Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #63004


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 20 Tháng 9:
THÁNH ANRÊ KIM TÊGON VÀ THÁNH PHAOLÔ CHONG HASANG

0920_StsAndrewKim-PaulChong-Companions.jpg


Thánh Anrê Kim Têgon là linh mục và thánh Phaolô Chong Hasang là một tín hữu Công giáo. Hai vị tử đạo này đại diện cho nhiều Kitô hữu đã hy sinh mạng sống vì đức tin tại Hàn quốc. Các ngài được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh năm 1984 nhân chuyến viếng thăm đất nước này.

Kitô giáo được những giáo dân đem vào Hàn quốc hồi thế kỷ thứ 17. Các tín hữu đã âm thầm nuôi dưỡng và tăng triển đức tin của họ dựa trên lời Chúa. Các linh mục thừa sai trẩy tàu từ Pháp sang Hàn và giới thiệu cho dân Hàn hiểu biết về đời sống bí tích của Hội Thánh. Thỉnh thoảng, suốt dọc thế kỷ thứ 19, đức tin Kitô giáo bị chính phủ Hàn bách hại. Từ năm 1839 đến năm 1867, đã có tổng cộng 103 tín hữu Hàn bị giết hại. Cũng có mười thành viên của hiệp hội Thừa Sai Pari nước ngoài chịu tử vì đạo: gồm 3 giám mục và 7 linh mục. Điều này đã nâng tổng số các thánh tử đạo lên 113 vị. Thánh Anrê Kim Têgon và thánh Phaolô Chong Hasang là đại diện cho các Kitô hữu Hàn đã can đảm hy sinh mạng sống mình vì tình yêu Chúa Kitô. Thánh Anrê Kim Têgon, linh mục đầu tiên của Hàn quốc, đã tử vì đạo ngày 16 tháng Chín năm 1846, chỉ một năm sau khi được thụ phong. Thân phụ của Anrê đã tử đạo năm 1821. Thánh Phaolô Chong Hasang là một giáo lý viên rất anh dũng. Thánh nhân chịu tử đạo hôm 22 tháng Chín năm 1846.

Giáo hội vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng tại Hàn quốc. Món quà đức tin được tiếp nhận và được tô bồi nhờ công lao của các thánh tử đạo, những người đã hy sinh làm đá lát đường.

Mỗi vị tử đạo là một bài giảng âm thầm. Khi chúng ta suy ngắm cái chết của một vị tử đạo nào đó, chúng ta học được một sứ điệp. Chúng ta hãy nài xin các thánh tử đạo Hàn quốc giúp chúng ta cũng yêu mến Chúa Giêsu và Giáo hội cách tha thiết như vậy.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đỗ Thanh

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #63002


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 19 Tháng 9:
THÁNH JANUARIÔ

0919_StJanuarius.jpg


Thánh Januariô sinh vào thế kỷ thứ 4 tại nước Ý. Quê hương của ngài là Bênêventô hoặc có thể là Napôli. Januariô làm giám mục giáo phận Bênêventô khi xảy ra cuộc bách hại của Điôclêsianô. Thánh Januariô được dân chúng gọi là “San Gennarô,” nghĩa là thánh Gennarô. Theo truyền thuyết, San Gennarô biết được một số thầy phó tế bị giam tù vì đức tin. Đức giám mục là một người hiền lành và có lòng trắc ẩn. Ngài thực lòng quan tâm đến bổn đạo và ngài đã đi tới nhà tù để thăm viếng họ. Người cai tù báo tin cho ông thống đốc, và ông này đã sai quân lính của mình tới tìm San Gennarô. Đức giám mục đã bị bắt cùng với một thầy phó tế và một diễn giả. Họ bị giam cùng với các tù nhân khác.

Thế rồi, San Gennarô và sáu người khác đã chịu tử đạo. Cái chết của họ xảy ra gần thành phố Napôli vào khoảng năm 305. Dân thành Napôli đã dành cho San Gennarô một lòng yêu mến và tôn kính đặc biệt. Thực ra, ngài được xem như thánh bổn mạng của họ.

