Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: Những truyện đọc không chỉ để giải trí

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 3 years 2 months ago #63963

Chuyện quả lê chín quá

qua-le-1280x628-1.jpg



Cuối thời nhà Thanh, có một tiệm bán mứt lê ở quận Áp Bắc, Thượng Hải kinh doanh rất lớn, đặt tên là Thiên tri đạo (Trời biết rõ). Đối diện với tiệm “Thiên tri đạo” là một tiệm trái cây nhà họ Ô. Sở dĩ tiệm “Thiên tri đạo” này trở nên nổi tiếng, cũng là nhờ cửa tiệm trái cây họ Ô đã tạo cho họ ‘cơ hội’.

Vào năm Quang Tự thứ tám, cửa hàng hoa quả nhà họ Ô có vận chuyển 50 quả lê đi từ Lai Dương, Sơn Đông đến quận Áp Bắc, Thượng Hải.

Vì đi đường dài nên quả lê có bị trầy xước vài chỗ, rồi sau 1 trận mưa thì bắt đầu bị chín quá khi vận chuyển đến nơi. Dù phơi nắng và bóc vỏ thế nào cũng không bán được.

Đối diện cửa hàng nhà họ Ô, có một cửa hàng nhỏ nọ do 2 vợ chồng nghèo làm chủ, hôm ấy đang không có đồ ăn, lại thấy nhiều quả lê chín quá bị vứt đi như vậy, họ liền mừng rỡ nhặt về, gọt vỏ, khoét đi những chỗ bị chín quá vất đi rồi ăn, khi ăn lê thì thấy có vị rất ngọt. Họ bèn nghĩ ra cách là cắt quả lê thành từng miếng nhỏ và bán 1 miếng với giá 5 đồng.

Thấy có tiềm năng, 2 vợ chồng nọ bèn đến cửa hàng hoa quả nhà họ Ô để mua một giỏ lê chín quá. Dù sao thì lê bị chín quá cũng chẳng đáng tiền, nên nhà họ Ô cũng bán rẻ cho họ.

Mỗi khi mua nhiều quá, hai vợ chồng sẽ cắt lê, cho vào hũ lớn ngâm với đường, như vậy sẽ ngon hơn, một khi mang ra chợ bán thì sẽ bán rất đắt hàng.

Sau đó việc kinh doanh ngày càng làm ăn nên, hai vợ chồng đi thu mua lê chín quá ở khắp nơi, đem về gọt vỏ cho vào nồi nấu để lấy nước lê, làm kẹo.

Không có lê để ăn trong mùa xuân, người ta đều muốn mua kẹo mứt lê để ăn, từ đó kẹo mứt lê bỗng trở thành một sản phẩm nổi tiếng ở miền nam.

Vào năm thứ hai, khâm sai đại thần của triều đình đến thăm quận Áp Bắc, Thượng Hải, ông ta nghe đồn kẹo mứt lê của 2 vợ chồng này rất ngon, nên đến mua nếm thử, khi ăn thì thấy quả là vị vừa chua chua ngọt ngọt, rất thơm ngon. Sau đó ông ta mang kẹo đến Bắc Kinh để dâng lên Từ Hy Thái hậu.

Từ Hy đang bị ho, sau khi ăn xong cảm thấy hương vị thực sự rất ngon, vì vậy bà đã ra lệnh cho hai vợ chồng tiến cống kẹo mứt lê cho bà.

Lúc này hai vợ chồng ngày càng nổi tiếng, chính thức mở tiệm mứt lê.

Chủ tiệm trái cây nhà họ Ô âm thầm dò hỏi, cuối cùng biết được mấy viên kẹo mứt lê này được làm từ quả lê chín quá, ông ta trong lòng ghen ghét, đố kỵ, nhưng lại sợ đắc tội với hoàng thượng.

Đến tối, ông ta liền viết một mảnh giấy có dòng chữ “Thiên tri đạo” nghĩa là “Trời biết rõ”, dán lên cửa tiệm mứt lê của hai vợ chồng.

Ngày hôm sau, hai vợ chồng nhìn thấy dòng chữ “Thiên tri đạo”, họ sững sờ một lúc, và biết rằng hẳn là có người muốn gây chuyện.

Người chồng cười nói: “Tôi đang nghĩ đến cái biển hiệu. Hôm nay thật vui khi có người viết chữ và mang đến cửa. Kẹo mứt lê ở tiệm nhà ta, đến cả hoàng thượng cũng ăn rồi, hoàng thượng là thiên tử. Nên gọi là ‘Thiên tri đạo’. Tôi sẽ dùng 3 từ này làm biển hiệu!”

Nói xong người chồng đi viết một tấm biển rất lớn để dòng chữ “Thiên tri đạo”, người đến xem đều tò mò hỏi, biết rằng hoàng thượng và thái hậu đều rất thích ăn kẹo mứt lê ở đây, do vậy, công việc làm ăn của họ lại càng ngày càng khấm khá hơn nữa.

Chủ tiệm trái cây họ Ô không chửi được người ta, trái lại còn làm cho công việc kinh doanh của người ta ngày càng phát đạt, đã vậy dòng chữ mà ông ta viết để trút giận còn đang được họ tận dụng, điều này khiến ông ta càng thêm tức giận.

Ông ta lại tiếp tục vẽ một con rùa đen, với đầu rụt vào trong bụng, ý nói “không biết xấu hổ” vẽ lên trước cửa tiệm mứt lê.

Ngày hôm sau, hai vợ chồng tiệm mứt lê xem xong liền sửng sốt, sau đó họ đồng thời nói: “Hãy sử dụng con rùa đen làm thương hiệu. Kẹo mứt lê có thể trị khỏi ho và kéo dài tuổi thọ, rùa cũng trường thọ”.

Từ đó, thương hiệu này bỗng chốc đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Thượng Hải.

Chủ tiệm trái cây nhà họ Ô, là một người thông minh, suy nghĩ sâu cay và nhiều thủ đoạn, nhưng sự thông minh này của ông ta lại thiếu tầm nhìn xa, vì lợi ích nhỏ nhặt mà phá vỡ nguyên tắc làm người, cuối cùng khéo lại biến thành vụng, sau đó dần thất bại.

Còn cặp đôi ở tiệm mứt lê là một cặp có trí tuệ lớn của bậc cao nhân. Cho dù chủ tiệm trái cây có hành động xấu hay khiêu khích như thế nào, họ vẫn không lay chuyển, với lòng khoan dung, nhân hậu và thiện lương, chỉ nhìn vào bản thân, làm tốt việc của chính mình.

Từ đó có thể thấy trí huệ thật sự là gì? Chính là có thể coi mỗi ngăn trở và âm mưu là một cơ hội, để trải đường cho cái lợi và tránh cái hại. Ngay cả khi người khác giẫm đạp lên bạn, bạn vẫn có thể không sợ bị bẽ mặt, nhân lúc người đó giơ chân lên, mà nắm lấy giày của người ta.

Đây mới chính là trí huệ thật sự! Hơn nữa còn là đại trí huệ, trí huệ đỉnh cao!


Chúc Di (Theo Secret China)



1306596057417-1.jpg
Last Edit: 3 years 2 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Giuse Huỳnh Ngọc Xinh (Lớp Tôma), Bác Phan T. Thái

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 3 years 2 months ago #63956

Cái chết oan ức của con bò và sự độc hại của việc lan truyền tin đồn


lon-ga.jpg



Bò cày ruộng trở về, mệt quá nằm lăn ra đất nghỉ, thở phì phò. Chó đi ngang qua, thấy vậy bèn dừng lại hỏi han. Bò thở dài, nói:

“Anh bạn à, tôi thực sự mệt quá rồi! Ngày mai tôi không muốn ra đồng nữa, ở nhà nghỉ cho lại sức”.

Hai con vật nói chuyện thêm một lúc rồi tạm biệt nhau.

Trên đường, chó gặp mèo đang nằm vắt vẻo trên bờ tường. Chó nói:

“Này anh bạn, tôi vừa mới đi thăm bò. Anh ta than mệt, còn nói muốn nghỉ làm một ngày. Kể ra cũng tội, chủ nhân đúng là đã bắt anh ấy làm việc nhiều quá rồi!”.

