Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62981


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 10 Tháng 9:
THÁNH TÔMA Ở VILLANOVA (1488-1555)

0910_StThomasVillanova.jpg


Thánh Tôma sinh ở Castile Tây Ban Nha, và tên Villanova là thành phố nơi ngài lớn lên. Ngài được giáo dục rất chu đáo ở Ðại Học Alcala và trở nên một giáo sư triết của đại học này.

Sau khi gia nhập dòng Augustine ở Salamanca ngài được thụ phong linh mục và tiếp tục dạy học, mặc dù ngài hay đãng trí và kém trí nhớ. Ngài làm tu viện trưởng và bề trên tỉnh dòng, và là người đầu tiên gửi các cha Augustine đến Tân Thế Giới. Ngài được hoàng đế đề nghị làm tổng giám mục ở Granada, nhưng ngài từ chối. Và khi tòa giám mục trống ngôi thì ngài lại bị áp lực phải chấp nhận. Số tiền ngài được hưởng để sắm sửa cho tòa giám mục thì ngài đã tặng cho một bệnh viện. Ngài giải thích "Khi dùng tiền cho người nghèo ở bệnh viện thì đó là việc phục vụ Chúa tốt đẹp hơn. Một tu sĩ khó nghèo như tôi thì muốn bàn ghế để làm gì?"

Ngài vẫn mặc các bộ quần áo từ khi còn là đệ tử sinh, mà chính tay ngài khâu vá lại. Các giáo sĩ và người trong dòng xấu hổ vì ngài, nhưng họ không thể thuyết phục ngài thay đổi. Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến nhà ngài để được ăn uống và được cho tiền. Khi người ta chỉ trích là ngài bị lợi dụng, ngài trả lời, "Nếu có những người không chịu làm việc thì đó là phần của chính phủ và cảnh sát phải đối phó. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ và an ủi những người đến với tôi." Ngài nhận nuôi các trẻ mồ côi và ngài thưởng tiền cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài khuyến khích những người giầu có hãy bắt chước ngài để trở nên giầu lòng thương xót và bác ái hơn là giầu của cải trần gian.

Ngài thường bị chỉ trích là không khắt khe và không mau chóng trừng phạt những kẻ có tội, ngài nói, "Hãy để họ (người chỉ trích) tìm hiểu xem Thánh Augustine và Thánh Gioan Kim Khẩu có rút phép thông công hay ra vạ tuyệt thông để ngăn chặn những người say sưa và phạm thượng, là những người mà các ngài đang săn sóc không."

Khi ngài sắp chết, Thánh Tôma ra lệnh lấy tất cả tiền của ngài có mà phân phát cho người nghèo. Các vật dụng của ngài thì được tặng cho văn phòng hiệu trưởng trường cũ của ngài. Thánh Lễ được cử hành và sau khi Truyền Phép, ngài thở hơi cuối cùng với những lời: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa."

Ngay khi còn sống Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người bố thí" và "cha của người nghèo." Ngài được phong thánh năm 1658.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62979


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 09 Tháng 9:
THÁNH PHÊRÔ CLAVE (ST. PETER CLAVER)

0909_StPeterClaver.jpg


Vị thánh linh mục gốc Tây Ban Nha thuộc dòng Tên này sinh năm 1580. Thánh nhân được biết đến với tước hiệu là “tông đồ của những người nô lệ.” Đang lúc học hành để trở nên một tu sĩ dòng Tên, Phêrô Clave cảm thấy có một khao khát mãnh liệt muốn tới vùng đất Nam Mỹ để truyền giáo. Và thánh nhân đã được gởi tới hải cảng Cáctagiêna, nay là Côlômbia. Ở đó, có những chiếc thuyền lớn chất đầy nô lệ từ Phi châu sang để rao bán.

Phêrô Clave cảm thấy rất thương khi nhìn thấy cảnh những người nghèo khổ và bệnh nạn đang chen chúc nhau; và thánh nhân đã quyết định giúp đỡ họ bao nhiêu có thể. Vừa lúc có một chiếc tàu chở nô lệ cập bến, Phêrô liền len vào giữa hàng trăm nô lệ đau yếu. Ngài đem cho họ thuốc men và thực phẩm. Ngài dạy họ học biết về Đức Giêsu và rửa tội cho những ai chấp nhận đức tin Công giáo. Phêrô săn sóc những người đau ốm. Đó là công việc với điều kiện rất khắc nghiệt. Ngày kia, một người đồng hành với thánh Phêrô thú nhận rằng không thể đối diện với cảnh tượng đau buồn xé ruột ấy nữa. Tuy nhiên, Phêrô đã thực hiện công việc này ròng rã 40 năm. Thánh nhân đã rửa tội cho khoảng 300000 người. Ngài luôn có mặt ở đó mỗi khi có tàu bè cập bến. Phêrô Clave đã chăm sóc và yêu thương những người bị xã hội đối xử cách bất công và tàn tệ.

