Welcome, Guest
Username: Password: Remember me
  • Page:
  • 1

TOPIC: Suy niệm TAM NHẬT THÁNH

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 3 weeks ago #61327


  • Posts:764 Thank you received: 1378
  • Trọn đời con một lời hát khen ca ngợi Hồng Ân Thiên Chúa
  • Hùng 31's Avatar
  • Hùng 31
  • Administrator
  • OFFLINE
Alleluia


Alleluia.JPG

Mừng Chúa nay đã sống lại trong vinh quang, mời anh em nghe lại bản Offertoire Pâques.
Xưa ở Chủng Viện, lễ Phục Sinh nào cũng tấu vang bài nhạc này do nhạc công Bình Chầy hoặc Vương Vĩnh Phúc hoặc Trần Văn Tân ...

Bản hôm nay nghe lại của cha Trần Văn Tân.

www.tcvphaolo.net/media/kunena/attachments/50/OffertoirePques.mp3


www.tcvphaolo.net/index.php?option=com_kunena&view=topic&catid=33&id=48168&Itemid=109&limitstart=20
Last Edit: 8 years 3 weeks ago by Hùng 31.
The administrator has disabled public write access.

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 3 weeks ago #61326



Cám ơn anh Hai Hùng đã cho cái link, không thì chả biết đâu mà mò.
Ông cụ nhà em gốc Bùi Chu, Phát Diệm nên cũng hay tập ngắm ở nhà. Lúc ấy còn bé it chú ý đến nhưng thấy ông cụ cứ I...í .I...ì.... trong những đoạn Ngắm Dấu Đanh nghe thảm thiết lắm.
! :)
Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
Last Edit: 8 years 3 weeks ago by Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco).
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 3 weeks ago #61325


  • Posts:764 Thank you received: 1378
  • Trọn đời con một lời hát khen ca ngợi Hồng Ân Thiên Chúa
  • Hùng 31's Avatar
  • Hùng 31
  • Administrator
  • OFFLINE
.
Mời các quan ôn lại dăm sự thương khó trong dịp Tam Nhật Thánh, post của Hoàng Văn, Tư Loi và cha Tân :

www.tcvphaolo.net/index.php?option=com_kunena&view=topic&catid=22&id=49844&Itemid=109
Last Edit: 8 years 3 weeks ago by Hùng 31.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco)

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 4 weeks ago #61317




Đăng lại bài hát của Lm Nguyễn Duy dưới dạng youtube cho các cụ bấm vào nghe ngay.


Vào những ngày Thứ Năm Tuần Thánh ở chủng viện xưa có nghi thức rửa chân, có năm thì cha GĐ Nhu và có năm thì cha Linh hướng Nhật là chủ sự, Còn 12 ông thánh tông đồ được chọn từ các chú chủng sinh. Cụ Hùng 31,cụ Đinh Cường hay cụ nào còn nhớ mình được chọn để rửa chân không nhỉ ?
Nợ thế, trả chưa tròn một món
Sòng đời, thua đến trắng hai tay
Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa, Hùng 31, Đinh Cường [ Tôma ]

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 4 weeks ago #61316


  • Posts:764 Thank you received: 1378
  • Trọn đời con một lời hát khen ca ngợi Hồng Ân Thiên Chúa
  • Hùng 31's Avatar
  • Hùng 31
  • Administrator
  • OFFLINE
Cám ơn anh Đinh Cường.

Bài đầu của Tam Nhật Thánh với chủ đề YÊU CHO ĐẾN CÙNG

làm nhớ lại Khẩu Hiệu Tông Đồ của Đức Cha Vũ Đình Hiệu . Cha Nhạc sĩ Nguyễn Duy (lớp Tôma) đã sáng tác một bài thánh ca rất thâm thúy đầy ý nghĩa trong cùng chủ đề này :


File Attachment:

File Name: YeuChoDenCung-V.A-2890816.mp3
File Size: 6,100 KB



KhauHuyHieu.jpg
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Đào Đình Hoa, Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco)

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 4 weeks ago #61315


NGÔI MỘ TRỐNG - Suy niệm Chúa Phục Sinh



Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”. Thôi thì hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả trên những nẻo đường truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những tiếng la ó, những lời thóa mạ, phản kháng, và bản án bất công. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con” (Mt 27:46). Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Hãy ngủ yên.

