Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 9 months ago #62817


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 30 Tháng 6:
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI RÔMA

0630_FirstMartyrsRome.jpg


Những người mà chúng ta mừng kính hôm nay đều có một điểm chung: đó là các ngài đã hy sinh từ bỏ mạng sống mình vì Chúa Kitô. Các ngài được phúc tử vì đạo bởi các ngài là những người đã noi theo lối Đức Chúa Giêsu. Vào năm 64, những vi phạm luật nhân quyền của hoàng đế Nêrô đã vươn tới những chiều kích nằm ngoài sự mô tả. Khi đám cháy bất ngờ phát tỏa trong thành Rôma ngày 16 tháng Bảy, thì người ta đều cho rằng chính hoàng đế là người phải lãnh trách nhiệm. Khi hai phần ba thành phố Rôma bị thiêu rụi, sự căm tức phẫn nộ bắt đầu dâng cao. Nêrô hoảng hồn lo sợ. Ông cần một người đứng mũi chịu sào; và thế là, ông đã đổ tội vụ gây ra hỏa hoạn cho các Kitô hữu.

Taxitô, một sử gia danh tiếng thời ấy, đã ghi nhận rằng các Kitô hữu đã phải chịu những cái chết thật dã man hiểm độc. Một số bị ném cho các thú hoang ăn thịt. Số khác bị trói vào các cột trụ và trở nên những “ngọn đuốc người” thắp sáng các đường phố Rôma. Chúng ta không biết được chính xác tổng số các vị anh hùng là bao nhiêu nhưng chứng từ đời sống và lễ vật của các ngài đã gây một ấn tượng đặc biệt cho mọi người. Cuộc bách hại khủng bố đầu tiên của Nêrô dù là hoàng đế Rôma cũng chẳng kéo dài mãi được. Giáo hội càng bị bách hại thì Giáo hội càng phát triển. Các thánh tử vì đạo đã trả một giá rất đắt để những ai bước theo các ngài sẽ có được cơ hội giữ vững đức tin.

Chúng ta hãy cầu xin các thánh tử đạo tiên khởi Rôma ban cho lòng can đảm để trung thành với những điều Giáo hội truyền dạy. Các thánh tử đạo này cũng nhắc nhớ chúng ta hãy nên nghiêm túc học hỏi về đức tin và đọc các sách vở Công giáo lành mạnh.

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 9 months ago #62815


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 29 Tháng 6:
THÁNH PHÊRÔ & THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

0629_StsPeterAndPaul.jpg


Thánh Phêrô

Thánh Phêrô là một người đánh cá miền Galilêa. Đức Chúa Giêsu đã mời gọi Phêrô bước theo Người. Chúa nói: “Ta sẽ làm cho ngươi trở thành một ngư phủ lưới người!” Thánh Phêrô là người khiêm tốn, đơn sơ và chăm chỉ làm việc. Thánh nhân có tâm hồn quảng đại, tốt bụng và rất yêu mến Đức Chúa Giêsu. Tên của vị tông đồ này là Simon nhưng Đức Chúa Giêsu đổi thành Phêrô, nghĩa là “đá.” “Ngươi là đá,” Đức Chúa Giêsu nói, “và trên đá này Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta!” Thánh Phêrô là thủ lãnh các tông đồ và là giám mục đầu tiên của Rôma.

Khi Đức Chúa Giêsu bị bắt, thánh Phêrô rất hoảng sợ. Lúc đó, thánh nhân đã phạm tội chối Chúa ba lần. Nhưng Phêrô đã ăn năn sám hối cách trọn. Suốt phần đời còn lại, Phêrô đã than khóc vì tội lỗi ấy. Đức Chúa Giêsu đã tha thứ cho Phêrô. Sau khi sống lại, Chúa hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Ta không?” “Lạy Chúa,” Phêrô đáp lại, “Chúa biết mọi sự. Chúa biết con mến Chúa!” Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn Phêrô; và bằng giọng nói dịu dàng, Chúa bảo Phêrô: “Hãy chăn dắt các chiên của Ta! Hãy chăn giữ các chiên mẹ của Ta!” Người nói Phêrô hãy chăm sóc canh giữ Giáo hội của Người vì Người sắp về trời. Đức Chúa Giêsu đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các môn đệ của Chúa.

