Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62909


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 11 Tháng 8:
THÁNH CLARA Ở ASSISI

0811_StClareOfAssisi.jpg


Thánh nữ Clara sinh vào khoảng năm 1193 tại thành Assisi, nước Ý. Thánh Phanxicô Assisi cũng sống tại thành phố này. Clara thường nghe Phanxicô thuyết giảng. Trái tim Clara bừng lên niềm khao khát mãnh liệt là muốn bắt chước tấm gương của Phanxicô. Như Phanxicô, Clara cũng muốn sống cuộc đời nghèo khó và khiêm nhường vì Đức Chúa Giêsu. Nhưng khổ nỗi song thân của Clara không bao giờ chấp nhận một dự định như vậy! Thế rồi, vào một buổi tối Chúa nhật Lễ Lá năm 1212, lúc vừa tròn 18, Clara đã rời bỏ gia đình thân thương và mái nhà sang trọng của mình. Và trong một nguyện đường bé nhỏ nằm bên ngoài thành phố Assisi, Clara đã dâng hiến mình cho Thiên Chúa. Thánh Phanxicô cắt mái tóc dài của Clara và trao cho Clara một tu phục nâu kết bằng vải thô. Clara ở với các sơ Bênêđictô cho tới khi có nhiều chị em cùng đến tham gia với ngài. Song thân của Clara đã cố gắng dùng mọi phương thế để bắt Clara về nhà nhưng không được. Chẳng bao lâu sau đó, cả Annê, cô em 15 tuổi của Clara, cũng đến xin gia nhập với ngài.

Cũng có nhiều thiếu nữ muốn trở nên những “phu nhân nghèo” của Đức Chúa Giêsu. Sau đó ít lâu, người ta thấy hình thành một cộng đoàn đạo đức nhỏ. Họ sống trong căn nhà tọa lạc gần bên nhà thờ thánh Đamianô, căn nhà được chính thánh Phanxicô Assisi sửa lại. Thánh nữ Clara và các chị em của ngài đã khấn không bao giờ ăn thịt, luôn đi chân không, sống trong căn nhà nghèo khó với bầu khí thinh lặng và cầu nguyện. Tuy nhiên, họ rất hạnh phúc vì được sống cuộc đời nghèo khó như Đức Chúa Giêsu. Lần kia, có một đội quân hung hãn đã tiến vào công phá thành Assisi. Dù đau nặng, thánh nữ Clara cũng nài xin chị em đưa mình tới cửa sổ. Thánh nữ cho đặt Mình Thánh Chúa ngay tại nơi các binh lính có thể trông thấy. Sau đó, thánh nữ Clara quỳ xuống và nài xin Thiên Chúa ra tay cứu thoát các nữ tu và thành phố. Thánh nữ nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy bảo vệ những chị em này, những người mà giờ đây con không thể bảo vệ nổi!” Và dường như có một tiếng nói bên trong phát ra: “Ta sẽ luôn gìn giữ chúng trong sự quan phòng của Ta!” Ngay lúc ấy, một sự sợ hãi thình lình giáng xuống trên kẻ địch, và họ đã nhanh chân rời bỏ thành phố.

Thánh nữ Clara làm bề trên hội dòng được 40 năm, trong đó suốt 29 năm chịu bệnh. Nhưng thánh nữ nói rằng dầu sao cũng rất vui vì được phục vụ Đức Chúa Giêsu. Một số người lo ngại rằng các nữ tu sẽ bị khổ vì phải sống quá nghèo. Nhưng thánh nữ Clara đã sống hầu hết đời mình để bảo vệ điều mà ngài gọi là “đặc ân thanh bần.” Đức thánh cha đã cố gắng giảm bớt những đòi hỏi của lời khấn thanh bần trong tu luật của Clara, nhưng thánh nữ đã giải thích rằng ngài và các chị em thuộc hội dòng của ngài được mời gọi sống từ khước hết mọi của cải, và chỉ hoàn toàn tin cậy vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Thánh nữ Clara về trời ngày 11 tháng Tám năm 1253. Chỉ hai năm sau, đức thánh cha Alêxanđơ IV đã tôn phong Clara lên bậc hiển thánh.

Đôi lúc chúng ta quên dành thời giờ cho Đức Chúa Giêsu. Chúng ta quá lưu tâm tới những chuyện thế gian đến nỗi để chúng lấn át cả tiếng nói của Đức Chúa Giêsu. Những lúc ấy, chúng ta hãy nài xin thánh nữ Clara chỉ cho chúng ta biết cách đặt Đức Chúa Giêsu làm trung tâm đời sống và trái tim của mình.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62908


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 10 Tháng 8:
THÁNH LÔRENXÔ (ST. LAWRENCE)

0810_StLawrence.jpg


Vị thánh tử đạo rất nổi danh của thành Rôma, thánh Lôrenxô, sống vào thế kỷ thứ 3. Ngài là một trong số bảy thầy phó tế được trao cho việc giúp đỡ những người nghèo khổ và những người túng thiếu. Khi cuộc bách hại nổ ra, thánh giáo hoàng Sixtô II bị lên án tử. Đang lúc thánh giáo hoàng bị dẫn tới nơi hành quyết, Lôrenxô đã theo sau ngài và khóc nức nở: “Cha ơi, sao cha đi mà không cho phó tế của cha đi theo?” “Cha không bỏ con lại đâu,” thánh giáo hoàng trả lời, “trong ba ngày nữa con sẽ được theo bước của cha.” Tràn ngập vui mừng, Lôrenxô đem phân phát cho người nghèo tất cả tiền bạc ngài có trong tay. Thậm chí, Lôrenxô còn đem bán một ít tài sản của Giáo hội để có thêm nhiều tiền bố thí.

Vị hoàng đế Rôma thời ấy là người rất tham lam đã nghĩ rằng Giáo hội có một kho tàng rất lớn đang được cất giấu. Và ông ra lệnh cho Lôrenxô phải mang kho tàng này đến cho ông ta. Thánh Lôrenxô đã nhận lời. Ngài hẹn ba ngày nữa sẽ đem tới. Sau đó, Lôrenxô đi khắp thành phố và thu gom tất cả những người nghèo khổ và bệnh hoạn, những người này đang được Giáo hội chăm sóc và nuôi dưỡng. Lôrenxô chỉ cho hoàng đế Rôma xem những người ấy và nói với ông: “Đây là tài sản của Giáo hội!” Hoàng đế tức giận. Ông đã trừng phạt Lôrenxô bằng cái chết từ từ và hết sức độc ác. Ông ra lệnh trói Lôrenxô lại và đặt ngài trên một vỉ sắt, đoạn đốt lửa bên dưới để nướng chín Lôrenxô. Thiên Chúa đã ban cho thánh Lôrenxô nhiều sức mạnh và niềm vui để thánh nhân nói với người hành quyết ngài: “Hãy lật tôi sang bên kia với! Thịt ở phía mặt bên này đã chín rồi!” Trước khi tắt thở, thánh Lôrenxô đã cầu nguyện cho dân thành Rôma được ơn trở lại với Chúa Giêsu. Ngài cầu xin để đức tin Công giáo được lan truyền ra khắp thế giới. Thánh Lôrenxô về trời ngày mùng 10 tháng Tám năm 258.

