Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay

Re: Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay 11 years 1 month ago #45886

.
Lòng Cha trời cao biển rộng


Có trường hợp sau khi bỏ nhà đi hoang trở về, các cậu ấm cô chiêu cảm thấy tởn tới già, như trường hợp của K. ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Sau khi liên tục chứng kiến cảnh cha mẹ mình cứ xung đột, lại thường xuyên bỏ bê con cái, để lo chuyện làm ăn, nên K. đã bỏ nhà lên TP.HCM đi hoang với một bạn “chat” có cùng cảnh ngộ.

Được chừng 10 ngày, K. cảm thấy nhớ nhà, nhưng không biết làm cách nào trở về, vì trong túi không còn một xu. May thay, nhờ một phụ nữ người Hoa tốt bụng cho 50.000 đồng, K. đã đón xe tốc hành về nhà. Kể từ ngày đó, cha mẹ của K. cũng giảm bớt sự căng thẳng với nhau và chăm sóc anh em K. rất chu đáo.

Tuy vậy, khi tiếp xúc với mọi người, K. cảm thấy xấu hổ vô cùng. Vì theo K.: “Ở nhà có cha mẹ, có chăn êm nệm ấm tội gì không ở, đi hoang chi cho... muỗi cắn và bị mọi người dòm ngó bằng cặp mắt lúc nào cũng đề phòng.” (Người Lao Động)

Câu chuyện trên cũng như dụ ngôn người con hoang đàng trở về hôm nay, (Lc 15, 11- 32) vẫn còn là một đề tài nhức nhối và nóng bỏng trong xã hội hiện đại.

Đi hoang trở về

Người con thứ đi hoang đã sám hối trở về. "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.” (Lc 15, 18-19)

Người cha già cả, dẫu tuổi cao sức yếu, vô cùng hân hoan mừng rỡ, thấy con từ đàng xa, đã lật đật, bước thấp bước cao, chạy đến ôm hôn. Cuộc trở về trở nên sự kiện long trọng, nổi đình đám của một gia đình đang ưu uất, buồn bã, phân ly bấy lâu nay.

Khi vào bước đường cùng, người con thứ mới chạnh lòng nhớ đến Cha già xa xăm. Chàng mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của Cha, khiến cho đôi chân lãng tử quay trở về.

Người Cha lâu nay bị lãng quên, nay kịp thời lóe sáng như ngọn hải đăng, dẫn dắt và cứu thoát chàng khỏi chốn tối tăm, vô vọng. Trong cảnh khốn cùng, tất cả đều qua đi, chỉ còn lại tình yêu, ta có thể sở hữu tình yêu mãi mãi, trong khi những thứ khác thì qua đi. (1Cr 13,8b-10).

Mỗi khi tôi sa cơ thất thế, hoạn nạn hay khốn khổ, sao tôi không nhớ ra, vẫn có Người Cha Nhân Lành, đang mòn mỏi chở đợi tôi tha phương, trở về nương tựa? Việc gì tôi cứ mãi lo âu buồn bã, thất vọng với cõi đời u ám, lọc lừa, bất nhân?

Đi hoang ở nhà

Người anh trái lại, tuy ở nhà mang tiếng là phụng dưỡng cha, nhưng lòng dạ đen tối, chất chứa đố kỵ, ghen tuông, hằn học, khi thấy “thằng con của cha đó” trở về. Anh không thèm nhìn mặt đứa em, đã cải tà quy chánh. Nghe biết chuyện, anh còn nổi giận, không thèm bước vào căn nhà, đang rộn rã niềm vui tái ngộ.

Lòng dạ cố chấp, tánh tình hẹp hòi, nhỏ mọn, đã cản bước chân anh hội nhập vào cuộc chung vui và tha thứ. Tuy anh ở với cha già, nhưng chỉ có thân xác hiện diện, còn tấm lòng, tinh thần anh đã đi hoang từ hồi nào! Hóa ra, anh cũng chỉ thèm thuồng của cải, vật chất, tầm thường, phù vân, như chú em ngày xưa. Anh chỉ mong được một “con dê con,” để tưng bừng liên hoan đánh chén, bù khú với chúng bạn.

Thực ra, anh kiêu căng, tự phụ là đứa con hiếu thảo, ngoan ngoãn, biết vâng nghe người cha. Cho nên, anh mới không hề ngượng mồm, vanh vách kể công: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà…” Anh nào cảm nhận, thán phục, kính trọng, và ca ngợi tấm lòng Người Cha Nhân Lành vô bờ, chứa chan yêu thương, tựa như trời cao biển rộng!