Mèo quay người, nói với dê đang ăn cỏ gần đó rằng:

“Anh biết tin gì chưa? Bò trách chủ nhân bắt mình làm nhiều việc nên muốn nghỉ một ngày, mai không ra đồng nữa đấy!”.

Một lúc sau, dê gặp gà, liền nói:

“Bò không muốn làm việc cho chủ nhân nữa, chị gà mái ạ. Anh ta than là công việc nhiều quá, mệt quá! Hầy, cũng không biết những chủ trang trại khác đối xử với bò của mình có tốt hơn chủ nhân chúng ta không nữa”.

Gà lại nói với lợn:

“Anh bò sắp nghỉ làm ở đây rồi. Anh ta muốn đi tìm chủ nhân khác. Ai bảo chủ nhân đối xử với anh ấy tệ quá, bắt làm bao nhiêu là việc, lại còn dùng roi đánh anh ta nữa”.

Gà cảm thán vài câu rồi lại tót về chuồng. Một lúc sau, vợ ông chủ đi chuẩn bị cho các con vật ăn tối. Lợn liền lại gần, nói:

“Tôi muốn báo lại với bà một chuyện. Dạo gần đây, bò hay có những suy nghĩ nổi loạn, rất cần phải được dạy bảo lại. Anh ta không muốn làm cho chủ nhân nữa, chê công việc ở đây nhiều quá, nặng quá, khiến anh ta mệt mỏi. Bò còn nói muốn bỏ đi, tìm một chủ nhân khác nữa đấy”.

Nhận được phản ánh của lợn, trong bữa tối, bà chủ lập tức đem chuyện nói lại với chồng:

“Mình ơi, bò đang muốn tạo phản. Nó muốn đổi chủ, không làm cho mình nữa. Tội tạo phản không thể tha, mình định xử nó thế nào?”

“Kẻ phản bội đều đáng tội chết, giết không tha!”, ông chủ nghiến răng, tức giận nói.

Vậy là con bò đáng thương suốt ngày chỉ biết làm việc quần quật, cuối cùng lại bị những lời truyền miệng sai sự thật giết chết như vậy đấy!

Câu chuyện về con bò tội nghiệp để lại cho chúng ta hai bài học đáng quý. Một là, đừng tùy ý than phiền với mọi người xung quanh. Bởi lẽ, những lời than phiền ấy sau khi bị nhiều người biến tấu có thể đem đến tai họa khó lường.

Hai là, đừng dễ dàng tin những lời đồn đại chừng nào bạn chưa tự mình kiểm chứng. Đừng để sự cả tin khiến bạn đưa ra những quyết định sai lầm.


(Sưu tầm)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 3 years 3 months ago #63950

Bốn bài học đắt giá từ câu chuyện của nhà hiền triết

Có những việc trên đời, tưởng chừng rất khó để giải quyết, nhưng thực tế, đôi khi là do chúng ta đang tự bó buộc chính mình vào một vấn đề nên không thể thoát ra được. Cách tốt nhất là hãy thay đổi quan niệm một chút, đặt mình vào người khác một chút, như vậy mọi việc sẽ suôn sẻ hơn.

1 - Triết gia đưa bò vào chuồng


11_2021-01-15.jpg



Có một triết gia muốn lùa bò vào chuồng, nhưng bất kể là ông kéo mạnh về phía trước hay quất mạnh vào phía sau, con bò sống chết cũng không chịu nghe lời ông mà đi vào chuồng.

Một người nông dân đi ngang qua thấy thế, bèn mỉm cười, đồng thời nhổ một nắm cỏ trên mặt đất, sau đó đặt trước miệng con bò. Không ngờ, con bò ngoan ngoãn đi theo người nông dân vào chuồng bò.

Có một triết gia muốn lùa bò vào chuồng, nhưng bất kể là ông kéo mạnh về phía trước hay quất mạnh vào phía sau, con bò sống chết cũng không chịu nghe lời.

Sau nhiều lần suy nghĩ, nhà triết học đã tổng kết những triết lý sau từ câu chuyện này:
Mỗi người đều có sở trường phù hợp với riêng mình, ví như một triết gia không thể bằng một người nông dân trong vấn đề đối xử với gia súc.

Muốn người khác làm việc gì đó, thì cưỡng ép là không được, dù bạn có cố gắng hết sức cũng không thể được. Trên thực tế, tất cả những gì chúng ta cần làm, chính là cho người đó một chút ngọt ngào và hy vọng trong cuộc sống này.
Chuyện trên đời không thể muốn sao liền được vậy, hãy đặt mình vào vị trí của người khác mà suy nghĩ một chút, như vậy mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn.


2 - Con đại bàng đá biết bay


12.jpg



Một nhà điêu khắc nọ, tạc được một con đại bàng trên đá, con đại bàng này trông rất sống động, như thể nó đang thực sự bay cao trên bầu trời.

Nhà triết học thấy vậy, bèn đến gặp người này và hỏi: “Làm thế nào mà anh có thể điêu khắc cho hòn đá giống như đang bay lên được vậy?”

Một nhà điêu khắc nọ, tạc được một con đại bàng trên đá, con đại bàng này trông rất sống động, như thể nó đang thực sự bay cao trên bầu trời.

Nhà điêu khắc trả lời: “Thực ra, tôi chỉ là loại bỏ đi những phần thừa thãi trên tảng đá mà thôi”.
Một hòn đá, chỉ cần loại bỏ đi những phần dư thừa, thì đã tạo ra được một con đại bàng sống động như đang bay. Điều này nhắc nhở triết gia một đạo lý rằng:

Dù con người có ngu ngốc như cục đá thì cũng có thể bay lên, miễn là bỏ được những thứ dư thừa!
Nói đơn giản là, những cám dỗ của cuộc đời cũng giống như những phần dư thừa trên hòn đá vậy, khi đối mặt với cám dỗ, nếu cái này muốn, cái kia cũng muốn, cái này không muốn từ bỏ, cái kia cũng không muốn từ bỏ, thì cuối cùng không từ bỏ được gì hết. Cuộc sống sẽ trở thành một tảng đá nặng, và chúng ta sẽ không bao giờ trở thành đại bàng giương cánh bay cao được.

Do đó, đời người nếu muốn bay cao lên được, thì chỉ cần buông bỏ đi những phần thừa thãi của bản thân mình là được.


3 - Người chăn cừu và sợi dây vô hình


13.jpg



Có một người chăn cừu đang đi về phía trước, bước chân đều từ trái sang phải. Theo sau anh ta, có một con cừu lẽo đẽo đi theo, mặc dù nó không bị trói bằng dây, nhưng vẫn theo bước người chăn cừu như hình với bóng, cũng đi từ trái sang phải, không rời một bước.

Nhà triết học thấy vậy, cảm thấy rất kỳ lạ, bèn hỏi người chăn cừu: “Anh không dùng dây để dắt cừu, tại sao nó có thể theo sát anh không rời vậy?”

Người chăn cừu trả lời: “Thứ buộc bầy cừu không phải sợi dây, mà là sự quan tâm, yêu thương của bạn dành cho bầy cừu”.

Câu trả lời của người chăn cừu khiến nhà triết học phải suy nghĩ:
Để duy trì tình cảm giữa người với người, thì không phải chỉ dựa vào sợi “dây thừng” hữu hình để trông coi hay giới hạn họ, mà phải dựa vào sự quan tâm, chăm sóc của tình yêu thương.



4 - Quả bầu của bác nông dân


14.png




Ngày xưa, có một bác nông dân trồng được một quả bầu lớn. Nhưng thay vì vui mừng, người nông dân lại lâm vào tình thế khó xử, vì chẳng biết phải làm gì với nó. Dùng để đựng rượu, thì sợ nó sẽ vỡ. Nếu cưa đôi và dùng làm gáo múc nước, thì không có cái lu nào to như vậy để múc.

Nhà triết học sau khi chứng kiến điều đó, ông đã nói như thế này. Người ta chỉ biết quả bầu dùng để đựng nước, nhưng không biết ngoài việc đựng nước ra, quả bầu còn dùng để làm thuyền trên mặt nước, đây không phải là rất tốt hay sao?

