Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62865


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 21 Tháng 7:
THÁNH LAURENSÔ BRINĐISI (ST. LAWRENCE OF BRINDISI)

0721_StLawrenceBrindisi.jpg


Xêxarê Rossi sinh năm 1559 tại Brinđisi, nước Ý. Brinđisi là một phần lãnh thổ của tiểu quốc Napôli. Xêxarê nhận tên là Laurensô khi trở thành một tu sĩ dòng Capuxinô Phanxicô lúc 16 tuổi. Sau đó, ngài được gởi tới trường đại học Paris để học các môn thần học, triết học và Kinh Thánh. Laurensô cũng học các tiếng Latinh, Hy Lạp, Hípri, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Syria nữa.

Sau khi thụ phong linh mục, thánh Laurensô Brinđisi đã trở thành một thầy dạy danh tiếng. Vì biết nhiều ngoại ngữ, thánh Laurensô đã có thể tiếp cận với nhiều người khác nhau. Rồi, Laurensô được sai đi thiết lập tu viện của dòng tại Áo. Vua nước Áo, Ruđolph II, không muốn cho hội dòng đến đất nước của ông, nhưng sự quan tâm và dịu dàng của thánh Laurensô đối với các bệnh nhân dịch tả đã khiến cho hoàng đế Ruđolph cuối cùng phải ưng thuận.

Tiếp đến, hoàng đế lại xin thánh Laurensô Brinđisi thuyết phục các ông hoàng nước Đức chinh phạt quân Thổ, vì Thổ đang tìm cách chinh phục nước Hungary. Và Laurensô đã thuyết phục được các ông hoàng bên Đức. Tuy nhiên, các thống lãnh đã nài xin thánh Laurensô cùng họ ra trận để chiến đấu và chiến thắng. Khi các binh lính thấy lực lượng đông đảo và hùng hậu của quân Thổ, chân tay họ đã bủn rủn và muốn bỏ cuộc. Vì thế, thánh Laurensô đã phải cưỡi ngựa đi trước đoàn quân. Laurensô chỉ được trang bị bằng một cây Thánh Giá duy nhất. Rồi các binh sĩ Đức lấy lại nhuệ khí và đã chiến đấu rất can đảm. Cuối cùng, quân Thổ hoàn toàn bị bại trận. Thánh Laurensô Brinđisi được hoan hô nhiệt liệt, nhưng ngài chẳng bao giờ tự hào vì đã thành công. Laurensô Brinđisi đặt tin tưởng nơi Chúa là Đấng đã ban cho ngài chiến thắng.

Năm 1602, thánh Laurensô Brinđisi được cử làm tổng đại diện của hội dòng. Thánh nhân đã làm việc, giảng dạy và viết sách để truyền bá Tin mừng. Thánh nhân cũng thực hiện những cuộc đàm phán hòa bình quan trọng tại Munich ở Đức và Mađriđ ở Tây Ban Nha. Các vị lãnh đạo của những nơi này đã lắng nghe Laurensô Brinđisi và kết quả rất thành công. Sau đó thánh Laurensô Brinđisi trải qua một cơn bạo bệnh. Thánh nhân đã kiệt lực đang khi du lịch trong cái nóng mùa hè khắc nghiệt. Laurensô Brinđisi qua đời vào đúng ngày kỷ niệm sinh nhật của ngài, 22 tháng Bảy năm 1619. Laurensô Brinđisi được đức thánh cha Lêô XIII tôn phong hiển thánh năm 1881. Đến năm 1959, đức chân phước giáo hoàng Gioan XXIII đã ban tặng thánh Laurensô Brinđisi danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.

Cầu nguyện là bí quyết để thành công trong cuộc sống. Chúng ta hãy nài xin thánh Laurensô Brinđisi giúp chúng ta mỗi ngày biết dành ra một chút thời giờ để trò truyện với Thiên Chúa.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62864


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 20 Tháng 7:
THÁNH APÔLLINARIÔ

0720_StApollinaris.jpg


Vị thánh này sống ở thế kỷ thứ nhất. Những điều chúng ta biết về thánh nhân được trích từ các tài liệu và bài giảng của hai thánh Bêđa và Phêrô kim ngôn.

Thánh Apôllinariô sinh tại Antiôkia. Ngài là môn đệ của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã đặt Apôllinariô làm giám mục và sai ngài tới truyền giáo tại Ravenna, nước Ý. Ở đó, Apôllinariô đã làm cho nhiều người trở về với Giáo hội bằng gương sáng đời sống thánh thiện cũng như bằng những lời ngài rao giảng. Nhân danh Đức Kitô, thánh Apôllinariô có thể chữa lành những người đau bệnh.

