Welcome, Guest
Username: Password: Remember me

TOPIC: trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY.

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 2 weeks ago #62503

:unsure

THIÊN ĐÀNG, HỎA NGỤC.... thật hư ra sao, xin mời bạn đọc câu chuyện sau đây nhé.

1_2017-04-13.jpg


Có khi nào bạn tự hỏi: Sau khi chết, chúng ta sẽ đi tới đâu? Liệu có tồn tại thiên đường, địa ngục và những thế giới khác hay không? Câu chuyện của người phụ nữ tên là Anita Moorjani trong những giây phút chết đi sống lại sẽ phần nào hé mở cho chúng ta những điều kì diệu, bí ẩn của sinh mệnh con người và vũ trụ.

Mỗi chúng ta vào lúc trăm tuổi lâm chung có ra đi mãi mãi hay không? Có lẽ vì thắc mắc bí ẩn đó mà không ít người có cảm giác sợ hãi với cái chết. Tuy nhiên, len lỏi đâu đó vẫn xuất hiện những câu chuyện thần kỳ về những người có trải nghiệm cận tử. Điều khó tin là những gì họ thuật lại gần như chính xác với những gì đã xảy ra vào thời điểm mà họ được cho là đã chết.

Anita Moorjani đã chống chọi với căn bệnh ung thư suốt 4 năm qua và gần đây là chứng bệnh ung thư hạch bạch huyết. Cô thực sự đã chết và ngay sau đó sống lại một cách vô cùng kì diệu. Điều tuyệt vời này khiến các bác sỹ điều trị cho cô cảm thấy ngỡ ngàng và khó tin. Cuối cùng họ kết luận rằng cơ thể của cô Moorjani đã có phản ứng tích cực với hóa trị liệu, giúp cô thoát chết và sống khỏe mạnh.

Đó là một ngày kinh hoàng và vô cùng tồi tệ khi cô Moorjani thức dậy và cảm thấy không thể tự nhấc nổi thân mình. Trong sự lo lắng tột độ, chồng của Moorjani đã gấp rút đưa cô tới bệnh viện. Tại đây cô được chẩn đoán mắc chứng ung thư hạch bạch huyết ở giai đoạn 4 và niềm hy vọng cũng nhanh chóng bị dập tắt khi cô biết mình chỉ còn sống trong vòng 36 tiếng. Toàn bộ nội tạng của cô bắt đầu trở nên suy yếu ngay sau đó.

2_2017-04-13.jpg


Cô Anita Moorjani đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư suốt 4 năm.

Khi Moorjani tỉnh lại, cô kể rằng cô có thể cảm thấy và nhận thức được mọi thứ xung quanh ngay sau khi bản thân mình mất đi ý thức. Cô có thể cảm nhận được cuộc trò chuyện giữa chồng cô và và các bác sỹ vào thời điểm đó.

Nhưng điều làm thay đổi cuộc sống của Moorjani chính là những trải nghiệm rõ ràng mà cô gặp sau đó.

“Tôi “đi xuyên” qua một chiều không gian khác. Tôi hoàn toàn được đắm mình trong tình yêu. Tôi cũng được trải nghiệm một cách chân thực lý do tại sao tôi lại bị bệnh ung thư; tại sao điểm dừng chân đầu tiên của tôi là thế giới này; trong an bài vạn sự vạn vật của đấng tối cao, vai trò của mỗi thành viên trong gia đình đối với tôi là gì, và cách thức cuộc sống đang diễn ra.”

“Cảm giác chân thực và thấu hiểu mà tôi có được trong trạng thái này gần như không thể miêu tả bằng lời. Ngôn từ không thể mô tả được trải nghiệm đó. Tôi đã ở một nơi mà tôi hiểu rằng nó vượt xa những gì mà chúng ta có thể nhận thức được trong thế giới ba chiều này. Tôi nhận ra cuộc sống này chính là món quà kỳ diệu, và có rất nhiều sinh mệnh nhân ái, luôn luôn tràn đầy tình yêu thương bao quanh tôi, những người luôn ở cạnh tôi ngay cả khi tôi không thể biết họ.”

Moorjani không chỉ thật sự trở về từ cõi chết, mà căn bệnh ung thư đã giết chết cô nay lại hoàn toàn biến mất. Các bác sỹ thậm chí còn không thể tin được điều đó, và họ đã buộc cô phải ở lại để thực hiện một loạt các cuộc xét nghiệm trước khi cho phép cô xuất viện.

“Các bác sỹ rất bối rối, nhưng họ nói với tôi rằng đó chắc chắn là phản ứng nhanh chóng đối với quá trình trị liệu. Bởi vì chính họ còn không hiểu nổi điều gì đang diễn ra, họ đưa tôi đi xét nghiệm liên tục, sau tất cả tôi đã vượt qua một cách đáng kinh ngạc. Rõ ràng các cuộc xét nghiệm đã khẳng định giúp tôi điều đó! Tôi đã quét toàn bộ cơ thể, và bởi vì họ không tin rằng họ không tìm thấy gì cả, nên họ lại tiến hành quét CT thêm lần nữa!”

Những người đã chết đi sống lại hoặc có kinh nghiệm cận tử thường được yêu cầu báo cáo về những cảm nhận và trải nghiệm tương tự của họ. Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Cận tử phân loại kinh nghiệm cận tử (NDE) là “một trải nghiệm chủ quan khác biệt được báo cáo sau khi cận kề cái chết. Trong trạng thái cận tử này, một người có thể chết lâm sàng, cận kề cái chết, hay cũng có thể trong một tình huống gần như chết hoàn toàn hoặc được cho là đã chết.”

Mặc dù các bác sỹ kết luận rằng cô Moorjani chỉ có một trải nghiệm cận tử đơn thuần, nhưng những gì mà cô đã kể vẫn khiến họ cảm thấy nó cực kỳ siêu thực.

Anita Moorjani từ đó thường được các kênh tin tức lớn “săn đón” và cô cũng từng xuất hiện trên bục diễn đàn TEDx để thuật lại những trải nghiệm cận tử kỳ diệu của chính mình.

3.png


“Chúng ta không cần phải đợi sau khi mình chết mới cảm nhận được thiên đường,” cô Moorjani chia sẻ.
Cô Moorjani đã chia sẻ với mọi người một trong những bài học lớn nhất cô nhận ra sau trải nghiệm sinh tử này: “Tôi nghĩ rằng chúng ta không cần phải đợi sau khi mình chết mới cảm nhận được thiên đường. Việc chúng ta có cảm nhận được thiên đường hay không liên hệ trực tiếp tới việc chúng ta yêu thương và trân trọng bản thân như thế nào.”

Phải chăng câu chuyện của cô Anita Moorjani đã phần nào giải đáp những câu hỏi mà chúng ta vẫn còn thắc mắc. Điều kỳ lạ là câu chuyện mà cô Moorjani kể đều có đặc điểm khá tương tự với rất nhiều trải nghiệm cận tử của nhiều nhân chứng khác nhau trên thế giới. Còn bạn, bạn sẽ nghĩ như thế nào sau câu chuyện này?

