Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: Những truyện đọc không chỉ để giải trí

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 6 years 3 months ago #63243


Câu trả lời của vị Thiền sư: Thứ gì đáng sợ nhất trên đời này?

Đôi khi ta vẫn tự hỏi thứ đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì? 3 câu truyện hay và ý nghĩa do vị thiền sư kể dưới đây có lẽ sẽ cho bạn một câu trả lời, rồi tự mình ngẫm nghĩ xem có đúng không.

ZHe4NB-20170330-cau-tra-loi-cua-vi-thien-su-thu-gi-dang-so-nhat-tren-doi-nay.jpg

Có người hỏi Thiền sư: “Điều đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?”

Thiền sư đáp: “Dục vọng!”

Người đó lộ vẻ mặt hoài nghi.

Thiền sư nói: “Hãy để tôi kể vài câu chuyện cho ông nghe vậy”.

Bạc vàng đáng sợ

Một vị tăng nhân hốt hốt hoảng hoảng từ trong rừng chạy đến, vừa khéo lại gặp được hai người bạn vô cùng thân thiết đang tản bộ bên rừng. Họ hỏi vị tăng nhân: “Chuyện gì mà ông hốt hoảng quá vậy?”.

Vị tăng nhân nói: “Thật là kinh khủng, tôi đào được một đống vàng ở trong rừng!”.

Hai người bạn, lòng không nhịn được nói: “Thật đúng là tên đại ngốc! Đào được vàng, việc tốt như thế mà ông lại cho là kinh khủng, thật là không thể hiểu nổi!”.

Thế là họ lại hỏi vị tăng nhân kia, “Ông đào được vàng ở đâu? Chỉ cho chúng tôi xem với!”.

Vị tăng nhân nói: “Thứ xấu xa như thế, các ông không sợ sao? Nó sẽ nuốt chửng người ta đấy!”.

Hai người gạt phăng đi, hùng hổ nói: “Chúng tôi đây không sợ, ông mau mau chỉ chỗ xem nào!”.

Vị tăng nhân nói: “Chính là bên dưới cái cây ở bìa rừng phía tây”.

Hai người bạn liền lập tức tìm đến chỗ vị tăng nhân vừa chỉ, quả nhiên phát hiện được số vàng đó. Người này liền nói với người kia rằng: “Tên hòa thượng đó đúng là ngốc thật, thứ vàng bạc mà mọi người đều khao khát đang ở ngay trong mắt ông ta, thế mà lại trở thành quái vật ăn thịt người”. Người kia cũng gật đầu đồng tình.

Thế là họ bàn với nhau làm thế nào để chuyển số vàng này về nhà. Một người trong đó nói: “Ban ngày mà đem nó về thật không an toàn cho lắm, hay là đêm đến thì mình mới vận chuyển, vậy sẽ chắc ăn hơn. Tôi ở lại đây canh chừng, ông hãy về mang chút cơm rau trở lại, chúng ta ăn cơm rồi đợi đến trời tối mới chuyển số vàng này về nhà”.

Người kia liền làm theo người bạn nói. Người ở lại nghĩ : “Nếu như số vàng này đều thuộc về sở hữu của riêng ta thì hay biết mấy! Đợi hắn quay lại, ta hãy dùng cây gậy gỗ đánh chết đi, vậy thì toàn bộ số vàng này là của ta hết rồi”.

Thế là khi người bạn đem cơm rau đến khu rừng, người kia liền từ phía sau lưng dùng gậy gỗ đánh mạnh vào đầu khiến ông ta chết ngay tại chỗ, sau còn nói rằng: “Bằng hữu hỡi, chính là số vàng này buộc tôi phải làm như vậy”.

Sau đó ông ta vớ lấy thức ăn mà người bạn mang đến, ăn ngấu nghiến. Chưa được bao lâu, người này cảm thấy rất khó chịu, trong bụng giống như bị ngọn lửa thiêu đốt. Khi đó, ông ta mới biết rằng mình đã bị trúng độc. Trước lúc chết, ông mới nói rằng: “Lời hòa thượng đó nói quả thật không sai!”.

Đây thật là ứng với lời người xưa để lại: Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn. Đều là họa do lòng tham đưa đến, chính dục vọng đã khiến người bạn thân nhất trở thành kẻ thù không đội trời chung.

Người nông dân mua đất

Có một người nông dân muốn mua đất, ông ta nghe nói có người ở vùng nào đó có đất muốn bán, liền quyết định đến đó hỏi thăm. Người bán đất mới với ông ta rằng: “Chỉ cần giao một nghìn lạng bạc, ta sẽ cho ông thời gian một ngày, bắt đầu tính từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn xuống núi, ông có thể dùng bước chân khoanh tròn được bao nhiêu đất, thì số đất đó sẽ chính là ông, nhưng nếu ông không trở về nơi khởi điểm, thì ngay cả một tấc đất ông cũng sẽ không có được”.

Người nông dân đó nghĩ thầm: “Nếu như ngày này ta vất vả một chút, đi nhiều đường hơn một chút, há không phải có thể đi được vòng rất lớn, theo đó sẽ có được một mảnh đất rất lớn hay sao? Làm ăn như vậy quả thật là rất có lợi!”. Thế là ông ta liền ký kết giao ước cùng người chủ đất đó.

Mặt trời vừa mới nhô lên khỏi mặt đất ông ta liền cất bước thật lớn đi nhanh về phía trước; đến giữa trưa, bước chân của ông vẫn không dừng lại giây phút nào, cứ mãi đi về phía trước, trong lòng nghĩ: “Hãy ráng chịu đựng một hôm nay, sau này sẽ có thể hưởng thụ hồi báo của vất vả hôm nay mang đến rồi”.