Thánh Apôllinariô làm giám mục trong thời trị vì của hoàng đế Vespasianô. Vì những cuộc bách hại các Kitô hữu, Apôllinariô đã bị đi đày bốn lần. Thực sự, không chắc là Apôllinariô đã bị chết vì đức tin, nhưng thánh nhân đã bị giam cầm và bị hành hạ rất nhiều lần trong suốt hai mươi năm làm giám mục giáo phận Ravenna. Thánh nhân được dân chúng tôn nhận như vị thánh tử đạo bởi những cuộc bách hại ngài chịu vì Chúa Kitô, thậm chí dù ngài đã làm ơn cứu sống những người bách hại ngài.

Các thánh tử đạo là những chứng nhân của Chúa Kitô và của Tin mừng. Hết thảy chúng ta cũng được mời gọi để trở nên những chứng nhân của Chúa qua cuộc sống đức tin. Đời sống của thánh Apôllinariô cho chúng ta biết các thánh tử đạo không chỉ là những người làm chứng cho Chúa Kitô vì đã dám hy sinh mạng sống, mà các ngài còn trung thành sống Tin mừng của Chúa suốt trọn cuộc đời, ngay cả trong những nghịch cảnh đau thương.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62863


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 19 Tháng 7:
CHÂN PHƯỚC PHÊRÔ TÔRÔ (PETER TO ROT)

0719_BlPeterToRot.jpg


Phêrô Tôrô sinh năm 1912 tại đảo Papua, thuộc Tân Guinêa. Thân phụ ngài, giữ chức trưởng làng, đã mời những nhà truyền giáo tới dạy dỗ dân làng. Cha mẹ của Phêrô là những tín hữu nhiệt thành, hay giúp đỡ những người nghèo khổ và mồ côi trong làng.

Vào độ tuổi niên thiếu, Phêrô rất ham thích cầu nguyện và viếng Thánh Thể. Cha xứ và thân phụ của Phêrô, nhận thấy niềm tin và những khả năng nơi Phêrô, đã khích lệ Phêrô trở thành một giáo lý viên. Hầu hết công việc rao giảng Tin mừng ở Tân Guinêa được thực hiện bởi các giảng viên giáo lý. Vai trò chủ yếu của họ là hướng dẫn các anh chị em tân tòng, tổ chức các buổi cầu nguyện và chăm sóc những người đau yếu tật nguyền.

Phêrô được giao cho công việc phục vụ trong làng. Ngài đã tổ chức các nhóm cầu nguyện và dạy các lớp giáo lý. Phêrô rất am hiểu Kinh Thánh, luôn luôn mang bên mình một quyển Phúc âm và ngài dựa vào đó để cắt nghĩa các bài học giáo lý. Đức tính hiền hậu và sự quan tâm chân thành đối với mọi người trong bộ tộc đã lôi kéo mọi người đến với Phêrô. Họ nói rằng Phêrô đã thực hiện hết mọi điều ngài giảng dạy.

Vào ngày 11 tháng Mười Một năm 1936, Phêrô Tôrô kết hôn với Paula LaVarpit, một thiếu nữ Công giáo ở ngôi làng cạnh bên. Họ đã có với nhau tất cả ba người con. Phêrô là người chồng và là người cha thật dễ thương và tuyệt vời. Mỗi ngày Phêrô cùng cả gia đình họp nhau đọc kinh và cầu nguyện chung.

Vào tháng Ba năm 1942, trong Đại Thế Chiến thứ II, người Nhật đã chiếm lấy hòn đảo nhỏ bé này. Sau một thời gian khoan nhượng với tôn giáo, người Nhật đã hạn chế các hoạt động truyền giáo. Chẳng bao lâu, tất cả các nhà truyền giáo, cả Công giáo lẫn Giám Lý hội, đều bị bắt giam. Khi vị linh mục ở làng của Phêrô bị ép phải ra đi, ngài đã bắt tay Phêrô và nói: “Cha trao công việc của cha lại cho con. Con hãy cẩn thận chăm sóc những người này. Đừng để họ lãng quên Thiên Chúa!”

Phêrô Tôrô đã thực hiện cặn kỹ điều đó. Ngài và các giảng viên giáo lý khác đã giúp giữ cho đức tin Công giáo được sống mãi. Phêrô cũng học được một ít tiếng Nhật và ngài có thể làm quen với các giới chức hải quân Nhật. Nhưng sau khi quân cảnh nắm quyền, họ tưởng là các Kitô hữu đã cầu nguyện cho quân Nhật bại trận. Và họ đã cấm chế các hình thức phụng vụ Công giáo. Rồi một sắc chỉ được ban hành, bắt buộc dân chúng phải quay về với phong tục cổ truyền là người đàn ông được phép lấy nhiều vợ. Phêrô đã công khai phản đối điều lệnh này.

