Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62762


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 10 Tháng 6:
CHÂN PHƯỚC JOACHIMA (1783-1854)

BlJoachima_0610.jpg


Sinh trong một gia đình quý tộc ở Barcelona, Tây Ban Nha, khi lên 12 tuổi Joachima đã muốn trở thành một nữ tu dòng Camêlô. Nhưng cuộc đời ngài thay đổi, khi 16 tuổi ngài kết hôn với một luật sư trẻ, Theodore de Mas. Cả hai rất đạo đức và đều gia nhập dòng Ba Phanxicô. Trong 17 năm thành hôn, họ có tất cả tám người con.

Ðời sống gia đình êm ả của họ bị khuấy động khi Napoleon xâm lăng Tây Ban Nha. Joachima phải đem các con đi lánh nạn; trong khi Theodore ở lại nhà và đã chết. Mặc dù Joachima lại mong muốn đi tu, nhưng bà phải chu toàn bổn phận của một người mẹ. Ðồng thời, người goá phụ trẻ này bắt đầu một cuộc sống khắc khổ và chiếc áo dòng Ba Phanxicô đã trở nên y phục thường ngày của ngài. Trong cuộc sống hy sinh hãm mình ấy, bà dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và thăm viếng kẻ liệt.

Bốn năm sau, khi các con đã khôn lớn và đã thành gia thất, chỉ còn người con út vẫn độc thân, bà Joachima đã nói lên khao khát đi tu với cha giải tội. Do sự khuyến khích của cha, bà đã thành lập tu hội Camêlô Bác Ái. Giữa những cuộc chiến huynh đệ tương tàn vào thời ấy, bà Joachima đã bị cầm tù và sau này, bị đầy sang Pháp trong một vài năm.

Vì đau yếu bệnh hoạn, bà đã phải từ chức bề trên tu hội. Trong vòng bốn năm kế tiếp, từ từ bà bị tê liệt. Cho đến khi từ trần năm 1854 lúc 71 tuổi, bà là người nổi tiếng và được mọi người khâm phục về tinh thần cầu nguyện, sự tín thác sâu xa vào Chúa và lòng bác ái vô bờ.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62760


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 09 Tháng 6:
THÁNH EPHREM (EPHRAIM)

StEphraim_0609.jpg


Thánh Ephrem sinh ở Mêsôpôtamia khoảng năm 306. Ngài được chịu phép Thanh tẩy năm lên mười tám tuổi. Sau đó, Ephrem lui vào sa mạc và trở thành ẩn sĩ. Ephrem tìm thấy một cái hang gần thành phố Êđessa ở Syria. Quần áo Ephrem mang theo chỉ là những mảnh vải vụn chắp vá lại; và thức ăn thánh nhân dùng là những thứ hoa màu đất mẹ cung cấp.

Thánh Ephrem có tính hay nóng giận. Nhưng dần dần, thánh nhân đã làm chủ được mình. Và rồi, những ai gặp gỡ Ephrem đều nghĩ rằng con người của Ephrem thật là điềm tĩnh! Ephrem thường hay đi giảng ở Êđessa. Khi Ephrem nói về sự phán xét của Thiên Chúa, dân chúng đã cảm động oà khóc. Thánh nhân kể cho họ nghe rằng xưa kia ngài là một tội nhân rất khốn nạn. Ephrem thật sự có ý nói như vậy vì dù lầm lỗi ngài chỉ rất nhỏ mọn nhưng đối với Ephrem, chúng cũng được xem như là những tội phạm rất nặng. Khi thánh Basiliô gặp ngài, thánh nhân hỏi: “Có phải ngài là Ephrem, đầy tớ danh tiếng của Đức Chúa Giêsu không?” Ephrem liền vội trả lời: “Tôi là Ephrem, người kéo lê những bước bất xứng trên đường dẫn tới ơn cứu độ!” Sau đó, Ephrem nài xin và nhận được lời khuyên của thánh Basiliô về cách thức làm tăng triển đời sống nội tâm.