Cuối cùng, thánh Phêrô đến sống ở Rôma là trung tâm của đế quốc La Mã. Tại đó, thánh nhân đã làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Khi cuộc bách hại các Kitô hữu xảy ra, họ đã nài xin Phêrô rời bỏ Rôma để thoát thân. Người ta nói rằng thánh Phêrô đã thực sự ra đi; nhưng trên đường ngài đã gặp Đức Chúa Giêsu. Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu vậy?” Đức Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm một lần nữa!” Sau đó, Phêrô quay trở lại. Ngài nhận ra rằng thị kiến này có ý cho biết ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết vì Đức Chúa Giêsu. Rồi ít lâu sau, Phêrô đã bị bắt giam và bị kết án tử hình. Bởi vì không phải là công dân Rôma, nên như Đức Chúa Giêsu, Phêrô có thể bị đóng đinh. Lần này, ngài đã không chối Chúa. Lần này, Phêrô đã sẵn sàng chết cho Đức Chúa Giêsu. Thánh Phêrô xin được chịu đóng đinh ngược với cái đầu trút xuống đất, vì Phêrô cảm thấy mình chẳng xứng đáng được chịu đau khổ như Đức Chúa Giêsu. Quân lính Rôma cho đây là chuyện bình thường bởi vì các người nô lệ cũng bị đóng đinh với cùng một thể thức ấy.

Thánh Phêrô chịu tử đạo trên đồi Vatican khoảng năm 67. Vào cuối thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantinô đã xây cất một ngôi thánh đường lớn trên nơi thánh ấy. Các tài liệu khảo cổ xác nhận những sự kiện này.

Ngày nay, đức giám mục Rôma là vị kế nghiệp thánh Phêrô. Chúng ta gọi ngài là đức giáo hoàng, nghĩa là Cha.

Chúng ta hãy học hỏi nơi thánh Phêrô điều này là: khi đặt Đức Chúa Giêsu làm trung tâm của linh hồn và cuộc sống mình, thì mọi chuyện khác sẽ được giải quyết cách dễ dàng êm đẹp.

* * * * *

Thánh Phaolô

Thánh Phaolô, vị tông đồ vĩ đại, là người đã từng bắt bớ các Kitô hữu tiên khởi. Sau đó Phaolô được ơn trở lại. Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Phaolô trở lại hôm 25 tháng Giêng. Lúc thánh nhân trở lại, Đức Chúa Giêsu nói: “Ta sẽ tỏ cho con biết con sẽ phải chịu nhiều đau khổ vì Ta!” Thánh Phaolô yêu mến Đức Chúa Giêsu rất nhiều, nhiều đến nỗi ngài đã trở nên bản sao sống động của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Cả cuộc đời, đặc biệt trong suốt những chuyến đi truyền giáo, thánh Phaolô đã gặp đủ loại khó khăn và nguy hiểm. Thánh nhân bị đánh đòn, ném đá, đắm tàu, bị trôi dạt lênh đênh trên biển cả. Rất nhiều lần thánh Phaolô phải chịu đói, chịu khát và chịu rét.

Nhưng thánh Phaolô luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Thánh nhân không bao giờ thôi việc rao giảng Tin mừng. Ngài nói: “Chính Tình Yêu Đức Chúa Giêsu đã thúc bách tôi!” Để ân thưởng Phaolô, Đức Chúa Giêsu đã ban cho ngài cảm nghiệm thấy niềm vui và an ủi đặc biệt trong những nỗi đau khổ ngài chịu.

Chúng ta đọc thấy những cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy kinh ngạc của thánh Phaolô vì danh Chúa Giêsu trong sách Tông đồ Công vụ của thánh ký Luca, khởi đầu từ chương thứ chín. Nhưng truyện kể của thánh ký Luca kết thúc khi Phaolô đến Rôma. Ngài bị bắt giam, chờ hoàng đế Nêrô xét xử. Một văn gia danh tiếng thuộc Kitô giáo tiên khởi là Téctulianô nói với chúng ta rằng Phaolô được trả tự do sau lần xét xử đầu tiên. Nhưng sau đó ngài lại bị tống ngục. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình. Thánh Phaolô qua đời khoảng năm 67, trong thời kỳ Nêrô khủng bố các Kitô hữu.

Thánh Phaolô tự nhận mình là tông đồ của các dân ngoại. Thánh nhân rao giảng Tin mừng cho những người ngoài Dothái. Việc này đã làm cho thánh Phaolô được biết đến trên khắp thế giới. Cũng nhờ Phaolô mà chúng ta được nhận lãnh đức tin Công giáo.