Phêrô Tôrô tiếp tục tổ chức các buổi họp nhau cầu nguyện, nhưng với các nhóm nhỏ hơn để tránh sự chú ý. Ngài khuyến khích cộng đoàn xứ đạo hãy trung thành cầu nguyện để giữ vững đức tin. Đó là công việc của Phêrô với tư cách là giảng viên giáo lý.

Rồi Phêrô Tôrô bị quân cảnh Nhật bắt giữ trong khi đang tổ chức các nhóm cầu nguyện. Gia đình Phêrô đến nhà giam hàng ngày để đem thức ăn cho ngài. Các giới chức lãnh đạo Công giáo và Giám Lý hội của các bộ tộc khác đã tìm cách giải thoát Phêrô nhưng không được. Phêrô Tôrô nói với họ: “Anh em chớ lo lắng! Tôi là một giảng viên giáo lý. Nếu tôi chết, tôi sẽ chết vì đức tin!”

Vào tháng Bảy năm 1945, một bác sĩ người Nhật đã tiêm vào Phêrô Tôrô một mũi thuốc làm chết người. Một người bạn tù quan sát từ xa đã thông báo cho các tù nhân khác hay tin Phêrô Tôrô đã chết. Rồi người ta đã gọi gia đình của Phêrô đến lấy xác và an táng ngài. Nhóm người họp nhau tiễn biệt Phêrô trong đám tang giản dị này đã tôn kính Phêrô Tôrô như một vị thánh tử đạo. Sau khi điều tra, Giáo hội đã chấp nhận và đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn Phêrô Tôrô lên bậc chân phước ngày 17 tháng Giêng năm 1995.

Chân phước Phêrô Tôrô đã khiêm tốn nhận mình chỉ là một giảng viên giáo lý và chỉ chu toàn bổn phận của mình, nhưng ngài đã trung thành với bổn phận ngay cả trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Niềm tin của Phêrô Tôrô thật quyết liệt và trong sáng; và ngài đã anh dũng bảo vệ niềm tin ấy. Chân phước Phêrô Tôrô đã là một tấm gương trung kiên cho những học viên giáo lý của ngài. Ngài cũng nêu gương sáng cho mỗi người chúng ta học hỏi.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62862


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 18 Tháng 7:
THÁNH CAMILLÔ LÊLLIS

0718_StCamillusDeLellis.jpg


Thánh Camillô Lêllis sinh tại thành Napôli, nước Ý, vào năm 1550. Cuộc sống thơ ấu của Camillô không mấy tốt đẹp. Tuổi thanh niên Camillô gia nhập quân đội và mắc phải thói cờ bạc. Nết xấu này làm cho Camillô lúc 24 tuổi phải nghèo xơ xác. Vì muốn thay đổi cuộc đời, Camillô đã xin vào tu trong dòng Capuxinô ở thành Napôli. Thế nhưng Camillô không thể tuyên khấn ở trong dòng được bởi cái chân của ngài bị trọng thương trong trận chiến hồi ngài là quân nhân mà cho tới nay vẫn không thể chữa trị được. Và thay vào đó, Camillô bắt đầu đi chăm sóc các người đau ốm trong thành phố Rôma; rồi ngài đã trở thành giám đốc bệnh viện thánh Giacôbê.

Vị hướng dẫn tinh thần của Camillô, thánh Philipphê Nêri (lễ kính ngày 26 tháng Năm), là một linh mục rất thánh thiện ở Rôma. Cha Philipphê đã giúp Camillô học làm linh mục. Sau đó, Camillô được thụ phong. Cha Camillô quyết định thành lập một nhóm đạo đức tình nguyện chăm sóc những người đau ốm. Cùng với hai người phụ tá, Camillô đã thiết lập một hội dòng chuyên lo cho những người đau bệnh, gọi là dòng Camêllô.

Các tu sĩ Camêllô phục vụ trong các bệnh xá ở Rôma và Napôli cũng như giúp các nạn nhân mắc bệnh dịch tả trên các boong tàu ở hải cảng Rôma. Camillô cùng các anh em linh mục và tu sĩ dòng ngài cũng đến với những người nghèo, người bệnh không ai chăm sóc. Các ngài đã liều mạng sống mình để đem an vui và hy vọng đến cho những bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm. Với thời gian, hội dòng phát triển và có thêm nhiều thành viên mới. Thánh Camillô Lêllis cũng gởi người tới giúp các binh lính bị thương tại Hungary và Croatia. Đây là đơn vị y khoa đầu tiên có mặt trên chiến trường.

Thánh Camillô Lêllis qua đời tại Rôma ngày 14 tháng Bảy năm 1614 sau một cơn bệnh lâu dài. Ngài được phong thánh năm 1746. Đức thánh cha Lêô XIII đã đặt thánh Camillô Lêllis làm thánh bổn mạng của các bệnh nhân. Đức thánh cha Piô XI thì tôn ngài làm thánh quan thầy của giới y tá.

