Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62848


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 11 Tháng 7:
THÁNH BÊNÊĐICTÔ

IMG_1574.JPG


Thánh Bênêđictô sinh năm 480 tại Nursia, nước Ý. Thánh nhân là con trai của một gia đình người Ý giàu có. Cuộc đời của thánh Bênêđictô chứa đầy những mẩu truyện li kì và thú vị. Khi còn nhỏ, Bênêđictô tới Rôma và học nơi các trường công cộng. Lúc trưởng thành, ngài cảm thấy phẫn nộ với nếp sống đồi bại của thành Rôma ngoại đạo. Bênêđictô rời bỏ thành phố và đi tìm một nơi khả dĩ được ở một mình với Thiên Chúa. Và ngài đã tìm thấy một địa điểm tốt. Đó là một cái hang ở trong núi Subiacô. Một đan sĩ tên là Rômanô đã dạy cho Bênêđictô học biết về đời sống của một ẩn sĩ và trao cho Bênêđictô một bộ tu phục. Mỗi ngày, Rômanô cũng đem đến cho Bênêđictô một ít thực phẩm.

Thánh Bênêđictô đã trải qua 3 năm sống một mình trong núi. Ma quỷ thường hay cám dỗ ngài trở về quê nhà với đời sống tiện nghi và thoải mái. Tuy nhiên, thánh nhân đã vượt qua những cám dỗ này bằng các việc cầu nguyện và đền tội. Một ngày kia, ma quỷ lại tiếp tục cám dỗ Bênêđictô nghĩ tưởng đến một phụ nữ xinh đẹp mà có lần Bênêđictô đã gặp thấy ở thành Rôma. Ma quỷ cố gắng làm cho thánh nhân trở về tìm lại bà ấy. Bênêđictô dường như sắp nhượng bộ cơn cám dỗ này. Nhưng thay vào đó, thánh nhân đã sốt sắng cầu nguyện và đền tội nhiều hơn. Và từ đó trở đi, đời sống của Bênêđictô rất bình an. Bênêđictô không còn cảm thấy những cơn cám dỗ cuồng loạn như thế nữa.

Sau ba năm, người ta nhận biết Bênêđictô sống trong hang núi và họ bắt đầu kéo đến với ngài. Họ muốn ngài chỉ cho họ cách thức nên thánh. Cũng có vài đan sĩ, mà đan phụ của họ đã qua đời, đến xin Bênêđictô làm linh hướng cho họ. Nhưng khi thánh nhân bắt họ làm việc đền tội, họ lại bực tức. Người ta nói rằng thậm chí có lần họ đã đầu độc Bênêđictô. Thánh nhân đã làm dấu Thánh Giá trên ly rượu có độc và ly rượu đã vỡ tan thành từng mảnh.

Bênêđictô rời bỏ các đan sĩ ấy và quay về lại chiếc hang của ngài. Từ đó, thánh nhân thiết lập thêm mười hai đan viện nữa. Rồi Bênêđictô trẩy tới núi Cassinô nơi thánh nhân xây cất một đan viện rất danh tiếng. Và chính tại đây Bênêđictô đã viết một bộ luật tuyệt vời cho hội dòng Bênêđictô. Ngài dạy các đan sĩ của mình cầu nguyện và làm việc chăm chỉ. Đặc biệt, Bênêđictô dạy họ luôn sống khiêm tốn. Thánh Bênêđictô và các đan sĩ của ngài lúc ấy đã giúp đỡ người dân rất nhiều. Các ngài đã dạy họ tập đọc, tập viết, cách làm ruộng và kinh doanh nhiều nghề khác nhau. Thánh Bênêđictô đã làm được nhiều việc tốt vì ngài đã cầu nguyện không ngừng. Thánh nhân về trời ngày 21 tháng Ba năm 547. Đến năm 1966, đức thánh cha Phaolô VI tôn tặng Bênêđictô danh hiệu thánh bổn mạng của Âu châu.