Dân thành Napôli còn tưởng nhớ San Gennarô vì một lý do đặc biệt khác: máu tử đạo của thánh nhân đã được cất giữ hàng mấy thế kỷ trước trong một chiếc lọ nhỏ. Máu đã hóa nên sẫm và khô. Nhưng tại một vài thời điểm nào đó trong năm, máu lại hóa lỏng. Nó trở nên đỏ, đôi lúc đỏ tươi. Thỉnh thoảng máu cũng sủi bọt. Hiện tượng đặc biệt chứa trong lọ máu được tôn kính cách công khai vào thứ Bảy đầu tháng Năm, nhằm ngày 19 tháng Chín (lễ kính thánh San Gennarô), và kéo dài suốt tám ngày (tính từ sau lễ kính thánh nhân); đôi lúc cũng được kính vào ngày 16 tháng Mười Hai. Lọ máu hóa lỏng này được nhìn nhận và được tôn kính từ thế kỷ thứ 13.

Chúng ta hãy nài xin thánh Januariô ban cho chúng ta một trái tim biết yêu thương và biết rung cảm để nhờ đó chúng ta có thể đem niềm vui và an ủi đến cho những người sống chung quanh mình.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đỗ Thanh

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #63000


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 18 Tháng 9:
THÁNH GIUSE CUPERTINÔ (ST. JOSEPH CUPERTINO - The Flying Saint)

0918-StJosephCupertino.jpg


Thánh Giuse Cupertinô sinh ngày 17 tháng Sáu năm 1630 tại một ngôi làng nhỏ nước Ý. Gia đình Giuse rất nghèo và thời thơ ấu của Giuse rất bất hạnh. Thân mẫu của Giuse Cupertinô coi ngài là một mối phiền lòng và bà đã xử với Giuse rất ư ác nghiệt. Chẳng mấy chốc, Giuse trở nên trì độn và đãng trí. Giuse lang thang hết chỗ này tới chỗ nọ mà như thể chẳng đi đâu cả. Và Giuse cũng dễ nóng giận nên không được người khác quý chuộng. Rồi Giuse Cupertinô gắng sức học nghề đóng giày nhưng không thành công. Ngài đã xin vào tu dòng Phanxicô nhưng bị từ chối. Tiếp đến, Giuse gia nhập dòng Capuxinô; nhưng tám tháng sau, Giuse Cupertinô được khuyên nên về lại gia đình. Giuse dường như chẳng thể làm được việc gì cho đàng hoàng cả! Giuse đánh rơi nhiều chồng chén dĩa và sau đó lại quên hết mọi sự. Thân mẫu Giuse Cupertinô không hài lòng khi để cậu trai 18 tuổi của bà ở lại nhà. Sau cùng, bà cũng thuyết phục được Giuse nhận làm người giúp việc cho một tu viện của dòng Phanxicô. Giuse nhận tu phục của dòng và được chỉ định trông coi đàn ngựa.

Khoảng thời gian này, Giuse Cupertinô bắt đầu thay đổi. Giuse sống khiêm tốn và hiền lành hơn. Ngài làm việc cẩn thận hơn và thu lượm được nhiều kết quả. Giuse Cupertinô cũng bắt đầu làm nhiều việc hãm mình. Rồi người ta quyết định cho Giuse được làm thành viên chính thức của hội dòng; và Giuse bắt đầu học làm linh mục. Mặc dù rất chăm chỉ nhưng Giuse vẫn chỉ có chút ít thời giờ để học hành. Giuse tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa; và cuối cùng, Giuse Cupertinô được thụ phong linh mục. Thiên Chúa đã làm nhiều phép lạ qua cha Giuse. Hơn 70 lần người ta thấy cha Giuse được nâng lên cao khỏi mặt đất đang lúc ngài cử hành thánh lễ hay cầu nguyện. Giuse bị treo lơ lửng sát gần trần nhà giống như một ngôi sao treo ở đầu cành cây Nôel. Giuse thường hay xuất thần và hoàn toàn kết hợp đang lúc trò truyện với Thiên Chúa. Giuse sống thật thánh thiện! Mọi thứ Giuse Cupertinô xem thấy đều giúp ngài nghĩ tưởng đến Thiên Chúa.

