Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62935


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 21 Tháng 8:
THÁNH GIÁO HOÀNG PIÔ X

0821_StPioX.jpg


Vị giáo hoàng vĩ đại này có tên là Giuse Sartô, sinh năm 1835. Ngài là con trai của một người đưa thư ở Riese, nước Ý. Giuse có biệt danh dễ thương là “Beppi.” Khi quyết định muốn làm linh mục, Giuse đã phải cố gắng hy sinh rất nhiều để học hành. Nhưng Giuse chấp nhận tất cả. Giuse thậm chí đã đi chân không hàng dặm tới trường để tiết kiệm đôi giày tốt của mình. Sau khi được thụ phong linh mục, cha Sartô đã phục vụ tại các giáo xứ nghèo suốt 17 năm. Mọi người đều quý mến Sartô. Cha Sartô đã từng bán mọi thứ mình có để lấy tiền giúp họ. Các em gái của Sartô đã phải cất giấu mấy chiếc sơ-mi của ngài đi kẻo không thì Sartô sẽ chẳng còn gì để mặc. Dù sau này làm giám mục và hồng y, Giuse Sartô vẫn bố thí cho người nghèo những của cải mình có. Ngài chẳng hề giữ lại điều gì cho riêng mình!

Khi đức thánh cha Lêô XIII qua đời năm 1903, hồng y Sartô được chọn lên kế vị. Ngài nhận tước hiệu là Piô X. Ngài là giáo hoàng của bí tích Thánh Thể. Đức thánh cha Piô X đã khuyến khích mọi người hãy rước Chúa Giêsu Thánh Thể cách thường xuyên. Ngài cũng hạ thấp mức tuổi cho trẻ em để chúng được phép rước Chúa Giêsu vào lòng sớm hơn. Trước kia, để được lãnh bí tích Thánh Thể, các trẻ phải chờ đợi trong suốt nhiều năm. Ngài cũng là giáo hoàng của những chỉ dẫn tôn giáo. Ngài tin kính và yêu mến đức tin Công giáo. Ngài muốn mọi Kitô hữu đều được chia sẻ vẻ đẹp của các chân lý đức tin. Ngài thực sự quan tâm đến từng người với những nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Ngài khuyến khích các linh mục và các giảng viên giáo lý hãy cố gắng giúp mọi người học hiểu về đức tin Công giáo.

Khi Đại Thế Chiến thứ nhất bùng nổ, thánh giáo hoàng Piô X đã phải đau khổ nhiều. Ngài biết nhiều người sẽ bị giết chết. Thánh Piô X nói: “Cha sẽ vui mừng dâng hiến mạng sống cha để cứu những em nhỏ đáng thương khỏi nỗi đau kinh khủng này!” Về cuối đời, thánh nhân cũng nói: “Cha đã sống nghèo, và cha ao ước cũng được chết nghèo!” Piô X chẳng bao giờ giữ lại cho mình bất cứ của gì cho tới ngày về gặp Thiên Chúa. Giáo hoàng Piô X về trời ngày 20 tháng Tám năm 1914.

Giáo hoàng Piô X được đức thánh cha Piô XII tôn phong hiển thánh năm 1954. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên được phong thánh trong suốt 242 năm.

Thánh giáo hoàng Piô X hiểu rõ được tầm quan trọng của việc huấn giáo. Dạy trẻ em yêu mến Thiên Chúa và chuẩn bị cho chúng lãnh các phép bí tích là những ưu tư hàng đầu của thánh nhân. Cộng tác vào chương trình huấn giáo của giáo xứ chính là một cách chúng ta đang đóng góp phần mình để bảo tồn gia sản quý đẹp của thánh giáo hoàng Piô X.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62933


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 20 Tháng 8:
THÁNH BÊNAĐÔ (ST. BERNARD OF CLAIRVAUX)

0820_StBernardOfClairvaux.jpg


Thánh Bênađô sinh năm 1090 tại thành Đigiông, nước Pháp. Bênađô và sáu em trai em gái của ngài được giáo dục rất tốt. Khi Bênađô lên 17, thân mẫu qua đời. Biến cố này đã làm Bênađô rất đỗi đau buồn cho tới khi Humbêlin, người em gái có bản tính rất hoạt của Bênađô, đến tìm cách giúp ngài khuây khỏa. Rồi chẳng mấy chốc, Bênađô trở nên rất nổi danh. Bênađô vừa đẹp trai vừa thông minh, tính tình lại vui vẻ và hay pha trò, nên mọi người đều ham thích được ở với ngài.

Tuy nhiên, vào một ngày kia, Bênađô đã khiến cho bạn bè của ngài phải hoàn toàn ngạc nhiên: Bênađô sẽ xin vào tu trong dòng khổ tu Xitô! Bạn bè của Bênađô đã tìm đủ mọi cách để làm cho ngài từ bỏ ý định này. Nhưng rốt cục, chính Bênađô lại thuyết phục được các anh em mình, một người cậu và 26 đồng bạn nữa cùng tham gia với ngài. Lúc Bênađô và các anh em rời nhà ra đi, họ đã nói với Nivard, người em út đang chơi đùa với chúng bạn, rằng: “Tạm biệt em Nivard! Tạm biệt em! Bây giờ tất cả đất đai và tài sản là của em đó!” Nhưng cậu em đáp lại: “Sao? Các anh chọn trời và để đất lại cho em sao? Các anh có công bằng không?” Và sau đó ít lâu, Nivard cũng xin gia nhập với các anh mình trong đan viện.