Đôi khi chúng ta nhận thấy đức tin của mình thật yếu ớt. Chính lúc ấy chúng ta hãy cầu xin với thánh Phaolô. Ngài sẽ giúp chúng ta tin nhận và yêu mến Đức Chúa Giêsu như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 6 years 9 months ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 9 months ago #62813


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 28 Tháng 6:
THÁNH IRÊNÊ

0628_StIrenaeus.jpg


Thánh Irênê là người gốc Hy Lạp, được sinh vào khoảng giữa những năm 120 và 140. Irênê có đặc ân lớn lao là được giáo huấn bởi thánh Pôlycapô, môn đệ thánh Gioan tông đồ. Lần kia, thánh Irênê nói với một người bạn: “Tôi rất cẩn trọng lắng nghe những lời chỉ dạy của thánh Pôlycapô. Tôi không ghi lại những hành động và lời nói của ngài trên giấy tờ nhưng trong tận trái tim tôi!”

Sau khi làm linh mục, thánh Irênê được sai đến thành Lyông, nước Pháp. Chính trong thành phố này, giám mục Pôtiniô đã được phúc tử đạo cùng với rất nhiều vị thánh khác. Lúc đó, thánh Irênê không được tử đạo vì các anh em linh mục của Irênê đã xin ngài chuyển giúp một sứ điệp quan trọng tới đức thánh cha ở Rôma. Trong thơ ấy, họ nói Irênê là một người đầy hăng hái và nhiệt thành đối với đức tin Công giáo.

Khi thánh Irênê trở về để nhận chức giám mục thành Lyông thì cuộc bách hại chấm dứt. Nhưng lại có một hiểm họa khác: đó là lạc thuyết gọi là thuyết Ngộ Đạo. Tà thuyết này đã hấp dẫn thu hút được một số người bởi nó hứa hẹn sẽ cho người ta được biết những mầu nhiệm huyền bí. Thánh Irênê nghiên cứu tất cả giáo thuyết của tà đạo này; và sau đó, thánh nhân đã chỉ ra những điểm sai lầm của nó trong năm cuốn sách. Irênê trình bày cách rất thanh nhã vì ngài muốn đem mọi người trở về với Đức Chúa Giêsu. Tuy thế, đôi chỗ Irênê cũng sử dụng những từ ngữ mạnh nghĩa. Chẳng hạn như ngài nói: “Khi một người vừa theo phái Ngộ Đạo, nó liền lên mặt hãnh diện kiêu căng. Nó có dáng vẻ oai vệ của một chú gà trống tập đi khệnh khạng…” Nhiều người đã đọc sách của thánh Irênê. Sau đó ít lâu, cả lạc thuyết bắt đầu tự phân tán hủy diệt. Thánh Irênê qua đời khoảng năm 202. Nhiều người cho rằng Irênê đã chịu tử vì đạo.

Thánh Irênê luôn luôn ghi nhớ những điều thánh Pôlycapô truyền dạy. Chúng ta cũng có thể tạo cho mình một tập quán biết ơn đối với những người đã dạy bảo chúng ta những điều hay lẽ phải. Chúng ta hãy cố gắng mang những điều đã học ra thực hành. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho những người đã dạy dỗ chúng ta.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 9 months ago #62812


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 27 Tháng 6:
THÁNH XYRILÔ (CYRIL) Ở ALEXANDRIA

0627_StCyrilAlexandria.jpg


Thánh Xyrilô sinh tại Alexandria, nước Ai Cập, vào năm 370. Người cậu của Xyrilô, Thêôphilô, là thượng phụ giáo chủ hay còn gọi là tổng giám mục. Cậu ngài là người có khả năng nhưng tính tình dễ bực tức và đôi lúc cứng cỏi đến bướng bỉnh. Hẳn là người cậu đã không thể biết trước được, cũng như chúng ta, rằng Gioan kim khẩu thời danh một ngày kia sẽ là thánh. Chúng ta mừng lễ kính thánh Gioan kim khẩu ngày 13 tháng Chín. Đức tổng giám mục Thêôphilô có trách nhiệm về việc trục xuất Gioan khỏi xứ sở vào năm 403. Nhưng nhà vua lại đưa vị giám mục danh tiếng trở về tổng giáo phận Constantinôp của ngài. Dường như Xyrilô cũng bị ảnh hưởng bởi thành kiến của người cậu về Gioan; và Xyrilô đã tán thành việc trục xuất Gioan.