Thánh Bênêđictô nhắc nhớ chúng ta rằng có một nhu cầu sâu xa nhất của con người là trải nghiệm những giờ cầu nguyện bên Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không phải đi vào một hang động, mà có thể lưu lại ngay bên nhà thờ và viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Chúng ta cũng có thể tạo một góc cầu nguyện trong căn phòng của chúng ta. Chúng ta sẽ sống mật thiết hơn với Thiên Chúa nhờ những lời cầu nguyện hàng ngày với Chúa Giêsu.

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62846


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 10 Tháng 7:
THÁNH VÊRÔNICA GIULIANI

IMG_1561.JPG


Thánh nữ Ursula Giuliani sinh tại nước Ý vào năm 1660. Ngay từ thiếu thời, thánh nữ đã ham ước sống cuộc đời thánh thiện. Dù cho thân phụ muốn Giuliani kết hôn, nhưng năm lên 17 tuổi Giuliani đã xin vào dòng nữ Capuxinô. Và ngài nhận tên là Vêrônica.

Năm 37 tuổi, dì Vêrônica bắt đầu cảm thấy có sự đau đớn trong thân thể mình, đó là những thống khổ mà Chúa Kitô đã chịu trong suốt cuộc tử nạn đau thương của Người. Sau đó, Vêrônica được nhận năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu. Đức giám mục, sau khi điều tra về các vết đinh ở tay và chân của Vêrônica, đã tuyên bố đó là tặng ân siêu nhiên của Thiên Chúa.

Dì Vêrônica tận hiến đời mình để sống chiêm niệm và cầu nguyện. Dì cũng nhận một nhiệm vụ quan trọng là tập sư. Với cương vị tập sư, Vêrônica hướng dẫn các nữ tập sinh trong tu viện. Vêrônica thi hành chức vụ này suốt 34 năm. Rồi chị em trong dòng chọn thánh nữ làm bề trên; và Vêrônica đã hướng dẫn hội dòng suốt 11 năm sau cùng của cuộc đời ngài.

Lúc về già, cha giải tội của thánh nữ Vêrônica trao cho ngài nhiệm vụ ghi lại những kinh nghiệm thiêng liêng. Vêrônica Giuliani qua đời ngày mùng 9 tháng Bảy năm 1727. Ngài được phong thánh năm 1839 và được coi là một trong những nhà thần bí lớn nhất của thế kỷ thứ 18.

Thánh nữ Vêrônica Giuliani rất trung thành trong công việc chia sẻ những đau khổ của Chúa Kitô. Cách tuyệt hảo nhất để thực hiện lòng trung thành này là năng đọc sách về cuộc khổ nạn của Chúa trong Tin mừng. Điều này sẽ thúc đẩy chúng ta sống thánh thiện, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân nhiều hơn.

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62844


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 09 Tháng 7:
THÁNH AUGUSTINÔ ZHAO RONG VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

IMG_1555.JPG


Ngày hôm nay, Giáo hội cử hành thánh lễ tôn kính các vị tử đạo Trung Hoa. Các ngài là những người đã nêu gương anh dũng trong đời sống đức tin Kitô giáo dọc theo lịch sử của đất nước này. Thánh Augustinô Zhao Rong, đã anh dũng tử đạo để minh chứng đức tin, là một trong số 122 tín hữu Công giáo đã hy sinh suốt từ năm 1648 đến năm 1930.

Vào năm 1815, một giám mục tên Gioan Gabriel Đufresse bị bắt. Lúc ấy, việc thực hành đạo Kitô bị coi là một hành vi chống lại luật lệ của đất nước Trung Hoa. Một anh lính Trung Hoa canh giữ đức giám mục rất đỗi khâm phục ngài bởi sự bình thản và lòng kiên nhẫn đối với cuộc bách hại. Sau khi giám mục Đufresse bị giết, người lính này đã xin gia nhập Giáo hội. Anh được chịu phép Thanh tẩy và nhận tên là Augustinô. Sau này, Augustinô gia nhập chủng viện và học làm linh mục.

