Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 8 months ago #62881


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 31 Tháng 7:
THÁNH INHAXIÔ LÔYÔLA

0731_StIgnatiusLoyola.jpg


Vị sáng lập dòng Tên nổi danh Inhaxiô Lôyôla sinh năm 1491. Ngài xuất thân trong một gia đình quý tộc Tây Ban Nha. Khi còn nhỏ, Inhaxiô được gởi vào giúp việc trong hoàng cung. Ở đó, Inhaxiô nuôi dưỡng khát vọng một ngày nào đó sẽ trở nên một binh sĩ vĩ đại và sẽ kết hôn với một phụ nữ xinh đẹp. Về sau, Inhaxiô đã đạt được vinh dự này vì lòng can đảm chiến đấu trong trận đánh Pamplôna. Tuy nhiên, vết thương từ viên đạn đại bác đã buộc Inhaxiô phải trải qua nhiều tháng trời nằm bệnh tại lâu đài Lôyôla.

Rồi, Inhaxiô Lôyôla đã xin mượn một ít sách để đọc. Thánh nhân thích đọc truyện các hiệp sĩ hơn nhưng người ta chỉ có sẵn những truyện về Chúa Giêsu và gương các thánh. Vì không có gì để làm, Inhaxiô Lôyôla bèn đọc đỡ các sách truyện này. Dần dần, các sách này đã gây ấn tượng trên Inhaxiô và đời sống của Inhaxiô bắt đầu thay đổi. Ngài tự nhủ: “Các vị thánh nam và thánh nữ này cũng giống như tôi, vậy sao tôi không thể làm được những gì họ đã làm nhỉ?” Tất cả những vinh quang mà Inhaxiô Lôyôla ao ước trước kia thì giờ đây dường như chẳng còn giá trị gì. Inhaxiô Lôyôla bắt đầu noi gương các vị thánh cầu nguyện, đền tội và làm việc bác ái.

Khi lành bệnh, Inhaxiô Lôyôla hành hương tới Monsơrat. Ngài đặt thanh gươm của mình trước một bàn thờ và bố thí bộ đồ sang trọng của ngài cho một người hành khất nghèo khó. Inhaxiô tiếp tục tới Monsơrat và ngài đã lưu lại đó hai năm (1522-1523) để tĩnh tâm và cầu nguyện. Vì mơ ước làm linh mục, Inhaxiô bắt đầu ghi danh học văn phạm tại Barxêlôna. Hầu hết các sinh viên đều trẻ hơn Inhaxiô rất nhiều tuổi. Inhaxiô Lôyôla lúc ấy đã 33! Tuy vậy, Inhaxiô Lôyôla vẫn quyết tâm đến trường vì ngài biết ngài cần kiến thức này để thi hành sứ vụ linh mục. Với lòng kiên nhẫn và đôi khi thích thú, Inhaxiô chấp nhận những lời chế nhạo cũng như mắng nhiếc của bọn trẻ. Suốt thời gian này, Inhaxiô đã cố gắng dạy bảo và khuyến khích người ta cầu nguyện. Vì lý do đó, Inhaxiô đã bị nghi là lạc giáo, và đã bị giam tù một thời gian. Nhưng điều ấy cũng không ngăn cản nổi Inhaxiô. “Cả thành phố này không chứa nổi nhiều dây xích như tôi ao ước được đeo mang vì tình yêu Chúa Giêsu!” Inhaxiô nói. Sau đó, Inhaxiô Lôyôla được xử vô tội và được phóng thích.

Inhaxiô Lôyôla tiếp tục tới Paris để trau dồi thêm Latinh và học môn triết. Tốt nghiệp đại học Paris, Inhaxiô lúc ấy đã 43 tuổi. Vào năm 1534, Inhaxiô tuyên các lời khấn dòng cùng với sáu anh em sinh viên khác. Inhaxiô Lôyôla và các anh em chưa làm linh mục được thụ phong năm 1539. Các ngài đoan hứa sẽ phục vụ Thiên Chúa qua việc vâng phục đức thánh cha cách trọn hảo. Năm 1540, đức thánh cha chính thức ký sắc lệnh châu phê hiến pháp của hội dòng. Trước lúc Inhaxiô Lôyôla qua đời, số tu sĩ dòng Tên (hay còn gọi là dòng Chúa Giêsu) đã lên tới 1000. Các ngài đảm nhận công tác dạy học và truyền giáo. Inhaxiô thường hay cầu nguyện với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu và ân sủng của Ngài, và như thế là đủ cho con!” Thánh Inhaxiô qua đời tại Rôma hôm 31 tháng Bảy năm 1556. Đức thánh cha Grêgôriô XV đã tôn ngài lên bậc hiển thánh năm 1622.