Ông ta lại đi về phía trước quãng đường rất xa, mắt thấy mặt trời sắp xuống núi rồi mới chịu quay trở về, trong lòng vô cùng lo lắng, bởi vì nếu như không trở về thì một tấc đất cũng không thể có. Thế là ông ta vội trở về theo đường tắt. Tuy nhiên, mặt trời vội vàng sắp xuống núi, ông ta đành phải liều mạng mà chạy, cuối cùng chỉ còn thiếu vài bước thì đến vạch khởi điểm, nhưng sức lực đã cạn kiệt, ông ngã nhào xuống nơi đó.

Dục vọng của con người và ranh giới với hiện thực mãi mãi cũng không cách nào vượt qua được, bởi lòng tham là vô đáy. Con người mãi mãi không biết thỏa mãn, đây chính là khuyết điểm lớn nhất trong nhân cách.

Phật và ma

Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông muốn vẽ Phật và ma, nhưng không tìm được người làm mẫu phù hợp, vì đầu óc ông không tài nào tưởng tượng ra nổi hình dáng của Phật, nên rất lo lắng. Trong một lần tình cờ, ông lên chùa bái lạy, vô tình nhìn thấy một hòa thượng. Khí chất trên vị hòa thượng này đã thu hút người họa sĩ sâu sắc. Vậy là ông liền đi tìm vị hòa thượng đó, hứa cho anh một số tiền lớn, để anh làm người mẫu cho ông.

Về sau, tác phẩm của họa sĩ đã hoàn thành, gây chấn động ở vùng đó. Nhà họa sĩ nói: “Đó là bức tranh vừa ý nhất mà tôi từng vẽ qua, bởi người làm mẫu cho tôi quả khiến người ta vừa nhìn thấy nhất định cho rằng anh ta chính là Phật, loại khí chất thanh thoát an lành trên người anh có thể cảm động bất kì ai”.

Người họa sĩ sau đó đã cho vị hòa thượng đó rất nhiều tiền như lời đã hứa.

Cũng nhờ bức tranh này, mọi người không còn gọi ông là họa sĩ nữa, mà gọi ông là “họa Thánh”.

Bẵng đi một thời gian, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào việc vẽ ma, nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó của ông, vì chẳng biết tình hình tượng ma quỷ ở đâu. Ông đã hỏi thăm rất nhiều nơi, tìm rất nhiều người có vẻ ngoài hung dữ, nhưng không ai vừa ý cả.

Cuối cùng, ông tìm được trong nhà tù một tù nhân rất phù hợp với đối tượng ông cần vẽ. Họa sĩ vô cùng mừng rỡ, nhưng khi ông đối diện phạm nhân đó, người này đột nhiên khóc lóc đau khổ trước mặt ông.

Nhà họa sĩ rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rõ ngọn ngành.

Người phạm nhân đó nói: “Tại sao lần trước khi người mà ông tìm để vẽ Phật là tôi, bây giờ khi vẽ ma quỷ, người ông tìm đến vẫn là tôi!”

Người họa sĩ giật cả mình, thế là ông lại nhìn kỹ người phạm nhân đó, rồi nói: “Sao lại có thể chứ? Người mà tôi tìm để vẽ Phật ấy khí chất phi phàm, còn cậu xem ra chính là một hình tượng ma quỷ thuần túy, sao lại có thể là cùng một người được? Điều này thật kì lạ, quả thật khiến người ta không thể nào lý giải được”.

Người kia đau khổ bi ai nói: “Chính là ông đã khiến tôi từ Phật biến thành ma quỷ”.

Họa sĩ nói: “Sao cậu lại nói như vậy, tôi vốn đâu có làm gì đối với cậu đâu”.

Ngươi đó nói: “Kể từ sau khi tôi nhận được số tiền ông cho, liền đi đến những chốn ăn chơi đàng điếm để tìm thú vui, mặc sức tiêu xài. Đến sau này, tiền tiêu sạch hết, mà tôi lại đã quen với cuộc sống đó rồi, dục vọng đã khởi phát mà không thể thu hồi lại được. Thế là tôi liền giật tiền người ta, còn giết người nữa, chỉ cần có được tiền, chuyện xấu gì tôi cũng có thể làm, kết quả đã thành ra bộ dạng này của ngày hôm nay đây”.

Người họa sĩ nghe xong những lời này, cảm khái vạn phần, ông sợ hãi than rằng bản tính con người trước dục vọng lại biến đổi mau chóng đến thế. Con người chính là yếu nhược như vậy đó. Thế là ông áy náy quăng cây bút vẽ xuống đất, từ đó về sau không còn vẽ bức tranh nào nữa.

Con người ta, một khi rơi vào trong cạm bẫy “theo đuổi ham muốn vật chất”, thì rất dễ đánh mất bản thân mình, muốn thoát ra khỏi đã trở thành mục tiêu rất khó khăn, vậy nên bản tính con người không thể đi cùng với lòng tham.

Thiền sư kể xong mấy câu chuyện, nhắm nghiền mắt lại không nói gì cả, còn người kia đã biết được đáp án từ trong những câu chuyện này: Thì ra điều đáng sợ nhất trên cõi đời này chính là dục vọng, dục vọng của người ta càng nhiều, thì sẽ càng không thỏa mãn, vậy nên sẽ càng không vui vẻ và phiền não vì thế cũng sẽ càng nhiều hơn.

Câu chuyện mà vị thiền sư đã nói với chúng ta rằng: Tiền tài tựa như gông xiềng, lòng tham tựa như mộ phần, tranh danh đoạt lợi cuối cùng chỉ là công dã tràng. Chỉ có tẩy đi các loại hư vọng trong tâm, buông bỏ tham dục, trở về bản chất chân thật, thì con người mới có thể nhìn thấu rằng tất cả vinh hoa phú quý của thế gian giống như mây khói thoảng qua, rốt cuộc đều là sắc tướng vô thường, cuối cùng mới thể nghiệm được niềm vui vô tận của sinh mệnh, tự tại tiêu dao.