Thụ phong linh mục chẳng bao lâu, Augustinô cũng bị bắt vì là Kitô hữu. Người ta đã tra tấn Augustinô dữ dội hầu làm cho ngài chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô. Thế nhưng, những đau khổ ấy lại chỉ giúp cho Augustinô Zhao Rong thêm can đảm và làm xác tín hơn niềm tin của ngài. Augustinô Zhao Rong bị lên án tử và tên ngài được ghi vào danh sách các tín hữu Trung Hoa anh dũng đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho niềm tin của mình.

Danh sách các vị anh hùng này bao gồm 76 giáo dân, một số em thiếu nhi thậm chí mới bảy tuổi, 8 chủng sinh, 24 linh mục và 6 giám mục. Trong số này, có 88 vị là người gốc Trung Hoa và 34 vị là các nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng các vị đã nhận Trung Hoa là quê hương của mình.

Chúng ta hãy noi gương thánh Augustinô Zhao Rong và các bạn tử đạo Trung Hoa. Như các ngài, chúng ta hãy sống niềm tin của mình cách vui tươi. Chúng ta hãy can đảm sống cho sự thật dù đôi lúc đó không phải là điều dễ thực hiện.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62842


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 08 Tháng 7:
CHÂN PHƯỚC GREGORY GRASSI VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

IMG_1554.JPG


Các nhà thừa sai Kitô giáo thường bị bắt trong các cuộc chiến chống với chính quốc gia của mình. Khi các chính phủ Anh, Ðức, Nga và Pháp buộc nhà cầm quyền Trung Hoa phải nhượng bộ đất đai vào năm 1898, cả một phong trào chống người ngoại quốc nổi dậy ở Trung Hoa.

Gregory Grassi sinh ở Ý năm 1833, thụ phong linh mục năm 1856 và năm năm sau ngài được sai đến Trung Hoa Lục Ðịa. Sau đó, Cha Gregory được tấn phong làm Giám Mục của giáo phận Bắc Shanxi. Vào năm 1900, trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ, cùng với 14 nhà truyền giáo Âu Châu và 14 tu sĩ Trung Hoa, ngài chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu ấy.

Hai mươi sáu vị tử đạo bị bắt theo lệnh của Yu Hsien, quan đầu tỉnh Shanxi. Tất cả bị chết chém vào ngày 9 tháng Bảy 1900. Năm vị thuộc dòng Phanxicô Hèn Mọn; bảy vị thuộc tu hội Phanxicô Truyền Giáo của Ðức Maria - là các vị tử đạo tiên khởi của tu hội. Về phía người Trung Hoa, có bảy chủng sinh và bốn giáo dân, tất cả đều thuộc dòng Ba Phanxicô. Ba giáo dân Trung Hoa khác bị giết ở Shanxi chỉ vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô và bị bắt cùng với các người khác. Ba tu sĩ Phanxicô người Ý cũng được tử đạo trong tuần đó ở tỉnh Hunan.

Tất cả các vị tử đạo được phong Chân phước vào năm 1946.

Lời Bàn: Tử đạo là sự nguy hiểm nghề nghiệp của các nhà truyền giáo. Trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ ở Trung Hoa Lục Ðịa, năm giám mục, 50 linh mục, hai trợ sĩ, 15 nữ tu và 40.000 Kitô Hữu Trung Hoa đã bị giết. Tuy nhiên, số giáo dân Công Giáo Trung Hoa vào năm 1906 là 146.575 đã tăng lên đến 303.760 vào năm 1924. Sự hy sinh lớn lao đã đem lại kết quả lớn lao.

