Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: CN_XVII-TNB - Lễ Mẹ MÂN CÔI

Re: CN_XVII-TNB - Lễ Mẹ MÂN CÔI 11 years 6 months ago #42746


  • Posts:1950 Thank you received: 658
  • Xin cho con luôn biết tín thác vào Chúa ! Khi an vui cũng như khi sầu đầy.
  • Văn Quyền.Vianney's Avatar
  • Văn Quyền.Vianney
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
Hôm nay ngày 7/10 là ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi. Nhưng không phải ở nơi nào cũng cử hành phụng vụ theo Lễ Kính này. Ở Pháp, không cử hành Lễ Đức Mẹ Mân Côi mà cử hành theo Niên Lịch Phụng Vụ. Nghĩa là cử hành Thánh Lễ theo Chúa Nhật XXVII Thường Niên B.Lý do mà Hội Đồng Giám Mục Pháp đưa ra là để cho mọi người theo dõi những Giáo Huấn của Lời Chúa cách trình tự mà Giáo Hội Rôma đã đề ra. Thật vậy, Các bài Đọc và Lời Chúa trong các mùa Thường Niên được Giáo Hội cân nhắc rất kỹ lưỡng để có một trình tự giáo huấn rất logic trong suốt cả năm.
Vậy để những Giáo Huấn đó không bị đứt đoạn, Văn Quyền xin được post lại nơi đây những suy niệm và những câu truyện suy tư liên quan đến Lời Chúa của Chúa Nhật XXVII Thường Niên B này.

imagnhuoies.jpeg

TIN MỪNG : Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ". Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình". (Mc 10, 2-12 {hoặc 2-16}).

SUY NIỆM : Bài Tin Mừng có hai phần: Phần thứ nhất là lập trường của Chúa Giêsu về vấn đề hôn nhân. Phần thứ hai là thái độ của Chúa Giêsu đối với các trẻ em. Phần thứ nhất chính là đoạn Tin Mừng thường được đọc trong thánh lễ hôn phối, chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.

Đề tài của đoạn Tin Mừng này là vấn đề ly dị do những người Pharisêu đặt ra với ý đồ gài bẫy Chúa Giêsu. Chúng ta nên biết: các kinh sư Do thái thường tranh luận với nhau về những lý do cho phép ly dị chứ không tranh luận về chính việc được phép ly dị hay không. Và luật Do thái chỉ cho phép đàn ông bỏ vợ chứ không cho phép đàn bà bỏ chồng. Như vậy, chuyện những người Pharisêu đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Có được phép ly dị không?” quả là khúc mắc, tế nhị và phức tạp. Họ muốn Chúa phải xác định lập trường rõ ràng trước mặt dân chúng và trước mặt họ. Luật đã cho phép ly dị, nếu Ngài bảo không được, tức là Ngài chống lại luật. Ngược lại, nếu Ngài bảo được, thì họ sẽ chống lại Ngài. Cho nên, rõ ràng những người Pharisêu có ý gài bẫy Chúa. Chúa trả lời thế nào?

Chúa hỏi lại họ: “Ông Mô-sê truyền dạy thế nào?”. Thật sự trong Cựu ước không có một chỗ nào ghi một mệnh lệnh tổng quát phải ly dị hay không được ly dị, cũng chẳng có chỗ nào trực tiếp chỉ thị muốn ly dị thì phải làm gì. Vậy những người Pharisêu trả lời câu hỏi của Chúa thế nào? Họ trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, đoạn 24 câu 1 đến câu 4. Trong đoạn này, sách Đệ Nhị Luật cũng chỉ gián tiếp nói về việc làm giấy ly dị. Đó là trường hợp một người đàn bà đã bị chồng ly dị và có làm giấy ly dị đàng hoàng, nay đi lấy người khác, rồi lại bị ông chồng mới này ký giấy ly dị, thì người chồng thứ nhất, dù có vì tình xưa nghĩa cũ, muốn đoàn tụ với nàng, cũng không được phép. Vậy khoản luật này chỉ trực tiếp đề cập đến vấn đề người chồng cũ có quyền cưới lại người vợ mình đã ký giấy ly dị không? Luật trả lời không được. Nhân vấn đề đó mà sách này cho chúng ta biết: luật gia đình của người Do thái cho phép chồng ly dị vợ.