Thánh Inhaxiô Lôyôla đã đọc nhiều truyện về gương Chúa Giêsu và các thánh. Các sách này đã giúp ngài có một nhận thức sâu xa về Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Giáo hội. Chúng ta cũng hãy chọn đọc những sách truyện các thánh để có thêm nghị lực hầu trở nên những môn đệ quảng đại của Đức Chúa Giêsu.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 8 months ago #62878


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 30 Tháng 7:
THÁNH PHÊRÔ KIM NGÔN (ST. PETER CHRYSOLOGUS — Peter “of the Golden Words”)

0730_StPeterChrysologus.jpg


Thánh Phêrô kim ngôn sinh trưởng tại một thị trấn nhỏ miền Imôla, nước Ý. Ngài sống vào thế kỷ thứ 5. Giám mục Cornêliô thuộc giáo phận Imôla đã dạy dỗ và phong cho Phêrô thừa tác vụ phó tế. Ngay từ nhỏ, Phêrô đã hiểu được rằng người ta chỉ thực sự vĩ đại khi biết mặc lấy tinh thần của Chúa Kitô và làm chủ các đam mê của mình.

Khi đức tổng giám mục Ravenna, nước Ý, qua đời, đức thánh cha Sixtô III đã chỉ định Phêrô lên thay thế ngài. Lúc ấy khoảng năm 433. Với cương vị là linh mục và giám mục, thánh Phêrô đã làm việc rất có hiệu quả. Ngài đã loại bỏ hết các thói tục của dân ngoại vốn tồn tại trong giáo phận suốt nhiều năm qua. Ngài nâng đỡ niềm tin của các Kitô hữu trong giáo phận của ngài.

Thánh Phêrô nổi danh nhờ tài giảng thuyết. Từ ngữ “Chrysologos” có nghĩa là “lời vàng.” Qủa vậy, các bài giảng lễ và các huấn từ của thánh Phêrô thật vắn gọn và súc tích; và sứ điệp của thánh nhân quả thật có giá trị hơn vàng. Thánh Phêrô thuyết giảng với lòng nhiệt thành bốc lửa đến nỗi người ta phải nín thở mỗi khi nghe ngài. Trong các bài giảng của mình, thánh Phêrô khuyến khích mọi người hãy năng đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể hơn. Ngài muốn mọi người nhận thức rằng Mình Thánh Chúa Kitô chính là lương thực hằng ngày nuôi sống linh hồn ta.

Đức tổng giám mục tốt phúc này cũng ra sức hoạt động cho sự hiệp nhất Giáo hội. Ngài đã giúp người ta phân biệt những điều thuộc và không thuộc đức tin Công giáo. Ngài cũng cố gắng gìn giữ hòa bình. Thánh Phêrô kim ngôn qua đời năm 450 tại Imôla, quê hương ngài sinh trưởng. Vì những bài giảng thuyết tuyệt vời kèm theo những giáo huấn rất mực sâu sắc, thánh Phêrô kim ngôn đã được đức thánh cha Bênêđictô XIII tôn nhận là Tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1729. Ngày nay người ta còn giữ lại được khoảng 180 bài giảng thuyết của ngài.