Câu chuyện tưởng đã yên, nhưng mới sáng ngày thứ nhất trong tuần đã bị khua động trở lại. Ngài đã không ngủ yên. Ngài đã chỗi dậy và ra khỏi mồ. Maria Mađalêna và một số phụ nữ đã phát hiện ra rằng ngôi mộ đã trở thành trống rỗng, và thân xác Giêsu đã không còn trong đó nữa. Thế là một lần nữa, những thiếu phụ này lại bị xúc động và sợ hãi: “Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Ngài ở đâu” (Gio 20:2). Ðiều này cũng làm cho các môn đệ đã hoang mang sợ hãi, càng thêm hoang mang sợ hãi hơn. Phêrô và Gioan cũng đã bị lôi cuốn, và muốn tìm ra sự thật.

Những nhân chứng ấy không ai khác là Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan, những người mà liên hệ mật thiết với Ðức Kitô đã được nói đến nhiều trong Tin Mừng (x Gio 20:1-10).
Thời gian là buổi sáng phục sinh, khi mà người, vật còn đang ngái ngủ. Khi ánh bình minh vừa ló rạng. Vào thời điểm ấy, ta mường tượng các phụ nữa kia đang âm thầm và lặng lẽ bước đi trong sương mai, và những cơn gió thoảng buổi sáng đang làm họ se lạnh. Những cơn gió mát, nhẹ nhàng và thoang thoảng.

Không gian là ngôi mộ trống bên triền đồi Golgotha. Nơi mà buổi chiều thứ Sáu thảm sầu, một tử thi đã được chôn cất vội vã!

Và Chúa Giêsu đã sống lại. Biến cố này đã trở thành niềm tin và sức sống mãnh liệt cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin này, và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin này. Nhưng đối với những người như chúng ta, những chứng từ ấy phải chăng vẫn còn là một nghi vấn. Nó có nghĩa gì trong cuộc sống đạo của mỗi Kitô hữu?

Có cần phải tình cảm và xúc động như Maria Mađalêna và những phụ nữ đã có mặt trong buổi sáng phục sinh không: “Thưa ông, nếu ông mang Ngài đi đâu, xin làm ơn chỉ cho tôi chỗ ông đã đặt Ngài để nhận Ngài lại” (Gio 20:15).
Cuộc sống đạo, cuộc sống tâm linh đôi lúc cũng cần được nuôi dưỡng bởi những động lực và thôi thúc tình cảm như thế. Có lúc chúng ta cần phải xúc động khi tham dự những nghi lễ sốt sắng. Cũng có lúc chúng ta cần phải để lòng mình lắng đọng khi gối quì một mình trong thinh lặng tại một góc của giáo đường. Và cũng có lúc chúng ta phải để cho lòng mình thổn thức một niềm cảm xúc trước những vẻ đẹp và sự cuốn hút của Thiên Chúa qua những người, những vật, mà chúng ta đụng chạm tới.

Có cần phải hăm hở và nhiệt tình như Phêrô, như Gioan đã nhanh chân chạy ra mộ để tìm ra những dấu hiệu của cuộc phục sinh không: “Phêrô và môn đệ kia bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Ông không vào trong nhưng cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất” (Gio 20:3-5).
Ðời nội tâm nếu chỉ dựa vào những rung động của tình cảm sẽ dễ trở thành mê tín, dị đoan, nhìn Chúa Giêsu mà lại tưởng là người làm vườn. Hoặc ngược lại, nhìn người làm vườn mà lại cho là Chúa Giêsu, như trường hợp của Maria Mađalêna. Niềm tin, ngoài những yếu tố tình cảm cũng đòi hỏi những dấu hiệu khả tín và dựa vào những lý luận hợp lý. Có lẽ vì phản ứng tự nhiên ấy mà cả Phêrô lẫn Gioan đã hăm hở chạy ra mộ.