Thánh Ephrem dùng thời giờ để viết những sách thiêng liêng. Thánh nhân viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau: Syria, Hy Lạp, Latinh và Ácmênia. Những sách này rất hay và rất đạo đức đến nỗi chúng đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng. Ngày nay những sách ấy vẫn còn được người ta tìm đọc. Ephrem cũng viết những bài thánh ca dùng cho phần phụng vụ cộng đoàn. Những thánh ca này rất được ưa chuộng và mỗi khi hát lên, người tín hữu học hỏi được nhiều điều về đức tin. Đó là lý do tại sao Ephrem được gọi là “cây đàn hạc của Chúa Thánh Linh.” Vì là thầy dạy uyên bác qua các tác phẩm của mình, nên vào năm 1920, thánh Ephrem được tôn lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh.

Thánh Ephrem qua đời vào tháng Sáu năm 373.

Một cách để tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể là cùng nhau hát những bài thánh ca. Đây là việc thánh Ephrem sẽ làm nếu như ngài quỳ gối bên cạnh chúng ta tham dự thánh lễ.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cường [ Tôma ], Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62758


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 08 Tháng 6:
THÁNH WILLIAM Ở YORK

StWilliamYork_0608.jpg


Thánh William FitzHerbert sinh tại Anh quốc vào thế kỷ mười hai. Ngài là cháu trai của vua Stephen. Lúc còn trẻ, William thích sống vô tư thoải mái và hơi lười biếng. Dường như một số người có ấn tượng về William cho rằng ngài là người ít nghiêm chỉnh, chẳng quan tâm gì đến những trách nhiệm trong cuộc sống. Tuy thế, William rất được dân thành York hâm mộ.

Nhiều năm sau đó, khi đức tổng giám mục York qua đời, người ta đã chọn William thay thế địa vị này. Vào thời ấy, các nhà quý tộc thường hay xen vào công việc bầu chọn giám mục. Đây là lý do tại sao nhiều linh mục nghĩ rằng William đã không được chọn lựa cách hợp lệ. Chính nhà vua, người cậu của William đã chỉ định ngài. Ngay cả thánh Bênađô (Bernard) thời danh lúc ấy cũng góp ý thuyết phục đức thánh cha nên chọn một người khác làm tổng giám mục thành York. Người ta yêu cầu William không được nhận chức vì họ cảm thấy việc ngài được chỉ định không có căn cứ vững chắc. William rời khỏi tòa giám mục với cảm nghĩ mình bị xúc phạm và bị phế bỏ. Ngài tìm đến sống với một người cậu khác cũng làm giám mục. Hình như William đã trở nên một người sống nội tâm hơn nhiều. William chẳng nhận lấy bất cứ một thứ tiện nghi nào của cậu ban tặng. William sống trong tinh thần cầu nguyện và sám hối. William bắt đầu biểu lộ tấm lòng quan tâm đến Giáo hội và đức tin của mình.

Dân thành York rất tức giận về chuyện xảy đến cho đức tổng giám mục của họ. Họ không thể hiểu được tại sao một việc như thế lại có thể xảy ra! Đã có những cuộc ẩu đả trên đường phố giữa những người ủng hộ và không ủng hộ William. Sáu năm trôi qua! William vẫn sống trầm lặng cầu nguyện trong căn nhà của đức giám mục cậu ngài. William nài xin Thiên Chúa ban bình an xuống cho tổng giáo phận của ngài. Việc William bị đối xử cách bất công chẳng quan trọng gì. Quan trọng là đoàn chiên của William được yêu thương chăm sóc mà thôi!

Cuối cùng, lời khẩn nguyện của William đã được Thiên Chúa chấp nhận. Khi đức tổng giám mục kia qua đời, đức thánh cha sai William trở về thành York. Ngài đã tới thành vào tháng Năm năm 1154. Dân chúng rất đỗi vui mừng. Nhưng lúc này trông William đã già yếu; và khoảng một tháng sau William qua đời. Năm 1227, đức thánh cha Honorius III đã tôn phong William York lên bậc hiển thánh.