Thánh Camillô Lêllis đã ước muốn phục vụ Thiên Chúa nhưng ý tưởng ban đầu của thánh nhân lại không thực hiện được. Thay vì buông xuôi mọi sự, thánh nhân đã cố gắng xoay sở để tìm một giải pháp khác. Đặt mình dưới sự hướng dẫn của thánh ý Thiên Chúa, thánh Camillô Lêllis đã thực hiện được giấc mơ là trở thành linh mục. Chúng ta không biết được chính xác Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì, nhưng nếu chúng ta cứ mở lòng đón nhận Ngài và phục vụ Ngài trong những anh chị em của chúng ta, thì lúc ấy Thiên Chúa sẽ thực hiện kế hoạch đặc biệt của Ngài trong cuộc đời chúng ta.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62860


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 17 Tháng 7:
THÁNH GIÁO HOÀNG LÊÔ IV

0717_StLeoIV.jpg


0717_StLeoIV_Ostia.jpg


Thánh Lêô IV sống vào thế kỷ thứ 9. Thánh nhân sinh tại thành Rôma và đã sống trọn cuộc đời tại thành phố này. Lêô được giáo dục tại tu viện dòng thánh Bênêđictô tọa lạc gần vương cung thánh đường thánh Phêrô. Lêô được thụ phong linh mục và đã thi hành sứ vụ của mình tại vương cung thánh đường thánh Gioan Lateranô. Lêô rất ư nổi danh và được cả hai đức giáo hoàng ngưỡng mộ. Đức Grêgôriô IV truyền chức phó tế, và đức Sêgiô II đặt Lêô làm hồng y. Cái chết của đức Sêgiô II đã gây một hiệu quả trực tiếp trên Lêô. Những lời đồn đại về cuộc xâm lăng của quân mandi Saraxen đã làm cho người dân Rôma hoảng sợ. Họ không muốn bị đi đày mà không có giáo hoàng. Cả các hồng y cũng vậy. Họ đã nhanh chóng chọn một người kế nhiệm đức Sêgiô II. Và người kế nhiệm được lịch sử biết đến đó chính là đức thánh cha Lêô IV.

Với cương vị là giáo hoàng, thánh Lêô IV đã cho sửa lại các bức tường của thành phố. Những bức tường này đã bị quân Saraxen tấn công và làm hỏng hồi năm ngoái. Thánh nhân đã phục hồi nhiều ngôi thánh đường và đã đưa nhiều thánh tích về Rôma. Ngài bắt đầu chương trình canh tân hàng giáo sĩ. Thực ra, thánh nhân đã triệu tập hội nghị các linh mục Rôma vào năm 853. Ngài đã duyệt y 42 điều luật nhằm giúp các linh mục sống nhiệt thành hơn, ham mộ cầu nguyện hơn và vui sướng hơn với sứ vụ thánh thiện của mình.

Có vài giám mục đã làm cho đức thánh cha Lêô IV phải đau khổ vì gương xấu. Họ công khai chống đối giáo hoàng và không chịu thay đổi lối sống. Dù cho giáo hoàng Lêô bị lăng nhục cách nào thì ngài vẫn nhẫn nại và cương quyết. Thánh nhân vẫn không chịu để cho những khó khăn hay lo lắng nào thắng lướt ngài. Lêô vẫn tiếp tục dâng hiến thời giờ và sức lực cho Chúa Giêsu và Giáo hội. Ngài yêu thích những kinh nguyện hay trong phụng vụ; và ngài đã khuyến khích nền thánh nhạc và thánh ca phụng vụ.

Dân chúng yêu mến thánh Lêô. Trong cuộc đời của mình, hình như Lêô đã làm một phép lạ. Người ta kể rằng ngài đã dập tắt một đám cháy khủng khiếp ở Rôma chỉ bằng một dấu Thánh Giá. Đức thánh cha Lêô IV tiếp tục phục vụ Giáo hội với niềm hăng say phấn khởi cho đến tận giây phút sau cùng. Thánh nhân về trời ngày 17 tháng Bảy năm 855.