Chúa Giêsu đã trả lời cho những người Pharisêu: sở dĩ ông Mô-sê đã ra luật đó, “vì lòng các ông chai đá”, nên đó chỉ là điều nhân nhượng mà thôi, chứ từ ban đầu không có như vậy, và Chúa kết luận: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Như thế, Chúa Giêsu cho mọi người biết rõ lập trường của Ngài là không bao giờ được ly dị, nghĩa là một người nam và một người nữ đã kết hợp với nhau nên một trong hôn nhân theo luật của Chúa, thì họ không có quyền và cũng không ai có quyền phá vỡ cái nên một ấy.

Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết rõ luật của Chúa và Giáo hội: sự nên một trong hôn nhân là một công trình tuyệt vời của Thiên Chúa, nên những ai đang sống trong sự nên một ấy phải tôn trọng và giữ nó cho thật đẹp và thật bền, và phải làm cho nó trọn vẹn hơn mãi, không những một thân xác mà một tâm hồn, một cuộc sống, một hạnh phúc. Chính do sự nên một ấy mà đứa con xuất hiện như một đóa hoa, một trái ngọt ngào và được nên người. Thánh Phaolô đã nêu cao giá trị của sự nên một ấy khi đem đối chiếu với sự nên một giữa Chúa Kitô và Giáo hội.

Còn những người chuẩn bị đi vào cuộc sống hôn nhân phải thận trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng để sự nên một ấy có thể được thành tựu tốt đẹp. Nếu Chúa đã an bài con người có nam có nữ để rồi nam nữ thành một, thì Chúa vẫn dành cho con người quyền tự do để lựa chọn. Chuyện hôn nhân là chuyện của hai người trong cuộc. Những người khác dù là cha mẹ, vẫn phải tôn trọng, giúp cho người liên hệ chọn lựa, chứ không có quyền áp đặt. Cần dứt khoát với hủ tục ép buộc con lấy người này người khác. Người ta đã coi đó là lễ giáo, nhưng chắc chắn nó không phù hợp tinh thần Tin Mừng. Vì thế, Giáo hội không bao giờ chấp nhận sự cưỡng ép trong vấn đề hôn nhân.

Xin Chúa cho những ai đang sống đời hôn nhân luôn trung thành với nhau; và những ai sắp bước vào đời hôn nhân, chuẩn bị cẩn thận để bảo đảm trung thành luôn mãi. (Sưu tầm)

CÂU TRUYỆN MINH HOẠ :

a/ Ðổi lời tuyên hôn

Một đôi bạn trẻ sắp sửa thành hôn đến gặp vị linh mục sắp chứng hôn cho họ và đề nghị:

- Thưa cha, chúng ta đã thảo luận với nhau rất kỹ nên đến xin Cha sửa đổi một chút trong câu mà Cha sẽ đọc trong nghi lễ: Thay vì Cha tuyên bố là chúng ta sẽ là vợ chồng với nhau "cho đến chết", Cha có thể đổi lại là "cho đến khi không còn yêu nhau nữa" được không ạ?

Linh mục hỏi lại:

- Tại sao thế?

- Chúng con thấy nhiều vợ chồng sống với nhau một thời gian rồi không còn yêu nhau nữa. Khi đó mà phải tiếp tục sống với nhau thì chỉ làm khổ cho nhau thôi. Thà ly dị còn tốt hơn.

- Cha khen ngợi sự thẳng thắn của chúng con. Nhưng cha không thể sửa đổi như chúng con đề nghị, vì cha không muốn chứng hôn cho một cuộc hôn nhân chắc chắn sẽ tan rã.

- Nghĩa là sao ạ?

- Hôn nhân nửa vời thì chắc chắn sẽ tan rã.

- Thế nào là hôn nhân nửa vời?

- Thứ nhất là nửa vời về thời gian, nghĩa là chỉ muốn sống chung cho đến khi không còn muốn sống chung nữa; thứ hai là nửa vời về chọn lựa: chúng con không chọn con người của nhau mà chỉ chọn một số những điểm hợp nhau; thứ ba là nửa vời về dấn thân: chúng con chỉ muốn dấn thân bao lâu sự dấn thân đó mang đến cho chúng con sung sướng và hạnh phúc. Hôn nhân nửa vời chắc chắn sẽ tan rã thôi.