Mặc dù các chủ nô ra sức ngăn cản nhưng cha Clave vẫn cứ dạy đạo cho các nô lệ bằng bất cứ cách nào. Thật là công việc nhàm chán và mất thời giờ! Nhiều người đã phê bình cha Clave như thế. Họ nghĩ rằng các nô lệ sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu và giữ nổi đức tin. Nhưng thánh Phêrô Clave vẫn một lòng tỏ ra nhẫn nại và tin tưởng Thiên Chúa sẽ chúc lành cho các bổn đạo của ngài. Cha Clave cũng đến thăm các tân tòng sau khi họ rời hải cảng Cáctagiêna và đang ở trong các trại nô lệ. Ngài muốn chứng kiến tận mắt xem các nô lệ được đối xử thế nào và điều kiện sinh sống của họ ra sao. Cha Clave cũng luôn nhắc nhớ các chủ nô hãy quan tâm tới phần hồn của các nô lệ và chính họ hãy gắng trở nên những Kitô hữu ngày một tốt hơn.

Suốt bốn năm cuối đời, cha Clave bị đau nặng đến nỗi phải ở lại trong căn phòng của ngài. Cha thậm chí không thể dâng thánh lễ được nữa. Hầu như mọi người đã lãng quên cha! Nhưng cha Clave không bao giờ phàn nàn. Rồi đột nhiên, khi biết tin cha Clave qua đời ngày mùng 8 tháng Chín năm 1654, hầu như cả thành phố đã thức dậy. Họ nhận thấy họ đã mất đi một vị thánh. Và cha Phêrô Clave được mọi người nhớ mãi. Đến năm 1888, đức thánh cha Lêô XIII đã tôn phong cha Phêrô Clave lên bậc hiển thánh.

Thành kiến với người khác vì sắc tộc, tôn giáo, giới tính, văn hóa hay gốc gác là xúc phạm tới Thiên Chúa, người Cha nhân lành của hết thảy mọi người. Chúng ta hãy nài xin thánh Phêrô Clave giúp chúng ta biết yêu thương mọi người như con cái của Chúa. Chúng ta cũng hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta dẹp bỏ bất cứ loại thành kiến nào đang tồn đọng trong trái tim của mình.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62977


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 08 Tháng 9:
LỄ SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA

0908_BirthOfMary.jpg


Giáo Hội mừng kính ngày sinh nhật Ðức Maria từ thế kỷ thứ sáu. Ngày sinh nhật được chọn trong tháng Chín vì Giáo Hội Ðông Phương bắt đầu niên lịch phụng vụ từ tháng Chín. Ngày mùng tám là vì lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày 8 tháng Mười Hai (chín tháng trước).

Kinh Thánh không đề cập gì đến việc sinh hạ Ðức Maria. Tuy nhiên, bản văn mà người ta cho là phúc âm nguyên thủy của Thánh Giacôbê có đề cập đến sự kiện này. Bản văn này không có giá trị lịch sử, nhưng nó cho thấy quá trình sùng đạo của Kitô Hữu. Theo bản văn, bà Anna và ông Gioankim vì hiếm muộn nên cầu xin cho được một đứa con. Họ được hứa cho một người con mà trẻ này sẽ giúp hình thành kế hoạch cứu chuộc trần gian của Thiên Chúa. Câu truyện trên (cũng như nhiều câu truyện khác trong phúc âm) cho thấy sự hiện diện quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời Ðức Maria ngay từ đầu.

Thánh Augustine nối kết việc sinh hạ của Ðức Maria với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Thánh nhân nói trái đất hãy vui mừng và bừng sáng vì việc sinh hạ Ðức Maria. "Ngài là bông hoa trong cánh đồng mà từ đó đã nẩy sinh hoa huệ quý nhất vùng châu thổ. Qua sự sinh hạ của ngài, bản chất mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đã thay đổi."

Lời Bàn: Chúng ta có thể xem việc sinh hạ của mỗi một người là lời mời gọi đem hy vọng đến cho thế gian. Qua tình yêu, hai cha mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong công việc sáng tạo. Họ có thể đem lại hy vọng cho một thế giới lao nhọc. Vì mỗi một đứa con đều có thể trở nên máng chuyển tình yêu và bình an của Thiên Chúa đến cho thế giới.

Ðiều này thật đúng với Ðức Maria. Nếu Ðức Giêsu là sự biểu lộ tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa thì Ðức Maria là điềm báo của tình yêu ấy. Nếu Ðức Giêsu đã hoàn tất công trình cứu chuộc thì Ðức Maria là bình minh hé mở của công trình ấy.

Việc mừng sinh nhật đem lại niềm vui cho chính cá nhân cũng như gia đình, bạn hữu. Ngoài việc giáng trần của Ðức Giêsu, việc sinh hạ Ðức Maria đã đem lại niềm vui lớn lao nhất cho nhân trần. Mỗi khi chúng ta cử mừng sinh nhật của ngài, chúng ta có thể hy vọng chắc chắn là sự bình an trong tâm hồn chúng ta và trong thế giới sẽ gia tăng.