Ngôi mộ trống, tự nó, đã có chỗ đứng lịch sử trong biến cố phục sinh. Nếu nó đã bị phá hủy ngay đêm thứ Sáu do lính của La Mã thì mọi chuyện đã đổi chiều. Hoặc nếu đám lính canh của các Thượng Tế gửi tới vẫn còn đang thức khi nhóm phụ nữ đến mộ thì sự việc cũng lại khác hẳn. Nhưng ngôi mộ mà xác thân của Giêsu đã được mai táng, và từ ngôi mộ ấy, Chúa đã sống lại vẫn còn đó, trống vắng, và lạnh lùng. Người ta chỉ tìm được những giây băng, vải cuốn, và khăn liện. Chính vì vậy mà nó đã trở thành một dấu chỉ đầy ý nghĩa của biến cố phục sinh.
Nó cho chúng ta một ý niệm về thái độ dứt khoát với quá khứ. Chúa Kitô đã để lại tất cả những gì thuộc về thế giới kẻ chết như khăn liệm và băng quấn lại cho thế giới của sự chết. Ngài đã ra khỏi mộ và không trở lại. Thân xác Ngài giờ đây là thân xác thần linh, thân xác có thể vào nhà nơi các môn đệ Ngài trong lúc vẫn cửa đóng, then cài. Và đó là ý nghĩa của sống lại, của phục sinh.

Nó còn là một dấu chỉ để con người suy về quá khứ. Một quá khứ với những đa mê và dục vọng. Ðiều này cũng có nghĩa là chúng ta sẽ không ngoái nhìn lại quá khứ và không nên tiếc nuối những gì mình đã bỏ lại. Nếu Thiên Chúa có nhìn đến chúng ta lúc này, thì Ngài muốn nhìn thấy một tinh thần vượt qua từ mồ sâu tội lỗi. Và nếu con người có nhìn đến chúng ta, thì họ sẽ chỉ thấy một chiếc khăn liệm gói trọn quá khứ, và hiện tại là sự đổi mới hoàn toàn. Không luyến tiếc, không ngoảnh mặt lại với quá khứ, nhất là quá khứ từng làm cho con người hư hỏng và sa lầy trong tội, là thái độ mà Chúa Giêsu Phục Sinh muốn thấy nơi mỗi Kitô hữu. Họ cần phải dứt khoát với quá khứ ấy, nếu muốn cùng Ngài phục sinh như Tông Ðồ Phaolô đã khẳng định: “Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh” (Rom 6:5).

Ngôi mộ trống vẫn không nói nhiều. Ngôi mộ trống cũng vẫn im lìm một chỗ không di chuyển. Và ngôi mộ trống cũng vẫn chỉ là một ngôi mộ trống. Nhưng hình ảnh của nó gắn liền với buổi sáng phục sinh, với Maria Mađalêna, với Phêrô và Gioan, và tất cả những ai đang tin vào Con Thiên Chúa - Ðấng xóa tội trần gian - đã chịu cực hình thập giá, và được mai táng trong đó. Và cũng từ ngôi mộ ấy, Ngài phục sinh vinh hiển.
Cuộc sống tôi cũng phải như ngôi mộ trống ngày phục sinh. Có nghĩa là tôi phải trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, và sự sống lại của Chúa Kitô trong cuộc đời mình. Ðể được thế, trước hết ngôi mộ tâm linh này phải đón nhận Chúa Giêsu Tử Giá bằng những chứng từ cuộc sống, và để Ngài làm cho nở hoa, phục sinh trong quyền lực Thiên Chúa. Như vậy, mỗi khi có ai nhìn vào ngôi mộ tâm linh ấy, tức là linh hồn của tôi, họ sẽ khám phá ra không phải là những người giầu tình cảm đạo đức, những người thông thạo giáo lý, hiểu biết; nhưng hơn thế, họ nhận ra một Chúa Giêsu phục sinh và vinh hiển.


Cuộc đời tôi, cuộc hành trình tâm linh của tôi cũng cần phải giống như ngôi mộ trống kia, để tất cả những ai tò mò nhìn vào cũng nhận ra dấu chứng của Chúa phục sinh.
(Trần Mỹ Duyệt)
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31, Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco)

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 4 weeks ago #61314

Học yêu Thánh Giá


Lời ca ngắn gọn mà sâu sắc, giai điệu nhẹ nhàng cho tôi cảm nhận sâu lắng về tình yêu Thánh Giá Chúa Giêsu.