Việc sùng kính thánh Lôrenxô lan rộng ra khắp nước Ý và sang cả Bắc phi. Hoàng đế Constantinô đã xây một vương cung thánh đường nguy nga để tôn kính Lôrenxô. Trong lễ nghi, thánh Lôrenxô là một trong các vị được Giáo hội nêu danh nơi Kinh Nguyện Thánh Thể Thứ Nhất.

Khi chúng ta muốn phàn nàn về điều gì đó làm phiền lòng mình, chúng ta hãy cầu xin thánh Lôrenxô giúp cho kiên nhẫn. Các thánh tử đạo đã được ơn trung thành với Chúa Kitô trong những nghịch cảnh vì các ngài đã trung thành với Người trong những điều nhỏ mọn thường ngày mà tất cả chúng ta đều đã có lần đối diện.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62907


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 09 Tháng 8:
THÁNH TÊRÊSA BÊNÊĐICTA THÁNH GIÁ (ÊĐIT STÊIN)

0809_StTeresaBenedictaOfTheCross-1.jpg


Thánh nữ Êđit Stêin sinh ngày 12 tháng Mười năm 1891 tại phần đất của nước Đức, ngày nay gọi là Ba Lan. Thân phụ Êđit qua đời khi Êđit mới lên 2; và vì thế thân mẫu ngài, một phụ nữ Dothái có đức tin sâu xa, đã cật lực xoay sở để nuôi sống gia đình và chăm lo cho những đứa con của bà.

Vào tuổi niên thiếu, Êđit bỏ đạo Dothái và sống như người vô thần. Năm 1911, Êđit bắt đầu học triết học tại trường đại học Breslaw, sau đó chuyển sang một trường khác để có thể ghi tên vào các lớp học của Edmund Husserl, một triết gia danh tiếng thời đó. Khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, Êđit tạm gác việc học sang một bên và tình nguyện làm y tá săn sóc các thương binh. Sau cùng, Êđit cũng lấy được học vị tiến sĩ vào năm 1916; và nhận làm giảng viên phụ khảo cho Husserl.

Sau khi đọc tự truyện của thánh Têrêsa Avila, Êđit cảm thấy có một năng lực lôi kéo mình trở về với đức tin Công giáo. Êđit xin được rửa tội, và ngày mùng 1 tháng Giêng năm 1922, Êđit trở thành Kitô hữu. Gia đình cũng như bạn bè của Êđit cảm thấy khó hiểu trước quyết định của ngài; vì kể từ khi đảng Quốc xã đang dần lớn mạnh, họ cảm thấy Êđit đã quay lưng lại với Dothái giáo vào thời điểm mà những người Dothái đang cần được khích lệ và nâng đỡ hơn bao giờ hết.

Rồi Êđit trở thành người lãnh đạo phong trào phụ nữ Công giáo. Ngài dạy học tại một trường do các linh mục dòng Đa Minh điều hành; và Êđit cũng chuyển ngữ một số tác phẩm của thánh Tôma Aquinô.

Vào năm 1934, Êđit trở thành nữ tu dòng Cátminh Chân Đất ở Côlôgna, và nhận tên mới là sơ Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá. Êđit tiếp tục viết lách nhưng hầu hết các tác phẩm của thánh nữ không được xuất bản vào thời điểm ấy, vì lẽ Êđit thuộc giới nữ và có gốc là Dothái. Vì đảng Quốc xã ngày một bành trướng và đe dọa hơn, Êđit đã buộc phải trốn sang một tu viện Cátminh bên Hà Lan.

Khi Đức xâm lược Hà Lan, nhiều Kitô hữu có gốc Dothái đã bị bắt giam và bị đày tới các trại tập trung ở Auschwitz. Êđit cũng là thành viên trong số họ. Êđit qua đời ngày mùng 9 tháng Tám năm 1942 tại Auschwitz, bị chết ngạt trong phòng hơi đốt. Đến ngày 11 tháng Mười năm 1998, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Êđit Stêin lên bậc hiển thánh.

Là triết gia, Êđit Stêin đã hăng say đi tìm chân lý. Niềm tin vào Đức Kitô đã giúp thánh nữ can đảm chấp nhận cái chết vì là người Dothái. Chớ gì niềm tin của chúng ta cũng làm cho chúng ta thêm can đảm khi nhìn thấy những người đang phải chịu kỳ thị vì niềm tin.


0809_StTeresaBenedictaOfTheCross-2.jpg



0809_StTeresaBenedictaOfTheCross-3.jpg



0809_StTeresaBenedictaOfTheCross-4.JPG



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62903


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 08 Tháng 8:
THÁNH ĐA-MINH (DOMINICO GUZMAN)

0808_StDominic.jpg


Đa Minh sinh năm 1170 tại Caleruega, thuộc dòng tộc Guzman, nên được gọi là Đa Minh Guzman. Guzman là một dòng tộc vị vọng tại Tây ban nha vào thời trung cổ. Thân phụ ngài là ông Felix, một kiếm sĩ "tuyệt vời và dịu dàng." Bà cố là Joanna d'Aza, xuất thân từ gia đình cao quý. Bà cố đạo đức và được đức giáo hoàng Leo XII tuyên phong chân phước. Bên cạnh Đa Minh, bà cố còn có một người con nữa cũng là chân phước dòng Đa Minh: Mannes. Thực là gia đình đạo hạnh: một thánh, hai chân phước. Cũng nên biết rằng, người anh lớn của Đa Minh, linh mục triều, suốt đời làm việc trong nhà thương giúp đỡ người nghèo

Nhiều dấu lạ xẩy ra khi Đa Minh chào đời. Theo thánh Jordan Saxony, vị ký lục về cuộc đời Đa Minh kể lại, thì khi đang mang thai, bà cố mơ thấy mình cho chào đời một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng và mang lửa đến khắp thế giới. Rồi trong ngày thánh nhân rửa tội, mẹ đỡ đầu trông thấy trên trán chú bé một ngôi sao sáng, chiếu tỏa chung quanh. Do đó tại sao ngày nay khi tạc tượng thánh Đa Minh, người ta cũng tạc luôn tượng con chó đang ngậm đuốc sáng nằm dưới chân, còn trên trán ngài thì có ngôi sao sáng.