Theo Peacequarters

Hoàng Tuấn biên dịch
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cường [ Tôma ], Bác Phan T. Thái

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 2 weeks ago #62497

:gift

Câu chuyện về người giữ chìa khóa Nhà thờ Mộ Chúa.

Chìa khóa của một trong những nơi thiêng liêng nhất của Kitô giáo nằm trong tay của một gia đình Hồi giáo, và đây là thực tế tồn tại qua nhiều thế kỷ, phản ánh nét độc nhất vô nhị của thành cổ Jerusalem.

Hằng năm, Nhà thờ Mộ Chúa (Nhà thờ Mộ Thánh) mở cửa đón hàng ngàn khách hành hương từ mọi ngõ ngách của địa cầu, những người muốn ít nhất một lần trong đời có thể đến địa điểm được tương truyền là nơi táng xác Chúa Giêsu sau khi chịu khổ hình trên Thánh giá. Tuy nhiên, ít người biết được sự tồn tại của một gia đình luôn gánh trên vai trách nhiệm gác cổng nhà thờ, cũng như câu chuyện xa xưa đằng sau truyền thống được những thành viên của mỗi thế hệ gia tộc dành cả đời để thực hiện lời cam kết của tổ tiên.


2_2017-04-12-2.jpg

Cam kết ngàn năm.

Sau khi vua Hồi giáo Saladin tấn công thành Jerusalem vào năm 1187, cuộc tranh chấp đã nổ ra giữa các giáo hội Kitô về việc chọn ra người giữ chìa khóa của Nhà thờ Mộ Thánh. Vua Saladin đã can thiệp và ra lệnh giao chìa khóa cho gia đình Ghodayya Hashemite. Theo các tư liệu lịch sử, gia đình Hồi giáo này nhận được sự tin tưởng của toàn bộ các giáo hội Kitô thời đó trong việc giữ gìn chiếc chìa khóa mở vào địa điểm linh thiêng. Và qua nhiều thế kỷ, luôn có một thành viên của gia đình Ghodayya cần mẫn với công việc mở cửa, đóng cửa và canh gác nhà thờ mỗi ngày.

Bên cạnh vai trò giữ chìa khóa, ông Adib Joudeh al-Husseini al-Ghodayya còn đảm nhận vị trí quan trọng khác: người giữ Triện Nhà thờ Mộ Thánh, theo chiếu chỉ của vua Hồi giáo Ottoman Suleiman. Vào ngày lễ Phục Sinh mỗi năm, các giáo sĩ sẽ đi vào Edicule, ngôi nhà nhỏ nằm bên trong nhà thờ lớn, kiểm tra xem có để sót bất kỳ vật liệu gây cháy nào không. Sau đó họ ra ngoài, cửa mở đến ngôi mộ được đóng lại và sáp ong được gắn lên. Kế đến, ông Adib Joudeh sẽ ấn triện riêng lên phần sáp, chính thức niêm phong nơi này.

Adib Joudeh al-Husseini al-Ghodayya, người chịu trách nhiệm giữ chìa khóa hiện nay, đã kể lại vua Saladin đã trấn an các Kitô hữu thời đó rằng sẽ vẫn bảo toàn các điện thờ và những công trình quan trọng của Kitô giáo tại Jerusalem. Ông Adib Joudeh cho biết, tổ tiên của mình là gia đình quý tộc Palestine, được tin tưởng trao cho công việc giữ chìa khóa cũng như tài sản vô giá bên trong nhà thờ. Và con cháu vẫn tiếp nối gánh vác trọng trách truyền thừa từ cả ngàn năm qua. Trong ngôi nhà tổ, ông Adib Joudeh vẫn còn giữ những bức ảnh chân dung của cha ông thời xưa, những người được sinh ra để gác Nhà thờ Mộ Thánh. Gia đình cũng truyền lại nhiều chiếu chỉ do các thế hệ vua Hồi giáo ban bố để phân chia công việc cho các thành viên. Tổng cộng ông còn giữ được hơn 165 chiếu chỉ, viết trên giấy da cừu và ký bằng mực vàng. Chiếu chỉ lâu đời nhất vẫn còn được bảo quản là vào năm 1517.

3_2017-04-12-2.jpg


Mỗi ngày, ông Adib Joudeh lại mở cửa vào 4 giờ sáng và đóng vào 20 giờ 30, chưa từng trễ nải. “Đó là di sản tổ tiên”, ông Adib Joudeh mỉm cười trả lời thắc mắc của phóng viên đài CNN. Ông cho biết: “Đây không phải là vinh dự dành riêng cho gia đình tôi, mà là vinh dự chung cho mọi người Hồi giáo trên thế giới này”. Trên thực tế, hiện có hai chìa khóa làm bằng gang, có chiều dài khoảng 30 cm, với một đầu hình tam giác và đầu còn lại hình vuông. Chiếc chìa mới hơn cũng được ít nhất 500 tuổi, được sử dụng kể từ khi chiếc chìa cũ bị gãy sau nhiều năm sử dụng. “Chiếc này đã hơn 850 năm tuổi”, ông Adib Joudeh cho biết.

Hai gia đình Hồi giáo

Kể từ năm 1752, tổng cộng 6 giáo hội, bao gồm Công giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp, Chính Thống giáo Armenia, Chính Thống giáo Syria, Giáo hội Kitô Ả Rập, và Ethiopia, cùng chia nhau quyền quản lý Nhà thờ Mộ Thánh theo một thỏa ước vô cùng rắc rối. Đó cũng là lý do khiến trách nhiệm giữ chìa khóa rơi vào tay gia đình ông Adib Joudeh. Tuy nhiên, ông Adib Joudeh không phải là người duy nhất trong thế hệ của gia tộc đảm nhiệm nghĩa vụ vô cùng quan trọng này. Dù ông chịu trách nhiệm bảo vệ và giữ chìa khóa, một gia đình Hồi giáo khác đóng vai trò mở cửa Nhà thờ Mộ Thánh và cho phép các giáo sĩ và người hành hương ra vào nơi này. Đó là gia đình của ông Wajeeh Nuseibeh. Mỗi sáng, ông Nuseibeh đến sớm, nhận chìa khóa từ ông Adib Joudeh, trèo lên thang gỗ để mở ổ khóa trên cùng. Kế đến, ông bước xuống thang để mở nốt ổ khóa bên dưới, và cuối cùng đẩy cánh cửa nặng nề ra để đón khách hành hương. Đến tối, quy trình này lập lại nhưng đảo ngược, và cánh cửa mở đến
Mộ Chúa khép lại.

4_2017-04-12-2.jpg


Từ cha mình, ông Adib Joudeh đã học được bổn phận và trách nhiệm bảo quản chìa khóa mang dấu tích lịch sử, và ông sẽ truyền lại nó cho con cháu như tổ tiên trước đó: “Cái mà chúng tôi chuyển giao cho các thế hệ sau này không chỉ là một chiếc chìa khóa, mà đó là cách mà chúng ta cần phải tôn trọng các tôn giáo khác biệt”. Thỏa thuận giữa gia đình ông Adib Joudeh và các giáo hội Kitô trước đây đã giúp xây dựng nên sự hợp tác giữa các tôn giáo: “Đối với tôi, nguồn gốc của tinh thần liên đới giữa Hồi giáo và Kitô giáo chính là Nhà thờ Mộ Thánh. Chúng ta cùng tồn tại và truyền lại hòa bình cũng như tình thương, lòng bác ái”. Ông Adib Joudeh quan niệm rằng, truyền thống trên vẫn tồn tại đến ngày nay, và ông có trách nhiệm phải tiếp tục guồng quay của lịch sử.