Giọng lưỡi anh chẳng khác chi lời cầu nguyện của người Pharisiêu, huênh hoang, lớn giọng, kể lể công trạng:“Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam bất chính ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18,11-12).

Tôi cũng hay coi thường, khinh miệt người khác sống theo thế gian, chộp giật, mánh mung, cơ hội, háo của, háo danh, tham quyền cố vị… Nào khác chi người anh trong dụ ngôn này, cũng kể lể, so sánh, dèm pha, chê bôi, để tôn mình, khoe khoang lòng đạo đức, tốt lành. Thiệt là quá đáng! Làm sao vui lòng Người Cha Nhân Lành được?

Người Cha Nhân Lành

Các nhà chú giải Kinh Thánh đều tỏ ra bất đồng tình về cái tựa Người Con Hoang Đàng, đặt cho dụ ngôn này, vì làm sai lệch ý nghĩa. Có lẽ lấy tựa là Người Cha Nhân Lành thì phù hợp hơn.

Người Cha nhẫn nhục, chia tài sản cho con thứ, dù biết chàng sẽ phung phí ăn chơi sa đọa. Người vẫn tôn trọng sự tự do của chàng. Rồi sau này lại nhẫn nhục, năn nỉ người con cả, nguôi cơn giận hờn vào nhà chung vui.

Người Cha còn quảng đại nhân từ, quên sạch mọi tội lỗi, mọi lỗi lầm, bất hiếu, không để con thứ kịp nói hết lời ăn năn, sám hối, mà hoan hỉ, vội sai ngay gia nhân hầu hạ, phục dịch chàng. "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết, mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy." (Lc 15, 22-24)

Người Cha nói chẳng khác chi ông chủ tìm lại được con chiên lạc: “Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc.” (Lc 15, 6) Hoặc như bà góa hớn hở tìm được đồng tiền rơi mất: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” (Lc 15, 9)

Tôi khá nhiều khi thất vọng, không nhớ đến Người Cha Nhân Lành, đang mòn mỏi trông mong tôi trở về mái nhà ấm cúng, bình an. Có lẽ vì tôi chủ quan, cho mình đã ngoan đạo, mà thực ra, chỉ giữ đạo hình thức theo luật buộc, theo chân Pharisiêu, mà tâm hồn cứ mãi đi hoang, đi bụi, mãi thèm “con dê con”, mải mê ham vui, mải mê đố kỵ, ganh ghét,…

May thay, bí tích hòa giải đã giúp tôi hoán cải trở về với Người Cha Nhân Lành. Người hằng mong tôi sám hối trở về với tình thương vô bến bờ. Lúc đó, Người mặc cho tôi tấm áo linh hồn mới tinh tuyền, đeo vào tay nhẫn vàng vương quyền, ban cho tôi đôi dép của người tự do, thoát ách nô lệ tội lỗi. Người tưởng thưởng tôi Bữa Tiệc Thánh Thể với chư Thánh Thiên quốc, trong tiếng đàn ca, múa hát tưng bừng của các Thiên Thần hoan hỉ chào đón. Người Cha Nhân Lành chẳng hề tiếc gì, để mừng con trở về vòng tay yêu thương.

Người lạc đường, thất vọng; người không biết đích, vô vọng, người tiến về đích, hy vọng; ở đó con sẽ gặp Thiên Chúa, Cha Nhân Từ đợi chờ con, con sẽ toại vọng. (Đường Hy Vọng, 664)

Lạy Chúa Giêsu nhân lành, xin cho con luôn biết hồi tâm, nhận ra sự dại dột và tệ bạc của mình trước tình yêu vô bờ bến của Chúa.

Lạy Mẹ Maria, xin nhắc nhủ con luôn biết trông cậy vào lòng Người Cha Nhân Lành, để ăn năn, sám hối trở về với Ngài.

AM Trần Bình An
Last Edit: 11 years 1 month ago by Hoàng Văn (Lớp Tôma Thiện).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đỗ Thanh, Vũ Hải (Lớp Tôma Thiện)

Chúa Nhật Thứ IV Mùa Chay 11 years 1 month ago #45877


  • Posts:173 Thank you received: 403
  • Hùng 33's Avatar
  • Hùng 33
  • Gold Boarder
  • OFFLINE
.
PHÚC ÂM: Lc 15, 1-3. 11-32


"Em con đã chết nay sống lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Đứa em thưa với cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: 'Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha" '. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.
"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Đó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó'. Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy' ". Đó là lời Chúa.