Lời Trích: "Ngày hôm nay bà Anna hiếm muộn vỗ tay reo mừng, trái đất bừng sáng, các vua hát mừng, các tư tế hân hoan chúc lành, toàn thể vũ trụ vui mừng, vì ngài là hoàng hậu và là nàng dâu tinh khiết của Chúa Cha đã nẩy sinh từ gốc Jesse" (phỏng theo Kinh Nhật Tụng của Ðông Phương).

+++++++++++++++

Chúng ta ít khi mừng lễ sinh nhật của các thánh. Thay vào đó, chúng ta lại mừng kỷ niệm ngày các ngài qua đời, vì đó là ngày mỗi vị được sinh vào trong vinh quang thiên quốc. Nhưng lễ sinh nhật của Đức Maria, Mẹ chúng ta, là một dịp ngoại lệ. Chúng ta mừng ngày sinh của Mẹ vì Mẹ đến thế gian này mang theo đầy tràn ân sủng và vì Mẹ chính là Mẹ của Đức Chúa Giêsu.

Lễ sinh nhật của Mẹ ví tựa như bình minh vậy. Khi bầu trời bắt đầu ửng hồng vào mỗi buổi sáng, chúng ta nhận thấy chẳng mấy chốc mặt trời sẽ ló rạng. Tương tự như thế, ngày Đức Maria chào đời đã đem lại cho nhân loại chúng ta một nguồn vui lớn. Ngày sinh của Mẹ mang ý nghĩa là Đức Giêsu, Đấng là Mặt Trời Công Chính, sẽ bắt đầu xuất hiện. Mẹ Maria là người nữ diệu kỳ được đặc ân đem Đức Chúa Giêsu đến cho nhân loại.

Cho tới nay, nếu chúng ta có Đức Maria, chúng ta ắt hẳn sẽ có Đức Chúa Giêsu. Lý do là vì Đức Mẹ luôn luôn mang theo mình Đức Chúa Giêsu Con yêu dấu của Mẹ. Khi chúng ta chạy đến với Mẹ, Mẹ sẽ dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Giêsu. Ai sống mật thiết với Mẹ, thì cũng sẽ sống mật thiết với Thánh Tâm Con Chí Thánh Mẹ.

Chúng ta hãy làm cho ngày sinh của Mẹ Maria hôm nay trở nên một ngày thật đặc biệt bằng cách năng đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
Last Edit: 6 years 6 months ago by Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X).
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62975


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 07 Tháng 9:
CHÂN PHƯỚC FREDERICK OZAMAN (1813 -1853)

0907_BlFredericOzanam.jpg


Vì tin tưởng ở giá trị vô cùng của mỗi một con người, Frederick đã phục vụ người nghèo ở Balê và đã lôi cuốn những người khác phục vụ người nghèo trên thế giới. Qua tổ chức St. Vincent de Paul, công việc của Chân Phước Frederick còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Frederick là con thứ năm trong 14 người con của ông bà Jean và Marie Ozanam, và là một trong ba người còn sống cho đến tuổi trưởng thành. Khi là thiếu niên, anh nghi ngờ tôn giáo của mình. Việc đọc sách thánh và cầu nguyện dường như không giúp ích gì, nhưng sau những lần thảo luận với Cha Noirot của Ðại Học Lyons đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Frederick muốn học về văn chương, mặc dù cha anh, một bác sĩ, muốn anh trở thành một luật sư. Frederick vâng theo ý cha và năm 1831 anh đến Balê học luật tại đại học Sorbonne. Khi một vài giáo sư chế nhạo giáo huấn Công Giáo trong các bài giảng, Frederick lên tiếng bảo vệ Giáo Hội.

Một câu lạc bộ về biện luận do Frederick thành lập đã thay đổi hướng đi cuộc đời anh. Trong câu lạc bộ này, người Công Giáo, người vô thần và người chủ trương bất-khả-tri tranh luận về những vấn đề xảy ra hàng ngày. Có một lần, sau khi Frederick nói về vai trò của Kitô Giáo trong nền văn minh, một hội viên lên tiếng: "Này ông Ozanam, chúng ta hãy thành thật với nhau và hãy thiết thực. Tôi hỏi ông, ngoài việc thảo luận ông còn làm gì để chứng tỏ đức tin của ông?"

Frederick đau điếng bởi câu hỏi ấy. Sau đó anh quyết tâm rằng lời nói phải đi đôi với hành động. Và cùng với một người bạn, anh đến thăm những người nghèo ở chung cư Balê và giúp đỡ bất cứ gì họ có thể. Không bao lâu một nhóm người thiện chí nhằm giúp đỡ những ai có nhu cầu được thành lập dưới sự bảo trợ của tổ chức St. Vincent de Paul do Frederick đứng đầu.

