Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 9 months ago #62793


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 20 Tháng 06:
THÁNH PAULINUS Ở NOLA (354?-431)

StPaulinusOfNola_0620.jpg


Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Paulinus mà ngài là bạn của các thánh Augustinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.

Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Paulinus thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul (Pháp). Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Paulinus được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.

Sau khi cha mất sớm, Paulinus được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Paulinus không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.

Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Paulinus đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.

Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Paulinus kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Paulinus (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.

Vào thời bấy giờ, Paulinus được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, tỉ như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Paulinus một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustine, là động lực sau cùng thúc đẩy Paulinus theo Kitô Giáo.

Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Paulinus đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.

Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Paulinus coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.

Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Paulinus đến trước mặt vị giám mục và yêu cầu tấn phong Paulinus làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Paulinus là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Paulinus về nhiệm vụ linh mục.

Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Paulinus và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Paulinus và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.

Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Paulinus làm giám mục. Quả thật ngài là vị giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Paulinus tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.

Ðức Paulinus là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.

Lời Trích: Thánh Paulinus thường đau yếu vì thể xác không được khỏe mạnh, nhưng ngài thản nhiên tuyên bố "sự yếu đuối của thân xác là một ích lợi cho tinh thần, khi xác thịt thiệt thòi thì tinh thần hoan hỉ."


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cường [ Tôma ]

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62790


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 19 Tháng 6:
THÁNH RÔMUALĐÔ

StRomuald_0619.jpg


Thánh Rômualđô là một nhà quý tộc người Ý, được sinh khoảng năm 951 tại Ravenna, nước Ý. Khi lên 20 tuổi, Rômualđô bị sốc mạnh khi thấy thân phụ ngài giết chết một người đàn ông trong một cuộc đọ kiếm tay đôi. Rồi thánh Rômualđô vào tu trong đan viện Bênêđictô. Ngài quyết tâm sống cuộc đời ngay chính. Thánh Rômualđô cũng muốn sám hối thay cho hành vi bệ rạc của người cha. Đối với Rômualđô, môi trường và lối sống của đan viện thật mới lạ vì ngài đã quen với nếp sống sang trọng, xa hoa và vô công rỗi nghề ở gia đình. Nhưng dần dần, chàng quý tộc bị ảnh hưởng sâu sắc bởi gương sáng của nhiều đan sĩ. Rômualđô quyết tâm trở nên một đan sĩ. Ngài đã xin một ẩn sĩ tốt lành tên là Marinô dạy cho cách thức nên thánh. Cả Marinô và Rômualđô đã cố gắng dùng thời giờ mỗi ngày để ca ngợi, tôn vinh và yêu mến Thiên Chúa. Thân phụ của Rômualđô là ông Sêgiô đến quan sát lối sống của con trai mình. Ông bị đánh động bởi sự đơn sơ và tinh thần bỏ mình của người con. Sêgiô nhận thức rằng chắc chắn phải có một thứ hạnh phúc đặc biệt nào đó trong đan viện – bởi vì con trai ông đã tự tình chấp nhận sống ở đó. Và đó là mọi điều Sêgiô đang cần. Ông đã từ bỏ mọi thứ của cải mình có và cũng bắt chước người con sống phần đời còn lại như một đan sĩ.

Sau cùng, thánh Rômualđô thiết lập hội dòng Camalđôlêsêô Bênêđictô. Thánh nhân đi khắp nước Ý lập thêm các ẩn viện và các đan viện. Ở bất cứ nơi đâu, thánh Rômualđô cũng đều làm gương sáng cho các đan sĩ về lòng sám hối. Suốt một năm trời, mỗi ngày Rômualđô chỉ ăn chút ít đậu luộc. Rồi cả ba năm tiếp theo, thánh nhân chỉ dùng một ít thức ăn hầu nuôi sống mình. Nhờ những hy sinh này, thánh Rômualđô sống kết hợp mật thiết hơn với Thiên Chúa.