Đôi khi người ta thổi phồng quá đáng hoặc nói những chuyện không thật về chúng ta. Những lúc ấy, chúng ta hãy nài xin thánh William York giúp cho biết quảng đại tha thứ như ngài. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân chỉ cho chúng ta biết cách điều hòa cuộc sống và không lãng phí thời giờ tưởng nghĩ về những nỗi thương đau của mình.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62755


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 7 Tháng 6:
CHÂN PHƯỚC ANNÊ BATÔLÔMÊÔ

BlAnnaBartholomeus_0607.jpg


Chân phước Annê Batôlômêô là con gái của một gia đình dân quê. Ngài chăn giữ chiên cừu cho tới khi lên hai mươi tuổi. Avila, thành phố nơi thánh nữ Têrêsa và các nữ tu dòng Cátminh đang sống, cách quê hương của chân phước Annê Batôlômêô ở khoảng sáu cây số. Rồi, Annê Batôlômêô được nhận vào dòng. Annê Batôlômêô là chị nữ tu ngoài nội vi hơn là chị nữ tu dòng kín theo luật nội vi; vì Annê có thể ra ngoài lo những công việc nho nhỏ cần thiết cho đan viện.

Suốt bảy năm cuối đời, thánh nữ Têrêsa Avila đã chọn chị nữ tu này, là chân phước Annê Batôlômêô, làm bạn đồng hành đó đây với mình. Thánh nữ Têrêsa Avila đi khắp nơi thăm nom các nữ tu viện của ngài. Đôi khi thánh nữ cũng thiết lập một tu viện mới. Thỉnh thoảng thánh nữ giúp các nữ tu sống hăng hái nhiệt thành hơn với ơn gọi đã chọn. Thánh nữ Têrêsa Avila rất coi trọng chân phước Annê và khen ngợi ngài với các chị em khác.

Dù chân phước Annê Batôlômêô không có cơ hội đi học nhưng ngài cũng biết đọc và biết viết. Annê ghi lại những chuyến tháp tùng của mình với thánh nữ Têrêsa Avila. Chính chân phước Annê đã ở bên thánh Têrêsa Avila lúc ngài lìa đời.

Đời sống của chân phước Annê Batôlômêô vẫn tiếp diễn cách hoàn toàn bình lặng suốt sáu năm sau cái chết của thánh nữ Têrêsa. Rồi các bề trên quyết định thiết lập một tu viện mới ở Pari, nước Pháp. Năm người được chọn đi và chân phước Annê Batôlômêô là một trong số họ. Đang lúc dân thành Paris chào đón các nữ tu cách nồng hậu thì chân phước Annê Batôlômêô liền vội chạy vào nhà bếp chuẩn bị bữa ăn cho các chị em đang đói mệt. Sau đó, bốn trong số năm chị nữ tu chuyển đến Hà Lan. Annê Batôlômêô ở lại vì họ chỉ định ngài làm bề trên nhà ấy. Dường như Annê đã thưa với Thiên Chúa rằng hầu hết các chị em người Pháp gia nhập cộng đoàn đều xuất thân từ các gia đình quý phái giàu có. Annê trình bày với Thiên Chúa rằng ngài chỉ là một cô bé chăn chiên nghèo nàn mà thôi! Và sau đó, chân phước Annê được nghe Thiên Chúa trả lời trong lòng rằng: “Với những cọng rơm, Ta sẽ đốt thành đống lửa của Ta!”

Rồi, Annê Batôlômêô được sai đến Hà Lan để lập thêm nhiều tu viện mới. Trước tiên, Annê đến Mons và sau đó tới Anwep. Các chị em đến tu dòng Cátminh đều xem Annê Batôlômêô như một vị thánh. Annê Batôlômêô qua đời tại Anwep năm 1626. Ngài được đức thánh cha Bênêđictô XV tôn phong lên bậc chân phước.

Chân phước Annê Batôlômêô không ham thích giữ địa vị gì quan trọng. Ngài chẳng hoài bão điều gì! Bất cứ khi nào chúng ta thấy mình ham muốn làm người quan trọng, chúng ta có thể cầu xin với chị nữ tu thánh thiện này. Chân phước Annê Batôlômêô sẽ giúp chúng ta biết để tâm vào việc làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn là làm mủi lòng người ta.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62752