Trước câu hỏi cảm thấy như thế nào khi được trao trách nhiệm giữ chìa khóa Nhà thờ Mộ Thánh cả đời, và không nhận bất cứ thù lao nào, ông Adib Joudeh nói: “Đây là ngôi nhà thứ hai của tôi. Khi tôi nhìn cánh cổng, tôi có thể thấy các ông cố, ông sơ của mình. Tôi có thể thấy vua Hồi giáo Saladin đang đứng trước cánh cổng đó”.

LING LANG

Nguồn tin: cgvdt.vn:
Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 2 weeks ago #62495

:search

Bức thư Einstein gửi con gái tiết lộ về thứ năng lượng mạnh mẽ, kỳ lạ nhất thế giới

Einstein, tác giả của công thức năng lượng huyền thoại: E=mc2, từng thừa nhận mình vẫn chưa thể hiểu nổi một thứ năng lượng khác thậm chí còn bí ẩn hơn. Trong bức thư gửi cô con gái yêu Lieserl, nhà bác học vĩ đại đã mô tả rất kỹ về nó.

1_2017-04-12.jpg


Albert Einstein.

Người ta nói, cái tên “Einstein” đồng nghĩa với từ “thiên tài”. Quả vậy, Albert Einstein và thuyết tương đối chính là một trong hai cột trụ của vật lý hiện đại. Thuyết tương đối rộng trở thành nền tảng cho rất nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại.

Nhưng Einstein không chỉ là một cỗ máy tư duy đơn thuần. Hơn hết, ông là một con người đúng nghĩa, đầy xúc cảm và đức tin. Một nhà nghiên cứu đã viết về ông như thế này: “Ông hầu như không có bản chất phức tạp và sự trần tục… Luôn luôn ở trong ông là sự thuần khiết tuyệt vời lúc như đứa trẻ, lúc thì uyên thâm bướng bỉnh”. Cả cuộc đời mình, Einstein đã xuất bản hàng trăm đầu sách, bài báo, nghiên cứu khoa học. Nhưng ông cũng không hề phủ nhận đức tin của mình với tín ngưỡng, tinh thần, về Chúa.

Bởi tin vào Chúa nên ông rất tin vào tình yêu, sự bao dung. Trong bức thư gửi cho cô con gái Lieserl của mình, Einstein khẳng định: “Tình yêu chính là chúa và chúa cũng chính là tình yêu”. Trong suốt những năm tháng cuộc đời, ông đã gửi cho con mình 1400 bức thư. 20 năm sau khi Einstein qua đời, những dòng ấy đã được công bố rộng rãi. Dưới đây, xin được gửi tới quý độc giả một trong số những lá thư như vậy.

“Khi cha giới thiệu về thuyết tương đối, có rất ít người hiểu được cha. Cha hiểu thứ mà cha giới thiệu sẽ gây khó hiểu với thế giới hiện tại. Hãy lưu giữ bức thư này càng lâu càng tốt và chỉ đưa nó ra khi xã hội đủ phát triển để hiểu và chấp nhận những gì cha nói dưới đây. Đây là một trong những năng lượng mạnh mẽ nhất trên thế giới, mạnh tới nỗi mà khoa học chẳng thể chứng minh nổi.

Loại năng lượng này xuất hiện ở khắp mọi nơi, ảnh hưởng tới tất cả mọi người và thậm chí xuất hiện đằng sau những hiện tượng không thể lý giải nổi trên Trái Đất.

Năng lượng này chính là tình yêu. Khi các nhà khoa học nghiên cứu về vũ trụ, họ đã quên mất loại năng lượng không thể nhìn thấy này.

Tình yêu là ánh sáng, nó soi sáng những người cho đi và nhận về. Tình yêu là trọng lực, bởi vì nó khiến người ta xích lại gần nhau hơn.

Tình yêu là sức mạnh, bởi nó tổng hợp tất cả những thứ tốt nhất mà chúng ta có, cho phép con người không đắm chìm trong sự ích kỉ mù quáng. Tình yêu gợi mở mọi vấn đề.

Vì tình yêu mà chúng ta sống, rồi chết. Tình yêu chính là Chúa và Chúa cũng chính là tình yêu.

2_2017-04-12.jpg


Einstein và các con mình. (Ảnh qua: Pahoo.az).

Năng lượng đặc biệt này giải thích tất cả mọi điều và gieo ý nghĩa vào cuộc sống. Chúng ta đã bỏ mặc nó quá lâu, có thể vì chúng ta sợ phải yêu thương bởi nó là năng lượng duy nhất trên đời con người không điều chỉnh được.

Để nhìn thấy được tình yêu, cha đã thay đổi một chút trong công thức của mình. Thay vì E=mc2, chúng ta chấp nhận rằng năng lượng để phục hồi thế giới có thể thu được qua chỉ số tình yêu nhân với tốc độ ánh sáng. Có thể thấy rằng chẳng có đáp số đúng vì tình yêu không có giới hạn.

Nếu chúng ta muốn giống loài của mình tồn tại, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Nếu chúng ta muốn cứu Trái Đất cùng tất cả những sinh vật tồn tại trên đó, tình yêu là thứ duy nhất, đáp án chính xác nhất của vấn đề. Có thể chúng ta chưa sẵn sàng để tạo ra những quả bom tình yêu và thả nó đi khắp thế giới hay một thiết bị đủ mạnh để có thể huỷ diệt sự hận thù, ích kỉ hay lòng tham đang tàn phá thế giới.

Thế nhưng, mỗi người đang mang trong mình một cỗ máy mạnh nhất thế gian, một cỗ máy tình yêu chỉ chờ để được sử dụng. Chúng ta học cách cho đi và nhận lại thứ năng lượng diệu kì này.

Lieserl thân mến, tình yêu sẽ vượt lên tất cả, nó có thể trung hoà mọi thứ vì tình yêu là tinh hoa của cuộc sống này.

Cha rất hối hận vì đã không thể mô tả hết những gì trong trái tim mình, thứ luôn yếu ớt đập trong suốt cuộc đời cha. Có lẽ đã quá muộn để xin lỗi, thế nhưng thời gian chỉ có tính tương đối, cha cần nói với con rằng cha yêu con và cám ơn con, cha đã tìm thấy câu trả lời chính xác nhất!

Cha, Albert Einstein”.


3_2017-04-12.jpg


Chân dung Einstein. (Ảnh: Forbes).

Tình yêu có thể hàn gắn thế giới

Trong một bài hát nổi tiếng của mình có tên “Heal the wolrd”, Michael Jackson đã hát lên những ca từ rất đẹp, rất nhân văn thế này: “Heal the world. Make it a better place. For you and for me. And the entire human race” (Tạm dịch: Hãy hàn gắn lại thế giới và biến nó trở thành nơi chốn tươi đẹp hơn cho bạn, cho tôi, cho toàn bộ nhân loại này).