Thánh Rômualđô về trời ngày 19 tháng Sáu năm 1027, tại đan viện Valđi Castrô. Ngài ở một mình trong đan phòng của ngài và qua đời cách lặng lẽ âm thầm. Chắc hẳn thánh Rômualđô đã thầm thĩ lời nguyện rất được ưa chuộng này: “Ôi, lạy Đức Chúa Giêsu dịu hiền! Chúa đáng yêu mến của lòng con! Chúa là niềm khoái cảm vui thích của các linh hồn thanh khiết! Chúa là đối tượng của mọi sự con ước ao!”

Chúng ta hãy nài xin thánh Rômualđô giúp chúng ta biết quý trọng sự cầu nguyện và sự sống của Chúa Giêsu trong ta. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân ban ơn để chúng ta đủ sức thực hiện những việc thiêng liêng cách liên lỉ. Thánh nhân biết khó khăn thách đố là làm sao mà!


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62788


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 18 Tháng 6:
CHÂN PHƯỚC GRÊGÔRIÔ BARBARIGÔ

BlGregorioBarbarigo_0618.jpg


Chân phước Grêgôriô Barbarigô sinh năm 1625. Ngài được nuôi dưỡng và giáo dục tại thành Vêni bên nước Ý, quê hương của ngài. Đang lúc còn ở tuổi 20, nhân một sự kiện quan trọng, Grêgôriô Barbarigô đã được các viên chức chính quyền thành phố Vêni chọn làm đại biểu thay mặt họ ở Munstơ, nước Đức. Vào ngày 24 tháng Mười năm 1648, các nhà lãnh đạo đã họp lại để ký bản Hiệp ước Wesphalia. Hiệp ước này sẽ kết thúc cuộc chiến “ba mươi năm.” Cuộc chiến này nổ ra ở Đức vào năm 1618. Nó bao gồm những đội quân láng giềng Pháp và Thụy Điển; và được gây nên bởi sự hiểu lầm căn bản giữa Công giáo và Thệ phản.

Tại Munstơ, chân phước Grêgôriô Barbarigô gặp vị đại diện của đức thánh cha. Vị này về sau trở thành đức thánh cha Alêxanđơ VII vào năm 1655. Ngài nhận thấy những phẩm chất đạo đức tốt lành của cha Grêgôriô. Ngài đặt cha làm giám mục và bổ nhiệm Grêgôriô đến giáo phận Bêgamô, nước Ý. Năm 1660, đức thánh cha lại gọi Grêgôriô Barbarigô về Rôma. Lần này, ngài đặt chân phước Grêgôriô Barbarigô làm hồng y và chỉ định ngài đến Pađua.

Chân phước Grêgôriô Barbarigô sống phần đời còn lại của ngài trong thành phố ấy, thành phố được nổi danh nhờ thánh Antôn. Người ta thường hay nói rằng hồng y Barbarigô trông giống như đức hồng y Bôrômêô thứ hai vậy. Chúng ta mừng lễ kính thánh Carôlô Bôrômêô ngày mùng 4 tháng Mười Một.

Hồng y Grêgôriô Barbarigô đã sống một cuộc đời hy sinh và giản dị. Ngài chi một số tiền lớn cho những nhu cầu bác ái từ thiện. Ngài luôn mở rộng cửa nhà để sẵn sàng tiếp đón những người lâm cảnh túng thiếu. Ngài mở một trường đại học danh tiếng và một chủng viện để đào luyện các chủng sinh thành linh mục. Ngài ban tặng chủng viện một phòng thư viện hạng nhất gồm nhiều loại sách quý của các giáo phụ thời Giáo hội sơ khai và các sách Kinh Thánh. Thậm chí Grêgôriô Barbarigô còn trang bị cho chủng viện một máy in.

Chân phước Grêgôriô Barbarigô qua đời ngày 15 tháng Sáu năm 1697, thọ bảy mươi hai tuổi. Ngài được đức thánh cha Clêmentê XIII tôn phong chân phước năm 1761.