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 06 Tháng 6:
THÁNH NÔBETÔ

StNorbert_0606.jpg


Thánh Nôbetô sinh tại nước Đức vào khoảng năm 1080. Lúc ở tuổi thiếu niên, thánh nhân rất tốt lành. Nhưng rồi tại cung điện của vua Henri V, Nôbetô đã phung phí tất cả thời giờ của ngài vào những chuyện bỡn cợt phù phiếm. Nôbetô chỉ nghĩ tưởng đến việc dành cho được những địa vị sang trọng. Nôbetô là người đầu tiên có mặt tại các buổi tiệc và các cuộc lễ. Ngài hết sức sung sướng với “cuộc sống lý thú” này. Tuy thế vào một ngày kia, một tia chớp đã làm Nôbetô hoảng sợ. Con ngựa của Nôbetô lồng lên. Nôbetô bị hất tung xuống đất và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Nôbetô bắt đầu suy nghĩ cách nghiêm túc về lối sống của mình. Cảm thấy Thiên Chúa rất gần gũi, Nôbetô nhận ra rằng Thiên Chúa đang ban cho mình ân sủng để thay đổi đời sống. Dần dần, Nôbetô hồi tưởng về hoài bão mà ngài đã có cách đây nhiều năm. Nôbetô đã suy nghĩ đến việc làm linh mục. Giờ đây Nôbetô thực hiện ước vọng ấy; và Nôbetô được thụ phong linh mục năm 1115.

Cha Nôbetô ra sức hoạt động để làm cho người ta từ bỏ lối sống trần tục của họ. Cha làm gương sáng qua việc bán tất cả những gì ngài có để bố thí cho những người nghèo. Sau đó, thánh Nôbetô trở thành vị sáng lập dòng Thuyết Giảng Đức Tin. Nhóm tu sĩ đầu tiên gồm mười ba người bắt đầu sống đời tu trì dưới hình thức cộng đoàn. Họ sống trong thung lũng Prêmông. Đó là lý do tại sao họ được gọi là các kinh sĩ Prêmông. Họ cũng được gọi là các kinh sĩ Nôbetô, theo vị sáng lập của họ.

Sau đó, thánh Nôbetô được chọn làm giám mục thành Mađêbơ. Ngài ăn mặc rất đơn sơ nghèo khó và đi chân không vào thành phố. Người gác cổng nhà đức giám mục không biết Nôbetô nên đã không cho ngài vào. Anh ta bảo Nôbetô hãy nhập bọn với lũ ăn mày khác. “Nhưng ngài là đức tân giám mục đó!” những người biết vị thánh kêu lên. Anh gác cổng rất đỗi kinh hoàng và tỏ vẻ hối hận. “Không sao cả, anh bạn yêu quý ạ!” thánh Nôbetô nói với anh một cách thân thiện. “Anh đã cư xử với tôi đúng hơn những người mang tôi tới đây!”

Thánh Nôbetô phải đương đầu với một bè rối không tin nhận Đức Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Thánh Thể. Nhưng những lời giảng thuyết hùng hồn của thánh nhân về sự hiện diện của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể đã làm cho người ta trở về với đức tin thánh thiện. Vào tháng Ba năm 1133, Nôbetô và một người bạn rất thân của ngài là thánh Bênađô (lễ kính ngày 20 tháng Tám) đã tham gia một đám rước khác thường. Các ngài cùng với đức vua và quân đội của ông hộ tống đức thánh cha thật là đức Innôcentê II trở về Vatican an toàn.

Thánh Nôbetô qua đời năm 1134. Đến năm 1582, đức thánh cha Grêgôriô XIII đã tôn phong Nôbetô lên bậc hiển thánh.

Chúng ta hãy học nơi thánh Nôbetô nhiều điểm hay, nhất là đời sống nghiêm túc. Chúng ta cũng hãy học hỏi nơi ngài lòng biết ơn và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể; và tiếp rước Người với lòng tin yêu.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62745


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 05 Tháng 6:
THÁNH BÔNIPHAXIÔ (ST. BONIFACE)

StBoniface_0605.jpg


Vị tông đồ vĩ đại của nước Đức này sinh tại Wessit, nước Anh, vào khoảng giữa những năm 672 và 680. Khi còn nhỏ, có vài vị thừa sai đã lưu lại căn nhà của Bôniphaxiô. Họ kể cho Bôniphaxiô nghe về mọi công việc họ đã làm. Họ cảm thấy rất sung sướng và hăng say trong việc mang Tin mừng đến cho mọi người. Trong thâm tâm, Bôniphaxiô quyết định khi lớn lên cũng sẽ trở nên một người giống như họ. Lúc còn trẻ, Bôniphaxiô học tại một trường dòng. Vài năm sau, ngài trở nên một thầy dạy danh tiếng. Khi được thụ phong linh mục, thánh Bôniphaxiô trở thành một nhà giảng thuyết có ảnh hưởng đặc biệt vì thánh nhân có tấm lòng rất nhiệt thành.

