Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Phaolô Biến Đổi Cuộc Đời - Rao Giảng Đức Kitô _BÀI SỐ 3

Phaolô Biến Đổi Cuộc Đời - Rao Giảng Đức Kitô _BÀI SỐ 3 12 years 3 months ago #642


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
:musicband :boat :boat :musicband

Phaolô Biến Đổi Cuộc Đời - Rao Giảng Đức Kitô

BÀI SỐ 3 - TẠI SAO PHAOLÔ SAY MÊ RAO GIẢNG VỀ THẬP GIÁ

st-paul_2012-01-19-2.jpeg


"Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá" (1Cr 2,2). Thánh Phaolô đã tuyên bố như thế với cộng đoàn Côrintô. Quả là một "Tin Mừng" kỳ lạ!

A. Ý nghĩa của thập giá trong nền văn hóa thế kỷ thứ nhất.

1. Đối với người Rôma
Văn hào Cicéron đã viết rằng thập giá là "khổ hình tàn bạo nhất và sỉ nhục nhất dành cho những tên nô lệ" (Cicéron, Bài thứ hai chống Verrès V 163). Sở dĩ Cicéron đã viết như thế là vì một người công dân Rôma dù phạm tội đáng chịu xử tử nhưng cũng không phải xử khổ hình thập giá, vì nó quá đau đớn và nhục nhã. Người ta chỉ dùng hình khổ này cho những tên nô lệ mà thôi với tin tưởng là sự tàn bạo khủng khiếp của nó sẽ khiến dân nô lệ sợ hãi mà không dám nổi loạn nữa.
Sự tàn bạo khủng khiếp của hình phạt này chẳng những do chính những đòn tra tấn dã man (đánh đòn, đóng đinh, treo lên, đập gãy ống chân, đâm vào cạnh sườn...) mà còn gia tăng do tâm lý bệnh hoạn của những tên lý hình cảm thấy thích thú khi hành khổ nạn nhân. Đây là một hình thức "bạo dâm" (chúng đã bắt Đức Giêsu chịu đội mão gai, mặc áo vua, khạc nhổ vào mặt, chế nhạo...)

2. Đối với người Do thái
Sử gia Flavius Josèphe kể lại rằng quân lính Rôma, do lòng thù ghét dân Do thái, đã không ngại đóng đinh bất cứ người do thái nào chống lại họ. Ông viết: "Khi nổi giận hoặc do lòng thù ghét, những tên lính đã mang các tù nhân ra làm trò đùa và đóng đinh họ vào thập giá mỗi người theo một tư thế khác nhau" (Flavius Josèphe, Cuộc chiến tranh Do thái 5, 451). Điều này được chính Sénèque xác nhận: "Tôi nhìn thấy trước mặt tôi nhiều cây thập giá không cùng một kiểu dáng như nhau, nhưng khác nhau tùy ý người dựng chúng lên: có những nạn nhân bị treo ngược đầu xuống đất, những người khác bị đâm cọc xuyên qua đít, những người khác nữa bị đóng đinh vào hai tay giang rộng ra trên cây gỗ..." (Sénèque, Đối thoại 6).
Vì hình khổ này quá khủng khiếp nên người Do thái đã loại nó ra khỏi danh sách những hình phạt. Thậm chí sách Đệ nhị luật còn cho rằng ai bị tử hình thập giá là không bị chính Thiên Chúa nguyền rủa (Đnl 21,29)

B. Sự phi lý của một Đấng Messia bị đóng đinh thập giá.

Khổ hình thập giá vừa tàn bạo, vừa sỉ nhục lại vừa là dấu chỉ bị Thiên Chúa nguyền rủa như thế. Vậy lời rao giảng về một Đấng Messia bị đóng đinh thập giá sẽ gây nên phản ứng gì? Đương nhiên sẽ bị người ta chống đối, nhạo cười và bỏ ngoài tai.
Thế mà Phaolô lại dám rao giảng rằng ông Giêsu bị đóng đinh thập giá trên đồi Golgotha chính là Đấng Messia mà muôn dân trông đợi: "Trong khi người do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh..." (1 Cr 1,22-23a). Chính Phaolô cũng ý thức về sự "phi lý" của điều mình rao giảng. Ngài viết tiếp: "... điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ" (1 Cr,23b).

1. Tại sao người Do thái coi thập giá là ô nhục?
Thứ nhất, khổ hình này rất phi nhân: một con người có nhân phẩm không thể bị giết chết một cách nhục nhã như vậy.