Khi cầu nguyện, thật là ý tưởng hay nếu như chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết nhận ra kế hoạch của Người trong đời sống mình. Khi gặp khó khăn hay chán nản, chúng ta nên dùng ít phút suy nghĩ về cách thức chân phước Grêgôriô Barbarigô đã dùng thời giờ của ngài. Grêgôriô Barbarigô là một người đáng yêu và giàu lòng quảng đại. Ngài đã đem nhiều người tới gần Thiên Chúa hơn bằng gương sáng của ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62786


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 17 Tháng 6:
THÁNH EMILY VIALAR

St-EmilyVialar_0617.jpg


Emily Vialar là cô gái độc nhất trong một gia đình giàu có. Thánh nữ sinh tại Pháp năm 1797. Song thân của Emily gởi ngài đến học ở Paris. Khi thân mẫu qua đời, Emily trở về thị trấn Gailac nhỏ bé của ngài. Cô bé Emily mười lăm tuổi vừa là người con vừa là người bạn tốt đối với thân phụ của cô. Ông Vialar quan tâm tới chuyện tìm cho con gái ông một tấm chồng thích hợp. Ông rất giận dữ khi nghe thấy Emily từ chối chuyện lập gia đình. Thất vọng! Vỡ mộng! Ông đâm ra hay tranh luận và la rầy cô bé. Emily nhận thấy mình muốn làm một nữ tu đạo hạnh hiến dâng cuộc đời phụng sự Thiên Chúa

Khi Emily 21 tuổi thì có một linh mục tới thị trấn Gailac. Ngài là cha Mercier. Ngài hướng dẫn Emily theo đuổi ơn gọi của mình. Emily muốn giúp đỡ những người nghèo khổ và đau yếu. Cha Mercier giúp Emily thiết lập một địa sở dành cho các bệnh nhân ngoại trú ngay trên thửa đất của gia đình Vialar. Thân phụ của Emily rất bực bội. Tình trạng căng thẳng giữa Emily và người cha kéo dài suốt mười lăm năm trời. Sau đó ông nội của Emily, ông Baron Portan, qua đời. Ông để lại cho Emily một gia tài; và thế là, cuối cùng Emily đã có thể có được sự tự lập cần thiết để khởi sự làm công việc đặc biệt cho Thiên Chúa.

Với sự trợ giúp của cha Mercier, Emily mua một căn nhà lớn trong thị trấn quê hương của ngài. Rồi Emily và ba chị em khác bắt đầu thiết lập một hội dòng. Họ phác họa ra một bộ tu phục và chọn một tên gọi. Họ nhận tên là dòng Nữ Thánh Giuse Hiện Ra. (Phúc âm thánh Mátthêu thuật lại việc thiên thần đã hiện ra với thánh Giuse và bảo ngài rằng Người Con của Đức Trinh Nữ Maria sinh ra là do bởi Thiên Chúa.) Đức tổng giám mục đã chúc lành cho hội dòng và sứ vụ của họ. Các chị nữ tu này tận hiến cuộc đời phục vụ và chăm sóc những người đau yếu, nghèo khổ và giáo dục trẻ em. Trong khoảng ba tháng, đã có 12 chị em xin gia nhập hội dòng. Sơ Emily tuyên giữ các lời khấn năm 1835 cùng với 17 chị nữ tu khác. Đức tổng giám mục đã chuẩn y bản quy luật của các nữ tu.

Dòng Nữ Thánh Giuse bắt đầu thiết lập thêm các tu viện nhánh. Năm 1847, các nữ tu tới Burma; và năm 1854, họ tới Úc. Trong khoảng bốn mươi năm, Mẹ Emily Vialar đã xem thấy hội dòng mình phát triển từ sân nhà của Mẹ ở Gailac, nước Pháp dần dà lên tới khoảng bốn mươi cơ sở trên khắp thế giới.

Mẹ Emily Vialar viết nhiều thơ bày tỏ lòng yêu mến tha thiết đối với Thiên Chúa, với Giáo hội và các tín hữu. Mẹ quan tâm đến mỗi người. Trong trái tim mình, Mẹ Emily Vialar nhận thấy dân chúng khắp nơi đang cần Giáo hội đem chân lý Tin mừng và tình yêu thương đến cho họ. Mẹ nài xin Đức Chúa Giêsu ban thêm cho sức mạnh cần thiết để tiếp tục công việc.

