Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: EM TÔI ĐÃ SỐNG LẠI

EM TÔI ĐÃ SỐNG LẠI 11 years 1 month ago #45928

Một trong những mối nguy hiểm kinh khủng nhất trong nhân loại hôm nay là mất ý thức về tội lỗi. Vì sao? Mọi giới hạn của luân lý tôn giáo và lương tâm đã làm giới hạn luôn cái tự do – tự tung tự tác- của con người. Nhất là trong giới tôn thờ cá nhân chủ nghĩa, thực dụng chủ nghĩa…những ràng buộc của luân lý sẽ thừa thãi, chỉ còn “thiên chúa của họ là cái bụng” như kiểu nói của Phaolo. Đâu là lời cảnh tỉnh để nhân loại nói chung và chính tôi, nhận ra mình đang đứng trước một hố sâu mà kịp dừng lại?
Mỗi năm vào mùa Chay, phụng vụ sẽ nhắc lại câu chuyện dụ ngôn tựa đề “Người cha nhân hậu”. Các nhà chú giải cũng đã nhiều lần tìm ra ý nghĩa sâu xa của dụ ngôn ấy, nhưng rồi mỗi lúc cái chiều sâu của câu chuyện lại được khai mở thêm theo chiều kích “hiện đại hóa” cho mỗi đòi hỏi của thời đại. Hôm nào đây tôi mới khám phá ra một ý nghĩa của sự sám hối, hôm nay tôi chia sẻ thêm về một khía cạnh khác và hy vọng có được sự đồng cảm!
Từ trong tâm khảm con người, người ta đều coi trọng sự công bằng và dựa theo điều hợp lý. Do đó những điều xem ra không hợp với lý lẽ và sự công bằng thì liền bị ném đá hay phản đối là điều dễ hiểu thôi. Một quy định cho xã hội mà không mà lại không nhằm thăng tiến xã hội thì sao được người sống trong xã hội đó chấp nhận? Chẳng hạn ở Việt Nam gần đây có cái luật là ‘xe chính chủ’. Xét về khía cạnh quản lý thì quy định này hợp lý vì những ích lợi đi theo việc làm này, nhưng ở xã hội Việt nam với hàng vạn những ngổn ngang về bất an xã hội và cuộc sống chưa đạt mức khá giả, thì quy định này không có chút hợp lý nào. Bởi luật không tạo điều kiện cho người sử dụng được dễ dàng áp dụng quyền sở hữu, và lại còn hàng loạt những thủ tục rườm rà khiến người ta nhìn thấy quyền lợi ít hơn thiệt hại. Một quy định, một điều luật mà không dựa vào lý lẽ của tình thương thì lập tức nó sẽ thành phi lý. Luật Cựu Ước cho rằng “mắt thế mắt – răng đền răng” là công bằng, nhưng luật Tân Ước lại công bằng hơn khi lồng thêm vào cái giá trị của yêu thương “ai cho một trong các kẻ bé mọn này uống một chén nước lã vì danh Thầy, người ấy sẽ không mất phần thưởng đâu”. Ly nước lã sao sánh bằng với phần thưởng có Chúa là Tình Yêu?
Người con thứ trong dụ ngôn đã yêu cầu người cha một việc hợp lý. Gia tài anh sẽ được hưởng thì hưởng bây giờ cũng công bằng thôi. Cái vô lý là anh không tận dụng gia tài của mình để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn mà chỉ dùng nó cho chủ nghĩa hưởng thụ.
Người con trưởng buồn bực, phân bua về việc đãi tiệc mừng đứa con hoang đàng cũng hợp lý. Anh thương cha mình bao ngày tháng thất vọng vì đứa con bất hiếu. Anh nhận mình có công chăm sóc hầu hạ cha già khi tuổi đời xế bóng, thế nhưng lại không dám đòi hỏi gì về quyền lợi của mình. Anh có lý khi giận dữ không tham gia cuộc vui ‘cậu em trở về khoẻ mạnh’.
Người cha, hình ảnh của Thiên Chúa nhân hậu, cũng biết lý lẽ của sự công bằng. Nhưng trong ông, cái tình thương dạt dào lại vượt hơn cả cái hợp lý và công bằng đó. Nếu ông chỉ quanh quẩn với cái hợp lý và công bằng thôi, thì số phận người con đàng điếm kia sẽ ra sao. Nếu ông chỉ áp dụng luật công bằng thì liệu người con trưởng có được cái “mọi sự của cha đều là của con” không?
Sống trong tâm trạng của người con bất nghĩa, tôi thầm nghĩ mình còn có phúc quá. Phải chăng tôi đã từng vung tay quá trán, tôi vênh vang vì những thành quả đời mình rồi mải mê trong cuộc vui danh vọng tiền tài. Giả như tôi chưa có được cái hương vị ăn trên ngồi trốc, tôi chỉ là anh công nhân tèm nhèm với đồng lương hẩm hiu sống qua ngày, nhưng có lẽ tôi cũng quá đàng điếm trong các cuộc chơi tình cảm hay thú vui chè chén. Điều đó hợp lý vì tôi có làm có hưởng, nhưng tôi đã quên rằng sau lưng tôi còn quá nhiều mảnh đời thật bi thương. Chỉ vì tôi nhắm mắt không muốn thấy cảnh nheo nhóc của những đứa trẻ vô tội cơm thừa canh cặn, thiếu học thiếu tình thương. Có mấy khi tôi nghĩ đến công ơn của những người đã vắt sức lực cho tôi có được những vinh vang hôm nay? Có mấy lần tôi hồi tâm để nhận ra một sự thật là tôi đã chà đạp, đã giết chết bao hy vọng của những người khốn khổ vì sự thờ ơ vô cảm của mình. Tôi cũng đã nhiều lần tự hào vì mình sống thật công bằng, chẳng xâm phạm gì của người khác, trái lại còn thích làm từ thiện theo kiểu ban phát, rồi lại cũng khua chuông gõ mõ như kiểu mấy cô hoa hậu hay những nhà hảo tâm nào đó để được báo chí ca tụng đăng hình. Những việc bác ái chỉ mang tính photoshop như thế thì liệu tôi có còn đáng vênh vang không?
Nhìn về tình thương của người cha và hơn nữa, người Cha viết Hoa trong ý nghĩa dụ ngôn hôm nay, tôi – chính tôi – phải quay đầu về mà quỳ gối xin tha thứ : con không đáng được gọi là con của cha nữa. Và tôi biết rằng Cha tôi sẽ chẳng dừng lại ở sự công bằng mà đối xử với tôi, mà còn vượt xa trên sự công bằng và hợp lý của tôi, để mặc lại cho cái áo ân sủng mà tôi đã lạnh nhạt chối bỏ khi nhận những chiếc áo vinh hoa thế trần đã từng ngày bị nhàu nát vì thiếu tình thương. Chỉ lúc đó, tôi mới thấy mình sống lại. Và em tôi, tấm linh hồn đã đồng hành với mọi hành vi và suy nghĩ của tôi cũng có cơ hội được sống lại trong tiệc mừng với Cha.

jtrinhan
As for me, living is Christ and death is a gift
Last Edit: 11 years 1 month ago by Trần Minh Trinh.
The administrator has disabled public write access.
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012