Theo NTDTV
Last Edit: 6 years 3 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa, Đinh Cao Thắng, Hùng 33, Bác Phan T. Thái

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 6 years 3 months ago #63239


Trí tuệ cổ nhân: Người chăn ngựa của Tề Cảnh Công


Vào thời Xuân Thu, vua của nước Tề là Tề Cảnh Công có con ngựa quý, vua giao cho một người chăn ngựa chăm nom và dặn dò người này phải cẩn thận. Nhưng ngựa yêu của vua một ngày kia không ngờ mắc bệnh chết, người nuôi ngựa cũng không biết rõ nguyên nhân.

ngua-te.jpg


Cảnh Công hay tin trong lòng rất thương tâm, đồng thời cũng rất phẫn nộ, vua nhất định phải xử người nuôi ngựa tội phanh thây.

Yến Tử lúc này đang đứng hầu bên cạnh, chúng thần thấy vua bộc phát cơn đại nộ cũng chẳng dám nói gì. Vừa nghe lệnh vua trên truyền xuống, thị vệ răm rắp tiến đến để giải người đi. Yến Tử thấy vậy, bèn nhanh chân đứng lên, ra hiệu cho thị vệ là hãy tạm dừng tay, ông tự mình đến trước mặt Tề Cảnh Công tâu rằng: “Tâu chúa thượng, xử tội phanh thây cũng theo bài bản của riêng nó, không biết các đời thánh vương Nghiêu, Thuấn ngày xưa từ lúc nào đã có việc này?”.

Cảnh Công đương lúc tức giận, nghe câu hỏi thấy giật mình, “Nghiêu, Thuấn là những bậc thánh vương, yêu dân như con, sao lại có việc phanh thây người ta? Tự mình làm việc ấy chẳng phải là trái với đạo thánh hiền sao? Chẳng phải cùng một bọn với Kiệt, Trụ sao?”

Trong lòng Cảnh công có phần hổ thẹn, bèn thuận miệng nói: “Thôi, tha cho hắn”.

Thị vệ nghe vậy, bèn lui xuống. Tuy rằng đã thu lại lệnh, nhưng trong lòng Cảnh Công cơn giận vẫn chưa nguôi, vua vẫn phải trút giận cho bằng được: “Miễn tội phanh thây, đem hắn xuống ngục, đợi ngày xử tử”.

Yến Tử nghe vậy, cũng không ngăn cản gì, chỉ là vì chủ trì sự cuộc nên đứng ra hỏi lễ: “Tâu chúa thượng, kẻ này tội nặng không thể tha, chỉ sợ là hắn ta chưa nghe cáo trạng đã chết thì không nhắm mắt được. Chi bằng để vi thần kể tội cho hắn nghe, để hắn được biết mình vì tội gì mà chết, sau đó cứ y lệnh mà chấp hành, chắc hắn cũng không hối tiếc gì, ngài thấy vậy có được chăng?”.

Tề Cảnh Công nghe thấy lời ấy rất có đạo lý nên đồng ý.

Yến Tử bước lên đằng trước chúng thần, bắt đầu kể tội người chăn ngựa: “Ngươi có biết chăng, ngươi phạm phải ba điều đại tội: thứ nhất, quân vương giao cho ngươi nuôi ngựa, kết quả ngươi không cẩn thận thành ra ngựa chết, tương đương với ngươi giết con ngựa ấy, nên ngươi cũng phải đền mạng”.

“Thứ hai, con ngựa chết ấy là thứ quân vương rất mực yêu quý, cũng đáng để khép ngươi vào tội chết”.

“Thứ ba, quân vương vì một con ngựa mà giết người, nếu bá tánh trong nước nghe thấy việc này, chắc sẽ oán vua ta yêu ngựa hơn quý mạng người, chư hầu mà nghe được, ắt sẽ coi thường quốc thể. Nhưng truy cho cùng, cũng là vì ngươi nuôi ngựa mà ngựa lại chết, dẫn đến bá tánh sinh oán, binh lực yếu nhược hơn lân quốc, càng đáng phải phán ngươi tội chết. Bây giờ, giao cho ngục sứ, y lệnh chấp hành!”.

Tề Cảnh Công ngồi trên ngôi cao nghe thấy vã cả mồ hôi, chỉ là phán tội một tên chăn ngựa, nhưng từng lời từng chữ giống như kể tội của mình, đột nhiên vua thở dài nói với Yến Tử: “Thôi thì tiên sinh cứ thả hắn đi, thả hắn đi! Dù sao đi nữa cũng không thể để tổn hại đến nhân đức được.”


Công Tôn
Last Edit: 6 years 3 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 6 years 3 months ago #63234

“Sử Ký” Tư Mã Thiên – Tâm đại nhẫn mới làm nên đại sự

Tác phẩm “Sử Ký” của Tư Mã Thiên là công trình sử học lớn nhất của Trung Quốc và là một trong những quyển sử có tiếng nhất thế giới. Để hoàn thành được cuốn sử này, tác giả Tư Mã Thiên đã phải nhẫn nhục trải qua những năm tháng cùng cực của cuộc đời.



HanHH6-20171127-su-ky-tu-ma-thien-tam-dai-nhan-moi-lam-nen-dai-su.jpg
Tư Mã Thiên để viết được cuốn Sủ Ký đã phải trả qua bao nhẫn nhục chịu đựng. (Ảnh: Read01)

Tư Mã Thiên (145 – 87 TCN) có một số tư liệu ghi năm mất của ông là 86, tự là Tử Trường, người Hạ Dương Tả Phùng Dực. Ông sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan. Cha của ông là Tư Mã Đàm là người có học vấn và tu dưỡng uyên bác, là Thái sử lệnh của triều đình. Tư Mã Đàm đặc biệt khẳng định và tán dương Đạo gia. Chính tư tưởng của Tư Mã Đàm đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, nhân cách và thái độ nghiên cứu học vấn của con trai Tư Mã Thiên sau này.