- Vậy thế nào là hôn nhân trọn vẹn?

- Hôn nhân công giáo phải là hôn nhân trọn vẹn, vì khi chọn một người làm vợ hay làm chồng mình là ta chấp nhận trọn vẹn con người của người đó gồm cả ưu điểm và khuyết điểm, ta muốn cùng người đó chia xẻ không chỉ niềm vui mà cả nỗi buồn, ta sẽ cùng người đó sống không chỉ một thời gian mà là suốt đời.
- Thế nhưng ở đời này có gì là trọn vẹn đâu?

- Ðúng thế. Nhưng chính vì con người không trọn vẹn nên con người cần có bạn hôn nhân để bổ túc cho nhau nên trọn vẹn hơn. Hơn nữa, khi hôn nhân được cử hành bằng bí tích trước mặt Chúa thì còn có Chúa hỗ trợ cho những cố gắng của hai vợ chồng.

b/ Nam và nữ

Truyện kể Ấn độ về tạo dựng: Khi tạo dựng người nam xong, Ðấng sáng tạo thấy Ngài đã tận dụng tất cả những yếu tố vật chất. Ngài không còn chất cứng hay vật rắn trên tay để tạo dựng người nữ.

Sau một hồi suy nghĩ, Ngài lấy sự tròn trịa của mặt trăng, dẻo dai của thân nho, mảnh mai của cây sậy, nảy nở của bông hoa, màu tươi sáng của lá cây và sự yên tĩnh của tia nắng mặt trời, nước của đám mây và sự bất ổn của gió, sự sợ hãi của con thỏ và tự cao tự đại của con công, sự mềm mại của ức chim và cứng rắn của kim cương, ngọt ngào của mật và độc ác của cọp, nóng của lửa và lạnh của tuyết, sự bép xép của chim mỏ ác và giọng líu lo của họa mi, sự dối trá của sếu và sự tự tin của sư tử.

Trộn tất cả những yếu tố đó lại với nhau, Ðấng sáng tạo dựng nên người nữ và trao cho người nam.

Một tuần sau, người nam trở lại và nói: "Thưa Ngài, tạo vật Ngài trao cho làm con sống không hạnh phúc. Cô ấy nói luôn miệng và chòng ghẹo con suốt ngày, làm con chẳng được nghỉ ngơi. Cô bắt con phải luôn để ý đến cô, nên thời giờ của con bị lãng phí. Chuyện nhỏ tí cũng làm cô khóc và cuộc sống thật vô dụng. Con đến trả lại cô ấy cho Ngài, vì con không thể sống với cô ấy".

- Ðược.

Và Ngài nhận lại. Một tuần trôi qua, người nam trở lại với Ðấng sáng tạo và nói: "Thưa Ngài, cuộc sống của con thật trống rỗng từ khi con trao lại tạo vật đó cho Ngài. Con luôn nghĩ về cô ấy, về cách cô múa hát, về ánh mắt trao duyên, về bao câu chuyện và xích lại gần con. Trông cô thật đẹp và da thịt cô mịn màng. Con rất thích nghe cô cười. Xin trao lại cô ấy cho con".

- Ðược.

Và Ngài trao lại cho anh. Nhưng ba ngày sau, người nam trở lại và nói: "Thưa Ngài, con không biết phải giải thích làm sao, nhưng với tất cả kinh nghiệm của con về tạo vật này, con kết luận rằng cô đã gây cho con nhiều buồn bực hơn niềm vui. Con cầu nguyện cho cô và trao trả lại cho Ngài. Con không thể sống với cô ấy!"

- Anh cũng không thể sống thiếu cô ấy!

Rồi Ngài quay lại và tiếp tục làm việc. Người nam nói vẻ thất vọng: "Con sẽ làm gì? Con không thể sống với cô ấy và cũng không thể sống thiếu cô ấy!"


Sưu tầm
Tin Mừng không chọn lựa đất sống - Tình Yêu chẳng chối từ gian nan
Last Edit: 11 years 6 months ago by Văn Quyền.Vianney.
The administrator has disabled public write access.