Thánh Giá là chữ T.
Người nằm giang tay chữ Y.
Là tình yêu, yêu đến tận cùng.
Yêu nhân gian chiều ngang.
Yêu đời mình chiều sâu.
Yêu Chúa là chiều cao.
Để tình yêu luôn mãi nhiệm mầu.


Thập giá là chữ T được tạo nên do hai thanh gỗ. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Trên thập giá, Chúa Kitô chịu đóng đinh dang tay thành chữ Y. Tình yêu là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống. Cả ba chiều kích ngang, sâu, cao của thập giá đều quy tụ nơi tình yêu của Đấng chịu đóng đinh. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.

Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Ca nhập lễ ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá đã mượn lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan hát lên: “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Kinh Tiền Tụng đã chú giải: “Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; và ma quỷ xưa chiến thắng nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng con”.

Thánh Bonaventura viết: “Thánh Giá là cây tòan hảo, được thánh hóa bởi Máu Chúa Kitô, mang đầy trái thơm ngon“. Cây Thánh giá còn được phong phú hóa như là một loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy trong lời trong kinh ‘A Rất Thánh Giá’: “Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….Cây thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả. Từ xưa đến nay, cây nào dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh trên cây thánh giá”.

Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16). Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.
Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Chúa Giêsu chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Người yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá,Chúa Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất:Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa. Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên Thánh Giá.Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Từ Thánh Giá Đức Kitô, tình thương chúc phúc thế gian, sự sống chan chứa cho lòng người. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.


Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Last Edit: 8 years 4 weeks ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31, Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco)

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 4 weeks ago #61313


Ơn cứu chuộc ( Thứ Sáu Tuần Thánh )


Chúa Giêsu đã chịu nạn chịu chết vào ngày Thứ Sáu, chúng ta quen gọi là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hay ngày Thứ Sáu chịu nạn. Xưa kia người ta cho ngày Thứ Sáu chịu nạn là một ngày đáng ghét hơn bất cứ một ngày nào khác trong năm, bởi lẽ ngày hôm đó có một người vô tội đã bị kết án tử hình và đã bị giết chết một cách rất tàn nhẫn, bất công. Vì sự kiện đó người ta đã định nghĩa ngày Thứ Sáu chịu nạn là “Thêm một người vô tội được ghi tên vào trang sổ dài trong lịch sử nhân loại, cuốn sổ của biết bao nhiêu người bị tố cáo một cách oan uổng, bị đánh đập, bị hành hạ tàn nhẫn, và có khi bị giết chết”. Theo ý nghĩa này thì quả thật ngày Thứ Sáu chịu nạn là một ngày xấu xa, một ngày đen đủi.

Nhưng đối với chúng ta, ngày Thứ Sáu chịu nạn không phải là một ngày đáng ghét, chúng ta phải nghĩ ngược lại, ngày đó là một ngày đáng ghi nhớ, một ngày có ý nghĩa thật tốt đẹp và hoàn toàn cao cả, một ngày tốt đẹp hơn hết mọi ngày, bởi vì ngày đó là ngày Chúa Giêsu đã chết để cứu chuộc chúng ta, là ngày mở ra một trang sử mới của loài người.
Quả thực, không phải Chúa Giêsu đã chịu thua trước bạo lực, trước rủi ro hay số phận, cái chết của Ngài không phải là một sự thất bại, thua cuộc, nhưng là một sự nghiệp anh hùng và cao quý, vì chỉ có cái chết của Ngài mới có đủ khả năng đền bù tội nguyên tổ và mọi tội lỗi của con người một cách cân xứng, bởi vì tội phạm đến trời thì chỉ trời mới tha được. Hơn nữa, muốn cứu chuộc chúng ta, thật ra Chúa Giêsu đâu có cần phải xuống thế, phải nghèo khổ, phải nhục nhã, phải bị giết chết một cách tức tưởi như vậy, nhưng tất cả những sự ấy Ngài đã lãnh nhận chỉ vì Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến cùng, yêu thương không bờ bến.

