Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Trò trẻ con

Trò trẻ con 6 years 7 months ago #62952

loto.PNG

Tôi khoái cái kiểu đu đưa, kêu gọi mấy con số lào xào trong chiếc bọc vải. Cũng có nhiều người chẳng thích người kêu hát vè nói số: “Con gì ra đây / Tui bóc cờ ra / Cờ ra con mấy / Con gì ra đây” vì nóng lòng chờ con số “kinh” làm người thắng cuộc. Kêu lô tô mà chỉ bóc số rồi gọi: Một. Số mười một. Mười hai ngựa non háu đá hay chín hai, chín mươi hai, ngựa già gặm cỏ thì nghe khô khan chán chết.

Thật ra, kêu lô tô phải là người lanh trí và có máu tếu táu. Không chỉ thế, phải thuộc nhiều ca dao, vè, thậm chí thuộc tuồng cải lương xuống giọng bắt vần kêu con cờ ra. “Bá Nha là bạn Tử Kỳ, tình bạn cố tri Tử Kỳ đã chết / Đâu còn tri kỷ đâu nữa cung đàn / Nên ông ngỡ ngàng ôm đàn mà bẻ gãy / Con số bảy / Con số bảy rồi cờ ra con mấy, mấy gì đây, con mấy gì đây”. Hay như cất giọng nam xuân “Lương Sơn Bá với Chúc Anh Đài tình bạn lâu dài trăng thu mà sáng tỏ. Nhưng Lương Sơn Bá có ngỡ đây rằng Chúc Anh Đài là gái giả trai”. Nguyên con số hai. Rồi con số gì đây là cờ ra con mấy?




Lô tô lô tô mại dzô bà con ơi


loto1.PNG

Cái hay của người kêu cờ (người hiệu) nhiều khi hóa chuyển chuyện gây gổ nhau trong bàn chơi với người nóng tính. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, có lần anh Hai ở xóm trên ghé quán lô tô mua vài vé cho vui. Anh bị lác, cứ gãi sồn sột nên người ta đặt cho anh biệt danh Hai Lác. Số xui, ngồi ê cả mông, chẳng thắng ván nào, lại lác làm ngứa háng, anh cứ ngọ ngoạy không dám gãi sợ người ta cười. Vừa lúc lại nghe người hiệu hô to: “Lác khô đi trước / lác ướt theo sau / Hai lác gặp nhau / tha hồ mà gãi / Tha hồ mà gãi”. Hai Lác tức khí sửng cồ “mầy nói ai lác, bộ mày không có lác à”. Anh hiệu xuề xòa “Ậy ậy, anh Hai, tha hồ mà gãi, là con số bảy. Anh Hai kinh rồi, anh Hai chiến thắng. May là anh Hai chờ con số bảy, thắng được ván cờ, lượm tiền cười vui, huề cả làng.

Viết bài lô tô cho vui ba ngày xuân, chứ tôi cũng chẳng biết nguồn gốc của trò chơi này xuất phát từ đâu. Có người cho là từ Châu Âu, tận nước Hy Lạp cách đây mấy trăm năm, gần giống như trò xổ số ngày nay nhưng có người kêu số chứ không quay lồng cầu. Nhiều người nói lô tô từ mấy ông Tàu du nhập vào Việt Nam. Nhưng mấy ông già ba tri Nam bộ thì bảo “hồi còn bé tẹo, tui đã thấy Tết trong xóm, nhà nhà bày trò chơi lô tô, người ngồi chơi từ dưới đất lên tới bộ ván ngựa”. Theo thời gian, lô tô ban đầu là trò chơi giải trí mấy ngày Tết trong nhà dần dần phổ quát ra đường phố, sân đình, xóm chợ. Riết rồi trở thành trò cờ bạc ở các hội chợ hay hợp tác với các gánh hát “Bầu Tèo” du hành qua các thành thị thôn quê. Hồi còn sinh viên đi thực tập ở Long Xuyên, tôi khám phá có một cái xóm nghèo (lâu quá rồi không nhớ ở phường mấy) có tên “Xóm lô tô”. Bởi cư dân nơi đây, cứ sau ngày làm việc kiếm sống vất vả lại chui vào mấy căn nhà tôn vui chơi lô tô như một trò đánh bạc. Mua thẻ lô tô ngồi nghe kêu số, vậy mà không ít gia đình cả cha mẹ con cái đều mê, chơi suốt ngày không ngán. Tiền kiếm được bao nhiêu cứ vào lô tô hết. Rồi chửi bới, đánh nhau ì xèo.