Re: CN_XVII-TNB - Lễ Mẹ MÂN CÔI 11 years 6 months ago #42710

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI


Trong niềm tin của người Công Giáo, chuỗi Mân Côi chính là sợi dây thiêng liêng ràng buộc chúng ta với Chúa, với Mẹ Maria và với tha nhân – Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết thực hành điều Mẹ nhắn nhủ qua việc siêng năng cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, để mỗi người chúng ta luôn được ở lại trong tình yêu Thiên Chúa.


Mở chương 28 sách Sáng Thế Ký, chúng ta được tác giả kể lại cuộc chiêm bao của Jacob tại Bethel. Jacob đã mơ thấy một chiếc thang được dựng đứng nối liền đất với trời; và ông còn được chứng kiến cảnh các thiên-thần của Thiên Chúa lên xuống trên chiếc thang ấy ( St 28, 10-22 ).Còn trong Tin Mừng, có lần Chúa Giêsu nói với Nathanael và các tông-đồ rằng ”Thật vậy, Thầy bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên-thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1, 51).

Về sau các thánh giáo phụ đã cắt nghĩa chiếc thang Jacob là hình ảnh báo trước về Đấng Cứu Thế - Đấng trở nên con đường nối lại đất với trời, nhờ đó nhân loại có thể tìm về nơi cội nguồn của mình. Ngài mời gọi mọi người hãy bước đi trên con đường ấy; một con đường vừa hẹp vừa chòng chành khó đi, một con đường cần tỉnh thức tập trung tâm não để có thể “đi đến nơi về đến chốn”.

Có thể nói, người được Chúa Giêsu mời gọi đầu tiên là Mẹ Maria. Mẹ được mời gọi đồng hành với Chúa suốt chặng đường đời, từ giây phút truyền tin cho tới đỉnh núi Galilêa ngày Chúa Giêsu hồn xác về trời. Và chúng ta đã biết, biến cố Thăng Thiên đã đẩy mạnh giòng chảy cứu độ rộng lan hơn nữa, đó là Chúa Giêsu vẫn hiện diện cách nhiệm mầu giữa chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Cách đặc biệt, Ngài hiện diện nơi bí tích Thánh Thể qua tấm bánh miến đơn sơ tròn tròn nho nhỏ, để mời gọi và đồng hành với các tín hữu trên con đường trở về thiên-quốc.

Cũng vậy, sau cuộc đời tại thế Mẹ, Maria đã được lên Trời cả hồn lẫn xác. Và chúng ta có thể nói với nhau rằng, giống như Chúa Giêsu, Mẹ vẫn ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế để cùng với Chúa Giêsu, Mẹ nâng đỡ, soi sáng hướng dẫn chúng ta trên đường lữ thứ trần gian này.

Vào thế kỷ XII, qua thánh Đa-minh, Mẹ Maria đã ban chuỗi Mân Côi cho Giáo Hội, một tràng chuỗi đơn sơ, nho nhỏ tròn tròn, như một cách thế để Mẹ ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Mõi hạt trong tràng chuỗi là lời kinh kính-mừng nhẹ nhàng tha thiết đã dắt người tín hữu trở về với giây phút của biến cố truyền-tin, là khoảnh khắc Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, để khởi đầu cho một chặng đường dài 33 năm tại thế, chặng đường của ơn cứu độ mà Mẹ được diễm phúc nhịp bước cùng Chúa Giêsu. Lời kinh kính-mừng còn là lời cầu xin cùng Đức Mẹ đồng hành với chúng ta mọi nơi mọi lúc, khi nay và trong giờ lâm tử.

Trong kho tàng ân thánh của Giáo Hội, bí-tích Thánh Thể đã là bảo-chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi trần thế, thì chuỗi hạt Mân Côi phải là điều bảo đảm chắn chắn về sự có mặt của Mẹ Maria, để Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành với con của mẹ là Chúa Giêsu, và đồng hành với những ai tin tưởng cậy trông vào Mẹ trên bước đường lữ thứ này.