Thánh Bênađô là một đan sĩ rất mực đạo hạnh. Sau ba năm, thánh nhân được sai đi thiết lập thêm một đan viện Xitô và làm bề trên nhà ấy. Đan viện mới tọa lạc dưới Thung Lũng Ánh Sáng và đan viện đã nổi danh nhờ bởi danh xưng này. Trong tiếng Pháp, Thung Lũng “Clairvaux” có nghĩa là Thung Lũng Ánh Sáng. Thánh Bênađô đã giữ chức đan trưởng tại đây suốt đời.

Dù Bênađô ham thích đời sống làm việc và cầu nguyện bên trong đan viện, người ta vẫn thường hay mời ngài ra ngoài làm những nhiệm vụ đặc biệt. Bênađô đã rao giảng, kiến tạo hòa bình cho các nguyên thủ quốc gia và là cố vấn cho các đức giáo hoàng. Thánh Bênađô cũng viết nhiều sách thiêng liêng rất hay. Vào thời ấy, Bênađô là người có nhiều ảnh hưởng quan trọng vào bậc nhất. Tuy vậy, ao ước lớn nhất của Bênađô vẫn là được sống thân mật với Thiên Chúa, được làm một đan sĩ thánh thiện. Ngài không muốn được nổi danh. Vị thánh này còn có một lòng sùng kính Mẹ Maria rất ư lạ lùng. Mỗi khi đi ngang qua ảnh tượng Đức Mẹ, thánh nhân thường hay chào Mẹ bằng câu: “Kính chào Mẹ Maria!” Người ta nói rằng một ngày kia, Đức Mẹ đã đáp lại lời chào của ngài: “Chào con, Bênađô!” Bằng cách này, Đức Mẹ cho biết tình yêu và lòng sùng kính thánh Bênađô dành cho Đức Mẹ thật lớn lao chừng nào; và Đức Mẹ cũng hài lòng biết bao!

Thánh Bênađô về trời năm 1153. Dân chúng rất đau buồn vì họ thương nhớ những ảnh hưởng tuyệt vời của ngài. Năm 1174, đức thánh cha Alêxanđơ III đã phong thánh cho Bênađô. Và đức thánh cha Piô VIII đã tôn nhận Bênađô làm Tiến sĩ Hội Thánh năm 1830.

Thánh Bênađô nhắc nhở chúng ta rằng mỗi chúng ta là một sự khác biệt. Mỗi người chúng ta có thể cống hiến tài năng của mình để làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Nếu bạn phân vân không biết mình phải đóng góp điều gì, bạn hãy tha thiết cầu nguyện xin thánh Bênađô trợ giúp.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62931


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 19 Tháng 8:
THÁNH GIOAN ÊUĐÊ (ST. JOHN EUDES)

0819_StJohnEudes.jpg


Thánh Gioan Êuđê sinh năm 1601 tại Normanđi, nước Pháp. Thánh nhân là con trai cả của một gia đình làm nghề nông. Ngay lúc còn rất nhỏ, Gioan đã cố gắng bắt chước gương Đức Chúa Giêsu trong cách đối xử với gia đình, bạn bè và những người láng giềng. Khi Gioan lên 9, một hôm có một cậu bé đã vả vào mặt Gioan. Gioan cảm thấy tức giận, nhưng nhớ lại lời dạy của Đức Chúa Giêsu trong Phúc âm, Gioan tiến lại giơ luôn cả má bên kia ra nữa. Điều này đã khiến cho cậu bé nọ rất đỗi ngạc nhiên.

Song thân của thánh Gioan Êuđê muốn ngài lập gia đình và sinh con cái. Gioan đã dịu dàng nhưng cương quyết thưa với song thân là mình đã có ơn kêu gọi làm linh mục. Rồi Gioan xin gia nhập dòng Giảng Thuyết và học làm linh mục. Sau khi Gioan được thụ phong, có một cơn dịch tả đã tràn vào thành phố Normanđi. Nó gieo rắc đau khổ kinh hoàng và chết chóc. Cha Êuđê đã tình nguyện giúp đỡ các bệnh nhân, săn sóc họ cả về phần xác lẫn phần hồn. Sau đó, cha trở thành nhà giảng thuyết trứ danh chuyên giúp các tuần đại phúc tại các giáo xứ. Thật sự, suốt cuộc đời thánh Gioan Êuđê đã thuyết giảng cho 110 kỳ tĩnh tâm. Thánh nhân đã thiết lập dòng Chị Em Con Đức Mẹ Bác Ái chuyên phục vụ những người tị nạn. Cha Êuđê cũng sáng lập một dòng nam, là dòng Chúa Giêsu Maria, cho các linh mục. Dòng này có sứ mạng chuyên huấn luyện các thanh niên thành những linh mục coi xứ tốt lành.