Thánh giáo hoàng Lêô IV đã sống trong một thời đại hoảng loạn. Thánh nhân đã gặp nhiều khó khăn và thử thách nhưng ngài đã luôn luôn bình thản và vui tươi. Mỗi khi nóng giận, chúng ta hãy nài xin thánh giáo hoàng Lêô IV giúp chúng ta biết tin cậy vào Thiên Chúa để tìm được niềm vui và bình an đích thực.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62857


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 16 Tháng 7:
LỄ ĐỨC MẸ NÚI CÁTMINH

IMG_1612.JPG


Cátminh là ngọn núi trông xuống vùng đồng bằng Galilê. Đó là ngọn núi danh tiếng bởi vì tiên tri Êlia, vị tiên tri sống trước thời Chúa Giêsu, đã được sinh ra tại đây. Và tiên tri Êlia cũng đã làm một phép lạ ở đó. Chương thứ 18 trong sách Các Vua Quyển thứ I kể rằng Êlia đã đương đầu chống lại 450 nhà tiên tri của vị thần Baal. Bằng lời cầu nguyện, Êlia đã xin Thiên Chúa làm một phép lạ để minh chứng rằng Thiên Chúa của Êlia là Thiên Chúa chân thật. Và Thiên Chúa đã nhận lời Êlia cầu xin.

Sau đó nhiều thế kỷ, vào thế kỷ thứ 13, có một nhóm tu sĩ Âu châu bắt đầu đến sống trên núi Cátminh. Họ tôn kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, với tước hiệu Đức Mẹ núi Cátminh. Vì lý do này mà người ta gọi họ là các cha dòng Đức Mẹ Cátminh. Đây là lý do dòng Cátminh được thành lập. Đức thánh cha Hônôriô III phê chuẩn tu luật của hội dòng vào năm 1226. Nhưng vào năm 1247, Simon Stock, một linh mục gốc Anh, trở thành bề trên của tất cả mọi tu sĩ Cátminh. Ngài đã giúp hội dòng phát triển và thích nghi với thời đại. Ngài đã hướng dẫn hội dòng bắt chước kiểu mẫu của Đa Minh và của Phanxicô.

Vào ngày 16 tháng Bảy năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Simon Stock và trao cho thánh nhân Áo Đức Bà Nâu (còn gọi là Áo Đức Bà Camêlô). Lúc ấy, Đức Mẹ hứa sẽ bảo trợ những ai mang áo thánh này. Và nhiều phép lạ đã xảy ra để minh chứng cho lời Đức Mẹ đã nói. Thánh Piô X, được bầu làm giáo hoàng từ năm 1903 tới năm 1914, nói rằng người ta cũng nhận được những phúc lành tương tự như thế nếu họ mang ảnh đeo thay Áo Đức Bà. Ảnh đeo này một mặt có hình Đức Mẹ Camêlô và mặt kia có hình Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Simon Stock qua đời tại Boócđô, nước Pháp, vào năm 1265.

Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, cũng chính là Mẹ của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy nài xin Mẹ giúp đỡ để ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Mẹ sẽ bảo vệ chúng ta trong cuộc sống và giúp đỡ chúng ta lúc lâm tử. Chúng ta có thể bày tỏ lòng tôn kính Mẹ bằng việc mang Áo Đức Bà Nâu hay ảnh đeo thay Áo Đức Bà.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62855


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 15 Tháng 7:
THÁNH BÔNAVENTURA

IMG_1611.JPG


Thánh Bônaventura sinh năm 1221 tại Tuscany, nước Ý, và nhận tên thánh là Gioan. Bônaventura đi tu dòng thánh Phanxicô, lúc ấy mới được thành lập. Thực sự, thánh Phanxicô Assisi, đấng sáng lập dòng Phanxicô, lúc đó vẫn còn sống khi Bônaventura cất tiếng khóc chào đời. Là tu sĩ trẻ dòng Phanxicô, Bônaventura rời bỏ quê hương để du học tại trường đại học Paris ở Pháp. Bônaventura là một tác giả danh tiếng chuyên nghiên cứu về những vấn đề liên quan tới Thiên Chúa. Bônaventura rất yêu mến Thiên Chúa đến nỗi ngài đã được tôn tặng danh hiệu là “Tiến sĩ Đệ Nhất Phẩm Thiên Thần” hay gọi tắt là “Tiến sĩ Luyến Thần.”

Một trong các người bạn danh tiếng của Bônaventura là thánh Tôma Aquinô. (Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Tôma Aquinô hôm 28 tháng Giêng.) Lần kia, thánh Tôma hỏi thánh Bônaventura tại sao lại viết được những ý tưởng cao siêu như thế. Thánh Bônaventura liền dẫn người bạn của mình tới bàn làm việc. Thánh nhân chỉ vào cây Thánh Giá lớn đặt ở trên bàn và nói với Tôma: “Chính Người đã nói cho tôi biết mọi sự. Người là Thầy dạy duy nhất của tôi!” Lần khác, khi viết tiểu sử của thánh tổ phụ Phanxicô Assisi, Bônaventura tỏa ra đầy lửa nhiệt tình đến nỗi thánh Tôma phải thốt lên: “Chúng ta hãy để cho một vị thánh ghi chép về một vị thánh!” Thánh Bônaventura vẫn luôn sống khiêm nhường ngay cả khi các tác phẩm ngài viết làm ngài nổi tiếng.