Thiên Chúa đã nhờ Mẹ Maria để ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại, thì mỗi người chúng ta cũng phải đến cậy nhờ Mẹ, để qua Mẹ, chúng ta đến với Chúa Giêsu là nguồn mạch ơn cứu rỗi. Do đó, mỗi người hãy sở hữu một chuỗi Mân Côi để được thân thưa với Mẹ hằng ngày, mọi nơi mọi lúc.

Trong tâm tình đó, chúng ta hãy sốt sáng dâng lên mẹ khúc tâm ca: “Trên con đường về quê, mà vắng bóng Mẹ, con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai…” (Ng.Khắc Xuyên).


johntri
Last Edit: 11 years 6 months ago by Nguyễn Hữu Trí.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31

CN_XVII-TNB - Lễ Mẹ MÂN CÔI 11 years 6 months ago #42699


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
:musicband

Tháng MÂN CÔI: Nhớ lời MẸ NHẮN NHỦ

Thế giới đang đi vào một hoàn cảnh nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là bệnh tình của tâm hồn con người: Lỗi lầm cá nhân tăng. Tội ác tập thể tăng. Suy thoái đạo đức tăng. Người ta huỷ hoại nhau và tự huỷ. Nhiều nơi đang rơi vào nguy cơ tan rã. Quỉ ác xem ra đã thiết lập được một trật tự tội lỗi vững chắc trong thế giới, kể cả những vùng cực kỳ hữu thần.

1_2012-10-04.jpg


Tình hình này đang bùng nổ ra những bất ngờ bi đát. Chúng ta khó tránh được những ảnh hưởng đa dạng của các chuyển biến bi thảm.
Những thời sự gay gắt đang khiến những ai thao thức với sự sống con người và Nước Trời phải băn khoăn. Họ nhớ lại những gì Đức Mẹ Maria đã cảnh báo tại Lộ Đức, tại La Salette, tại Fatima.
Đức Mẹ báo trước những tai hoạ khủng khiếp sẽ xảy ra do tội lỗi chồng chất của thế giới gây nên.

Để làm nhẹ đi những tai hoạ này, Đức Mẹ nhắn bảo các con cái Mẹ hai điều:
Một là hãy cầu nguyện,
Hai là hãy ăn năn sám hối.
Dưới đây, tôi xin phép góp ý sơ qua về sự thực hiện hai điều trên đây.

Cầu nguyện.
Nhìn qua thế giới xung quanh, tôi thấy có những người không hề cầu nguyện, có những người không thích cầu nguyện, có những người rất ít cầu nguyện, có những người không biết cầu nguyện. Bốn hiện tượng này đã khá phổ biến.

Vì thế, khi cầu nguyện, thiết tưởng nên khởi sự từ việc xin Chúa ban cho ta ơn cầu nguyện. Kinh nghiệm bản thân cho tôi thấy: Cho dù tuổi nào, bậc nào, con người ta vẫn cảm thấy ứng nghiệm lời thánh Phaolô viết: “Có Thánh Thần giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Nhưng chính Thánh Thần cầu thay nguyện giúp chúng ta bằng những rên xiết khôn tả. Và Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can, biết Thánh Thần muốn nói gì, vì Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho các thánh đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).

Thực vậy, rất nhiều khi chúng ta cầu nguyện không đúng ý Thiên Chúa. Rất nhiều khi chúng ta cầu xin Chúa làm theo ý chúng ta, chứ chúng ta không sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Hoặc là cầu xin một cách phô trương, kiêu hãnh kiểu Pharisêu, chứ không với cách khiêm nhường kín đáo như người thu thuế.

Kinh nghiệm cũng cho thấy: Biết bao lần cả trong chính khi đọc kinh, dâng lễ, chúng ta cũng có thể sa vào những tư tưởng, lời nói, việc làm sai trái, mà thánh Phaolô đã than: “Sự lành tôi muốn, thì tôi không làm. Còn sự xấu tôi không muốn, thì tôi lại làm” (Rm 7,20). Hiện tượng cầu nguyện với sự nguội lạnh, khô khan, với những tâm tình ghen ghét hận thù, gian dối, tham lam, kiêu căng, tự phụ tự đắc là hiện tượng không phải hiếm hoi gì.