Lời Trích: "Tử đạo là một phần của bản chất Giáo Hội, vì nó biểu lộ cái chết của Kitô hữu trong hình thức tinh tuyền, là một cái chết vì đức tin không chịu kiềm chế. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội, thay vì thuần tuý vẫn chỉ có tính cách không tưởng, đã thể hiện một diễn đạt tỏ tường cần thiết nhờ ơn sủng của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, người chấp nhận cái chết vì đức tin Kitô giáo hoặc luân lý Kitô giáo được coi là một 'chứng nhân' Danh từ này xuất phát từ Phúc Âm, vì Ðức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)" (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học, tập 2, trang 108-109).

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62840


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 07 Tháng 7:
CHÂN PHƯỚC EMMANUEL RUIZ VÀ CÁC BẠN (1804-1860)

IMG_1553.JPG


Thế giới mà Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã sống thì rất khác với thế giới của chúng ta. Chúng ta không biết gì nhiều về cuộc đời thơ ấu của Chân Phước Emmanuel Ruiz, nhưng cái chết anh hùng của ngài để bảo vệ đức tin đã được lưu truyền cho hậu thế.

Sinh trong một gia đình thanh bạch, khiêm tốn ở Santander, Tây Ban Nha, ngài là một linh mục dòng Phanxicô và phục vụ trong công cuộc truyền giáo ở Damascus, Syria. Vào lúc ấy, nơi đây có các cuộc nổi loạn chống với Kitô Hữu và đã khiến hàng ngàn người phải thiệt mạng.

Trong số đó có Cha Emmanuel, bề trên tu viện dòng Phanxicô, bảy tu sĩ khác và ba giáo dân. Khi đám người hung bạo bắt được các vị này, các ngài cương quyết không chối bỏ đức tin để theo Hồi Giáo. Họ bị tra tấn dã man trước khi chết vì đạo.

Cha Emmanuel, các tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1926.

Lời Bàn: Thế giới mà Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã sống thì rất khác với thế giới của chúng ta. Chúng ta yêu quý sự tự do tôn giáo mà chúng ta lựa chọn. Không ai dùng sự tra tấn và cái chết đễ đe dọa chúng ta nếu chúng ta từ chối không theo con đường của họ. Sự nguy hiểm mà chúng ta đối diện thì tinh tế hơn: đó là sự quyến dũ của nền văn minh vật chất. Có thể nó không dẫn dụ chúng ta từ bỏ đức tin, nhưng nó cũng không khích lệ chúng ta sống đức tin ấy một cách trọn vẹn. Cũng như Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã độ lượng đổ máu đào, chúng ta cũng phải độ lượng hy sinh của cải và thời giờ của chúng ta trong công việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62837


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 06 Tháng 7:
THÁNH MARIA GÔRETTI

IMG_1537.JPG


Maria Gôretti sinh năm 1890 tại nước Ý. Thân phụ của thánh nữ chết vì bệnh sốt rét lúc thánh nữ lên 10. Khi 12 tuổi, Maria Gôretti giúp mẹ trông coi các em và làm việc đồng áng ngay tại sân nhà. Maria không bao giờ ca thán điều gì vì biết rằng gia đình ngài rất nghèo. Thực sự, Maria đã luôn khích lệ thân mẫu và thánh nữ chính là nguồn an ủi lớn lao đối với bà. Maria Gôretti đi tham dự thánh lễ đều đặn dù cho con đường dẫn tới nhà thờ phải mất đến hai giờ đi bộ. Maria Gôretti cũng thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa giải.

Một anh hàng xóm trẻ tuổi tên là Alêxanđrô đã nhiều lần dụ dỗ Maria Gôretti phạm tội nghịch đức trong sạch. Và Maria Gôretti đã kịch liệt phản đối. Thánh nữ đã tìm mọi cách để xa tránh anh này. Vào ngày mùng 5 tháng Bảy năm 1902, một ngày hè oi bức, Maria Gôretti ở nhà một mình trong túp nhà nhỏ may vá quần áo. Alêxanđrô đã tiến lại và dụ dỗ Maria phạm tội. Một lần nữa, Maria Gôretti từ chối. Alêxanđrô liền tấn công và lôi Maria Gôretti vào căn phòng bên trong. Maria Gôretti cố gắng la to: “Không! Không! Điều anh đang làm là tội trọng. Thiên Chúa không muốn đâu! Nếu anh làm, anh sẽ xuống hỏa ngục!” Và Maria Gôretti chống trả quyết liệt. Alêxanđrô hoảng hốt. Anh tức giận đâm Maria Gôretti nhiều nhát bằng con dao găm anh tự chế. Rồi anh bỏ chạy.