Năm 1265, đức thánh cha Clêmentê IV muốn đề cử Bônaventura giữ chức tổng giám mục. Bônaventura khiêm tốn từ chối. Đức thánh cha tôn trọng quyết định của Bônaventura. Tuy nhiên, Bônaventura đã chấp nhận làm bề trên tổng quyền dòng Phanxicô. Thánh nhân đã đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này trong suốt 17 năm. Đến năm 1273, đức chân phước giáo hoàng Grêgôriô X đã đặt Bônaventura lên chức hồng y. Đức thánh cha gởi hai sứ giả thuộc giáo triều tới gặp Bônaventura. Đến nơi, các vị gặp thấy thánh nhân đang làm việc với những chiếc chậu rửa lớn. Hôm đó là tới phiên thánh nhân lau chùi xoong chảo. Hai sứ giả của giáo triều Rôma kiên nhẫn đợi chờ Bônaventura rửa xong chiếc nồi cuối cùng. Rồi sau khi Bônaventura rửa sạch và lau khô tay, họ long trọng trao cho ngài một chiếc mũ đỏ lớn, tượng trưng cho chức vụ mới của ngài.

Hồng y Bônaventura đã giúp đỡ rất nhiều cho đức thánh cha, là người đã triệu tập Công đồng Lyôn năm 1274. Thánh Tôma Aquinô đã mất khi đang trên đường tới dự Công đồng, nhưng thánh Bônaventura thì đã tham dự. Ảnh hưởng của Bônaventura tại Công đồng rất lớn. Tuy nhiên, thánh nhân cũng qua đời cách đột ngột vào ngày 14 tháng Bảy năm 1274, lúc được 53 tuổi. Đức thánh cha đã hiện diện ngay bên giường của thánh Bônaventura lúc ngài về trời. Năm 1482, đức thánh cha Sixtô IV đã tôn phong Bônaventura lên bậc hiển thánh. Đến năm 1588, đức thánh cha Sixtô V tôn tặng ngài danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.

Như thánh Bônaventura, chúng ta cũng hãy đặt tượng Chúa Chịu Nạn trong căn phòng của mình để có thể thường xuyên hướng về Đức Chúa Giêsu cùng cầu xin Người giúp đỡ và ban thêm sức mạnh cho chúng ta. Các ảnh tượng Chúa Kitô, Đức Maria và các thánh là những nhắc nhở rất tốt, giúp chúng ta biết noi gương và sống như các ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62854


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 14 Tháng 7:
THÁNH KATERI TEKAKWITHA (1656-1680)

0714_StKateriTekakwitha.jpg


Máu các vị tử đạo là hạt giống nẩy sinh các thánh. Chín năm, sau khi các linh mục dòng Tên là Cha Isaac Jogues và Jean de Brebeuf bị các thổ dân da đỏ Huron và Iroquois tra tấn cho đến chết, một bé gái đã chào đời gần nơi các vị tử đạo, ở Auriesville, Nữu Ước. Cô là thổ dân da đỏ đầu tiên thuộc vùng Bắc Mỹ được phong Chân phước. Mẹ cô là một Kitô hữu người Algonquin, bà đã bị người Iroquois bắt và buộc phải làm vợ của tù trưởng bộ lạc Mohawk, là bộ lạc dũng cảm và tàn bạo nhất trong Ngũ Quốc.

Khi lên bốn tuổi, Kateri mất cha mẹ và cả đứa em trai trong trận dịch đậu mùa mà chính cô cũng bị gần như mù và khuôn mặt bị méo mó. Cô được một người chú đem về nuôi sau khi ông lên kế vị cha cô làm tù trưởng. Ông không thích các tu sĩ Áo Ðen nhưng ông không thể làm gì được vì một thỏa ước ký kết với Pháp, buộc phải có sự hiện diện của tu sĩ trong các làng có người Kitô Giáo bị bắt giữ. Kateri rất thích nghe các vị tu sĩ Áo Ðen giảng thuyết, nhưng chú cô lại sợ rằng cô sẽ theo đạo Công giáo. Thật vậy, khi lên 19 tuổi, sau khi từ chối lời cầu hôn của một thanh niên Mohawk, vào Chúa Nhật Phục Sinh, cô đã được rửa tội và lấy tên thánh là Kateri (Catarina).

