Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Phaolô Biến Đổi Cuộc Đời - Rao Giảng Đức Kitô _BÀI SỐ 2

Phaolô Biến Đổi Cuộc Đời - Rao Giảng Đức Kitô _BÀI SỐ 2 12 years 3 months ago #618


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
:musicband :boat

Phaolô Biến Đổi Cuộc Đời - Rao Giảng Đức Kitô

Bài 2: BIẾN CỐ ĐAMÁT

Nếu chú ý tìm hiểu kỹ một số chi tiết trong các bài tường thuật của Sách Công vụ, chúng ta sẽ hiểu thêm nhiều điều rất sâu sắc về biến cố Đamát.

A. Động cơ khiến Phaolô đi Đamát
Cv 26,12 ghi lời Phaolô kể rằng "Sau khi được các Thượng tế trao quyền và ủy nhiệm, tôi lên đường đi Đamát". Thực ra, theo Chantal Reynier (Pour Lire Saint Paul, nxb Cerf, Paris 2008), chưa chắc là các Thượng tế ở Giêrusalem có quyền đến tận Đamát là thủ đô nước Syria, nơi ấy thời đó chỉ có uy quyền duy nhất của đế quốc Rôma đô hộ.

Việc các Thượng tế vượt quá quyền hạn của mình như thế chứng tỏ họ rất muốn tiêu diệt các tín hữu của Đức Kitô. Và việc Phaolô tích cực thực hiện ý định của các Thượng tế cũng cho thấy Phaolô thù ghét các tín hữu Đức Kitô đến mức nào.
Hoàn cảnh chính trị thời đó cũng phức tạp: Từ năm 30 đến năm 34, Thành phố Đamát là trung tâm của những xung đột giữa phe Hêrôđê và phe Nabatê. Đến Đamát là đi vào chốn nguy hiểm. Nhưng Phaolô cũng bất chấp. Như thế động cơ khiến Phaolô lên đường đi Đamát cũng là sự thù ghét rất mạnh mẽ đối với các tín hữu Đức Kitô.

Tuy nhiên, dựa vào tác phong và cách sống quen có của Phaolô, ta biết ông không phải là một kẻ tiểu nhân. Do đó cho dù việc ông đi lùng bắt các tín hữu Đức Kitô là do thù ghét, nhưng sự thù ghét này không phải vì những lý do thấp hèn, chẳng hạn như lòng đố kỵ hay sợ mất ảnh hưởng. Đó là sự thù ghét vì ý ngay lành vì Phaolô xác tín rằng những tín hữu ấy đang lầm lạc và nếu cứ để họ phát triển thì sẽ tác hại lớn lao đến niềm tin Do thái giáo.

B. Ngã xuống đất

1. Thị kiến mà Phaolô thấy trên đường Đamát không phải là một ảo giác của Phaolô, cũng không phải là một "huyền thoại" mà tác giả sách Công vụ mượn để diễn tả ý tưởng thần học của mình. Đó là một sự thật đã xảy ra. Bằng chứng là cuộc đời Phaolô đã hoàn toàn thay đổi sau biến cố ấy.

2. Có một chi tiết cần làm sáng tỏ: Ngày nay khi thuật lại biến cố này, người ta thường kể rằng Phaolô bị té từ trên ngựa xuống đất. Nhiều bức họa cũng vẽ cảnh Phaolô té xuống từ trên lưng ngựa. Tuy nhiên không có bằng chứng gì chính xác:
• Thời đó người ta ít cỡi ngựa. Chỉ những chiến binh ra trận mới dùng ngựa mà thôi.
• Trong 3 bài tường thuật trong sách Công vụ, không bài nào nói Phaolô té từ ngựa xuống. Cv 9,4 và 22,7 chỉ kể "Ông ngã xuống đất"; còn Cv 26,14 thì ghi lời của chính Phaolô "Tất cả chúng tôi đều ngã xuống đất và tôi nghe có tiếng nói với tôi".