Những việc cầu nguyện như thế chắc chắn không đáp ứng lời nhắn nhủ của Đức Mẹ. Hãy xin ơn biết cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Hãy cầu nguyện theo cách lần chuỗi mân coi như ý Đức Mẹ. Hãy tập cầu nguyện trong thân phận khiêm tốn của người tội lỗi van nài lòng thương xót Chúa tha tội và giúp chúng ta khỏi sa vào bẫy ma quỉ. Hãy cầu nguyện để chúng ta nên giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu.

Ăn năn sám hối.

Chúa đã thương yêu ta từng chi tiết nhỏ. Như thánh vương David nói: “Tạ ơn Chúa đã thương con cách lạ lùng. Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con Ngài không lạ lẫm gì. Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy. Mọi ngày đời được dành sẵn cho con, đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu đời của con khởi sự” (Tv 139,14-16).

Chúa thương ta và muốn ta phát triển theo hướng tốt lành Chúa muốn. Nhưng thực tế cho thấy nhiều khi ta phát triển sai hướng. Tiên tri Baruc nói: “Chúng tôi đã không nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, đã không tuân giữ mọi lời các ngôn sứ Người đã sai đến với chúng tôi. Mỗi người chúng tôi đã cứ theo lòng dạ xấu xa ngoan cố của mình mà phục vụ các thần khác, và làm điều dữ trước mặt Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi” (Br 1,21-22).

Các thần tượng mà nhiều người chúng ta thường đi tìm, chạy theo và tôn thờ là danh vọng, tiền của, thành công, lạc thú, biếng lười. Thần lớn nhất là cái tôi.
Khi Đức Mẹ khuyên nhủ chúng ta ăn năn sám hối, Đức Mẹ muốn chúng ta khởi sự bằng việc đốt nóng lên niềm tin. Tin là gắn bó thân mật với Chúa. Ngài là khởi đầu, là cùng đích và là hạnh phúc của ta. Tin là chấp nhận Lời Chúa là chân lý. Tin là sống theo thánh ý Chúa. Tin là thực thi điều răn: Mến Chúa yêu người.

2_2012-10-04.jpg


Với niềm tin như thế, người sám hối cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn đổi mới. Khi được ơn Chúa Thánh Thần, họ sẽ nhìn thấy rõ hơn những tai hại của tội lỗi, họ sẽ hối hận vì đã xa lìa Chúa. Quyết tâm của họ sẽ không dừng lại ở sự gỡ bỏ khỏi tội lỗi, mà còn ước muốn được sống trong’ tình yêu Chúa. Hơn nữa, họ muốn đi theo Chúa, dấn thân cứu đời.

Dấn thân đòi phải có tinh thần chiến đấu. Trong chiến đấu để làm chứng cho Thiên Chúa tình yêu, nhiều khi tôi có cảm tưởng là phải rất can đảm. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy ơn biết sống dịu dàng, nhân hậu, tế nhị, khiêm tốn và thương cảm còn cần hơn.
Ăn năn sám hối cũng còn đòi tinh thần đền tội. Tinh thần đền tội đi theo tinh thần đức tin và xuất phát từ tinh thần đức tin.

Chúng ta tin chắc rằng: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).
Nếu chính Đức Kitô đã dâng mình chịu nạn để làm của lễ đền tội cho chúng ta, thì không lẽ chúng ta lại được phép dửng dưng với việc đền tội của chính chúng ta.

Hiện nay, việc đền tội được hiểu một cách qúa sơ sài và được thực hiện một cách quá tượng trưng. Tôi thiết nghĩ thói quen đó là không đúng. Chúa Giêsu có lần đã phán: “Giống quỉ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17,21). Lời Chúa dạy trên đây rất có thể áp dụng vào việc đền tội, khi việc đền tội vừa là sửa chữa lại lỗi lầm đã qua, vừa ngăn ngừa ma quỉ trở lại tái chiếm con người sám hối.

Với vài gợi ý trên đây, tôi tin rằng rất nhiều con cái Đức Mẹ khắp nơi sẽ nhìn lên Đức Mẹ. họ sẽ sốt sắng cầu nguyện và sám hối. Chắc chắn Đức Mẹ nhân lành sẽ cầu bầu cho nhân loại đáng thương này.

+GM. GB. Bùi Tuần.
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 6 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012