Năm 412, khi người cậu qua đời, Xyrilô lên kế vị chức tổng giám mục. Xyrilô có một lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội rất bền chặt. Trong thời buổi rối ren lộn xộn, chính thánh Xyrilô là người can đảm luôn rao giảng những điều Giáo hội truyền dạy. Thánh Xyrilô sống chân thực, cởi mở và giản dị. Thánh nhân không tìm kiếm danh vọng hay địa vị nào. Tuy nhiên, đôi lúc Xyrilô cũng tỏ ra bốc đồng và rất cứng cỏi. Thánh nhân muốn diễn tả những chân lý của Giáo hội qua việc giảng dạy và viết lách của mình; và ngài đã thực hiện. Nhưng khi nóng giận, những điều Xyrilô nói thật không luôn luôn dễ hiểu chút nào. Dĩ nhiên, Xyrilô chẳng quan tâm đến việc nói năng cách dịu dàng nên đôi lúc ngài cũng thốt ra những lời giận dữ.

Điều này đã làm cho Xyrilô cảm thấy sầu khổ. Tuy nhiên, các Kitô hữu biết ơn và vẫn cảm thấy rất dễ chịu vì nhiều đức tính quý báu nơi ngài. Chẳng hạn, Xyrilô đã can đảm đứng ra bảo vệ Giáo hội và các điều Giáo hội truyền dạy phải tin.

Thánh Xyrilô là vị đại diện của đức thánh cha Celestinô I tại Công đồng chung Êphêsô năm 431. Đây là hội nghị Giáo hội chính thức của trên 200 giám mục. Các vị phải suy cứu những giáo huấn của một linh mục tên là Nestôriô. Công đồng cắt nghĩa rõ ràng là Nestôriô đã sai lầm về một số chân lý quan trọng buộc giáo hữu phải tin. Đức thánh cha cho Nestôriô mười ngày để xác quyết là ông sẽ không tiếp tục giảng dạy những ý tưởng sai lầm của ông nữa. Nhưng Nestôriô ngoan cố không chịu nhượng bộ. Công đồng đã giải thích cho cộng đoàn dân Chúa hiểu rằng không thể chấp nhận những ý tưởng sai lầm ấy. Các giám mục đã cắt nghĩa rất sáng sủa và minh bạch đến nỗi những giáo huấn sai lầm này về sau đã không trở thành những hiểm họa nghiêm trọng.

Dân chúng rất biết ơn thánh Xyrilô Alexandria là người đã chủ tọa những buổi hội thảo của Công đồng. Nestôriô âm thầm trở về đan viện của ông và chấm dứt việc làm cho dân chúng hoang mang lo lắng. Còn Xyrilô thì trở về tòa tổng giáo mục và tích cực làm việc phục vụ Giáo hội cho tới khi qua đời năm 444. Đến năm 1883, đức thánh cha Lêô XIII đã tôn phong thánh Xyrilô Alexandria làm Tiến sĩ Hội Thánh.

Chẳng có gì phải lo âu chán nản khi thấy chúng ta không làm được việc này việc kia như chúng ta phải làm. Chúng ta hãy nài xin thánh Xyrilô Alexandria giúp chúng ta biết sống với những giới hạn của mình.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62808


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 26 Tháng 6:
CHÂN PHƯỚC RAYMOND LULL (1235-1315)

0626_BlRaymondLull.JPG


Hầu hết cuộc đời của Chân Phước Raymond là để giúp đỡ công cuộc truyền giáo và ngài từ trần khi truyền giáo ở Bắc Phi.

Raymond là con của một viên tướng chỉ huy ở Palma, Majorca và được làm việc dưới triều của Vua James I xứ Aragon, với công việc đại quản gia của triều đình. Tuy đã lập gia đình, nhưng Raymond vẫn còn gian díu với các thê thiếp. Một hôm khi đang viết thư cho tình nhân thì Raymond được thị kiến Ðức Kitô, và năm lần tiếp đó. Sau cuộc hành hương đến Compostela và Rocamadour, ngài gia nhập dòng ba Phanxicô, chia tài sản cho vợ con và tận hiến cuộc đời còn lại cho việc hoán cải người Hồi Giáo.

Lui về đời sống ẩn dật, ngài sống như một vị ẩn tu. Trong thời gian chín năm, ngài viết về mọi loại kiến thức mà công trình ấy giúp ngài xứng với danh hiệu "Tiến Sĩ Khai Sáng." Sau đó, Raymond thực hiện nhiều cuộc hành trình đến Âu Châu để thuyết phục các giáo hoàng, các hoàng đế và thái tử trong việc thiết lập các trường đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các nhà thừa sai trong công cuộc truyền giáo.

Sau nhiều lần thất bại, sau cùng vào năm 1311 ngài đã thành công khi Công Ðồng Vienne ra lệnh cho thành lập các phân khoa dạy tiếng Do Thái, Ả Rập và Canđê tại các trường đại học Bologna, Oxford, Balê và Salamanca.