Sau đó, Maria Gôretti được đưa vào bệnh viện; và thánh nữ đã qua đời sau 24 tiếng đồng hồ. Trong những giờ sau hết, Maria Gôretti đã tha thứ cho kẻ hãm hại mình. Thánh nữ chỉ thương tiếc cho thân mẫu của ngài. Maria Gôretti lãnh nhận Chúa Giêsu trong Của Ăn Đàng với niềm vui dào dạt. Sau đó, thánh nữ về trời. Rồi Alêxanđrô bị bắt. Suốt 8 năm, Alêxanđrô không hề hối cải và thừa nhận tội ác khủng khiếp của anh. Nhưng một đêm kia Alêxanđrô nằm mơ. Trong giấc mơ đó, anh thấy Maria Gôretti tặng anh một bó hoa. Và từ giây phút ấy, Alêxanđrô trở nên một người mới. Khi được ra khỏi tù 20 năm sau, việc đầu tiên Alêxanđrô làm là đến thăm gia đình của Maria Gôretti. Alêxanđrô xin thân mẫu của Maria Gôretti tha thứ cho mình. Rồi anh dùng phần đời còn lại của anh phục vụ như một người làm vườn tại một tu viện gần đó.

Ngày 27 tháng Tư năm 1947, Maria Gôretti được đức thánh cha Piô XII phong chân phước. Đức thánh cha xuất hiện trên ban công của đền thánh Phêrô cùng với bà Assunta, bà mẹ 82 tuổi của Maria Gôretti. Ba năm sau, vào ngày 25 tháng Bảy năm 1950, cũng đức thánh cha Piô XII đã tôn phong Maria Gôretti lên bậc hiển thánh. Đức thánh cha gọi thánh nữ là “vị tử đạo của đức trinh khiết.”

Chúng ta có thể tự giúp mình sống những giá trị Kitô giáo nếu chúng ta năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận bí tích Hòa giải. Chúng ta cũng có thể chọn xem những phim ảnh tốt, những sách vở hay tạp chí lành mạnh. Khi cảm thấy yếu đuối, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Maria Gôretti giúp chúng ta dám sống đời Kitô hữu đạo hạnh như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62833


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 05 Tháng 7:
THÁNH ANTÔN MARIA ZACARIA

IMG_1536.JPG


Thánh Antôn Maria Zacaria sinh tại nước Ý vào năm 1502. Thân phụ Antôn qua đời lúc ngài còn rất trẻ. Thân mẫu Antôn khuyến khích ngài với một tình yêu thương đặc biệt, và chính nhờ tình yêu thương này mà Antôn rất dễ cảm thông đối với những đau khổ của người nghèo. Bà Zacaria đã gởi Antôn tới theo học tại trường đại học Pađua để sau này Antôn có thể trở thành bác sĩ. Và chỉ mới 22 tuổi, Antôn đã tốt nghiệp đại học.

Bác sĩ trẻ Antôn Maria Zacaria làm việc rất thành công. Tuy vậy, Antôn vẫn cảm thấy chưa thoả mãn. Antôn nhận thấy mình muốn trở thành một linh mục. Và Antôn bắt đầu học thần học. Ngài cũng tiếp tục chăm sóc những người đau bệnh, an ủi và khích lệ những người hấp hối. Antôn cố gắng dùng mọi giờ rảnh để đọc và suy niệm các thư của thánh Phaolô trong Kinh Thánh. Antôn đã đọc truyện về vị tông đồ vĩ đại Phaolô nhiều lần và cũng suy tư rất nhiều về các nhân đức của thánh Phaolô. Giờ đây tâm hồn Antôn Maria Zacaria đang trào lên một niềm khao khát mãnh liệt muốn trở nên một vị thánh để đem mọi người về với Chúa Giêsu.