Cha Giuse Cupertinô trở nên quá nổi danh vì làm nhiều phép lạ đến nỗi người ta đã gởi ngài tới thành Assisi để tránh cho thiên hạ biết đến. Điều này khiến Giuse rất hạnh phúc vì có dịp được sống thân mật với Đức Chúa Giêsu yêu quý của ngài. Chúa Giêsu luôn hiện diện trong trái tim của Giuse; và một ngày kia, Chúa đã đến đem Giuse về thiên đàng. Giuse Cupertinô qua đời năm 1663, lúc vừa tròn 60. Ngài được đức thánh cha Clêmentê XIII tôn phong hiển thánh năm 1767.

Có lẽ chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không có tài nghệ gì đặc biệt lắm. Thậm chí có khi còn cảm thấy tuyệt vọng nữa! Đó là lúc chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh Giuse Cupertinô. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta có được sự tự tin cần thiết. Ngài sẽ nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu đang hiện diện trong trái tim chúng ta; và đối với Chúa Giêsu, chúng ta là những người rất ư đặc biệt.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #62997


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 17 Tháng 9:
THÁNH RÔBERTÔ BELLARMINÔ

0917_StRobertBellarmine.jpg


Thánh Rôbertô Bellarminô sinh năm 1542 tại nước Ý. Lúc còn nhỏ, thánh nhân không thích chơi các thứ trò chơi, mà chỉ thích dùng thời giờ thuyết lại cho các em trai và em gái của ngài các bài giảng mà ngài đã nghe được. Rôbertô Bellarminô cũng thích giảng giải các bài giáo lý cho các trẻ nhỏ ở trong xóm của ngài. Rồi Rôbertô được Rước lễ lần đầu; và ngài thường rước lễ vào mỗi Chúa nhật.

Ham ước lớn nhất của Rôbertô Bellarminô là được trở thành linh mục dòng Tên, nhưng thân phụ Rôbertô lại có những dự tính khác cho ngài. Ông hy vọng cậu quý tử của ông sẽ là một người hào hoa phong nhã. Vì lý do này, ông muốn Rôbertô phải trau dồi nhiều môn học, kể cả âm nhạc và nghệ thuật. Suốt một năm trời, Rôbertô Bellarminô đã gắng sức thuyết phục cha. Cuối cùng, năm lên 18, Rôbertô Bellarminô được phép gia nhập dòng Tên. Là tu sĩ trẻ tuổi, Rôbertô Bellarminô học hành rất giỏi. Ngài được sai đi thuyết giảng ngay cả khi chưa làm linh mục. Một bà đạo đức kia lần đầu tiên thấy một thanh niên, thậm chí chưa là linh mục, bước lên tòa giảng, bà đã quỳ gối cầu nguyện. Bà nài xin Chúa Giêsu giúp chàng để chàng khỏi hoảng sợ mà bỏ dở bài giảng. Lúc Rôbertô Bellarminô giảng xong, bà đạo đức vẫn còn quỳ gối. Tuy nhiên, lần này bà đang cảm tạ Chúa vì vừa được nghe một bài giảng thật hoành tráng.

Thánh Rôbertô Bellarminô là một văn gia, một thầy dạy và là một nhà giảng thuyết trứ danh. Thánh nhân đã viết 31 tác phẩm quan trọng. Mỗi ngày, thánh nhân dùng ba giờ đồng hồ để cầu nguyện. Rôbertô Bellarminô có một kiến thức sâu rộng về các vấn đề thiêng liêng. Tuy vậy, khi đã trở thành hồng y, thánh Rôbertô Bellarminô vẫn xem giáo lý là quan trọng nhất đến nỗi ngài đã đích thân dạy bộ môn này cho những người giúp việc trong nhà cũng như cho các bổn đạo trong giáo phận.