Thánh Gioan Êuđê có lòng sùng mộ rất đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu và Khiết Tâm Mẹ Maria. Thánh nhân đã viết một cuốn sách trình bày về lòng sùng kính này. Rồi, Gioan Êuđê đã ốm nặng sau một bài thuyết giảng ngoài trời trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Và ngài đã không thể bình phục. Gioan Êuđê qua đời năm 1680. Ngài được thánh giáo hoàng Piô X phong chân phước năm 1908. Thánh Piô X đã gọi Gioan Êuđê là tông đồ của lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ. Đến năm 1925, Gioan Êuđê được đức thánh cha Piô XI tôn phong lên bậc hiển thánh.

Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan Êuđê chỉ cho chúng ta biết cách tăng triển lòng yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Khiết Tâm Mẹ Maria. Chúng ta cũng hãy tìm hiểu về việc sùng kính Chín Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng và Năm Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng để đem ra thực hành.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62926


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 18 Tháng 8:
THÁNH GIĂNG SĂNGTAN (ST. JEANNE DE CHANTAL)

0818_StJeanneDeChantal.jpg


Thánh nữ Giăng Săngtan sinh năm 1572 tại thành Đigiông, nước Pháp. Thân phụ ngài, ông chủ tịch quốc hội Bôgôn, là một người đạo hạnh. Ông đã nuôi dạy con cái rất chu đáo sau khi người vợ qua đời. Giăng, đứa con ông hết sức yêu quý, kết hôn với Christôphơ, nam tước vùng Săngtan. Giăng và Christôphơ đã tha thiết yêu nhau. Thiên Chúa đã ban cho họ sáu người con. Giăng bày tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa bằng việc yêu thương chồng con rất mực. Rồi đột nhiên, một đau khổ khủng khiếp đã ập xuống trên gia đình hạnh phúc ấy. Nam tước Christôphơ bất ngờ bị một người bạn bắn chết trong một chuyến đi săn. Giăng Săngtan rất đau khổ. Khi Christôphơ qua đời, Giăng Săngtan đã tha thứ cho người đã cướp đi sinh mạng của chồng và thậm chí, thánh nữ đã nhận làm mẹ đỡ đầu cho đứa con của người ấy.

Thánh nữ Giăng Săngtan xin Chúa ban cho một linh mục thánh thiện để hướng dẫn cuộc đời của ngài. Trong lúc chờ đợi, Giăng Săngtan đã cầu nguyện và nuôi dạy con cái với tình yêu thương của Thiên Chúa. Thánh nữ Giăng Săngtan thăm viếng những người nghèo khổ, bệnh tật và những người đang hấp hối. Khi gặp được thánh Phanxicô Salêsiô, Giăng biết đây chính là vị linh mục thánh thiện mà Thiên Chúa sai tới hướng dẫn ngài. Chúng ta đã mừng lễ kính thánh Phanxicô Salêsiô hôm 24 tháng Giêng.

Theo kế hoạch của thánh Phanxicô Salêsiô, Giăng Săngtan và ba người chị em khác đã thiết lập hội dòng Thăm Viếng. Nhưng trước tiên, Giăng phải lo cho con cái của mình, hiện đã khôn lớn, được an cư lạc nghiệp. Giăng Săngtan cũng có nhiều trách nhiệm và thách đố khác nữa. Nhưng Giăng đã cố gắng noi theo chương trình của Thiên Chúa lúc vừa kịp biết dù cho khó khăn đến mức nào. Thánh nữ Giăng Săngtan đã can đảm trong hết mọi gian khó ngài gặp phải. Thánh nữ mở nhiều tu viện mới và ngài cũng phải chiến đấu với những cám dỗ bản thân. Thánh Vinhsơn Phaolô viết: “Trong mọi khó khăn của cuộc sống, gương mặt Giăng Săngtan đã không khi nào để mất đi vẻ bình thản. Giăng Săngtan đã luôn luôn trung thành với Thiên Chúa. Vì thế, tôi cho rằng Giăng Săngtan là một trong số các linh hồn rất thánh thiện mà tôi đã từng gặp thấy.”

Giăng Săngtan về trời ngày 13 tháng Mười Hai năm 1641. Đến năm 1767, đức thánh cha Clêmentê XIII đã tôn phong Giăng Săngtan lên bậc hiển thánh.

Như thánh nữ Giăng Săngtan, chúng ta cũng hãy trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình, dù cho có lúc phải hy sinh. Chúng ta hãy bắt chước lòng can đảm và chí cương quyết của thánh nữ.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62924


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 17 Tháng 8:
THÁNH GIOAN ĐILĂNG (ST. JEANNE DELANOUE)

0817_StJeanneDelanoue.jpg


Thánh nữ Gioan Đilăng sinh năm 1666 tại miền Samur, nước Pháp. Ngài là con út trong gia đình có 12 người con. Gia đình Gioan làm nghề buôn bán nhỏ nhưng rất thành công. Khi bà mẹ góa qua đời, Gioan đã làm chủ cửa tiệm này. Gioan ích kỷ và tham lam, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện làm tiền; và vì thế, đã phạm nhiều tội mọn. Gioan trước đây rất sốt sắng đạo đức, nhưng bây giờ thì chỉ còn lại một chút lòng yêu mến hời hợt trong trái tim mà thôi. Trước đây thân mẫu Gioan luôn luôn rộng rãi với những người hành khất. Gioan, thay vào đó, chỉ mua thức ăn vừa đủ cho bữa ăn tối. Như thế Gioan mới có thể nói với bất cứ người hành khất nào đến gõ cửa xin mình rằng: “Xin lỗi, tôi không có gì để bố thí cho bạn cả!”