• Chúng ta không biết lúc ấy Phaolô đang cỡi lừa, đi xe hay đi bộ. Chỉ biết là ông đã bị quật ngã xuống đất. Ngã xuống đất là bị buộc phải đổi tư thế, đổi tác phong và đổi cả suy nghĩ:
• Từ tư thế hiên ngang của người cỡi lừa, đi xe hoặc đi thẳng, Phaolô bị quật xuống tư thế thấp hèn nằm trên mặt đất.
• Từ tác phong của kẻ cho rằng mình đang nắm chân lý và đang đi trừng phạt những kẻ sai lầm, Phaolô bị buộc phải từ bỏ thành kiến ấy.
• Từ suy nghĩ cho rằng mình là người đạo đức, có nhiều công đức và đang làm một việc công đức to lớn nữa là lùng bắt các Kitô hữu, Phaolô bỗng thấy hụt hẫng vì mất tất cả.

C. Mù và lại sáng mắt
Cv 9,3 kể: "Đang khi ông đi đường và đến gần Đamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông"
Luồng ánh sáng chọi lọi ấy trước tiên khiến Phaolô bị mù (Cv 9.8: "Ông Saolô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Đamát")
Phaolô bị mù, nghĩa là ông không thấy gì nữa với cặp mắt, với cái nhìn và với suy nghĩ cũ của ông.
Sau khi vào thành Đamát và được Khanania đặt tay lên đầu. "Lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saolô, và ông lại thấy được" (Cv 9,18). Phaolô mở mắt lại. Mở mắt lại, Phaolô đã nhìn mọi sự một cách khác hẳn.

Phải nhớ bối cảnh biến cố Đamát thì mới hiểu hết ý nghĩa những lời Phaolô nói sau này. Như: "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô. Vì Người , tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người" (Pl 3,8-9)
"Tất cả mọi sự" mà trước đó Phaolô coi là "mối lợi" nhưng sau đó ông lại "coi như rác" và còn là "thiệt thòi" nữa là gì? Thưa cụ thể là Luật và những việc đạo đức theo Luật.
• Trước biến cố đó, Phaolô đã dành hết tâm huyết để sống theo Luật: Ông học Luật, ông hết sức tuân thủ những điều Luật dạy, ông có bắt bớ các tín hữu Đức Kitô thì cũng vì muốn bảo vệ Luật. Ông đã tưởng rằng càng nhiệt thành với Luật thì ông càng có nhiều công đức, và "mối lợi" của ông càng to lớn.
• Nhưng khi gặp được Đức Kitô tỏ mình ra sáng láng trên đường Đamát, ông chợt khám phá ra rằng tất cả những cố gắng của ông trước đây đều là công dã tràng, chẳng có một chút công đức gì (vì quả thực, đối với Chúa, tất cả những gì chúng ta làm được đều không đáng kể. Phaolô sẽ nói điều này trong thư Rôma và Galát). Điều duy nhất có giá trị, điều duy nhất khiến người ta được cứu độ chính là niềm tin vào Đức Giêsu Kitô.

D. Một lẽ sống mới
Đấng uy quyền đã quật ngã Phaolô chính là Chúa Giêsu Kitô. Sau khi quật ngã ông, Đức Kitô ban cho ông một mặc khải: Giêsu đang hiện ra với ông không phải là một tên gian ác bị các Thượng tế dùng Luật Môsê để xử tử, mà là một Đấng sáng láng uy quyền đã được Thiên Chúa cho sống lại.
Trong Pl 3,12, Phaolô thú nhận "Tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt".
Đức Giêsu chẳng những quật ngã Phaolô, chiếm đoạt ông, mà còn trở thành thần tượng cho ông tôn thờ. Trong Pl 2,10, Phaolô viết: "Khi vừa nghe Danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ". Trên đường Đamát, Phaolô đã "bái quỳ" để tôn thờ Danh thánh Giêsu.