Nghĩ rằng đức tin Công Giáo cần phải được một nhà thuyết giảng nổi tiếng giải thích các giáo huấn, Frederick nài nỉ Ðức Tổng Giám Mục Balê chỉ định Cha Lacordaire, nhà thuyết giảng đại tài của Pháp thời ấy, đến giảng trong Tuần Thánh ở Vương Cung Thánh Ðường Notre Dame. Người ta tham dự rất đông và từ đó trở đi đã trở thành một truyền thống hàng năm ở Balê.

Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne, Frederick dạy luật tại Ðại Học Lyons. Ngài cũng đậu bằng tiến sĩ văn chương. Sau đó, vào ngày 23-6-1841, ngài kết hôn với Amelie Soulacroix, và trở về Sorbonne dạy văn chương. Là một giảng viên đáng kính nể, Frederick đã đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Trong khi đó, tổ chức St. Vincent de Paul lan tràn khắp Âu Châu. Riêng ở Balê có tới 25 chi nhánh.

Vào năm 1846, Frederick, Amelie và cô con gái Marie đến nước Ý; ở đây Frederick hy vọng sẽ phục hồi sức khỏe yếu kém của mình. Và họ đã trở lại Ý vào năm sau đó. Cuộc cách mạng 1848 đã khiến nhiều người ở Balê cần đến sự giúp đỡ của tổ chức St. Vincent de Paul. Số người thất nghiệp lên đến 275,000. Chính phủ yêu cầu Frederick và các cộng tác viên của ngài trông coi tổ chức giúp đỡ người nghèo của chính phủ. Các hội viên St. Vincent de Paul ở khắp Âu Châu tuốn đến Balê để giúp đỡ.

Sau đó Frederick thành lập tờ báo Thời Ðại Mới để bảo vệ sự công chính cho người nghèo và giới lao động. Nhiều người Công Giáo không vui với những bài viết của Frederick. Cho rằng người nghèo là "tư tế của dân tộc," Frederick nói rằng sự đói khát và mồ hôi của người nghèo tạo thành một hy lễ có thể đền bù tội lỗi nhân loại.

Vào năm 1852, sức khỏe yếu kém buộc Frederick phải trở về Ý với vợ và cô con gái. Ngài từ trần ngày 8-9-1853. Trong tang lễ của Frederick, Cha Lacordaire mô tả ngài như "một trong những tạo vật được đặc ân trực tiếp xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa, mà trong con người ấy Thiên Chúa đã nối kết sự nhạy cảm với kỳ tài để khích động thế giới."

Frederick được phong chân phước năm 1997. Vì ngài có viết một tuyệt tác nhan đề Thơ Thánh Phanxicô Trong Thế Kỷ 13, và vì cảm nhận của ngài về phẩm giá của người nghèo rất gần với tư tưởng của Thánh Phanxicô, nên thật thích hợp để coi ngài là một trong những "vĩ nhân" của dòng Phanxicô.

Lời Bàn: "Ai chế nhạo người nghèo là xúc phạm đến Thiên Chúa" (Cách Ngôn 17:5). Frederick Ozanam không bao giờ coi thường người nghèo trong bất cứ sự phục vụ nào mà ngài có thể thi hành. Ðối với ngài, mỗi một người, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều thật đáng quý. Sự phục vụ người nghèo đã dạy cho Frederick những điều về Thiên Chúa mà ngài không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác.

Lời Trích: Giáo sư Bailly, giám đốc linh hướng cho chi nhánh đầu tiên của tổ chức St. Vincent de Paul, nói với Frederick và các cộng sự viên về đức ái, "Cũng như Thánh Vinh Sơn, các bạn cũng sẽ nhận ra rằng người nghèo giúp các bạn nhiều hơn là các bạn giúp họ."



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62972


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 06 Tháng 9:
CHÂN PHƯỚC CLAUDIO GRANZOTTO (1900-1947)

0906_BlClaudioGranzotto.jpg


Sinh ở Santa Lucia del Piave gần Venice, nước Ý, Claudio là con út trong gia đình chín người con và họ quen với công việc đồng áng thật vất vả. Năm lên chín anh mồ côi cha. Sáu năm sau, anh bị động viên vào quân đội Ý, là nơi anh phục vụ trong ba năm.

Vì có tài trong lãnh vực nghệ thuật, nhất là điêu khắc, nên anh theo học tại Viện Nghệ Thuật Venice và tốt nghiệp năm 1929 với điểm cao nhất lớp. Sau đó, anh đặc biệt lưu ý đến nghệ thuật tôn giáo. Khi Claudio gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn vào bốn năm sau đó, cha sở của anh viết thư giới thiệu, "Nhà dòng không chỉ tiếp nhận một nghệ nhân mà còn là một vị thánh." Sự cầu nguyện, yêu thương người nghèo cũng như say mê nghệ thuật là đặc điểm cuộc đời Claudio, nhưng tiếc thay cuộc đời ấy không kéo dài được lâu vì bệnh ung thư não. Ngài từ trần vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và được phong chân phước năm 1994.