Sau khi Hán Vũ Đế lên ngôi, Tư Mã Đàm được bổ nhiệm làm Thái sử lệnh của triều đình. Để thuận tiện cho công việc, ông đã chuyển cả gia đình đến Trường An sinh sống, lúc này Tư Mã Thiên khoảng 10 tuổi. Trước khi đến Trường An, Tư Mã Thiên thường giúp gia đình làm chút việc nông nghiệp và học tập.

Sau khi theo cha đến Trường An, Tư Mã Thiên đã đọc rất nhiều sách, học tập cổ văn. Ông học chữ Đại Triện và chữ cổ trong “Thuyết văn”. Đồng thời ông cũng học các tác phẩm kinh điển của đại sư Đổng Trọng Thư. Những nội hàm sâu sắc trong các tác phẩm kinh điển ấy đã ảnh hưởng rất sâu đến Tư Mã Thiên từ khi còn nhỏ.

Tư Mã Đàm hết sức chú ý đến việc giáo dục con. Năm Tư Mã Thiên 20 tuổi, ông bảo con lên đường đi ngao du để xem tận mắt những nơi sau này Tư Mã Thiên sẽ phải viết sử. Tư Mã Thiên trước tiên đi về phía Nam đến Trường Giang, vượt sông Hoài, sông Tứ, thăm mẹ Hàn Tín, đoạn lên núi Cối Kê xem nơi vua Hạ Vũ triệu tập chư hầu, vào hang Vũ Động tìm di tích vua Vũ.

Ở Cối Kê ông đã nghe những chuyện kể về vua Việt, Câu Tiễn. Ông lên Cô Tô tìm di tích Ngũ Tử Tư, đi thuyền trên Thái Hồ sưu tầm truyền thuyết về Tây Thi, Phạm Lãi. Sau đó, ông đi ngược lên Trường Sa, đến bến Mịch La khóc Khuất Nguyên, đến sông Tương trèo lên núi Cửu Nghi nhìn dấu vết mộ vua Thuấn và khảo sát những tục cũ từ thời Hoàng Đế.

Ông lên miền Bắc vượt sông Vấn, sông Tử đến nước Tề, nước Lỗ, bồi hồi nhìn lăng miếu của Khổng Tử, say sưa nghe người dân kể chuyện Trần Thiệp, đến đất Tiết thăm hỏi di tích của Mạnh Thường Quân, lên Bành Thành quê hương Lưu Bang, để tìm hiểu rõ thời niên thiếu của những con người đã dựng nên nhà Hán. Ông sang nước Sở thăm đất phong của Xuân Thân Quân, đến nước Ngụy hỏi chuyện Tín Lăng Quân rồi trở về Tràng An.


Sau chuyến đi kéo dài ba năm ấy, ông còn đi những chuyến khác cũng để tìm tài liệu. Những năm tháng này về sau đã được Tư Mã Thiên ghi chép trong “Sử ký” phần “Thái Sử Công tự tự”. Những hoạt động thực tiễn và kinh nghiệm cuộc sống này đã mở rộng thêm trí tuệ và tầm nhìn cho Tư Mã Thiên. Quan trọng hơn là ông được tiếp xúc với cuộc sống của quảng đại người dân, cảm nhận được tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng của người dân. Điều này vô cùng có ý nghĩa đối với việc viết “Sử Ký” của ông sau này.



41sbv6-20171127-su-ky-tu-ma-thien-tam-dai-nhan-moi-lam-nen-dai-su.jpg
Chân dung nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên. (Ảnh: Epoch Times)
Năm đầu của niên hiệu Nguyên Phong, Hán Vũ Đế đi tuần về phía Đông đã lên Thái Sơn cúng tế Trời Đất. Quan lại, tướng lĩnh cho rằng đây là buổi lễ trọng đại “ngàn năm một thuở”. Cha của Tư Mã Thiên lúc ấy bị bệnh nặng nguy kịch nên không thể tham gia được. Vừa đúng lúc ấy, Tư Mã Thiên từ Tây Nam trở về. Cha của Tư Mã Thiên đã nói rõ với con trai về nguyện vọng muốn tự mình viết một bộ sách sử. Ông vừa chảy nước mắt vừa nói những nguyện vọng cuối cùng này với Tư Mã Thiên, mong con hoàn thành tâm nguyện.

Ba năm sau, Tư Mã Thiên lên kế vị chức Thái sử lệnh của cha và rất nhiệt tình với công việc. Đồng thời ông cũng ở nơi lưu trữ sách của quốc gia mà bắt đầu nghiên cứu, sửa sang lại tư liệu lịch sử. Trải qua khoảng 4 – 5 năm chuẩn bị, vào năm Thái Sơ thứ 4 (khoảng 104 TCN), Tư Mã Thiên chủ trì việc cải sửa công việc nông lịch từ thời Vua Chuyên Húc đến thời Tần Hán. Về sau, ông lại bắt đầu kế thừa sự nghiệp viết “Xuân Thu”, chính thức viết “Sử Ký”. Năm ấy, Tư Mã Thiên 42 tuổi.

Nhưng khi ông đang chuyên tâm viết được 5 năm thì đại hoạ giáng xuống đầu. Năm 99 TCN, Lý Lăng, người đảm nhiệm chức Đô uý đã dẫn 5000 quân và ngựa đi đánh Hung Nô, kết quả bị 3 vạn kỵ binh của Hung Nô vây chặt.