Tóm lại, ý nghĩa của biến cố Đamát là gì?

Cuộc gặp gỡ Đức Giêsu trên đường Đamát là một bước ngoặc trong cuộc đời thánh Phaolô:
• Trước tiên, biến cố ấy giúp Phaolô hiểu rằng mình đã lầm: Lầm vì đã quá cậy dựa vào Luật đạo Do thái; lầm vì đã quá tự mãn với những hiểu biết về Luật của mình; lầm vì quá tự hào về những cố gắng sống theo Luật từ trước cho tới lúc ấy. Biến cố ấy vạch trần một sự thật phũ phàng là tất cả những điều ấy đã không làm cho ông trở nên một người công chính như ông tưởng, trái lại chỉ đưa đến một kết quả tai hại là khiến ông thù ghét Đấng Công chính thật là Đức Giêsu và hung hăng bắt bớ các tín hữu của Ngài.
• Khi biết mình lầm, Phaolô không ngại từ bỏ tất cả: "Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô. Vì Người (Đức Kitô), tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người" (Pl 3,8-9)

• Sau khi bỏ tất cả quá khứ, Phaolô tìm cho mình một lẽ sống mới, đó là Đức Giêsu Kitô: Từ đó trở đi, Phaolô hoàn toàn sống theo Đức Kitô, sống vì Đức Kitô, sống trong Đức Kitô, sống cho Đức Kitô:
• "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 2,20)
• "Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi" (2Cr 5,14)
• "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?" (Rm 8:35)
• "Miễn là Đức Kitô được rao giảng" (Pl 1,18)

Vì Đức Kitô ông sẵn sàng từ bỏ tất cả và chịu đựng tất cả:
• "Chúng tôi luôn mang trong thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu" (2Cr 4,10)

BÀI HỌC CHO CHÚNG TA

1. Cần có một lẽ sống
Phaolô là một con người luôn có một lẽ sống. Trong giai đoạn đầu, ông theo một lẽ sống của sai lạc (Luật), trong giai đoạn sau, lẽ sống của ông đúng đắn (Đức Kitô). Nhưng lúc nào ông cũng có lẽ sống để theo. Chính vì có lẽ sống nên lúc nào Phaolô cũng nhiệt tình, lúc nào Phaolô cũng cảm thấy đời mình có ý nghĩa.
Không có lẽ sống, con người sẽ như lục bình trôi, sẽ sống buông thả, chẳng ích lợi gì cho mình mà cũng chẳng ích lợi gì cho người khác. Ngay cả bản thân cũng chẳng thấy đời mình có chút ý nghĩa nào.
Là con người, là thanh niên, và nhất là ứng sinh linh mục, mỗi người chúng ta phải có một lẽ sống như thánh Phaolô. Chính cái lẽ sống ấy hướng dẫn đời mình và động viên mình, khiến cho mình sống và hoạt động hết mình cho bản thân và cho người khác.

2. Giá trị của cuộc sống
Thánh Phaolô rất quan tâm đến điều làm cho cuộc sống và những việc làm của mình có giá trị. Ban đầu ông tưởng điều ấy là Luật nên ông đã hết mình sống theo Luật, và rất hãnh diện về những gì mình đã làm được theo quy định của Luật.
Nhưng biến cố Đamát đã giúp cho Phaolô thấy rõ rằng giá trị của tất cả cách sống và những việc làm ấy đều là giá trị ảo. Giá trị thật duy nhất là niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Nếu không tin vào Đức Kitô thì tất cả đều như cỏ rác, tất cả đều là hư vô.
Có lẽ chúng ta vẫn còn ở giai đoạn đầu của đời thánh Phaolô, Chúng ta vẫn còn sống dựa vào Luật, chúng ta vẫn coi trọng những việc tốt mình làm được. Chúng ta cần phải vượt qua giai đoạn ấy để đến được giai đoạn hai của Phaolô: Tất cả là nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô.

:boat :explode :boat
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 12 years 3 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012