Đức hồng y Bellarminô về trời ngày 17 tháng Chín năm 1621. Đến năm 1930, đức thánh cha Piô XI tôn phong Bellarminô lên bậc hiển thánh; và vào năm 1931, thánh nhân được tôn tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh.

Chúng ta hãy nài xin thánh Rôbertô Bellarminô giúp chúng ta nhận thức được tầm quan trọng mà các lớp giáo lý mang lại. Chúng ta cũng hãy cố gắng đi học đúng giờ, để ý nghe giảng, chu toàn nhiệm vụ và học hành nghiêm túc.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #62996


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 16 Tháng 9:
THÁNH CORNÊLIÔ VÀ THÁNH CYPRIANÔ

0916_StCornelius.jpg



0916_StCyprian.jpg


Vào giữa thế kỷ thứ 3, Giáo hội vẫn còn bị đàn áp. Cuộc bách hại tàn khốc của hoàng đế Đêsiô đã cướp đi sinh mạng của thánh giáo hoàng Fabianô. Giáo hội phải trống ngôi giáo hoàng gần một năm. Vào năm 251, người ta đã bầu một linh mục thánh thiện của Rôma, là Cornêliô, lên làm giáo hoàng. Cornêliô chấp nhận vì ngài yêu mến Chúa Kitô. Ngài sẽ phục vụ Giáo hội với cương vị giáo hoàng ngay cả khi phải mất mạng sống mình vì nhiệm vụ. Đó là lý do thánh giáo hoàng Cornêliô được cả thế giới ngưỡng mộ. Các giám mục Phi châu đặc biệt tuyên xưng lòng trung thành và yêu mến đối với đức giáo hoàng. Giám mục Cyprianô giáo phận Cáctagô đã gởi cho đức giáo hoàng những lá thư an ủi và khích lệ. Cyprianô được ơn trở lại Kitô giáo lúc 25 tuổi. Ngài rất ngạc nhiên khi thấy các Kitô hữu thành Cáctagô tuyên khấn giữ đức trinh khiết trọn đời ngay trước lúc ngài chịu phép Thanh tẩy. Cuối cùng, Cyprianô thụ phong linh mục và năm 248, ngài được tấn phong giám mục.

Giám mục Cyprianô hết lòng khích lệ và nâng đỡ giáo hoàng Cornêliô. Các tác phẩm của thánh nhân minh chứng tình yêu mà các Kitô hữu đã dành cho toàn thể Giáo hội. Tình yêu này không chỉ dành riêng cho một mình giáo hoàng mà còn cho cả giáo phận và các giáo xứ địa phương. Cyprianô viết một tác phẩm sâu xa bàn về tính duy nhất của Giáo hội. Tác phẩm này vẫn là một chủ đề quan trọng đối với mọi thời đại, kể cả thời đại của chúng ta.

Thánh giáo hoàng Cornêliô qua đời đang lúc bị lưu đày tại hải cảng Rôma vào tháng Chín năm 253. Vì phải chịu đau khổ rất nhiều với tư cách là giáo hoàng, Cornêliô được mọi người xem như là thánh tử đạo. Thánh Cyprianô qua đời 5 năm sau đó, trong thời bách hại của hoàng đế Valêrianô. Thánh nhân bị xử trảm tại thành Cáctagô ngày 14 tháng Chín năm 258. Việc thánh Cornêliô và thánh Cyprianô chia sẻ chung một ngày lễ nhắc nhở chúng ta về tính duy nhất mà Giáo hội luôn luôn vui hưởng. Tính duy nhất này là dấu chỉ sự hiện diện của Đức Giêsu, Vị thủ lãnh Giáo hội.