Vào năm 79 tuổi, chính Raymond đến Bắc Phi để truyền giáo. Một đám đông người Hồi Giáo đã thịnh nộ ném đá ngài ở thành phố Bougie nhưng được các thủy thủ người Genoa cứu thoát. Trên con tầu trở về nước, ngài đã từ trần khi gần đến Majorca.

Chân Phước Raymond sáng tác rất nhiều. Ngài viết trên 300 luận án về triết học, âm nhạc, hàng hải, luật pháp, thiên văn, toán học, và thần học (hầu hết bằng tiếng Ả Rập). Ngài cũng sáng tác thi văn thần nghiệm và được coi là người tiên phong của Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá trong lãnh vực này.

Lời Bàn: Chân Phước Raymond đã tận tụy trong việc loan truyền Phúc Âm. Sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như sự chống đối ở Bắc Phi đã không làm ngài nản chí. Ba trăm năm sau, hoạt động của ngài bắt đầu có ảnh hưởng ở Mỹ Châu. Khi người Tây Ban Nha bắt đầu truyền giáo ở Tân Thế Giới, họ đã theo ý tưởng của ngài và thành lập các trường truyền giáo để chuẩn bị cho công cuộc này.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62803


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 25 Tháng 6:
CHÂN PHƯỚC JUTTA Ở THURINGIA

0625_BlJuttaThuringia.jpg


Vị thánh quan thầy của nước Phổ sinh trong một gia đình giầu có và quyền thế nhưng từ trần cách đơn sơ như một người nghèo.

Sau khi kết hôn với một người quý tộc và đạo đức, Jutta và chồng sống rất đạo hạnh, cả hai quý trọng chân lý và cố gắng trau dồi nhân đức. Trong một cuộc hành hương đến các thánh địa ở Giêrusalem, người chồng lâm bệnh và từ trần. Bà quả phụ Jutta ở vậy nuôi con.

Sau khi con cái đã khôn lớn và có đủ nhu cầu cho đời sống, bà Jutta quyết định sống một cuộc đời chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa. Bà bán mọi y phục, nữ trang, đồ đạc đắt tiền và gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục, với chiếc áo dòng tầm thường.

Kể từ đó trở đi, cuộc đời bà tận tụy cho tha nhân: chăm sóc người đau yếu, nhất là người bị cùi; lo cho người nghèo ngay ở các lều tranh lụp xụp của họ; giúp đỡ người tàn tật và mù lòa mà bà cho họ sống ngay trong nhà. Nhiều người quý tộc thời ấy đã cười nhạo bà Jutta là không biết dùng thời giờ cho đúng. Nhưng bà Jutta đã nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ.

Vào khoảng năm 1260, trước khi từ trần không lâu, bà Jutta sống gần những người ngoại đạo ở miền đông nước Ðức. Ở đó, bà dựng một mái nhà đơn sơ và không ngừng cầu nguyện cho sự hoán cải của những người chung quanh. Trong nhiều thế kỷ, bà được sùng kính như vị quan thầy đặc biệt của nước Phổ.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 31, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62801


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 24 Tháng 6:
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

StJohnTheBaptist_0624.jpg


Song thân của Gioan tẩy giả là ông Dacaria và bà Êlizabeth. Êlizabeth là chị họ của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu. Mẹ Maria đã đến thăm nom và giúp đỡ khi Êlizabeth già nua và sắp sinh con.

Thánh nữ Êlizabeth sinh con trai. Dacaria đặt tên cho trẻ là Gioan như thiên thần đã báo trước. Gioan có một ơn gọi đặc biệt quan trọng. Ngài dọn đường cho Đức Chúa Giêsu ngự đến. Vì thế ngay từ hồi niên thiếu, Gioan đã vào trong sa mạc để dọn lòng thinh lặng, cầu nguyện và sám hối. Chẳng bao lâu, dân chúng bắt đầu kéo đến với Gioan. Họ nhận thấy Gioan là người thánh thiện. Gioan khuyên dạy họ hãy thống hối về những lỗi lầm đã phạm. Gioan bảo họ hãy thay đổi lối sống; và Gioan ban cho họ phép rửa sám hối. Một ngày kia, chính Đức Chúa Giêsu đã đến với Gioan. Người muốn được nhận phép rửa của Gioan để đền bù tội lỗi chúng ta. Ngày hôm ấy, Gioan đã nói với dân chúng rằng chính Đức Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng mà họ đang trông đợi. Ngài bảo họ và mọi người khác hãy đi theo Đức Chúa Giêsu.