Lời Bàn: Claudio đã phát triển được tài điêu khắc tuyệt vời đến độ các tác phẩm của ngài vẫn còn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Không xa lạ gì với các nghịch cảnh, ngài đã can đảm đối phó mọi trở ngại, phản ánh sự độ lượng, đức tin và niềm vui mà ngài học được từ Thánh Phanxicô Assisi.

Lời Trích: Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Claudio đã dùng tài điêu khắc "như một khí cụ đặc biệt" trong đời sống tông đồ và để phúc âm hóa. "Sự thánh thiện của ngài đặc biệt toả sáng khi chấp nhận đau khổ và cái chết để hiệp thông với Thập Giá Ðức Kitô. Do đó, bởi hiến thân hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa, ngài trở nên gương mẫu cho các tu sĩ, nghệ sĩ trong việc tìm kiếm sự mỹ miều của Thiên Chúa, và gương mẫu cho người đau yếu qua lòng sùng kính Thánh Giá của ngài" (L'Observatore Romano, Tập 47, Số 1, 1994)


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62970


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 05 Tháng 9:
THÁNH TÊRÊSA CALCUTTA

0905_StTeresaCalcutta.jpg


Mẹ Têrêsa Calcutta, người phụ nữ nhỏ bé được cả thế giới biết đến vì công việc bác ái cho những người nghèo nhất trong những người nghèo, được phong chân phước ngày 19 tháng Mười, 2003. Trong những người hiện diện hôm đó là hàng trăm nam nữ tu sĩ dòng Bác Ái Truyền Giáo, mà người đã thành lập năm 1950 như một tu hội của giáo phận. Ngày nay tu hội ấy còn bao gồm các nam nữ tu sĩ chiêm niệm và các linh mục dòng.

Trong buổi lễ phong chân phước, bằng một giọng nói khó khăn và yếu ớt, khi cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên xưng mẹ là chân phước, cả một làn sóng hoan hô vang dội của khoảng 300,000 người ở Quảng Trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, được đọc bởi người phụ tá, Đức Thánh Cha đã gọi Mẹ Têrêsa là “một trong những nhân vật quan trọng của thời đại chúng ta” và “một hình ảnh của Người Samaritan Tốt Lành.” Đức giáo hoàng nói, cuộc đời của mẹ là sự “tuyên xưng can đảm về phúc âm.”

Sự phong chân phước của Mẹ Têrêsa, chỉ sau sáu năm khi người từ trần, là một phần trong tiến trình được khởi sự bởi cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Cũng như rất nhiều người trên thế giới, cố giáo hoàng nhận ra một gương mẫu cho tất cả mọi người noi theo về tình yêu của mẹ dành cho Thánh Thể, cho sự cầu nguyện và cho người nghèo.

Sinh trong gia đình ở Albani, giờ đây là Skopje, Macedonia, Gonxha (Agnes) Bojaxhiu là người con út còn lại trong gia đình có ba người con. Có lúc, gia đình này sống thật thoải mái khi công việc xây cất của người cha phát đạt. Nhưng sau cái chết của ông, cuộc đời thay đổi thật nhanh chóng.

Trong những năm theo học trường công, Agnes tham dự trong một đoàn thể Công Giáo và rất muốn đi truyền giáo ở nước ngoài. Vào năm 18 tuổi, cô vào dòng Nữ Tu Loreto và Dublin. Chính vào năm 1928, cô từ giã người mẹ lần sau cùng và đi đến phần đất mới với cuộc đời mới. Năm sau đó, cô được gửi đến đệ tử viện Loreto ở Darjeeling, Ấn Độ. Ở đây cô chọn tên Têrêsa và chuẩn bị cho một cuộc đời phục vụ. Cô được sai đến một trường nữ trung học ở Calcutta, ở đây chị dậy sử địa cho các cô con gái nhà giàu. Nhưng chị không thể quên được những thực tại chung quanh chị - người nghèo, sự đau khổ, và vô số người tuyệt vọng.

Năm 1946, trong khi trên chuyến xe lửa đến Darjeeling để tĩnh tâm, Chị Têrêsa nghe được điều mà sau này chị giải thích là “một mời gọi trong một ơn gọi. Thông điệp thật rõ ràng. Tôi phải rời tu viện và giúp người nghèo trong khi sống giữa họ.” Chị còn nghe được một mời gọi khác hãy từ bỏ đời sống với các Nữ Tu Loreto và, thay vào đó, “theo Đức Kitô vào các khu nhà tồi tàn để phục vụ Người đang hiện diện trong người nghèo nhất của người nghèo.”

Sau khi được phép rời Loreto, thiết lập một cộng đoàn tôn giáo mới và đảm nhận công việc mới, chị theo học lớp y tá trong vài tháng. Chị trở về Calcutta, là nơi chị sống trong khu xóm tồi tàn và mở trường dậy trẻ em nghèo. Mặc áo choàng sari mầu trắng và đi dép (là y phục thường ngày của phụ nữ Ấn Độ) không bao lâu chị biết rõ người hàng xóm của chị – nhất là người nghèo và đau yếu – và các nhu cầu của họ qua những lần thăm viếng.