Chúng ta hãy nài xin hai thánh Cornêliô và thánh Cyprianô giúp chúng ta tăng triển lòng yêu mến đối với Giáo hội, với đức giáo hoàng, các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân khắp nơi trên hoàn vũ. Các đấng có thể giúp chúng ta sống trung thực với niềm tin Công giáo của mình ngay cả trong những nghịch cảnh của cuộc sống.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #62991


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 15 Tháng 9:
LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

0915_OurLadyOfSorrows.jpg


Vì là Mẹ của Đức Chúa Giêsu, Mẹ Maria có rất nhiều niềm vui nhưng Mẹ cũng phải chịu nhiều đau khổ. Tình yêu quảng đại đối với Con chí thánh đã khiến Mẹ Maria phải đau khổ khi nhìn thấy Đức Chúa Giêsu bị các kẻ thù đối xử tàn bạo. Mẹ là Nữ Vương các thánh tử đạo vì Mẹ đã trải qua những đau khổ tinh thần mà những đau khổ này khủng khiếp hơn rất nhiều so với những khổ hình thể xác của các thánh tử đạo. Trái tim Mẹ ví tựa bàn thờ khi Mẹ dâng Con yêu quý của Mẹ là Đức Chúa Giêsu để cứu độ chúng ta trên ngọn đồi Canvê. Thật là đau khổ biết bao khi một người mẹ rất mực đáng yêu phải chứng kiến cảnh tượng con mình chịu chết trên thập giá!

Chúng ta đặc biệt tưởng nhớ bảy niềm đau lớn lao trong cuộc đời của Mẹ. Niềm đau thứ nhất là khi Mẹ dâng Chúa Hài Nhi Giêsu trong đền thánh. Tại đây, cụ tiên tri Simêon nói với Mẹ rằng một lưỡi gươm đau khổ sẽ đâm thấu tâm hồn của Mẹ. Việc đó sẽ xảy ra khi Đức Chúa Giêsu bị lên án tử. Niềm đau thứ hai là Đức Mẹ và thánh Giuse phải chạy trốn sang Ai Cập với Đức Chúa Giêsu vì quân lính của vua Hêrôđê đang tìm giết Người. Niềm đau thứ ba xảy ra lúc Đức Mẹ tìm kiếm Đức Chúa Giêsu suốt ba ngày tại đền thánh Giêrusalem. Sau cùng, Mẹ đã tìm thấy Chúa trong đền thờ. Niềm đau thứ tư của Mẹ là khi Đức Chúa Giêsu bị quân dữ đánh đòn và đội mão gai. Niềm đau thứ năm là khi Mẹ xem thấy Đức Chúa Giêsu bị treo trên cây thập giá, nơi Chúa tắt thở sau ba giờ hấp hối. Niềm đau thứ sáu của Mẹ là lúc thân xác bất động của Đức Chúa Giêsu được trao phó trong vòng tay Mẹ. Và niềm đau thứ bảy mà Mẹ phải chịu là lúc Đức Chúa Giêsu chịu mai táng trong mồ.

Mẹ Maria đã chẳng hối tiếc hay phàn nàn gì khi phải chịu đau khổ quá nhiều trong suốt cuộc đời Mẹ. Thay vào đó, Mẹ dâng lên Thiên Chúa những thống khổ của Mẹ vì chúng ta. Mẹ chính là Mẹ thật của mỗi người chúng ta. Bởi quá yêu thương chúng ta, Mẹ đã vui sướng cùng chịu đau khổ với Đức Chúa Giêsu Con Mẹ để một ngày kia chúng ta cũng được chia sẻ niềm vui của Mẹ cùng với Đức Chúa Giêsu trên thiên đàng.

Để tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ sầu bi, hôm nay chúng ta hãy dâng lên Mẹ vài hy sinh nhỏ mà không phàn nàn chi. Chúng ta cũng hãy suy ngắm từng niềm đau của Mẹ và cảm ơn Mẹ về tình yêu cao cả mà Mẹ đã dành cho mỗi người chúng ta.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #62990


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 14 Tháng 9:
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ

0914_ExaltationOfTheHolyCross.jpg


Hôm nay chúng ta biểu lộ tình yêu mến và lòng biết ơn của chúng ta đối với Đức Chúa Giêsu qua việc suy tôn Thánh Giá Chúa. Ngày xưa thập giá là một trong các biểu tượng nhục nhã nhất. Hình khổ đóng đinh thập giá được dành cho những phạm nhân hết sức gian ác. Chúa Giêsu chấp nhận khổ hình thập giá là để giành lấy ơn cứu độ cho mỗi người chúng ta. Và khổ hình ấy dĩ nhiên đi kèm với sự nhục nhã.