Thánh Phêrô kim ngôn đã rao giảng một sứ điệp đơn sơ dễ hiểu. Chúng ta hãy nên giống ngài qua việc đem Tin mừng của Đức Chúa Giêsu ra thực hành với lòng yêu mến và quảng đại. Đó là sứ điệp mà mọi người sẽ hiểu biết và trân quý.
0730_StPeterChrysologus_01.jpg



0730_StPeterChrysologus_02.jpg

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 6 years 8 months ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 8 months ago #62876


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 29 Tháng 7:
THÁNH MATTA (ST. MARTHA)

0729_StMartha.jpg


Thánh nữ Matta là chị ruột của Maria và Lazarô. Các ngài sống tại một ngôi làng nhỏ bé tên Bêtania gần thành phố Giêrusalem. Các ngài là những người bạn rất thân của Đức Chúa Giêsu, và Đức Chúa Giêsu cũng thường hay đến thăm các ngài. Thật vậy, sách Tin mừng nói cho chúng ta biết: “Chúa Giêsu yêu Matta, Maria và Lazarô.” Chính thánh nữ Matta đã phục vụ Chúa Giêsu cách rất âu yếm khi Người đến thăm gia đình Matta.

Một ngày kia, thánh nữ Matta đang bận sửa soạn bữa ăn cho Chúa Giêsu và các tông đồ của Người. Thánh nữ nhận thấy rằng công việc sẽ dễ dàng hơn nếu cô Maria em ngài phụ giúp ngài một tay. Matta thấy Maria đang ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người. Matta liền đề nghị: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con giúp con với!” Chúa Giêsu rất hài lòng với công việc phục vụ dễ thương của Matta. Tuy vậy, Người muốn cho Matta hiểu rằng việc nghe lời Chúa và cầu nguyện thì có tầm quan trọng hơn. Vì thế, Chúa Giêsu đã dịu dàng nói: “Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện! Chỉ có một chuyện cần mà thôi! Maria em con đã chọn phần tốt nhất!”

Lòng tin tưởng mãnh liệt vào Chúa Giêsu của thánh nữ Matta còn được biểu lộ khi em trai Lazarô qua đời. Ngay lúc nghe tin Đức Chúa Giêsu đang đến Bêtania, Matta đã đi ra tiếp đón Người. Matta tin tưởng vào Chúa Giêsu và thốt lên cách rất tự nhiên: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết!” Sau đó, Chúa Giêsu nói với Matta rằng em Lazarô sẽ sống lại. Người nói: “Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống. Con có tin điều đó không?” Và Matta thưa: “Lạy Thầy, vâng con tin rằng Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian.” Hôm ấy, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ vĩ đại cho Lazarô sống lại từ cõi chết!

Sau đó, Chúa Giêsu lại đến dùng bữa với Lazarô, Matta và Maria. Thánh nữ Matta phục vụ bàn ăn như thường lệ. Tuy nhiên, lần này với thái độ đáng yêu hơn: Matta đã phục vụ với một trái tim thật vui tươi!

Thánh nữ Matta đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng về lòng hiếu khách. Khi chúng ta chào đón hay phục vụ ai, Đức Chúa Giêsu coi đó như là chúng ta làm cho chính bản thân Người. Thánh nữ Matta cũng nêu gương sáng về lòng tin tưởng và niềm trông cậy. Ngài là bạn thân của Đức Chúa Giêsu và ngài biết có thể tin tưởng vào lời Đức Chúa Giêsu đã nói. Xin thánh nữ Matta cũng giúp chúng ta biết tạo mối tương quan thân thiện với Đức Chúa Giêsu như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 8 months ago #62875


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 28 Tháng 7:
THÁNH LEOPOLD MANDIC (1887-1942)

0728_StLeopoldMandic.jpg


Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.

Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban."

Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.

Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Ðạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.

Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Ðông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.

Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.

Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.

Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.

Lời Bàn: Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ "hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa" (Quy Luật 1223, Chương 10) -- đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ "sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu."

Lời Trích: Thánh Leopold thường hay tự nhủ: "Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn... Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: 'Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'" (Gioan 10:16).


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 8 months ago #62873


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 27 Tháng 7:
CHÂN PHƯỚC ANTÔNIÔ LUCCI (1682 — 1752)

0727_BlAntonioLucci.jpg


Antôniô cùng học chung và là người bạn của Thánh Francesco Antonio Fasani, là người đã ra tòa án Giáo Hội để làm chứng cho sự thánh thiện của Antôniô sau khi ngài từ trần.

Sinh ở Agnone miền nam nước Ý, đó là một thành phố nổi tiếng về sản xuất chuông và đồ đồng, Antôniô có tên rửa tội là Angelo.