Nhiều người thường hay “giam cầm” tư duy của mình vào quả bầu, như thế sẽ khiến bản thân vĩnh viễn không thể tìm được đường ra. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ cần phá bỏ những thói quen, suy nghĩ cũ, thì chúng ta sẽ có thể tinh tế vượt qua nút thắt của tư duy, và khám phá một thế giới mới rộng lớn hơn.


Chúc Di
Last Edit: 3 years 3 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Fó Ninh, Bác Phan T. Thái

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 3 years 4 months ago #63927


Cái chân của tiểu hòa thượng



v2_d97e6a2f88e44a7ca0aa8b9d4da4cb11_img_000-1.jpg



Vào thời nhà Đường, ở núi Ngũ Đài Sơn, có một vị thiền sư nổi tiếng tên là Mã Tổ, rất thích dùng phương thức “gây khó khăn” để dạy đồ đệ của mình. Vào một ngày nọ, ông cũng dùng cách này để dạy cho tiểu đệ tử của mình ngộ ra một chân lý.

Một hôm, thiền sư Mã Tổ có bắc một cái ghế ngồi trên con đường nhỏ phía sau chùa để đọc sách.
Không lâu sau, có một tiểu hòa thượng đang đẩy chiếc xe đi từ phía vườn rau trở về chùa. Vì con đường quá hẹp, mà thiền sư Mã Tổ lại duỗi chân ra giữa đường, nên tiểu hòa thượng không sao đẩy xe qua được, bèn xin Sư phụ thu chân lại.

Nhưng bất ngờ là thiền sư Mã Tổ không những không co chân lại, mà còn nói: “Chân ta luôn luôn duỗi ra, không bao giờ co lại”.

Tiểu hòa thượng vừa sững sờ, vừa có chút khó xử, rồi nói: “Sư phụ không thu chân lại, con không thể trở về chùa”.
Thiền sư Mã Tổ vừa nói, thậm chí còn không thèm nhìn tiểu hòa thượng: “Đó là việc của con”.

Tiểu hòa thượng suy nghĩ một chút rồi thưa: “Sư phụ, người chỉ duỗi ra chứ không co lại, cho nên con không thể đi qua chân của sư phụ. Vậy chúng ta đổi vị trí đi, con ngồi ở trên ghế, còn sư phụ tới đẩy xe!”.

Sau khi nghe điều này, Thiền sư Mã Tổ cảm thấy khá thú vị, liền đổi vị trí với đồ đệ.

Tiểu hòa thượng lúc này cũng bắt chước duỗi thẳng chân, nhưng khi Thiền sư Mã Tổ đẩy xe về phía mình, thì cậu bèn rụt chân lại.

Thiền sư Mã Tổ hỏi: “Tại sao con thu chân lại?”

Tiểu hòa thượng cười nói: “Sư phụ là người chỉ duỗi không co lại, nhưng con có thể co duỗi, cho nên con thu chân lại”.

Sau đó tiểu hòa thượng đẩy xe đi, còn Thiền sư Mã Tổ thì nhìn theo bóng dáng của đệ tử mình mà cười tâm đắc.
Nhiều năm sau, Thiền sư Mã Tổ đã truyền lại y bát cho tiểu hòa thượng này. Còn tiểu hòa thượng sau đó đã trở thành cao tăng ở Ngũ Đài Sơn, được gọi là Thiền sư Ẩn Phong.(Tinh Hoa)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Fó Ninh, Bác Phan T. Thái

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 3 years 4 months ago #63921

Quan niệm hôn nhân xưa: “Thà lấy góa phụ chứ không lấy nữ nhân tái giá”


1000.jpg



Cuộc sống của người xưa xem chừng khá đơn giản, nhưng về các phương diện lĩnh ngộ những triết lý trong đời sống thì lại rất có trí tuệ. Họ đã đúc kết kinh nghiệm và lưu truyền cho hậu thế dưới dạng tục ngữ, trong đó có câu: “Thà lấy góa phụ chứ không lấy nữ nhân tái giá”. Đây là sự trải nghiệm về hôn nhân của những người xưa, nhưng vì sao họ lại nói vậy?


Quan niệm hôn nhân xưa: “Thà lấy góa phụ chứ không lấy nữ nhân tái giá”. Tại sao lại như vậy? (Ảnh qua KKnews)
Góa phụ là chỉ những người có chồng nhưng chồng đã mất. Vậy còn người “tái giá” thì có nghĩa là gì? Tại sao thà lấy góa phụ chứ cũng không lấy người tái giá?

Điều này đã cho thấy rằng, ấn tượng của người “tái giá” còn tệ hơn cả “góa phụ”, nhưng tại sao người xưa lại có cái nhìn như vậy?

Xuất xứ và ý nghĩa của “tái giá”


Từ “tái giá” được xuất hiện sớm nhất trong “Đáp Tô Vũ Thư”. Là bức thư được viết bởi tướng quân Lý Lăng nổi tiếng thời nhà Hán gửi cho nhà ngoại giao Tô Vũ.

Nội dung trong thư có một đoạn: “Trước đây ngài từng tự mình đi đến nước địch, nhưng không gặp thời, suýt nữa phải bỏ mạng, lênh đênh vất vả, nhiều lần suýt chết ở phía Bắc. Đến trung niên, tóc bạc hồi hương, thấy cha mẹ đều mất, vợ thì tái giá. Tin này hiếm hoi ở nhân gian, xưa nay chưa từng có”.

Rất nhiều người có lẽ không quen thuộc với Lý Lăng, nhưng ông nội của ông ấy, Phi tướng quân Lý Quảng thì rất nhiều người biết đến, cũng là một đại tướng quân thời Hán được người người ca ngợi.

Thân là cháu trai của Phi tướng quân Lý Quảng, Lý Lăng từ nhỏ đã theo ông nội vào Nam ra Bắc, cũng lập được rất nhiều công danh hiển hách. Tiếc là trong một lần chinh chiến với Hung Nô, ông đã bị thuộc hạ của mình bán đứng nên bị Hung Nô bắt làm tù binh.

Lý Lăng mặc dù bị Hung Nô bắt giữ và đe dọa đến tính mạng, nhưng ông vẫn luôn “Không phục dưới uy quyền, không đổi dù nghèo hèn”, một lòng một dạ trung thành với nhà vua và đất nước.

Có điều, những gì ông làm thì không ai biết. Lý Lăng sau khi bị Hung Nô áp giải đi mất, triều đình đã hiểu lầm ông nên tức giận cho tru di tam tộc cả nhà Lý Lăng.

Hay tin dữ, Lý Lăng cảm thấy vô cùng đau khổ. Sau đó ông đã lấy công chúa của Hung Nô làm vợ, và cũng nhận một chức quan tại Hung Nô, từ đấy về sau đoạn tuyệt qua lại với triều Hán.

Nhưng dù là vậy, Lý Lăng vẫn giữ sự trung lập, không vì sống ở Hung Nô mà phản bội quê hương của mình.

Sau này chuyện Lý Lăng một lòng trung thành với đất nước được sáng tỏ, triều đình nhà Hán cảm thấy vô cùng hối hận, Hán Chiêu Đế sai Tư Mã Quang đến Hung Nô để đón Lý Lăng về triều, nhưng tiếc là không được như ý nguyện.

Sau đó Tô Vũ, một nhà ngoại giao trung thành của vua Hán Vũ Đế đã thay mặt cho triều đình sang Hung Nô, nhưng không may lại bị Đan Vu bắt giam.

Để khiến cho Tô Vũ phục tùng Hung Nô, Đan Vu đã nhờ Lý Lăng đi khuyên nhủ. Và sau đó 2 người đã có một cuộc trò chuyện giống như những gì đã đề cập trong bức thư trên.

Trong lá thư từ “tái giá” ở đây là chỉ việc người vợ vẫn còn trẻ mà đã đi thêm bước nữa. Lý Lăng đã nói ra hoàn cảnh gia đình của Tô Vũ lúc đó, cha mẹ mất sớm, vợ còn trẻ cũng đã đi thêm bước nữa, ông mượn điều này để khiến Tô Vũ ở lại Hung Nô. Cũng từ đó mà người ta đã gọi người phụ nữ bị chồng bỏ hoặc đã đổi chồng là “tái giá”.