Bằng vào cái chết trên thập giá, Đức Chúa Giêsu đã làm cho thập giá trở nên biểu tượng của vinh quang và sự sống bất diệt. Thập giá là biểu tượng thánh thiêng nhất của Kitô giáo. Khi thập giá có mang hình ảnh của Đức Chúa Giêsu chịu đóng đinh, lúc ấy nó được gọi là Tượng Chịu Nạn hay Thánh Giá Chúa. Thánh Giá trên bức tường trong phòng ngủ hay Thánh Giá mà chúng ta đeo quanh cổ của mình là những dấu hiệu nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Giêsu đã trả giá cho ơn cứu độ của từng người chúng ta.

Trải qua nhiều thế kỷ, các Kitô hữu đạo hạnh đã cất giữ cùng bảo quản tốt những thánh tích của Thánh Giá Chúa. Người ta tin rằng hoàng đế Hêraclitô đã tìm lại được những mảnh gỗ từ cây Thánh Giá của Đức Chúa Giêsu hồi năm 629. Chẳng những ông và cả đoàn du khách hành hương đã tôn kính các thánh tích này mà ông còn mời gọi tất cả mọi người trong miền ấy cùng tham gia với ông. Trước thời gian đó, các Kitô hữu cũng đã tôn kính và yêu quý biểu tượng thập giá này.

Từ ngữ “thánh giá” cũng mang ý nghĩa những đau khổ xảy đến trên đường đời của ta. Khi ta biết chấp nhận những đau khổ này với lòng nhẫn nại và yêu mến, thì như Chúa Giêsu đã vác thập giá của Ngài, ta cũng sẽ trở nên những “người-vác-thập-giá” như Đức Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy suy nghĩ xem coi biểu tượng thập giá mang ý nghĩa gì đối với chúng ta là những Kitô hữu. Hôm nay chúng ta hãy ưa thích thưa lên với Chúa Giêsu lời nguyện tắt này: “Lạy Đức Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, vì Chúa đã dùng Thánh Giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #62986


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 13 Tháng 9:
THÁNH GIOAN KIM KHẨU (ST. JOHN CHRYSOSTOM: GOLDEN-MOUTHED)

0913_StJohnChrysostom.jpg


Thánh Gioan kim khẩu sinh tại Antiôkia vào khoảng năm 344. Thân phụ Gioan qua đời lúc ngài còn rất nhỏ. Thân mẫu quyết định ở vậy không tái hôn. Bà dành tất cả sự quan tâm để giáo dục hai người con của bà, một trai và một gái. Bà đã cố gắng hy sinh và lo liệu để Gioan được học với các danh sư lỗi lạc thời ấy. Gioan rất đỗi thông minh và có thể cũng sẽ trở nên rất danh tiếng. Mỗi khi Gioan thuyết trình thì mọi người đều chăm chú lắng nghe. Thật ra, danh xưng kim khẩu có nghĩa là “miệng vàng.” Tuy thế, Gioan lại muốn tận hiến đời mình cho Thiên Chúa. Gioan được thụ phong linh mục; và sau đó được đặt làm giám mục cai quản thành phố rất vĩ đại là Constantinôp.

Thánh Gioan kim khẩu là một giám mục tuyệt vời và ngài đã làm được những việc rất phi thường. Mỗi ngày, Gioan thuyết giảng một hoặc hai lần, ngoài ra Gioan còn nuôi dưỡng những người nghèo và chăm sóc các trẻ mồ côi. Gioan đã sửa lại những tập tục sai trái và ngăn cấm việc trình chiếu những vở kịch xấu. Thánh nhân yêu thương mọi người, nhưng ngài không sợ lên tiếng phản đối ngay cả nữ hoàng mỗi khi bà làm điều sai quấy.