Sức khỏe của Mẹ Emily Vialar bắt đầu suy giảm từ năm 1850. Rồi vào ngày 24 tháng Tám năm 1856, Mẹ qua đời. Đến năm 1951, đức thánh cha Piô XII đã tôn phong Mẹ Emily Vialar lên bậc hiển thánh.

Khi gặp những việc khó, thay vì bỏ cuộc, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Emily Vialar làm cho chúng ta được mạnh mẽ và nhẫn nại như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62782


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 16 Tháng 6:
THÁNH GIOAN PHANXICÔ RÊGIS

StJohnFrancisRegis_0616.jpg


Vị thánh người Pháp này sinh năm 1597. Khi lên mười tám tuổi, Gioan Phanxicô Rêgis gia nhập dòng Tên. Ở chủng viện, lòng yêu mến Thiên Chúa và ơn gọi của Gioan được tỏ lộ qua cách ngài cầu nguyện. Thánh nhân cũng nhiệt thành ham thích dạy giáo lý trong các xứ đạo mỗi khi có thể. Sau khi được thụ phong linh mục, thánh Gioan Phanxicô Rêgis bắt đầu công việc truyền giáo. Những bài giảng thuyết của ngài rất đơn sơ nhưng phát xuất từ nội tâm. Thánh nhân đặc biệt hay giảng cho những người nghèo khổ và những người bình dân. Họ tập trung lại thành những đám đông để nghe ngài thuyết giảng. Thánh Gioan Phanxicô Rêgis dành thời giờ ban sáng để cầu nguyện, ban bí tích Hòa giải và thuyết giảng. Ban chiều, thánh nhân viếng thăm các trại tù và các bệnh viện. Với những người nói rằng các tù nhân và các phụ nữ trắc nết mà Gioan Phanxicô Rêgis đã cải tà quy chính sẽ không tốt lành mãi đâu thì thánh nhân trả lời họ: “Nếu những cố gắng của tôi dù chỉ ngăn cản được một tội khỏi bị sa phạm thôi, tôi vẫn sẽ coi chúng thật đáng giá!”

Thánh Gioan Phanxicô Rêgis hành trình đến các xứ đạo nơi miền thôn dã, ngay cả trong những ngày đông giá rét, để giảng thuyết. “Tôi đã thấy ngài đứng suốt ngày trên đống tuyết tận trên đỉnh núi để giảng dạy,” một linh mục đã nói, “và sau đó lại dùng cả đêm dài để giải tội!” Đôi khi mới ba giờ sáng, Gioan Phanxicô Rêgis đã lên đường trẩy tới một thị trấn hẻo lánh mà trong túi chỉ có vài quả táo dùng làm lương thực trong ngày.

Một lần kia, trên đường tới một ngôi làng, thánh Gioan Phanxicô Rêgis bị té ngã và gãy chân. Tuy vậy, thánh nhân vẫn tiếp tục hành trình dù một tay chống gậy và tay kia phải vịn lấy vai của một người bạn. Nhưng khi tới làng, thánh nhân liền ban bí tích Hòa giải cho các hối nhân. Gioan Phanxicô Rêgis chẳng nhờ người chăm sóc băng bó cái chân bị gãy của ngài. Vào cuối ngày, khi bác sĩ tới xem xét thì cái chân gẫy của Gioan Phanxicô Rêgis đã hoàn toàn được chữa khỏi từ lúc nào rồi!

Thánh Gioan Phanxicô Rêgis qua đời trong một chuyến đi truyền giáo. Ngài lâm bệnh rất nặng đang khi bị lạc trong rừng vào ban đêm. Ngay trước lúc trút hơi thở sau cùng, thánh Gioan Phanxicô Rêgis reo lên: “Tôi thấy Thiên Chúa và thân mẫu Người đang mở cửa thiên đàng cho tôi!” Thánh Gioan Phanxicô Rêgis qua đời ngày 31 tháng Mười Hai năm 1640.

Năm 1806, có một khách hành hương đã cùng nhập bọn với nhóm người tới cầu nguyện tại đền thánh Gioan Phanxicô Rêgis. Người khách ấy tin rằng vị thánh này đã đạt tới cùng đích của đời linh mục. Người khách ấy chính là thánh Gioan Maria Viannê, cha sở họ Ars. Lễ mừng kính ngài được cử hành ngày mùng 4 tháng Tám.

