Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: CN_XVIII-TNB - NƯỚC CHÚA và CỦA CẢI

Re: CN_XVIII-TNB - NƯỚC CHÚA và CỦA CẢI 11 years 6 months ago #42883

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – B

Cùng với mọi tín hữu trên Giáo Hội toàn cầu, chúng ta hân hoan bước vào Năm Đức Tin với tâm tình cảm tạ Thiên Chúa trước Hồng Ân Đức Tin đã được đón nhận. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria và các thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa gìn giữ và làm cho đức tin của mỗi người chúng ta luôn tăng trưởng, sinh nhiều bông hạt trên cánh đồng truyền giáo.


Một cô gái Công Giáo liều mạng ăn ở với một anh ngoại giáo đã có 2 đứa con. Mỗi lần nhắc đến lời hứa của anh là sẽ theo đạo thì anh ta trả lời: Tôi không ăn trộm ăn cắp, tôi không giết người, tôi không nói thề chửi tục… cần gì phải theo đạo ! Và dĩ nhiên 2 đứa con của anh cũng thế.
Cám ơn Chúa, vì nếu đúng như lời anh ta nói thì chúng ta đang được sống với người anh em là 1 công dân tốt. Có điều, cô bạn gái của anh(chưa phải là vợ) và cha mẹ của cô mỗi lần nghe anh nói thế thì xót xa tựa muối bóp trong ruột gan.
Yêu là muốn cho người mình yêu được hạnh phúc; vậy ruột gan xót xa đau đớn như thế thì liệu có phải là hạnh phúc, là yêu hay không?

Chuyện đời của anh chàng ngoại giáo trên đây cũng có nét giống như người thanh niên giàu có được nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Thánh sử Marcô cho biết, từ tấm bé cho tới nay anh ta luôn giữ trọn 10 điều-răn của Chúa (Mc 10,20). Là một thanh niên mà đã giàu có như vậy hẳn anh phải là người rất nhạy bén tinh tường. Anh ta đã ý thức rằng: giữ 10 điều răn mới chỉ là 1 công dân tốt của đất nước Do Thái chứ chưa trở thành một công dân Nước Trời: “Thưa Thầy nhân-lành, tôi phải làm gì để có sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17b). Anh cũng quá hiểu rằng, nên người TỐT mới chỉ là khởi điểm cho một cuộc hành trình nên THÁNH: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên Trời là Đấng trọn lành” (Mt 15,48). Người thanh niên này tin vào lời Chúa Giêsu dạy, nhưng không dám thực hành lời của Chúa. Nói cách khác, điều trở ngại đối với anh để được sự sống đời đời làm gia nghiệp không phải vì anh có quá giàu có, bởi lẽ của cải vật chất chính là hồng ân Chúa ban. Mà điều làm cho anh phải sụ mặt xuống rồi bỏ đi đó là anh không dám sử dụng tiền bạc anh đang sở hữu để mua lấy Nước trời. Anh không biết làm lời những nén bạc Chúa đã trao ban cho anh.

Tin Mừng kể lại rằng, sau khi nghe lời đề nghị của Chúa Giêsu, người thanh niên này đã bỏ đi; bởi vì anh cảm thấy không thể nào thực hiện được theo yêu cầu của Thầy Giêsu. Ngay cả chính Chúa Giêsu cũng cảm thấy sự khó khăn đó, khó như con lạc đà chui qua lỗ kim vậy. Tuy nhiên thật tiếc cho anh, giá mà anh ở lại một chút nữa thôi thì chắc anh sẽ không lầm lũi bỏ đi như vậy; bởi vì ngay lúc đó Chúa Giêsu đã khẳng định với Phêrô rằng: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).Lời khẳng định này chính là một điệp khúc của Thiên Chúa từng được hát lên qua lời Sứ Thần Gabriel thưa với mẹ Maria trong biến cố Truyền Tin: “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Giả sử chúng ta ở trong trường hợp như người thanh niên trên, chúng ta có dám làm theo lời đề nghị của Chúa Giêsu không? Chúng ta có dám nói lời “xin vâng” như mẹ Maria không? Chúng ta có dám lớn tiếng khẳng định: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”(Cv 5,29) không? Hay chúng ta lại tin như đinh đóng cột khi người đời nói rằng:”có thực mới vực được đạo”.

Tin hay không tin luôn là quyết định tự do của mỗi người. Chỉ biết rằng, lời Chúa Giêsu nói với Phêrô và các tông đồ chính là “ lời ban Sự Sống, hữu hiệu, sắc bén” (Dt 4,12), là Đức Khôn Ngoan mà tác giả của bài đọc thứ nhất hôm nay đã xác tín từ ngàn xưa rằng: hơn cả quyền uy, của cải, sức khỏe và sắc đẹp…Ai có Đức Khôn Ngoan, thì mọi sự tốt lành đều đến với họ (Kn 7, 7-11).