Bản thân Einstein vốn là một nhà khoa học, tin theo những định luật vật lý hết sức thực tại nhưng cũng đã nhận ra tình yêu thương là một loại lực không thể lý giải. Ông có thể chứng minh những lý thuyết, định lý, những con số, công thức nhưng không thể nào giải nghĩa được tình yêu. Vì thế ông đã viết: “Cha hiểu thứ mà cha giới thiệu sẽ gây khó hiểu với thế giới hiện tại. Hãy lưu giữ bức thư này càng lâu càng tốt và chỉ đưa nó ra khi xã hội đủ phát triển để hiểu và chấp nhận những gì cha nói dưới đây”.

Einstein đã gọi tình yêu là một loại “lực”, đồng nghĩa với việc ông coi nó như một dạng tồn tại vật chất. Và nếu điều đó là thật thì tất cả các quan niệm cũ của khoa học đều sẽ bị đảo ngược. Khoa học và các thuyết vô thần lâu nay vẫn quan niệm vật chất và tinh thần là hai yếu tố phân biệt rõ ràng, có tính chất trái ngược nhau và vật chất quyết định tinh thần, ý thức. Tuy nhiên rất nhiều người đã nhận thấy rằng tinh thần thực sự có thể ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ đến vật chất. Trong mỗi sự vật, hiện tượng, tinh thần và vật chất là cùng tồn tại đồng thời.

4_2017-04-12.jpg


Albert Einstein và vợ Elsa Lowenthal. (Ảnh: Pinterest).

Tình yêu thương, khi đạt đến một mức độ đủ lớn thực sự sẽ tạo thành một loại vật chất ước chế con người. Chính Einstein đã nhận rằng: “Để nhìn thấy được tình yêu, cha đã thay đổi một chút trong công thức của mình. Thay vì E=mc2, chúng ta chấp nhận rằng năng lượng để phục hồi thế giới có thể thu được qua chỉ số tình yêu nhân với tốc độ ánh sáng”.

Chúa Jesus từng răn dạy các con chiên của mình: “Nhưng các con hãy yêu kẻ thù mình, hãy làm ơn, và hãy cho mượn mà đừng mong trả lại”. Còn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng luôn dạy phải hành thiên, tích đức, từ bi với tất cả chúng sinh.

Khổng Tử bàn rằng: “Nơi ở có những người nhân ái là tốt nhất. Nếu chọn ở nơi không có người nhân ái thì làm sao có thể nói đó là bậc trí giả?”. Còn Mặc Tử (một triết gia thời Chiến Quốc) thì chủ trương “kiêm ái” (nghĩa là yêu thương tất cả mọi người), đồng thời cực lực phản đối chiến tranh, bạo lực.

Theo ĐKN
Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 2 weeks ago #62492

:search

NASA sắp họp báo công bố thế giới chứa đại dương trong hệ Mặt trời.

By on April 11, 2017

Buổi họp báo sắp tới của NASA sẽ chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về những thế giới đại dương trong hệ Mặt trời từ phát hiện của tàu vũ trụ Cassini và kính viễn vọng vũ trụ Hubble.


95_he-mat-troi.jpg


NASA sắp họp báo công bố thế giới chứa đại dương trong hệ Mặt trời
Buổi họp báo của NASA sẽ tập trung vào thế giới đại dương trong hệ Mặt trời. (Ảnh: NASA).

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tổ chức buổi họp báo vào 2h sáng ngày 14/4 (giờ Việt Nam) nhằm công bố thông tin về những thế giới chứa đại dương trong hệ Mặt trời, theo Independent. Phát hiện sẽ cung cấp thêm dữ liệu cho phép nghiên cứu sâu hơn sự sống ngoài Trái đất, đồng thời ảnh hưởng tới kế hoạch khám phá những thế giới đại dương trong tương lai.

NASA thường tổ chức họp báo khi có công bố đặc biệt cần chia sẻ với công chúng. Hai buổi họp báo gần đây nhất bao gồm phát hiện nước trên sao Hỏa và hệ mặt trời có thể tồn tại sự sống ở gần Trái đất.

Theo NASA, phát hiện mới sẽ tập trung vào hệ Mặt Trời, trong đó có phát hiện từ tàu vũ trụ Cassini quay quanh sao Thổ và kính viễn vọng vũ trụ Hubble.

Sự kiện sẽ được phát trực tiếp với ý kiến từ nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Buổi họp báo có sự tham dự của các thành viên cao cấp trong sứ mệnh Cassini và các chuyên gia về sinh vật học vũ trụ.

Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 2 weeks ago #62490

:email2

Turin: Tấm vải liệm thi thể Chúa Giê-su gây tranh cãi khi chứa ADN từ khắp thế giới.

1_2017-04-11-2.jpg

Tấm vải liệm Turin: hình ảnh khuôn mặt trên tấm vải đã được xử lý kỹ thuật số [bên trái] và hình ảnh toàn thân được nhìn thấy trên tấm vải liệm [bên phải]

Tấm vải Turin vốn được rất nhiều người cho là tấm vải khâm liệm thi thể chúa Giê-su, nhưng những người theo chủ nghĩa hoài nghi lại chỉ coi nó là một hiện vật tôn giáo có ý nghĩa lịch sử to lớn. Tấm vải liệm Turin đã thu hút được sự quan tâm của các học giả lẫn các nhà khoa học nhờ vào bản chất bí ẩn của nó. Các kết quả xét nghiệm ADN được bổ sung vào hồ sơ nghiên cứu gần đây chỉ có thể làm tăng thêm phần kỳ bí, huyền ảo cho nguồn gốc của tấm vải liệm này.

Tấm vải liệm Turin, một mảnh vải dệt nhạt màu có chiều dài khoảng 4,5 m, có thể được xem như một món đồ vật tầm thường với những vết ố màu nâu đỏ đặc thù ở cả hai mặt trước và sau. Hình ảnh một người đàn ông nằm sấp với đôi tay bắt chéo có thể được nhìn thấy trên tấm vải này, với cả hai mặt trước và mặt sau của cái đầu được chập lại chính xác ở giữa tấm vải, cho thấy tấm vải này đã được dùng để chùm lên mặt trước và mặt sau của một xác chết để trần. Vô số vết thương khủng khiếp trên cơ thể đã được hé lộ thông qua những hình ảnh trên tấm vải, từ những vết cắt cho đến những vết đục, vết móc và vết lằn roi. Những hình ảnh này đã cho thấy một cách rõ ràng bằng chứng của việc bị đóng đinh lên cây thập tự giá như trong miêu tả của Kinh thánh về cái chết của chúa Giê-su.