Đời sống của thánh Gioan Phanxicô Rêgis nhắc nhớ chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ ban nhiều phúc lành và ân sủng của Người cho chúng ta nếu chúng ta sẵn lòng quên đi những đòi hỏi thiết yếu của riêng bản thân mình. Bằng lối này, chúng ta có thể giúp đỡ cha mẹ, gia đình và bạn bè của chúng ta những nhu cầu cần thiết.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62780


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 15 Tháng 6:
THÁNH GERMAINE COUSIN Ở PIBRAC

StGermaineCousin_0615.JPG


Pibrac là một ngôi làng nhỏ bên nước Pháp nơi Germaine chào đời vào khoảng năm 1579; và thánh nữ Germaine đã sống cả cuộc đời ở đây. Bề ngoài trông Germaine không được xinh xắn và luôn luôn yếu bệnh. Thân phụ Germaine chỉ quan tâm chút ít tới ngài. Mẹ ghẻ của Germaine không muốn cho Germaine ở gần bên các đứa con lành mạnh của bà. Vì vậy, Germaine phải ngủ chung với đàn chiên trong nhà kho ngay cả khi tiết trời giá lạnh. Germaine vận những bộ đồ rách nát và thường bị các trẻ em khác nhạo cười. Germaine chăn chiên suốt ngày ngoài đồng. Ban đêm khi trở về nhà, Germaine thường bị mẹ ghẻ la rầy đánh đập.

Thế nhưng cô bé nghèo khó này học cách nói chuyện với Thiên Chúa và nhớ rằng Người luôn luôn hiện diện bên mình. Germaine Pibrac luôn luôn cố gắng xoay sở để tham dự thánh lễ mỗi ngày. Thánh nữ nhờ vị thiên thần bản mệnh của ngài coi sóc đàn chiên giùm. Vì thế, chẳng bao giờ có con chiên nào đi rong chơi lang thang khỏi ràn mà Germaine đã đặt để trên bãi đất!

Germaine Pibrac thường hay tập họp các trẻ em trong xóm lại xung quanh mình và dạy chúng học biết đức tin. Germaine muốn tâm hồn chúng được tràn đầy lòng yêu mến Thiên Chúa. Germaine cũng hết sức cố gắng giúp đỡ người nghèo. Germaine chia sẻ cho họ chút phần lương thực của ngài. Vào một ngày mùa đông nọ, mẹ ghẻ buộc tội Germaine vì đã ăn cắp bánh mì. Bà vác gậy rượt đuổi Germaine. Nhưng lạ lùng thay! Những thứ rơi ra từ chiếc tạp dề của Germaine không phải là bánh mì. Đó lại là những đóa hoa mùa hè xinh đẹp!

Từ đây, người ta không còn nhạo cười và chế giễu Germaine nữa. Thật ra họ rất quý mến và khâm phục ngài. Hẳn là Germaine đã có thể sống trong căn nhà của cha ngài, nhưng Germaine vẫn tiếp tục ngủ ở nhà kho. Rồi vào một buổi sáng năm 1601, lúc được hai mươi hai tuổi, người ta thấy Germaine Pibrac nằm chết trên một chiếc nệm rơm. Cuộc đời quá nhiều đau khổ của Germaine Pibrac đã khép lại. Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ để tỏ cho biết Germaine Pibrac là vị thánh.

Nhân đức chính yếu của vị thánh này là kiên nhẫn. Germaine Pibrac đã mang cây thánh giá to lớn của ngài cách dễ dàng vì thánh nữ đã năng chịu bí tích Thánh Thể. Khi gặp những đau khổ nhỏ mọn, chúng ta hãy quay ánh nhìn về Đức Chúa Giêsu đang hiện thân trong bí tích Thánh Thể và xin Người giúp đỡ.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62777


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 14 Tháng 6:
THÁNH ALBERT CHMIELWSKI (1845-1916)

StAlbertChmielowski_0614.jpg


Sinh ở Igolomia gần Krakow, Ba Lan, Thánh Albert là người con cả trong gia đình giầu có, và tên rửa tội là Adam. Trong cuộc cách mạng 1864 chống với Nga Hoàng Alexander III, Adam bị thương và bị cụt chân trái.