Lô tô lô tô mại dzô bà con ơi



Ở nông thôn miền Nam ngày trước, các quầy lô tô chỉ mở trong ba ngày xuân, vui chơi xem như tìm cái hên trong năm. Ngôn ngữ lời vè, lời hát lô tô thật bình dân có thể bày tỏ tình cảm trai gái lứa đôi, ve vãn, phê phán những thói hư tật xấu, nói chuyện thời tiết mùa màng, chuyện chính sự, phụ sự… Bằng những lời mời mọc vui tai như sớ Táo Quân với tiếng phèng la chập chỏa, anh hiệu hô to. “Lô tô lô tô / Cô bác mại dzô / Người dò vài tấm / Kiếm tiền mua sắm / Thử vận xuân về / Vui chơi chớ mê / Chỉ ba ngày Tết. Hôm nay đông đủ / Quý bác quý cô / Tôi kêu lô tô / Cờ ra con mấy / Con mấy cờ ra / Cháu con đi xa / Tết đến quay về / Sắm sửa bộn bề / Nhà nhà hạnh phúc/ Trong ngoài sung túc / Chưng dọn nghiêm trang / Cầu dừa đủ sang / Cầu dừa đủ xài (xoài) / Cờ ra con hai / Cờ ra con mấy…”. Cũng có thể bài vè do người hiệu tự cương phê phán cách làm ăn gian dối nhắm vào lòng tin của người dân. “Nói mà không thấy / Thì chẳng ai tin / Thuốc uống không linh / Coi chừng thuốc dỏm / Thầy bà lõm bõm / Tiền mất thiệt thân / Bà con tương lân / Giúp nhau khốn khó / Đừng tin không rõ / Tránh chỗ lang băm/ Là con số năm / Cờ ra con mấy / Con mấy cờ ra…”. Từ đó các vè lô tô trở thành văn chương bình dân đa dạng truyền khẩu phát triển qua từng giai đoạn xã hội.

Nhân chuyện cách kêu lô tô của người Nam bộ, tôi xin nói ngoài lề một chút. Người Quảng Nam có loại bài Chòi. Luật chơi rất đơn giản, người chơi chỉ cần mua cái thẻ bài bằng gỗ, trên đó có in 3 con bài tới. Nếu anh hiệu hô trúng một con bài, người chơi sẽ được nhận một quân kỳ màu vàng. Nếu được ba quân kỳ sẽ thắng ván bài. Khi có người thắng, ván bài kết thúc. Cuộc chơi bài chòi có sinh động có rôm rả hay không còn phụ thuộc vào tài hô hát của anh hiệu phải thuộc hàng trăm bài thơ, bài vè, hàng ngàn câu ca dao; phải biết hát nam, hát khách những làn điệu dân ca đặc trưng của những vùng miền xứ Quảng. Trong câu hát của người hô bài có thể bắt gặp được những lời tự sự về nhân tình thế thái, về niềm vui trong cuộc sống, bình yên trong lao động và những sinh hoạt hàng ngày, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế… hay phê phán những thói hư tật xấu ở đời.





Trước đây, tôi có dịp dự thính buổi nói chuyện của Giáo sư Trần Văn Khê về âm nhạc dân tộc ở Sài Gòn. Ông có nhắc sơ qua về kiểu chơi kêu lô tô trong miền Nam với phong cách riêng của nó, tạo không khí vui nhộn trong những ngày Tết Việt Nam và có thêm sự so sánh với loại bài Chòi. Đánh bài chòi là một trò chơi dân gian giải trí mang tính chất văn chương bình dân. Người ta đánh bài chòi để thử thời vận hên xui dịp đầu năm, chứ không tính ăn thua đỏ đen. Dần dần, bài chòi đã phát triển đi lên thành một nghệ thuật quần chúng. Từ một nghệ nhân ban đầu là anh hiệu đóng đủ mọi vai, về sau xuất hiện nhiều nghệ nhân và hình thành một sân khấu hẳn hoi như sân khấu tuồng truyền thống. Những làn điệu dân ca đã tiến xa với những tuồng tích hoàn chỉnh như: Lâm Sanh – Xuân Nương, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông. Về tiết tấu, chỉ có nhịp đôi đều đặn hay nhịp ba bỏ một nhịp, nhưng cũng có thể biến tấu. Nhạc cụ phụ họa lúc đầu chỉ có đàn nhị và sanh sứa (là hai mảnh tre chuốt nhọn hai đầu cầm trong một tay, âm thanh chạm vào nhau nghe như tiếng ve kêu), sau thêm đàn nguyệt, ống sáo và song tiền. Và lời hát có khi chế biến gây cười.