Như vậy, không gì chắc chắn bằng Chúa Giêsu đã đổ máu ra chết cho tất cả chúng ta, nhưng cũng không gì chắc chắn bằng Chúa Giêsu đã chết một cách vô ích cho chúng ta nếu chúng ta không muốn tham dự vào công lênh cứu chuộc của Ngài bằng nỗ lực riêng của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã làm bật lên mạch nước, nhưng chúng ta cần cúi xuống mà uống, nguồn mạch Chúa Giêsu sẽ vô ích nếu chúng ta không muốn uống. Nói rõ hơn, ơn cứu chuộc đòi hòi chúng ta một nghĩa vụ, đó là chúng ta phải cộng tác với ơn Chúa, như thánh Âu-tinh đã nói : “Thiên Chúa dựng nên chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta”.
Thực vậy, khi bị treo trên thập giá, trước khi thở hơi cuối cùng, Chúa Giêsu đã kêu lớn tiếng : “Mọi sự đã hoàn tất”. Như vậy, công việc cứu chuộc của Chúa đã xong, nhưng công việc của chúng ta thì chưa xong, chúng ta còn phải luôn luôn kiện toàn đời sống của mình, từ đó chúng ta mới hiểu câu nói của thánh Phao-lô : “Tôi bổ khuyết nơi tôi những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”. Vì thế, chúng ta hãy nhớ hai điều : Thứ nhất, người thế gian thường xét đoán theo hiệu quả, còn Chúa thì đoán xét theo cách thức người ta chu toàn và kiện toàn bổn phận Chúa trao. Nói cách văn hoa, ở đời này, tất cả chúng ta đều là những diễn viên trên sân khấu trần gian, khi màn bi hài kịch cuộc đời hạ xuống, Thiên Chúa không hỏi chúng ta đã giữ vai trò gì mà chỉ hỏi chúng ta đã diễn xuất thế nào về vai trò được trao cho. Thứ hai, khi chấm dứt cuộc sống ở trần gian, có hai câu hỏi được đặt ra : người đời sẽ hỏi : “người ấy để lại những gì ?”, còn thiên thần thì hỏi : “người ấy đem đi được những gì ?”. Điều đó có nghĩa là trong cuộc hành trình trên trần gian, chúng ta có thể đem theo mình nhiều thứ, nhưng khi đến trước tòa Thiên Chúa, chỉ còn những việc thiện đi theo chúng ta mà thôi.

Tất cả những điều tìm hiểu trên nhắc nhở chúng ta : hãy ý thức hơn về ơn cứu chuộc, hãy thấm nhập ơn cứu chuộc vào chính tâm hồn mình, và hãy sống ơn cứu chuộc trong đời sống hằng ngày. Ước mong chúng ta hãy dành nhiều thời giờ trong Tuần Thánh này để suy nghĩ về ơn cứu chuộc của Chúa và sự cộng tác của mỗi người chúng ta để hoàn thành cuộc đời mình. Cụ thể, trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, ngoài việc cầu nguyện, suy ngắm sự thương khó Chúa, ăn chay để tỏ lòng thống hối, chúng ta còn phải xưng thú tội lỗi để tháo những chiếc đinh nhọn ra khỏi tay chân Chúa.
Đinh nhọn đây có thể là những thù hận và vu cáo bất công như những người đầu mục Do Thái đã làm. Đinh nhọn cũng có thể là sự khiếp nhược chối bỏ Thầy hay phản bội nộp Thầy như các môn đệ Chúa đã làm. Đinh nhọn cũng có thể là những sự độc ác vô lương tâm như tên trộm bên trái Chúa đã chê trách Chúa trên cây thập giá. Đinh nhọn cũng còn là những sự dửng dưng, thậm chí hùa theo kẻ mạnh để làm khổ người thân yếu thế cô như đám đông dân chúng đã la to : “Đóng đinh nó vào thập giá”...
Ngày nay chung quanh chúng ta không thiếu những người đau khổ là hiện thân của Chúa Giêsu trên thập giá. Họ chính là những người mắc bệnh nan y mà không tiền chữa trị, hoặc là những người đang chịu đựng những lời khích bác và vu khống bất công của những kẻ thù giấu mặt mà không ai động viên an ủi. Họ cũng chính là những người đang gặp đau khổ như què quặt, đui mù, đi xin ăn mà không biết ngày mai sẽ ra sao...
Chúng ta có thể làm gì ? Hãy cảm thông với họ như các phụ nữ gặp gỡ Chúa trên đường thập giá, hãy giúp đỡ họ như ông Si-mon vác đỡ thập giá Chúa, như bà Vê-rô-ni-ca trao khăn cho Chúa lau mặt, hãy bênh vực công lý như người trộm lành bên hữu Chúa, hãy giải thoát họ khỏi những đau khổ ấy như hai môn đệ xưa đã tháo đinh và cất xác Chúa xuống khỏi thập giá...