Gioan Đilăng cũng chẳng thấy vui gì với lối sống này. Rồi, lúc được 30 tuổi, tấm gương sáng của một quả phụ tên Phanxica Sôxê đã giúp Gioan thay đổi cuộc sống. Gioan nhận thấy rằng “việc kinh doanh” của mình không phải là để tích trữ tiền bạc nhưng là dùng để giúp đỡ tha nhân. Gioan bắt đầu quan tâm tới những gia đình nghèo khó và chăm sóc các trẻ mồ côi. Sau cùng, Gioan Đilăng đã đóng hẳn cửa tiệm của mình để dành trọn thời giờ phục vụ tha nhân. Người ta gọi căn nhà chứa đầy trẻ mồ côi của Gioan là “nhà Chúa Quan Phòng.” Rồi, Gioan thuyết phục các phụ nữ khác cùng tới giúp mình. Và họ đã trở thành các nữ tu dòng thánh Anna Chúa Quan Phòng Samur.

Thánh nữ Gioan Đilăng sống rất mực hy sinh. Chính thánh Luy Gri-nhông Môngpho đã gặp ngài. Thoạt đầu Luy tưởng rằng niềm kiêu hãnh đã làm cho Gioan tỏ ra vẻ khổ sở như thế, nhưng rồi thánh nhân nhận thấy trái tim của Gioan thực sự tràn đầy tình yêu Thiên Chúa. Thánh Luy nói: “Con hãy cứ tiếp tục công trình mà con đã khởi sự. Thần Khí của Chúa sẽ ở với con. Hãy vâng theo tiếng Người và đừng sợ gì!” Gioan Đilăng qua đời cách an bình năm 1736, hưởng thọ 70 tuổi. Dân thành Samur nói rằng: “Người chủ cửa tiệm nhỏ bé này đã giúp đỡ những người nghèo khổ tại đây nhiều hơn tất cả các ông ủy viên của thành phố gộp lại. Ôi một phụ nữ! Ôi một vị thánh!” Năm 1947, Gioan Đilăng được đức thánh cha Piô XII tôn lên bậc chân phước; và đến năm 1982, đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước Gioan Đilăng lên bậc hiển thánh.

Hằng ngày có nhiều người phải chịu cảnh đói khát. Chúng ta có thể nhận thấy được tầm quan trọng của việc tiết kiệm thực phẩm. Thậm chí, có lần chúng ta được mời ăn một thứ gì đó mà chúng ta không thích, chúng ta cũng vẫn cứ dùng. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Gioan Đilăng ban cho chúng ta tinh thần tự chế của ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện)

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62923


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 16 Tháng 8:
THÁNH TÊPHANÔ Ở HUNGARY

0816_StStephenHungary.jpg


Thánh Têphanô sinh khoảng năm 970 tại Hungary. Thánh nhân tên là Vaik, nhưng khi trở thành Kitô hữu lúc 10 tuổi, người ta lại gọi ngài là Têphanô. Cùng lúc ấy, thân phụ ngài là công tước xứ Hungary và nhiều quý tộc nữa cũng gia nhập đạo Công giáo. Tuy nhiên, khi Têphanô lên ngôi vua, cả quốc gia vẫn còn thờ ngẫu thần. Một số người đã có lối sống rất bạo lực và hung tợn. Vì thế, Têphanô quyết định thiết lập Giáo hội cách vững chắc tại Hungary; và các nỗ lực của ngài đã được Thiên Chúa chúc phúc. Thánh Têphanô đã thành công cách lạ lùng trong việc dẫn đưa các thần dân của ngài tìm đến với đức tin Công giáo. Bí quyết đó là do lòng sùng kính của Têphanô đối với Đức Mẹ Maria. Thánh Têphanô đã đặt toàn vương quốc dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ; và ngài đã cho xây một thánh đường nguy nga để tôn kính Đức Mẹ.

Đức thánh cha Sylveste II đã gởi cho Têphanô một vương miện tuyệt đẹp. Báu vật này được biết tới như vương miện của thánh Têphanô. Suốt Đại Thế Chiến Thứ Hai, binh lính Mỹ đã chiếm lấy chiếc vương miện này. Họ đã cất giữ nó cách an toàn và đã gởi trả lại cho Hungary hồi năm 1978.