Với khả năng hội họa Adam đã theo học ở Warsaw, Munich và Balê. Sau khi trở về Krakow, Adam gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục. Vào năm 1888, Adam lấy tên là Albert khi sáng lập tổ chức các Thầy Dòng Ba Phanxicô. Công việc chính yếu của tổ chức là giúp đỡ người nghèo và người vô gia cư, bất kể tuổi tác, tôn giáo hay chính kiến.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Thầy Albert năm 1983 và phong thánh cho ngài sáu năm sau.

Lời Bàn: Trong cuốn sách kỷ niệm kim khánh linh mục năm 1996, khi chia sẻ về ơn thiên triệu của chính mình, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết Thầy Albert đã có một ảnh hưởng trong ơn gọi ấy "bởi vì tôi tìm thấy nơi ngài sự hỗ trợ tinh thần và một tấm gương khi từ bỏ thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch nghệ, để nhất định chọn lựa ơn gọi linh mục". Khi là một linh mục trẻ, Ðức Giáo Hoàng đã viết một kịch bản về cuộc đời Thầy Albert để tỏ lòng biết ơn thánh nhân.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62771


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 13 Tháng 6:
THÁNH ANTÔN PAĐUA

StAnthonyPadua_0613.jpg


Vị thánh rất được ưa chuộng này sinh tại nước Bồ Đào Nha năm 1195. Người ta đặt tên cho thánh nhân là “Phécđinăng.” Thánh nhân được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt vời nơi các thầy dòng thánh Augustinô; và sau đó, thánh nhân đã gia nhập hội dòng này.

Lúc hai mươi lăm tuổi, cuộc sống của Phécđinăng lại chuyển sang một hướng đi kỳ thú. Ngài nghe biết có mấy tu sĩ dòng Phanxicô đã được phúc tử đạo bởi những người Mor ở Môrôcô. Các tu sĩ này là thánh Bêra và các bạn tử đạo. Chúng ta đã cử hành thánh lễ kính các ngài ngày 16 tháng Giêng. Từ lúc ấy trở đi, Phécđinăng cảm thấy một ham ước mãnh liệt muốn được tử đạo vì Chúa Kitô. Rồi ngài gia nhập dòng Phanxicô. Hội dòng này mới được thiết lập. Chính thánh Phanxicô Assisiô sáng lập dòng vẫn còn sống. Phécđinăng đổi tên là Antôn. Ngài tới Phi châu rao giảng cho người Mor. Nhưng chẳng bao lâu, thánh Antôn đã lâm bệnh rất nặng đến nỗi phải trở về nước Ý. Chẳng ai trong hội dòng mới của Antôn nhận biết được Antôn tài giỏi lỗi lạc đến chừng nào! Họ không biết Antôn đã được giáo dục và học hành đến đâu! Antôn không bao giờ tự nói về mình! Vì vậy các bề trên dòng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài tới một đan viện âm thầm ở Ý. Nơi đó, Antôn làm công việc rửa chén dĩa xoong chảo. Rồi một ngày kia, Antôn đã giảng một bài thật hay cho một nhóm đông các linh mục nghe. Từ đó trở đi, suốt chín năm cho tới lúc qua đời, thánh Antôn đã thuyết giảng khắp nơi trong nước Ý. Người ta hâm mộ Antôn đến nỗi đã thường đóng các cửa tiệm của họ để đến nghe thánh nhân thuyết giảng.