Thánh Bôniphaxiô rất muốn cho mọi người có cơ hội được hiểu biết và yêu mến Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người. Thánh nhân là nhà truyền giáo tại vùng Tây Đức. Đức thánh cha Grêgôriô II đã chúc lành cho Bôniphaxiô và sai ngài đi thi hành sứ vụ này. Bôniphaxiô rao giảng và thu được thành quả đặc biệt. Thánh nhân có tính tình hiền hòa và tâm hồn quảng đại. Ngài cũng là người rất can đảm. Lần kia, để minh chứng rằng các phiếm thần chỉ là chuyện giả tạo, Bôniphaxiô đã đánh bạo một phen. Có một cây sồi cao to rắn chắc gọi là “cây sồi Thor.” Các người ngoại giáo tin là nó rất linh thiêng đối với các vị thần của họ. Trước mặt đám đông người, Bôniphaxiô dùng rìu đốn cây ấy một hồi lâu. Cây to đổ xuống. Những người ngoại giáo nhận ra các thần minh của họ chỉ là giả tạo vì chẳng có chuyện gì xảy đến cho Bôniphaxiô cả!

Thánh Bôniphaxiô rao giảng nơi nào thì nơi ấy đều có những thành viên mới xin gia nhập Giáo hội. Trong đời mình, Bôniphaxiô đã hoán cải được rất đông người theo đạo Công giáo. Để thay thế các tượng tà thần, thánh Bôniphaxiô đã xây cất các thánh đường và các tu viện. Năm 732, đức tân giáo hoàng, thánh Grêgôriô III, đã đặt Bôniphaxiô làm tổng giám mục và đưa ngài tới một vùng truyền giáo khác. Đó là Bavaria, (ngày nay là phần đất của nước Đức). Bôniphaxiô và một số bạn đồng hành đã đến đó dạy cho người ta nhận biết đức tin chân thật. Nơi đây thánh giám mục cũng rất thành công.

Rồi một ngày kia, đang khi dọn lòng để củng cố khuyến khích một số người mới gia nhập đạo thì một nhóm lính tráng hung tợn đột nhiên xông vào lều trại các ngài. Bôniphaxiô không cho các đồng bạn bảo vệ mình. “Thiên Chúa bảo chúng ta hãy lấy ân đền oán,” ngài nói. “Ngày mà cha mong đợi bấy lâu nay giờ đây đã đến. Hãy tin cậy vào Chúa và Người sẽ cứu thoát chúng ta!” Bọn người man rợ tấn công và Bôniphaxiô là người bị giết đầu tiên. Thánh Bôniphaxiô chịu tử đạo ngày mùng 5 tháng Sáu năm 754. Thánh nhân được chôn táng trong một đan viện danh tiếng mà ngài đã thiết lập tại Funđa, nước Đức. Thánh nhân muốn như vậy.

Ngày nay vẫn còn rất nhiều người chưa nhận biết một Thiên Chúa chân thật. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Nếu Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên những nhà truyền giáo, chúng ta có thể nài xin thánh Bôniphaxiô giúp chúng ta thuận theo tiếng gọi.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62743


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 04 Tháng 6:
THÁNH PHANXICÔ CARAXIÔLÔ