Têphanô là một nhà lãnh đạo khôn ngoan và kiên quyết. Ngài buộc mọi người phải giữ luật công bằng. Nhưng thánh nhân cũng có lòng quảng đại và tử tế đối với những người nghèo khổ. Têphanô thích bố thí cho những người hành khất những gói tiền mà không cho họ biết ngài là ai. Một lần kia, khi Têphanô đang ngụy trang phân phát những gói tiền này thì một đám ăn mày thô bạo đã xông tới đánh ngài. Họ kéo tóc, giựt râu và lấy cắp túi tiền của Têphanô. Họ chẳng ngờ rằng họ đang bắt nạt đức vua của họ, vì lẽ họ không nhận ra ngài. Têphanô đã chấp nhận tủi nhục một cách lặng lẽ và khiêm tốn. Ngài nâng lòng trí lên Đức Mẹ và cầu nguyện: “Lạy Đức Nữ Vương thiên đàng, Mẹ hãy coi thần dân của Mẹ đã xử với con, là người mà Mẹ đã đặt làm vua, như thế đó! Vì họ là thần dân của Con Mẹ, nên con sẽ vui vẻ chấp nhận việc này, và con cám ơn Mẹ về việc ấy!” Thực sự, vua thánh Têphanô lúc ấy đã hứa rằng sẽ bố thí cho những người ăn mày này nhiều tiền hơn thế nữa.

Thánh Têphanô làm vua nước Hungary suốt 42 năm. Ngài qua đời ngày 15 tháng Tám năm 1038. Đức thánh cha Grêgôriô VII đã phong thánh cho Têphanô năm 1083.

Không phải cứ làm vua hay làm tổng thống thì gương sáng của chúng ta mới gây được ảnh hưởng. Một số người hằng ngày đã giảng những bài thật tuyệt vời bằng chính lối sống của họ. Khi cần nhiều can đảm để bắt chước gương lành của những người sống thánh thiện, chúng ta hãy nài xin thánh Têphanô Hungary trợ giúp.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62920


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 15 Tháng 8:
LỄ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

0815_AssumptionOfMary.jpg


Lễ lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời là lễ cổ xưa nhất trong các ngày lễ kính Đức Mẹ được cử hành trong toàn thể Giáo hội. Toàn thể ở đây được hiểu như là bao trùm cả Giáo hội Đông phương, Công giáo lẫn Chính Thống giáo. Theo truyền thống của Giáo hội Đông phương dành 15 ngày đầu tháng 8 để chuẩn bị cuộc lễ và 15 ngày cuối để tạ ơn.

Trong những thế kỷ đầu, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được gọi là lễ Đức Mẹ an giấc. Ngày lễ đã được mặc cho tất cả sự trang trọng kể từ năm 1950 khi Đức Cố Giáo Hoàng Piô XII định tín việc Đức Mẹ được cất nhắc về trời cả hồn lẫn xác. Với tín điều này, Giáo hội chỉ công bố long trọng một chân lý vốn đã được các tín hữu Kitô tin từ ngàn xưa tôn kính. Chân lý đó là : “Thân xác của Người phụ nữ đã trao ban thể xác cho Con Thiên Chúa đã không phải chịu định luật của sự thối rữa”.

Vào ngày 1 tháng 11 năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII xác định sự Thăng Thiên của Ðức Maria là một tín điều như sau: “Chúng tôi tuyên bố, bày tỏ và xác định đó là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, là đức vô nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, sau khi hoàn tất chu trình cuộc đời trần thế, đã được lên trời cả hồn và xác để hưởng vinh phúc trên thiên đàng.” Ðức giáo hoàng tuyên bố tín điều này sau khi hội ý các giám mục, các thần học gia cũng như giáo dân. Rất ít người chống đối. Ðiều mà đức giáo hoàng long trọng tuyên bố thì đã có từ lâu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.

Ngay từ thế kỷ thứ sáu, đã có các bài giảng về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Trong các thế kỷ tiếp đó, các Giáo Hội Ðông Phương kiên trì tin tưởng vào học thuyết này, trong khi một số học giả Tây Phương vẫn còn do dự. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13 sự tin tưởng này đã trở thành phổ quát.

Kinh Thánh không nói gì về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Tuy nhiên, trong sách Khải Huyền chương thứ 12, có nói về một người nữ bị vây hãm trong cuộc chiến giữa sự thiện và sự dữ. Nhiều người coi phụ nữ này tượng trưng cho dân Chúa. Vì Ðức Maria là hiện thân của cộng đồng Dân Chúa vừa trong Cựu Ước và Tân Ước, sự Thăng Thiên của ngài có thể coi như một thí dụ điển hình cho sự chiến thắng của người nữ. Ngoài ra, trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Côrintô 15:20, ngài nói về sự phục sinh của Ðức Kitô như hoa quả đầu mùa của những kẻ còn mê ngủ. Vì Ðức Maria liên hệ rất mật thiết với các mầu nhiệm cuộc đời Ðức Giêsu, nên không ngạc nhiên khi thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội để tin tưởng rằng Ðức Maria cũng được chia sẻ sự vinh hiển với Chúa Giêsu. Ở trần thế, Ðức Maria được gần gũi với Chúa Giêsu như thế nào thì ở trên trời ngài cũng phải được ở với Chúa cả hồn lẫn xác.

Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không những là lễ cổ xưa nhất về Đức Mẹ. Nhưng ngày 15-8 hằng năm còn có một ý nghĩa rất đặc biệt. Đa số ngày tháng của các ngày lễ trong Kitô giáo đều bắt nguồn từ những ngày lễ ngoại giáo. Lễ Giáng sinh chẳng hạn, không gì khác hơn là lễ của thần mặt trời của đế quốc La-mã được rửa tội lại theo Kitô giáo mà thôi.