Cuộc đời thánh nhân lúc còn nhỏ cũng bình thường như chúng ta. Năm lên bẩy, ngài được gửi đến ở với cậu là linh mục đang coi xứ gần Caleruega. Năm 14 tuổi, chú từ giã gia đình và bố mẹ để lên học tại Palencia, là trường học nổi tiếng nhất tại Tây ban nha lúc bấy giờ. Ngay từ hồi nhỏ, chú đã biết dung hoà việc học hành với đời cầu nguyện và các bổn phận tông đồ. Có những lần chú đã bán các sách học để giúp đỡ người nghèo. Sách vở lúc chưa có nhà in, là những phẩm vật rất quý giá, nhưng người nghèo với chú còn quý giá hơn. Cũng đã hai lần chú muốn bán mình để có tiền chuộc những người bị bắt làm nô lệ. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy chú sẽ dung hoà đời sống chiêm niệm và hoạt động trong tương lai?

Hết trung học, chú xin đi tu và có lẽ được truyền chức vào năm 1194. Sau đó, cha Đa Minh xin làm kinh sĩ tại nhà thờ chính toà Osma. Kinh sĩ có bổn phận chuyên lo đọc kinh thay cho toàn giáo phận, nhất là thay cho các linh mục hoạt động. Hội kinh sĩ theo tinh thần tu luật của thánh Augustine, sống đời ẩn thân. Với lòng đạo đức và khôn ngoan, cha Đa Minh trở nên rường cột cho hội. Vì vậy, chỉ 2 năm sau, cha được chỉ định làm bề trên hội kinh sĩ. Đây là một vinh dự lớn lao cho 1 linh mục trẻ. Kinh sĩ Đa minh thường mang trên tay sách phúc âm theo thánh Matthêu, các thư của thánh Phaolô và sách các giáo phụ.

CHUẨN BỊ LẬP DÒNG

Vào năm 1213, đức cha địa phận và Đa Minh được ủy thác sứ mạng thu xếp cuộc hôn nhân của hoàng tử xứ Marches và công chúa Đan mạch. Trên đường đi Đan mạch, hai ngài phải băng qua miền nam nước Pháp. Có lẽ cuộc du hành này đã thay đổi cuộc đời Đa Minh. Tại Toulouse, trong một quán trọ, ngài đã nhận ra rằng, người chủ quán trọ là một người bỏ Công giáo theo nhóm Albigensê. Cũng nên biết từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, nhóm Albigensê đã rất thành công trong việc thuyết phục người khác theo họ. Vào thời đại mà giáo hội miền nam nước Pháp bị tục hóa, khi các giám mục xa cách dân chúng, ăn mặc sang trọng, đi trên xe tứ mã, sống đời xa hoa, thì triết lý của Albigensê, dựa theo tinh thần lạc giáo Manikêu, quả là hấp dẫn với một số người. Gọi họ là Albigensê vì nhóm này khởi nguồn từ một thành phố miền nam Pháp tên là Albi. Họ chủ trương nơi con người có hai thái cực: tốt do Chúa tạo nên, xấu do Satan chiếm đoạt. Để loại trừ Satan, con người cần diệt dục, không nên lấy vợ, lấy chồng, không ăn thịt, cá và chỉ ăn rau cỏ. Cuộc sống càng đơn sơ, càng trở về với thiên nhiên càng tốt. Trong khi các giám mục địa phương, linh mục Cistercien ăn mặc sang trọng, thì giáo sĩ nhóm Albigensê ăn vận đơn sơ, đi chân không, mặc quần áo đơn giản. Do đó, họ có một bề ngoài gần gũi với đức khó nghèo của Thánh Kinh hơn. Điều quan trọng hơn cả là về tín lý họ chối bỏ 3 ngôi Thiên Chúa. Miền nam Pháp, Ý và Tây ban nha bị ảnh hưởng rất mạnh của nhóm này.

Đa Minh để cả đêm nói truyện với người lạc giáo. Ngài nhận thấy ông chủ quán là người có lòng thành nhưng bị nghe tuyên truyền sai lạc. Đến sáng, sau khi cầu nguyện hồi lâu thì bỗng dưng người chủ quán đổi lòng. Ông xin trở lại Công giáo. Việc trở lại này đã trở thành động lực lớn thúc đẩy Đa Minh lập dòng tu chuyên lo truyền giáo. Truyền thống kể lại rằng chính tại nhà này, Đa Minh đã cầu nguyện bằng phương cách sắp xếp những ý tưởng Thánh Kinh thành một chuỗi giúp cho ngay cả người đơn sơ cũng có thể lãnh hội được. Đây là bước khởi nguồn của tràng hạt Mân Côi sau này.

Chuyến đi của đức giám mục và của Đa Minh thành công tốt đẹp. Hai vị trở về báo Tin Mừng cho nhà vua và chuẩn bị hôn lễ. Nhà vua lại cử đức giám mục và Đa Minh lên đường đón công chúa cho hoàng tử của mình, nhưng lần du hành thứ hai này mang nhiều nét buồn. Hai vị đến hoàng cung đúng lúc nghe tin công chúa mới lìa đời. Sau đó hai vị cùng sang Roma thăm giáo đô. Cũng nên biết, giám mục địa phận Osma, đức cha Diego, là một nhân vật đạo đức và đặc biệt. Ngài đã làm trưởng hội kinh sĩ tiền nhiệm của Đa Minh. Nhận thấy có nhiều người lạc giáo, khi triều kiến đức giáo hoàng, ngài xin từ nhiệm giám mục để có thêm thời giờ chuyên lo truyền giáo. Tấm gương sáng càng khiến Đa Minh hăng hái hơn thi hành ước mộng. Tuy nhiên, đức giáo hoàng Innocent III không đồng ý. Ngược lại ngài ủy thác hai vị sang miền Languedoc, hợp lực cùng với các tu sĩ Cistercien chống lại nhóm Albigensê. Đức cha Diego, ngay khi nhận nhiệm vụ mới, ra lệnh cho các tu sĩ Cistercien phải sống đời khó nghèo. Kết quả trông thấy thực rõ rệt. Số người xin trở lại Công giáo tăng lên rất nhanh. Riêng Đa Minh thì còn dành nhiều thời giờ để tranh luận với nhóm lạc giáo. Không cãi nổi với nền thần học chắc chắn, sự thông thái và lý luận sâu sắc của Đa Minh, những người lạc giáo đe dọa giết ngài. Không sợ, Đa Minh tiếp tục rao giảng Tin Mừng cách can đảm. Ngài chọn Prouille làm trụ sở chính rồi từ đó đi đến các miền Fanjeaux, Montpellier, Servian, Beziers, và Carcassonne. Chính tại Prouille vào năm 1206 mà thánh nhân đã lập hội dòng nữ Đa Minh đầu tiên. Ngài biết có nhiều phụ nữ nhiệt thành nhưng vì lầm lạc đã theo nhóm Albi. Họ cần được nâng đỡ. Sau khi trở lại, các phụ nữ này đã xây nhà dòng và chuyên giáo dục các trẻ Công giáo. Đây là cơ sở đầu tiên của dòng nhì Đa Minh trên thế giới.