Sau khi thụ phong linh mục, thánh Antôn Maria chuyển tới sống tại một thành phố lớn và rất nổi tiếng là Milan. Ở đó, thánh nhân có dịp giúp đỡ nhiều người hơn. Thánh Antôn cũng thiết lập một hội dòng gọi là dòng các linh mục. Các linh mục tu ở đây được gọi là các giáo sĩ dòng thánh Phaolô. Người ta cũng gọi các ngài là “các giáo sĩ Barnaba” vì Nhà Mẹ của hội dòng được xây cất gần nhà thờ kính thánh Barnaba ở Milan, nước Ý. Noi gương thánh tông đồ Phaolô, thánh Antôn và các linh mục dòng ngài đã đi rao giảng khắp nơi. Các ngài năng sử dụng và hay lặp lại những câu nói của thánh Phaolô. Các ngài giải thích sứ điệp của thánh Phaolô bằng những từ dễ hiểu. Dân chúng đã yêu thích và rất ưa chuộng lối giảng giải này. Thánh Antôn Maria Zacaria cũng có một tình yêu say mê đối với Chúa Giêsu Thánh Thể; và thánh nhân hay khuyến khích việc Chầu Thánh Thể Bốn Mươi Giờ.

Thánh Antôn Maria Zacaria qua đời ngày mùng 5 tháng Bảy năm 1539, lúc mới được 37 tuổi. Đức thánh cha Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh năm 1897.

Thánh Antôn Maria Zacaria có một lòng mộ mến đặc biệt đối với thánh tông đồ Phaolô. Ngài thường nói: “Tôi chưa bao giờ xin thánh Phaolô điều gì mà lại bị từ chối.” Chúng ta cũng hãy đọc các thư của thánh Phaolô và nài xin thánh nhân ban cho những ơn cần thiết.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62831


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 04 Tháng 7:
THÁNH ÊLIZABETH BỒ-ĐÀO-NHA

IMG_1535.JPG


Thánh nữ Êlizabeth, công chúa nước Tây Ban Nha, sinh năm 1271. Ngài được đặt tên theo người cô, là thánh Êlizabeth Hungary (lễ kính ngày 17 tháng Mười Một). Êlizabeth kết hôn với vua Đênis nước Bồ Đào Nha khi lên 12 tuổi. (Vì những lý do chính trị, lúc đó người ta xem là chuyện bình thường đối với những cuộc hôn nhân quan trọng, cô dâu hoặc chú rể thường rất trẻ, có khi mới chỉ là một em thiếu nhi.) Êlizabeth rất xinh đẹp và đáng yêu. Ngài cũng rất đạo đức và năng đi tham dự thánh lễ hàng ngày. Lúc đầu, vị hôn phu của Êlizabeth rất yêu quý ngài, nhưng chẳng bao lâu ông đã làm cho ngài phải đau khổ nhiều. Dù là một nhà lãnh đạo tốt, Đênis cũng không có được lòng yêu mến cầu nguyện và các nhân đức như người vợ của mình. Thực ra, các tội ô uế của ông là những vụ tai tiếng khắp nước ai ai cũng biết.