Bấy giờ, cô bị đối xử như một người nô lệ. Vì cô không làm việc ngày Chúa Nhật nên cô không được lãnh thực phẩm trong ngày ấy. Ðời sống ơn sủng của cô gia tăng mau chóng. Cô nói với một vị thừa sai rằng cô thường suy niệm về ơn cao trọng khi được rửa tội. Cô rất cảm kích bởi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người và cô nhìn thấy phẩm giá nơi mỗi một người dân. Cô luôn luôn trong tình trạng nguy hiểm, vì sự trở lại đạo và đời sống thánh thiện của cô đã tạo nên sự chống đối dữ dội. Theo lời khuyên của một linh mục, một đêm kia cô bỏ trốn và đi bộ 200 dặm đến một làng da đỏ Công giáo ở Sault St. Louis, gần Montreal (Gia Nã Ðại).

Trong ba năm, Kateri ngày càng thánh thiện dưới sự dẫn dắt của một linh mục và một bà người Iroquois. Cô hiến mình cho Thiên Chúa qua những giờ cầu nguyện, làm việc bác ái và tích cực ăn chay hãm mình. Từ sáng sớm, cô đã đứng chờ nơi cửa nhà thờ để dự lễ lúc 4 giờ sáng và ở lại đó cho đến Thánh Lễ cuối cùng. Cô đặc biệt sùng kính Thánh Thể và Ðức Giêsu trên Thánh Giá.

Vào năm 23 tuổi, Kateri thề giữ mình đồng trinh, đó là một hành động bất thường của một phụ nữ da đỏ, là người chỉ sống nhờ vào chồng. Cô lập một cái chòi trong rừng vắng để cầu nguyện hàng ngày và bị dèm pha là để gặp gỡ một người đàn ông! Việc cô thề giữ mình đồng trinh là một hành động theo bản năng, vì cô không biết trong Giáo Hội có đời sống tu trì dành cho nữ giới, mãi cho đến khi cô đến Montréal. Thấy vậy, cô phấn khởi cùng với hai người bạn định tâm thành lập một tu hội, nhưng vị linh mục địa phương đã ngăn cản cô. Rất khiêm tốn, cô chấp nhận một cuộc sống "bình thường" mà trong đó, cô ăn chay hãm mình một cách khắt khe như để đền tội cho dân tộc của cô.

Vào ngày 7 tháng Tư 1680, cô từ trần vào buổi tối trước Thứ Năm Tuần Thánh, mới hai mươi bốn tuổi. Các nhân chứng cho biết, lúc ấy khuôn mặt hốc hác của cô đổi màu và tươi tắn như một đứa trẻ khỏe mạnh. Các nếp nhăn, ngay cả các vết rỗ trên khuôn mặt cũng biến mất và một nụ cười hé nở trên môi cô.

Người da đỏ gọi cô là "Hoa huệ người Mohawk". Sự ngưỡng mộ Kateri đã giúp hình thành các trung tâm truyền giáo cho người da đỏ ở Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại. Kateri được phong Chân phước năm 1980.

Lời Bàn: Chúng ta thường nghĩ đời sống thánh thiện bị cản trở bởi hoàn cảnh, và ước chi chúng ta có thêm thời giờ riêng tư, ít bị quấy rầy hay chống đối và được khoẻ mạnh hơn. Chân Phước Kateri đã chứng minh cho thấy, sự thánh thiện triển nở trên Thập giá, ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, ngài đã có những gì mà mọi Kitô hữu phải cần, đó là sự hỗ trợ của một cộng đoàn. Ngài có một người mẹ tốt lành, có các linh mục tận tình giúp đỡ và các bạn Kitô hữu. Những điều kiện này được gọi là tiên khởi, và chỉ sinh kết quả nếu quyết tâm thi hành ba nguyên tắc cổ xưa của Kitô Giáo là cầu nguyện, ăn chay và bố thí: kết hợp với Thiên Chúa qua Ðức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, tự khắc phục con người của mình để vượt qua những đau khổ, và sống bác ái đối với anh chị em.

Lời Trích: "Tôi không cô đơn vì tôi đã tận hiến cho Ðức Giêsu. Ngài là tình yêu duy nhất của tôi. Tôi không sợ tình trạng bơ vơ nghèo nàn vì không lấy chồng. Tất cả những gì tôi cần là một chút thực phẩm và một vài quần áo. Với công việc tay tôi làm ra, tôi sẽ có những gì tôi cần, và những gì còn dư tôi sẽ cho người bà con và người nghèo. Nếu tôi bị bệnh và không thể làm việc được, tôi sẽ trở nên giống Chúa trên Thập giá. Ngài sẽ thương xót tôi và giúp đỡ tôi. Tôi biết chắc như thế."