Năm 1208 đáng được coi là năm "bản lề" của Đa Minh. Vào ngày 15 tháng 1, cha Pierre de Castelnau, vị tông toà dòng Cistercien bị ám sát chết. Thánh Simon de Montfort quyết định mở cuộc thánh chiến chống lại nhóm Albigensê. Riêng Đa Minh thì thương xót những người lạc giáo hơn là ghét bỏ họ. Ngài cũng quyết định mở cuộc thánh chiến nhưng không trên mặt trận võ khí mà trên mặt trận truyền giáo. Chính ngài đã gặp thánh Simon và hai người trở thành bạn thân đến mãn đời.

PHỔ BIẾN KINH MÂN CÔI

Trận thánh chiến rất thành công cho quân đội Công giáo. Các sử gia nói rằng nơi những trận chiến này kinh Mân côi được đọc lần đầu tiên, kinh Mân côi trở thành khí giới thiêng liêng bảo vệ đạo. Cuộc đời và sự thánh thiện của thánh nhân nổi bật đến độ ba giáo phận xin ngài làm giám mục: năm 1212, địa phận Bezier; rồi địa phận St. Lizier, cuối cùng vào năm 1215 là địa phận Navarre. Nhưng Đa Minh tuyệt đối xin từ chối những vinh dự trên. Tấm gương của đức giám mục địa phận Osma là Diego vẫn còn in đậm trong tâm trí. Ngài nói nếu bị ép làm giám mục, ngài sẽ trốn đi ngay dù trong đêm tối! Tuy nhiên, không phải lúc nào Đa Minh cũng rao giảng thành công đâu. Vào những năm 1213 và 1214 lịch sử ghi lại ngài truyền giáo tại miền Carcassonne, nhưng rất ít người trở lại và ngược lại bị nhiều chống đối.

DÒNG TU MỚI

Đến năm 1214 ngài trở về Toulouse, Pháp quốc. Tại nơi đây ngài thực hành quyết định thành lập dòng tu chuyên lo giảng thuyết. Nổi tiếng đạo đức và khôn ngoan nên nhiều thanh niên ngưỡng mộ tìm đến với ngài. Sau khi đức cha Toulouse cho phép, Đa Minh tập họp những môn đệ đó thành một cộng đoàn. Đến năm 1215, ngài chính thức theo giáo luật thành lập nhà dòng trong giáo phận Toulouse với mục đích truyền bá đức tin và luân lý chân chính. Cũng trong năm này ông Pierre Seilan, một người giầu có miền Toulouse, đi theo thánh Đa Minh. Pierre dâng tặng cho thánh nhân nhiều sở hữu. Nhờ vậy ngày 25 tháng 4 năm 1215, tu viện đầu tiên của dòng được thành lập.

Thoạt đầu, dòng chỉ mang tính cách là "dòng địa phận". Đa Minh mong muốn dòng mới sẽ đi truyền bá Tin Mừng khắp thế giới. May mắn thay, vào tháng 11 năm 1215, công đồng chung tại Roma được triệu tập nhằm mục đích "sửa chữa những đồi phong bại tục, dẹp tan lạc giáo và củng cố đức tin chân chính." Điều khoản giáo luật số X của công đồng còn khiển trách cách mạnh mẽ một số giám mục đã quên lãng bổn phận rao giảng, và khuyến khích việc ủy thác cho một số vị có khả năng rao giảng lời Chúa. Những lời tuyên bố đó đúng với tôn chỉ dòng Đa Minh. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng, khi công đồng đề nghị "một số vị có khả năng" không có nghĩa là nói đến các linh mục, hoặc cụ thể hơn, các linh mục dòng Đa Minh, một dòng tu còn non trẻ.

Trong khi chân trời mới mở rộng cho Đa Minh, thì một biến cố khác không vui xẩy ra: Công đồng chung cấm việc lập thêm dòng tu mới! Không nản lòng, Đa Minh triệu tập các anh em, thông báo quyết định của đại công đồng. Các tu sĩ Đa minh, cùng đồng ý là, thay vì dùng tu luật mới, thì sẽ theo tu luật thánh Augustino. Cho đến nay, tu luật thánh Augustinô vẫn là tu luật nền tảng của dòng, và các tu sĩ Đa Minh vẫn phải học tu luật thánh Augustinô trước khi học hiến pháp dòng. Tháng 8 năm 1216, Đa Minh xin phép gặp đức giáo hoàng, và ngày 22 tháng 12 cùng năm, đức giáo hoàng chính thức chuẩn y dòng tu có tên hiệu "Dòng giảng thuyết". Cũng nên nhắc nơi đây câu truyện rất thú vị. Một hôm, đức giáo hoàng trong giấc mơ, thấy đền thờ Latêranô bị nghiêng, thì có hai thanh niên bước đến kề vai nâng đỡ. Buổi sáng cùng ngày, ngài có hẹn gặp hai tu sĩ tên là Đa Minh và Phanxicô. Nhớ lại giấc mơ, nhìn lại khuôn mặt, ngài biết ngay rằng đây là dấu hiệu mà Chúa báo trước cho ngài: hai tu sĩ trẻ này sẽ là người nâng đỡ giáo hội. Vào thế kỷ 13, đền thờ Lateranô chính là biểu tượng của giáo hội như đền thờ thánh Phêrô thời nay. Trong thời gian ngắn ở tại Roma, đức giáo hoàng cũng nhờ thánh Đa Minh đi giúp tái lập truyền thống nghiêm ngặt nơi các nhà dòng nữ. Đa Minh đã làm cho đức giáo hoàng rất hài lòng trong việc giúp thăng tiến đời sống tinh thần tại các nhà dòng này.