Mặc dù Lý Lăng và binh sĩ đã ra sức chiến đấu, nhưng cuối cùng đã bại trận. Chỉ có hơn 400 binh sĩ thoát được trở về. Lý Lăng bị Hung Nô bắt đầu hàng. Sự kiện này chấn động triều đình, quần thần khiển trách Lý Lăng không nên tham sống sợ chết mà đầu hàng Hung Nô.

Khi Hoàng đế hỏi ý kiến của Tư Mã Thiên, Tư Mã Thiên dựa vào sự hiểu biết của mình về Lý Lăng, cho rằng Lý Lăng không phải là người tham sống sợ chết, bộ binh mà Lý Lăng thống lĩnh chưa đến 5000 người, thâm nhập vào đất địch đánh với mấy vạn quân Hung Nô, tuy nói là bại trận, nhưng cũng là trong tình lý. Lý Lăng đầu hàng cũng là việc bất đắc dĩ nhất thời.

Tư Mã Thiên cũng cho rằng việc Lý Lăng không chịu chết ngay lúc đó chắc chắn là có lý do riêng, nhất định muốn đem công chuộc tội báo đáp Hoàng thượng. Hoàng đế nghe xong lại cho rằng Tư Mã Thiên đã nói đỡ cho việc Lý Lăng đầu hàng để ông ta được thoát tội nên lấy tội danh đối kháng triều đình bắt Tư Mã Thiên giam vào ngục. Sau khi bị giam vào ngục, Tư Mã Thiên đã bị “cung hình” – một hình phạt tàn khốc.

Đối mặt với cực hình và sỉ nhục, Tư Mã Thiên nghĩ rằng: “Không có nỗi nhục nào hơn nỗi nhục cung hình. Người bị cung hình không thể xem là con người”. Nỗi đau khổ trong lòng Tư Mã Thiên đã vượt hơn nỗi đau thể xác cả ngàn vạn lần. Lại thêm mọi người chê cười, bạn bè thân thích xa lánh, Tư Mã Thiên đau buồn đến mức nhiều lần muốn chết.

Giữa việc lựa chọn sống và chết, Tư Mã Thiên phải nhẫn nhịn chịu sỉ nhục, chịu sự chê cười của mọi người, sống một cuộc sống không phải nam không phải nữ. Nhưng Tư Mã Thiên lại nghĩ đến công việc viết sử còn chưa hoàn thành. Ông cũng nghĩ đến việc Khổng Tử gặp hoạn nạn mà viết nên bộ Xuân Thu, Tôn Tử bị cắt gót chân mà viết nên bộ Binh pháp, Khuất Nguyên bị đuổi mà viết nên Ly Tao Vì vậy, để hoàn thành bộ Sử Ký, Tư Mã Thiên đã lấy tinh thần kiên cường ẩn nhẫn và dũng khí quên mình để viết. Nỗi xấu hổ, sỉ nhục, phẫn nộ, tất cả dường như được ngưng tụ vào ngọn bút của ông. Cuối cùng, Tư Mã Thiên đã biên soạn nên bộ trứ tác đồ sộ bắt đầu từ thời đại Hoàng Đế trong truyền thuyết đến năm Thái Thuỷ thứ 4 đời Hán Vũ Đế (năm 93 TCN), để lại cho hậu nhân một công trình vĩ đại và một bài học lớn lao.
(nỗi sầu ly biệt). Những vĩ nhân này sau khi gặp đại nạn đều nhẫn chịu nỗi giằn vặt mà viết sách.


Theo Trithucvn
Last Edit: 6 years 3 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 6 years 3 months ago #63233

Trí tuệ cổ nhân: Chuyện Vương Duy giúp hàng xóm tìm ra kẻ trộm dưa



3-13.jpg
Vương Duy, một trong những nhà thơ nổi tiếng thời Đường. (Ảnh: Sohu)


Những người yêu thích thơ Đường có lẽ không ai xa lạ với đại thi hào Vương Duy, một trong tứ đại thi sĩ nổi tiếng đời Đường. Không những vậy, Vương Duy ngay khi còn nhỏ đã thể hiện là một người thông minh cơ trí.
vương duy, thông minh, bắt trộm,


Vương Duy (701-761), tự Ma Cật, người Sơn Tây, Trung Quốc. Ông là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị trở thành bốn người nổi tiếng về thơ ca thời Đường.

Ngay từ khi còn nhỏ, Vương Duy đã thể hiện mình là một người rất thông minh, cơ trí, hơn nữa còn rất trọng nghĩa khí. Có một câu chuyện trong thời niên thiếu của Vương Duy, cho thấy ông sớm đã có trí tuệ hơn người.

Ngày đó, cạnh nhà Vương Duy cũng có gia đình họ Vương, ông vẫn thường gọi ông ấy là Vương lão bá. Trong vườn nhà lão bá trồng rất nhiều rau, còn có một mảnh đất trồng dưa lê, quả nào quả nấy vừa to vừa tròn.

Một ngày, Vương lão bá dậy thật sớm, chuẩn bị hái dưa đem ra chợ bán. Ai ngờ, khi ra vườn thì thấy dưa đều đã bị người ta ăn trộm sạch. Vương lão bá vừa buồn vừa giận, thương tâm mà khóc to lên.

Vương Duy nghe tiếng khóc liền chạy đến an ủi: “Vương lão bá, ngài đừng nóng vội, kẻ trộm lấy nhiều dưa như vậy, nhất định là sẽ đem ra chợ bán, chúng ta hãy mau đi tìm xem thế nào”.