Sau đó, thánh Gioan biết được vua Hêrôđê đã kết hôn với một người đàn bà đã có chồng và đã sinh được một người con gái. Vua này là con trai của vua Hêrôđê, người đã giết chết tất cả các con trẻ ở Bêlem. Thánh Gioan nói với Hêrôđê rằng ông không được sống với người đàn bà ấy. Vua Hêrôđê tức giận và cảm thấy tủi hổ. Ông liền sai người bắt nhốt Gioan vào tù. Gioan đã lưu lại trong ngục tù tăm tối ẩm thấp cho tới khi Hêrôđê sai người đến giết ngài.

Châm ngôn của thánh Gioan là: “Chúa Giêsu phải lớn lên. Tôi phải nhỏ lại.” Thánh nhân nói rằng ngài chẳng xứng đáng để cởi quai dép cho Đức Chúa Giêsu.

Thánh Gioan tẩy giả là một tiên tri lớn. Nơi chương thứ 11 của Tin mừng, thánh ký Mátthêu đã ca ngợi thánh Gioan tẩy giả bằng chính những lời của Đức Chúa Giêsu. Khi chúng ta ham thích làm người “số một,” chúng ta hãy xin thánh Gioan tẩy giả dạy chúng ta biết sống khiêm tốn. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta nhận ra giá trị của sự khiêm tốn.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62798


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 23 Tháng 6:
THÁNH GIUSE CAPHASÔ

0623_StGiuseppeCafasso.jpg


Thánh Giuse Caphasô sinh năm 1811 tại miền Bắc nước Ý, gần thành phố Turinô. Bốn năm sau, năm 1815, một trong các sinh viên danh tiếng của Giuse Caphasô là thánh Gioan Bôscô cũng được sinh ra trong thành phố này. Chúng ta đã cử hành thánh lễ kính thánh nhân hôm 31 tháng Giêng. Giuse Caphasô có song thân thật yêu quý. Họ sẵn lòng hy sinh cho ngài ăn học đến nơi đến chốn. Giuse Caphasô đến Turinô để học hành và làm linh mục.

Giuse Caphasô gặp Bôscô năm 1827, lúc Bôscô lên mười hai tuổi. Bôscô nói chuyện với chủng sinh Caphasô tại nhà thờ rồi chạy một mạch về nhà. “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” Gioan Bôscô gọi to, “con đã gặp Ngài, con đã gặp Ngài!” “Con đã gặp ai vậy? Thân mẫu Bôscô hỏi. “Mẹ ơi, Giuse Caphasô. Con nói cho mẹ biết ngài là một vị thánh đó!” Bà mẹ Bôscô chỉ mỉm cười với con mình và nhẹ nhàng gật đầu. Năm 1833, Giuse Caphasô được thụ phong linh mục. Thánh nhân bắt đầu thi hành công việc mục vụ của ngài và đến theo học tại trường dạy thần học danh tiếng dành cho các linh mục. Sau khi tốt nghiệp, cha Giuse Caphasô trở thành giáo sư thần học. Ngài dạy rất nhiều linh mục trẻ suốt nhiều năm. Họ có thể nói được rằng cha Giuse Caphasô đã thực sự yêu thương họ.

Cha Giuse Caphasô nổi tiếng là vị linh mục tin tưởng vào lòng thương xót dịu hiền và nhân hậu của Thiên Chúa. Vì có tấm lòng rất quảng đại nên Giuse Caphasô đã thông trao cho tha nhân sự can đảm và niềm hy vọng của ngài. Cha Giuse Caphasô hướng dẫn nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân. Giuse Caphasô giúp Gioan Bôscô khởi sự thừa tác vụ linh mục cao quý của ngài với các cậu trẻ; và cũng hướng dẫn Bôscô thiết lập hội dòng Salêdiêng. Cha Giuse Caphasô cũng hướng dẫn nhiều nhà sáng lập khác nữa.

Có nhiều nhu cầu xã hội trong thời đại của cha Caphasô. Một trong các vấn đề khẩn thiết nhất là hệ thống nhà tù. Tình trạng nhà tù thật kinh tởm! Nhưng điều làm cho cha Caphasô xúc động nhất là án lệ treo cổ các tù nhân nơi công cộng. Cha Caphasô đến với họ và giải tội cho họ. Cha ở lại với họ, nói cho họ nghe về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho tới lúc họ chết. Cha Caphasô đã giúp trên 60 người bị kết án. Tất cả đều ăn năn thống hối và được chết trong bình an của Đức Chúa Giêsu. Cha Caphasô gọi họ là “những vị thánh bị treo cổ.”