Thánh nữ Êlizabeth đã cố gắng trở nên người mẹ đáng yêu đối với hai đứa con của mình: Alphongsô và Côngxtăngxia. Thánh nữ cũng sống quảng đại và tỏ ra dễ mến đối với thần dân trong nước Bồ Đào Nha. Thậm chí dù chồng ngài có bất trung, thì Êlizabeth vẫn kiên tâm cầu nguyện để một ngày nào đó ông sẽ thay đổi tâm hồn. Êlizabeth không bao giờ tỏ ra bực dọc hoặc cay cú. Dần dần, vua Đênis bị xúc động bởi lòng kiên nhẫn và gương sống tốt lành của Êlizabeth. Ông bắt đầu cải thiện đời sống. Ông nhìn nhận tất cả là nhờ Êlizabeth; và ông tỏ lòng tôn trọng rất mực đối với ngài. Trong cơn bạo bệnh cuối đời của vua, hoàng hậu đã luôn luôn có mặt ở bên giường ông, chỉ trừ thời gian tham dự thánh lễ. Vua Đênis qua đời ngày 6 tháng Giêng năm 1325. Ông đã rất hối hận vì những tội lỗi của ông và qua đời trong an bình.

Êlizabeth sống thêm 11 năm nữa. Thánh nữ đã gia nhập dòng Ba Phanxicô, làm nhiều việc bác ái và đền tội. Êlizabeth là một mẫu gương tuyệt vời về lòng tử tế đối với những người nghèo khổ. Thánh nữ cũng là người kiến tạo hòa bình giữa các thành viên trong gia đình và giữa các quốc gia.

Thánh nữ Êlizabeth Bồ Đào Nha qua đời ngày mùng 4 tháng Bảy năm 1336. Ngài được đức thánh cha Urbanô VIII tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1626.

Thánh nữ Êlizabeth Bồ Đào Nha đã tìm được sức mạnh để chu toàn cuộc sống hàng ngày nhờ tham dự thánh lễ ban sáng. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ giúp chúng ta cũng biết trân quý kho tàng thánh lễ vô giá này, bằng cách tham dự với lòng yêu mến và sốt sắng.

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62830


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 03 Tháng 7:
THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ


IMG_1534.JPG


Thánh Tôma là một trong số mười hai tông đồ của Đức Chúa Giêsu. Tôma bên tiếng Syria có nghĩa là “sinh đôi.” Một lần kia, khi Chúa Giêsu tỏ cho biết Người sẽ lên Giêrusalem để nộp mình chịu chết, thì các tông đồ khác đã ngăn cản Thầy lại, nhưng thánh Tôma nói với họ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy đi và cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).

Khi thấy Đức Chúa Giêsu bị các kẻ thù của Người bắt giữ, Tôma đã mất hết nhuệ khí ban đầu. Ngài đã bỏ chạy cùng với các tông đồ khác. Trái tim Tôma buồn sầu tan vỡ trước cái chết bi thương của Thầy Chí Ái. Nhưng rồi vào Chúa nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ sau khi chỗi dậy từ cõi chết. Người chỉ cho các tông đồ xem các vết thương ở tay và cạnh sườn Người. Lúc ấy Tôma vắng mặt. Khi Tôma tới, các tông đồ hồ hởi nói với Tôma: “Chúng tôi đã được xem thấy Chúa!” Họ tưởng là Tôma rất vui. Ai ngờ, Tôma lại không tin sứ điệp các ngài vừa loan báo. Lý do vì trừ các tông đồ, Tôma chưa được xem thấy Đức Chúa Giêsu cách tỏ tường.

“Nếu tôi không nhìn thấy các dấu đinh ở tay Người,” Tôma nói, “nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin!” Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các tông đồ. Lần này có mặt Tôma. Chúa Giêsu gọi Tôma và bảo hãy chạm tay vào các lỗ đinh và vào vết thương ở cạnh sườn Người. Tôma liền sấp mình xuống dưới chân Thầy Chí Ái và kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!” Sau đó, Chúa Giêsu nói: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.” Bạn có thể tìm gặp mẩu truyện này trong sách Tin mừng của thánh ký Gioan, nơi chương 20, các câu 24-29.

Sau ngày lễ Hiện Xuống, Tôma được kiện cường trong niềm tin và thánh nhân đã tín thác vào Đức Chúa Giêsu hơn. Người ta nói rằng thánh Tôma đã sang tận Ấn Độ để rao giảng Tin mừng. Và Tôma đã tử đạo ở đó, sau khi rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu cho nhiều người.