Nói xong, Vương lão bá cùng với Vương Duy vội vàng đi tới phiên chợ, quả nhiên thấy Vương Nhị đang bày dưa ra bán. Nhận ra đây chính là dưa của mình, Vương lão bá liền hỏi: “Chỗ dưa lê này ở đâu mà ngươi có được vậy?”

Vương Nhị né tránh, ấp úng nói: “Đây là dưa nhà tôi trồng đấy”.

Vương lão bá nhìn trái nhìn phải, nói: “Dưa này rõ ràng là dưa nhà ta trồng mà”.

Vương Nhị tranh luận nói: “Dựa vào cái gì mà ông nói đây là dưa của ông chứ?”

Lão bá nói: “Dưa của nhà ta vừa to vừa tròn”.

Vương Nhị cười ha ha, nói: “Dưa nhà ai mà chẳng vừa to vừa tròn cơ chứ”.

vương duy, thông minh, bắt trộm,

Vương lão bá bị Vương Nhị chơi xấu, giận tới run người, chỉ tay về phía hắn rồi nói: “Ngươi… người là kẻ trộm dưa…”

Vương Nhị nghe xong, nóng mặt, nhảy dựng lên mắng lớn: “Lão già kia, ông đừng có vu oan giá họa cho người khác nhé”.

Trong lúc hai người cãi vã, rất nhiều người đã tụm lại xem, lúc này, có một vị quan huyện vô tình đi ngang qua đây, liền tiến đến tra hỏi ngọn ngành. Bởi vì Vương lão bá không có bằng chứng để chứng minh số dưa đó là của mình, nên bị quan phán là cố ý gây rối và cho người đuổi ra khỏi chợ.

Lúc này Vương Duy đang đứng gần quán dưa của Vương Nhị, nghĩ thầm: “Nếu như những quả dưa này là của Vương lão bá, thì cuống dưa chắc hẳn là vẫn còn ở trên cây dưa trong vườn nhà lão bá. Đem những cuống dưa đó đến đây, chẳng phải là đã có chứng cứ rồi sao?”

Vương Duy chui qua đám đông, bước nhanh tới quán của Vương Nhị, thấy rằng những quả dưa đều không có cuống, vậy rõ ràng là ông ta đang nói láo. Vương Duy liền chạy về vườn dưa của Vương lão bá, nhanh tay cắt mấy cuống dưa bỏ vào túi rồi lại chạy tới phiên chợ.



02f269fc3a398bbea4ff80a9e70f8849.jpg


Cậu bé đi tới trước mặt quan huyện và nói: “Dưa này nhất định là của Vương lão bá, cháu có chứng cứ”.

Nói xong, Vương Duy lấy cuống dưa ra và nói: “Đây là cuống dưa cháu vừa mới lấy từ trong vườn của Vương lão bá, cứ đem những cuống dưa này ướm thử vào mấy quả dưa là biết thật giả ngay thôi”.

Mọi người nhao nhao cầm cuống dưa để hỗ trợ kiểm chứng, và tất cả đều khớp với số dưa của Vương Nhị. Ai nấy đều khen Vương Duy thông minh, còn bắt Vương Nhị giao ra cuống dưa của mình.

Vương Nhị thấy tình thế như vậy, sợ tới mức mồ hôi chảy đầm đìa, ông ta “bịch” một tiếng, quỳ gối trước mặt quan huyện cầu xin tha thứ, nói: “Lão gia tha mạng, lão gia tha mạng! Tiểu nhân xin khai thật, số dưa này đều là do đêm qua tiểu nhân lấy trộm về”.

Quan huyện quát to: “Tên dưa tặc này thật to gan lớn mật. Người đâu, mau bắt hắn đưa lên quan phủ”.

Nhờ tài trí thông minh của Vương Duy, cuối cùng Vương lão bá cũng đã lấy lại được số dưa của mình. Với tài năng hơn người, những tác phẩm sau này của Vương Duy đều phản ánh được sự tinh tế, sâu sắc, khiến bao người mến mộ.


Tuệ Tâm biên dịch (CỔ HỌC TINH HOA)
Last Edit: 6 years 3 months ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 7 years 1 week ago #62485

Xả tài tiêu tai (捨財消災 của đi thay người)




QUNINH.jpg




Chuyện kể rằng có một chàng thanh niên rất tốt bụng và chăm chỉ. Trong sân nhà, củi anh kiếm được khi đi rừng được chất hàng đống. Một đêm, đống củi bị bốc cháy. Chàng trai tìm cách dập lửa, lo rằng lửa sẽ lan sang những nhà kế bên, khiến hàng xóm chịu thiệt hại. Khi lửa đang cháy to thì trời đột nhiên mưa lớn, khiến đám lửa được dập tắt. Mọi người tiếc nuối vì củi nhà họ đều đã cháy đen. Tuy nhiên chàng trai lại phát hiện rằng củi đã cháy thành than có chất lượng rất tốt. Mùa đông năm sau, khi tiết trời lạnh giá, căn nhà nhỏ của anh đã được sưởi ấm bằng than.

Câu thành ngữ này cũng tương tự với thành ngữ “Tái Ông thất mã.”

“Xả tài tiêu tai” dạy chúng ta rằng mọi thứ đều có thể trở thành hạnh phúc hay bất hạnh, mà ta không thể xét đoán chỉ trên biểu hiện bề mặt. “Mất của” cũng chính là mất đi một phần nghiệp lực, và giúp ta tránh được những tai họa lớn hơn do nghiệp lực mang đến.


Theo Việt Đại Kỷ Nguyên
Last Edit: 7 years 1 week ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 7 years 2 weeks ago #62469

Khoái Mã Gia Tiên (快馬加鞭)
QuickHorse_YeuanFang_ET-676x450.jpg




Thành ngữ cổ Trung Hoa 快馬加鞭 (kuài mǎ jiā biān), có nghĩa là “Khoái Mã Gia Tiên“, có nguồn gốc từ một câu chuyện về Cảnh Trụ, một đệ tử yêu mến của Mặc Tử (墨子) (470–391 B.C.) nhà đại tư tưởng về hòa bình và tình yêu của Trung Hoa.