Công việc này vô cùng mệt nhọc, nhưng sự làm việc cô đơn của chị không lâu. Các người tình nguyện đến tiếp tay với công việc của chị, một số là cựu học sinh, họ trở nên nòng cốt cho dòng Bác Ái Truyền Giáo. Những người khác giúp đỡ bằng sự tặng góp thực phẩm, quần áo, đồ dùng, và cho sử dụng cơ sở. Năm 1952, thành phố Calcutta tặng cho Mẹ Têrêsa một ký túc xá cũ, mà nó đã trở nên mái nhà cho những người hấp hối và tuyệt vọng. Khi Dòng phát triển, các dịch vụ cũng được nới rộng cho các cô nhi, trẻ em bị bỏ rơi, người nghiện rượu, người già và sống ở hè phố.

Trong vòng bốn thập niên kế tiếp, Mẹ Têrêsa làm việc liên lỉ cho người nghèo. Tình yêu của mẹ không có biên giới. Sức lực của mẹ cũng vậy, khi người ngang dọc địa cầu để hỗ trợ và mời gọi người khác nhìn thấy diện mạo của Chúa Giêsu trong những người nghèo nhất. Năm 1979, mẹ được giải Nobel Hòa Bình. Vào ngày 5 tháng Chín, 1997, Thiên Chúa đã gọi mẹ về nhà.

ĐTC Phanxicô thông báo lễ phong Hiển Thánh cho Mẹ Têrêsa được cử hành vào chúa nhật ngày 4 tháng 9, 2016 — 1 ngày trước lễ giỗ Mẹ Têrêsa, như một biến cố lớn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62968


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 04 Tháng 9:
THÁNH RÔSA VITÊBÔ

0904_StRoseViterbo.jpg


Thánh nữ Rôsa sinh khoảng năm 1235 tại thành Vitêbô, nước Ý. Rôsa là một thiếu nữ nghèo sống vào thời hoàng đế Phrêđêric đem quân chiếm đoạt đất đai của Giáo hội. Sứ mệnh đặc biệt của Rôsa là làm cho người dân trong thành Vitêbô và các thành lân cận vững tin vào Thiên Chúa và vào Giáo hội. Thánh Rôsa thực hiện sứ vụ này khi mới chỉ là một thiếu nữ. Thật vậy, khi lên tám tuổi, Đức Mẹ đã hiện ra với Rôsa khi Rôsa bị bệnh. Đức Mẹ bảo Rôsa phải nêu gương sáng trong lời nói và việc làm. Dần dần, sức khỏe Rôsa được hồi phục. Thánh nữ bắt đầu suy nghĩ nhiều đến những đau khổ Chúa Giêsu phải chịu vì tội lỗi loài người. Rôsa đã cầu nguyện và làm nhiều việc hãm mình để tỏ lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu.

Lúc lên 12 tuổi, thánh nữ Rôsa bắt đầu rao giảng tại các ngả đường thành Vitêbô. Thánh nữ kêu gọi mọi người đứng lên chống lại hoàng đế vì ông đã chiếm đất của Giáo hội. Nhiều người nghe theo Rôsa và điều này đã khiến cho thân phụ Rôsa hoảng sợ. Ông đe sẽ trừng phạt nếu Rôsa không chịu ngưng rao giảng. Nhưng Rôsa đã dịu dàng trả lời thân phụ rằng: “Nếu Đức Chúa Giêsu đã chịu khổ vì con, con cũng sẽ chấp nhận chịu khổ vì Người. Con chỉ muốn thực hiện điều Thiên Chúa nói với con và con phải vâng theo lời Người!”

Suốt hai năm sau, thánh nữ Rôsa vẫn tiếp tục rao giảng và ngài đã thành công đến nỗi các kẻ thù của đức thánh cha muốn tìm sát hại ngài. Cuối cùng, Rôsa và song thân phải rời khỏi thành Vitêbô. Thánh nữ tiên báo hoàng đế sẽ chết; và vài ngày sau đã xảy ra như vậy. Trở về Vitêbô, Rôsa đã xin vào dòng tu nhưng không được chấp nhận; vì vậy, thánh nữ phải về lại gia đình. Rôsa Vitêbô qua đời năm 1252, lúc mới 17 cái xuân xanh. Xác thánh nữ Rôsa hiện vẫn được lưu giữ và tôn kính tại thành Vitêbô.

Tuy cuộc sống ngắn ngủi nhưng thánh nữ Rôsa Vitêbô vẫn làm được nhiều công việc tốt. Điều gì biết là đúng thì thánh nữ quyết tâm làm dù phải gặp khó khăn hay phải thiệt vào thân. Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Rôsa Vitêbô giúp chúng ta có được can đảm và sức mạnh như ngài.