ĐẶC SỦNG CỦA DÒNG

Đến ngày 15 tháng 8 năm 1217, Đa Minh trở về Prouille thông báo Tin Mừng cho các anh em. Ngay sau đó, Đa Minh đưa ra một quyết định được coi là táo bạo: Ngài sai 17 môn đệ đi truyền giáo toàn miền Âu châu và nhất là giảng thuyết tại các trường đại học. Tuy có một số người phản đối, cho rằng các tu sĩ còn quá non trẻ, nhưng thời gian đã cho thấy quyết định của Đa Minh hoàn toàn đúng. Thứ nhất, ngài tin tưởng các môn đệ của mình; thứ hai Chúa Thánh linh đã không ngừng làm việc nơi 17 tu sĩ Đa Minh đầu tiên, đến nỗi chỉ một năm sau, vào ngày 3 tháng 12 năm 1218, đức giáo hoàng Honorio III viết tông thư giới thiệu dòng cho toàn thể các giám mục, viện phụ, bề trên tu viện, xin các vị nâng đỡ và cùng làm việc chung với anh em trong dòng. Truyền giáo nơi các trường đại học trở thành một đặc sủng của dòng. Đa Minh muốn các tu sĩ có một trình độ cao về học vấn. Có lẽ hướng đi đó do kết quả thánh nhân thâu thập được khi làm việc tại trường đại học Palencia. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những đặc điểm của dòng. Trong thời ban sơ, đa số tu viện đều được thành lập chung quanh trường đại học, vừa để dễ làm việc mục vụ, vừa để dễ cho các anh em đi học. Các trường đại học Paris (Pháp quốc) và Bologna (Tây ban nha) đã là những nơi "thử lửa" đầu tiên của dòng.

Tại Roma, đức giáo hoàng Honoriô, thích thú trước những thành công của anh em thuyết giáo, dành tu viện Santa Sabina cho dòng Đa Minh chịu trách nhiệm. Ngày nay Santa Sabina là nhà Mẹ của toàn dòng. Đến năm 1218, trong văn thư ngày 2 tháng 12, đức giáo hoàng còn ủy thác đền thờ Saint Sixtus dưới quyền cai quản của dòng và dành cho Đa Minh chức nghiêm sư thánh điện, tức là nhà thần học của đức giáo hoàng. Dòng Đa Minh giữ chức vụ này cho đến ngày nay.

Vẫn ôm giấc mộng truyền giáo, Đa Minh không muốn vì công việc điều hành mà quên mộng ước. Cuối năm 1218, ngài chỉ định cha Reginal de Orleans làm tổng đại diện, còn mình thì cùng với nhiều anh em đi sang các thành phố khác. Các tu viện đầu tiên của dòng được thành lập tại Bologna, Prouille, Toulouse, Fanjeaux, sau đó tới Lyons, Segovia, Limoges, Barcelona và nhiều thành phố bên Ý... Tháng 2 năm 1219, đan viện nữ Đa minh, tức là dòng nhì được thành lập tại Madrid, Tây ban nha. Cũng trong năm đó, đức giáo hoàng Honoriô đã ban cho ngài tước hiệu "Bề trên tổng quyền" hoặc bề trên cả (Master General), là danh xưng mà các vị thừa kế giữ cho đến nay. Qua năm 1219, nhân đại hội dòng lần đầu ở Bologna, Đa Minh từ chức bề trên tổng quyền để có nhiều thời giờ đi truyền giáo. Đương nhiên, đơn xin bị từ chối. Tuy nhiên, không gì có thể cản trở Đa Minh truyền giáo. Cùng với các anh em dòng, ngài mở nhiều mặt trận: lịch sử ghi lại, qua phép lạ và lời giảng dậy, Ngài đã chinh phục hơn 100,000 người trở lại cùng Chúa. Theo cha Lacordaire thì tại Lombardy, Đa Minh đã thành lập hội "Đạo Binh Chúa Giêsu" (Militia of Jesus Christ), tức là huynh đoàn Đa Minh hoặc dòng ba Đa Minh bây giờ. Trước những thành công liên tục, vào năm 1221, ngài một lần nữa phải triệu tập công đồng chung toàn dòng lần thứ 2 tại Bologna. Sau đó ngài đi thăm đức hồng y Ugolino, một ân nhân của dòng. Trên đường trở về lại Bologna, Đa Minh bị bệnh, và sau ba tuần chịu đựng cách can đảm, thánh nhân qua đời giữa các anh em. Ngay sau khi qua đời, nhiều người đã đến cầu khấn cùng ngài. Mười ba năm sau, đức giáo hoàng Gregorio, vào ngày 13 tháng 7 năm 1234 tuyên dương ngài lên bậc hiển thánh.

0808_StDominic-02.jpg



0808_StDominic-03.jpg



0808_StDominic-04.jpg



0808_StDominic-05.jpg



0808_StDominic-06.jpg



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62898


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 07 Tháng 8:
THÁNH CAJÊTAN

0807_StCajetan.jpg


Thánh Cajêtan sinh tại Vicenza, nước Ý, vào năm 1480. Ngài là con trai của một bá tước. Cajêtan tốt nghiệp trường đại học Pađua với văn bằng cử nhân lưỡng luật, đạo và đời. Sau đó, Cajêtan phục vụ tại văn phòng của giáo triều Rôma. Cajêtan thụ phong linh mục năm 1516. Rồi ngài trở về thành phố quê hương Vicenza và làm việc mục vụ tại đây. Dù cho những bạn bè quý tộc của Cajêtan ra sức phản đối và giận dữ, thánh nhân vẫn tham gia với nhóm người khiêm tốn, chuyên phục vụ các bệnh nhân và những người nghèo khổ. Cajêtan đi khắp thành phố tìm kiếm những người bất hạnh và chính ngài đã tự phục vụ họ. Cajêtan vào bệnh viện săn sóc những người mang những chứng bệnh kinh tởm nhất. Tại các thành phố khác, thánh Cajêtan cũng làm các việc từ thiện ấy. Thánh nhân cũng thường khuyến khích mọi người hãy năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Ngài nói: “Tôi sẽ không bao giờ vui sướng cho tới khi nào được thấy các Kitô hữu cùng nhau tiến lên lãnh nhận Bánh Ban Sự Sống với lòng hăm hở vui mừng, chứ không lo buồn tủi hổ.”

Cùng với ba người đạo đức khác, thánh Cajêtan đã thiết lập một tu hội giáo sĩ dòng, gọi là tu hội Các Anh Em Dòng Thêatin, chuyên đi thuyết giảng. Họ khuyến khích việc năng xưng tội, lãnh nhận bí tích Thánh Thể, giúp bệnh nhân và làm những công việc từ thiện khác.