Ngạnh tử là một cậu thanh niên rất thông minh và nổi tiếng trong số các học trò của Mặc Tử. Tuy nhiên, anh đã không học tập chăm chỉ và thường bị Mặc Tử la mắng.

Cảnh Trụ không thể hiểu được tại sao thầy giáo lại nghiêm khắc với mình. Một lần, sau khi bị la mắng, anh hỏi: “Thưa thầy, có phải con có gì chưa tốt so với những người khác?“

Mạnh Tử trả lời với một câu hỏi: “Giả sử ta cần lập một chuyến thăm đến Thái Hành Sơn, ta có một con ngựa nhanh và một con bò để đưa ta đi trên chuyến hành trình. Con nào trong chúng sẽ được con chọn để khuyến kích với một cây roi?“

“Dĩ nhiên là con ngựa ạ!” Cảnh Trụ đáp.

“Tại sao lại là con ngựa?” Mạnh Tử hỏi.

“Con ngựa xứng đáng để khuyến khích bởi vì nó có khả năng chạy nhanh” Cảnh Trụ đáp.

“Điều này hoàn toàn chính xác!” Mạnh Tử nói.

“Ta cũng nghĩ rằng con có năng lực lớn. Ta la mắng con bởi vì con có năng lực để tiến bộ nhanh hơn và phấn đấu để đạt được kết quả cao hơn.

Con xứng đáng được khuyến khích, dạy bảo và để sửa chữa.” Mạnh Tử giải thích.

Khi đó, Cảnh Trụ hiểu được sự yêu thương và kỳ vọng to lớn của thầy đối với mình. Cuối cùng, anh tin rằng người thầy tin tưởng anh có thể làm được tốt hơn.

Từ đó về sau, Cảnh Trụ bắt đầu nỗ lực chăm chỉ làm việc và tận tâm học tập và Mạnh Tử không còn phải đôn đốc anh để làm việc tốt hơn.

Thành ngữ được sử dụng ngày nay để miêu tả nỗ lực đẩy nhanh tốc độ của quá trình nhằm phát triển và tiến bộ ngày càng nhanh.

Nó cũng được sử dụng như một phép ẩn dụ cho những nỗ lực để liên tục tiến về phía trước.



Ghi chú: Mặc Tử (470–391 B.C.) sống gần như cùng thời với Lão Tử (老子) và Khổng Tử (孔子). Ông là một trong tứ đại nhà tư tưởng trong thời Xuân Thu (770–476 BC) và thời kỳ Chiến Quốc (475–221 B.C.) ở Trung Quốc cổ đại.

Duoyu Zhong (Theo The Epoch Times)
Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 7 years 2 weeks ago #62458

Kinh Cung Chi Điểu ( 驚弓之鳥 )


34416.jpg




Trong lịch sử 5000 năm của nền văn minh Trung Hoa, thành ngữ luôn là một viên ngọc sáng trong kho tàng ngôn ngữ Trung Hoa. Chúng thật ngắn gọn, sinh động, biểu cảm và là sự tích lũy các sự kiện lịch sử và các văn hóa dân tộc phong phú. Sự hình thành của mỗi cụm thành ngữ phản ánh sự thật lịch sử, trong đó phản ánh chính trị, quân sự, văn hóa, phong tục dân gian, đạo đức và lý tưởng. Những thành ngữ này làm cho chúng ta hiểu hơn về lịch sử lâu dài của Trung Hoa, trí tuệ vượt trội và ngôn ngữ vượt thời gian của họ.




驚(kinh) – khiếp sợ, 弓(cung) – cung, 之(chi), 鳥(điểu) – chim

Trong thời kỳ Chiến Quốc có một cung thủ thiện xạ tên là Đại Lỗi.

Một ngày nọ khi Đại Lỗi tháp tùng Vua nước Ngụy trên một dải đất cao họ thấy những con chim đang bay trên đầu. Đại Lỗi nói: “Thần không cần tên. Thần chỉ cần giương cung và con chim sẽ rơi xuống và chết.” Vua nước Ngụy nói: “Khanh có thể làm được thật chứ?” Đại Lỗi nói, “Bẩm, thần có thể.”

Một lát sau một con ngỗng hoang bay từ phương đông tới. Đại Lỗi giương cung của ông ta và giả vờ bắn. Con chim lớn rơi xuống đất, Vua nước Ngụy nói, “Khanh đã không dùng đến tên; làm thế nào mà con chim đó lại có thể chết?” Đại Lỗi nói. “Bởi vì đây là một con chim bị thương.”. Vua hỏi, “Làm sao mà khanh biết điều đó?”. Đại Lỗi đáp, “Con ngỗng hoang này bay khá chậm và tiếng kêu của nó thật thảm hại; bay chậm bởi vì nó đã bị thương bởi một mũi tên, và âm thanh thê lương của nó cho thần biết được rằng nó đang sợ hãi vì nó bị đã tách khỏi đàn. Khi nó nghe thấy tiếng giương cung, nó trở nên hoảng sợ và cố gắng bay cao hơn. Vì vậy, vết thương cũ của nó bị toát ra, nên nó rơi xuống đất.”

Sau này, người ta sử dụng thành ngữ “kinh cung chi điểu” để mô tả người đã bị làm cho sợ hãi và trở nên bấn loạn khi gặp phải một tình huống tương tự trước đó đã xảy ra.
(Theo kanzhongguo)
Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 7 years 3 weeks ago #62401


Bạn là một cái cây cho người khác?



thumb_1343305428.jpg




Thuở xưa, có một người đàn ông không làm được điều gì to tát cả, không có tiền và chán nản. Một đêm, ông ta cuối cùng không đủ can đảm để sống thêm và đi đến một vực thẳm sửa soạn nhảy xuống.