Bước vào năm Đức Tin, xin Mẹ Maria giúp chúng ta vững tin hơn nữa vào tình yêu của Thiên Chúa như Mẹ đã tin và đã thực hành.

johntri
Last Edit: 11 years 6 months ago by Nguyễn Hữu Trí.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đỗ Thanh

Re: CN_XVIII-TNB - NƯỚC THIÊN CHÚA và CỦA CẢI 11 years 6 months ago #42855


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
:boat :buom :$ :cry :boat

Giàu: TỐT hay XẤU?

Gm. Arthur Tonne.

Ngày 6 tháng 6 năm 1976. Một người giàu nhất xưa nay đã qua đời, thọ 83 tuổi; ông I. Paul Getty để lại từ khoảng 2 đến 7 tỷ đôla. Sau năm lần ly dị, mấy năm trước đây ông tuyên bố với một người phỏng vấn: “Tôi mong dùng tất cả gia tài của tôi để xây dựng một hôn nhân hạnh phúc. Tôi sợ thất bại. Tôi sợ không thể tạo được hạnh phúc hôn nhân”. Có lần một phóng viên làm ông phải thú nhận là ông đã không đạt được hạnh phúc gia đình. Suy nghĩ vài giây, ông trả lời: “Vâng, thật đáng buồn”. Một lần khác ông xác nhận: Tiền bạc không thể mua hạnh phúc, hơn nữa ông còn tin rằng tiền bạc có bà con với bất hạnh nữa.

Chúng ta nhớ đến nhà tỷ phú này khi đọc câu chuyện người thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay. Người thanh niên giàu có này sống đời luân lý tốt đẹp, nhưng anh cảm thấy thiếu một cái gì. Chúa Giêsu đã nói cho anh điều anh thiếu: “Bạn về và bán những gì bạn có. Giúp người nghèo và bạn sẽ có một kho tàng ở trên trời. Rồi đến theo tôi”. Chàng thanh niên bỏ đi, vì anh giàu có.

Điều này áp dụng cho bạn và tôi làm sao? Trước khi trả lời, chúng ta lưu ý hai sự kiện: Một là từng người một trong chúng ta, không kể giàu nghèo. Chúng ta phải làm điều Chúa Giêsu đòi hỏi người thanh niên: Chúng ta sẽ phải từ bỏ mọi sự chúng ta có – Cái chết.
Hai là có hàng ngàn người nam, nữ trong suốt dòng lịch sử và trong thời đại chúng ta, tình nguyện bỏ mọi sự để làm linh mục, làm tu sĩ nam nữ. Cả một số giáo dân cũng làm như vậy để phụng sự Chúa tự do hơn.

Chúa Giêsu có truyền tất cả chúng ta phải bỏ mọi sự mình có không? Người có mong tất cả chúng ta là tu sĩ không?

Không, hoàn toàn không. Nhưng người truyền chúng ta biết dùng của cải một cách nào đó để đừng quên Cha trên trời, Đấng ban cho chúng ta những cái đó.

Có phải tiện tặn là là sai? Phải chung góp vốn là sai? Để dành tiền phòng khi già yếu? Hay xây dựng gia đình là sai? Không, hoàn toàn không. Cái sai của sự giàu có là tôn thờ, phục vụ và tin tưởng vào đồng đôla vạn năng thay thế cho Thiên Chúa quyền phép.

Khi các Tông đồ hỏi Chúa: “Vậy ai có thể được cứu rỗi?”. Chúa tuyên bố: “Với người ta thì không thể được, nhưng không phải với Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

Như thế người giàu cũng có thể được cứu rỗi, nhưng phải nhờ ơn Chúa giúp. Tôi đề nghị chúng ta hãy xin Cha trên trời giúp chúng ta sử dụng của cải đúng cách, giúp chúng ta ý thức rằng của cải vật chất cũng là hồng ân và ơn huệ của Chúa.

Tôi xin được phép giới thiệu một lời kinh:
“Lạy Cha trên trời, con cảm tạ Cha vì gia đình con đầy đủ và và quá đầy đủ nữa, xin giúp con biết sử dụng của cải theo ý Chúa. Xin giúp con biết chia sẻ cho những người ít hơn hoặc không có. Xin giúp con tiếp tay trong công cuộc của Chúa trên trần gian. Xin giúp con tin tưởng nơi Chúa chứ không phải nơi tiền bạc. Xin giúp con sống rộng rãi với mọi người như Chúa hằng quảng đại với con”.