Chúng ta thường nghe truyện kể về thánh Tôma như một người “cứng lòng,” nhưng giây phút được nhìn xem Chúa Giêsu Phục Sinh chính là lúc thánh nhân đã tuyên xưng một niềm tin rất mực kiên vững. Trong thánh lễ, khi linh mục nâng cao Bánh Thánh, chúng ta cũng hãy cầu nguyện bằng những lời của thánh Tôma: “Lạy Chúa con! Lạy Thiên Chúa của con!”


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 7 6 years 9 months ago #62825


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 02 Tháng 7:

THÁNH OLIVƠ (OLIVER) PLUNKET


IMG_1533.JPG



Thánh Ôlivơ Plunket sinh tại Ai Len vào ngày mùng 1 tháng Mười Một năm 1629. Ngài học tại trường thánh Maria thuộc đan viện Bênêđictô ở Đublin. Lên 16 tuổi, Ôlivơ Plunket sang Rôma để tiếp tục việc học và chuẩn bị cho thiên chức linh mục.

Ôlivơ được thụ phong linh mục năm 1654; và sau đó, ngài lưu lại Rôma suốt 15 năm phục vụ trong chức vị giáo sư thần học. Ôlivơ cũng là đại diện của các giám mục Ai Len tại tòa thánh. Vào năm 1669, cha Ôlivơ Plunket được đặt làm tổng giám mục giáo phận Armagh và là giáo chủ của toàn cõi Ai Len.

Vào thời gian này, vua nước Anh, Carôlô II, đang cố gắng tìm cách ổn định Anh giáo ở Anh quốc, Scốtlen và Ai Len. Ông thực hiện điều đó bằng việc thủ tiêu các tôn giáo khác, bao gồm cả Công giáo. Đức tổng giám mục Plunket trở về Ai Len trong tư thế ngụy trang. Ngài mặc thường phục và lấy tên là thuyền trưởng Brown.

Vào tháng Năm năm 1670, cuộc bách hại các Kitô hữu có phần dịu xuống, và đức tổng giám mục Plunket có thể công khai làm việc trong giáo phận của mình. Trong ba năm tiếp đó, ngài đã ban bí tích Thêm sức cho khoảng 10000 tín hữu; ngài tổ chức lại giáo phận, truyền chức thánh cho các tân linh mục và mở nhiều trường học.

Nhưng đến năm 1673, cuộc bách hại các Kitô hữu lại tiếp diễn. Đức tổng giám mục Ôlivơ Plunket bị ép phải lẩn trốn. Năm 1678, một người tên là Titô Oates tung tin rằng các Kitô hữu đang lập kế hoạch mưu sát nhà vua và sẽ đặt em trai của vua, người theo đạo Công giáo, lên ngai vàng. Sau đó, người ta nhận biết là Oates đã tạo ra toàn bộ câu chuyện, và họ đã bỏ tù anh ta vì tội khai man trước toà án (tức nói dối sau khi đã thề nói sự thật). Trong lúc đó, các giám mục và các linh mục Công giáo bị bắt buộc phải rời khỏi Ai Len.

Đức tổng giám mục Ôlivơ Plunket bị bắt ngày mùng 6 tháng Mười Hai năm 1679, và bị biệt giam suốt chín tháng tại Luânđôn. Trong một án xử bất công, ngài đã bị kết án vì tội phản quốc. Ôlivơ Plunket bị treo cổ ngày mùng 1 tháng Bảy tại Tybơn, và ngài là người Công giáo sau cùng được phúc tử đạo tại Anh quốc.

Ôlivơ Plunket được đức thánh cha Phaolô VI tôn phong lên bậc hiển thánh năm 1975.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Giáo hội để các ngài có đủ can đảm và lòng nhiệt thành phục vụ những người đã được trao phó cho các ngài, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm. Chúng ta cũng hãy cầu xin để các ngài được các bổn đạo của mình an ủi và nâng đỡ.

“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012