Có những câu hát của anh hiệu làm cho cả hội bài Chòi cười nghiêng cười ngả bởi tính hài hước, vui nhộn, ý nghĩa sâu xa. Tuy lời tục nhưng thanh, gần gũi dân dã đời thường. “Làm thân con gái lẳng lơ / Ngủ trưa đứng buổi dậy đo mặt trời / Quần áo thì rách tả tơi / Lấy rơm mà túm mỗi nơi một đùm. Đó là con bài Ngủ trưa. Trần trụi hơn, là “Cu tôi ăn đậu ăn mè / Ăn chi của chị, chị đè cu tui”. Đó là con bài Chín cu.

Thì trong miền Nam cũng có bài hát lô tô tuy tục không thanh nhưng chấp nhận được vì tính phóng khoáng nói thẳng “ruột ngựa” của con người đồng bằng Nam bộ. “Ngày xưa tát nước đầu đình / Gặp em anh đã muốn rình trộm xem / Đợi trời vào lúc nhá nhem / Chạy sang nhà ấy gặp em anh cười”. Là con số mười. Hoặc biến chỉnh lời ca dao chân chất man mác nỗi buồn thành giọng điệu hài hước: “Trời mưa bong bóng phập phồng mẹ đi lấy chồng con cũng theo trai”. Là con ba mươi hai. Thiệt hết chỗ nói!

Mại dzô mại dzô. Lặng lặng mà nghe tôi kêu con cờ ra, cờ ra con mấy con mấy nó về đây, con mấy nó về đây: “Tề Thiên Đại Thánh, ở động Thủy Liêm, học được phép Tiên, huyền công đã thạo, nghịch Thiên đại náo, bị Phật Như Lai, dùng phép bàn tay hoá núi Ngũ Hành, nhốt anh khỉ đột, là con mười một. Con mười một rồi cờ ra con mấy, con mấy nó về đây. Tấu sớ vừa xong, anh hiệu lô tô chuyển tông hát xênh xang cái rụp: “Mai đào tươi thắm / Vạn thọ rực vàng / Vui đón xuân sang / Người người hạnh phúc / Mã đáo thành công / Chân thành kính chúc / Cô bác gần xa / Cờ ra số ba / Con gì ra đây là cờ ra con mấy…”.
Last Edit: 6 years 6 months ago by Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đặng Minh Khanh (Lớp Đaminh)

Trò trẻ con 6 years 7 months ago #62951

The administrator has disabled public write access.

Trò trẻ con 6 years 7 months ago #62930

oẳn tù tì mày ra cái gì tau ra cái này.
Một thời thơ ấu dẽ thương và đáng yêu nay chỉ là ký ức.
Những anh em chăm chỉ học hành trong chủng viện rồi có điểm nhiều,hạng cao ít có kỷ niệm về chuyện ấy,chỉ có mấy anh nghịch phá rồi bị phạt hay bị loại mới có nhiều kỷ niệm vui và những kỷ niệm ấy theo mãi trong cuộc đời.He he.
The administrator has disabled public write access.

Trò trẻ con 6 years 7 months ago #62928

Hồi nhỏ bác Tư có chơi trò này chưa ?

The administrator has disabled public write access.