2_2017-04-11-2.jpg


Chiều dài toàn khổ của Tấm vải liệm Turin. Các nhà khoa học và các học giả chưa thể giải mã bí ẩn đằng sau tấm vải liệm này. (Ảnh: Wikimedia)

Lịch sử bị che giấu của Tấm vải liệm

Dựa trên các tư liệu lịch sử, niên đại ước định của tấm vải liệm này là vào khoảng cuối những năm 1.300, hay vào khoảng cuối thế kỷ 14. Các học giả tranh luận rằng tấm vải liệm này đã có từ trước năm 1.390, và miêu tả thời kỳ trước đó là một “giai đoạn vô cùng tăm tối”. Ngay cả vào thời kỳ trung cổ cũng đã có những quan điểm bất đồng về tính xác thực của tấm vải liệm, những văn bản trao đổi trong cộng đồng chức sắc nhà thờ vào thời kỳ đó gợi ý rằng đây có thể là một món đồ giả mạo. Tuy nhiên, các nhà sử học cũng đưa ra giả thuyết cho rằng trong quá khứ đã tồn tại nhiều “tấm vải liệm” như vậy, và những cáo buộc giả mạo có thể không liên quan đến tấm vải được tìm thấy ngày nay trong nhà thờ thành Turin, nước Ý.

Kể từ thế kỷ 15, sự tồn tại của tấm vải liệm này đã được ghi chép chi tiết trong các tài liệu. Tấm vải này đã được chuyển nhượng cho Gia tộc Savoy ở Ý vào năm 1453, và đã bị thiệt hại trong một trận hoả hoạn. Việc đắp vá và phục chế hiện vật này đã được tiến hành nhiều lần sau đó. Tấm vải này đã được đặt bên trong một nhà nguyện vào thế kỷ 17, nhưng phải đến 200 năm sau nó mới được đem ra trưng bày cho công chúng, và được chụp ảnh lần đầu.

3_2017-04-11.jpg


Toàn khổ ảnh chụp âm bản của Tấm vải liệm Turin. (Ảnh: Wikimedia)

Chính những bức ảnh chụp này đã biến tấm vải từ chỗ một di vật bình thường lên thành một hiện tượng ăn khách. Những bức ảnh này tự bản thân chúng không quá đặc biệt, cho đến khi được quan sát dưới dạng ảnh chụp âm bản, khi hình ảnh chi tiết của một người đàn ông để râu, bị trọng thương hiện lên một cách rõ nét. Trước đó đã có giả thuyết cho rằng những vết ố và hình người này đã được một nghệ sĩ vẽ lên tấm vải lanh vào một thời điểm nào đó trong lịch sử, nhưng việc phát hiện được một hình ảnh thân thể chi tiết được in hình lên tấm vải đã nhanh chóng làm xóa tan những sự ngờ vực và thuyết phục rất nhiều người tin rằng các hình ảnh nói trên đã hình thành do tiếp xúc với một thân xác người thật. Một số tín đồ Công giáo tin rằng hình ảnh này được truyền tải từ thân thể Chúa Giê-su sang tấm vải nhờ sự phát xuất của một “luồng ánh sáng thần thánh” hay năng lượng khi Ngài phục sinh.

4_2017-04-11.jpg


Một áp-phích quảng cáo trong cuộc triển lãm tấm vải liệm Turin vào năm 1898. Bức ảnh được Secondo Pia chụp vài tuần sau đó đã không được đưa vào áp-phích do quá hạn định. Hình ảnh trên tấm áp-phích có in một hình mặt người đã được vẽ, chứ không phải được lấy từ bức ảnh chụp của Pia. (Ảnh: Wikimedia)

Nếu đây thực sự là tấm vải liệm bọc thi thể Chúa Giê-su, thì nó phải có niên đại từ năm 30 SCN, niên đại ứng với cái chết của Chúa Giê-su theo ghi chép trong kinh Thánh. Tuy nhiên, niên đại này lại mâu thuẫn với những tư liệu lịch sử về sau, cũng như các kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại đươc tiến hành trên hiện vật.

Những phân tích khoa học và các tiết lộ gây chấn động

Một loạt các thí nghiệm đã được tiến hành trên tấm vải liệm kể từ khi các nhà khoa học lần đầu tiên được cho phép khám nghiệm nó vào năm 1969, bao gồm các thí nghiệm vật lý, các phân tích hoá học và việc định tuổi bằng đồng vị phóng xạ cacbon. Những phân tích ban đầu đã dẫn tới việc thành lập một Uỷ ban Turin bao gồm 11 thành viên là các nhà khoa học, cố vấn, và vào năm 1977 Dự án Nghiên cứu Tấm vải liệm Turin (STURP) đã được ra đời.

Những phát hiện của họ, dựa trên một loạt các thí nghiệm khắt khe, đã được công bố trong một báo cáo tổng kết vào năm 1981, trong đó có đoạn:

“Giờ đây chúng tôi có thể kết luận rằng hình ảnh trên Tấm vải liệm là hình dạng thực của một người đàn ông khốn khổ đã bị đóng đinh lên cây thập tự giá. Đây không phải là tác phẩm của một nghệ sĩ. Các vết máu khô có chứa trong thành phần của nó hồng cầu (hemoglobin), đồng thời cho kết quả dương tính đối với thử nghiệm huyết thanh albumin. Hình ảnh này vẫn tiếp tục là một ẩn đố và cho đến khi có thêm nhiều các nghiên cứu hoá học nữa được tiến hành, có lẽ bởi nhóm các nhà khoa học này, hoặc có lẽ bởi các nhà khoa học khác trong tương lai, thì vấn đề này sẽ vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải”.

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu vết của phẩm màu nhân tạo, có nghĩa là hình ảnh nói trên được tạo ra bởi một thi thể người thật, nhưng cách thức điều này xảy ra vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Kết quả định tuổi tấm vải bằng đồng vị phóng xạ carbon 14 cho thấy chất liệu của tấm vải liệm này có niên đại trong khoảng giai đoạn 1260-1390 SCN, một phát hiện gây chấn động, mâu thuẫn với thời điểm qua đời của Chúa Giê-su. Nhưng những người theo chủ nghĩa phê phán cho rằng mẫu vải được xét nghiệm đã được lấy từ những miếng vá gần đây hơn, chứ không phải từ tấm vải gốc.

Bổ sung thêm vào hồ sơ các phát hiện kỳ lạ về tấm vải liệm bí ẩn này, các nhà nghiên cứu người Ý hiện đã phát hiện thấy tấm vải này có thể đã được dệt tại Ấn Độ, và chứa ADN từ khắp nơi trên thế giới. Thông qua việc xác định trình tự (giải trình tự) ADN từ bụi và phấn hoa trên tấm vải liệm, người ta có thể biết được nguồn gốc của những chủng người và các hoàn cảnh môi trường mà tấm vải này từng tiếp xúc.

Kết quả phân tích DNA cho thấy tấm vải có thể đã được sản xuất ở Ấn Độ, và đã đi qua nhiều nơi trên thế giới trước khi đến nước Ý vào thời trung cổ, làm dấy lên nhiều giả thuyết tiềm năng về một nguồn gốc châu Âu thời trung cổ của tấm vải.

Một số loài cây thực vật đã được xác định thông qua quá trình giải trình tự DNA bao gồm cây đuôi ngựa (horsetail), cỏ ba lá, cỏ dại (ryegrass), cây riếp xoăn (chicory), những loại cây có nguồn gốc ở châu Á, Trung Đông hay châu Mỹ.