SUY NIỆM TIN MỪNG
.
KHÁT VỌNG VÀ THỎA MÃN


Khát vọng luôn diễn tả một thực tế túng thiếu trong đời sống nhân loại. Khát vọng càng cao và càng dài, sẽ thấy mọi nhu cầu và của cải vật chất cũng như tinh thần càng ngắn lại. Kết qủa là tâm hồn con người sẽ không thể được thỏa mãn do các nỗ lực và hưởng thụ trong cuộc sống mình. Người con hoang trong dụ ngôn Người Cha Nhân Lành là biểu tượng cho sự khát vọng nhân loại.

Có thể nói, hưởng thụ để thỏa mãn khát vọng đời sống con người nói chung là một nhu cầu chính đáng, bởi nó luôn tìm hướng về sự thỏa mãn tuyệt đối mà tự nó không thể tìm thấy. Người con hoang đi tìm hưởng thụ là con đường riêng để thỏa mãn khát vọng của anh, nhưng vì giới hạn của những gì anh có đã không thể làm thỏa mãn khát vọng của mình. Phúc âm kể rằng anh tiêu xài phung phí hết của cải trong việc ăn chơi xa hoa đàng điếm. Việc ăn chơi này biểu lộ ý muốn muốn được thỏa mãn khát vọng thể xác và nhu cầu sinh lý. Các thứ nhu cầu này khi vừa được thỏa mãn, liền kêu gọi đòi được tăng thêm, và như thế không có cách nào có thể lấp đầy khát vọng bằng vật chất, ngoại trừ tìm về với những nhu cầu tinh thần, thiêng liêng, hay đúng hơn là tìm về với nguồn hạnh phúc vô biên có thể làm thỏa mãn mọi thứ khát vọng là chính Thiên Chúa.

Qủa thực, người con hoang sau khi đã hết chỗ nương tựa bên ngoài, khi đã đến cuối đường hầm của đen tối khát vọng, anh mới nhìn thấy chút ánh sáng tình yêu loé lên từ lòng nhân từ và sự giàu sang của cha mình. Phải, chỉ cần một chút ánh sáng tình yêu của cha thôi, cũng tràn đầy hy vọng giúp anh can đảm trở về. Cho dù từ nay không xứng đáng được làm con, chỉ cần mang thân phận người đầy tớ, anh cũng không ngại đứng lên tìm về nhà Cha, vì anh biết chút niềm hy vọng và tình yêu ấy có thể cứu anh khỏi tình trạng đen tối thê thảm của mình, mặc dù động lực chính là thoát cơn đói, mà không phải là tình yêu!

Kết qủa của sự trở về với Cha nhân lành đã trả lại nguyện vẹn thân phận làm con cho anh. Có lẽ không còn hạnh phúc nào lớn lao hơn khi được nằm gọn trong vòng tay yêu thương đầy trìu mến của Cha, và được sống trong nhà Cha yêu dấu mà anh đã làm mất! Người con hoang xúc động cúi đầu tạ ơn Cha và hân hoan mặc áo mới bước vào dự tiệc linh đình mà Cha dọn ra đãi con trở về. Khát vọng hạnh phúc của anh đã được thỏa mãn. Thánh Luca cũng kết thúc câu chuyện của anh.

Phải, chỉ tìm về nhà Chúa và sống trong tình yêu của Ngài, mới thấy được giới hạn của các nhu cầu vật chất, và đồng thời cảm nghiệm được sự vô hạn của hạnh phúc mà tình yêu ấy làm thỏa mãn mọi khát vọng của ta. Thiên Chúa là Cha yêu thương nhân lành vẫn chờ những con hoang nhân loại trở về. Ngài luôn kiên nhẫn với tự do mà Ngài đã tặng ban cho chúng ta.

Lm. Raphael Xuân Nguyên

THÁI ĐỘ CỦA TÔI ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA


Để biết được rõ mình là ai trong cách đối xử với Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và là Cha đầy lòng từ bi lân tuất, tôi có thể gặp được mình trong hình ảnh người con thứ, quen gọi là người con hoang đàng, và người con cả trong Dụ Ngôn Người Cha Nhân Lành.