Thứ hai, nó ngược lại mọi hình dung về Đấng Messia. Đấng Messia là người được Thiên Chúa sai đến nên luôn được Thiên Chúa hỗ trợ bằng những dấu chỉ quyền năng, vinh quang và chiến thắng. Vì thế, nói một kẻ bị đóng đinh là Đấng Messia thì đúng là một sự vấp phạm.

Thứ ba, người Do thái coi thập giá là biểu tượng của quyền lực trấn áp của đế quốc Rôma.
Là một người Do thái, hơn nữa còn là một người pharisêu, chắc chắn Phaolô cũng chia sẻ sự ghê tởm thập giá của những đồng bào và đồng phái của mình.
Nhưng tại sao các Thượng tế Do thái lại đòi Philatô phải xử Đức Giêsu chịu đóng đinh thập giá? Ở đây chúng ta thấy được sự thâm độc của họ: họ biết rằng mọi người Do thái đều ghê tởm thập giá, họ cũng biết rằng một số người Do thái còn hy vọng rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia. Vậy khi vận động được với Philatô đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá thì hy vọng kia sẽ lập tức biến thành ảo vọng, và mọi lời tuyên truyền về Đấng Messia Giêsu sẽ lập tức bị câm miệng!

2. Tại sao dân ngoại coi thập giá là điên rồ?
Ngay cả trong đền Pantheon thờ đủ mọi thứ thần linh cũng không có một tượng thần nào bị giết chết một cách nhục nhã như thế. Theo suy nghĩ tự nhiên, đã là thần linh thì đương nhiên phải quyền phép, oai phong và vinh hiển. Thần thánh gì mà bị giết, và giết một cách thê thảm như vậy!
Bởi thế chẳng có gì lạ khi Pline (năm 61-113), vào thế kỷ II, đã coi việc tôn thờ Đức Giêsu trên thập giá là "sự mê tín phi lý cực độ" (Pline, Các thư X, 96,4-8); còn sử gia Tacite (năm 56-120) đã cho rằng sứ điệp của Kitô giáo nên được xếp hàng đầu trong số "những sự mê tín đáng ghét" (Biên niên 15,44.3); và Suétone (năm 70-129) người chuyên viết tiểu sử đã coi sứ điệp ấy chỉ đơn thuần là "một thứ mê tín mới và nguy hiểm" (Néron 16,3).
Tóm lại, rao giảng Đức Giêsu chịu đóng đinh thập giá là Đấng Messia là một điều hoàn toàn không chấp nhận được về tất cả mọi phương diện nhân bản, lý luận, thẩm mỹ và đạo đức...
Thế nhưng tại sao Phaolô lại rao giảng như thế và còn cho rằng đó là một Tin Mừng?

C. Thập giá cho thấy những gì?

Trước khi lên đường đi Đamát, Phaolô cũng ghê tởm thập giá và thù ghét Đức Giêsu chết trên thập giá. Nhưng ánh sáng của biến cố Đamát đã làm cho tất cả những kiểu thấy trước đó của Phaolô thành "mù", sau đó lại làm cho Phaolô "sáng mắt" thấy được những điều ngược lại.

1. Đức Giêsu không phải là kẻ tội lỗi bị Thiên Chúa nguyền rủa
Trước đó, chỉ dựa vào cách hiểu theo nghĩa đen câu sách thánh Đnl 21,23 ("Kẻ bị treo là kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa") mà Phaolô coi Đức Giêsu là một kẻ tội lỗi. Nhưng trong biến cố Đamát, Phaolô lại thấy Đức Giêsu hiện ra vinh quang sáng láng. Đó chính là bằng chứng cho ông hiểu rằng Đức Giêsu không bị Thiên Chúa nguyền rủa, trái lại Ngài là người được Thiên Chúa cho sống lại. Ngài chính là Con yêu dấu của Thiên Chúa.

2. Thập giá là bằng chứng cho thấy tình yêu vô biên của Đức Giêsu.
Đức Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa, nhưng tại sao Ngài chịu đóng đinh thập giá? Phaolô hiểu rằng tất cả chỉ vì tình yêu:

• Trước hết là tình yêu đối với loài người: (1) Vì yêu thương loài người nên Đức Giêsu đã nhập thể chia sẻ thân phận làm người như chúng ta. Chỉ nguyên sự việc nhập thể đã là một dấu chỉ tình yêu hạ mình xuống. Nhưng tình yêu của Đức Giêsu chưa lấy thế làm đủ. Ngài còn hạ mình đến mức tột cùng để chia sẻ thân phận hèn hạ nhất mà con người có thể chịu. Thánh Phaolô viết: "Người đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn" (2 Cr 13,4). Thật vậy, trong cơn hấp hối trước khi đi vào con đường thập giá, Đức Giêsu đã ý thức rõ về "sự vấp phạm" và "sự điên rồ" của Thập giá. Nhưng Ngài đã tự nguyện đón nhận ("Xin vâng ý Cha"). Dù chẳng có tội gì, nhưng Ngài chấp nhận cái chết thập giá để rồi bị coi là "tội nhân" (2 Cr 5,21: "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người"), và bị coi là "đồ bị nguyền rủa" (Gl 3,13: "Vì chúng ta, chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa"). Yêu thương là cho đi, yêu thương là dám mất mát, yêu thương là chấp nhận khổ đau nhục nhã. Càng cho đi nhiều chừng nào, mất mát nhiều chừng nào, nhục nhã nhiều chừng nào thì càng chứng tỏ một tình yêu bao la chừng ấy. Hình ảnh Đức Giêsu trên thập giá cho thấy tình yêu bao la vô bờ bến của Ngài đối với loài người chúng ta.

• Thập giá cũng cho thấy tình yêu của Đức Giêsu đối với Chúa Cha. Yêu thương ai là làm theo ý người đó. Đức Giêsu yêu thương Chúa Cha nên đã vâng lời Chúa Cha, "vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá" (Pl 2,8)

• Thập giá cũng cho thấy tình yêu vô biên của Chúa Cha: Người ta thường có một hình ảnh đáng sợ về Thiên Chúa, một Thiên Chúa công bình, một Thiên Chúa thánh thiện. Công bình và thánh thiện quá đến nỗi không thể chịu được tội lỗi và không thể tha thứ người có tội. Nhưng thập giá đã cho thấy được hình ảnh đích thực của Thiên Chúa: Ngài là tình yêu, Ngài chỉ là tình yêu, nên Ngài sẵn sàng tha thứ tội lỗi và vẫn luôn yêu thương tội nhân. Yêu thương đến nỗi để cho Con Một của mình chịu chết để đền các tội lỗi thay cho các tội nhân. Phaolô còn hiểu rằng cái chết của Đức Giêsu trên thập giá là điều chính Thiên Chúa yêu thương đã định sẵn trong kế hoạch của Ngài: "Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ... Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử... nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi..." (Ep 1,4.5.7)

Quan điểm này của thánh Phaolô cũng giống với quan điểm của Tin Mừng thánh Gioan. Khi sắp chịu chết trên Thập giá, Đức Giêsu đã nói với Chúa Cha: "Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con, dể Con tôn vinh Cha" (Ga 17,1); "Tôn vinh" là làm cho người ta biết sự thật. Thập giá đã mặc khải cho biết sự thật về Tình yêu bao la: Tình yêu của Đức Giêsu đối với loài người, tình yêu của Đức Giêsu đối với Chúa Cha, và tình yêu của Chúa Cha đối với nhân loại tội lỗi.

Những sự thật về tình yêu mà thánh Phaolô thấy được nơi thập giá Đức Giêsu đã khiến ngài nghẹn ngào và biến đổi hoàn toàn cuộc sống của ngài: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2,20).

Và cũng chính vì thế mà thánh Phaolô dốc hết toàn lực để rao giảng về Thập giá cho dù đó là một điều hết sức phi lý đến mức lạ lùng. "Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ" (1 Cr,23) . Thậm chí ngài còn viết: "Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá" (1 Cr 2,2).

ĐỂ KẾT

Trong quyển "Những kẻ khốn cùng" (Les misérables, 1862), văn hào Victor Hugo kể chuyện tên tù vượt ngục Jean Valjean lẻn vào nhà một vị Linh mục định ăn cắp những chân đèn bằng vàng nhưng bị bắt gặp. Vị linh mục ấy chẳng những không tố cáo anh mà còn mời anh ăn tối và tặng luôn cho anh những chiếc chân đèn quý giá đó. Đây là một cuộc gặp gỡ bất ngờ và xúc động. Jean Valjean đã có một cảm nghiệm sâu sắc về lòng nhân ái. Cảm nghiệm ấy đã biến đổi hẳn cuộc đời anh, và từ đó đến chết anh luôn nhớ và sống theo lòng nhân ái.

Cũng tương tự như vậy, Thánh Phaolô đã có một cảm nghiệm không ngờ về Tình yêu của Đức Kitô trên Thập giá. Chính vì vậy, chẳng những đời ngài đã hoàn toàn thay đổi, mà ngài còn hăng say rao giảng về Thập giá Đức Kitô, dẫu biết rằng đó là một sứ điệp lạ kỳ đối với suy nghĩ thường tình của con người.

Lm. Carolo
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 12 years 3 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012