Tại sao “tái giá” lại có địa vị thấp kém

Người xưa rất coi trọng việc “tam tòng tứ đức” của người phụ nữ, và người phụ nữ cũng rất coi trọng danh tiết của mình. Họ cho rằng một khi đã lấy chồng, thì phải giúp chồng dạy con từ đầu đến cuối.


Người xưa rất coi trọng việc “tam tòng tứ đức” của người phụ nữ. (Ảnh qua NTD)
Vì thế nếu phụ nữ mà bị nhà bên chồng bỏ, thì sẽ bị người ta khinh bỉ, cho rằng người phụ nữ như vậy thì ắt hẳn đã phạm phải lỗi lầm gì to lớn. Vì thế địa vị cũng tự nhiên thấp kém hơn rất nhiều so với những góa phụ đã mất đi người chồng.

Những người phụ nữ sau khi bị chồng bỏ, thường sẽ bị người đời chỉ trỏ, trở thành chủ đề bàn tán những lúc trà dư tửu hậu, danh tiếng từ đó tự nhiên cũng không tốt. Vì thế, trong quan điểm của người xưa, không được lấy người “tái giá”.

Còn “góa phụ” lại là một tình huống bị động, chồng mất là việc chẳng ai mong muốn nên thường không liên quan trực tiếp đến phẩm hạnh của người này.

Cũng có nhiều góa phụ sau khi chồng mất, vẫn một lòng vất vả nuôi con khôn lớn, đồng thời cố hết sức phụng dưỡng cha mẹ chồng, cho nên những cơ cực, dũng cảm, kiên cường của người phụ nữ ấy thường được người khác khâm phục.

Dĩ nhiên đến thời hiện đại, quan điểm hôn nhân của nam và nữ đã không còn như trước nữa, tỉ lệ ly hôn cũng ngày càng cao hơn so với khi xưa, những cặp vợ chồng có thể bên nhau hạnh phúc cho đến bạc đầu ngày càng hiếm thấy.

Xã hội bây giờ, dẫu có ly hôn thì cũng không giấu diếm sợ người đời biết như trước nữa, vì vấn đề này cũng không hoàn toàn nằm ở phía nữ giới, mà phía nam cũng có một phần trách nhiệm.

Chúc Di (Theo Secret China)


phunu.jpg
Last Edit: 3 years 4 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 3 years 5 months ago #63908

Vì sao người đàn ông thời xưa lại gọi vợ mình là tào khang?

“Tao” hay người Việt thường gọi thành “tào” có nghĩa là bã rượu sau khi chưng cất. “Khang” có nghĩa là cám, cám từ vỏ của hạt gạo, hạt lúa mì hay hạt kê. Vậy tại sao người đàn ông thời xưa lại gọi vợ mình là bã rượu và cám gạo?
Vì sao người đàn ông xưa lại gọi vợ mình là tao khang?

Từ “tao khang” liên quan đến điển cố nổi tiếng. Trong “Hậu Hán thư – Tống Hoằng truyện” có ghi chép lại:

Tống Hoằng, người đất Tràng An thời Đông Hán, làm quan đến chức đại tư không dưới thời Quang Vũ đế.

Năm 26, chị gái của Quang Vũ đế là Hồ Dương công chúa, không may góa chồng. Quang Vũ đế có ý tìm giúp chị một vị tướng công, nên thường mời Hồ Dương công chúa vào cung để xem ý chị mình thế nào. Một hôm, khi đang bàn về các quan đại thần, công chúa nói: “Tống Hoằng là bậc nhân tài, phẩm hạnh và tài năng đều phi thường xuất chúng, các quan trong triều quả không ai sánh bằng”.

Nàng cũng nhờ vua Quang Vũ dọ hỏi ý tình Tống Hoằng. Mấy ngày sau, Quang Vũ đế cho triệu kiến Tống Hoằng, và bảo Hồ Dương công chúa đứng sau một bức bình phong nghe chuyện.


tao-khang-kk.png



Quang Vũ Đế hỏi Tống Hoằng rằng: “Ngạn ngữ có nói, giàu đổi bạn, sang đổi vợ, có phải là thường tình của con người không?”

Hoằng thưa: “Thần chỉ nghe nói rằng, bạn thuở bần tiện là không thể quên, người vợ tào khang là không thể bỏ”.

Nghe xong lời này của Tống Hoằng, Quang Vũ đế cũng hiểu được ý tứ của ông. Quang Vũ đế sau đó nói với chị gái: “Việc này không thành được”.

Từ đó về sau, hai câu thơ này được rất nhiều người truyền tụng.

*****

Văn hóa truyền thống giảng rằng: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân”. Hôn nhân là sự ban ơn của đất trời và cha mẹ. Người xưa rất biết giữ đạo vợ chồng, vì vậy họ sẽ không vì lợi lộc vinh hoa trước mắt mà quên đi ân huệ mà mình đã nhận được.

Theo Epoch Times
Last Edit: 3 years 5 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Bác Phan T. Thái

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 4 years 2 weeks ago #63780


Trong thế giới võ hiệp Kim Dung, ai là người “hoàn mỹ” nhất?
05JLL009__20170505_L.jpg

Muốn biết thực lực của Hoàng Dược Sư thì không chỉ luận võ công, mà phải xét tất cả các phương diện, bao gồm: võ công tu vi, năng lực sáng tạo, tu dưỡng nghệ thuật, tố dưỡng khoa học, phẩm hành tướng mạo v.v., thì mới có thể đưa ra được cái nhìn chính xác nhất.

1. Võ công tu vi

Hoàng Dược Sư là một trong ngũ tuyệt. Nhìn khái quát thế giới võ hiệp Kim Dung, thì Hoàng Dược Sư dù cho không phải là ngươi có võ công số một, nhưng cũng là một trong cao thủ hàng đầu.

Võ công tu vi của Hoàng Dược Sư theo lời của Kim Dung nói thì là đã đạt tới đỉnh cao, người võ công đạt tới đỉnh cao trong tiểu thuyết võ thuật Kim Dung không phải là nhiều.

2. Năng lực sáng tạo

Hoàng Dược Sư trong thế giới võ thuật Kim Dung thậm chí trong toàn bộ thế giới võ thuật là người có năng lực sáng tạo không ai sánh nổi. Toàn bộ tuyệt kỹ của Hoàng Dược Sư hầu như đều do tự mình ông sáng tạo ra.

Võ công của các cao thủ khác hoặc là do người khác truyền cho, hoặc học của người khác rồi cải biến nó. Nhưng võ công của Hoàng Dược Sư thì 100% đều là tự sáng tạo, như là Lạc Anh Thần Kiếm Chưởng, Bích Hải Triều Sinh Khúc, Toàn Phong Tảo Diệp Thối v.v., đều là tuyệt học võ công do Hoàng Dược Sư tự sáng tạo.

3. Tu dưỡng nghệ thuật

Hoàng Dược Sư cầm kỳ thư họa đều xuất chúng, thư pháp, văn học cũng đã tu dưỡng đến trình độ cực cao, ông là người có thể kết hợp võ công và nghệ thuật một cách hoàn mỹ.


MM-HYS-Taohua-3.jpg


Kim Dung miêu tả đảo Đào Hoa khắp nơi đều tràn ngập nghệ thuật. Vì thế luận về tu dưỡng nghệ thuật, toàn thế giới võ hiệp hầu như không ai địch nổi Hoàng Dược Sư.

4. Tố chất khoa học

Hoàng Dược Sư trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, cũng rất giỏi Ngũ hành, Bát quái và kể cả thuật số. Từ việc Âu Dương Phong phải dùng đến địa đồ mới vào được đảo Đào Hoa, cũng như việc Hoàng Dung với Anh Cô phải mất mấy chục năm mới giải được kỳ môn thuật số của cha mình, có thể thấy tố chất khoa học của Hoàng Dược Sư là không ai có thể sánh bằng.

Hoàng Dược Sư sử dụng kết hợp võ học và y học một cách hoàn mỹ. Ông còn phát minh thần dược trị thương Cửu Hoa Ngọc Lộ Hoàn.