Đây không phải là trường hợp của Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Đế quốc La-mã vốn dành ngày đầu tháng tám để tôn vinh hoàng đế. Trong khi đó lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời được cử hành vào ngày 15-8. Như vậy lý do chọn ngày 15-8 để cử hành lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời không bắt nguồn từ đế quốc La-mã, mà từ chính Giêrusalem cổ.

Trước thời hoàng đế Constantinope, trong ngày này đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ trên núi cây dầu tại Jerusalem. Truyền thống đã gọi lễ này là lễ Đức Mẹ an giấc.

Trong đế quốc La-mã ngoại đạo, không có bất cứ nguồn gốc nào về ngày lễ này đã đành, mà kể từ đó về sau cũng chẳng có đế quốc nào xóa bỏ hay thay thế được lễ này. Những cố gắng vô ích của một hoàng đế Napoléon của Pháp là một bằng chứng.

Ngày 15-6-1769 tại Ajaccio đảo Corse chào đời một đứa bé mà cha mẹ đã đặt tên cho một tên thánh hiếm có là Napoléon. Nếu ngày 15-8-1637 vua Louis XIII đã ban hành một sắc lệnh để đặt toàn nước Pháp dưới sự che chở của Mẹ Maria thì năm1806 sau khi đã đăng quang làm hoàng đế của nước Pháp và khắp Âu Châu. Napoléon tước đoạt mọi danh dự dành cho Mẹ Thiên Chúa, để biến thành một ngày lễ dành riêng cho ông.

Sinh trùng vào ngày 15-8, Napoléon bắt toàn dân nhớ đến ngày sinh của ông là điều dễ hiểu, là ngày được cha mẹ đặt tên cho là Napoléon. Ông đã cố lục lọi trong danh sách các thánh trong Giáo hội tìm cho bằng được một vị thánh có tên là Napoléon.

Với sự đồng ý của một vị giám mục cung đình, ông đã tìm được mục danh sách các vị tử đạo Rôma, trong đó có một vị tên là Néopoli. Không rõ do những lèo lái như thế nào mà cuối cùng cả triều đình của ông đều đồng thanh nhận á thánh Néopoli với tên gọi Napoléon của ông. Vậy là ngày 15-8 không những là ngày sinh nhật của ông mà còn là ngày lễ bổn mạng của ông nữa.

Danh dự đã dành cho Mẹ Thiên Chúa được ông hoàng đế này đương nhiên chiếm đoạt. Tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Piô VII tuyên bố rằng : “Việc quyền bính thế tục thay thế việc tôn kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bằng việc tôn kính một vị thánh không có tên trong lịch Phụng vụ là điều không thể chấp nhận được”.

Đây là một hành động xen lấn không thể dung thứ và chấp nhận được, không thể lấy thế quyền thay cho thần quyền. Nhưng vì những hành động của bạo chúa Napoléon quá tàn nhẫn, cho nên bức kháng thư đã không được công bố. Tột cùng hành động ngang ngược của Napoléon là ra lệnh đưa Đức Giáo Hoàng về giam giữ tại Fontainebleau bên Pháp.

Dĩ nhiên, rồi cuối cùng Trái Tim Mẹ vẫn thắng, sự cáo chung của đế quốc do Napoléon dựng nên cũng chấm dứt việc chiếm đoạt danh dự dành cho Mẹ Maria. Vị thánh Napoléon được Napoléon tự phong cũng tự ý rút lui để trả ngày 15-8 lại cho Mẹ Thiên Chúa. Điều kỳ diệu mà Mẹ Maria đã thực hiện là việc tôn kính vị thánh Napoleon do những kẻ dua nịnh bịa đặt ra hơn là đòi hỏi của lịch sử đã để lại một hậu quả không lường được. Đó là kể từ ngày đó 15-8 hằng năm đã biến thành một ngày lễ buộc trên toàn nước Pháp.

Trên đây là một trong những vị dụ cho thấy những sự vụng về kỳ lạ của lịch sử, qua đó người ta thấy được sự hiện diện kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu của Mẹ Thiên Chúa. Kẻ quyền thế muốn tước đoạt danh dự của Mẹ Maria đã bị hạ xuống khỏi tòa cao, như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat.
Ngày nay sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, nước Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa nghỉ ngày 15-8 để tôn vinh Mẹ Maria. Danh vọng hão huyền mà một hoàng đế Napoléon đeo đuổi bằng cách hạ bệ Mẹ Thiên Chúa đã không kéo dài quá tám năm. Kể từ tháng 3-1814 sau khi hoàng đế Napoléon thoái vị và bị đày ra đảo Sante Hélène để sống những ngày còn lại của ông. Trong ăn năn sám hối, tên tuổi của ông vẫn được tiếp tục nhắc đến như một thiên tài cũng có, mà như một kẻ ngông cuồng thì nhiều hơn.