Thánh Cajêtan qua đời lúc được 67 tuổi. Trong cơn bạo bệnh cuối cùng, thánh nhân chỉ nằm trên những tấm ván thô cứng dù các bác sĩ khuyên ngài nên dùng nệm êm. Nhưng Cajêtan nói: “Đấng Cứu Chuộc tôi đã chết trên cây thập giá. Vậy ít ra, hãy để tôi được chết trên tấm gỗ này!” Cajêtan về trời ngày mùng 7 tháng Tám năm 1547 tại thành phố Napôli. Tới năm 1671, đức thánh cha Clêmentê X tôn phong Cajêtan lên bậc hiển thánh.

Để noi gương vị thánh này, chúng ta hãy đặt Chúa Giêsu Thánh Thể làm trung tâm đời sống của chúng ta. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh Cajêtan giúp chúng ta biết yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể như ngài.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62894


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 06 Tháng 8:
LỄ CHÚA GIÊSU HIỂN DUNG

0806_TransfigurationOfChrist.jpg


Các Tin mừng nhất lãm (Matthêu, Marcô, Luca) đều thuật lại biến cố Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Hôm trước ngày chịu khổ nạn, Chúa Giêsu đã cho ba tông đồ của Chúa nhìn thấy vinh quang Người tỏ rạng. Người làm như thế nhằm kiện cường lòng tin của các tông đồ.

Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan cùng với Người lên ngọn núi Tabor, ngọn núi nằm giữa miền Galilêa. Lúc đang ở với nhau, đột nhiên khuôn mặt của Đức Chúa Giêsu trở nên xán lạn như mặt trời; và áo Người trắng tinh như tuyết. Các tông đồ xúc động đến lặng người! Khi các ông còn đang mải nhìn thì có hai ngôn sứ rất nổi danh trong Cựu Ước hiện ra. Đó là Môsê và Êlia. Hai ngài đang đàm đạo với Đức Chúa Giêsu. Bạn hãy hình dung xem niềm vui mà các tông đồ được cảm nghiệm lúc ấy: “Thưa Thầy,” thánh Phêrô nói, “chúng con được ở đây thì tốt lắm. Nếu Thầy muốn, chúng con sẽ làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia.” Thực sự, lúc ấy thánh Phêrô không biết mình nói gì nữa, vì ngài vừa run rẩy, vừa ngạc nhiên lại vừa kính sợ. Khi Phêrô đang nói thì một đám mây sáng chói bao phủ lấy các ngài; và từ đám mây có tiếng của Chúa Cha phán rằng: “Này là Con Ta yêu dấu! Hãy vâng nghe lời Người!”

Nghe lời đó, các tông đồ sợ hãi đến nỗi đã ngã nhào xuống đất. Rồi Chúa Giêsu đến gần và chạm tới các ông. Người nói: “Hãy chỗi dậy! Đừng sợ!” Khi nhìn lên, các ông chẳng thấy ai trừ ra một mình Đức Chúa Giêsu. Lúc xuống núi, Chúa Giêsu căn dặn họ đừng nói với ai về chuyện vừa xảy ra cho đến khi Người từ cõi chết sống lại. Lúc ấy, họ không hiểu lời Người nói. Nhưng sau khi Chúa Giêsu phục sinh vinh hiển, họ mới hiểu được lời của Người.

Chúng ta hãy lắng nghe điều Đức Chúa Giêsu nói với chúng ta. Người vẫn tiếp tục nói với chúng ta qua Kinh Thánh, qua đức thánh cha, các đức giám mục, các linh mục và qua những giảng viên giáo lý trong Hội Thánh của Chúa.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62893


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 05 Tháng 8:
LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ (DEDICATION OF SAINT MARY MAJOR BASILICA)

0805_DedicationOfStMaryMajorBasilica_04.jpg


Hôm nay chúng ta cử hành thánh lễ cung hiến một trong những đại thánh đường ở Rôma. Thánh đường Đức Maria được xây cất vào thế kỷ thứ 4 dưới thời đức giáo hoàng Libêriô. Truyện kể rằng chính Đức Mẹ đã chọn nơi này để người ta xây ngôi thánh đường tôn kính Mẹ. Mẹ đã thân hiện ra với đôi vợ chồng sở hữu mảnh đất cũng như với đức giáo hoàng, bảo họ rằng khoảng đất trên ngọn đồi được bao phủ đầy tuyết kia chính là nơi Đức Mẹ đã chọn. Sáng hôm sau, nhằm ngày mùng 5 tháng Tám, một thời điểm rất nóng trong năm ở Rôma, có một lớp tuyết bao phủ ngọn đồi Esquiline. Đôi vợ chồng đã xin dâng phần đất cũng như tiền bạc cần thiết để xây ngôi thánh đường như là món quà dâng kính Đức Mẹ.

Thoạt tiên, ngôi thánh đường này mang tên là vương cung thánh đường Libêriô, theo tên của đức giáo hoàng Libêriô. Nó cũng được gọi là thánh đường Đức Mẹ Xuống Tuyết để nhắc nhớ sự kiện Đức Mẹ đã chỉ cho biết mảnh đất dành cho việc xây cất. Sau đó, ngôi thánh đường được đức thánh cha Sixtô III cung hiến cho Đức Maria sau khi Công đồng chung Êphêsô năm 431 tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Ngôi thánh đường chính là một nhắc nhở tuyệt đẹp về tình yêu và lòng tôn kính mà Giáo hội dành tặng cho Mẹ Thiên Chúa. Danh xưng “cả” được thêm vào danh hiệu “thánh đường Đức Bà” bởi vì đây là ngôi thánh đường đầu tiên được xây cất ở Tây phương để tôn kính Đức Mẹ.

Bên trong thánh đường có máng cỏ Bêlem nơi Đức Maria đã đưa nôi Chúa Hài Nhi Giêsu. Điều này biểu lộ lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh, với hình Chúa Hài Nhi nhỏ bằng bạc đang nằm trong máng cỏ.

Giáo hội tôn kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa với những ngôi đền và thánh đường rất đặc biệt để các Kitô hữu có thể đến viếng nhằm bày tỏ lòng yêu mến đối với Đức Mẹ và cầu xin Người ban cho ơn lành. Hành hương đến một trong các đền thờ hay thánh đường này chính là một cảm nghiệm đức tin thú vị.