5_2017-04-11.jpg


(Ảnh: Anja Disseldorp/Flickr)
Thi thể bọc bên trong
Các vết ố có thể là những vết thương và máu của một người đàn ông đã chết. Những hình ảnh trên tấm vải đã cho thấy một thi thể bị huỷ hoại bởi các vết cắt trên hầu khắp bề mặt; những vết thương do đâm xuyên, khoét lỗ và vết cắt thẳng có thể được nhìn thấy. Có thể nhìn thấy một vết đâm lớn hình tròn trên bàn tay, cũng như các vết thương lớn do đâm xuyên trên bàn chân.

6_2017-04-11.jpg


Tấm vải liệm Turin nổi tiếng, một thánh tích tôn giáo bí ẩn. (Ảnh: Wikimedia)

Khuôn mặt để râu của người đàn ông đã bị sưng tấy và biến dạng do bị đánh đập tàn bạo. Các vết máu ố dường như có mặt ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở gần vùng mặt và ở cả hai cánh tay.

Câu hỏi trong các câu hỏi – bằng cách nào?

Dù đã tiến hành nhiều thử nghiệm khoa học, nhưng không một câu trả lời thoả đáng nào có thể được đưa ra về cách thức hình ảnh xuất hiện và lưu giữ trên trên tấm vải liệm, ngoại trừ việc đây hẳn là một phép màu, chí ít theo quan điểm của một số người sùng đạo. Các nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng những hình ảnh này không phải được vẽ lên, mà đã được thẩm thấu vào bên trong sợi vải.

Đã vô số nỗ lực nhằm tái tạo những hình ảnh này, và lặp lại quá trình thẩm thấu khác thường của màu sắc vào bên trong sợi vải, nhưng đều không thành công. Nhà vật lý học Paolo Di Lazzaro, một chuyên gia đầu ngành về hiện tượng tấm vải liệm, đã gọi đây là “câu hỏi trong các câu hỏi”: hình ảnh này đã được tạo ra bằng cách nào?

Ông Di Lazzaro và các đồng nghiệp đã sử dụng công nghệ laze tiên tiến nhất để bắn các chùm tia cực tím ngắn, có cường độ mạnh vào một tấm vải thô để thử tái tạo các hình ảnh trên tấm vải liệm. Rốt cuộc họ đã không thành công trong việc tạo ra một sản phẩm có chất lượng tương tự bản gốc, thậm chí họ còn không thể tái tạo hoàn chỉnh một cơ thể người. Bất kể tấm vải có niên đại từ bao lâu, khoa học cũng không thể tạo ra một bản sao tương tự. Vậy hiện vật này đã được tạo ra như thế nào vào rất nhiều năm về trước?

“Ít có khả năng khoa học sẽ cung cấp một cách giải thích toàn diện cho rất nhiều ẩn đố của tấm vải liệm này. Một “cú nhảy của đức tin” là điều cần thiết để đối mặt với các câu hỏi không có câu trả lời rõ ràng như thế – dù cho đó là ‘niềm tin’ của những người theo chủ nghĩa hoài nghi hay niềm tin của những người theo đạo”, ông Di Lazarro nói trong một cuộc trao đổi gần đây với tạp chí Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic).

Tính chân thực của tấm vải chưa từng được Giáo hội Công giáo Rôma xác nhận một cách chính thức. Tấm vải này chỉ được Giáo hoàng John Paul II miêu tả là một “sự phản ảnh của kinh phúc âm”, và thậm chí là một “thánh tích đặc biệt”. Tuy nhiên, Giáo hội đã khuyến khích việc tỏ lòng thành kính đối với hiện vật này, và tấm vải đã được bảo vệ và tỏ lòng thành kính bởi các tín đồ sùng đạo qua nhiều thế kỷ.

Tấm vải này hiện đang được trưng bày bên dưới lớp kính chống đạn bên trong một cái tủ kính kín khí, có lắp điều hòa để duy trì tình trạng nhiệt độ tốt nhất cho việc bảo quả tại thành phố Turin ở miền bắc nước Ý, và được bảo vệ bằng các máy quay camera, các thiết bị bay không người lái cùng lực lượng cảnh sát.

7_2017-04-11.jpeg


Giáo hoàng Francis chạm vào tấm vải liệm Turin trong một chuyến thăm vào ngày 21/6/2015. (Ảnh: Giorgio Perottino/Reuters)

Khoa học có thể tiến gần hơn đến nguồn gốc của tấm vải liệm, cũng như hành trình của nó kể từ thời Trung cổ, nhưng các nhà nghiên cứu dường như không thể tiếp cận gần hơn đến việc giải mã bản chất chân thực của thánh tích này. Philip Ball, cựu biên tập viên của tạp chí khoa học Tự nhiên (Nature) đã từng nói bóng gió về thách thức trường kỳ của tấm vải liệm: “Công bằng mà nói, bất chấp các thí nghiệm dường như đã đi đến kết luận cuối cùng vào năm 1988, hiểu biết về Tấm vải liệm Turin vẫn còn rất mờ mịt. Chí ít, bản chất của hình ảnh và cách thức nó được “in” lên tấm vải vẫn còn là một ẩn đố vô cùng khó giải”. Ẩn đố này vẫn chưa được giải đáp sau hàng thập kỷ đã qua, khiến Tấm vải liệm Turin giữ nguyên danh hiệu của nó là một trong những thánh tích gây nhiều tranh cãi và khó hiểu nhất nhất trong lịch sử.

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins.
Xem bài gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch
Last Edit: 7 years 2 weeks ago by Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 2 weeks ago #62487

:gift

Áo choàng của Chúa được trưng bày tại Pháp.

Thứ hai - 10/04/2017 12:14

Chiếc áo Chúa Kitô có lẽ đã mặc vào những giờ cuối đời tại thế, đã được trưng bày cho các tín hữu tôn kính, tại thánh đường Argenteuil, vùng Val d’Oise, ngoại ô thủ đô Paris của Pháp. Đây là cách thức độc đáo để bước vào Tuần Thánh.

Chúa nhật 2.4, từ 10 đến 17 giờ, Vương Cung Thánh Đường Argenteuil đã tổ chức một ngày cầu nguyện nhằm tôn kính chiếc Áo choàng Thánh, với đỉnh cao là thánh lễ trọng thể lúc 11 giờ, do Đức cha Hervé Giraud, Tổng Giám mục giáo phận Sens-Auxerre, chủ tế. Năm 2016, việc trưng bày Áo choàng Thánh - được trải rộng ra lần đầu kể từ 1984 - đã cuốn hút khoảng 200.000 tín hữu.

1_2017-04-11.jpg


Áo choàng của Chúa được trưng bày tại Pháp

Lần này, chiếc áo không được trải ra vì quá dễ hư tổn do sự tàn phá của thời gian. Và theo nguyên tắc, Áo Thánh chỉ được trải ra hai lần mỗi thế kỷ. Tuy nhiên, chiếc áo đã được lấy ra khỏi hòm thánh tích, được đoàn kỵ sĩ nhà thờ Mộ Chúa rước đi giữa lòng thánh đường, rồi đặt ra cho tín hữu kính viếng.