Trước khi tự tử, ông ta khóc rất lớn và hồi tưởng tất cả những khổ nạn trong suốt cuộc đời của ông ta. Trên một tảng đá cạnh cái vực có một cây nhỏ. Sau khi nghe người đàn ông khóc lóc, kể lể, cái cây cũng khóc vô cùng thảm thiết. Khi người đàn ông thấy cái cây cũng khóc, ông ta hỏi: “Cây cũng khóc hả. Có phải cây cũng chịu đựng nhiều đau khổ như tôi không?”

Cái cây nói: “Tôi là một cái cây đau khổ nhất trên thế gian. Nhìn tôi đi, sống trên cái tảng đá, chỉ toàn là đá, không có đất để sinh sản và không có nước để uống. Tôi không đủ ăn suốt đời. Hoàn cảnh đau khổ này làm các cành cây của tôi khô đét và không nẩy nở được, vì thế trông tôi rất thảm não từ lúc mới sinh ra. Gốc của tôi rất cạn làm cho tôi không đứng vững trước gió, và không thể chịu nỗi cơn lạnh trong mùa đông. Trông tôi rất yếu so với các cây khác, nhưng thật ra đời sống của tôi còn cực hơn là chết”.

Người đàn ông không thể chịu được nữa vì quá thương hại cho cái cây bèn nói: “Nếu như vậy thì tại sao bạn không kéo thân ra mà chết chung cho rồi”. Cái cây nói: “Chết thì dễ lắm, tuy nhiên, không có bao nhiêu cây mọc trên vực này cả, tôi không thể chết được”. Người đàn ông không hiểu nổi. Cây nói tiếp: “Bạn có thấy có tổ chim trên thân tôi không”. Hai con chim vành khuyên làm cái tổ này và chúng đã sống và sanh sôi nẩy nở trên thân tôi. Nếu tôi chết đi, thì hai con chim này sống ở đâu?”

Người đàn ông dường như hiểu được điều gì đó sau khi nghe những lời này, và thối lùi lại cách ra xa vực thẳm.
(Trích từ Chanhkien)
Last Edit: 7 years 3 weeks ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 7 years 1 month ago #62255

Câu chuyện mài cán dao





download5.jpg




Truyền nhân của Lão Tử là Trang Tử (365-290 TCN) từng nói: “Dao cùn thì dễ cắt”.


Vào đời Tống có Nho sĩ tên là Tô Đông Pha (1037-1101), nhà ở chân núi Nga Mi. Thời trẻ có lần ông lên núi du ngoạn. Ông gặp một lão hòa thượng đang mài dao, nhưng là mài chuôi dao chứ không phải lưỡi dao.

Tô Đông Pha thấy vậy liền bật cười, hỏi: “Này, lão hòa thượng, ông mài cán dao để làm gì”?.

Hòa thượng vừa mài vừa chậm rãi trả lời: “Có như vậy thì mới không bị nó làm đứt tay”.

“Tôi chưa bao giờ nghe nói cán dao có thể làm đứt tay”, nói xong Tô Đông Pha quay lưng bỏ đi xuống núi.

Ông lúc đó hoàn toàn không hiểu được chuyện này và cũng không lưu tâm.

Rất nhiều năm sau, bất chợt một ngày Tô Đông Pha nhận ra: Cả đời mình sở dĩ lại lắm tai ương như vậy, há chẳng phải là do mình không ngộ được chân lý “cán dao làm đứt tay” năm xưa? Vì thế mới mê muội, tự dung dưỡng bao nhiêu tâm không tốt không chính, để rồi chính chúng cắt đứt tay mình.

Quả thật, làm ta đứt tay không phải vì lưỡi dao, mà là cán dao. Bởi vì lưỡi dao dù sắc bén vẫn cách tay một đoạn, chỉ có cán dao mới trực tiếp chạm vào tay mình.

Cán dao ở đây chính là chỉ bản thân mình; khi tự mình không nhận ra những thứ xấu trong tâm để sớm tiêu trừ nó, thì rất dễ lại tự hại chính mình. Đây cũng chính là lý do vì sao con người cần phải tu dưỡng.

Tô Đông Pha cuối cùng cũng đã ngộ ra đạo lý “cán dao cắt đứt tay” năm xưa. Ông nhớ lại hòa thượng mài cán dao năm xưa ở núi Nga Mi, cảm thán rằng vị ấy quả đúng là một cao nhân!


Người bình thường vẫn luôn tưởng rằng, lưỡi dao mới là chỗ sắc nhất. Cũng giống như họ vẫn thường cho rằng, những thứ bên ngoài xa hoa, vật chất, địa vị của con người mới chính là cuộc sống đích thực.

Kỳ thực đều không phải, cán dao mới là chỗ sắc bén, người có phẩm chất tốt mới chính là hiền tài.Người tài giỏi uyên thâm sẽ không dễ dàng khua chân múa tay khoe khoang trước mặt người khác. Họ lặng lẽ làm việc mà không cần danh tiếng, nhưng họ mới là người thành công và đáng tôn trọng nhất. Vậy đời người, nên “thâm tàng bất lộ”, mới dễ dàng thành công.
.(theo cmoney.tw)
Last Edit: 7 years 1 month ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.

Những truyện đọc không chỉ để giải trí 7 years 1 month ago #62249

SAI LẦM và HỒI TÂM





images_2017-03-05.jpg




Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:

Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.

Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.

Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.

Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:

"Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".

Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.

Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.

Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:

"Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?"


Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhậ�n ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.
Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.
( Le Sống)
Last Edit: 7 years 1 month ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012