0805_DedicationOfStMaryMajorBasilica_03.jpg



0805_DedicationOfStMaryMajorBasilica_02.jpg



0805_DedicationOfStMaryMajorBasilica_01.jpg



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62892


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 4 Tháng 8:
THÁNH GIOAN MARIA VIANNÊ (ST. JEAN-MARIE VIANNEY)

0804_StJohnVianney-01.jpg


Gioan Maria Viannê sinh năm 1786 gần thành Liông, nước Pháp. Lúc còn nhỏ, Gioan chăn giữ đàn cừu cho thân phụ ngài. Gioan ham thích đời sống cầu nguyện; và khi lên 18 tuổi, Gioan xin phép thân phụ để đi học làm linh mục. Thân phụ lo lắng vì sợ mất đi nguồn lao động chính trong nhà. Tuy nhiên, hai năm sau, ông Viannê đã đồng ý. Lên 20, Gioan đến học với cha Ballê. Dù cha Ballê rất nhẫn nại nhưng đối với Gioan, Latinh là một môn học rất khó. Và Gioan đã nản chí. Sau đó, Gioan quyết định trẩy bộ suốt quãng đường dài 60 dặm tới viếng đền thánh Gioan Phanxicô Rêgis, một vị thánh rất nổi danh ở Pháp. (Chúng ta đã mừng lễ kính ngài hôm 16 tháng Sáu.) Gioan đã cầu nguyện và xin thánh Phanxicô Rêgis giúp đỡ. Sau cuộc hành hương này, Gioan vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc học như trước, nhưng Gioan không nản chí nữa.

Sau cùng, Gioan cũng được gia nhập đại chủng viện. Việc học hành đối với Gioan thật khó. Dù cố gắng đến đâu, Gioan cũng chẳng học tốt được. Khi cuộc thi cuối khóa tới, vấn đáp chứ không phải thi viết, Gioan phải đối diện với một ban giáo sư và phải trả lời các câu hỏi của họ. Gioan quá lo lắng đến nỗi đã bị hỏng ngay giữa cuộc thi. Cha Ballê đã lên tiếng thay cho Gioan. Ngài nói rằng Gioan là một người tốt lành và thánh thiện; Gioan có cảm quan bình thường và hiểu được những gì Giáo hội dạy về đức tin. Nghe thế, ban giáo sư chấp thuận những phẩm chất trên có thể bù lại những thiếu sót trong việc học tập của Gioan. Và Gioan Viannê đã được thụ phong linh mục.

Thoạt đầu, cha Gioan Viannê được chỉ định làm phụ tá cho cha Ballê, và ngài đã giúp cha cho tới khi cha qua đời năm 1817. Sau đó, cha Viannê được gởi tới một xứ đạo nhỏ tên là Ars, nơi cha Viannê phục vụ suốt cả cuộc đời. Khi Gioan Viannê mới tới, bổn đạo xứ Ars chẳng quan tâm gì đến đức tin của mình. Họ say xỉn, làm việc cả ngày Chúa nhật và không bao giờ đi lễ. Nhiều người thường xuyên nói tục chửi thề. Cha Viannê đã ăn chay và đền tội thay cho bổn đạo. Ngài cố gắng giúp họ không phạm tội. Cuối cùng, từng quán rượu một đã phải lần lượt đóng cửa vì buôn bán chẳng được.

Dân chúng bắt đầu tham dự thánh lễ Chúa nhật cách đều đặn hơn và tham dự cả thánh lễ ngày thường. Rồi người ta bớt nói tục chửi thề. Điều gì đã xảy ra tại xứ Ars? Người ta nói rằng: “Cha xứ của chúng tôi là một đấng thánh và chúng tôi có nhiệm vụ phải vâng phục ngài!”

Thiên Chúa cũng cho thánh Gioan Viannê khả năng thấu tỏ tâm hồn người khác và ơn đoán biết tương lai. Với tặng ân này, thánh nhân đã hoán cải được nhiều tội nhân và giúp người ta thực hiện những quyết định đúng đắn. Ngày ngày có đến hàng trăm khách hành hương đã lần lượt đổ về xứ Ars. Thánh Gioan Viannê thường dành ra mười sáu giờ mỗi ngày để giải tội. Dù Gioan Viannê đã có lần cảm thấy hạnh phúc hơn và bình an hơn nếu được sống trong một tu viện nào đó, nhưng thánh nhân vẫn ở lại xứ Ars suốt một quãng thời gian 42 năm; và sau cùng, Gioan Viannê đã qua đời tại đây vào năm 1859, hưởng thọ 73 tuổi. Đức thánh cha Piô XI đã tôn phong Gioan Maria Viannê lên bậc hiển thánh năm 1925.

Thánh Gioan Maria Viannê đã dành ra phần lớn thời giờ để ban bí tích Hòa giải. Trong bí tích này, tội lỗi của chúng ta được tha và chúng ta nhận được những ơn cần thiết để sống theo những giáo huấn của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy năng chạy đến với bí tích Hòa giải để lãnh nhận được nhiều ân sủng của bí tích này.


0804_StJohnVianney.png



0804_StJohnVianney-02.jpg



0804_StJohnVianney-03.jpg



0804_StJohnVianney-04.jpg



0804_StJohnVianney-05.jpg



0804_StJohnVianney-06.jpg


0804_StJohnVianney-07.jpg



0804_StJohnVianney-08.jpg



0804_StJohnVianney-09.JPG



0804_StJohnVianney-10.jpg


0804_StJohnVianney-11.jpg



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62889


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 03 Tháng 8:
THÁNH PHÊRÔ JULIANÔ EYMARD

0803_StPeterJulianEymard.jpg


Thánh Phêrô Julianô Eymard sinh năm 1811 tại một ngôi làng nhỏ thuộc giáo phận Grênôp, nước Pháp. Phêrô đã phụ giúp thân phụ mình chế đúc và sửa chữa các loại lưỡi dao cho tới năm lên 18. Phêrô dùng các giờ rảnh rỗi để học hành. Ngài tự học Latinh. Phêrô được một linh mục có lòng quảng đại hướng dẫn đức tin. Trong thâm tâm, Phêrô mơ ước được làm linh mục. Năm 20 tuổi, Phêrô bắt đầu ghi danh học tại đại chủng viện Grênôp. Năm 1834, Phêrô Julianô được thụ phong linh mục và được trao cho coi liền một lúc hai xứ đạo suốt 5 năm sau đó. Dân chúng nhận biết cha Phêrô chính là món quà Thiên Chúa tặng ban cho họ. Sau đó, cha Eymard xin phép đức giám mục giáo phận để được gia nhập hội dòng Truyền Giáo Đức Bà do cha Colin mới sáng lập lúc ấy, và đức giám mục đã chấp nhận. Cha Eymard phục vụ hội dòng này với tư cách là linh hướng cho các anh em chủng sinh. Vào năm 1845, cha Eymard được bầu làm bề trên của hội dòng tại Liông, nước Pháp. Thế nhưng, dù cha Eymard đã kiên trì chu toàn nhiều trách vụ trong cuộc đời, lòng trí cha vẫn hướng về một điều gì khác.