Trong khi đó Mẹ Maria vẫn tiếp tục ngự trị trong lòng người dân Âu châu, mặc dù họ có muốn tục hóa đến đâu đi nữa, thì trong lịch sử hàng năm của họ vẫn còn những dấu ấn không bao giờ tàn phai của Mẹ Thiên Chúa. Mãi mãi như Mẹ đã tiên báo trong kinh Magnificat : “Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi là người có phúc”.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62918


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 14 Tháng 8:
THÁNH MAXIMILIANÔ KOLBÊ

0814_StMaximilianKolbe.jpg


Râymunđô Kolbê sinh năm 1894 tại Ba Lan. Ngài gia nhập dòng Phanxicô năm 1907 và nhận tên là Maximilianô. Maximilianô rất yêu mến ơn gọi của mình, đặc biệt thánh nhân rất yêu mến Mẹ Maria. Thánh nhân đã thêm thánh danh “Maria” vào tên của ngài khi tuyên khấn trọng thể vào năm 1914. Cha Maximilianô Kolbê Maria tin rằng thế giới của thế kỷ thứ 20 này cần đến sự bảo trợ và hướng dẫn của Đức Mẹ. Cha đã dùng các phương tiện báo chí để làm cho thánh danh Mẹ được mọi người nhận biết. Maximilianô Maria và các anh em dòng Phanxicô hàng tháng đã xuất bản hai bản tin về Đức Mẹ và gởi tới các độc giả khắp nơi trên thế giới.

Đức Mẹ đã chúc lành cho công việc của cha Maximilianô Maria. Cha đã xây một trung tâm Thánh Mẫu lớn ở Ba Lan. Trung tâm này được gọi là “Đô Thành Mẹ Vô Nhiễm.” Vào năm 1938, đã có tới 800 tu sĩ Phanxicô sống và truyền bá lòng yêu mến Đức Mẹ tại nơi đây. Cha Kolbê cũng thiết lập một Đô Thành Mẹ Vô Nhiễm nữa tại Ấn Độ. Vào năm 1939, đảng Quốc xã xâm chiếm Đô Thành Mẹ Thiên Chúa ở Ba Lan. Họ đã bắt mọi người phải ngưng công việc tốt đẹp này. Đến năm 1941, đảng Quốc xã bắt giam cha Kolbê. Họ giam ngài trong một trại lao động khốn khổ tại Auschwitz.

Cha Maximilianô Kolbê bị giam tại Auschwitz được ba tháng thì có một tù nhân vượt ngục. Đảng Quốc xã liền bắt các tù nhân còn lại phải trả giá cho vụ đào tẩu đó. Họ đã chọn ngẫu nhiên mười tù nhân để bắt xuống hầm giam và bỏ đói cho chết. Hết mọi tù nhân đều đứng nghiêm lặng trong khi mười người bị lôi ra khỏi hàng. Một tù nhân đã có gia đình, là người bị chọn, bấy giờ lên tiếng xin tha mạng vì đàn con của ông. Cha Maximilianô Kolbê, không phải là người bị chọn, đã nghe biết và cảm thấy xúc động mạnh đến nỗi ngài quyết định giúp người bạn tù kia. Maximilianô Kolbê tiến lên phía trước và hỏi anh chỉ huy xem liệu ngài có thể thay thế chỗ của anh bạn tù đáng thương này không. Và người chỉ huy chấp nhận đề nghị của cha Maximilianô Kolbê.

Thế rồi, cha Maximilianô Kolbê và các tù nhân khác bị giải xuống hầm giam. Họ chỉ sống được vài ngày vì thiếu thực phẩm và nước uống. Cha Maximilianô Kolbê đã giúp đỡ và an ủi từng người một. Và lần lượt chín người đã chết, cha Maximilianô Kolbê là người cuối cùng. Người ta đã tiêm cho Maximilianô Kolbê một mũi thuốc phenon (acid carbolic) và đã kết thúc cuộc đời của ngài hôm 14 tháng Tám năm 1941. Đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong cha Maximilianô Kolbê Maria lên bậc hiển thánh và tuyên nhận ngài là thánh tử đạo năm 1982.

Thánh Maximilianô Kolbê Maria là vị thánh anh hùng đã hiến mạng sống mình cho người khác được sống. Thánh nhân là người đặc biệt như vậy vì ngài là bạn rất thân thiết của Đức Maria. Chúng ta cũng sẽ là những bạn thân của Đức Maria nếu chúng ta hết lòng tôn kính và cầu khẩn với Mẹ.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62913


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 13 Tháng 8:
THÁNH PONTIANÔ VÀ THÁNH HIPPOLYTÔ

0813_StsPontianAndHippolytus.jpg


Thánh Hippolytô là linh mục và cũng là một học giả của Giáo hội Rôma. Thánh nhân đã viết nhiều tác phẩm danh tiếng về lãnh vực thần học; và ngài cũng là một giáo sư vĩ đại. Tuy nhiên, Hippolytô không hài lòng với thánh giáo hoàng Zêphyrinô vì ngài cảm thấy vị giáo hoàng này chưa mấy nhanh chóng ngăn cấm những người giảng dạy các học thuyết sai lầm. Khi thánh giáo hoàng Zêphyrinô tử đạo năm 217, thánh Callistô I được bầu lên kế vị. Hippolytô cũng không hài lòng với việc chọn lựa tân giáo hoàng này. Chính Hippolytô cũng có một đám đông người ủng hộ ngài, và ngài cũng đồng ý khi họ chọn ngài làm giáo hoàng. Hippolytô đã bỏ quan hệ với Giáo hội và trở thành ngụy giáo hoàng, hay còn gọi là giáo hoàng giả.