Thánh Antôn Pađua hay được người ta cầu khấn trong những cơn bạo bệnh thể xác cũng như khủng hoảng tinh thần. Qua sự cầu thay nguyện giúp của thánh nhân, nhiều phép lạ đã xảy ra. Rất đông người đã nhận được các ơn lành nhờ sự bầu cử của ngài. Đó là lý do tại sao người ta hay gọi Antôn Pađua là “đấng hay làm phép lạ.” Người ta thường trình bày bức tượng thánh Antôn Pađua đang bồng ẵm Chúa Hài Nhi Giêsu bởi vì Chúa Hài Nhi Giêsu đã hiện ra với ngài. Những bức hình khác trình bày thánh nhân đang ôm một cuốn sách Kinh Thánh. Điều này cho thấy thánh Antôn Pađua rất thành thạo, yêu mến và năng rao giảng lời Chúa. Thật sự, thánh Antôn Pađua rất thông giỏi, đặc biệt về khoa Kinh Thánh, đến nỗi ngài được đức thánh cha Piô XII tôn phong là “Tiến sĩ Tin Mừng” hay còn gọi là “Tiến sĩ Kinh Thánh.”

Thánh Antôn Pađua qua đời tại Axêla gần thành phố Pađua, nước Ý, vào ngày 13 tháng Sáu năm 1231 khi mới được ba mươi sáu tuổi. Một năm sau, Antôn Pađua được đức thánh cha Grêgôriô IX tôn phong hiển thánh.

Đôi lúc chúng ta mong muốn mọi người nhận biết những việc tốt lành chúng ta làm hoặc chúng ta biết cách làm. Có thể chúng ta sẽ không luôn luôn nhận được nhiều sự chú ý. Đó là những lúc chúng ta nên cầu xin thánh Antôn Pađua dạy cho chúng ta biết tự hài lòng với chính mình. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta đừng để tâm vào những cái chúng ta có thể nhận được nhưng hãy nhắm vào những cái chúng ta có thể trao ban trong đời sống này.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62767


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 12 Tháng 6:
THÁNH GIOAN SAHAGUN

StJohnSahagun_0612.jpg


Thánh Gioan sinh tại Sahagun, nước Tây Ban Nha, vào thế kỷ thứ mười lăm. Ngài được hấp thụ nền giáo dục của các đan sĩ Bênêđictô trong thị trấn ngài ở. Sau đó, Gioan làm cha xứ một họ đạo. Hẳn là Gioan đã có thể sống một cuộc đời thoải mái tiện nghi trong nhà thờ chính tòa hay ở các xứ đạo giàu có khác. Tuy vậy, Gioan cảm thấy bị hấp dẫn bởi lối sống đơn sơ khó nghèo mà Đức Chúa Giêsu đã sống. Cha Gioan chỉ chọn coi sóc một họ đạo nhỏ. Ở đó ngài dâng thánh lễ, thuyết giảng và dạy giáo lý.

Cha Gioan Sahagun nhận thấy cần phải hiểu biết hơn về khoa thần học và ngài đã đăng ký học các lớp tại trường đại học Công giáo danh tiếng thuộc thành phố Salamanca. Sau bốn năm chăm chỉ học tập, cha Gioan trở nên một nhà giảng thuyết nổi danh. Chín năm sau, Gioan Sahagun gia nhập dòng Augustinô. Các anh em tu sĩ rất được ấn tượng bởi cách ngài thực hành các nhân đức Kitô giáo. Thánh Gioan cũng sống rất mực khiêm tốn và vâng phục các đấng bề trên của ngài. Thánh nhân vẫn tiếp tục công việc giảng huấn. Các bài giảng hay của Gioan Sahagun đã làm cho dân thành Salamanca được biến cải. Trước đây họ hay tranh chấp cãi vã nhau dữ dội. Những chàng trai quý tộc thường hay đánh trả thù nhau. Thánh Gioan Sahagun đã thành công trong việc chấm dứt những cuộc ẩu đả gay gắt này. Thậm chí thánh nhân đã thuyết phục được người ta tha thứ cho nhau.

Thánh Gioan Sahagun chẳng e sợ việc sửa chữa những tội ác xấu xa, ngay cả khi những người mắc tội là những người có thế lực và họ có thể trả thù ngài. Lần kia, thánh Gioan Sahagun sửa lỗi cho một công tước vì cách thức ông làm cho những người dân nghèo phải chịu khổ. Điều vị linh mục nói là sự thật! Nhưng trong cơn giận dữ, công tước đã sai hai người đầy tớ của mình tới giết thánh Gioan. Các ông này tìm thấy vị linh mục và tiến lại gần ngài. Cha Gioan Sahagun rất bình thản và phúc hậu. Cả hai ông tự nhiên cảm thấy bị chìm ngập trong nỗi sầu khổ và cả hai người đã xin thánh nhân tha thứ cho. Sau đó, vị công tước ngã bệnh. Qua những lời cầu nguyện của thánh Gioan Sahagun, ông đã ăn năn tội lỗi của mình và được bình phục.