Ngài theo học trường của các tu sĩ Phanxicô và gia nhập cộng đoàn này khi 16 tuổi. Antôniô hoàn tất chương trình tu tập ở Assisi và thụ phong linh mục năm 1705. Sau đó, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và được bổ nhiệm làm giáo sư ở Agnone, Ravello và Naples. Ngài cũng là cha bề trên nhà dòng ở Naples.

Ðược bầu làm bề trên giám tỉnh năm 1718, và năm sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư trường Thánh Bônaventura ở Rôma.

Ngài giữ chức vụ này cho đến năm 1729, ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII chọn làm giám mục của Bovino (gần Foggia). Ðức giáo hoàng cho biết, "Tôi vừa chọn được một thần học gia xuất chúng và vị đại thánh làm giám mục Bovino."

Trong 23 năm làm giám mục, Ðức Lucci thường đến thăm các giáo xứ và canh tân đời sống phúc âm của giáo dân trong địa phận.

Ngài dùng tiền lương của một giám mục để hỗ trợ cho công việc giáo dục và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên dòng, Ðức Giám Mục Lucci đã viết cuốn sách về các thánh và các chân phước của dòng Phanxicô trong 200 năm đầu tiên.

Ngài được phong chân phước năm 1989, ba năm sau khi người bạn của ngài là Cha Francesco Antonio Fasani được phong thánh.

Lời Bàn: Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong năm 1975, con người ngày nay "được cảm kích bởi các chứng nhân hơn là người giảng dạy, và nếu họ nghe những người này, đó là vì người giảng dạy cũng là các chứng nhân" (Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay, #41).


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 8 months ago #62872


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 26 Tháng 7:
THÁNH GIOAKIM và THÁNH ANNA

0726_StsJoachimAndAnn.jpg


Thánh Gioakim và thánh Anna là song thân của Đức Trinh Nữ Maria. Các ngài đã dùng đời sống mình để tôn thờ Thiên Chúa và làm việc bác ái. Tuy vậy, các ngài cũng rất đau buồn vì suốt nhiều năm dài, các ngài vẫn không được phúc sinh con. Thánh Anna đã nhiều năm cầu xin Thiên Chúa ban cho có một người con; và thánh nữ đoan hứa sẽ tận hiến người con ấy cho Thiên Chúa. Đến khi thánh Anna đã già nua tuổi tác, Thiên Chúa mới nhận lời cầu xin của ngài và Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ một người con vượt xa hơn rất nhiều so với điều thánh nữ mong ước. Người con ấy chính là Đức Rất Thánh Trinh Nữ Maria. Người con thánh thiện hơn hết tất cả các người nữ này sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa. Thánh Anna đã yêu thương chăm sóc Đức Maria độ vài năm, sau đó ngài dâng Đức Maria vào đền thánh Giêrusalem để phục vụ Thiên Chúa, như trước đây ngài đã đoan hứa với Thiên Chúa.

Đức Maria đến sống tại đền thánh Giêrusalem; thánh Gioakim và thánh Anna thì tiếp tục cuộc sống cầu nguyện cho tới khi Chúa đem các ngài về trời. Các Kitô hữu vẫn luôn tôn kính thánh Anna cách đặc biệt. Nhiều nguyện đường xinh đẹp đã được xây cất để tôn kính thánh nữ. Có lẽ nguyện đường nổi tiếng nhất là đền thánh Anna Bốp ở Canađa. Tại đây luôn luôn có những nhóm đông người đến cầu xin thánh nữ Anna giúp đỡ trong những cơn đau khổ.

Thánh Gioakim và thánh Anna là song thân Đức Mẹ và là ông bà ngoại của Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nài xin các ngài giúp chúng ta ngày càng sống thân mật hơn với Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62870


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 25 Tháng 7:
THÁNH GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

0725_StJamesTheGreater.jpg


Giacôbê là một ngư phủ giống như cha Zêbêđê và em mình là Gioan. Ngài đang ở trên thuyền cùng cha vá lưới khi Đức Giêsu đi ngang qua. Chúa Giêsu gọi Giacôbê và Gioan theo Người để làm ngư phủ lưới người, để cùng với Chúa rao giảng Tin mừng. Cha Zêbêđê nhìn theo hai con trai khi hai ngài bỏ thuyền mà đi với Chúa Giêsu.