Trò trẻ con 6 years 7 months ago #62925

choi1.jpg


Trò chơi của trẻ em
Trang Nguyên


Tự dưng tôi lại nhớ đến những trò chơi trẻ con ngày xưa. Cứ tưởng chỉ mỗi mình hồi tưởng lại mấy trò bắn bi, tạt lon, tạt bao thuốc lá, đục nút khoén (nắp các loại chai nước ngọt, bia bằng thiếc) hay chơi bông vụ, chơi u hay năm mười (trốn tìm). Ấy vậy khi gặp vài ba người bạn lớn tuổi, tôi nhắc chuyện này thì mấy ông bảo rằng tôi gãi ngứa đúng chỗ. Còn nhiều trò lắm kể nhau nghe cho vơi những ký ức chìm lắng của một đời người.


choi.jpg


Bắn bi: trò chơi quen thuộc của nhiều trẻ em thời thập niên 60 nguồn wikimedia.org

Ông A bắt đầu trò đánh trận giả. Ông cho rằng, hồi thuở những năm thập niên 40, các nhà sản xuất hàng hoá tiêu dùng bằng nhựa chưa quan tâm đến các loại đồ chơi cho con nít. Cuộc sống còn khó khăn trong thời chiến tranh triền miên nên người ta chỉ nhắm vào những nhu cầu thiết yếu của dân chúng. Người Hoa Chợ Lớn nấu đồ nhựa sản xuất rổ rá, thau, ly chén bán khắp làng quê chứ đốt đuốc tìm đâu ra nơi nào bán đồ chơi cho con nít làm bằng nhựa như súng nước, súng pin thấy tia lửa điện xanh xanh đỏ đỏ ở hai thập niên sau đó.

Thuở còn bé ở các miền quê không có gì bày trò, trẻ con chạy u ra sau vườn, chặt vài tàu lá chuối làm “vũ khí”. Ðầu tiên róc lá xé dọc thành từng sợi kết vòng đeo lên đầu, lên vai ngụy trang y như chú lính bắn tỉa. Sau đó lấy phần cuống lá làm súng trường. Cuống lá cắt xéo ngang sâu chừng 1 phân, dài chừng 5 phân, cách quãng theo phần thân lật thẳng lên làm cò. Mỗi lần bắn cứ vuốt dọc cò tạo thành tiếng kêu lẹp bẹp nghe cũng vui tai. Súng chiến nhất làm từ phần bẹ. Phần bẹ gần thân chuối nên to hơn, cứng hơn thì làm súng máy. Tiếng súng kêu nhanh chắc nịch bụp bụp bụp, bụp bụp bụp. Ðứa nào làm tiểu đội trưởng mới được mang súng to. Chế tạo vũ khí xong rồi thì bắt đầu phân chia hai đội bày binh bố trận, xách súng chạy đi tìm chỗ núp theo lệnh của chỉ huy.

Chuyện đang ngon trớn thì ông B chen vô bổ sung màn chế “lựu đạn” bởi trò đánh trận giả hồi còn bé vẫn còn làm ông thích thú đến tận giờ. Quê ông ở Long Khánh, thuở đó nhà nào sau vườn cũng đều có trồng năm bảy cây chuối hột. Loại chuối này to trái, khi chín người lớn đem phơi khô ngâm rượu đế uống trị mệt mỏi đau lưng. Súng trường, súng đại liên ông không khoái mà chỉ thích ném lựu đạn cho nhanh. Ai cầm súng cứ cầm, riêng ông bẻ một mớ trái chuối hột xanh lè, cởi trần giắt vòng giữa lưng quần tìm ổ địch núp mà quăng. Thằng địch nào mà trúng giữa mặt một trái coi như khóc ông khóc cha buông súng đầu hàng. Nhưng chẳng có địch quân nào đầu hàng mà người đầu hàng là má tôi. Mủ (nhựa) của “lựu đạn” chuối non giắt lưng quần tươm ra làm dơ hết mấy cái quần xà lỏn, chẳng có xà bông nào giặt ra.


choisg.jpg



Những cây súng làm từ cuống lá chuối trong trò chơi trận giả – Nguồn: HinhanhVietNam


Ông A kể tiếp, vui nhất trong trò chơi trận giả là ăn gian, cãi nhau chí choé. Tìm thấy địch quân núp trong bụi chuối ngồi nhai mấy trái bần chấm muối ớt. Tôi bắn ào ào mà tụi nó không chịu chết, lại còn quăng lựu đạn vào mình. Mấy cái súng cuống lá bắn năm bảy lần gãy cò hết ráo, vậy là tụi con nít tui bắn súng miệng. Cuộc chiến săn lùng quân địch đang diễn ra đâu còn thì giờ mà chặt bẹ chuối làm súng. Bắn súng miệng nên không thằng nào chịu chết. Cuối cùng thì cả hai phe không bên nào thắng cuộc. Thường sau khi kết thúc trận giả là bọn con nít này kéo nhau ra sông lặn hụp tắm gội lại có thêm trò chơi mới. Hình như thuở đó, con nít chơi đùa không biết mệt thì phải?