Năm 1848, cha Caphasô trở thành chủ chăn của giáo xứ thánh Phanxicô. Không ai có thể đo lường được ảnh hưởng lớn lao của cha trên cộng đoàn dân Chúa và các việc cha đã làm cho Giáo hội. Cha Caphasô qua đời ngày 23 tháng Sáu năm 1860. Người bạn trung tín của Giuse Caphasô là thánh Gioan Bôscô đã thuyết giảng trong thánh lễ an táng ngài. Năm 1947, đức thánh cha Piô XII đã tôn phong Giuse Caphasô lên bậc hiển thánh.

Chúng ta chẳng bao giờ có thể quảng đại và thông cảm với tha nhân cho đủ. Nếu chúng ta lỡ bị cám dỗ coi thường người khác vì quá quen, hoặc chỉ lo quan tâm đến bản thân mình thôi, chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh Giuse Caphasô. Ngài sẽ giúp chúng ta có được tấm lòng rộng rãi như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62797


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 22 Tháng 6:
THÁNH TÔMA MÔRÊ (ST. THOMAS MORE)

0622_StThomasMore.jpg


Thánh Tôma Môrê là một luật sư và là một văn gia danh tiếng. Ngài sinh tại Luânđôn vào năm 1477. Thân phụ của Tôma Môrê cũng từng là một luật gia và là một quan tòa. Tôma hằng biết ơn cha mình vì đã hết sức yêu thương và đã không làm ngài hư hỏng.

Người vợ thứ nhất của Tôma, bà Giên Côn, đã qua đời khi còn rất trẻ. Bà để lại cho Tôma bốn người con nhỏ. Tôma Môrê kết hôn lần nữa với một quả phụ, một quả phụ đơn sơ chất phác chẳng biết viết cũng chẳng biết đọc gì cả. Người chồng đã gắng công dạy dỗ vợ mình. Tôma làm cho bầu khí gia đình trở nên vui tươi dễ chịu bởi vì ngài có tính vui vẻ hòa nhã đối với mọi người. Có một trẻ đọc trích đoạn Kinh Thánh suốt bữa ăn. Sau đó, cả nhà vui đùa và nói chuyện khôi hài với nhau. Thánh Tôma Môrê cũng hay mời những người láng giềng nghèo khó xấu số hơn tới nhà ngài dùng bữa tối. Ngài luôn luôn giúp đỡ người nghèo theo khả năng có thể. Thánh nhân thích tạo sự ngạc nhiên bất ngờ cho các vị khách của ngài. Thậm chí Tôma Môrê cũng nuôi vài chú khỉ làm những con vật cưng trong nhà. Nhưng ít người có thể hình dung ra thánh Tôma Môrê thật đã sống nội tâm sâu xa đến độ nào. Ban đêm, ngài đã cầu nguyện hàng giờ và thực hành nhiều việc khổ chế. Thánh nhân ý thức rõ rằng để trở nên một Kitô hữu đích thực thì cần phải có ơn Thiên Chúa giúp đỡ.

Thánh Tôma Môrê nắm giữ những chức vụ chính trị quan trọng. Suốt ba năm, thánh nhân làm đại chưởng ấn (ngày nay gọi là thủ tướng). Vua Henri VIII thường khoác tay mình trên vai của Tôma Môrê cách yêu thương trìu mến. Tuy nhiên, dù Tôma Môrê là một thần dân rất trung thành, thì đối với Thiên Chúa, thánh nhân vẫn trung thành hơn. Thật sự là khi nhà vua cố làm cho Tôma Môrê vi phạm lề luật của Thiên Chúa, Tôma Môrê đã không chịu nhượng bộ. Henri VIII muốn được ly dị người vợ của ông để cưới một người đàn bà khác. Tuy nhiên, đức thánh cha không thể ban phép vì đi ngược lại luật Thiên Chúa dạy. Henri VIII thật bướng bỉnh và ngoan cố; và sau cùng, ông đã rời bỏ Giáo hội. Ông muốn mọi người tôn nhận ông là thủ lãnh của Giáo hội Anh quốc. Tôma không đồng ý chuyện đó. Ngài kiên quyết luôn trung thành với đức tin Công giáo và với Thiên Chúa. Và Tôma Môrê bị kết án tử vì lý do đó. Tuy vậy, Tôma Môrê đã tha thứ cho các kẻ xét xử ngài. Thậm chí thánh nhân còn nói rằng ngài sẽ gặp lại họ trên nước thiên đàng. Tôma Môrê thật sự có ý như vậy.