Bạn đọc kinh này khi dâng bánh và rượu trong Thánh Lễ.
Xin Chúa chúc lành bạn.
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 6 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đỗ Thanh

CN_XVIII-TNB - NƯỚC CHÚA và CỦA CẢI 11 years 6 months ago #42854


  • Posts:3165 Thank you received: 876
  • “Mane nobiscum, Domine, quoniam advesperascit”. (Luc 24:29b)
  • DuySa (MVN)'s Avatar
  • DuySa (MVN)
  • Platinum Boarder
  • OFFLINE
:musicband :$ :boat :search

NƯỚC THIÊN CHÚA và CỦA CẢI (10, 23-31)
Trích "Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux".

Lời từ chối vừa rồi của người đàn ông giàu có (10,17-22) là dịp để Chúa Giêsu giúp các môn đệ hiểu biết thêm. Giữa Nước Thiên Chúa và của cải có sự tương hợp nào chăng? Một lần nữa Chúa Giêsu đảo mắt nhìn các môn đệ (x. 3,34-35) điều này dự báo Ngài sắp sửa đưa ra một lời dạy quan trọng (c.23a). Và đây là lời dạy đó: “ Những người có của mà vào được trong Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!” (c.23b). Phản ứng của đám bạn hữu Chúa Giêsu cho thấy rõ tâm trí họ phản đối không muốn tiếp nhận một sứ điệp như thế (c.24a). Chúa Giêsu buộc phải nhấn mạnh lần nữa lời cảnh giác của Ngài (c24b).

Và để minh họa rõ sự khó khăn này, Ngài đã sử dụng một hình ảnh mà sau này đã trở nên phổ biến: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (c.25). Ở đây rõ ràng Chúa Giêsu sử dụng phép khuyếch đại. Người Đông phương rất thích dùng những kiểu nói khoa trương như thế để kích thích sự chú ý. Và vào thời đó, hình ảnh con lạc đà chở nặng trên mình diễn đạt tuyệt hảo hình ảnh người giàu bị vướng tay vướng chân vì của cải.

Chúa Giêsu rất rành nghệ thuật kích thích cho kẻ khác phải suy nghĩ. Các môn đệ cực kỳ chưng hửng đã đạt ra cho Ngài câu hỏi sau: “Thế thì ai có thể được cứu?” (c.26). Ai cũng biết Maccô thường có thói quen nêu bật “sự ngu muội” của các môn đệ trước lời giảng dạy khó hiểu của Thầy mình. Lần này, họ cũng ráng hỏi xem cho biết có kẻ nào, ở vào những điều kiện giàu có này, được cơ may cứu độ chăng. “Chúa Giêsu nhìn họ (một lần nữa Ngài muốn khắc ghi vào đầu óc họ tư tưởng của Ngài) và trả lời: “Đối với loài người thì không thể được nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (c.27). Lời quả quyết này rất rõ ràng. Ơn cứu độ hoàn toàn vượt qua những khả năng của loài người. Đó là một ơn nhưng không của Thiên Chúa vì chỉ mình Thiên Chúa mới “có thể” cứu độ loài người.

Chắc chắn quan điểm này còn khiến các môn đệ hoang mang hơn lời cảnh giác trước đó nữa. Bằng chứng là phản ứng của Phêrô người đứng đầu trong nhóm họ (c. 28). Nhân danh nhom Mười Hai, Phêrô thắc mắc muốn biết sự dấn thân của toàn nhóm họ theo Chúa Giêsu có được thưởng gì không? Người ta còn nhớ rõ Maccô đã đánh giá cao việc các môn đệ đầu tiên khi vừa nghe Chúa gọi đã bỏ gia đình và của cải để trở thành môn đệ Ngài (1,16-20). Không lẽ lòng quảng đại lớn lao của họ lại vô ích sao? Nếu đám người giàu có, mặc dù lắm của cải vẫn không thể vào Nước Thiên Chúa thì đã dành, còn những kẻ từ bỏ cả những của cải hợp pháp nhất liệu không có cơ may được vào nơi đó? Những kẻ từ khước các người thân yêu và của cải quý giá để gắn bó với Chúa Giêsu thì chắc chắn sẽ lãnh được một phần thưởng không nhỏ. Và lần này Chúa Giêsu lại dùng phép khoa đại theo lối Đông phương. Họ sẽ nhận “gấp trăm”: trăm lần nhiều hơn những gì họ đã từ khước.

Maccô rất ý thức rằng những gì ông viết ra đây tác động mạnh đến tâm hồn các Kitô hữu Rôma của ông. Để hoán cải về với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài (“vì Thầy và vì Tin Mừng”) một số người trong họ đã phải chịu những chia lìa đớn đau với cha mẹ cũng như phải từ bỏ quyền tài sản của mình. Phúc Âm gia nhấn mạnh: theo gương Chúa Giêsu Đấng đã từng hứng chịu những sự chia lìa này, các Kitô hữu đã tìm thấy được trong cộng đoàn Kitô hữu một gia đình mới và những của cải mới (x, 3,31-35).