Thánh Pontianô được bầu làm giáo hoàng năm 230. Đến năm 235, Maximinô trở thành hoàng đế của Rôma. Hầu như ngay lập tức, ông bắt đầu bách hại các Kitô hữu. Hình phạt thông thường nhất dành cho các giám mục và các linh mục là đày các ngài tới những hầm mỏ nguy hiểm ở Sađinia, nước Ý. Giáo hoàng Pontianô là một trong số những người bị đày tới các hầm mỏ này. Và ngụy giáo hoàng Hippolytô cũng bị đi đày như vậy.

Giáo hoàng Pontianô và Hippolytô đã bị đày ải. Gương khiêm nhường của giáo hoàng Pontianô đã làm cho Hippolytô xúc động; và ngài đã xin trở lại với Giáo hội dù cảm thấy cơn giận vẫn dâng trào trong tim. Giáo hoàng Pontianô đã thông cảm và yêu mến cha Hippolytô. Ngài nhận thấy những nhu cầu cần giúp đỡ và khích lệ nhau trong tình yêu mà các ngài dành cho Chúa Giêsu. Cả hai cùng là thánh tử đạo và là những chứng nhân cho mọi thời đại về sự tha thứ và niềm hy vọng của mọi người tín hữu.

Nếu lúc nào chúng ta nóng giận về một điều gì đó, chúng ta có tới hai vị thánh này sẵn sàng giúp đỡ chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Pontianô ban cho chúng ta quả tim biết cảm thông và thánh Hippolytô ban cho đức vâng phục dễ thương của ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đặng Minh Khanh (Lớp Đaminh), Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62912


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 12 Tháng 8:
THÁNH STANISLAO KOSTKA

0812_StStanislausKostka.jpg


Thánh Stanislao Kostka sinh năm 1550, là con trai của một thượng nghị sĩ Ba Lan. Song thân ngài đã thuê một gia sư riêng để giáo dục ngài. Năm lên 14 tuổi, Stanislao Kostka được gởi tới học tại đại học Vienna do các cha dòng Tên phụ trách.

Chẳng bao lâu, Stanislao Kostka nổi bật về lòng sốt sắng cầu nguyện và nghiên cứu học tập. Ngài mạnh mẽ phản đối những chuyện đùa giỡn thô tục. Gia đình Stanislao thường khuyến cáo những khách mời của họ đừng nói điều gì khiếm nhã trước mặt Stanislao, rằng: “Chúng tôi không muốn Stanislao bị ngất!” Phaolô, anh trai của Stanislao, thường hay chọc ghẹo và bắt nạt Stanislao cũng như chế giễu việc cầu nguyện của ngài.

Sau một cơn bạo bệnh, Stanislao Kostka cảm thấy Thiên Chúa mời gọi ngài vào tu trong dòng Tên. Thân phụ Stanislao khi biết chuyện này đã phản đối, và vị bề trên giám tỉnh dòng Tên Vienna cũng không muốn làm trái ý của ông thượng nghị sĩ. Nhưng điều này không ngăn cản được Stanislao. Tin rằng mình có ơn kêu gọi đi tu dòng Tên, Stanislao đã trẩy bộ suốt quãng đường 350 dặm lên miền thượng Đức, nơi thánh Phêrô Canisiô đã nhận ngài. Sau đó, Stanislao được gởi sang Rôma và được thánh Phanxicô Borgia, hiện đang là bề trên tổng quyền dòng Tên, đón nhận vào dòng. Lúc ấy, Stanislao Kostka mới 17 tuổi.

Stanislao Kostka bắt đầu cuộc sống của một tu sĩ dòng Tên với việc đền tội và cầu nguyện rất sốt sắng. Ngài coi trọng nhân đức tuân phục và luôn cố gắng chu toàn các việc bổn phận hằng ngày cách hoàn hảo hết sức có thể. Nhưng Stanislao cũng sớm nhận thấy cái nóng mùa hè của Rôma rất ư khắc nghiệt. Stanislao Kostka thường bị ngất xỉu. Vào ngày 10 tháng Tám, Stanislao bệnh nặng đến nỗi phải liệt giường. Đến ngày 15 tháng Tám, chỉ chín tháng sau khi gia nhập dòng Tên, Stanislao Kostka đã qua đời tại Rôma. Khi nghe tin em mình qua đời, Phaolô, anh trai của Stanislao, đã hối hận về cách xử tệ với người em. Sau đó, anh cũng xin gia nhập dòng Tên. Stanislao Kostka được phong thánh năm 1726; và ngài là một trong các vị thánh bổn mạng của đất nước Ba Lan.

Thánh Stanislao Kostka chẳng lo lắng gì khi bị chế giễu về việc thực hành niềm tin của mình. Thánh nhân đã có thể tha thứ cho những người nhạo báng ngài cũng như luôn kính trọng và cầu nguyện cho họ. Càng gần Chúa hơn, chúng ta sẽ càng bớt được những thành kiến về người khác.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đặng Minh Khanh (Lớp Đaminh), Bác Phan T. Thái


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012