Tóm lại, chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ, vậy chúng ta hãy cảm nếm thật sâu xa nỗi khổ đau thân xác và tinh thần của Chúa Giêsu, nhưng đừng quên nhận ra những khổ đau của anh em chung quanh. Càng suy niệm về cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ thấy mình càng yêu thánh giá của Chúa hơn, yêu thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31, Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco)

Suy niệm TAM NHẬT THÁNH 8 years 4 weeks ago #61312

.
YÊU CHO ĐẾN CÙNG ( Thứ Năm Tuần Thánh )


Thánh Gioan viết: “Chúa Giêsu đã thương yêu những kẻ thuộc về Người còn ở thế gian, và Người yêu họ đến cùng”. "Yêu cho đến cùng" không phải chỉ có nghĩa là yêu cho đến giây phút cuối cùng mà còn có nghĩa là yêu hết mình. Đức Giêsu đã dùng hết mọi phương thế để biểu lộ tình yêu của Người và của Cha Người cho chúng ta.

1. Tình yêu của Đức Kitô
Phương cách thứ nhất là mầu nhiệm Nhập thể: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đồng bản tính, đồng quyền năng và đồng vinh quang với Chúa Cha. Nhưng vì thương yêu loài người, Người đến sống giữa chúng ta. Người đã mặc lấy thân xác loài người như thế, mục đích là chia sẻ thân phận yếu hèn khổ đau của loài người và đồng thời thông ban cho loài người thần tính của mình, tức địa vị là Con Thiên Chúa, và cùng với thân tính ấy là sự sống đời đời. Chính Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Qua mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu, chúng ta thấy yêu là đến với loài người, là thông cảm, là chia sẻ.
Phương cách thứ hai mà Đức Giêsu đã dùng để biểu lộ tình yêu của Người, được cụ thể hóa nơi cử chỉ Người quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân là công việc của người nô lệ trong nhà đối với chủ mình. Đó là công việc hèn hạ nhất. Việc rửa chân mà Đức Giêsu làm đây, là một dụ ngôn bằng hành động. Nó diễn tả cuộc đời của Đức Giêsu: Người đã đến trong thế gian, không phải như một ông vua, ông quan, nhưng như một người nô lệ. Chính Đức Giêsu đã nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45). Thánh Phaolô cũng đã diễn tả rất rõ cuộc đời của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).
Thánh Phaolô đã dùng một tiếng rất mạnh: “Đã hoàn toàn trút bỏ”, nghĩa là coi mình là hư không; trong cụ thể, Đức Giêsu đã từ khước vinh quang, quyền lực khi còn sống ở trần gian. Suốt đời Đức Giêsu không bao giờ nghĩ tới bản thân mình: Người đã không bao giờ làm phép lạ để có bánh ăn, có nước uống, hay để tìm danh dự cá nhân… Người đã hiến tất cả thì giờ và sức lực của Người, để giảng dạy dân chúng, an ủi những kẻ liệt lào, chữa lành những người bệnh tật. Cao điểm của cuộc đời phục vụ ấy là cái chết trên Thập giá, mà Đức Giêsu đã trình bày như một cái chết để phục vụ và để yêu thương: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con! Này là Máu Thầy sẽ phải đổ ra để chuộc tội nhiều người”. Hoặc Chúa còn nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu.” Nhìn cuộc đời của Đức Giêsu, được tượng trưng qua việc rửa chân, chúng ta hiểu ra rằng yêu là phục vụ, phục vụ đến độ hy sinh cả mạng sống mình cho loài người. Đó là phương cách thứ hai để Đức Giêsu biểu lộ tình yêu của Người cho chúng ta.
Và đây là phương cách thứ ba: Người đã lập ra Bí tích Thánh Thể để hiện diện mãi với chúng ta. Khi người ta thương mến nhau, thì người ta muốn sống gần nhau mãi mãi, muốn giữ sự trung tín với nhau mãi mãi. Chỉ vì muốn ở với chúng ta mãi mãi, mà Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể để hiện diện với chúng ta, để trở nên lương thực cho chúng ta, để tiếp tục đồng hành với loài người, với mọi người trong cuộc hành trình ở chốn sa mạc trần gian này.
Qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta hiểu được rằng yêu là hiện diện với kẻ khác, giữ sự trung tín vững vàng với bạn hữu của mình. Đức Giêsu Kitô đã yêu các bạn hữu của Người “cho đến cùng” là như thế đó!