5. Phẩm hành tướng mạo

Hoàng Dược Sư có tướng mạo phi phàm, tính tình phóng khoáng, gia cảnh giàu sang, có cả một hòn đảo, lại lấy được người vợ đẹp, sinh ra cô con gái không những xinh xắn mà còn sắc sảo thông minh, còn tìm được người con rể Quách Tĩnh đại hiệp trượng nghĩa vì nước vì dân.

Hoàng Dược Sư có thể nói là có một đời đại thắng, hơn hẳn người bình thường. Trong nhân cách, ông mặc dù hành vi quái dị, nhưng trái phải rõ ràng, tuyệt đối không hàm hồ.

Trong thế giới võ thuật Kim Dung, Hoàng Dược Sư là một nhà võ thuật, nhà âm nhạc, nhà nghệ thuật, nhà khoa học, nhà số học, nhà dược học vĩ đại. Vì thế, trong thế giới võ hiệp Kim Dung, Hoàng Dược Sư là nhân vật nam hoàn mỹ, toàn diện nhất.


Lê Hiếu biên dịch
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 4 years 2 weeks ago #63778

Muốn sống thảnh thơi, đừng ôm giữ chuyện quá khứ, đừng đọ sức với tiểu nhân

Có người từng hỏi một vị cao nhân đang tu hành rằng phải làm thế nào để sống vô tư vui vẻ? Làm thế nào để giữ được thái độ ôn hoà?. Ông ấy chỉ đơn giản đáp: “Không vướng mắc chuyện đã qua, không so đo với kẻ có lòng dạ hẹp hòi”. Điều này quả thực rất chính xác.

muon-song-thanh-thoi-dung-om-giu-chuyen-qua-khu-dung-do-suc-voi-tieu-nhan-thumb.jpg

Không vướng mắc chuyện đã qua
Trong “Hậu Hán thư” có một câu chuyện về chiếc bình vỡ vô cùng ý nghĩa như sau: Một người tên Mạnh Mẫn đang đi trên đường, không cẩn thận làm vỡ chiếc bình, nhưng anh ta chẳng buồn nhìn mà đi tiếp. Quách Thái lấy làm kì lạ, liền hỏi anh ta tại sao lại không buồn liếc mắt một cái.

Mạnh Mẫn nói: “Đằng nào chẳng vỡ rồi, nhìn thì có tác dụng gì, lẽ nào còn dán lại được sao? Trên thế gian này có nhiều việc xảy ra thì cũng xảy ra rồi, chán nản buồn bã cũng không mang lại kết quả gì, so với việc khổ sở giày vò, chi bằng nên biết buông tay”.

Tô Thức bị đày xuống Hoàng Châu, vốn dĩ là bị đồng liêu dàn xếp hãm hại, đẩy ông vào đường cùng. Nếu như ông cứ một mực để bụng, thì có lẽ chỉ có nước tức khí mà chết. Nhưng ông lại nói: “Gậy trúc, giày rơm hơn vó ngựa. Ai sợ! Áo tơi mưa khói mặc bình sinh” (Định phong ba – Tô Thức)

Ông rời bỏ chốn quan trường tranh quyền đoạt lợi, tận hưởng cảnh vật của Hoàng Châu, dốc bầu nhiệt huyết dạy học, trồng người, vì Hoàng Châu, vì bản thân mà mở ra một vùng đất mới.

Cổ nhân nói: “Người kiên định thì vô cảm, không dễ bị chi phối, còn người quá mẫn cảm thì dễ chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh, không kiên định”. Chỉ có những người không vướng mắc chuyện cũ mới có thể giữ được tâm ổn định. Sinh lực trong mỗi chúng ta đều có hạn, so với việc vương vấn hối hận, chi bằng tập trung sức lực làm tốt việc của mình.


  1. muon-song-thanh-thoi-dung-om-giu-chuyen-qua-khu-dung-do-suc-voi-tieu-nhan.jpg
Trong “Hậu Hán thư” có một câu chuyện về chiếc bình vỡ. (Ảnh: kknews)

Những người thành công, thường nhẫn nhịn chuyện nhỏ, chuyện gì nhịn được sẽ nhịn, nhường được sẽ nhường, không phải bọn họ nhu nhược bất tài, chỉ là họ cảm thấy cuộc sống này nên dành cho những thứ tốt đẹp hơn.

Không so đo với tiểu nhân
Murakami Haruki nói: “Không phải mọi con cá đều sống ở cùng một đại dương”. Cổ nhân cũng từng dạy: “Chẳng thể bàn chuyện băng tuyết với đám côn trùng mùa hè”. Tiểu nhân không giống với người bình thường, họ không từ thủ đoạn để đạt được mục đích, không có nguyên tắc, bụng dạ hẹp hòi. Bọn họ không có cốt cách, càng không có khí phách, cách tốt nhất chính là không nên so đo với họ.

Tô Thức hết lần này đến lần khác bị Chương Đôn hãm hại, lần lượt bị đày đến Hoàng Châu, Huệ Châu, Đam Châu, cả đời phiêu bạt bốn bể. Thậm chí trước lúc đến Đam Châu ông đã chuẩn bị xong quan tài. Nhưng sau đó Tô Thức được đại xá, hoàng đế triệu ông về kinh.

Chương Đôn sợ ông sẽ trả thù, liền sai con trai viết một bức thư, hy vọng Tô Thức có thể cho ông ta một con đường sống. Tô Thức chỉ nói một câu: “Nói thêm cũng chẳng ích gì. Chuyện đã qua rồi, đừng nhắc nữa”.

Friedrich Nietzsche, một nhà triết học người Phổ nói: “Chiến đấu với rồng dữ lâu ngày, thì bản thân mình sẽ bị biến thành rồng dữ; khi bạn cứ nhìn chằm chằm vào vực thẳm, vực thẳm sẽ nhìn lại bạn”. Quá so đo với tiểu nhân, thì bản thân mình sẽ bị biến thành tiểu nhân.

Trái tim con người vốn nhỏ hẹp, khi được lấp đầy bởi thù hận rồi, thì làm gì còn chỗ cho tình yêu. Tô Thức không muốn tính toán với Chương Đôn, vì còn bao chuyện tốt đẹp khác đang chờ ông. Không so đo tính toán với tiểu nhân, thực ra cũng là tự giải thoát cho mình.

Cổ nhân đã nhắc nhở chúng ta phải gần gũi người hiền, tránh xa tiểu nhân. Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng tránh giao thiệp với tiểu nhân, nếu tránh không được, thì nhất định phải cẩn trọng.

Quách Tử Nghi danh tướng đời Đường một lần bị bệnh nằm nhà, Ngự sử Lô Kỷ đến thăm, Quách Tử Nghi liền bảo nữ quyến tránh mặt đi hết, để một mình ông tiếp đón Lô Kỷ. Sau khi Lô Kỷ về, mọi người đều thắc mắc, sao lại để họ phải tránh mặt đi.

Quách Tử Nghi nói: “Lô Kỷ diện mạo xấu xí, mọi người nhìn thấy ắt sẽ to nhỏ chế nhạo, ông ta lòng dạ hẹp hòi, tính toán chi ly, sau này nhỡ ông ta có quyền thế, gia đình chúng ta nhất định sẽ bị báo thù. Vì vậy tốt nhất không nên chọc vào tổ kiến lửa”.

Về sau quả nhiên khi Lô Kỷ được thăng chức, ông ta đã trả thù hết những đại thần mà trước đó đã đắc tội với mình. Chỉ có gia đình của quách Tử Nghi là may mắn thoát nạn.

Có thể đắc tội với quân tử, nhưng không thể đắc tội với tiểu nhân. Đối với tiểu nhân, cách tốt nhất là không đắc tội, không thân thiết, và tránh càng xa càng tốt.