StFrancisCaraciolus_0604.jpg


Thánh Phanxicô Caraxiôlô sinh ngày 13 tháng Mười năm 1563 tại miền Abruzi, nước Ý. Thân phụ ngài là một quý tộc vùng Napôli. Thân mẫu ngài có liên hệ bà con với tộc họ Aquinô; tộc họ này có một người làm thánh ở thế kỷ mười ba là thánh Tôma Aquinô. Phanxicô Caraxiôlô được hấp thụ một nền giáo dục tốt lành. Thánh nhân rất năng động trong các môn thể thao. Rồi khi lên hai mươi hai tuổi, một chứng bệnh giống như phong hủi đã làm cho Phanxicô Caraxiôlô gần chết. Đang lúc chịu bệnh, Phanxicô Caraxiôlô suy gẫm về sự giả dối của các thú vui trần thế. Ngài nhận thấy rằng hạnh phúc đích thực chỉ có thể tìm được trong một cái gì đó thâm sâu hơn. Phanxicô Caraxiôlô khấn hứa nếu được bình phục thì sẽ tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Chứng bệnh đã mau chóng rời khỏi Phanxicô Caraxiôlô như một phép lạ. Và Phanxicô Caraxiôlô đã giữ lời hứa. Ngài bắt đầu học làm linh mục.

Sau khi được thụ phong, cha Phanxicô Caraxiôlô gia nhập nhóm tận hiến phục vụ nhà giam. Họ trông nom coi sóc các tù nhân và chuẩn bị cho những người bị kết án tử được hưởng ơn chết lành. Rồi Phanxicô Caraxiôlô và một linh mục khác, cha Augustinô Ađônô, đã thiết lập một dòng tu mới. Khi cha Ađônô qua đời, Phanxicô Caraxiôlô được chọn làm bề trên tổng quyền. Ngài không cảm thấy được thoải mái chút nào trong chức vị này. Phanxicô Caraxiôlô thật khiêm nhường đến độ ở cuối mỗi lá thư, ngài thường hay ký tên: “Phanxicô, kẻ tội lỗi.” Thánh nhân cũng lần lượt làm các việc lau chùi nhà cửa, dọn giường và rửa chén dĩa cùng với các anh em linh mục khác.

Cha thánh Phanxicô Caraxiôlô thường hay trải qua cả đêm dài cầu nguyện trong nhà thờ. Ngài muốn hết thảy các linh mục của mình phải dùng ít nhất một giờ trong ngày để cầu nguyện trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Thánh Phanxicô Caraxiôlô thường hay nói về tình Chúa yêu thương con người đến nỗi ngài nổi tiếng là “nhà giảng thuyết về tình yêu Thiên Chúa.”

Thánh Phanxicô Caraxiôlô sống không thọ lắm. Ngài qua đời năm 1607 khi mới được bốn mươi bốn tuổi. Ngay trước lúc chết, thánh nhân đột nhiên kêu lên: “Chúng ta hãy đi!” – “Cha muốn đi đâu?” Vị linh mục bên cạnh giường hỏi ngài. “Lên thiên đàng! Lên thiên đàng!” Phanxicô Caraxiôlô trả lời với một giọng đầy vui tươi và rõ ràng. Sau đó ít phút ngài qua đời. Năm 1807, Phanxicô Caraxiôlô được đức thánh cha Piô VII tôn phong lên bậc hiển thánh.

Trong lá thơ thứ hai gởi cho các tín hữu thành Côrintô, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương người trao ban cách vui vẻ. Đây chính là mẫu người mà thánh Phanxicô Caraxiôlô là điển hình. Nếu muốn cần một chút giúp đỡ trong việc dùng thời giờ và sức lực của mình cách quảng đại hơn, chúng ta có thể nài xin vị thánh này trợ giúp. Chúng ta cũng hãy xin thánh nhân làm cho chúng ta trở nên những người trao ban cách vui vẻ như thánh Phaolô đã mô tả.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62741


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 03 Tháng 6:
THÁNH CARÔLÔ LWANGA VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