“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62963


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 03 Tháng 9:
THÁNH GRÊGRÔRIÔ CẢ

0903_StGregoryTheGreat.jpg


Thánh Grêgôriô cả sinh năm 540 tại thành Rôma. Thân phụ ngài là thượng nghị sĩ Rôma và thân mẫu ngài là thánh nữ Xêlia. Grêgôriô học triết, và đang khi còn rất trẻ, ngài đã được trao cho chức vụ quận trưởng thành Rôma. Lúc thân phụ qua đời, Grêgôriô đã biến căn nhà to lớn của ngài thành một tu viện. Suốt nhiều năm Grêgôriô đã sống như một ẩn sĩ tốt lành và thánh thiện. Sau đó, đức thánh cha Pêlagiô II đã đặt ngài làm một trong bảy thầy phó tế của Rôma. Khi đức thánh cha qua đời, Grêgôriô được chọn lên thay thế địa vị của ngài. Grêgôriô thật lòng không muốn nhận vinh dự này chút nào. Tuy nhiên, ngài quá thánh thiện và khôn ngoan đến nỗi mọi người đều nghĩ rằng Grêgôriô chắc chắn sẽ là một giáo hoàng tốt.

Thánh Grêgôriô cả đã cai trị Giáo hội suốt mười bốn năm. Thánh nhân là một trong những vị giáo hoàng vĩ đại nhất của Giáo hội Công giáo. Thánh Grêgôriô là nhà giảng thuyết lừng danh và ngài cũng viết rất nhiều tác phẩm. Ngài chăm lo cho mọi người trên khắp cả thế giới. Thật ra, thánh Grêgôriô đã tự coi mình chỉ là tôi tớ của mọi người. Thánh nhân là vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng tước hiệu “tôi tớ của các tôi tớ Chúa.” Và từ đó về sau, mọi giáo hoàng đều đã sử dụng danh xưng này.

Thánh Grêgôriô cả có lòng yêu thương và quan tâm đặc biệt đến những người nghèo khổ và những người vô gia cư. Trong suốt nạn đói, thánh nhân đã nuôi sống rất nhiều người nghèo. Ngài đã phục hồi thành Rôma, trước đó bị những trận động đất và những cuộc xâm lăng tàn phá. Ngài cũng nhạy cảm trước những bất công mà con người phải gánh chịu. Người ta nói rằng khi còn là tu sĩ, Grêgôriô nhìn thấy mấy em bé đang bị rao bán tại chợ nô lệ Rôma, thánh nhân đã tiến lại hỏi thăm và được biết các em đến từ Anh quốc. Grêgôriô cảm thấy lòng mình trào lên một niềm khao khát mãnh liệt muốn đem tình yêu Chúa Giêsu đến cho những người dân ngoại đang sống tại vùng đất này. Khi lên ngôi giáo hoàng, một trong các công việc đầu tiên Grêgôriô cả làm là gởi các tu sĩ xuất sắc tới rao giảng về Chúa Kitô cho những người dân thuộc Anh quốc.

Những năm cuối đời của vị giáo hoàng thánh thiện này đã trải qua rất nhiều đau khổ; tuy vậy, thánh Grêgôriô cả vẫn tiếp tục công việc phục vụ Giáo hội cho tới khi về trời. Thánh nhân qua đời ngày 12 tháng Ba năm 604.

Mỗi sáng, chúng ta hãy quyết tâm trong ngày hôm nay tôi phải làm được ít nhất một việc tốt lành nào đó. Rồi, chúng ta hãy noi gương thánh Grêgôriô cả tâm niệm rằng sự vĩ đại chính thực hệ ở chỗ yêu thương phục vụ tha nhân vì lòng mến Chúa Kitô.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62960


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 02 Tháng 9:
CHÂN PHƯỚC GIOAN PHANXICÔ BURTÉ VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

0902_BlJohnFrancisBurteAndCompanians.jpg


Chân phước Gioan Phanxicô Burté là tổng giám mục giáo phận Arles, nước Pháp. Gioan và các bạn tử đạo của ngài được mừng kính hôm nay bởi vì các ngài đã anh dũng tử đạo trong suốt cuộc cách mạng Pháp.

Sự kiện là người ta bị ép buộc phải tuyên thệ giữ bản Hiến chương 1790, bản Hiến chương này có nội dung chống lại Giáo hội. Nếu ai không tuyên thệ thì sẽ bị tống ngục. Vào năm 1792, hình phạt được chuyển thành án tử hình. Có nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân đã can đảm không ký vào bản tuyên thệ ủng hộ Hiến luật mới này. Và các ngài biết rằng làm như thế thì sẽ bị xử trảm. Đức thánh cha Piô VI đã ủng hộ các ngài và lên án bản Hiến luật. Đó là thời kỳ đau buồn nhất đối với người dân Pháp.

Vào ngày mùng 2 tháng Chín năm 1792, một đám đông gồm hàng trăm người đã bạo loạn và đột nhập vào một tu viện cổ, hiện là nhà giam các linh mục và tu sĩ. Đám đông hỗn loạn đã xông tới nhiều linh mục và bắt các ngài phải ký vào bản tuyên thệ. Từng linh mục đã kiên quyết từ chối. Lập tức, các ngài bị giết chết.