Cũng như thánh Phêrô và thánh Gioan, thánh Giacôbê là một người bạn đặc biệt của Đức Chúa Giêsu. Cùng với hai tông đồ này, Giacôbê được chứng kiến những dấu lạ mà các tông đồ khác không được xem thấy. Với hai tông đồ Phêrô và Gioan, Giacôbê được chứng kiến Đức Chúa Giêsu làm cho con gái ông Giairô sống lại. Với hai tông đồ, thánh nhân được đưa lên trên núi để xem Đức Chúa Giêsu biến hình xán lạn như mặt trời, với y phục trắng tinh như tuyết. Biến cố này gọi là phép lạ Chúa Giêsu hiển dung. Và trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối trước lúc chịu nạn, Đức Chúa Giêsu dẫn các tông đồ vào vườn cây Dầu. Thánh ký Matthêu cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã mời riêng Phêrô, Giacôbê và Gioan đồng hành với Người tới một nơi tách biệt để cầu nguyện. Ba tông đồ được xem thấy nét mặt của Thầy mình trở nên âu sầu và lo lắng. Đối với Chúa Giêsu, đó là thời điểm rất đỗi cam go, thế mà các tông đồ thì lại mệt mỏi và thiếp ngủ. Sau đó, thánh Giacôbê đã hoảng sợ và bỏ chạy khi kẻ thù tới bắt Đức Chúa Giêsu. Giacôbê không hiện diện dưới chân thập giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng Chúa Giêsu đã gặp ngài vào buổi tối Chúa nhật phục sinh tại căn phòng trên lầu. Chúa Giêsu Phục Sinh đã bước vào và nói: “Bình an cho anh em!” trong khi cửa nhà vẫn đóng kín. Thánh Giacôbê và các tông đồ khác đã tìm lại bình an sau khi Chúa Thánh Linh hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Thánh Giacôbê đã bắt đầu sứ vụ của mình với cá tính của một người trực ngôn, bốc đồng. Thánh nhân đã thẳng thắn hỏi Đức Chúa Giêsu về chỗ danh dự trong nước trời. Ngài đã đòi Đức Chúa Giêsu giáng lửa từ trời xuống thiêu đốt các làng không đón tiếp Chúa. Nhưng thánh Giacôbê đã tin tưởng vào Chúa Giêsu rất mực. Sau cùng, thánh nhân đã trở nên khiêm tốn và hiền từ. Thánh Giacôbê đã trở thành “người đầu tiên chiếm chỗ danh dự” mà có lẽ thánh nhân chưa bao giờ nghĩ tới. Thánh Giacôbê được ban cho vinh dự là tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo vì Chúa Giêsu. Chương thứ 12 sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết vua Hêrôđê Agrippa đã dùng gươm giết thánh Giacôbê. Vì là thánh tử đạo, thánh Giacôbê là chứng nhân vĩ đại nhất trong tất cả các chứng nhân sau này.

Để nhận ra những yếu đuối của mình, chúng ta hãy nài xin thánh Giacôbê Tiền ban cho sự khiêm nhượng và lòng chân thành. Ngài sẽ giúp chúng ta biết học nơi Đức Chúa Giêsu những điều cần thiết để cải hóa bản thân.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62869


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 24 Tháng 7:
THÁNH SABEL MALỐP (ST. SHARBEL MAKHLUF)

0724_StSharbelMakhluf.jpg


Giuse Malốp sinh năm 1828 tại Lêbanon. Gia đình Giuse rất nghèo; và thân phụ Giuse đã qua đời khi ngài còn rất nhỏ. Giuse và các anh chị em được nuôi dạy bởi thân mẫu và người cậu. Vì được hấp thụ một nền giáo dục chân thành nên Giuse và các anh chị em đã cảm hiểu và yêu mến đức tin của mình cách rất tha thiết. Nơi nhà thờ, Giuse tham gia giúp lễ và ca đoàn. Ở nhà tư, Giuse giúp chăn giữ chiên cừu và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện cũng như suy gẫm một mình.