Cha Eymard có một tình yêu bừng cháy đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài bị lôi cuốn vào sự hiện diện của Chúa trong bí tích cực trọng này. Eymard thích dùng thời giờ hàng ngày để tôn thờ Chúa. Trong một ngàylễ kính Mình Máu Thánh Chúa, cha Eymard đã trải qua một cảm nghiệm đạo đức rất đặc biệt. Đang khi Eymard đi kiệu Mình Thánh, ngài cảm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu nóng ấm tựa như lò lửa hồng. Mình Thánh Chúa dường như bao chiếm lấy Eymard bằng tình yêu và ánh sáng. Trong tâm hồn, Eymard thưa lên với Chúa những nhu cầu tinh thần và vật chất của bổn đạo. Thánh nhân nài xin lòng thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu chạm tới mọi người, cũng như ngài được Thánh Thể Chúa đụng chạm tới vậy.

Vào năm 1856, cha Eymard nương theo ơn linh hứng mà cha đã cầu nguyện trước đó nhiều năm. Với sự chấp thuận của các bề trên, cha đã thiết lập một hội dòng cho các linh mục chuyên tôn thờ Thánh Thể. Các ngài được biết đến với tước hiệu là những linh mục của bí tích Thánh Thể. Hai năm sau khi lập dòng nam, cha Eymard lập thêm một hội dòng nữ, gọi là dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Như những linh mục, các chị nữ tu này cũng có một tình yêu đặc biệt đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Họ tận hiến đời mình để tôn thờ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Cha Eymard cũng lập thêm những lớp dạy giáo lý trong giáo xứ nhằm chuẩn bị cho bổn đạo rước lễ lần đầu. Ngài cũng viết nhiều sách về bí tích Thánh Thể, những sách này đã được phiên dịch ra nhiều thứ tiếng; và ngày nay vẫn còn giá trị.

Cha Eymard sống cùng thời với thánh Gioan Maria Vianêy, vị thánh mà chúng ta mừng lễ kính vào ngày 4 tháng Tám. Cả hai cùng là bạn thân của nhau và cả hai đều rất ngưỡng mộ nhau. Cha Vianêy nói rằng cha Eymard là một đấng thánh; và ngài thêm: “Chà! Một cộng đoàn linh mục tận hiến đời mình để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể! Thật tốt đẹp biết bao! Hằng ngày tôi sẽ cầu nguyện cho công việc của cha Eymard!”

Thánh Phêrô Julianô Eymard đã trải qua đau khổ rất nhiều trong bốn năm cuối đời. Ngài cũng gặp phải những khó khăn và những lời chê bai chỉ trích. Nhưng thánh nhân vẫn cứ tiếp tục tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Gương hy sinh và đời sống chứng tá của Eymard đã giúp cho nhiều người tìm thấy ơn gọi của họ trong hội dòng ngài đã thiết lập. Phêrô Julianô Eymard về trời ngày mùng 1 tháng Tám năm 1868, lúc được 57 tuổi. Đến ngày mùng 9 tháng Mười Hai năm 1962, đức thánh cha Gioan XXIII đã tôn phong Phêrô Julianô Eymard lên bậc hiển thánh.

Chúng ta hãy xin thánh Phêrô Julianô Eymard giúp chúng ta gia tăng lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta biết học nơi ngài cách tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 8 6 years 8 months ago #62888


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 02 Tháng 8:
THÁNH EUSEBIUS Ở VERCELLI (?-371)

0802_StEusebiusVercelli.jpg


Có người nói nếu không có lạc giáo Arian có lẽ thật khó để viết về cuộc đời của nhiều vị thánh tiên khởi. (Nguyên lý căn bản của lạc thuyết Arian là từ chối thiên tính của Ðức Kitô và bởi đó, họ cũng từ chối thiên tính của Chúa Thánh Thần). Thánh Eusebius là một trong những vị bảo vệ Giáo Hội trong thời kỳ nhiều thử thách.

Sinh ở đảo Sardinia, ngài là một thành viên của giáo sĩ Rôma và là giám mục đầu tiên của Vercelli thuộc Piedmont. Ngài cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống đan viện với đời sống giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ trong giáo phận với sự tin tưởng rằng phương cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là để họ nhìn thấy các giáo sĩ được đào tạo trong một cộng đoàn nhân đức và sống động.

Ngài được Ðức Giáo Hoàng Liberius sai đến gặp hoàng đế Constantius để thuyết phục nhà vua triệu tập một công đồng nhằm giải quyết các khó khăn giữa Công Giáo và Arian. Khi công đồng được triệu tập ở Milan, vì cảm thấy khối Arian đang thắng thế, mặc dù người Công Giáo đông hơn nên Ðức Eusebius không đến tham dự, mãi cho đến khi chính nhà vua ép buộc.

Khi nhà vua yêu cầu mọi giám mục phải ký vào bản án để buộc tội Ðức Athanasius -- là người cương quyết chống với lạc thuyết Arian -- Ðức Eusebius đã từ chối; thay vào đó, ngài đặt Kinh Tin Kính lên bàn hội nghị và yêu cầu mọi người ký tên vào đó trước khi bàn đến các vấn đề khác. Nhà vua dùng áp lực với Ðức Eusebius, nhưng ngài quả quyết rằng Ðức Athanasius vô tội, và nhắc nhở hoàng đế rằng không thể dùng thế lực ngoài đời để ảnh hưởng đến các quyết định của Giáo Hội. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết ngài, nhưng sau đó lưu đầy ngài đến Palestine. Ở đây, phe Arian kéo ngài lê lết trên đường phố và giam ngài trong một căn phòng nhỏ, và sau bốn ngày ngài tuyệt thực để phản đối họ mới thả ngài ra, nhưng được một ít lâu, họ lại tiếp tục hành hạ ngài.

Ðức Eusebius phải tiếp tục cuộc sống lưu đầy ở Tiểu Á và Ai Cập, cho đến khi tân hoàng đế cho phép ngài trở lại giáo phận ở Vercelli. Ngài tham dự Công Ðồng Alexandria với Ðức Athanasius và chấp thuận khoan hồng cho các giám mục trước đây theo phe Arian. Ngài còn cộng tác với Thánh Hilary ở Poitiers để chống với lạc giáo Arian.

Lời Trích: "Ðể việc chăm sóc các linh hồn có hiệu quả, các linh mục được yêu cầu sống chung trong một cộng đoàn, nhất là những ai sinh hoạt trong cùng một giáo xứ. Nếp sống này không những khích lệ giáo dân hoạt động tông đồ, mà còn là một gương mẫu của lòng bác ái và sự hiệp nhất cho người tín hữu" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 30).



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012