Tuệ Tâm (Theo Secret China)
Last Edit: 4 years 2 weeks ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 4 years 7 months ago #63635


  • Posts:173 Thank you received: 403
  • Hùng 33's Avatar
  • Hùng 33
  • Gold Boarder
  • OFFLINE
Trích Chúng Tôi Có Mặt của tác giả Võ Hồng

trau.PNG



Sau một buổi cày vất vả. Trâu được tháo ách cho đứng gặm cỏ. Nhưng mệt quá, nhai nuốt không vô, bèn cất tiếng than:

- Mẹ sinh chi tuổi Sửu, làm thân Trâu cho cực dường này. Ruộng sâu, ruộng sình, ruộng lùm, ruộng lún ... kéo cho bật được lưỡi cày tưỏng đứt cái cổ, tưởng đứt hơi luôn. Tưởng gãy lìa cái chân, tưởng ngã gục xuống bùn. Vậy mà thằng chủ cứ giáng thẳng roi mây ... khích lệ. Ðỉa bám hút máu, ruồi châm hút máu, mưa xối trên lưng, nắng đốt da mông. Ðền bù lại là một bó cỏ khô, quanh năm chỉ những cỏ khô!

Nhìn thấy con chó Mực đang nằm khoanh ngủ, vừa ngủ vừa ngáy, Trâu huơ chân huých cho một cái. Chó mở mắt, ngáp dài, hỏi:
- Cái gì?
- Mày sướng hơn tao.

Chó ngơ ngác không hiểu. Nhìn bộ mặt ngốc nghếch của Chó, Trâu cười sằng sặc.

- Tao đang suy nghĩ về cảnh khổ của tao, cả ngày kéo cày. Còn mày thì nằm khoanh mà ngủ.
- Lầm to. Lầm to – Chó cười khẩy. Ngủ ngày là vì phải thức suốt đêm coi nhà. Sục sạo đầu dưới, rượt sủa đầu trên ... mà đâu phải chỉ coi nhà, còn coi cả khu vườn rộng cho chủ. Bữa ăn hả? Chỉ toàn xương, xương nhá hết nổi, họ mới ném cho. Con của chủ nhà nghịch ngợm, khéo đuôi cưỡi lưng, mình gừ một tiếng phản đối thì chủ nhà nạt nộ, đánh
đá. Tôi thân mình, nói năng đâu có được, trời ban cho chỉ độc có tiếng "gừ". Ngoài tiếng sủa.

- Ờ, coi bộ mày cũng khổ. Trâu chép miệng.
- Chỉ cái việc sủa, sủa sao cho đúng cũng không dễ. Gặp người mà chủ nhà khinh thì sủa ít không được. Gặp người mà chủ nhà trọng thì sủa nhiều không cho. Trong việc bảo tồn nòi giống của mình cũng có cái khổ. Loài người, có người thậm chí ích kỷ, xin chó con để nuôi thì toàn xin chó đực, chó cái không ai chịu rước. Mà không có chó cái thì ai đẻ ra chó đực cho chúng nó xin nữa không biết.



- Thôi được, tao thấy mày khổ rồi. Khỏi cần nói nữa.

Nhưng chó như được khơi dòng tâm sự, không chịu ngừng.

- Thêm cái nạn "mộc tồn". Nuôi thấy mập mập là rủ nhau năm bảy tên bợm nhậu, góp riềng góp sả mà "hạ cờ tây".
- Thôi đủ. Thôi đủ. – Trâu la to – Ðể hỏi coi thằng Ngựa kia. Ngó bộ nó phong lưu mã thượng.


Sau khi nghe Trâu trình bày lý đó, Ngựa nhìn Trâu, khẽ lắc đầu, vẻ thương hại: - Hồi nãy mình nghe cụ Trâu dùng danh từ "mã thượng". Chà, chữ Nho gì mà thông thái vậy cụ? Thằng kỵ sĩ nó mới phong lưu mã thượng chớ mình thì thượng chỗ nào. Nó ngồi trên lưng mình, thúc gót giày vào hông mình, giật cương cứa hàm mình bắt mình chạy hụt hơi, chạy sùi bọt mép. Vậy không khổ hả? Vậy là sướng hả?


Trâu lý nhí: - Mình thấy cậu đẹp mã, có nệm thêu hoa trải trên lưng, có yên da bóng loáng khuy đồng, có lục lạc treo rủng rẻng.

- Thế cậu có thấy những hồi mình phải kéo xe, mình phải thồ lúa, mình phải chở gỗ không? Nhẹ nhàng lắm chắc? Hễ hở việc này, con Người nó bắt qua việc khác; có bao giờ để yên? Cái máy bằng sắt thép còn chịu không thấu, nó bắt chạy suốt hăm bốn tiếng trên hăm bốn.

- Bù lại, cậu được tạc thành tượng, tượng đồng uy nghi, tượng đá lẫm liệt, tượng những vị anh hùng ngồi trên lưng ngựa.
- Ðừng thấy mà ham. Xông lên đột pháo, con người tranh đoạt quyền lợi với nhau chớ Ngựa có dính líu gì vào đó? Vậy mà Ngựa phải trải qua biết bao gian lao nhọc nhằn, biết bao nguy hiểm, phơi xác sa trường. Hay là thử đi, Ngựa khổ hay Trâu khổ, hay Chó khổ?

- Chà... chà... Trâu lý nhí.

Chó thì lanh miệng hơn, biết bắt chước người biết nói nịnh: - Dạ, em thấy anh khổ hơn em.

Giã từ Ngựa và Chó. Trâu lững thững vừa ngẫm nghĩ. Hỏi hai đứa thì cả hai đều than khổ, mình nữa là ba. Tại sao vậy cà? Tại ...? Tại ...?

Ðang trầm ngâm suy nghĩ, chợt có một con Chìa vôi vụt hót lên sát tai làm Trâu giật mình. Con chim đang đậu ở một cành mù-u mọc chìa ra đường. Nhìn con Chìa vôi, trí thông minh của Trâu chợt lóe.

- Này chị Chìa vôi, như Chó, Ngựa và tôi đều khổ là do chúng tôi có tới bốn chân và chân đi giậm đất. Chị có hai cánh bay thì chắc là chị không khổ.

Chìa vôi liến thoắng trả lời liền:

- Ờ. Mình không có khổ. Mình có hai cái vạch trắng dọc theo cái đuôi đây này. Ðẹp không? Ủa, mà "khổ" là cái gì vậy?

Trâu bật cười không giữ được.

- Khổ nghĩa là... mình đói, mình khát, mình kéo cày nặng nhọc... mình bị chủ đánh, mình nằm chuồng dột...

Chìa vôi gật gật đầu: - À, vậy là hiểu rồi. Mình có đói. Mấy bữa trời mưa dầm, mưa thúi đất, mưa suốt ngày đêm, mình nằm trong ổ đói phờ râu, đói mờ con mắt, đói muốn mửa mật xanh mật vàng. Mình không có nằm chuồng dột, chỉ cái ổ của mình mưa to nước xối vô như thác đổ, ướt lóp ngóp lạnh run. Cha lũ nhỏ chết năm ngoái cũng vì bị mưa ướt, sưng phổi cấp tính, điều trị không kịp.

Trâu gật gật đầu, nói chậm rãi: - Vậy là cũng ... có khổ...

Chìa Vôi vội cướp lời liền: - Khổ rõ ràng đi chớ. Ðang đứng cất tiếng hát cho vui, thằng Người ta lén núp trong bụi, gài một hòn đá vào cái ná cao su, gài một mũi tên lên giây cung, nhắm nhía, rồi thả tay, vậy là mình ngã nhào chết không kịp kêu. Khổ rõ ràng đi chớ, khổ nhất trần gian. Bà má mình năm xưa chết cũng vì mũi tên hòn đạn.

Ðồng ý là Chìa Vôi nói cũng khổ, nhưng Trâu không tin hết những điều nó nói xoen xoét. Cái gì mà chết nước, gia đình nó cũng có góp phần mà chết đạn cũng có.

Trên đường về, Trâu tạt lại cái mương con uống nước. Trí óc suy nghĩ đâu đâu, Trâu hụt chân đánh "ùm" một tiếng, nước văng tung tóe. May không lộn nhào, hú hồn. Một con cá rô suýt bị giậm, thoát chết, miệng the thé:
- Ði cái kiểu gì? Con mắt để đâu? Chút xíu nữa. Ðương rình con Nhện nước sửa soạn búng tới chụp thì gặp trúng đồ cô hồn. Mình đói mấy bữa nay đây. Ðồ đui.

- Xin chị bỏ lỗi. Con mắt tôi bị vảy cá...

Chết chết! Trầu thầm nghĩ – Lại kêu nhằm tên tộc của nó: Cá! Nó tưởng mình muốn nói xỏ xiên.