Vì chống lại tội lỗi nên thánh Gioan có nhiều kẻ thù, thậm chí chính nữ hoàng cũng trở nên kẻ thù của Gioan. Bà đã trục xuất thánh nhân ra khỏi thành Constantinôp. Trên đường đi đày, thánh Gioan đã bị sốt nặng, thiếu thực phẩm và thiếu ngủ. Tuy vậy, thánh nhân vẫn vui mừng chịu khổ vì Chúa Giêsu. Ngay trước lúc qua đời, thánh Gioan đã lớn tiếng thốt lên: “Xin sáng danh Đức Chúa!”

Thánh Gioan kim khẩu về trời ngày 14 tháng Chín năm 407 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Có một trận mưa đá khủng khiếp đã xảy ra tại Constantinôp khi Gioan qua đời. Bốn ngày sau, bà hoàng cũng băng hà. Nhưng con trai của bà đã tôn kính xác thánh Gioan và tỏ lòng hối hận vì những tổn hại mà mẹ ông đã gây ra.

Thiên Chúa biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta biết ta. Nếu chúng ta làm mọi việc vì lòng yêu mến Thiên Chúa, chúng ta sẽ không lo sợ người khác nói xấu hay làm hại chúng ta. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan kim khẩu ban cho chúng ta lòng can đảm của ngài.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #62985


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 12 Tháng 9:
LỄ TÔN KÍNH THÁNH DANH ĐỨC MARIA

0912_MostHolyNameOfMary.jpg


Việc tôn kính thánh danh Đức Maria trong phụng vụ bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, lúc ấy tại mỗi giáo xứ đã có lệ cử hành thánh lễ tôn kính thánh danh Đức Maria. Đến năm 1683, đức thánh cha Innôcentê XI mới chọn ngày 12 tháng Chín hàng năm làm ngày toàn thể Giáo hội hoàn vũ long trọng mừng lễ tôn kính thánh danh Đức Maria, để cám ơn sự bảo trợ của Đức Mẹ đối với Giáo hội.

Danh xưng Maria trong tiếng Dothái có nghĩa là “ngôi sao biển.” Khi các thủy thủ gặp phải bão tố ngoài biển khơi, họ sẽ nhìn xem các ngôi sao trên bầu trời để xác định phương hướng. Chúng ta có thể ngước trông lên Mẹ như “ngôi sao” chỉ lối soi đường mà Đức Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta. Nếu bị trệch đường, chúng ta hãy đưa mắt nhìn lên Mẹ Maria, Mẹ sẽ hướng dẫn chúng ta trở về với Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.

Thánh Bênađô viết: “Khi bạn chiến đấu với bão táp trên biển cuộc đời, hãy ngước nhìn lên sao biển là Mẹ Maria. Nếu những ngọn gió cám dỗ thổi vào chiếc thuyền lòng bạn, hay nếu bạn bị va đụng bởi những tảng đá đau khổ, hãy nhìn lên ngôi sao – và hãy gọi tên Mẹ! Nếu bạn bị những đợt sóng tham vọng hay đố kỵ xô đẩy, hãy nhìn lên ngôi sao – hãy gọi tên của Mẹ! Nếu cơn nóng giận hay tham lam đánh bạt chiếc thuyền lòng bạn, hãy nhìn lên Mẹ Maria! Nếu bạn đang thất vọng vì tội lỗi quá nhiều, hãy tưởng nghĩ đến Mẹ! Trong những khó khăn và nguy hiểm, hãy nhớ đến Mẹ – hãy réo gọi Mẹ! Đừng để danh thánh Mẹ rời xa môi miệng bạn. Hãy tưởng nghĩ đến Mẹ luôn luôn! Có Mẹ, bạn sẽ không lạc lối. Được Mẹ chở che, bạn sẽ không sợ gì. Mẹ sẽ dẫn bạn đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn!”