Giuse có hai người cậu đi tu; và ngài thích viếng thăm các cậu để bắt chước lối sống của các cậu. Khi Giuse lên 23, ngài đã xin vào một tu viện và nhận tên là Sabel. Khấn dòng xong, Sabel theo học triết học và thần học. Sau đó, Sabel được thụ phong linh mục và ngài đã sống cuộc đời cầu nguyện, hãm mình đền tội và chăm chỉ làm việc. Đó là những công việc Sabel Malốp rất ưa thích và ngài cảm thấy rất hạnh phúc.

Năm 1866, Sabel lui vào trong một ẩn am để sống cuộc đời biệt lập. Sabel cảm thấy Thiên Chúa mời gọi mình sống thân mật với Người qua lối sống này. Và Sabel đã sống trong căn phòng nhỏ bé đó suốt 23 năm, dành hầu hết thời giờ để cầu nguyện và dâng thánh lễ. Dù đã cố gắng sống ẩn mình, nhiều người vẫn tìm đến với thánh nhân để xin ngài cầu nguyện và khuyên bảo.

Năm 1898, Sabel Malốp đã bị đột quỵ đang lúc cử hành thánh lễ. Ngài được đưa về phòng và không thể dâng lễ được nữa. Sabel Malốp qua đời tám ngày sau đó, vào dịp lễ giáng sinh. Ngôi mộ của ngài đã biến thành địa điểm hành hương. Trong năm 1950, mỗi ngày có khoảng 15000 người đã đến kính viếng mộ ngài. Đức thánh cha Phaolô VI đã phong thánh cho Sabel Malốp vào năm 1977.

Khi cầu nguyện, chúng ta làm một việc rất quan trọng và hữu ích không chỉ cho riêng bản thân chúng ta mà còn cho toàn thể thế giới. Khi gặp những khó khăn hay vấn đề nan giải, chúng ta hãy noi theo gương thánh Sabel Malốp và hãy dùng những phương thế thích hợp cho riêng mình.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62867


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 23 Tháng 7:
THÁNH BRIGITTA THỤY ĐIỂN (ST. BRIGET OF SWEDEN)

0723_StBrigetSweden.jpg


Thánh nữ Brigitta sinh tại Thụy Điển vào năm 1303. Từ lúc còn rất nhỏ, Brigitta đã có lòng sùng kính các sự thương khó của Đức Chúa Giêsu. Khi chỉ mới lên 10, dường như Brigitta đã được nhìn thấy Đức Chúa Giêsu trên Thánh Giá và nghe Người phán bảo: “Hỡi con, hãy nhìn xem Ta!” “Ai đã đối xử với Chúa như thế?” Brigitta la to. Chúa Giêsu trả lời: “Chính những người đã khinh miệt Ta và khước từ tình yêu của Ta!” Từ lúc đó trở đi, Brigitta đã cố gắng ngăn cản không để cho người nào xúc phạm đến Chúa nữa.

Năm lên 14 tuổi, Brigitta kết hôn với Ulf, 18 tuổi. Cũng như Brigitta, Ulf đã dâng trái tim mình để phục vụ Thiên Chúa; và cả hai đã xin gia nhập dòng Ba Phanxicô. Họ sinh được tất cả tám người con, trong đó có một người là thánh nữ Catarina Thụy Điển. Brigitta và Ulf phục vụ trong đền vua Thụy Điển. Brigitta là tỳ nữ của hoàng hậu. Ngài đã cố gắng giúp vua Magnus và hoàng hậu Blăngsơ sống cuộc đời tốt hơn. Nhưng hầu như họ đã không đoái hoài gì tới lời thánh nữ nói.

Suốt cuộc đời, Brigitta đã được hưởng những thị kiến kỳ diệu và đã nhận được từ Thiên Chúa những sứ điệp đặc biệt. Để thi hành những sứ điệp này, thánh nữ đã thăm viếng nhiều vị lãnh đạo trong Giáo hội. Brigitta khiêm tốn giải thích những điều Thiên Chúa mong đợi họ thực hiện. Sau khi người chồng qua đời, Brigitta đem bố thí hết những áo quần sang trọng của mình. Thánh nữ sống như một nữ tu nghèo khó. Sau đó, Brigitta thiết lập dòng Đấng Cứu Chuộc, cũng gọi là dòng nữ Brigittin. Thánh Brigitta vẫn tiếp tục cuộc sống bận rộn, đi làm việc thiện ở nhiều nơi; và qua những hoạt động này, Chúa Giêsu mạc khải cho thánh nữ biết nhiều bí mật khác. Brigitta đã không bao giờ hãnh diện và tự đắc về những hồng ân này.