- ... Dạ, xin chị bỏ lỗi. Mà sao chị bị bỏ đói vậy?

- Thằng Người ta nó chận mương đắp bờ, tát nước để bắt tụi tao, không thấy sao? Bà con họ hàng tao chết vô số kể. May tao nhỏ người núp trong bụi lác, tụi nó không thấy. Thoát chết. Ba ngày cứ núp trong bụi lác, đâu có dám mò ra kiếm mồi.

- Ồ, khổ thân cho chị.
- Lũ nó đang kho, đang nướng, đang chiên, đang um, đang nấu canh chua bà con tao.

- Ờ, cả họ hàng chị đang khổ, còn lũ Người thì đang sướng.
- Tụi tao khổ đủ cách. Chúng nó móc mồi ngồi câu, chúng nó câu cắm khỏi mất công ngồi, chúng nó đánh lưới, chúng nó thả lờ, chúng nó ụp nơm, chúng nó đứng nhá, chúng nó thả chà, chúng nó thuốc bằng nhựa cây độc, chúng nó ném thuốc nổ, chúng nó đâm bằng cây lao... ôi chao, kể sao cho hết.

Trâu chép miệng: - Ðích thực là khổ. Không còn cãi vào đâu được. Khổ nhất trân gian.

Buồn bã, Trâu không còn muốn, muốn hỏi ai nữa. Cái gì mà bốn chân đạp đất cũng khổ, hai cánh bay trên trời cũng khổ, mà có vây lội dưới nước cũng khổ. Rốt cuộc, chỉ có bọn Người là sướng. Loài nào cũng bị nó ăn hiếp.


Trâu lặng lẽ về chuồng nằm. Bầy muỗi vo ve ào tới đốt, nó cũng không buồn lấy đuôi xua nữa. Ðèn ở nhà trên tắt đã từ lâu. Ðêm tối om. Ông chủ bà chủ chắc đã ngủ say.

Những người sung sướng thường dễ ngủ. Tiếng con Mục "khổ" sủa đổng một nơi bờ rào. Rồi im lặng. Ðêm lặng thinh.

Chợt từ nhà trên tiếng ông chủ vang xuống, nghe rõ mồn một:

- Bà làm khổ tôi vừa vừa chớ. Hồi tôi cưới bà, nhà còn nghèo, bà bắt tôi làm lụng đầu tắt mặt tối. Khi khá lên, bà
mè nheo bắt tôi chạy kiếm cho được cái chức cái tước. Chức nhỏ, bà bắt chạy cho được chức to. Chữ nghĩa tôi không mấy hột thì ai chịu giao chức to cho? Vậy là ngày này qua ngày khác, năm này qua năm kia bà cứ chê bai, dằn vặt tôi. Họ xa nhà tôi có thằng buôn lậu ở tù, bà cũng đem tôi ra sỉ vả. Họ mẹ tôi có con nhỏ chửa hoang, bà cũng xách tôi ra mà dạy luân lý, đạo đức.
Bỏ cái này, chụp cái khác, cả ngày làm việc quần quật, vậy mà có đêm nào bà cho tôi được ngủ yên đâu? Con trâu, con ngïựa, kéo cày kéo xe ban ngày, nhưng ban đêm chúng nó được nằm nghỉ (nghe nhắc đến tên mình, Trâu giật mình).

Tôi thì không. Bà hành hạ tôi mọi giờ. Nói thiệt với bà, con trâu con ngựa, thậm chí con chó còn sướng hơn tôi.


Nghe ông chủ phân bì với mình, Trâu bỗng bật cười không giữ được. Cười ngả nghiêng, bò lê ra đất mà cười. Miệng đang nhai rơm mà cười quá mạnh, một cọng rơm chạy lòi ra lỗ mũi.
Last Edit: 4 years 7 months ago by Hùng 33.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Xuân-Dung, Đặng Minh Khanh (Lớp Đaminh)

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 5 years 10 months ago #63347

Nguồn gốc sâu xa của chiếc quạt lông vũ trên tay Gia Cát Lượng


00a4db0e06.jpg



Gia Cát Lượng là một nhà quân sự tài ba, nhà tiên tri kiệt xuất thời Tam quốc. Ông thường được mô tả là mặc một chiếc áo choàng dài và tay phe thì phe phẩy chiếc quạt bằng lông vũ. Dưới đây là câu chuyện về nguồn gốc của chiếc quạt.
Khi 8 tuổi Gia Cát Lượng vẫn chưa biết nói, gia cảnh lại nghèo nên gia đình đã để ông chăn cừu trên một ngọn núi gần đó.

quạt lông vũ, Gia Cát Lượng, áo khoác bát quái,

Trên núi có một đạo quán là nơi cư trú của một lão đạo sĩ tóc bạc. Lão đạo sĩ mỗi ngày đều ra ngoài đi du ngoạn. Một ngày nọ,

ông trông thấy Gia Cát Lượng và thử trêu đùa cậu bé thì thấy cậu bé cũng đùa lại với ông. Từ đó cậu bé và lão đạo sĩ thường trò chuyện với nhau bằng cách ra dấu tay. Thấy Gia Cát Lượng thông minh lại dễ thương nên lão đạo sĩ quyết định chữa khỏi bệnh cho cậu và thu làm đồ đệ.

“Hãy về nhà nói với cha mẹ rằng, ta sẽ thu con làm đồ đệ, dạy con biết đọc biết viết, học thiên văn địa lý và học phép dùng binh. Nếu cha mẹ con đồng ý thì hằng ngày con hãy lên đây học với ta”, lão đạo sĩ nói.

Kể từ đó Gia Cát Lượng bái lão đạo sĩ làm sư phụ. Bất chấp gió mưa, hàng ngày cậu đều chăm chỉ lên núi nghe giảng. Nhờ trí thông minh thiên phú nên sách chỉ cần xem qua là đã hiểu, nghe giảng xong liền nhớ ngay nên lão đạo sĩ ngày càng quý mến.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nháy mắt một cái đã bảy tám năm trôi qua.

Một ngày nọ, khi đi qua một cái am bị bỏ hoang trên núi thì bỗng dưng một trận cuồng phong ở đâu kéo tới mang theo mưa gió rợp trời. Gia Cát Lượng vội chạy vào trong am để trú mưa thì bỗng nhiên một cô gái từ đâu bước ra, ân cần mời cậu vào nhà. Chỉ thấy cô gái này mày nhỏ mắt to, mảnh mai kiều diễm tựa như tiên nữ hạ phàm. Gia Cát Lượng cảm thấy bị cuốn hút bởi cô gái. Khi trời tạnh mưa, cô gái tiễn cậu ra cửa, cười nói: “Hôm nay chúng ta coi như đã biết nhau. Từ nay về sau khi lên núi xuống núi thì xin hãy qua đây nghỉ ngơi và dùng trà”. Gia Cát Lượng cảm thấy hơi kỳ quái bởi tại sao nơi này có người ở mà cậu lại không biết.

Từ đó về sau, ngày nào Gia Cát Lượng cũng tới đây trò chuyện và dùng bữa với cô gái. Ăn cơm xong hai người không chỉ cười nói mà còn đánh cờ giải khuây. So với đạo quán, nơi đây quả thực là một thế giới khác hẳn.

Tâm trí Gia Cát Lượng bị ảnh hưởng và cậu cảm thấy chán nản khi học tập. Sư phụ giảng đến đâu thì quên đến đó, nghe tai này thì ra tai kia, lúc đọc thì không biết sách đang nói về cái gì, càng xem càng thấy khó hiểu.

Lão đạo sĩ biết có vấn đề, bèn gọi Gia Cát Lượng đến, thở dài một tiếng rồi nói: “Trồng cây thì khó, đốn cây thì dễ. Ta đã tốn quá nhiều công sức vì ngươi rồi”.

Gia Cát Lượng nghe vậy vội quỳ sụp xuống rồi nói: “Sư phụ! Con sẽ không cô phụ một phen khổ tâm của người”.

“Lời này hiện ta không thể tin”, lão đạo sĩ nhìn Gia Cát Lượng và nói.

