĩ trong nhà bếp.

Khi làm bề trên, Thầy Biển Ðức khiển trách các tu sĩ với sự khiêm tốn và bác ái. Có lần thầy khiển trách một đệ tử và giao cho việc đền tội nhưng ngay lúc ấy ngài mới biết đệ tử này không có lỗi lầm gì. Ngay lập tức, ngài quỳ xuống và xin người đệ tử này tha lỗi cho mình.

Trong quãng đời còn lại, Thầy Biển Ðức không giữ vật gì làm của riêng cho mình. Ngài không bao giờ gọi đồ vật đó là "của tôi" nhưng luôn luôn gọi là "của chúng ta." Ngài được ơn soi dẫn các linh hồn và do đó, toàn thể Sicily ai ai cũng biết đến sự thánh thiện của ngài. Theo gương Thánh Phanxicô, Thầy Biển Ðức giữ 40 ngày chay tịnh trong suốt một năm; thầy cũng ngủ rất ít, chỉ một vài giờ mỗi đêm.

Sau khi thầy từ trần, vua Philip III của Tây Ban Nha đã cho xây một ngôi mộ thật đặc biệt để kính nhớ người tu sĩ thánh thiện này. Ðược phong thánh năm 1807, Thánh Biển Ðức được đặt làm quan thầy của người Phi Châu ở Mỹ Châu.

Lời Bàn: Trong dòng Phanxicô, chức vụ lãnh đạo thì có giới hạn. Khi mãn nhiệm kỳ, người cựu lãnh đạo đôi khi gặp khó khăn khi phải đảm nhận một chức vụ mới. Giáo Hội cần những người có khả năng để hoạt động trong vai trò lãnh đạo, nhưng họ cũng là người sẵn sàng đảm trách công việc khác khi thời hạn lãnh đạo đã mãn.

Lời Trích: "Ðức Kitô đã nói: 'Tôi không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ' (x. Mt. 20:28 ). Những ai được đặt trên người khác phải coi vinh dự đó cũng như khi họ được giao cho công việc rửa chân anh em. Và khi mất chức vụ lãnh đạo, nếu họ càng bực mình bao nhiêu, so với việc rửa chân, thì họ càng hủy hoại linh hồn mình bấy nhiêu (x. Gioan 12:6)" (Lời Nhắn Nhủ IV của Thánh Phanxicô Assisi).


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco), Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 4 7 years 3 weeks ago #62437


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 02 Tháng 4:
THÁNH PHANXICÔ PAOLA (ST. FRANCIS OF PAOLA)

StFrancisOfPaula_0402.jpg


Thánh Phanxicô được sinh tại Paola, một ngôi làng nhỏ thuộc nước Ý vào khoảng năm 1416. Song thân của Phanxicô rất nghèo nhưng thánh thiện và khiêm tốn. Ông bà đã cầu nguyện cùng thánh Phanxicô thành Assisiô cho đứa con trai của mình. Khi sinh hạ ngài, họ lấy tên thánh Phanxicô mà đặt cho ngài. Cậu nhỏ đi học ở trường của các cha dòng Phanxicô. Ở đó, cậu học môn tập đọc. Khi lên 15 tuổi, được phép của cha mẹ, Phanxicô trẩy đến sống trong một cái hang. Phanxicô muốn làm một ẩn sĩ và muốn dâng hiến đời sống mình phục vụ Thiên Chúa.

Khi lên 20, có những thanh niên khác tìm đến gia nhập với ngài. Sau đó, thánh Phanxicô rời bỏ chiếc hang của ngài. Người dân thành Paola xây cất cho Phanxicô và các môn đệ của ngài một ngôi thánh đường và một tu viện. Phanxicô Paola gọi hội dòng mới của ngài là “Minims.” “Minims” có nghĩa là “những anh em rất hèn mọn.”

Mọi người đều yêu mến thánh Phanxicô Paola. Thánh nhân cầu nguyện cho họ và làm nhiều phép lạ. Phanxicô Paola dạy các môn đệ của mình sống khiêm tốn, quảng đại và thực hành nhiều việc đền tội. Chính bản thân Phanxicô là mẫu gương ngời sáng các nhân đức ngài giảng dạy. Lần kia, có một người đến thăm thánh nhân và buông lời lăng mạ trước mặt ngài. Khi ông ta nói xong, Phanxicô Paola đã làm một cử chỉ hết sức phi thường. Phanxicô Paola lặng lẽ nhặt lên vài cục than nóng đỏ từ lò sưởi và nắm chặt chúng trong tay mình. Nhưng thánh nhân chẳng hề bị bỏng tí nào cả. “Đến đây, hãy sưởi ấm đi!” Phanxicô Paola nói với kẻ tố cáo ngài cách thân thiện. “Anh đang run lạnh và anh cần một chút tình khoan dung bác ái!” Và như một phép lạ, người khách liền thay đổi ý nghĩ về Phanxicô. Từ đó trở đi, ông hết sức ngưỡng mộ khâm phục Phanxicô.

Vua Louis XI của nước Pháp có một lối sống chẳng mấy đạo hạnh. Lúc gần chết, vua cho người đi mời thánh Phanxicô Paola đến. Chỉ tưởng nghĩ đến cái chết thôi cũng đủ làm cho vua khiếp sợ. Vua muốn Phanxicô Paola làm một phép lạ cứu chữa mình. Nhưng thay vào đó, thánh nhân lại ân cần giúp cho con người khiếp hãi này dọn mình thật tốt để được chết lành thánh. Nhà vua mềm lòng. Ông đã chấp nhận thánh ý Thiên Chúa và chết cách an bình trong vòng tay của thánh nhân.

Thánh Phanxicô Paola đã sống một cuộc đời dài lâu trong sự tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa. Thánh nhân qua đời nhân ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1507, hưởng thọ 91 tuổi.

Đôi khi chúng ta có thể bị vây phủ bởi những tiếng nhạc ồn ào, những cuộc trình diễn trên tivi, các loại băng từ và những trò chơi điện tử… làm cho chúng ta cảm thấy rằng mình chỉ sống cho cuộc đời tạm này. Thậm chí chúng ta không dành ra chút thời giờ nào để suy nghĩ về linh hồn bất tử của chúng ta. Chúng ta sẽ thêm được điều gì vào kế hoạch giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa? Thánh lễ hằng ngày? Kinh nguyện ban mai? Lời nguyện ban chiều? Làm những việc lặt vặt trong nhà cách tử tế và vui vẻ? Làm bài và chuẩn bị bài thật tốt? Và việc gì nữa?



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco), Bác Phan T. Thái


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012