Trước khi về trời ít ngày, thánh nữ Brigitta đã hành hương tới thánh địa. Tại các đền thánh ở đây, thánh Brigitta được thị kiến về những điều xưa kia Đức Chúa Giêsu đã nói và đã làm trên mảnh đất này. Sau khi qua đời, tất cả các thị kiến của thánh nữ Brigitta về cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã được in thành sách. Thánh nữ qua đời ngày 23 tháng Bảy năm 1373. Đến năm 1391, đức thánh cha Bôniphaxiô IX đã tôn phong Brigitta lên bậc hiển thánh.

Thánh nữ Brigitta Thụy Điển đã rất quý trọng cuộc khổ nạn của Đức Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta cũng biết nhạy cảm và trở nên những môn đệ cũng sống biết ơn Đức Chúa Giêsu như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62866


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 22 Tháng 7:
THÁNH MARIA MAĐALÊNA

0722_StMaryMagdalene_01.jpg


Thánh nữ Maria Mađalêna quê ở Magđala, gần biển hồ Galilêa. Thánh nữ bị quỷ ám cho tới khi Đức Chúa Giêsu đến trừ quỷ cho. Sau đó, Maria Mađalêna đi theo Đức Chúa Giêsu làm môn đệ và là một trong những phụ nữ thánh thiện đã giúp đỡ Chúa Giêsu và các tông đồ.

Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, thánh nữ Maria Mađalêna đã đứng dưới chân thập giá. Ngài ở đó cùng với Đức Maria và thánh Gioan, không sợ nguy hiểm gì! Tất cả những điều thánh nữ có thể nghĩ tưởng lúc ấy là: Thiên Chúa của tôi đang phải chịu đau khổ!

Sau khi thân xác Đức Chúa Giêsu được mai táng, Maria Mađalêna đã đến mồ Chúa ngay từ sáng sớm ngày Chúa phục sinh. Thánh nữ rất đỗi bàng hoàng khi nhìn thấy tảng đá to được lăn ra và ngôi mộ trống rỗng. Maria Mađalêna đã vội chạy đi báo tin cho Phêrô và Gioan: “Họ đã lấy mất xác Thầy và tôi không biết họ đã đặt Người ở đâu!” Phêrô và Gioan liền vội vã chạy tới mồ và nhận thấy mọi sự thật đúng như lời Maria Mađalêna đã nói. Rồi Maria Mađalêna ở lại bên mộ sau khi Phêrô và Gioan về nhà. Và Maria Mađalêna bắt đầu khóc! Đột nhiên, Maria Mađalêna thấy một người đàn ông mà ngài tưởng là người làm vườn. Maria Mađalêna liền hỏi người ấy xem có biết nơi để xác Thầy yêu quý của mình không. Và người đàn ông nói bằng một giọng mà Maria Mađalêna nghe rất quen: “Maria!” Và đó chính là Đức Chúa Giêsu, đang đứng ngay trước mặt thánh nữ! Chúa đã sống lại từ cõi chết! Maria Mađalêna liền quỳ phục xuống dưới chân Chúa Giêsu và kêu lên: “Lạy Thầy!”

Các thánh ký cho chúng ta biết Maria Mađalêna đã được Chúa Giêsu sai đi loan báo Tin mừng phục sinh cho Phêrô và các tông đồ. Ở những thế kỷ đầu của Giáo hội, lễ mừng kính thánh nữ Maria Mađalêna được cử hành cách long trọng y như lễ kính các thánh tông đồ.

Thánh nữ Maria Mađalêna là người đầu tiên được xem thấy Đức Chúa Giêsu phục sinh và là người đầu tiên đem Tin mừng phục sinh đến cho các tông đồ. Thánh nữ có thể giúp chúng ta loan báo cũng Tin mừng ấy qua việc sống cuộc đời vui tươi và đầy lòng tin tưởng.

0722_StMaryMagdalene_02.jpg



0722_StMaryMagdalene_03.jpg



0722_StMaryMagdalene_04.jpg

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012