“Ta thấy ngươi là đứa trẻ thông minh, định dạy ngươi thành tài, nên mới trị bệnh cho ngươi, thu ngươi làm đồ đệ. Mấy năm trước ngươi thông minh cần mẫn, sư phụ ta khổ tâm dạy ngươi cũng không cảm thấy khổ; nào ngờ giờ đây ngươi từ cần mẫn thành lười nhác, tuy thông minh mà cũng uổng công, lại còn nói sẽ không cô phụ một phen khổ tâm của ta, ta tin sao đây?”

“Gió không thổi, cây không động, thuyền không đảo, nước không đục”. Nói rồi chỉ vào cái cây cổ thụ bị rất nhiều dây mây cuốn quanh thân rồi nói: “Ngươi xem, cái cây kia tại sao sống dở chết dở, không thể lớn hơn được?”

“Bởi vì bị dây mây cuốn chặt nên nó không lớn lên được”, Gia Cát Lượng đáp.

“Đúng rồi, cái cây này ở trên núi nơi đất đá khô cằn, rất cực khổ nhưng vẫn sống tốt vì nó quyết chí cắm rễ sâu xuống dưới, đâm cành lên trên, không sợ nóng, không sợ lạnh, nên ngày càng cao lớn. Thế nhưng cái dây mây chỉ quấn quanh một chút mà nó đã không lớn lên được. Cái này gọi là ‘lạt mềm buộc chặt’ đấy”, lão đạo sĩ nói.

Gia Cát Lượng nghe xong giật mình hỏi: “Sư phụ, sao ngài biết chuyện?”

Lão đạo sĩ nói: “Gần nước biết tính cá, gần núi rõ tiếng chim. Ta xem thần sắc ngươi, quan sát hành động của ngươi, còn không biết tâm tư của ngươi hay sao?”

Lão đạo sĩ ngừng lại một lúc rồi nghiêm sắc mặt nói: “Nói cho ngươi rõ, đứa con gái mà ngươi thích kia chẳng phải là người, nó nguyên là một con tiên hạc trên Thiên Cung, chỉ vì ăn vụng đào của Vương Mẫu mà bị đánh hạ xuống trần để chịu khổ. Tới nhân gian, nó hóa thành mỹ nữ, văn võ thì không, cày bừa chẳng biết, chỉ biết tầm hoan tác nhạc. Ngươi thấy tướng mạo nó đẹp, nhưng nó chỉ biết có ăn và ngủ thôi. Ngươi cứ thần hồn điên đảo thế này, cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì đâu. Thậm chí nếu không chiều theo ý nó, nó còn làm hại ngươi”.

Gia Cát Lượng nghe xong sợ quá vội hỏi xem phải làm sao.

Lão đạo sĩ nói: “Cứ đêm đến là nó hiện nguyên hình để bay lên Thiên Hà tắm rửa. Lúc đó ngươi hãy lẻn vào phòng của nó, trộm lấy y phục của nó rồi đem đốt đi. Bị đốt rồi thì nó không thể hóa thành mỹ nữ nữa”.

Lão đạo sĩ đưa cậu một cây gậy đầu rồng và nói: “Con hạc này khi phát hiện trong am có hỏa tất sẽ từ Thiên Hà mà lao xuống. Gặp thấy ngươi đang đốt xiêm y, chắc chắn nó sẽ không bỏ qua. Đến lúc đó hãy dùng cây quải trượng này mà đánh nó”.

Gia Cát Lượng nghe xong lời dặn dò của sư phụ liền bái lạy rồi rời đi.

Đêm hôm đó, lựa lúc canh khuya vắng lặng, Gia Cát Lượng nhẹ nhàng lẻn vào trông am thì quả nhiên thấy bộ xiêm y trên giường nhưng lại không thấy người đâu. Ngay lập tức cậu nhóm lửa để đốt cháy bộ xiêm y.

Tiên hạc đang lúc tắm rửa trên Thiên Hà, đột nhiên cảm thấy trong lòng bất an liền vội vàng đi xuống nhìn quanh thì thấy trong am có lửa, nó vội vàng hét to rồi phi xuống. Xuống đến nơi thấy Gia Cát Lượng đang đốt xiêm y, nó liền nhào tới mổ vào mắt. Gia Cát Lượng nhanh trí né được rồi dùng cây quải trượng trong tay đánh con hạc rớt xuống đất. Sau đó cậu lao tới chộp lấy nó nhưng chỉ túm được cái đuôi. Tiên hạc hoảng sợ liều mạng vùng vẫy, vỗ cánh thật mạnh bay vọt lên không trung để thoát thân, nhưng đám lông đuôi thì đã bị Gia Cát Lượng giật đứt hết.

quạt lông vũ, Gia Cát Lượng, áo khoác bát quái,

Tiên hạc bị cụt đuôi, không còn giống những tiên hạc khác trên Thiên Cung nữa nên vô cùng xấu hổ. Nó không dám lên Thiên Hà tắm nữa, cũng không thể biến lại thành mỹ nữ vì đã bị đốt mất xiêm y nên đành vĩnh viễn ở lại nhân gian, chui vào sống lẫn lộn giữa bầy hạc.

Trải qua một trận kinh tâm động phách, Gia Cát Lượng không dám giải đãi, liền đem đám lông đuôi cất giữ cẩn thận, lấy đó làm tấm gương để tự răn mình.

Từ đó về sau Gia Cát Lượng ngày càng cần mẫn, phàm sư phụ giảng gì, đọc sách gì thì đều ghi nhớ, tâm lĩnh thần hội, biến chúng thành thứ của bản thân mình. Lại một năm nữa trôi qua, đúng vào ngày Gia Cát Lượng đốt xiêm y của mỹ nữ, lão đạo nhân cười nói với Gia Cát Lượng: “Đồ đệ này, ngươi theo ta đã chín năm rồi, sách gì cần đọc thì đã đọc rồi, điều gì cần truyền thụ thì đã nghe rồi. Có câu nói ‘sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân’, ngươi nay đã 18 tuổi rồi, còn cần lập gia đình, ngươi hãy tự mình xử lý mọi việc”.

Gia Cát Lượng thấy sư phụ nói đã “học xong”, bèn vội vàng khẩn cầu: “Sư phụ, đồ đệ càng học càng thấy học thức nông cạn, con nguyện ở lại với ngài học thêm bản lĩnh”.

“Bản lĩnh chân chính cần phải trong khi thực hành mới có thể đạt được. Sách đã học rồi, còn cần xem Trời Đất thiên biến vạn hóa thế nào, tùy thời mà chuyển, tùy cơ ứng biến, mới có thể hữu dụng được! Hãy lấy con tiên hạc kia làm bài học giáo huấn, từ nay chớ lại để tình sắc làm mê đắm nữa. Hết thảy sự việc trên đời đều là giả tướng, nhất định phải cẩn thận, không được để bị mê hoặc. Coi như đây là lời dặn dò lúc chia tay! Hôm nay ta phải đi đây!”, lão đạo sĩ nói.

“Sư phụ, ngài định đi đâu?”, Gia Cát Lượng kinh ngạc hỏi, “Từ nay con biết đến đâu để tìm ngài?”

“Vân du bốn biển, không có định hướng”, lão đạo sĩ đáp.

Nhất thời không biết làm sao, Gia Cát Lượng nước mắt tuôn rơi, nói: “Sư phụ nhất định phải đi thì xin hãy nhận của đồ đệ này một lạy gọi là cảm tạ ơn dưỡng dục”.

Gia Cát Lượng cúi mình làm lễ, lễ xong ngẩng đầu lên thì đã không thấy sư phụ đâu nữa.

quạt lông vũ, Gia Cát Lượng, áo khoác bát quái,

Để tưởng nhớ sư phụ, Gia Cát Lượng thường khoác chiếc áo Bát Quái mà sư phụ để lại, coi như vĩnh viễn cõng sư phụ trên lưng. Ông cũng thường cầm chiếc quạt lông vũ làm từ lông đuôi Tiên hạc trên tay để tự nhắc nhở mình phải hành xử thận trọng. Đây chính là lai lịch của chiếc quạt lông vũ trên tay Gia Cát Lượng.


Theo Minhhue.net
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa, Xuân-Dung, Đặng Minh Khanh (Lớp Đaminh)


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012