Trước hết hãy định vị họ là ai trong dụ ngôn Chúa Giêsu dạy vào thời của Người. Thời nào trong gia đình cũng có cha mẹ và con cái. Đó là gia đình. Gia đình trong dụ ngôn này xem ra rất đặc biệt, vì thứ nhất hình ảnh người cha chỉ có lòng quảng đại và yêu thương bao la. Con thứ đòi gì cũng cho. Sau khi tiêu xài phung phí đàng điếm đến cực kỳ sa đọa, mất luôn phẩm giá làm người, nó mới tìm cách trở về với cha bằng định tâm ca bài ca con cá để cha thương, nhưng cha già không hề quở mắng, chỉ từ xa chạy lạy ôm con với tấm lòng tràn đầy mừng vui hớn hở, đưa con vào nhà tắm rửa, mặc áo mới, đi giày mới, đeo nhẫn mới, dọn tiệc mừng với lý do duy nhất: Con ta đã chết nay đã sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

Đến đứa con thứ cũng rất đặc biệt, vì nó chỉ thấy có mình nó là trên hết, nên đòi hỏi cha phải cho nó tất cả những gì nó muốn, mà không cần biết đến tình cha con. Nó chỉ biết ích kỷ xài tất cả những gì của cha cho, mà không cần nghĩ đến biết ơn cha mình. Đúng hơn, nó giống như đứa con không cha, không cần cha, hoặc không muốn nhận cha, và như thế càng bỏ cha đi càng xa càng tốt. Và nó đã thực hiện ý định đi hoang ăn chơi sa đọa!
Vai trò thứ ba là người con cả: anh ta phân bì với em. Phân bì đến độ cũng muốn bỏ cha, vì sự ghen tương đã che khuất hạnh phúc mà anh đang có, đó là tình cha mà anh đang tận hưởng, trong khi em mình đã đánh mất từ lâu.

Hiểu vào thời của Chúa Giêsu, (và ngay cả hôm nay) ta có thể nghĩ trước hết về Cha nhân lành trong dụ ngôn là Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và là Cha, nên Ngài là chủ gia đình của cả vũ trụ và toàn thể vạn vật, trong đó có con người. Và trong số con người với đủ mọi giòng giống, màu da, văn hóa, tiếng nói, có cả dân tộc Do Thái lẫn các dân tộc khác, và người Cha đó thương yêu tất cả, nên cho họ tất cả để tiêu dùng. Cứ xem coi cái thế giới và vũ trụ này, người Cha ấy có chỉ định cho một cá nhân, hay riêng một dân tộc nào quyền sở hữu đâu: kẻ nhận biết hay không biết Ngài, Ngài vẫn yêu thương và cho đi tất cả.

Người con thứ có thể được hiểu là tất cả những người chưa nhận biết Cha là Thiên Chúa, hoặc không muốn chấp nhận có Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, hoặc từ chối Thiên Chúa và thay vào đời họ bằng một thứ Thiên Chúa họ thích, hay thẳng tay tôn thờ tạo vật để chống lại quyền năng và tình thương của Ngài! Theo nghĩa này, người ta sẽ nhận ra nhân loại thời Chúa Giêsu và nhân loại thời nay trong hình ảnh người con thứ sẽ giống nhau như đúc. Họ cứ xài của cải cha mình tặng ban một cách nhưng không, đến độ như không còn cảm giác là của Cha, mà là của chính mình đã tạo ra hay tìm được. Họ rất gióng đứa con thứ ở lòng vô ơn, có khi tệ hơn là đàng khác, bởi đứa con thứ trong Dụ ngôn vào lúc thê thảm nhất cuộc đời còn biết nghĩ đến cha, nhưng những đứa con thứ mọi thời chẳng những không nghĩ đến cha mình, ngay cả vào lúc đối diện với số mệnh đời đời, họ cứ thản nhiên lặng lẽ đi vào biển chết của thất vọng! Họ là những kẻ đang tôn thờ vật chất. Đúng hơn họ là những kẻ vô thần đang vô cảm với tình Cha yêu thương là Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành ra họ.

Riêng người con cả trong dụ ngôn vào thời Chúa Giêsu, có thể hiểu là những người Do Thái. Họ là những người may mắn hơn các dân tộc khác, vì chính Thiên Chúa đã mạc khải Ngài cho họ qua các tổ phụ Abraham, Isaac, Jacob,... Đặc biệt đã sai Môsê dẫn họ ra khỏi vòng nô lệ Ai Cập, sai các tiên trì loan báo chương trình cứu độ của Ngài... vì chỉ có Ngài là Thiên Chúa của họ, và không có Chúa nào khác nữa. Sự may mắn ấy đã làm cho họ trở nên coi thường tình Thiên Chúa và có những lúc phân bì so đo đến độ không muốn nhận Ngài Cha mình. Trong quan niệm về Thiên Chúa là Cha của họ đã bị pha trộn những cảm giác và phán đoán của nhân loại và của tà thần. Họ trở thành phản bội và hình ảnh Thiên Chúa trở thành khắc nghiệt. Ngài chỉ là một Thượng Đế vô cảm và hay trừng phạt, khác với những lời loan báo của các tiên tri trong đó Thiên Chúa luôn nhân từ, chậm bất bình và hết sức yêu thương. Và quan niệm của họ càng khác xa vời với quan niệm của Chúa Giêsu về Thiên Chúa nhân lành trong dụ ngôn này. Bởi vì Thiên Chúa là cha ấy chỉ biết yêu thương tha thứ và ban tặng, không thấy phạt hay la mắng chút nào. Không lạ gì người Do Thái đã không thể chấp nhận một Thiên Chúa thương người tội lỗi, nhất là khi họ chưa ăn năn trở về. Không lạ gì họ luôn kết án Con Một Yêu Dấu của Ngài là Đức Giêsu, Đấng đi tìm người tội lỗi và ngồi cùng bàn ăn uống với họ. Và nhất là không lạ chút nào khi họ lên án Người Con ấy bằng án tử thập hình!