2. Noi gương Đức Kitô
Chúng ta là Kitô hữu, là môn đệ Đức Kitô, chúng ta đã cố gắng nên giống “Thầy và Chúa” của chúng ta hay chưa? Chính trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã ban giới răn mới cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Vậy chúng ta phải thực hiện giới răn bác ái huynh đệ theo gương của Đức Giêsu (“Như Thầy đã yêu mến các con”). Theo gương Đức Giêsu, thì trước hết yêu mến là đến với người đồng loại của mình: Chúng ta hãy tự vấn xem chúng ta đã quan tâm đến những người chung quanh chúng ta chưa? Chúng ta đã chia sẻ cho họ phần nào hay chưa trên bình diện vật chất và trên bình diện tinh thần?


11.jpg


Tiếp đến, yêu mến và đặt mình trong tư thế tôi tớ để phục vụ. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có chu toàn bổn phận của mình với tinh thần phục vụ hay không? Trong cách cư xử, nói năng với người khác, chúng ta có khiêm tốn như một người tôi tớ không? Hay chúng ta tự xem mình như người trên, như kẻ cả? Sau hết, yêu mến là chấp nhận ở với kẻ khác, hiện diện với kẻ khác, cộng tác với kẻ khác, giữ sự trung tín vững vàng với kẻ khác.
Theo khuynh hướng tự nhiên, khi chúng ta gặp một chút khó khăn với kẻ khác, là chúng ta muốn co rút lại, chia rẽ, đoạn tuyệt. Chính vì chưa thấm nhuần tinh thần này của Đức Kitô, mà bao đôi vợ chồng khi gặp chút khó khăn, là nghĩ ngay tới việc ly thân, ly dị… Tình yêu của Đức Kitô mời gọi chúng ta phải giữ “chữ tín” đến muôn đời, nhất là trong đời sống gia đình, đời sống vợ chồng.

3. Đức Kitô - sức mạnh của chúng ta

Tình yêu của Đức Kitô không phải chỉ là mẫu mực mà còn là sức mạnh cho chúng ta. Trong dụ ngôn về cây nho, được Chúa kể trong bài diễn từ chia tay, Chúa nói: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4). Chúng ta ở lại trong Đức Kitô, như trong thân cây nho, nhờ đức tin và nhờ vào việc tham dự vào Bí tích Thánh Thể. Chiều hôm nay, khi tiến lên rước lễ, chúng ta hãy ý thức là chúng ta đang được tiếp nhận sức mạnh của Đức Kitô, nhờ đó chúng ta có thể yêu mến anh em chúng ta như chính Đức Kitô đã yêu mến chúng ta.


LM Norberto
Last Edit: 8 years 4 weeks ago by Đinh Cường [ Tôma ].
The administrator has disabled public write access.
The following user(s) said Thank You: Hùng 31, Mai Viết Châu (Lớp Don Bosco)
  • Page:
  • 1


VISITORS SINCE JANUARY 7, 2012