Cha Guy-Emmanuel Carriot, quản đốc thánh đường Argenteuil, muốn duy trì lòng thành kính của các tín hữu, do thánh tích quý báu này mang lại trong suốt năm. Có lẽ Chúa Kitô đã mặc chiếc áo choàng ấy trong khi chịu nạn. Giữa lòng giáo đường, một cuộc hành hương nhỏ đặc biệt giúp ta đi qua một hành lang gồm các bức bích họa mô tả câu chuyện chiếc Áo choàng Thánh theo Phúc Âm, trước khi dẫn đến hòm thánh tích. Những buổi tối cầu nguyện xin ơn chữa lành được tổ chức quanh năm.


2_2017-04-11.jpg


áo của Chúa

Theo ông Thibaut Dary, phụ trách truyền thông về các sự kiện liên quan đến việc tôn kính chiếc Áo choàng ở Argenteuil, chúng ta cần có sự quân bình trong việc sùng kính thánh tích này. Nếu thánh tích được đưa ra cho công chúng tôn kính là điều tốt, thì không nên biến việc đó thành ngẫu tượng: “Áo choàng ở Argenteuil thật độc đáo, tuy nhiên nó có thể dẫn đến lòng sùng mộ lệch lạc dành cho một vật thể; trong khi đó chỉ là một dấu chỉ, chứ không phải là một chủ thể để tôn thờ”. Để biểu lộ sự cẩn trọng này, trong giờ chầu Thánh Thể, sau thánh lễ ngày 2.4, lúc 12g30, hòm thánh tích đã được dời về vị trí cũ, để các tín hữu không thờ lạy trước Áo Thánh, nhưng trước Mình Thánh Chúa mà thôi.

Đại đa số khách hành hương đều chứng tỏ cách xử sự đúng đắn và trưởng thành, nhưng điều này không loại trừ sự sùng bái ngày càng gia tăng. Năm 1984, trong lần trưng bày áp cuối, khoảng 80.000 khách đã đến thánh đường Argenteuil. Năm 2016, con số này tăng gấp đôi. Mão gai Thánh lưu trữ tại nhà thờ Đức Bà Paris được trưng bày thường xuyên hơn. Do đó, không gì có thể ngăn cấm các tín hữu đề xuất tổ chức sự kiện nhiều hơn về chiếc Áo choàng của Chúa Giêsu. Đức cha Stanislas Lalanne, Giám mục giáo phận Pontoise, đồng thời là “Người bảo vệ Áo choàng Thánh” sẽ xem xét việc tổ chức cuộc trưng bày mới trước năm 2034.

VIẾT HIỆP (theo Aleteia)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 3 weeks ago #62478

Hàn Mạc Tử được biết là chủ nhân của Chị Hằng.
Người Mỹ và người Nga chỉ là khách thăm viếng Chị Hằng mặt trăng.Hàn Mặc Tử từng rao bán mặt trăng nhưng tới giờ này chưa có ai mua
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco)

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 3 weeks ago #62474

:musicband

HÀN MẠC TỬ - Ave Maria

Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22 Septembre 1912 ở Lệ Mỹ (Đồng Hới), mất ngày 11 Novembre 1940, trú ngụ ở Qui nhơn từ nhỏ. Nhà nghèo, Cha mất sớm. Học trường Qui Nhơn đến năm thứ ba. Làm sở Đạc điền một độ, bị đau rồi mất việc. Vào Nam làm báo ít lâu lại trở về Qui Hoà. Kế đó mắc bệnh hủi, đưa vào nhà thương Qui Hoà rồi mất ở đó.

Làm thơ từ ngày mười sáu tuổi (lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh). Đến năm 1936, khi chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử.
Đã đăng thơ: Phụ nữ tân văn Saigon, Trong khuê phòng, Đông Dương tuần báo, Người mới.
Đã xuất bản: Gái quê (1936). (Thi Nhân Việt Nam)


Ave Maria

Như sóng lộc triều nguyên: ơn phước cả,
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng.
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung-hô câu đường hạ ngớp châu sa.
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa:
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

MARIA! Linh hồn tôi ớn lạnh,

Run như run thần tử thấy long nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng...
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ:
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua,
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị...
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một vạn hào quang...

Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan.
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ,
Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả,
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh,
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới...
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi,
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khôn khen.
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú,
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, - bằng hương hoa sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng,
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?

Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh.
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý,
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh

Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp,
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không,
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước...

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm,
Thơ trong trắng như một khối băng tâm,
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu,
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương,
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng,
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chung Mẹ Sầu Bi
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?
(Xuân như ý)



Last Edit: 7 years 3 weeks ago by Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Bác Phan T. Thái

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 3 weeks ago #62473

:cry

Căn phòng nơi Hàn Mặc Tử ở trước khi qua đời.

Ở trại phong Quy Hòa (Bình Định) vẫn giữ nguyên căn phòng Hàn Măc Tử ở trước khi qua đời 77 năm trước. Trong phòng còn chiếc giường, manh chiếu cói, những tập thơ, bút tích của ông.
Bí ẩn trong cuộc tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm


1_2017-04-08.jpg


Trại phong Quy Hòa (TP Quy Nhơn, Bình Định), nay là bệnh viện điều trị bệnh phong - da liễu Quy Hòa được xây dựng từ năm 1929. Nơi đây, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã điều trị bệnh phong và qua đời năm 1940 khi mới 28 tuổi.
Ngày nay, ở đây vẫn giữ nguyên căn phòng ông ở trong vòng chưa đầy 2 tháng trước khi trút hơi thở cuối cùng.

2_2017-04-08.jpg


Căn phòng nhỏ khoảng 25 m2, chia làm hai gian. Nơi Hàn Mặc Tử từng ở nay trở thành nhà lưu niệm mang tên người thi sĩ tài hoa. Năm 1935, Nguyễn Trọng Trí (tên thật của nhà thơ) có những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể. Tuy nhiên, ông chỉ nghĩ là một chứng phong ngứa không đáng kể. Mãi đến ngày 20/9/1940 ông mới nhập trại phong khi bệnh quá nặng, mang số bệnh nhân 1.134 và được điều trị ở căn phòng này.

3_2017-04-08.jpg


Căn giường nơi Hàn Mặc Từ nằm trong 2 tháng vật lộn với những cơn đau. Vẫn còn đó manh chiếu cói, hộc tủ nhỏ. Một tấm bảng ghi rõ, nơi phòng này, 5h45 phút, ngày 11/11/1940 nhà thơ từ trần.

4_2017-04-08.jpg


Không gian căn phòng nhỏ với cửa sổ hướng ra ngoài biển Quy Hòa. Khi đó, ông vẫn thường ra bờ biển cách đó không xa vừa ngắm cảnh vừa sáng tác thơ.

5_2017-04-08.jpg


Một bên gian phòng treo những bức tranh của Hàn Mặc Tử do những người yêu mến ông vẽ tặng. Trong đó, nhiều nhất là những bức tranh do ông Nguyễn Bá Tín, em trai thi sĩ vẽ tặng cho người anh bạc mệnh của mình.

6_2017-04-08.jpg


Một số bút tích của nhà thơ vẫn được lưu giữ cẩn thận trong lồng kính, treo trên tường nhà. Trong đó có bốn câu thơ trong bài "Lang thang" của ông:
"Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói?
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng?
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng?"