Ông C ngồi nghe gật gù lên tiếng, thì hồi xưa ở quê đâu có phương tiện gì giải trí đâu, radio chưa có, truyền hình chưa có, chớp bóng cũng không có. Trong năm, một hai lần đoàn cải lương về quê hát cho bà con xem. Cho nên ngoài thời gian đến trường thì giờ của bọn con nít tụi mình trong ngày dài lắm bày ra nhiều trò chơi. Trò chơi súng bẹ chuối có thể chơi quanh năm nhưng trò thụt ống cò ke ở miền quê An Giang của tôi rộ lên vào những tháng hè. Mùa hè là mùa trái cò ke đầy trái xanh um. Bọn tôi đi hái cả giỏ đệm đem về làm đạn bắn súng thụt cả tuần, hết đạn lại vào rừng hái tiếp.

Nhắc đến ống thụt cò ke, mắt ông B sáng lên niềm vui như đứa trẻ con lên sáu. Có lẽ trò chơi này để lại trong ông nhiều ký ức. Trò chơi này tùy theo mùa, không kéo dài trong năm. Nhưng quê Long Khánh của tôi có trái bời lời. Dân quê tôi trồng cây bời lời vì từ lá, thân, vỏ đều bán được. Không những thế người ta còn trích nhựa trái bời lời để làm sáp, xà bông. Lá vỏ cây bời lời còn được dùng làm thuốc nam chữa trị tiêu chảy hay chứng thiên đầu thống. Cây bời lời có giá trị hơn cây cò ke của miền Tây nhưng trái bời lời nhỏ bắn súng ống thụt có trúng cũng không đau bằng trái cò ke.


choicoke.jpg



Ống thụt cò ke
– Nguồn: HinhanhVietNam

Nghe chuyện chơi ống thụt của mấy người lớn tuổi, tôi mới biết thêm tên bời lời của trò chơi ống thụt mà hồi còn đi học tôi vẫn hay mua trước cổng trường. Ống thụt làm bằng thân ống trúc có hai phần, phần ống và phần thụt có gắn cây ti cắm vào phần cán ống thụt. Cây ti phải vót tròn, thẳng và chắc để khi thụt vào bắn trái cò ke hay bời lời mới bay được xa và nổ giòn. Muốn nổ cho kêu cái “bóc” phải chọn trái thật tròn, gắn chặt vào phần cuối ống, dùng cây ti ấn sâu vào một chút để lấy đà đưa cây thụt vào đẩy mạnh. “Ðạn” bay cái vèo trúng vào người tuy không đau lắm nhưng có khi để lại dấu tích trên người do bên trong trái cò ke hay bời lời đều có chất nhớt. Chất này có thể gây mẩn đỏ ngưa ngứa đối với những người da dễ bị dị ứng.

Có lần tôi và thằng bạn đi học mua ống thụt trước cổng trường. Nó thì thích ống to nên đạn dược cò ke cũng phải lựa riêng trái to. Thầy giáo sắp vào lớp rồi mà nó còn ngồi thử ống thụt, lấy trái cò ke to thì tiếc nên nó xé tờ giấy học trò mở bình tong đựng nước uống thấm ướt vo lại thành viên bi nhét vào ống thụt. Vừa lúc ông thầy đi vào lớp, lớp trưởng hô to: “Học sinh nghiêm”. Thằng bạn lớ quớ tay chân đứng dậy, thay vì cất cái ống thụt vô hộc bàn, nó lại nhấn cái thụt gây tiếng nổ giòn như tiếng pháo, viên đạn giấy bay thẳng dính lại mảnh giấy nhỏ ngay mắt kính cận của ông thầy. May là thầy đeo kính chứ không thì học sinh tụi tui được nghỉ học rồi. Thầy giáo nghiêm giọng bảo thằng bạn đem ống thụt cò ke lên làm “tang vật”, còn nó bị phạt quỳ gối một tiếng đồng hồ úp mặt vào tường sau tấm bảng quay.