Ngày nay Thiên Chúa vần là người cha nhân lành ấy, nhưng ai là con thứ và ai là con cả? Chúng ta có thể hiểu trong Đạo, con thứ là những đứa bỏ nhà Cha và bỏ Cha đi ăn chơi đàng điếm sa đọa. Nói chung là là những người tội lỗi trong quan niệm biết Chúa nhưng phản bội Chúa. Còn con cả là những người tưởng mình đang sống trong tình Cha, nhưng lại hay ganh tỵ và lên án em mình khi thấy Cha thương nó. Họ có thể là những kẻ đạo đức giả hình, tưởng mình thánh thiện khi thấy mình lúc nào cũng ở trong nhà Cha, nhà Chúa, nhà thờ. . .nhưng hở ra là nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian, và sẵn sàng lên án và làm hại kẻ khác, nhất là những kẻ xấu số bất hạnh, những kẻ mà họ cho là không xứng đáng, là tội lỗi, là thù địch. Họ rất giống với những người Do Thái nói chúng, và những người Pharisiêu nói riêng vào thời Chúa Giêsu!

Còn nếu hiểu theo nghĩa ngoài Đạo (Kitô giáo), thì con thứ là tất cả những ai không biết Thiên Chúa, hoậc chối từ, hoặc vô tâm hay chủ ý không muốn biết Thiên Chúa, cho dù đang dùng của cải chính Thiên Chúa dựng nên và tặng ban hằng ngày. Nói chúng họ là những kẻ vô thần duy vật hay duy lý. Họ cũng có thể là những kẻ vì không biết Thiên Chúa, nên sa vòng tội lỗi đến độ vong thân như đứa con con hoang. Và con cả cũng có thể hiểu là những người may mắn nhận biết Thiên Chúa do mặc khải, do giáo lý, do nhận biết bằng lý trí, hoặc may mắn hơn là nhận biết Ngài trong Giáo Hội Công Giáo, hoặc trong các tôn giáo khác, nhưng lại đóng khung trong mớ lý thuyết đạo hay kiến thức của mình, để sẵn sàng kết án kẻ khác là vô đạo, là mất Chúa. Nói chung họ rất ganh với những người khác khi so với quan niệm về đạo hay quan niệm sống của mình; và do đó hay bất mãn với Thiên Chúa vể đủ chuyện trong cuộc đời!

Kết cục chỉ có Thiên Chúa trong vai trò nhân lành là cao cả với các con cái. Dù là thứ hay cả, Ngài vẫn luôn phải đợi chờ, luôn phải năn nỉ, luôn phải thứ tha và ban phát cho chúng tình thương và tiệc mừng Nước Trời. Đến đây tôi có thể nhận tình Cha hay kết án Cha mình, là tùy cách sống và thái độ của tôi. Nếu nhận Thiên Chúa là Cha nhân lành đầy tình thương, thì tôi chắc chắn phải đổi thái độ và quan niệm sống đối với Ngài; đồng thời cũng phải học nơi Ngài biết giang rộng tay ôm lấy em mình, đứa em mà chính mình đã chứng kiến bỏ nhà đi hoang, hoặc đứa em không may mắn như mình đang sa vào chốn vùng lầy tội lỗi và bất hạnh.

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân lành, xin thương giúp con đổi mới cuộc đời trong Mùa Chay thánh này, trở về Nhà Cha là Nước Trời tràn đày tình yêu và niềm vui vô tận, vì chỉ trở về sống trong tương quan tình Chúa, con mới hiện hữu và cảm nhận được niềm vui vô tận tận ấy. Amen

Lm. Raphael Xuân Nguyên
Last Edit: 11 years 1 month ago by Hùng 33.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đinh Cao Thắng, Đỗ Thanh, Vũ Hải (Lớp Tôma Thiện)
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012