StsCharlesLwanga-Companions_0603.jpg


Kitô giáo còn hoàn toàn mới lạ đối với Phi châu cho tới khi việc truyền bá đạo Công giáo bắt đầu khai mào từ năm 1879. Các linh mục là những tu sĩ dòng Thừa Sai Phi Châu. Các ngài được mọi người biết đến dưới tước hiệu “các cha áo trắng” vì các ngài mang bộ tu phục màu trắng. Vua Mwanga chẳng biết Kitô giáo rao giảng những gì nhưng ông cảm thấy bực mình khi một tín hữu Công giáo là Giuse Mkasa khiển trách lối sống của ông. Vua đã sát hại một nhóm Kitô hữu và cả vị giám mục thân yêu của họ. Vua cũng can dự vào sinh hoạt đồng tính luyến ái. Ông đặc biệt ưa thích các chú tiểu đồng. Rồi sự bực mình của vua Mwanga trở nên phẫn nộ và căm thù đối với Giuse Mkasa và tôn giáo của anh. Một số giới chức tham tham của nhà vua đã kích động tâm trạng vua với những lời xu nịnh gian trá. Thế là vào ngày 18 tháng Mười Một năm 1885, Giuse Mkasa bị đem ra xử trảm. Cuộc bách hại khủng bố bắt đầu. Trước khi nó kết thúc, hàng trăm người đã bị thiệt mạng. Hai mươi hai người trong số họ được tôn phong lên bậc hiển thánh.

Với cái chết của Giuse Mkasa, Carôlô Lwanga trở thành thầy dạy đạo chính yếu cho các chú tiểu đồng của vua. Vào ngày 26 tháng Năm năm 1886, vua Mwanga nhận thấy một số tiểu đồng của ông là tín hữu Công giáo. Ông cho gọi Đênis Sêbugwawo vào. Ông hỏi có phải Đênis đã dạy đạo cho các tiểu đồng không. Đênis trả lời phải. Nhà vua liền chụp lấy ngọn giáo của mình và phóng xuyên qua cổ họng chàng thanh niên. Rồi ông la lớn tiếng không cho phép ai được rời khỏi tổng hành dinh của ông. Tiếng trống đấu tranh vang lên thâu đêm. Trong một căn phòng kín ẩn, Carôlô Lwanga đã bí mật rửa tội cho bốn chú tiểu đồng. Một em trong bọn trẻ là thánh Kizitô, chú bé mười ba tuổi có tính tình vui tươi quảng đại. Kizitô là người bé nhất trong nhóm. Thánh Carôlô Lwanga thường hay bảo vệ Kizitô thoát khỏi lòng ham muốn dâm dật của vua Mwanga.

Hầu như hai mươi hai vị thánh tử đạo Uganđa này đã bị giết chết vào cùng ngày mùng 3 tháng Sáu năm 1886. Các ngài bị bắt đi bộ chừng năm mươi chín cây số đến nơi hành quyết. Sau ít ngày bị giam tù, người ta ném các ngài vào một đống lửa lớn. Mười bảy người trong số ấy là những chú tiểu đồng thuộc vương gia. Một trong các cậu bé tử đạo là thánh Mbaga. Hôm ấy chính thân phụ ngài là người đao phủ. Một vị tử đạo khác là thánh Anrê Kagwa, mất ngày 27 tháng Giêng năm 1887, cũng ở trong số hai mươi hai vị tử đạo được đức thánh cha Phaolô VI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1964.

Carôlô Lwanga là thánh bổn mạng của giới trẻ da mầu Phi châu. Ngài và các bạn tử đạo đã hết sức hiểu rõ và quý trọng ơn đức tin của mình. Các ngài đã là những anh hùng! Chúng ta hết thảy hãy cầu xin cùng thánh Carôlô Lwanga và các thánh tử đạo Phi châu này. Hãy xin các ngài chỉ cho chúng ta biết cách làm chứng cho Đức Chúa Giêsu và Giáo hội như các ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62738


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 02 Tháng 6:
THÁNH MAXÊLINÔ VÀ THÁNH PHÊRÔ

StsMarcellinusAndPeter_0602.jpg


Tên hai vị thánh này được nhắc đến ở kinh nguyện Thánh Thể thứ nhất trong thánh lễ. Các ngài được các Kitô hữu tiên khởi khẩn cầu và tôn kính khắp nơi. Lễ mừng kính hai vị tử đạo này được đức thánh cha Viligiô gồm chung trong lịch kính các thánh Rôma năm 555.