Chính những ân sủng Gioan Sahagun nhận được từ lời cầu nguyện và thánh lễ đã giúp cho thánh nhân có được khả năng rao giảng. Thánh Gioan Sahagun đã cử hành thánh lễ với lòng rất sốt sắng.

Thánh Gioan Sahagun qua đời ngày 11 tháng Sáu năm 1479. Ngài được đức thánh cha Alêxanđơ VIII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1690.

Chúng ta sẽ là những Kitô hữu gây ấn tượng hơn nhiều nếu chúng ta bình tĩnh và an hòa trong cả cách nói lẫn cách sống. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ rao giảng Tin mừng được nếu tâm tính chúng ta thô lỗ cộc cằn và bị đè nặng bởi lo âu sợ sệt. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Sahagun chỉ cho chúng ta biết cách sống bình thản và quảng đại như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62765


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 11 Tháng 6:
THÁNH BARNABA

StBarnabas_0611.jpg


Dù không phải là một trong số mười hai tông đồ được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng thánh Barnaba được thánh ký Luca gọi là tông đồ trong sách Tông đồ Công vụ của ngài. Vì như tông đồ Phaolô, Barnaba cũng nhận được từ Thiên Chúa một sứ vụ đặc biệt. Thánh nhân là người gốc Dothái, sinh tại đảo Cyprô. Tên của ngài là Giuse nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba. Danh xưng này có nghĩa là “con của sự an ủi.”

Ngay khi trở thành Kitô hữu, thánh Barnaba đã bán tất cả những gì ngài có và đem tiền dâng cho các tông đồ. Thánh nhân là người tốt bụng. Ngài rất nhiệt thành hăng say tin yêu Đức Chúa Giêsu. Barnaba được sai đến thành Antiôkia để rao giảng Tin mừng. Antiôkia là thành phố lớn thứ ba trong đế quốc Rôma thời ấy. Tại đây, những người tin theo Đức Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Barnaba nhận thấy mình cần sự giúp đỡ nên liền nghĩ tới Phaolô thành Tarsô. Ngài tin rằng Phaolô đã thực sự được ơn trở lại. Chính Barnaba đã đứng ra thuyết phục thánh Phêrô và cộng đoàn Kitô hữu; và đã xin cho Phaolô đến làm việc với mình. Barnaba là người khiêm tốn. Ngài không ngại chia sẻ năng lực và trách nhiệm. Ngài cũng biết Phaolô có một ân sủng rất đặc biệt và ngài muốn thánh nhân có cơ hội để trao ban.

Một thời gian sau, Chúa Thánh Linh đã chọn Phaolô và Barnaba để thực hiện một sứ vụ quan trọng. Sau đó không lâu, hai vị tông đồ đã lên đường thực hiện sứ mệnh anh dũng này. Các ngài đã phải chịu nhiều đau khổ và thường hay gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng giữa những thử thách cam go, việc rao giảng của các ngài đã thuyết phục được nhiều người trở về với Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.

Sau đó, thánh Barnaba tiếp tục thực hiện một cuộc truyền giáo khác. Lần này với thánh Marcô, người bà con với ngài. Họ đi về Cyprô, quê hương của Barnaba. Qua việc rao giảng của thánh Barnaba, rất nhiều người đã trở nên Kitô hữu đến nỗi Barnaba được gọi là tông đồ của đảo Cyprô. Theo ý kiến chung, người ta cho rằng vị đại thánh này đã bị ném đá chết vào năm 61.

Thánh Barnaba đã nhận một danh xưng biểu hiệu đúng con người của ngài: một người tốt luôn luôn khuyến khích người khác yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện với vị thánh này và xin ngài làm cho chúng ta cũng được trở nên những “người con của sự an ủi” như thánh nhân.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 6 years 10 months ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012