Ngay từ bây giờ, Chúa Giêsu đã cho họ nếm được chút ít hương vị của diễm phúc tương lai tức “cuộc sống vĩnh cửu”. Tuy nhiên Maccô vẫn nhận thức rõ hiện trạng của các Kitô hữu này không phải là không đen tối. Là người thực tế, Maccô đã chêm “những cuộc bách hại” vào trong chuỗi “phần thưởng” được hứa hẹn! Ông đã đọc lại bằng những từ ngữ tương tự những gì trước đó Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Kẻ nào đánh mất mạng sống vì Thầy và vì Phúc Âm thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (8,35). Đoạn Phúc Âm này kết thúc bằng một câu nói mang dáng dấp ngạn ngữ: “Nhiều người trước hết sẽ thành rốt hết, và những người rốt hết sẽ thành trước hết” (c. 31). Câu này xem ra chẳng liên hệ gì đến những điều Chúa Giêsu vừa mới nói về trở ngại của sự giàu có ngăn cản người ta vào Nước Trời. Đây hẳn là một câu nói “trôi nổi” đâu đó của Chúa Giêsu mà các Phúc Âm gia đã quên mất là Chúa đã nói câu ấy chính xác vào dịp nào. Mỗi người tháp nhập câu nói ấy vào một mạch văn khác nhau (x. Mt 19,30 và 20,16).

Khởi đầu, câu ấy có thể nhắm đến việc thay đổi tình trạng. Những “kẻ trước hết” tức những người Do Thái, thành viên của dân được Chúa chọn, đã không đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu. Họ đã đánh mất đi hồng ân được Chúa chọn. Còn “những kẻ rốt hết” tức đám dân ngoại thay thế chỗ của dân Do Thái, đang ào ạt gia nhập Giáo Hội. Tuy nhiên ở đây đối với Maccô, câu nói lẻ loi này mang một ý nghĩa khác, khá phù hợp với tình cảnh hiện thời. Các Kitô hữu bị bách hại được xếp vào hạng người rốt hết trong nhân lọai! Và họ được hứa hẹn sẽ hoàn toàn thoát ra khỏi tình cảnh hiện tại của họ.

Toàn bộ những gì chúng ta vừa đọc nơi Maccô (10,23-31) hầu như cũng thấy ghi lại trong Phúc Âm Matthêu (19,23-30) và Phúc Âm Luca (18,18-30). Điều đó chứng tỏ đây là một giáo lý rất lâu đời nói về “những cám dỗ của sự giàu có” rất dễ bóp nghẹt Lời Chúa trong trái tim các tín hữu. Tư tưởng Chúa Giêsu khởi từ những của cải vật chất (c. 23-27) để lan rộng đến những mối dây liên hệ gia đình (c. 28-31). Chắc chắn tư tưởng này đáp ứng được những vấn đề đặt ra cho Giáo Hội sơ khai một khi nó bành trướng đến những vùng dễ sống hơn. Cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên đã cố gắng nêu gương bằng cách phân chia của cải chung với nhau đến nỗi ở đó không còn người nghèo nữa (x. Cv 4, 32-34).

Cùng đọc song song ba Phúc Âm Maccô, Matthêu và Luca, chúng ta sẽ thấy các vấn đề liên quan đến “đời sống cộng đoàn” đều được mỗi tác giả gom chung vào với nhau. Chính vì thế mà trong ba Phúc Âm nhất lãm, các ý kiến sau đây về các vấn đề của Chúa Giêsu được xếp chung theo cùng một trật tự – Vấn đề hôn nhân và ly dị (Mc 10,1-12) – Trẻ em và những và những kẻ giống như chúng (Mc 10,13-16) – Kêu gọi người đàn ông giàu có (Mc 10,17-22) – Nước Thiên Chúa và của cải (Mc 10,23-31).

Khuôn khổ mà các chủ đề này được đề cập đến thích hợp thật diệu kỳ với chúng ta. Đây là dịp Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để Ngài cảm nhận ở đó sự từ bỏ chua cay nhất là tức là cái chết. Giữa lần loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn (9,30-31) và lần thứ ba sắp xảy ra (10, 32-34), chủ đề “Con đường đạo” đương nhiên cho phép chúng ta xem xét đến những điều kiện để theo Chúa Giêsu và để được vào Nước Thiên Chúa: đó là sẵn sàng mở lòng tiếp nhận đồng thời sẵn lòng siêu thoát mọi sự để theo Chúa.


Jacques Hervieux
"Ut In Omnibus Glorificetur Deus" (1Pt. 4:11)
duysa93.blogspot.com/
Last Edit: 11 years 6 months ago by DuySa (MVN).
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012