Trên đoạn đầu đài nơi ngài sắp sửa phải lìa đời, thánh Tôma Môrê đã hôn lên mặt của người đao phủ. Sau đó, thánh nhân nói đùa rằng không nên chém đứt bộ râu của ngài bởi vì nó chẳng làm điều gì nên tội. Thánh nhân được phúc tử vì đạo vào hôm thứ Ba ngày mùng 6 tháng Bảy năm 1533, thọ năm mươi bảy tuổi. Cùng với hồng y Gioan Phítsơ, Tôma Môrê được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1935.

Vị thánh này được mọi người ngưỡng mộ vì ngài đã hết lòng tin tưởng vào chân lý đức tin; và ngài đã sẵn lòng hy sinh mạng sống vì chân lý ấy. Thánh Tôma Môrê đã liều mất hết mọi thứ: tài sản, địa vị, sự an toàn của bản thân và của những người ngài thương yêu nhất. Thánh Tôma Môrê đã giữ vững đức tin dù phải hy sinh cả mạng sống của mình. Thánh nhân thách đố chúng ta tự vấn lương tâm xem chúng ta sẽ làm gì nếu ở trong hoàn cảnh giống như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62794


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 21 Tháng 6:
THÁNH LUY GONZAGA (ST. ALOYSIUS GONZAGA)

StAloysiusGonzaga_0621.jpg


Luy Gonzaga, vị thánh bổn mạng của giới trẻ Công giáo, sinh ngày mùng 9 tháng Ba năm 1568. Khi mới chào đời, thân phụ Luy Gonzaga đã có ý huấn luyện ngài thành một sĩ quan vĩ đại. Lúc Luy Gonzaga mới lên 5, người cha đã dẫn Luy vào trong doanh trại quân đội. Ở đó, cậu Luy học cách đi duyệt binh. Thậm chí vào một ngày kia, Luy Gonzaga đã cố gắng xoay sở để nạp đạn vào súng và tập bắn đang lúc các binh lính nghỉ ngơi. Luy Gonzaga cũng học được những tiếng thô tục của binh sĩ. Khi nhận biết ý nghĩa của những từ ngữ này, Luy Gonzaga cảm thấy rất hối hận vì đã sử dụng chúng.

Lớn lên, Luy Gonzaga được gởi vào triều đình sống với các hoàng tử và công tước. Sự gian dối, căm hờn và nhơ bẩn hiển hiện nhan nhản khắp nơi. Nhưng bệnh tật là yếu tố ảnh hưởng đáng kể nhất đã tác động trên thánh Luy Gonzaga và làm cho thánh nhân phải cẩn trọng để sống đời Kitô hữu của ngài. Và Luy Gonzaga đã lâm bệnh. Điều đó đã tạo cho ngài có được chút thời giờ để cầu nguyện và đọc các sách tốt. Khi lên 16 tuổi, Luy Gonzaga quyết định trở nên một linh mục dòng Tên. Thân phụ ngài không bằng lòng. Tuy nhiên, ba năm sau ông đã chấp thuận. Khi nhập dòng, Luy Gonzaga đã xin làm những công việc vất vả và hèn kém. Luy Gonzaga đã phục vụ trong nhà bếp và rửa chén dĩa. Luy thường nói: “Tôi là một miếng sắt cong queo. Tôi đến với Đạo để được chiếc búa khổ chế đền tội tán ra cho thẳng!”

Khi cơn bệnh dịch xâm chiếm Rôma, Luy Gonzaga xin phép bề trên để đi săn sóc những người đau ốm. Luy Gonzaga – một người trước đây đã từng có những đầy tớ hầu hạ phục dịch – vậy mà giờ đây lại đi tắm rửa cho các bệnh nhân và dọn giường chiếu cho họ! Luy Gonzaga đã phục vụ họ cho tới khi chính ngài cũng bị lây bệnh.

Thánh Luy Gonzaga qua đời lúc vừa tròn 23 tuổi. Đó là vào đêm 20 tháng Sáu năm 1591. Ngài đơn sơ thốt lên: “Tôi sắp về thiên đàng!” Xác thánh Luy Gonzaga được mai táng trong thánh đường dâng kính thánh Inhaxiô ở Rôma. Năm 1726, Luy Gonzaga được đức thánh cha Bênêđictô tôn phong hiển thánh.

Nếu áp lực của danh vọng địa vị bắt chúng ta phải nói và phải làm những điều không nên, chúng ta hãy xin thánh Luy Gonzaga ban cho lòng can đảm để thực thi những điều thiện hảo.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cường [ Tôma ]


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012