Thánh Maxêlinô là linh mục và thánh Phêrô giúp đỡ thánh Maxêlinô trong sứ vụ của ngài. Cả hai đều rất can đảm trong việc sống niềm tin Kitô giáo. Các ngài phục vụ cộng đoàn tín hữu với một lòng hy sinh quên mình đặc biệt. Trong suốt cuộc khủng bố bắt đạo của Điôclêsiô, nhiều Kitô hữu đã bị giết. Hai vị thánh này cũng ở trong số họ. Các ngài bị xử trảm. Tuy vậy, hình như trước khi chết thì người ta đã bắt chính các ngài phải đào các nấm mồ chôn mình. Các ngài được đưa tới một nơi bí ẩn để thực hiện nhiệm vụ khó nhọc ấy. Đó là khu rừng mang tên Silva Nigra. Một thời gian sau, người ta phát hiện ra mộ các ngài ở trong nơi sâu thẳm này. Người hành quyết các ngài sau cùng cũng sám hối ăn năn về sự giết chóc tàn bạo của mình; và ông đã trở nên một Kitô hữu. Ông đã dẫn các tín hữu mộ đạo đến nơi chôn cất các tử thi; và sau đó, họ mai táng các ngài trong hang toại đạo thánh Tibêriô. Vào năm 827, đức thánh cha Grêgôriô IV đã cho đem các thánh tích tới Frăngphơ, nước Đức. Ngài tin rằng các thánh tích của hai vị thánh tử đạo này sẽ mang những ân phúc đến cho Giáo hội ở quốc gia ấy.

Chúng ta có thể học hỏi nơi các thánh tử đạo để cuộc sống của mình trở nên những tấm gương phản chiếu niềm tin vào Đức Chúa Giêsu. Chúng ta có thể cầu nguyện với hai thánh Maxêlinô và Phêrô, và hãy xin các ngài ban ơn giúp sức để tăng triển thêm niềm tin và lòng yêu mến của mình.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 06 6 years 10 months ago #62734


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 01 Tháng 6:
THÁNH JUSTINÔ TỬ ĐẠO

StJustinMartyr_0601.jpg


Thánh Justinô quê ở Samaria. Ngài sống vào thế kỷ thứ hai. Thân phụ của Justinô đã dưỡng dục ngài trong tinh thần ngoại giáo, không tin có Thiên Chúa. Khi còn trẻ, Justinô đọc các sách thi ca, sử ký và khoa học. Đến tuổi trưởng thành, thánh nhân tiếp tục tìm tòi nghiên cứu những sách ấy. Mục đích chính yếu của việc tra cứu là tìm hiểu chân lý về Thiên Chúa.

Một ngày kia, đang khi đi dạo trên bờ biển, Justinô gặp một cụ già. Cả hai bắt đầu trò truyện với nhau. Khi thấy Justinô có vẻ đăm chiêu suy tư, cụ già liền hỏi xem ngài đang suy nghĩ gì. Justinô trả lời cụ rằng mình thật bất hạnh vì chẳng tìm thấy được bất cứ chân lý chắc chắn nào về Thiên Chúa trong các sách ngài đọc cả. Và cụ già đã nói với Justinô về Đức Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ. Cụ khuyến khích Justinô cầu nguyện để có thể am hiểu những chân lý về Thiên Chúa.

Thánh Justinô bắt đầu cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Dần dà, ngài trở nên người rất mộ mến lời Chúa. Rồi thánh nhân cũng cảm động khi thấy các Kitô hữu thật can đảm trong việc dám hy sinh chết cho niềm tin và lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu. Sau khi học hỏi sâu hơn về đạo Công giáo, Justinô trở nên một Kitô hữu. Sau đó, thánh nhân đã dùng kiến thức đặc biệt của ngài để trình bày và bảo vệ đức tin qua nhiều bài viết.

Chính tại Rôma, thánh Justinô đã bị bắt vì là Kitô hữu. Quan tòa hỏi ngài: “Anh có nghĩ rằng khi chết đi anh sẽ lên thiên đàng và được ân thưởng không?” “Tôi không những chỉ nghĩ như thế,” vị thánh trả lời, “mà tôi còn tin chắc như vậy nữa!” Và thánh Justinô đã chịu tử vì đạo khoảng năm 166.

Để giữ đức tin vững vàng, chúng ta hãy năng cầu nguyện với lòng tin tưởng. Thỉnh thoảng chúng ta hãy lặp đi lặp lại tác động đức tin ngắn gọn và đơn sơ này: “Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa!”


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Hùng 31, Bác Phan T. Thái


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012