Trong số các vị tử đạo có chân phước Alexandre Lenphan, một linh mục thuộc dòng Tên. Chỉ vài phút trước khi qua đời, Alexandre đã giải tội cho một linh mục bạn. Lát sau, cả hai đều bị giết chết. Sau đó, những kẻ bạo loạn đi tới nhà thờ Cátminh, sau này cũng được dùng làm nhà tù. Chân phước Gioan tổng giám mục thành Arles cùng với các giám mục và linh mục khác đang bị giam tại đó. Tất cả đều từ chối tuyên thệ và tất cả đều bị sát hại. Vào ngày mùng 3 tháng Chín, cũng đám đông hỗn tạp ấy kéo nhau tới nhà dòng Lazarít. Nơi đây cũng bị biến thành nhà tù, gồm có 90 linh mục và các thầy dòng. Chỉ có bốn người thoát nạn được thôi!

Tính tới lúc cuộc cách mạng kinh khủng chấm dứt, đã có 1500 Kitô hữu bị giết hại. Nhiều vị là giám mục, linh mục và tu sĩ. Các vị tử đạo tháng Chín, mà chúng ta mừng kính hôm nay, có 191 vị. Các ngài được đức thánh cha Piô XI phong chân phước năm 1926.

Chúng ta hãy nài xin các vị tử đạo hôm nay giúp chúng ta hiểu biết và trân trọng ân huệ rất quý giá là đức tin Công giáo. Chúng ta đừng bao giờ tỏ ra xơ cứng với hồng ân này.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

GƯƠNG THÁNH NHÂN — Tháng 9 6 years 6 months ago #62958


  • Posts:847 Thank you received: 903
  • “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)'s Avatar
  • Nguyễn Duy-An (T.H. Piô X)
  • Administrator
  • OFFLINE

Ngày 01 Tháng 9:
THÁNH GILÊ

0901_StGiles.jpg


Thánh Gilê sinh vào thế kỷ thứ 8 tại thành phố Athen, nước Hy Lạp. Khi song thân qua đời, Gilê đã dùng phần lớn tài sản cha mẹ để lại mà đem cho người nghèo. Vì lý do đó, và nhất là vì làm nhiều phép lạ, Gilê rất được ngưỡng mộ. Nhưng Gilê lại không muốn những lời khen ngợi và tiếng tăm này. Do vậy, để có thể phục vụ Thiên Chúa với cuộc đời mai danh ẩn tích, Gilê đã rời bỏ quê hương và trẩy tàu sang Pháp.

Khi qua Pháp, Gilê tới sống một mình trong một khu rừng u ám. Ngài làm nhà trong một cái hang thô phía sau bụi gai rậm. Gilê sống ở đó và cảm thấy mãn nguyện, tránh được mối nguy hiểm tự cao tự đại khi nghe người ta khen lao mình. Nhưng một ngày kia, bỗng có ông vua lạ và đoàn tuỳ tùng của ông vào rừng săn bắn. Họ đuổi theo một con nai đang chạy về phía cái hang của Gilê. Con nai trốn thoát bằng cách phóng vào trong hang, cái hang nằm đàng sau bụi gai rậm rạp. Và một người trong đoàn đã bắn một mũi tên vào bụi gai, hy vọng giết được con nai. Nhưng khi cả đoàn người lao vào, họ mới phát hiện ra Gilê đang ngồi trong hang và bị thương bởi mũi tên.

“Ngươi là ai và đang làm gì ở đây vậy?” Nhà vua lên tiếng hỏi. Thánh Gilê liền thuật lại cho họ nghe toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của ngài. Nghe xong họ liền xin lỗi Gilê. Rồi nhà vua đã sai các danh y của mình tới băng bó vết thương cho Gilê. Về sau, với lòng kính trọng, nhà vua đã tới thăm Gilê nhiều lần dù thánh nhân đã nài xin được sống thanh vắng một mình. Gilê không nhận quà biếu của vua bao giờ. Tuy nhiên, sau cùng Gilê đã bằng lòng để nhà vua xây cất một tu viện lớn tại đó. Và thánh Gilê là tu viện trưởng đầu tiên của tu viện này.

Tu viện đã trở nên nổi danh đến nỗi về sau cả một thị trấn đã được hình thành tại đây. Khi thánh Gilê qua đời, ngôi mộ an táng ngài nơi tu viện đã biến thành một ngôi đền danh tiếng và là nơi hành hương cho nhiều du khách.

Thánh Gilê nhận thức rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực. Khi nào cảm thấy cái tôi của mình là hòn đảo, là trung tâm, khi ấy chúng ta hãy dâng lên thánh Gilê một lời nguyện. Thánh nhân sẽ giúp chúng ta biết cách đặt Thiên Chúa làm trung tâm cuộc đời và biết sống quảng đại với quỹ thời gian của mình.


“Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Gioan 3, 30)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012