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62852


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 13 Tháng 7:
THÁNH HENRY II

0713_StHenyII.jpg


Thánh Henry II sinh năm 972. Ngài trở thành công tước miền Bavaria năm 995. Một đêm kia, Henry nằm mộng. Henry thấy thánh Wolfgang, là thầy giáo rất yêu chuộng của Henry thời thơ ấu, hiện ra với ngài. Wolfgang chỉ tay vào hai chữ “sau sáu” được viết trên bức tường. Điều đó có ý nghĩa gì? Có lẽ sáu ngày nữa Henry sẽ chết chăng? Nghĩ như vậy nên ngài đã cầu nguyện hết sức tha thiết. Tuy nhiêu, sáu ngày trôi qua và sức khỏe Henry vẫn tốt đẹp. Vậy có lẽ là sáu tháng chăng? Vị công tước Bavaria lại tận tụy hết mình làm những việc thiện hơn bao giờ hết. Sau sáu tháng, Henry II vẫn mạnh khỏe hơn cả trước kia nữa. Vậy Henry II lại nghĩ rằng ngài chỉ còn sáu năm để sống ở trần gian này nữa thôi. Thế nhưng sáu năm trôi qua, thay vì qua đời, thánh Henry II lại được chọn làm hoàng đế nước Đức. Lúc đó, thánh nhân mới hiểu được toàn bộ ý nghĩa của thị kiến trước đây.

Thánh Henry II đã ra công làm việc để giúp cho thần dân của ngài được an vui và đất nước được hiệp nhất. Để bảo vệ sự công bình, Henry II đã tổ chức nhiều cuộc chinh chiến. Trong các trận chiến, Henry II rất có công tâm và ngài cũng yêu cầu các tướng sĩ của ngài phải biết quý trọng danh dự. Khoảng năm 998, Henry II kết hôn với một phu nhân hiền lành và dễ thương tên là Cunêgun. Đến năm 1014, Henry II và Cunêgun sang Rôma và được phong vương cai trị Rôma. Đó là một vinh dự lớn lao vì cả đức vua lẫn hoàng hậu được chính đức thánh cha Bênêđictô VIII đội vương miện cho.

Vua Henry II là một trong những nhà lãnh đạo tài giỏi nhất của Rôma. Ngài đã đề đạt việc canh tân Giáo hội, khuyến khích phát triển những tu viện mới thành lập và xây cất nhiều ngôi thánh đường nguy nga tráng lệ. Henry II bày tỏ lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu và Giáo hội bằng tấm lòng chân thành. Thánh nhân là một người năng cầu nguyện và rất ham mộ đời sống đạo đức. Ngài đã thực hiện vai trò làm chồng và làm người lãnh đạo với đầy lòng quảng đại và trách nhiệm. Khi qua đời năm 1024, Henry II mới 52 tuổi. Đến năm 1146, Henry II được đức chân phước giáo hoàng Êugiêniô III tôn phong hiển thánh. Đức thánh giáo hoàng Piô X đã đặt vua thánh Henry II làm bổn mạng của các hội viên sống tinh thần thánh Bênêđictô.

Thiên Chúa mời gọi mọi người, trong mọi nghề nghiệp và mọi lãnh vực của đời sống, nên thánh. Đừng ai nghĩ rằng mình quá bận rộn hoặc quá quan trọng đến nỗi không thể đặt Thiên Chúa lên trên đời sống của mình. Thật ra, khi Thiên Chúa được đặt lên trên hết, thì mọi thứ khác sẽ tự có chỗ cho riêng nó. Đối với chúng ta, Thiên Chúa phải được đặt ở vị thế ưu tiên số một.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62850


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 12 Tháng 7:
CÁC THÁNH GIOAN JONES VÀ GIOAN WALL, TỬ ĐẠO

IMG_1605.JPG


Hai tu sĩ này tử đạo ở Anh hồi thế kỷ XVI và XVII vì không chịu từ bỏ đức tin.

Thánh Gioan Jones là người xứ Wales (Anh), là linh mục triều và bị tù 2 lần vì cử hành các bí tích trước khi rời khỏi Anh quốc năm 1590. Ngài vào Dòng Phanxicô lúc 60 tuổi và trở về Anh 3 năm sau, khi nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi. Ngài chăm sóc người Công giáo ở vùng quê nước Anh đến khi vô tù năm 1596.

Ngài bị treo cổ, kéo lê và phân thây làm tư ngày 12­/7/1598.

Thánh Gioan Wall cũng sinh trưởng ở Anh nhưng học ở ĐH Anh quốc Douai tại Bỉ. Ngài thụ phong linh mục ở Rôma năm 1648, gia nhập Dòng Phanxicô ở Douai vài năm sau. Năm 1656, ngài trở lại làm việc bí mật tại Anh quốc.

Năm 1678, Titus Oates bắt nhiều người Anh lao động cực khổ tại đất nước này. Từ đó, người Công giáo không được tham gia vào Quốc hội, mãi đến năm 1829 luật này mới được bãi bỏ. Thánh Gioan Wall phải vô tù năm 1678 và bị xử tử vào năm sau.

Các ngài được phong thánh năm 1970.

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012