Lúc chúng ta trải qua những buồn nản, nghi ngờ hay thất vọng, chúng ta có năng tưởng nghĩ đến thánh danh Mẹ Maria và réo gọi Mẹ không? Chúng ta có tin rằng Mẹ Maria thực sự yêu thương chúng ta và luôn ao ước cho chúng ta được hạnh phúc không? Vậy Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu bằng cách nào?


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 6 years 7 months ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 7 months ago #62984


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 11 Tháng 9:
THÁNH CYPRIAN

0911_StCyprianus.jpg


Thánh Cyprian góp phần quan trọng trong sự phát triển tư duy và tập tục Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, nhất là ở bắc Phi Châu.

Là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện, ngài trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành. Ngài phân phát tài sản cho người nghèo, và trước khi chịu Rửa Tội ngài đã làm mọi người kinh ngạc khi thề giữ đức khiết tịnh. Trong vòng hai năm ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm Giám Mục Carthage (gần Tunis bây giờ), trái với ý của ngài.

Thánh Cyprian than phiền rằng sự ổn định mà Giáo Hội đang được hưởng đã làm suy nhược tinh thần của nhiều Kitô Hữu, và đã mở cửa cho những người trở lại đạo mà không thực sự có đức tin. Khi cuộc bắt đạo dưới thời hoàng đế Decian bắt đầu, nhiều Kitô Hữu đã bỏ Giáo Hội cách dễ dàng. Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba, và đã giúp Giáo Hội hiểu biết hơn về Bí Tích Hòa Giải.

Novatus, một linh mục từng chống đối việc tuyển chọn Cyprian làm giám mục, đã tự tấn phong y làm giám mục khi Cyprian vắng mặt và tiếp nhận tất cả những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Hiển nhiên Novatus bị lên án. Cyprian có lập trường trung dung, ngài chủ trương rằng những người đã thực sự thờ tà thần thì chỉ được rước Mình Thánh khi sắp chết, trong khi những ai chỉ mua giấy xác nhận rằng họ đã thờ tà thần thì có thể được tiếp nhận lại sau một thời gian đền tội. Tuy nhiên lập trường này đã được nới lỏng trong thời kỳ bắt đạo sau này.

Khi thành phố Carthage bị bệnh dịch, Ðức Cyprian khuyến khích người Kitô giúp đỡ mọi người khác, kể cả những kẻ thù nghịch và bắt đạo.

Là bạn thân của Ðức Giáo Hoàng Cornelius, Ðức Cyprian chống đối vị giáo hoàng kế tiếp là Stephen. Ðức Cyprian và các giám mục Phi Châu khác không công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Ðây không phải là quan điểm chung của Giáo Hội, nhưng Ðức Cyprian không nao núng ngay cả khi Ðức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.

Ngài bị lưu đầy bởi lệnh của hoàng đế và sau đó được gọi về để xét xử. Ngài từ chối không chịu rời thành phố, nhất quyết để người dân chứng kiến việc tử đạo của ngài.

Ðức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm nghị nên dân chúng không biết là nên quý mến hay tôn trọng ngài hơn. Ngài nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội; nhưng ngài đã suy nghĩ lại, vì đó chính là lúc ngài viết luận thuyết về sự kiên nhẫn. Thánh Augustine nhận xét rằng Ðức Cyprian đã đền tội nóng nẩy của ngài bằng sự tử đạo.

Lời Bàn: Những tương tranh về bí tích Rửa Tội và Hòa Giải trong thế kỷ thứ ba cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi không có những giải pháp có sẵn xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Các vị lãnh đạo và giáo dân thời ấy đã phải đau khổ tiến dần qua các giai đoạn phán đoán tốt nhất mà họ có thể thi hành, để theo sát lời giảng dạy của Ðức Kitô mà không bị thiên lệch bên này hay bên kia.

Lời Trích: "Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn nếu bạn không coi Giáo Hội như người mẹ của bạn& Thiên Chúa là một và Ðức Kitô là một, và Giáo Hội của Người là một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn& Nếu chúng ta là người thừa kế của Ðức Kitô, hãy kết hợp trong sự bình an của Ðức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình" (Thánh Cyprian, Sự Hợp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012