7_2017-04-08.jpg


Không chỉ thơ hay, ông được biết đến với các mối tình của nhiều người phụ nữ khác nhau. Những người tình để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người chỉ giao tiếp qua thư từ.
Trong đó, được biết đến nhiều là chuyện tình với các "nàng thơ" như Hoàng Thị Kim Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương...

8_2017-04-08.jpg


Bút tích với chữ ký là tên thật của Hàn Mặc Tử. Nội dùng là lời nhắn ông gửi từ Quy Hòa về cho mẹ ở Quy Nhơn. "A mama de Quy Nhon - Viết mấy hàng chữ này để lạy từ tạ mẹ - Con bất hiếu", ông viết.

9_2017-04-08.jpg


Còn đây là bút tích cuối cùng của Hàn Mặc Tử trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nội dung là lời cám ơn gửi anh Nguyễn Văn Xê (người trong ảnh), bạn đồng bệnh đã săn sóc ông trong suốt 52 ngày điều trị ở trại phong. "Thơ cầu nguyện đề tặng anh Xê - Francois Trí".

10_2017-04-08.jpg


Những tập thơ của ông cùng các tác phẩm viết về Hàn Mặc Tử được trưng bày trong tủ kính. Nguyễn Trọng Trí làm thơ từ năm 16 tuổi lấy hiệu là Phong Trần rồi Lệ Thanh. Đến năm 1936, khi chủ trương ra phụ trương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử, sau ông lại đổi thành Hàn Mặc Tử. "Hàn Mạc Tử" nghĩa là chàng trai đứng sau bức rèm lạnh lẽo, trống trải.

11_2017-04-08.jpg


Chính giữa căn phòng là gian thờ với tượng bán thân của nhà thơ.

12_2017-04-08.jpg


Cách đó không xa là mộ phần ban đầu của thi sĩ. Năm 1959, mộ phần ông được cải táng ra đồi Ghềnh Ráng. Trên nền mộ cũ, cuối năm 1991, được dựng lên một đài tưởng niệm. Ðài được xây nhờ tấm lòng vàng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Ðài cao khoảng 5 mét, trên đỉnh vừa là hình ảnh bút nghiên (con người thi sĩ) vừa là hình cây thánh giá (con chiên của chúa). Trên bệ là hình cuốn sách lật ngửa, như trang đời sự nghiệp của Hàn Mặc Tử còn dở dang.

Quỳnh Trần
Last Edit: 7 years 3 weeks ago by Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.

trang....... LƯỢM LẶT TRONG NGÀY. 7 years 3 weeks ago #62464

:email2

10 địa điểm trên Trái Đất giống hành tinh khác.

Sông Rio Tinto, đảo Devon, núi lửa Kilauea, là ba trong số những nơi trên Trái Đất có đặc điểm giống như các hành tinh và mặt trăng trong hệ Mặt Trời.

1_2017-04-06.jpg


Sông Rio Tinto, Tây Ban Nha, có màu đỏ do hàm lượng sắt hòa tan trong nước lớn và nước sông mang tính axit rất cao, theo Mother Nature Network. Tuy đây là môi trường sống khắc nghiệt, vẫn có một số vi sinh vật yếm khí tồn tại. Chúng ăn khoáng chất sắt và lưu huỳnh dồi dào trên sông.
Các nhà khoa học cho rằng, sông Rio Tinto có điều kiện tương tự như nước lỏng trên sao Hỏa hay mặt trăng Europa của sao Mộc. Do đó, con sông này là nơi lý tưởng để nghiên cứu sinh vật học vũ trụ. Ảnh: Fungur.


2_2017-04-06.jpg


Đảo Devon, Canada, là hòn đảo không có người ở lớn nhất trên Trái Đất. Mặc dù khung cảnh hoang vắng trên đảo khiến nó không thể trở thành địa điểm du lịch lý tưởng vào mùa hè, đây là nơi hoàn hảo để Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thử nghiệm công nghệ robot thám hiểm cho các chuyến đi tới sao Hỏa. Ảnh: NASA.


3_2017-04-06.jpg



Núi lửa Kilauea cao gần 1.300 m ở Hawaii, Mỹ, phun trào liên tục suốt 33 năm qua. Cảnh quan khu vực này trông giống các núi lửa trên mặt trăng Io của sao Mộc. Ảnh: Wikipedia.


4_2017-04-06.jpg


Hawaii được biết đến nhiều nhất với các thác nước và bãi biển, nhưng đây cũng là nơi có cảnh quan khắc nghiệt, kỳ lạ trên thế giới. NASA sử dụng núi Mauna Kea và Haleakala, Hawaii, để làm địa điểm thử nghiệm robot thám hiểm. Trên thực tế, thành phần đất trên sao Hỏa gần giống với đất ở Hawaii. Ảnh: Emily Kinney.


5_2017-04-06.jpg



Hồ muối Etosha, Namibia, có thể trông giống như Ontario Lacus, hồ hydrocarbon lớn nhất trên mặt trăng Titan của sao Thổ. Ảnh: Yathin S Krishnappa.


7_2017-04-06.jpg


Mặt trăng Europa của sao Thổ và mặt trăng Enceladus của sao Mộc có các đại dương lỏng bên dưới bề mặt lớp vỏ băng giá. Những mặt trăng này có hoạt động địa chấn và núi lửa, nên đáy biển của chúng nhiều khả năng giống như miệng phun thủy nhiệt ở đáy đại dương trên Trái Đất. Ảnh: World Ocean Review.


7_2017-04-06.jpg


Vườn quốc gia Teide thuộc quần đảo Canaria, Tây Ban Nha, có phong cảnh giống hệt địa hình trên sao Hỏa. Năm 2010, một nhóm nghiên cứu đã đến đây để kiểm tra các dụng cụ đo trong dự án ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan vũ trụ Roscosmos, Nga, nhằm tìm kiếm dấu vết sinh học trên hành tinh đỏ. Ảnh: Flickr.


8_2017-04-06.jpg


Sa mạc Atacama, Chile, có khung cảnh khá hoang vắng bao gồm một số hồ muối, cồn cát và dòng chảy dung nham núi lửa. Những đặc điểm này khá giống với địa hình trên sao Hỏa. Ảnh: National Geographic.


9_2017-04-06.jpg


Thung lũng khô (Dry Valleys) ở Nam Cực là một trong những nơi khắc nghiệt nhất thế giới, với điều kiện thời tiết khô hạn, không khí lạnh thấu xương. Gió thổi qua thung lũng đạt vận tốc hơn 320 km/h. Đặc điểm này giống vùng đồng bằng lạnh và khô trên sao Hỏa. Ảnh: Cool Antarctica.


10_2017-04-06.jpg


Hồ Vostok là hồ ngầm lớn nhất bên dưới mặt băng ở Nam Cực. Bề mặt nước lỏng của nó bị mắc kẹt dưới lớp băng ít nhất 15-25 triệu năm qua. Các nhà khoa học tin rằng, vi khuẩn cổ đại sống sót trong điều kiện khắc nghiệt của hồ Vostok sẽ cung cấp thêm thông tin để nghiên cứu các dạng sống có thể xuất hiện trên mặt trăng Europa của sao Mộc và mặt trăng Enceladus của sao Thổ. Ảnh: Reuters.
Last Edit: 7 years 3 weeks ago by Mai Hữu Thể (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012