Ông thầy cầm trái cò ke đưa lên hỏi đám học sinh có biết trái gì. Học trò nam sinh thuở tiểu học tụi tôi đứa nào chẳng biết. “Cò ke ạ”. “Ngoài công dụng dùng trong loại thuốc Ðông y chữa ho, sốt rét, cò ke còn có mặt trong tục ngữ dân gian. Em nào biết giơ tay lên”. Thằng bạn đang quỳ gối xoay người lại giơ tay xung phong nhanh như điện. Cả lớp ai cũng im lặng, thầy cho thằng bạn trả lời. “Bợm già mắc bẫy cò ke”. Thầy giáo nói tiếp: “Em giải thích được thầy cho về chỗ”. Thằng bạn ấm ớ: “Hồi ở dưới quê em thường theo chú em đi bẫy chim bằng trái cò ke, chim cu khoái ăn cò ke nên bị bẫy rập kẹp cổ, chim mắc bẫy cò ke chẳng con nào thoát chết, còn “chim bợm già” có bị mắc bẫy hay không thì em không biết”. Cả lớp cười ồ khiến ông thầy cười vui. Nhờ đó mà thằng bạn khỏi quỳ một tiếng. Ông thầy bắt đầu dạy bài mới về ý nghĩa sâu xa của tục ngữ dân gian.



choidua.jpg



Chơi banh đũa: trò chơi của con gái – Nguồn dongcam


Dù cách nhau một thế hệ, những trò chơi của mấy ông bạn lớn tuổi còn ảnh hưởng sang đến lứa tuổi chúng tôi. Bắn súng bẹ chuối trận giả, ống thụt cò ke nhưng chắc không vui bằng ngày trước khi người ta còn bày các trò vui này ở miền thôn quê, không gian rộng rãi, tha hồ chạy chơi đánh trận giả. Ba má tôi cấm chơi trò ống thụt, lỡ “tên bay đạn lạc” trúng vào người ta thì phiền nên tôi có vui chơi với bạn bè cũng chỉ là lén lút. Bắn bi hay tạt lon, nhảy đo gang (nhảy cao đo bằng gang tay) sau này nhảy cao dùng dây thun giăng ngang, vừa tiện làm dụng cụ nhảy dây luôn. Nhảy dây cũng hấp dẫn bọn con trai chúng tôi sau cái thú nhảy lò cò, banh chuyền, banh đũa là những trò chơi thuộc về con gái. Chỉ có trò “cởi truồng tắm mưa” là bọn con gái chẳng khoái tí nào. Bọn nhóc tì nhỏ tuổi hơn tôi thì hồn nhiên thích chí lắm mỗi khi cơn mưa đột ngột kéo đến giữa trưa hè oi bức.

Chắc người mê nhạc đều biết bài “Hoa trắng thôi cài trên áo tím” do nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc từ bài thơ của thi sĩ Kiên Giang. Ông còn là nhà soạn nhiều tuồng cải lương lão thành trước Năm Châu nữa. Hồi năm 1970 ông hứng chí viết bài “Tuổi tắm mưa” nhớ lại chuyện ở truồng tắm mưa tận đâu vào năm 1941 để tặng cố nhân:

Ðường vuông ngắn bao quanh là lồng chợ
Từ tuổi nô đùa bát ngát bao la
Em mười tuổi, anh mới mười ba
Ở truồng tắm mưa không hề ngờ ngợ…


Té ra ông nhà thơ còn bạo hơn các thiếu niên ngày nay.

Ký ức những trò chơi tuổi nhỏ còn nhiều nhưng bắn súng giả hay thụt cò ke nay không còn thấy đâu nữa. Chắc tại thời buổi văn minh hiện đại có quá nhiều trò chơi điện tử, ngồi chơi tại nhà mà vẫn vui không cần chúng bạn.



Trang Nguyên
Last Edit: 6 years 7 months ago by Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012